Giáng sinh trắng…

    
ước ra khỏi ga xe lửa Innsbruck, trước mắt tôi ngập tràn những tuyết là tuyết, phủ trắng rặng núi Alps hùng vĩ nước Áo phía xa và nhỏ giọt xuống những cây dẻ trụi lá vươn cành khẳng khiu lên nền trời xám nhạt như câu hát “ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ, và câu hát về ru mình trong giấc ngủ vừa…” ( ).
Sáng nay, khi Alastair chở tôi ra sân bay London Stansted, mưa quất rát rạt vào cửa kính xe, anh bảo “Vậy là năm nay ở miền Nam không có tuyết rồi, Uyên thấy chưa, trời đang ‘ráng’ đổ tuyết mà có được đâu, chỉ toàn nước mưa!”.
Radio lúc đó chuyển sang bài “Wake up! It’s a beautiful morning!” (Dậy đi! Thật là một buổi sáng đẹp biết bao!) làm cả hai chúng tôi cùng bật cười vì cảnh vật ngoài trời trái ngược hẳn. Bầu trời nặng trĩu, giận dữ trút hàng vạn xô nước xuống những chiếc xe đang chạy vùn vụt trên đường. Alastair lại chậc lưỡi tiếc rẻ “Uyên sướng quá, nghỉ Noel ở Áo tha hồ trượt tuyết nhé! Lại còn được gặp bạn trai”.
Chỉ còn hai ngày nữa đến giáng sinh, không khí lễ hội ở Áo đã tràn ngập. Mới bốn giờ chiều nhưng trời mùa đông châu Âu sập tối nhanh, đã không nhìn thấy rõ mặt người, đèn trang trí trên cây thông trước cửa những ngôi nhà gỗ xinh xắn bật sáng nhấp nháy. Trên ống khói những quán rượu còn có cả ông già Noel bằng bông to bằng người thật đang lồm cồm tìm đường chui xuống, miệng cười vui vẻ và giỏ quà nặng trĩu trên vai.
Đâu đó từ một cửa sổ bên kia đường vẳng ra một bản nhạc thánh thót của Mozart, nhạc sĩ thiên tài người “địa phương” (Mozart sinh ra ở Salzburg chỉ cách Innsbruck hai tiếng đồng hồ xe lửa), ngân vang trong buổi chiều như những giọt tuyết rơi lên ngón tay tinh khiết. Tôi vốn không biết nghe nhạc cổ điển, nhưng vào buổi tối chập choạng ở thành phố xinh đẹp vùng Tirol ( ) này, tiếng nhạc làm tôi ngẩn ngơ mãi cho đến khi một chiếc xe buýt ngừng lại nơi trạm tôi đang đứng chờ. Tôi hăm hở kéo vali và ba lô lên xe, tôi sẽ ở Innsbruck một mình tối nay trước khi sang Feldkirch nghỉ lễ giáng sinh cùng gia đình Daniel.
Tôi không muốn kể lại vì sao tôi đã bị mất cắp trên chuyến xe buýt ấy, toàn bộ ba lô trong có hộ chiếu, hai máy ảnh, thẻ sinh viên, 150 euro và rất nhiều quà Noel cho gia đình anh. Cảm giác bàng hoàng khi khám phá ra điều ấy làm tôi giận đến nghẹt thở. (Sau này xem phim “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” bản mới của Disney, đoạn nhà khoa học khờ khạo người Anh Phileas Fogg bị lừa lấy cắp hết hành lý ở San Francisco ai cũng cười rộ lên trong khi tôi buồn thiu vì nhớ lại hoàn cảnh tệ hại tương tự của tôi ở Innsbruck).
Tôi không còn một mẩu giấy tờ tùy thân; thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng mang theo để rút tiền cũng mất nốt và trong túi chỉ còn lại vài euro tiền xu đủ để ra buồng điện thoại công cộng gọi về ngân hàng ở Anh báo hủy thẻ.
Anh chàng cảnh sát trẻ ở đồn cảnh sát thành phố có khuôn mặt hiền lành, hai má bầu bầu phúc hậu. Anh chăm chú nghe những câu nói rời rạc vô nghĩa của tôi, ân cần “Trông cô không được khỏe. Chúng tôi đã ghi lại những gì cô nói và sẽ cố gắng, nhưng có lẽ cô nên về nghỉ, sáng mai quay lại đây sẽ bình tĩnh hơn”. Rồi thấy vẻ hoảng loạn của tôi, anh từ tốn: “Ngày mai khi cô trình bày rõ hơn, chúng tôi sẽ cấp một biên bản cảnh sát, có nó cô sẽ làm lại được hộ chiếu”, ngưng một chút, anh bảo “Tôi có Internet ở đây, cô có muốn email cho công ty bảo hiểm du lịch hay ai đó không?”
Tôi mở hộp thư, thấy có một email của Daniel. Anh vẫn còn đang ở Zurich, dặn dò tôi giữ ấm và vẽ ra thật nhiều dự định trang trí cây thông, đắp người tuyết trong khoảng sân sau nhà. Email của anh làm tôi tủi thân, lại nhớ ban sáng ở sân bay, tôi quay lại còn thấy Alastair đứng nhìn theo tôi khuất sau màn mưa nước Anh mịt mù.
Tôi muốn khóc nhưng không khóc được, tim thắt lại cảm giác tê buốt khó tả khi thấy mình quả “khôn nhà dại chợ”, chỉ giỏi ăn hiếp bạn bè người thân trong khi ra đường bị người ta lừa quá dễ dàng. Tôi cúi xuống, gõ mail trả lời anh "Bị mất cắp ở Innsbruck. Gọi điện cho em ở nhà nghỉ, số điện thoại... " rồi buồn bã chào anh cảnh sát, kéo chiếc vali còn lại trên tuyết lạo xạo dưới chân.
Bây giờ tôi mới thấy lạnh, cái lạnh xuyên qua mấy lớp áo dày thấm vào da thịt làm tôi run rẩy, những ngón tay tê cóng. Tiếc rẻ những ngày cuối năm ở Sài Gòn mát mẻ 27-28 độ đã xa, tôi quấn thêm một lớp khăn lông, lẩn thẩn vừa đi vừa nghĩ có khi nào vì không còn hộ chiếu nữa sẽ không về được VN, không về được cả Anh nữa, phải ở lại đây rửa chén chẳng hạn?
Viễn cảnh đó làm tôi nhìn mùa đông nước Áo không còn thấy xinh đẹp nữa, tuyết ban nãy nhìn trắng muốt mịn màng là thế, bây giờ dưới ánh đèn đường vàng trông rõ vết bánh xe hơi, vết giày để lại những đường xám đen. Con bạn thân đanh đá của tôi, biết chuyện này thế nào cũng sưng sỉa "Dập mặt chưa em? Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ đoán trước như kết quả quốc gia nào nhiều huy chương vàng nhất mỗi kỳ SEA Games đâu!". Tôi ngẫm nghĩ, có lẽ tôi đã "dập mặt" thật.
oOo
Tôi ngủ một giấc rời rạc. Giật mình dậy chỉ mới hơn ba giờ, nhưng nhớ lại những gì xảy ra hôm qua tôi buồn quá không ngủ lại được nữa, nằm chong mắt đến sáng. Tối hôm trước về đến chỗ ở, tôi không còn một xu dính túi theo đúng nghĩa đen. Bà chủ nhà nghỉ nhìn tôi ái ngại, hỏi bằng tiếng Đức ( ) mà vốn liếng ít ỏi của tôi hiểu bà hỏi đã ăn gì chưa.
Lúc đó tôi mới nhớ mình chưa có gì vào bụng từ sáng: chuyến bay bị trễ, mấy tiếng đồng hồ trên xe lửa cộng với sự việc vừa xảy ra làm tôi mệt mỏi, như thể vừa mới xong một chuyến đi dài, rất dài, về nhà thấy cửa khóa trái im ỉm mà mình lại quên không mang theo chìa khóa.
Tôi gọi món súp trứng và được mang lại một chén súp thật to có nguyên quả trứng gà nóng sốt, rắc rau mùi xắt nhuyễn, bà xua tay nhất định không lấy tiền. Tôi cảm ơn bà, vừa ăn vừa quan sát xung quanh bằng cặp mắt buồn rầu. Ở bàn bên cạnh hình như có tiệc sinh nhật, mọi người có vẻ là dân ở đây, đang cười nói vui vẻ không chú ý đến tôi lôi thôi lếch thếch. Phía sau lưng tôi, những du khách người Bắc Âu đang trò chuyện với nhau ríu rít như chim hót. Tự nhiên tôi thèm được như họ quá chừng.
Bà chủ bước đến, nhìn tôi bằng cặp mắt xanh thẳm, nói gì đó tôi không hiểu rồi quay sang nói to với bàn đang có tiệc sinh nhật. Không biết bà nói gì mà một cô gái tóc vàng khoảng 28, 29 tuổi quay qua tôi nói bằng tiếng Anh: "Bà đây nói cô bị mất cắp, nhờ chúng tôi xem có giúp được gì cho cô không. Tôi biết tiếng Anh, nếu cần gì tôi sẵn sàng giúp".
Tôi mừng rỡ, buông muỗng súp đang ăn xuống "Vậy hả? Chỉ dùm em văn phòng Lost & Found ( ) đi". Cô gái tên Sylvia bước hẳn sang bàn tôi hỏi han tường tận rồi hứa sẽ dẫn đến văn phòng Lost & Found và cả đồn cảnh sát ngày mai.
Daniel gọi điện đến cho ông chủ nhà nghỉ, dặn ông đưa trước cho tôi hai trăm euro dùng tạm để anh chuyển tiền về trả ông sau, rồi an ủi tôi đang mếu máo "Mọi việc sẽ ổn thôi mà! Ngày mai gặp lại sẽ đền, chịu chưa?".
oOo
Tôi hy vọng kẻ cắp sau khi lấy hết tiền bạc và đồ quí giá sẽ ném ba lô có giấy tờ và hộ chiếu của tôi đâu đó, có người nhặt được mang đến văn phòng Lost & Found. Nhưng ở đó người ta tìm mãi không thấy ba lô tôi đâu nên tôi buồn bã để lại địa chỉ email và số điện thoại rồi đến đồn cảnh sát.
Anh cảnh sát trẻ có khuôn mặt bầu bầu tôi gặp hôm qua không thấy đâu, người trực không nói tiếng Anh lưu loát và tôi thật biết ơn Sylvia đã sốt sắng phiên dịch cho tôi trong suốt hơn một tiếng đồng hồ ở đó, nơi ông cảnh sát già cắm cúi gõ máy vi tính lạch cạch, hỏi đi hỏi lại những chi tiết rời rạc trong câu chuyện chiều hôm qua trên chuyến xe.
Hai đầu gối tôi như muốn khuỵu xuống vì mệt và thiếu ngủ, lại phải cố gắng nhớ lại những điều chỉ muốn quên đi. Khuôn mặt Sylvia những khi quay sang tôi thỉnh thoảng lại mờ nhạt như từ một nơi nào đó rất xa, tiếng nói của tôi nghe cũng xa xăm như của ai khác. Tôi cầm tờ biên bản ông cảnh sát vừa in ra đưa, gấp lại giữ khư khư như bùa hộ mệnh. Sylvia cảm ơn ông rồi kéo tay áo tôi "Có biên bản rồi, hy vọng lấy được tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm, em có mua bảo hiểm du lịch chứ? Chỉ tiếc nhất hộ chiếu, chắc là nhiều kỷ niệm hả?".
Để cảm ơn, tôi mời cô vào một quán nước ven đường. Innsbruck rất đẹp, những ngôi nhà cổ hẹp sơn màu pastel tươi tắn trong tuyết trắng phau. Bây giờ là mùa đông, mấy tháng trước đây những ô cửa sổ và bao lơn bằng gỗ vùng Tirol này hẳn nở đầy hoa tươi như trong những tấm postcard của Innsbruck tôi từng xem, và vỉa hè hẳn cũng tràn ngập những bộ bàn ghế kê san sát với những người dân địa phương thong thả uống trà, nhấm nháp bánh ngọt và đọc báo.
Chúng tôi ngồi xuống một bàn gần lò sưởi kiểu xưa, những trái thông khô nổ lép bép bắn những tia lửa li ti và thanh củi gộc lớn đang cháy đỏ rực tỏa hơi ấm khắp gian phòng. Tôi nhìn quanh, nghĩ bụng nếu có khoai lang bỏ vào than nướng thì ngon biết mấy.
Chúng tôi uống cà phê khói bốc nghi ngút kèm những chiếc bánh còn nóng hổi thơm phức mùi bơ. Bên ngoài cửa sổ, dòng người đi mua sắm vẫn tấp nập. Một chú bé chừng hai tuổi, má tròn đỏ au như hai trái táo chín, được mẹ đẩy trên xe cứ nhất định đòi xuống đi bộ trên tuyết rồi khóc lè nhè. Mấy cô gái trẻ xem chừng là học sinh cấp ba tay xách nách mang những giỏ giấy lớn đựng đầy quả châu, dây kim tuyến và những ngôi sao vàng sao bạc.
Tôi không buồn không vui, nhìn thành phố một cách hờ hững. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ lên tàu về với Feldkirch, một thị xã nhỏ ngái ngủ ở miền Tây nước Áo gần biên giới Thụy Sĩ, bỏ những kỷ niệm buồn ở đây lại đằng sau. Sau những ngày dài dằng dặc chờ đợi, ở nhà Daniel, tôi sẽ có một giáng sinh trắng (white Christmas) đúng nghĩa với tuyết trắng xóa đồi núi cánh đồng, sẽ buộc những dải lụa đủ màu lên cây thông, ăn gà tây quay nhồi nấm hương và cá tươi mới bắt được ở hồ Constance nấu súp.
Chuyến tàu OBB trước đêm giáng sinh chật như nêm. Tôi lên tàu trễ phải đứng chen chúc ngay lối đi giữa các khoang cùng những sinh viên trẻ về nhà nghỉ đông và những người đi làm mặt đồ vét xách laptop lịch sự.
Đứng mỏi chân, tôi ngồi thu lu lên vali, thỉnh thoảng phải đứng dậy nép qua một bên cho người soát vé đi ngang, ông chẳng buồn kiểm tra vé chúng tôi mà đi thẳng qua các khoang xe lửa, có lẽ vì thấy mọi người không có chỗ ngồi tội nghiệp. Tôi ngồi gặm bánh mì mới mua được với giăm bông xắt mỏng cho nhiều ớt cay xè, vừa ăn vừa buồn thiu (mãi sau này tôi có mua loại bánh mì tương tự về mới được Daniel cho biết loại này còn sống, phải đem nướng trong lò trước khi ăn).
tôi đứng dậy tì mặt vào khung kính cửa sổ tàu, nhìn làng mạc miền quê êm đềm như tranh vẽ vút qua.
Tuyết bắt đầu rơi trở lại, ban đầu còn lất phất, sau nặng hạt dần. Những bông tuyết li ti bay xiên như những giọt nước mắt bị gió thổi bạt đi. Chỉ còn vài tiếng nữa đến giáng sinh, khi tàu ghé vào một ga xép nhỏ dọc đường, cửa tàu mở ra và không gian tràn ngập bản “Silent night” bằng tiếng địa phương da diết. Bản nhạc này đến nay đã nổi tiếng thế giới, cứ mỗi độ Noel lại vang lên từ những khu phố Manhattan hào nhoáng trong lòng New York nhộn nhịp sôi nổi tới những nhà thờ trong một ngôi làng Việt Nam xa xôi hẻo lánh, nhưng mấy ai biết được nó ra đời mấy trăm năm trước từ nước Áo yên ả thanh bình đẹp như tranh vẽ mùa đông?
Khi Daniel đón tôi ở sân ga chở về nhà ba mẹ anh, trên con phố xa xôi dẫn lên đèo phủ đầy tuyết của đất nước mơ màng ấy, tôi lại nghe lại bài hát này lần nữa. Những câu hát giáng sinh tôi không hiểu hết lời từ radio trên xe bỗng ngân lên trong tôi như những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên tuyết rồi tan đi, tan đi...
Tôi muốn gửi những lời cảm ơn chân thành nhất của tôi đến Sylvia ở Innsbruck đã dẫn tôi đi lấy chứng nhận của cảnh sát; Đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh tại Vienna, đặc biệt là cô Ruth-Sinclair Giám đốc Hội đồng Anh ở Áo ngay cả khi đang đi nghỉ cũng dành nhiều thời gian giúp đỡ tôi tận tình trong việc lấy lại giấy thông hành về lại Anh; cũng như chú Thomas và Daniel đã chở tôi đi suốt mấy ngày liền để làm lại giấy tờ.
Cũng xin nhắc nhở các bạn độc giả khi đi du lịch ở đâu cũng phải mua bảo hiểm du lịch, nhưng quan trọng nhất phải giữ hộ chiếu kỹ “như giữ con ngươi trong mắt mình”, phải mất hộ chiếu một lần ở nước ngoài mới biết được khổ sở đến chừng nào bạn ạ!