im thức giấc khi trời chưa sáng hẳn. Nó không muốn rời khỏi cái nơi ấm áp, mến khách này, ở đó không có ai quấy rầy nó. Nó cảm thấy như sức lực có tăng thêm. Nó thử đứng dậy, nhưng đứng ngay dậy thì không được. Nó ngồi xuống vậy. Cái đó thì được, nhưng vẫn còn chóng mặt (chẳng khác gì lần ở ngoài đồng sau cái cú đá vào ngực). Các bức tường như ngả về một phía, tay vịn cầu thang thì rung rinh, còn các bậc thềm của cầu thang hòa lại với nhau thành một khối dày đặc và co giãn như một cái đàn gió, ngọn đèn trên trần cũng chao đảo theo cái hầm. Bim ngồi chờ xem điều gì sẽ đến với nó, lúc này nó ngồi đầu cúi xuống. Cơn chóng mặt chấm dứt một cách đột ngột cũng như khi nó xuất hiện. Bim bò lết bụng theo cái bực thềm đi xuống. Cánh cổng hóa ra vẫn mở. Bim bò ra cửa, nằm nghỉ một tí ở ngoài không khí lạnh, rồi gắng gượng đứng lên. Nó đang trong trạng thái giáp ranh của sự mất trí hoàn toàn, vì thế cho nên, không cảm thấy đau đớn, và tuân theo một ý nội tâm của loài chó rất bí ẩn đối với con người, nó lảo đảo bước đi như mắc bệnh dịch hạch. Chưa chắc Bim đã đi nổi về tới nhà, nếu không gặp cái hố rác có một chú chó con đang bới. Bim tiến lại rồi ngồi xuống. Chú chó con lông xù và dơ dáy đến ngửi Bim rồi vẫy đuôi. - "Anh đi đâu đấy?" - Con Xù hỏi kiểu như vậy. Bim lập tức nhận ra ngay con Xù - nó đã bắt quen với chú chó con này ở ngoài đồng cỏ lúc chú này đang gậm rễ cây sậy. Bim chỉ bằng ánh mắt trả lời bằng vẻ tin cậy và buồn bã: - "Anh mệt quá, em ạ!" Con Xù quay lại chỗ hố rác, ý như mời khách. Đứng đó nó ngoái đầu lại nhìn Bim vẫy đuôi, và như thế có nghĩa là nó nói: "Chỗ này cũng có cái ăn được đấy. Lại đây đi!". Và các bạn có biết thế nào không? Nào mẩu bánh, nào miếng xương, nào đầu cá, cái gì cũng ăn, và thế là Bim cũng đã ăn cho đến no. Sức lực dần dần hồi lại. Nó liếm mép và cám ơn bạn Xù, rồi lại lên đường ngay, bước chân đã vững hơn nhiều. Phải, cái hố rác, trong giây phút khó khăn của cuộc đời là một cái hết sức vĩ đại! Kể từ giờ phút đó trở đi Bim bắt đầu có thái độ kính cẩn với những nơi như vậy, nếu như... Kể về điều này rất khó. Trước lúc bình minh, trời màu xám, những đám sương mù còn lại của ngày hôm trước đã hạ xuống sát đất thành một làn khói xanh trong suốt nhè nhẹ bay. Bim rốt cuộc đã lần về được tới nhà. - Nó đây rồi! Cái cửa sổ này đây, nơi mà nó đã từng cùng lvan Ivanưts đứng ngắm mặt trời mọc. Không biết giờ này ông có ra đứng bên cửa sổ không nhỉ? Bim ngồi xuống vỉa hè đối diện và nhìn lên, nhìn lên, nhìn mà trong lòng tràn ngập vui sướng và hy vọng. Nó thấy người sảng khoái hẳn lên. Nó bước sang đường, dù không vội vã, nhưng đã ngửng đầu lên như mỉm cười, tựa hồ như sắp được gặp lại người bạn không thể nào quên được. Đây là giây phút chờ đợi hạnh phúc. Vả lại có sinh vật nào mà không cảm thấy giây phút chờ đợi hạnh phúc bao giờ cũng hạnh phúc hơn khi hưởng chính niềm hạnh phúc? Thế là đứng ngay giữa đường, trước cửa nhà mình, cách xa cái cánh cửa kia chẳng mấy bước nữa. Bim thấy sung sướng vô cùng bởi niềm hy vọng xuất hiện. Bất chợt nó trông thấy một điều khủng khiếp; Bà Thím đang ở trong cổng vòm bước ra! Bim ngồi ngay xuống, giương to mắt vì sợ hãi và toàn thân run bắn lên. Bà Thím lấy gạch ném nó. Bim vội vàng lùi trở lại hè bên kia. Vào cái giờ sớm sủa này chưa có một ai ở ngoài phố, ngay đến cả người quét đường cũng chưa cầm chổi đi ra, chỉ có độc một mình Bà Thím và Bim đứng nhìn nhau. Mụ ta rõ ràng đứng án ngữ, không cho nó vào, thậm chí còn dạng cả hai chân ra cho vững, như một pho tượng giữa cổng vòm, hai tay chống nạnh; mụ nhìn Bim với vẻ vênh váo miệt thị, báng bổ và kiêu hãnh, đầy ý thức về phẩm giá, về sự hơn hẳn và chính nghĩa của mình. Bim thì yếu đuối, chỉ còn độc hai hàm răng, hai hàm răng hoàn toàn đáng tin cậy, cũng đáng ghê gớm đấy, nếu là trong cuộc chiến sinh tử. Nó biết thế lắm, nó cũng chưa quên đâu, vì vậy mà nó đã khom khom người và nhếch môi trên nhe răng cửa ra. Người và chó nhìn nhau không rời mắt. Bim thấy những giây phút ấy sao mà dài thế. ... Trong lúc người và chó không rời mắt nhìn nhau, theo dõi nhất cử nhất động của nhau, ta hãy nói chuyện về Bà Thím, mặc dù ta đã biết rõ mụ phần nào sau những chuyện xảy ra giữa mụ và Bim trước đây. Bà Thím là một người phụ nữ hoàn toàn được giải phóng: giải phóng khỏi sự bóc lột của chủ tư bản, khỏi cái khái niệm xa xưa nào đó về nghĩa vụ đối với chủ nghĩa xã hội, khỏi lao động. Nhưng mà vẫn cứ còn là nô lệ của cái dạ dày, mà không nhận ra cái ách nô lệ ấy. Ngoài ra, mụ cũng có một số nhiệm vụ. Chẳng hạn mụ thường dậy sớm hơn mọi người trong ngôi nhà đông đúc này, khi hãy còn chưa sáng. Mụ cho nhiệm vụ đầu tiên của mình là như sau: theo dõi xem có ai trong những người lạ đi ra lúc rạng đông ở cổng này hay cổng khác, nhà ai có cửa sổ sáng ánh đèn vào cái giờ mà mọi người còn đang ngủ ngon giấc lúc sớm mai; ai ra đi câu cá hoặc săn bắn, và đi với ai; ai là người đầu tiên lúc còn tối trời mang cái gì đó ra hố rác. Rồi mụ xem xét, đánh giá xem là chuyện gì căn cứ vào rác đổ: nếu là chai lọ có nghĩa là uống rượu lén vợ, nếu là áo bành tô cũ đã hỏng thì đó là người keo kiệt còn giữ mãi những giẻ rách trong nhà, thịt để thối vứt đi có nghĩa là bà nội trợ nhà ấy là cái đồ đoảng vị, vân vân. Nếu có cô gái nào trở về nhà trước lúc rạng đông thì mụ Thím coi đó là cả một thắng lợi lớn lao. Mụ căm ghét chó và chủ của chúng, vì vậy mà việc theo dõi cả chó lẫn chủ có lẽ là một trong những hoạt động quan trọng bậc nhất của Bà Thím. Trong hoạt động này, mụ tặng sau lưng cho người ta những lời lẽ mà mụ có một cái vốn dự trữ không bao giờ cạn, chứng tỏ mụ là một người uyên bác và có trí nhớ ghê gớm. Tất cả những điều đó đều hết sức cần thiết cho nguồn thông tin hàng ngày mỗi khi mụ cùng ngồi với một vài bà, cũng thuộc loại đàn bà tự do như mụ, lê la rất lâu trên những dãy ghế mới sơn cẩn thận, và báo cáo tường tận về người này người nọ: cấm có bỏ sót ai và cấm có bỏ sót chuyện gì. Tài thật đấy! Mụ phân phát những bản tin không ấn hành ấy khá đều đặn và mụ coi đó là nhiệm vụ thứ hai của mình đối với xã hội. Khối óc thông thạo ấy thậm chí còn động đến cả tình hình thế giới nữa (chính tai tôi nghe nói: chiến tranh đến nơi rồi, phải trữ ít thóc, muối). Tin tức được lan truyền nhờ sự phối hợp hành động nhịp nhàng của những kẻ như mụ, nhưng bây giờ đã kèm theo xuất xứ (ông ta là phó giáo sư mà, hẳn không nói dối đâu! Chính ông ta nghe nói). Được cái là, như chúng ta đã biết, Bà Thím không tự xưng mình là cái gì khác ngoài "phụ nữ Xô viết", mụ lấy làm tự hào với một lòng tin tưởng vững chắc rằng cái lương tâm mù mờ của mụ là mẫu mực đế người khác noi theo. Mụ mà có mụn con thì con mụ ắt sẽ là một con người ra dáng! Nhưng cứ một tuần hai lần, mụ có hai ngày ngừng hoạt động: ngày chủ nhật mụ đến chợ nông trang mua một vài thứ gì đó, rồi đến thứ hai đem ra bán lại chính những thứ ấy. Vì vậy, dù chẳng nuôi gà, chẳng trồng rau, chẳng có lưới đánh cá mà mụ vẫn có trứng, có gà, có cà chua, có cá tươi và nhiều thứ hàng khác cần thiết cho đời sống của con người để bán. Cũng nhờ nhiệm vụ thứ ba ấy (trong những ngày nghỉ!) mà mụ có sổ tiết kiệm và sống ung dung, do đó mà chẳng phải làm việcgì ở bất cứ đâu. Mụ sống trong một căn hộ có đầy đủ tiện nghi phù hợp với trình độ văn hóa cao của mụ (hai cái tủ áo, ba tấm gương soi, một bức tranh mua ngoài chợ: "Cô gái và chim thiên nga", một con đại bàng to bằng gốm và những bông hoa không bao giờ tàn lụi làm bằng phoi bào, một tủ lạnh, một máy vô tuyến. Cái gì mụ có đều cần thiết, còn cái gì không có thì là cái không cần thiết... Vậy là, Bà Thím đứng ở chính giữa vòm cổng, khiến Bim không tài nào đi qua được. Đúng ra, nó nên bỏ đi, đi ra chỗ khác, nhưng nó không đủ sức đi khỏi ngôi nhà thân yêu này. Bây giờ nó sẽ nhe răng ra chờ đợi, chừng nào kẻ thù còn chưa đi, cần chờ bao lâu cũng được. Xem ai sẽ phải chịu ai. Bất chợt từ trong sương mù xám lạnh, một chiếc ô tô hòm lẻ loi hiện ra và đứng sững lại giữa Bà Thím và Bim. Chiếc xe màu xám thẫm, bọc thiếc, không có cửa sổ. Từ trong xe có hai người bước ra, đi về phía mụ Thím. Bim chăm chú quan sát, không rời khỏi chỗ. - Chó của ai đấy? - Người có ria hỏi, tay chị về phía Bim. - Của tôi! - Bà Thím vênh váo trả lời, chẳng nghĩ ngợi gì - Sao không dắt nó vào? - Người thứ hai là gã thanh niên hỏi vặn. - Cứ thử xem... thử dắt đi xem. Có trông thấy mẩu dây đứt trên cổ nó không, nó cắn đứt ra đấy. Và bạ ai cũng cắn. Nó hóa dại rồi, đồ chó chết. Nhất định là hóa dại rồi. - Xích nó lại! Người có ria mép nói. - Không chúng tôi bắt đây. - Tay tôi đã viết đơn. Rồi bao nhiêu lần đi lại, yêu cầu các ông bắt hộ nó đi. Chả được việc gì! Toàn những quan liêu với bàn giấy, - mụ la lên. - Lộn ruột lên với bọn quan liêu. - Nào! - Người có ria nói với người không ria. Anh này lấy trong xe ra khẩu súng cỡ nhỏ, còn người có ria tháo cái giá bên cạnh thùng xe, lấy ra một cây sào dài ở đầu có vành đai sắt và lưới, giống như cái vợt bắt bướm, loại bướm to bằng con cừu. Người cầm súng đi trước, còn người thứ hai vừa sửa cái vợt vừa bước theo sau. Bim đã nhìn thấy khẩu súng, nó vẫy đuôi. Với cử chỉ đó nó muốn nói: "Súng! Súng! Tôi biết súng rồi!". - Nó mừng đấy, - gã thanh niên nói. - Nó chẳng có vẻ chó dại tí nào. Thôi ta đi thôi! Người có ria tiến lên trước. Bim đánh hơi thấy có mùi chó ở người ông ta. "Ồ, các bác là những người tốt, tất nhiên rồi!". Bim nói như thế bằng toàn bộ dáng vẻ của nó. Chợt từ bên trong thùng xe vọng ra tiếng chó kêu ăng ẳng buồn bã, nghe tuyệt vọng và cay đắng. Bim hiểu ra rồi: "Lừa lọc, ngay cả khẩu súng cũng là lừa lọc! Tất cả là lừa lọc"'. Nó nhảy lánh sang một bên, nhưng... muộn mất rồi. Vành đai sắt của cái vợt đã chụp lên nó. Bim nhảy dựng lên và chui tọt vào trong cái lưới do chính nó quăng lên khi nhảy qua vành đai... Bim cắn vào lưới, nghiến răng ken két, thở hồng hộc và giãy giụa, giãy giụa kịch liệt cứ như đang lên cơn điên. Nó mất đi mau chóng chút sức lực còn lại vào cái việc đó và chẳng mấy chốc đã nằm yên re. Những người bắt chó lùa cái vợt vào cửa thành xe và hất Bim ra sàn. Cánh cửa đóng sập lại. Người có ria mép quay về phía Bà Thím đang bỗng chốc tươi tỉnh hẳn lên, rồi nói: - Nhăn răng ra cái gì? Có chó mà không biết nuôi thì cũng đừng hành hạ nó... Hốc cho đẫy cái mõm ếch ra, còn chó thì dồn nó đến cái nỗi này... Trông mà tởm lợm, nom chẳng còn bằng con chó nữa kia. (Thì ra anh chàng là người có mắt quan sát thật: hai cái mép trệ xuống, đôi môi dày cộp, cái mũi tẹt gí, đôi mắt thô lố của mụ quả là có hao hao cái "mặt ếch" thật). - Cái đồ bắt chó hôi hám kia, mày dám xúc phạm tao là một phụ nữ Xô viết hả đồ đểu giả! - Thế là mụ cứ tuôn ra, tuôn ra chăng hoài hơi lựa chọn lời lẽ, như xưa nay vẫn vậy. Những lời lẽ không nên viết ra giấy cứ vọt ra khỏi miệng mụ trơn tuồn tuột, thậm chí nhịp nhàng và hào phóng, vì xem chừng chúng đã được chương trình hóa trong bộ nhớ rồi: bấm nút một cái, và thế là cứ tuôn ra! - Đứng có ăn nói láo! - Chàng trai quát mụ, - tôi lại vợt một cái cho vào thùng sắt bây giờ. Những hạng như mụ cần phải cho ngồi vào thùng này mỗi năm một tuần mới phải. - Anh ta chộp lấy cái vợt thật rồi xăm xăm bước đến chỗ mụ. Bà Thím bỏ chạy đi viết đơn kiện người ta đã xúc phạm mụ. Mụ viết gửi cho ông chủ tịch Xô viết thị xã, trong đơn mụ buộc tội ông ta không kém gì buộc tội những người bắt chó. Mụ ta chưa bao giờ có trách nhiệm và cũng chưa bao giờ chịu trách nhiệm trước xã hội, nhưng ngược lại, lại đòi hỏi mọi người phải có trách nhiệm. Điều cuối cùng này, một phần cũng là nhiệm vụ của mụ, cũng như của bất kỳ kẻ ăn bám xã hội nào. ... Mặt trời mọc lên vào buổi sáng ấy to và vàng, lạnh lẽo và buồn bã, báo hiệu mùa đông. Nó xua tan làn khói nhẹ buổi sớm mai một cách miễn cưỡng và uể oải, khiến cho đây đó trên thị xã còn lưu lại một vài đám từ sương nhờ nhờ xám, giồng như tấm sa rách, thành thử đường phố này thì sáng, đường phố khác thì lại mờ mờ xám ngắt. Chiếc xe thùng bọc thiếc màu xám đã ra tới ngoài thị xã và vòng vào cái sân của một ngôi nhà đứng lẻ loi có hàng rào cao vây bọc. Trên cổng căng một cái biển: "Cấm người lạ không được vào - nguy hiểm đến sức khỏe". Đó là trạm kiểm dịch, nơi tập trung chó dại đem về và thiêu ra tro. Ở đây cũng có những con chó lang thang bị bắt về, coi là có khả năng truyền dịch. Loại này không đem thiêu, mà đưa đi làm vật thí nghiệm khoa học hay để lột lầy da. Những con vật khác có bệnh truyền nhiễm cũng được chữa bệnh tại đây, nếu chúng đáng chữa; ngựa chẳng hạn, được người ta cho uống thuốc đến giờ phút cuối cùng và chỉ diệt chúng trong một trường hợp duy nhất: khi chúng bị mắc bệnh sổ mũi ngựa. Hiện thời bệnh này rất ít thấy, bởi vì loài ngựa đã được thuần chủng, không còn con nào mắc bệnh này nữa. Hai người đã bắt Bim là hai người lao công bình thường của nhà này. Và họ hoàn toàn không phải là người xấu. Hơn thế nữa, họ còn luôn luôn bị đe dọa lây bệnh nặng hoặc bị chó dại cắn. Thỉnh thoảng họ lại làm một chuyến quét chó lang thang trong thị xã hoặc bắt chó nhà theo yêu cầu của chủ nuôi. Họ coi công việc đó chẳng thú vị gì và nặng nề, mặc dù với mỗi con chó bắt được, họ được thêm một món phụ cấp ngoài số lương chính. Bim không hề nghe thấy tiếng chiếc xe thùng đi vào sân, và tiếng hai người kia bước ra khỏi ca bin rồi đi đâu nữa: nó đã bất tỉnh nhân sự. Hai ba giờ sau, Bim của chúng ta mới tỉnh lại. Ngồi bên cạnh nó là chính cái con chó Xù đã quen biết từ lâu, mà sáng nay nó vừa gặp lại bên hố rác. Lúc này con Xù đang liếm mũi và tai Bim... Một sinh vật thật kỳ lạ là con chó. Chó mẹ mà có chó con bị chết, là nó liếm mũi, liếm tai đứa con mình, liếm mãi, liếm hoài, liếm thật lâu, chà sát cái bụng bé nhỏ. Cũng có khi con chó con sống lại. Nói chung việc chà sát ấy được chó coi như một việc chăm sóc không thể để chậm trễ đối với chó mới đẻ. Nhưng chuyện đó thật là kỳ diệu và lạ lùng. Con Xù đã liếm Bim theo cái cảm tính tự nhiên mà ta không thể biết được. Rõ ràng là nó đã có nhiều kinh nghiệm trên bước đường phiêu bạt của mình và có thể là không phải lần đầu nó bị sa vào đây. Khó mà biết được. Một tia nắng leo lét lọt qua khe cửa, rọi xuống mình Bim. Bim ngửng đầu lên. Trong cái nhà tù bằng sắt này chỉ có hai chúng nó với nhau: Bim và con Xù. Nén cơn đau ở ngực, Bim thử thay đổi tư thế nằm, nhưng lần cố gắng đầu tiên không thành. Nhưng đến lần thứ hai thì nó đã lót được bốn chân xuống dưới bụng, tách được sườn ra khỏi sàn sắt lạnh trên đó nó nằm. Con Xù cũng run lập cập nhích lại sát Bim và nằm co tròn lại. Có đôi cũng ấm lên tí chút. Hai con chó nằm trong nhà tù sắt đợi chờ số phận. Bim luôn luôn nhìn ra cửa, nhìn tia nắng nhỏ nhoi, sứ giả duy nhất của trần gian. Nhưng kìa, ở đâu đó không xa, có tiếng súng nổ to. Bim giật bắn mình. Ôi, âm thanh ấy nó quen thuộc làm sao! Âm thanh ấy gợi nó nhớ đến chủ, đến Ivan lvanưts, đó là săn bắn, là rừng cây, là ý chí, là tiếng gọi mỗi khi chó lạc đường hay quá mải mê lần theo vết chim, vết thỏ. Sau tiếng súng nổ ấy, Bim làm sao đã lấy lại được sức mà đứng lên, đi lảo đảo ra phía cánh cửa, ghé mũi vào khe hở mà hít làn không khí tự do. Nhưng nó đã đứng được vững, dường như nó đã hồi sinh. Và nó bắt đầu từ từ đi lại trong hòm xe như cái quả lắc đồng hồ. Rồi nó lại đến bên cửa, lại ngửi qua khe và cuối cùng đã xác định được theo mùi hơi: "ngoài sân có chuyện gì đó đáng ngại". Và nó lại đi tiếp, quệt móng chân trên sàn sắt, cho nóng người và cho giãn gân giãn cốt, chuẩn bị đón một việc gì đó. Thời gian trôi qua bao lâu, khó ai đoán được, nhưng Bim bắt đầu... cào cào vào cửa. Cánh cửa này chẳng giống chút nào với những cánh cửa Bim từng biết. Ở đây nó bịt sắt tây, lỗ chỗ nhiều nơi có vết rách nhọn sắc. Nhưng nó vẫn là cái cánh cửa, lúc này là cái cánh cửa duy nhất, qua đó nó có thể kêu gọi sự giúp đỡ và cảm thông. Đêm lạnh, giá buốt. Con Xù tru lên. Con Bim thì cào cào vào cửa. Nó lấy răng gặm những mảnh sắt tây rồi lại cào cào, nhưng ở tư thế nằm. Nó kêu gọi, nó năn nỉ. Đến sáng thì trong thùng xe im ắng. Con Xù không tru lên nữa. Bim cũng đã nín bặt, chỉ còn thỉnh thoảng cào cào chân vào lớp sắt. Nó đã lả đến kiệt sức hay nó đã cam chịu vì mất hết hy vọng và chờ đợi số phận mình một cách an phận. Chúng ta không rõ. Tạm thời đó còn là điều bí ẩn của cái thùng xe bằng sắt.