uổi trưa vơ vẩn ngang cái bảng Diễn đàn của trường tôi, lần đầu tiên trong đời sinh viên của mình, tôi đau thót tim vì buồn, vì thấy tâm trạng của mình nằm trong một bài thơ nhảm nhí. Bài thơ nói về cảnh các sinh viên Y6 ra trường, từ giã lan can, căng tin, từ giã cái hồ bao tử đầy rác, từ giã giảng đường chẳng mấy khi vào... Sinh viên Y6 chào hoa tím sân trường, chào bậc thang và để lại vô vàn kỷ niệm trong trường mà một lũ đàn em phải hứng chịu... trong đó có tôi.Tôi đọc xong bỗng thấy trời sao mà âm u, nghĩ thật hãi hùng, tôi sẽ phải ở lại trong ngôi trường này trong ba năm còn lại mà không có anh. Còn anh sẽ thành một bác sĩ mới toanh, mải hồi hộp với công việc và những quan hệ mới trong bệnh viện mà quên béng tôi, một đứa nhỏ vô tình anh gặp.Trong một bệnh viện, nơi lần đầu chúng tôi thực tập chung với Y6 - những người lớn không ra lớn - tôi gặp anh. Một người đẹp, chỉ đẹp thôi, vì cho đến lúc này tôi cũng chẳng nhớ được gì còn lại ngoài đôi mắt, cái miệng... tuyệt vời của anh. Mười sáu tuần trôi qua, chẳng mang lại cái gì ngoài những buổi ngồi căn tin, những trò giận dỗi vớ va vớ vẩn mất thì giờ. Kết cục, anh đánh giá: “Em là đồ trẻ con”, mà anh thì có khá gì hơn đâu?Một trò nhạt nhẽo, vậy mà chiều nay, tôi đau lòng khi ngồi lại bên cái hồ giả, nhìn thấy cái thông báo “Y6 đến ôn tập triết vào chiều thứ Hai”. Không hy vọng gì ở anh bụi đời này trong việc gặp mặt ở trường, tôi đi lại gần cái thông báo, đọc lại dòng chữ ngắn ngủi kia và tưởng như vậy sẽ nhận thêm một tín hiệu từ phía anh. Lúc này, những tiếng “Y6, ra trường. Ký túc xá” đều mang một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Chiều chiều, đạp xe ngang ký túc xá, tôi nhìn nó như nhà của mình dù chưa chắc anh đã coi nó như nhà của anh. X. lúc này trở nên gần gũi với tôi hơn, tôi đã thử tưởng tượng cái thị xã đẹp như mọi người tả, vậy mà anh nói một cách vô trách nhiệm “Anh không để ý”.Tôi kết thúc đợt thực tập bệnh viện sớm hơn anh khoảng một tháng. Ngày cuối cùng, chúng tôi uống nước trong căn tin đầy ruồi, không ai nghĩ sẽ gặp lại nhau, ai cũng hiểu đây chỉ là một mối quan hệ do hoàn cảnh một trăm phần trăm, mong chờ gì ở nó. Do vậy, chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi còn bốn bài thi trước mắt, anh còn kỳ thi lớn, lúc này, có thêm nhau là một điều phiền toái. Ngày cuối cùng, ngồi trong căn tin mà không phải liếc ngang liếc dọc canh chừng thầy, nhìn anh một cách bình tĩnh, lại vẫn là cảm giác thán phục ông Trời, sao lại làm nên người đẹp thế.Tôi nói với mẹ: “Con đổi mười thằng A để lấy một thằng B, đổi 10 thằng B để lấy một thằng C”, thằng C là anh. Đây là một cuộc đổi chác vô căn cứ và thay đổi giá trị theo từng ngày. Thí dụ như hôm nay, tôi chẳng dại gì mà đổi ai lấy anh khi trong bộ quần áo mặc đi học, đi chơi... anh tầm thường như hàng vạn đứa. Vậy là tôi chỉ yêu anh trong cái áo blouse trắng với cái sao bằng bút đỏ, trong khung cảnh bệnh viện với những cuộc “hỏi cung” bệnh nhân. Còn bây giờ, tôi buồn cười vì cái thói trẻ con của mình. Hóa ra anh cũng có lý.Dù vậy, tôi vẫn nhớ đến anh. Mấy ngày nay, trường tôi như một thằng trọc đầu, cây cối bị chặt ngang dọc, gió mưa hun hút hành lang tôi ngồi học bài. Giờ này, ở bệnh viện, anh đang luẩn quẩn giữa đám bệnh nhân và vài đứa Y3 siêng năng đi thực tập thêm. Tôi không tham gia vào cái nhóm này dù rằng tôi luôn nhớ đến nụ cười Nam Bộ của anh, chỉ vì tôi không muốn kéo dài cái việc mà mười sáu tuần qua đã không làm được. Thế cũng hay, chúng tôi sẽ nhớ đến nhau với toàn những điều hay và liệt nhau vào bộ kỷ niệm.Ngày mai là môn thi cuối cùng của tôi. Ngày kia, tôi đã có thể thêm thắt cho anh đủ thứ, về sắc đẹp, về tính nết, về học hành... mà không sợ bị ai thẩm tra lại. Bởi vì ngày kia tôi bắt đầu nghỉ hè, một mùa hè đầy mưa và bùn, chẳng ai thiết ai đâu.Nghỉ hè, anh còn phải ở lại ký túc xá vắng tanh để thi tốt nghiệp. Bây giờ tôi mới phát hiện ra, trên đời này, không cảnh nào buồn hơn là ký túc xá vào dịp hè và tết. Tôi chợt thấy thương cho cái cảnh anh ngồi trong căn tin vắng hoe, hay cảnh anh đang hứng nước ở cái vòi chẳng có ai tranh giành, đợi nước đầy xô mà không có ai nói chuyện cùng. Tôi đạp xe ngang ký túc xá, đã có những phòng đóng cửa, lá rụng tơi bời trong chiều mưa âm u.Rồi tôi buồn cười khi mỗi tối về, ngồi bên cái bàn bừa bộn, tôi ghi lại tình cảm của mình, cũng chấm, phẩy, cũng xuống hàng, chữa cái này, chữa cái nọ. Vậy là, hóa ra, tôi hoàn toàn lý trí trong chuyện này. Tôi quan sát tôi yêu chứ đâu phải tôi yêu? Cuối cùng, những tình cảm vui buồn đến mấy cũng chỉ có thể trở thành kỷ niệm chứ không trở thành kinh nghiệm. Vậy thôi!Tôi tạt qua trường vài phút. Vắng teo và đầy lá. Còn ba năm nữa, tôi ở lại trong cái chùa này không có anh.