Buổi học thêm ở tu viện

     hị gác cổng chuông một tiếng “keng”, tôi đợi một phút và xơ đi ra: “Con vào trước ôn bài, xơ lấy sách vào sau”.
Bước qua cánh cửa sổ để vào sân tu viện sạch sẽ, đi ngang các phòng cũ kỹ nhưng tươm tất, tôi cảm nhận rõ ràng mình đang biến thành người khác. Mọi thứ đều như chậm lại trong tôi, cả nhịp thở, cả nhịp tim đập...
Ngang qua lớp Anh văn của xơ Hòa, tôi chỉ kịp thấy “Quan Công” ngẩng lên nhìn tôi. Rồi hết. Xơ Hòa cho cả lớp lặp lại một câu, giọng đọc nào là của “Quan Công”?
Trời chiều nhưng nóng không tả nổi. Một mình một lớp, tôi bật cho cái quạt bay vù vù trên đầu. Đợi nửa phút, tôi tắt quạt. Một lần xơ đã hoảng hốt vì thấy tôi ngồi dưới quạt như thế này: “Con bệnh mất” rồi vặn lại, quạt quay lờ đờ và từ đó về sau không bao giờ tôi mở quạt khi có xơ.
Xơ dạy Pháp văn cho tôi và Vân, hàng tuần, vào chiều thứ tư. Một sự trùng hợp, tôi và Vân học chung một trường, tôi hơn nó một lớp. Vân kín đáo, tóc dài, nữ tính đầy người. Xơ dặn: “Các con đừng đưa học phí, xơ dạy cho vui”.
Xơ vào, nhẹ nhàng, tôi không nghe tiếng dép. “Con đi từ trường tới?”. Tôi dạ, nghe như không phải tiếng mình. Xơ cười hiền lành “Con có mệt không? Có khát không?” “Dạ, không” và tôi cũng cười, tôi vừa đi uống cà phê về. Xơ đi lau bảng, lo lắng hỏi: “Sao Vân chưa tới, nó bận thực tập hả con?” “Dạ, con không rõ”. Xơ quay lại tôi, một vết phấn dính trên má: “Mấy con bận mà đi học thêm được như thế này là quý lắm, có mất thì giờ lắm không con?” “Dạ, không”. Tôi cười và thấy thương xơ, xơ nghĩ tôi là người biết tiết kiệm thời giờ.
Chiều nay, vừa chui vào một góc thư viện, đang loay hoay chưa biết nên đọc cái gì thì Vỹ đến: “Cà phê, Hoàn?”. Tôi bảo: “Mới đi với tụi nó về” “Thêm một cữ cũng chẳng chết ai”. Tôi để bút vở lại, đi ra, hai bà thủ thư hấp háy nhìn theo. Vỹ hỏi: “Hoàn không mang giỏ theo?” “Khỏi” “Chắc không có gì?” “Có nhưng chẳng đứa nào thèm lấy đâu”. Vỹ lắc đầu cười. Hai đứa vào một quán cạnh trường, đi bằng cửa sau. Một ông cụ đứng chống tay ngang cửa. Vỹ nhìn ông, không nói, ông già thả tay xuống và chúng tôi vào. Hai tiếng sau, tôi đến lớp với xơ.
... Đợi xơ chuẩn bị, tôi nhìn vơ vẩn ra cửa. Một không gian hiền lành với cây mai tứ quý, vài bể cá. Một cái nhà kiểu cổ quét vôi vàng, mái ngói với xơ Khánh ngồi bên cửa sổ đánh máy, nhẹ nhàng. Và tôi nhớ một lần xơ bảo: “Tu là khó lắm, nhưng khi đã quen thì thanh thản lắm”. Tôi yêu chữ “lắm” sau nhưng biết chắc rằng mình không bao giờ có thể vượt qua chữ “lắm” đầu.
Xơ bảo: “Vân nghỉ, con đọc bài một mình nhé!”. Một mình, tôi đóng ba vai của một màn đàm thoại nho nhỏ. Nghe bên lớp xơ Hòa, học trò chào rồi tiếng xe đạp va nhau. Tôi liếc ra ngoài ô cửa, “Quan Công” nấn ná bên hồ cá nhìn vào, mặt nó đỏ lên, tôi rủa: “Thằng khùng, xơ tó bây giờ” rồi tôi lạ lùng sao mình vẫn đọc bài đúng...
Xơ bảo: “Học bài mới. ‘Những khu vườn’. Vườn nhà con có rộng không?”. Rồi xơ mơ màng nhìn ra ngoài cửa, chỗ cây mai tứ quý nở những cánh hoa cứng quèo: “Vườn nhà má xơ rộng lắm, trẻ con hay vào phá trộm. Tuần sau xơ về thăm một chút. À, vậy con báo Vân nhé, tuần sau tụi con nghỉ”. Tôi không muốn quay về bài học ngay, một điều lạ lùng mở ra trước tôi: “Xơ về bà chắc mừng lắm?” “Mừng chứ con! Bà sống một mình. Xơ về, bà bắt xơ ăn đủ thứ, suốt ngày uống nước đậu rang”. Tôi tưởng tượng cảnh xơ về nhà, ngồi lại cái ghế, nằm lại cái giường ngày xưa... và tắc lị, tôi nhìn xơ cười, xơ bảo: “Học bài”.
Xơ đọc trước một lần, tôi cố giữ thật im lặng không cắt ngang, tưởng như qua quyển sách cũ kỹ này, với những đoạn văn chi li không điều gì có thể bắt bẻ được, xơ quay về một cách mơ hồ những ngày sống ở nước ngoài, gần hơn nữa là những năm tháng mà trong tay của tu viện có riêng một trường nữ tư thục rộng lớn và ngăn nắp.
Đọc xong, xơ nhìn tôi, ấy là xơ quay lại với con bé một tuần một lần đến lớp học thêm lặng lẽ của xơ. Ngôi trường rộng lớn xưa kia giờ là trung tâm dạy nghề cho học sinh từ các trường phổ thông trung học khác đến, bọn con gái học may, học thêu, bọn con trai học điện, học đục đẽo... Và xơ nhăn mặt bảo tôi: “Xơ nghe tụi nó làm ầm ầm trong phòng học. Tiếc lắm. Bao nhiêu là phòng học... Sao không lấy một trường xấu xí khác để dạy nghề?”.
Rồi xơ giảng bài, tôi ghi từ mới. Ngoài kia, trên bờ tường đầy rêu chỉ còn một tí nắng chiều vắt lại. Bài học này như một người dẫn đường dẫn tôi về lại cái vườn nhà Vỹ ở quê, tôi về chơi ngày chủ nhật. Nhảy qua những con mương nhỏ khắp vườn, trẻ con thập thò bên hàng rào nhìn tôi lạ lùng. Thế giới riêng này chưa lần nào tôi kể xơ nghe. Khi xơ hỏi: “Con có người yêu chưa?” Tôi trả lời: “Con chưa có và con không thích”. Trước xơ, tôi cảm thấy thế thật.
6 giờ tôi về và xơ đi đọc kinh. Một hồi chuông nhỏ rung báo giờ. Lần nào cũng vậy, khi ra cổng, tôi tự nhủ: “Mình sẽ đi tu”.