Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Chương 15

     ôm nay tôi mệt mỏi và kiệt sức. Có thể nói tôi như sợi dây đàn tranh căng thẳng lâu ngày bỗng nhiên chùng xuống không còn ngân vang một âm thanh nào nữa.
Giờ phút tôi e sợ ấy đã trôi qua. Không, tôi không nói ngay kết quả cho chị biết liền đâu. Tôi cứ dần dà kể cho nghe để chị nhận xét từ từ. Riêng về phần tôi... nhưng chuyện tôi là chuyện phụ, nói sau cũng được.
Vậy là chúng tôi sai người đến nhà cha mẹ tôi, chuyển lời chúng tôi thỉnh cầu được đến ra mắt cha mẹ vào trưa mai. Người nhà trở về cho biết cha tôi đã đi Thiên Tân ngay hôm được tin anh tôi về tới. Như vậy là cha tôi muốn tránh khỏi phải chứng kiến buổi trùng phùng phiền toái. Cha tôi vẫn luôn luôn khéo biết tránh né những quyết định như thế. Mẹ tôi sẽ thay mặt cha tôi tiếp anh tôi và tôi vào lúc trưa. Không có một lời nào đả động tới cô ngoại kiều nọ cả, nhưng anh tôi nói lớn: « Nếu tôi đi, vợ tôi cũng đi theo luôn! »
Vậy nên ngày hôm sau, con hầu bưng quả lễ vật đi trước, tôi theo sau bước vào. Lễ vật anh tôi chọn mua tại ngoại quốc, toàn là những món xinh đẹp hiếm thấy trong nước: cái đồng hồ treo tường nơi bụng một đứa bé cao chừng tấc rưỡi, cái đồng hồ cẩn hột đá đeo tay ; cái đèn cứ sáng mãi mà không thấy ngọn lửa đâu cả, cái quạt bằng lông đà điểu trắng như bông mận.
Tôi đặt lễ vật trước mặt mẹ tôi. Mẹ tôi đã cho biết người tiếp chúng tôi tại phòng khách. Khi tôi bước vào, mẹ đã ngồi ở đó, trên cái ghế bành bằng gỗ chạm trổ bên cạnh cái bàn, dưới bức chân dung Đức Cao tổ nhà Minh. Mẹ tôi mặc quần áo gấm thêu, tóc giắt trâm vàng. Tay mẹ tôi đeo đầy vòng vàng cẩn kim cương và hồng ngọc là loại ngọc dành cho người già. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi đường bệ uy nghi đến thế.
Nhưng tôi hiểu mẹ tôi quá nhiều, tôi quan sát kỹ vẻ mặt của người để dò xét tình trạng sức khỏe của người. Tim tôi đập mạnh. Màu đen của y trang lại càng làm rõ thêm gương mặt quá gầy và tái của mẹ tôi, đến nỗi vành môi khô đã ẩn hiện bóng dáng của tử thần. Đôi mắt to và thụt sâu như người đau nặng. Mấy chiếc vòng quá rộng ở cổ tay gầy thòng xuống gần đến ngón tay, chạm vào nhau lạch xạch khi mẹ tôi cử động đôi tay. Tôi những chỉ muốn hỏi mẹ tôi xem bà thấy sức khỏe ra sao, nhưng tôi không dám hỏi, biết rằng hỏi như vậy mẹ tôi buồn. Mẹ tôi đã miễn cưỡng tiếp chúng tôi thì người không muốn nghe ai gợi lại chuyện đau ốm của bà.
Vì mẹ tôi tiếp tôi mà không nói một lời nào, tôi cũng đành làm thinh bày lễ vật ra. Tôi tiếp lấy từng món một từ tay con hầu rồi đặt trước mặt mẹ tôi. Bà khẽ gật đầu nhận lễ vật, đoạn ra dấu cho con hầu đứng cạnh bà bưng qua phòng bên. Bà nhận lễ vật khiến tôi dạn dĩ lên. Nếu như bà từ chối lễ vật, điều đó có nghĩa là bà cũng chối bỏ luôn ông anh tôi nữa. Cho nên tôi nói:
« Thưa mẹ, anh con ở ngoài kia chờ được vào ra mắt mẹ. »
Mẹ tôi nói lạnh lùng:
« Mẹ có nghe nói. »
Tôi nghĩ nên đi thẳng vào điểm gai góc của nội vụ, nên tôi nói nhỏ:
« Anh con có đem theo người vợ ngoại kiều về ».
Tôi hồi hộp, lo sợ.
Mẹ tôi vẫn yên lặng. Gương mặt thản nhiên của mẹ tôi chẳng biểu lộ một ý tình gì.
Tôi phập phồng nói:
« Xin mẹ cho phép hai người được vào lạy mẹ ».
Mẹ tôi đáp với giọng lạnh nhạt cũ:
« Bảo anh con vào đây! »
Tôi ngần ngại, chẳng biết tính sao. Cô ngoại kiều nọ cũng đang đứng chờ ngoài cửa. Tôi bước ra phía cửa, vén tấm rèm lên, thuật lại lời lẽ mẹ tôi và thêm rằng tốt hơn anh tôi nên vào một mình trước đã.
Mặt anh tôi xụ xuống y hệt như hồi nhỏ anh không bằng lòng chuyện gì. Anh tôi nói tiếng ngoại quốc với cô ngoại kiều nọ; cô ta cau mày, khẽ nhún vai rồi bình thản đứng chờ. Đột nhiên anh tôi chụp lấy tay cô ta và kéo nàng cùng bước vào trong phòng, tôi không sao ngăn cản kịp.
Ai lại dẫn con người lạ lùng kia xồng xộc vào nơi thờ phụng gia tiên như vậy bao giờ! Tôi sững sờ níu chặt lấy tấm rèm cửa. Đây là lần đầu tiên một con người thuộc nòi giống xa lạ bước vào nơi tôn nghiêm nhất trong gia đình tôi.
Tôi nhận ra ngay rằng vì thái độ bất kính của anh tôi, mẹ tôi giận đến nỗi không muốn nhìn mặt anh tôi lúc ấy nữa. Tôi đứng chết trân một chỗ mà nhìn cảnh tượng lạ lùng diễn ra.
Anh tôi đã chọn quốc phục cho vợ anh mặc: tấm áo choàng bằng lụa xanh nặng và mềm, loáng thoáng mấy đường thêu bằng chỉ bạc. Tấm váy bằng xa-tanh đen trơn, xếp thành những nếp thẳng quanh người cô ta. Anh tôi lựa đôi hài nhung đen không thêu cho cô ta mang vào chân. Y phục đậm màu làm nổi bật hẳn làn da trắng của cô ta lên như ngọc trai dưới ánh trăng vậy, và mái tóc vàng sáng ngời lên quanh mặt cô ta. Đôi mắt cô ta màu xanh tái long lanh, đôi môi kiêu kỳ trễ xuống. Thẳng người, đầu hất ra sau, cô ta ngang nhiên bước vào trong phòng. Cô ta nhìn thẳng vào mặt mẹ tôi, không sợ sệt, không mỉm cười.
Tôi bụm tay vào miệng để khỏi rú lên. Tại sao anh tôi không giải thích cho cô ta biết phải cúi đầu khi ra mắt người lớn tuổi? Thấy cung cách ngang nhiên của cô ta như vậy, tôi lại phiền trách anh tôi. Cô ta đứng sừng sững ra đó, như một bà hoàng hậu đến ra mắt bà hoàng thái hậu vậy.
Mẹ tôi nhìn thẳng vào mắt cô ngoại kiều nọ. Tia mắt hai người gặp nhau và liền đó coi nhau như kẻ thù. Mẹ tôi cao ngạo quay mặt đi nhìn vọng mông lung ra ngoài cánh cửa mở. Cô ngoại kiều nói vài lời gì đó với anh tôi bằng một giọng rắn rỏi.
Sau này tôi được biết cô ta hỏi anh tôi xem cô ta có phải quỳ gối xuống không.
Anh tôi gật đầu, rồi hai người cùng quỳ xuống trước mặt mẹ tôi. Đoạn anh tôi nói những lời lẽ đã chuẩn bị trước:
" Kính mẹ, con bất hiếu từ xứ xa vâng lệnh mẹ về đây xin ra mắt cha mẹ. Con hân hoan được mẹ nhận cho chút quà mọn chúng con đem về dâng lên mẹ. Con nói "chúng con" vì con có dẫn vợ con theo, như con đã nhờ người bạn viết thư về trình lên mẹ trước đây. Vợ con về đây để làm tròn phận dâu con trong nhà. Dù thuộc huyết thống ngoại quốc, vợ con vẫn nhờ con kính thưa lên mẹ rằng kể từ ngày thành hôn với con, vợ con đã kể mình như người Trung Hoa rồi. Vợ con tự nguyện nhập theo nòi giống chúng ta và tuân phục thói tục nền nếp gia tộc ta, từ bỏ gia tộc của nàng. Con nàng sanh ra sẽ hoàn toàn là người Thiên quốc chúng ta, là công dân Cộng hòa Trung Quốc. Vợ con xin cúi lạy mẹ."
Anh tôi quay lại phía cô ngoại kiều và ra dấu cho cô ta. Cô ta chững chạc cúi mình xuống, trán đụng đất dưới chân mẹ tôi. Cô ta lạy ba lạy như vậy, rồi cả hai vợ chồng anh tôi vái thêm ba vái nữa, đoạn cùng đứng lên ngay ngắn chờ lệnh mẹ tôi.
Mẹ tôi không nói lấy nửa lời. Suốt thời gian anh tôi và cô ngoại kiều phục xuống đất lạy, mẹ tôi cứ nhìn ra khoảng không ngoài cửa. Bà ngồi yên như vậy một lúc lâu, tuyệt nhiên im lặng, cao ngạo và cứng rắn.
Theo tôi nghĩ, chắc trong thâm tâm bà, mẹ tôi cũng lúng túng vì sự liều lĩnh của anh tôi đã dám cãi lời mẹ dẫn luôn cô ngoại kiều nọ vào trong phòng khi bà chỉ cho phép có một mình anh tôi vào mà thôi. Tôi tưởng mẹ tôi đang tìm cách xử sự thế nào cho phải ở giây phút gay cấn đó. Chính vì vậy mà bà không nói gì cả. Đôi má mẹ tôi ửng đỏ lên, và tôi thấy hàm răng bà cắn lại. Nhưng trong thái độ, cử chỉ của bà, tuyệt nhiên không lộ ra một chút phân vân lúng túng nào.
Hai tay chống vào đầu gậy, mẹ tôi cứ ngồi nhìn vọng ra xa, không nhúc nhích. Anh tôi và cô nọ cứ đứng chờ. Cuộc chờ đợi diễn ra trong cơn im lặng đè nặng căn phòng.
Đột nhiên, không hiểu cái gì cắt đứt vẻ nghiêm khắc của mẹ tôi đi. Gương mặt mẹ tôi dịu lại. Nét hồng hào biến mất, trên đôi má mẹ tôi bây giờ tái xám lại. Một bàn tay ẻo lả hạ xuống bắp vế, đôi mắt bà lơ đãng nhìn xuống đất, hai vai bà xệ xuống và bà thu rút mình lại trong chiếc ghế bành, mẹ tôi nói lí nhí trong miệng:
"Mẹ mừng con đã về. Mẹ sẽ nói chuyện sau… Bây giờ con ra ngoài".
Anh tôi ngước nhìn mẹ tôi. Tuy không lanh ý như tôi, anh vẫn nhận thấy có chuyện gì bất trắc. Anh quay lại nhìn tôi. Tôi thấy anh muốn nói gì thêm với mẹ, phiền trách thái độ lạnh nhạt của mẹ. Vì e ngại cho sức khỏe của mẹ nên tôi lắc đầu. Anh tôi nói vài lời với cô ngoại kiều. Hai người nghiêng mình thi lễ rồi rút ra ngoài.
Tôi chạy vội lại bên mẹ, nhưng bà trừng mắt không cho tôi lại gần. Tôi hết lòng muốn xin mẹ tha thứ cho anh tôi, nhưng tôi không được phép nói một lời nào. Thấy rõ là mẹ tôi đau khổ đến nguy hại cho sức khỏe, ấy vậy mà tôi đành phải bỏ đi. Tôi xá mẹ, rồi từ từ đi ra ngoài. Ra đến sân, tôi quay lại thì thấy hai con hầu phải dìu hai bên đưa mẹ tôi trở về phòng riêng của bà.
Tôi trở về nhà, lòng buồn rười rượi. Suy nghĩ mãi mà tôi vẫn chỉ thấy tương lai đen tối.
Còn ông anh tôi và cô ngoại kiều nọ đã làm tan nát cõi lòng mẹ tôi, hai người bỏ đi chơi cho đến tối. Khi hai người về nhà, chúng tôi chẳng nói với nhau một lời nào.

Truyện Gió Đông Gió Tây Lời giới thiệu Phần I - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 i. Anh viện cớ đi ra nhà người gác cổng hỏi thăm chuyện gì đó, nhưng tôi biết anh muốn gặp tôi ở đó. Bước lại gần, tôi nhận ra sự thay đổi nơi anh tôi. Cái vẻ mạnh dạn, rắn rỏi quả quyết trước đây khiến tôi thấy anh giống người ngoại quốc bây giờ không còn nữa, nhường cho cái vẻ lo âu bứt rứt. Trong tấm áo dài Trung Hoa, mặt đăm chiêu cúi xuống đất, anh tôi trông giống cậu học trò nhỏ bướng bỉnh ngày xưa, trước khi anh xuất ngoại.
Anh tôi chưa kịp nói gì, tôi đã hỏi:
"Chị mạnh giỏi thế nào, anh?"
Môi anh run lên, anh đưa lưỡi liếm môi.
"Không được mạnh. Cô ơi! Chúng tôi không sao chịu đựng nổi cuộc sống như vầy nữa đâu. Tôi phải làm một việc gì. Đi nơi khác, tìm việc làm".
Anh tôi ngừng nói. Tôi năn nỉ anh đừng nóng nảy bỏ nhà ra đi. Chịu cho cô ngoại kiều nọ vào sống trong nhà là mẹ đã nhân nhượng lắm rồi. Và coi vậy chứ một năm cũng qua đi mau lắm! Nhưng anh tôi lắc đầu:
"Chính vợ tôi cũng đã bắt đầu thất vọng. Trước khi về ở đây, cô ta vẫn còn tin tưởng. Bây giờ thì cô ta ngày càng héo hắt đi. Cách ăn uống của chúng ta không hợp với cô ta, mà tôi thì không thể cung cấp món ăn xứ sở cô ta được. Cô ta chẳng ăn uống gì cả. Cô ta quen được tự do, quen được nuông chiều ở bên nhà cha mẹ cô ta rồi. Cô ta từng được nhiều người đàn ông mến chuộng. Tôi tự hào đã thắng tất cả bọn họ. Tôi cứ nghĩ điều đó chứng tỏ chúng ta thuộc một nòi giống hơn họ. Bây giờ đây, vợ tôi cũng chẳng khác nào một bông hoa cắt từ cây đem đặt vào trong cái bình bằng bạc nhưng không có nước. Ngày này qua ngày khác, vợ tôi câm nín ngồi ì ra đó, mắt đỏ ngầu lên, mặt ngày càng tái đi".
Tôi ngạc nhiên thấy anh tôi cho là đáng hãnh diện cái việc một người đàn bà được nhiều người đàn ông ưa thích. Ở đây, chỉ hạng gái thanh lâu mới được khen tặng như vậy mà thôi. Vậy thì làm sao cô ngoại kiều nọ hy vọng trở thành người đàn bà Trung Hoa như chúng tôi cho được? Những lời lẽ anh tôi khiến tôi nảy ra một ý nghĩ trong trí. Tôi vội vàng hỏi:
"Hay là cô ta muốn trở về nhà cha mẹ ruột?"
Tôi thoáng thấy đó là một giải pháp. Nếu cô ta ra đi, hai người xa cách nhau bằng cả một đại dương, anh tôi dù sao cũng chỉ là người, anh tôi sẽ quên cô ta mà trở về với bổn phận làm con. Nhưng anh tôi trừng mắt nhìn tôi, giận dữ thét lên:
"Nếu cô ta đi, tôi sẽ đi theo. Còn nếu cô ta chết tại nhà này, tôi cũng từ bỏ luôn nhà này".
Tôi nhẹ nhàng trách anh tôi về câu nói chẳng mấy hiếu đễ ấy thì đột nhiên anh tôi quay lưng, bật ra một tiếng khóc, và hấp tấp bỏ đi.
Tôi đứng lại đó, sững sờ nhìn theo bóng dáng anh tôi khuất vào trong phòng của anh. Đoạn tôi ngập ngừng bước theo anh tôi mà lo ngại làm phiền lòng mẹ tôi.
Tôi đến gặp cô ngoại kiều nọ. Cô ta xao xuyến đi tới đi lui trong sân sau căn nhà anh tôi. Cô ta đã mặc Âu phục trở lại, một tấm áo thẳng màu xanh đậm, cổ hở để lộ làn da trắng ngần. Cô ta cầm cuốn sách trong tay, sách đầy những hàng chữ ngắn phương Tây khít vào nhau thành từng nhóm nhỏ đặt tại giữa trang sách.
Cô ta vừa đi vừa đọc, chân mày cau lại, nhưng khi thấy tôi, một nụ cười làm mặt cô tươi tỉnh lên, và cô ta đứng im chờ cho tôi đến bên cạnh. Chúng tôi nói với nhau vài lời khách sáo. Bây giờ thì cô ta nói được ít tiếng thông dụng rồi. Tôi từ chối không vào nhà, viện cớ phải trở lại với con tôi ngay. Cô ta hơi buồn. Tôi chỉ cây tùng già trong sân. Cô ta giải thích cô đang làm một món đồ chơi cho con tôi với vải nhồi bông gòn. Tôi cám ơn cô ta. Chúng tôi chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Tôi chờ một lát, đoạn từ giã cô ta. Tôi buồn vô hạn, vì chúng tôi xa cách nhau cả một trùng dương và vì tôi không làm gì được để giúp đỡ anh tôi cũng như mẹ tôi.
Nhưng khi tôi vừa quay mặt bỏ đi, cô ta đột nhiên níu chặt lấy tay tôi. Tôi nhìn cô ta và nhận thấy cô lắc mạnh cái đầu để làm cho nước mắt văng đi. Tôi thương cô ta quá, không biết nói gì hơn là hứa sẽ trở lại thăm cô ta. Môi cô ta run lên khi cố gượng cười.

*

Một tuần trăng đã trôi qua. Cha tôi trở về nhà. Có điều lạ là cha tôi chú ý rất nhiều đến bà vợ ông anh tôi và có cảm tình với cô ta. Vú Vương cho biết cha tôi vừa bước qua khỏi cổng vào nhà đã hỏi xem anh tôi có đem cô ngoại kiều nọ cùng về hay không. Đoạn cha tôi thay quần áo và sai người nhà báo cho anh tôi biết: sau khi dùng bữa xong, cha tôi sẽ qua gặp anh tôi tại tư thất của anh.
Cha tôi ngọt ngào tươi tỉnh bước vào. Anh tôi đứng dậy đón chào. Cha tôi bảo cô ngoại kiều nọ ra mắt. Khi cô ta xuất hiện, cha tôi cả cười quan sát cô ta và đưa ra những nhận xét trắng trợn về vẻ ngoài của cô ta. Cha tôi dễ dãi nói:
"Con nhỏ có vẻ đẹp riêng của nó. Tốt lắm, đây cũng là chuyện lạ trong gia đình ta. Nó có biết nói tiếng nước ta không vậy?"
Thái độ suồng sã ấy khiến anh tôi không bằng lòng, và anh tôi đáp vắn tắt rằng cô ta đang tập nói tiếng Trung Hoa. Cha tôi cười ha hả nói lớn:
"Cũng chẳng sao! Ngôn ngữ tình yêu có nói bằng tiếng ngoại quốc cũng vẫn êm ái như thường, hà hà hà!"
Cha tôi cười nhiều đến nỗi tấm thân béo tốt của ông rung lên.
Cô ta chỉ hiểu loáng thoáng lời lẽ của cha tôi thôi. Cha tôi tiếp tục nói với giọng đùa cợt như mọi khi, nhưng cô ta lại yên tâm về thái độ niềm nở của cha tôi, còn anh tôi thì không thể giải thích cho cô ta hiểu rằng cha tôi có ý coi thường cô.
Tôi được nghe nói lại rằng cha tôi thường hay gặp cô ta và nói giỡn với cô; cha tôi cứ nhìn lom lom vào mặt cô ta và dạy cho cô những tiếng những câu nói mới. Cha tôi gởi bánh kẹo qua cho cô ta, có lần lại còn cho cô cả một cây chanh lùn trồng làm kiểng trong một cái bình xanh nữa. Nhưng anh tôi luôn có mặt trong những lần gặp gỡ như vậy.
Cô ta như một đứa trẻ con: cô chẳng hiểu gì cả.

*

Hôm qua tôi lại ghé vào tư thất của người vợ anh tôi sau khi vào lạy chào mẹ tôi nhân ngày hội đầu xuân. Tôi không dám ở lâu với cô ngoại kiều nọ, sợ làm mẹ tôi phật ý cấm cửa không cho tôi vào tư thất của cô ta nữa.
Tôi hỏi cô ta:
"Chị có thấy dễ chịu hơn không?"
Cô ta đáp:
"Cũng tàm tạm như vậy. Dù sao cũng không có gì trầm trọng thêm. Tôi chỉ được giáp mặt bà mẹ anh ấy có một lần hôm bà gọi tôi lên dâng trà cho bà. Trong đời tôi, tôi chưa hề pha trà theo kiểu ấy lần nào. Nhưng cha anh ấy gần như ngày nào cũng đến đây".
Tôi nói:
"Cứ chịu khó kiên nhẫn đi. Thế nào rồi cũng có ngày mẹ tôi mềm lòng".
Gương mặt cô ta liền đanh lại. Cô ta nói với giọng trầm trầm tức tưởi:
"Nào tôi có làm gì nên tội đâu. Yêu nhau rồi thành hôn với nhau đâu có phải là tội tình gì? Cha của anh ấy là người bạn thân duy nhất của tôi trong nhà này. Ông tử tế với tôi mà tôi đang cần được đối xử tử tế. Tôi thấy khó có thể kéo dài lâu hơn nữa cuộc sống của tôi trong cái nhà tù này".
Cô ta lắc đầu, vẻ mặt giận dữ sa sầm xuống.
"Đó, họ lại đứng kia kìa! Tôi là món đồ chơi của mấy người đàn bà đó đó. Thật tôi chán nản muốn chết đi được, vì cứ bị người ta nhìn soi mói như vậy. Tại sao họ cứ xầm xì, rình rập, chỉ trỏ tôi?"
Vừa nói cô ta vừa hất mặt chỉ về phía cửa hình nguyệt. Mấy bà thiếp và trên mười con hầu đứng chum nhum gần cửa. Họ có vẻ như tha thẩn dạo chơi trong sân, bận ăn đậu phọng và chia đậu phọng cho lũ trẻ con, nhưng kỳ thực họ lén nhìn và tôi nghe rõ tiếng họ cười khúc khích với nhau. Tôi trừng mắt nhìn họ; họ làm bộ như không trông thấy tôi. Cuối cùng, cô ngoại kiều nọ kéo tôi vào xa hơn trong nhà và đóng chặt cánh cửa ngang lại. Cô giận dữ nói:
"Tôi không thể nào chịu nổi họ nữa. Tôi chẳng hiểu họ nói gì với nhau nhưng tôi biết họ nói về tôi suốt ngày".
Tôi trấn an cô ta:
« Chị đừng để ý đến họ làm gì, họ hoàn toàn thất học ».
Nhưng cô ta lắc đầu:
« Tôi không thể nào chịu đựng ngày này qua ngày khác như vậy được nữa ».
Cô ta cau mày, im lặng, làm như suy nghĩ lung lắm. Tôi ngồi chờ. Lát sau, vì không còn gì để nói với nhau nữa, tôi đưa mắt nhìn quanh phòng, tôi quan sát ít nhiều thay đổi cô ta đem lại cho căn phòng, chắc hẳn có ý định làm cho nó có vẻ Tây phương. Tôi chỉ thấy kỳ quái mà thôi.
Vài bức tranh mộc bản treo trên tường chẳng cân đối gì cả, lẫn lộn với mấy tấm ảnh lồng khung kính. Khi thấy tôi nhìn như vậy, mặt cô ta tươi tỉnh lên và cô ta niềm nở nói:
« Hình cha mẹ và em gái tôi đó ».
Tôi hỏi:
« Chị không có anh em trai à? »
Cô ta lắc đầu:
« Cha mẹ tôi không có người con trai nào cả, nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Chúng tôi không chỉ trọng vọng con trai mà thôi ».
Nghe nói vậy, tôi hơi ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi đứng dậy nhìn mấy tấm ảnh. Bức thứ nhất là ảnh một ông già râu trắng ngắn, cắt nhọn, đôi mắt cũng giống như mắt cô ngoại kiều nọ, băn khoăn dưới hàng mi mắt dày nặng. Ông cụ sói đầu và mũi to.
Cô ta âu yếm nhìn ảnh cha, nói:
« Cha tôi dạy học... Cha tôi làm giáo sư tại trường nơi anh cô và tôi gặp nhau lần đầu tiên. Treo ảnh cha tôi ở đây có vẻ lạ lùng quá, cũng lạ lùng như tôi vậy. Nhưng ảnh mẹ tôi, tôi mới sợ không dám nhìn lúc này ».
Cô ta đứng cao nghệu bên tôi nãy giờ. Cô ta quay mặt đi không nhìn bức ảnh thứ hai và bước lại ngồi vào chỗ cũ, cầm mảnh vải trắng trên bàn cắm cúi may. Tôi chưa thấy cô ta may vá lần nào. Cô ta chụp một cái nắp bằng kim khí lên đầu ngón tay khác hẳn cái đê chúng tôi thường đeo vào ngón tay giữa khi khâu may, và cô ta cầm cây kim may như cầm dao găm vậy. Tôi chẳng nói gì cả. Tôi quan sát bức ảnh mẹ cô ta. Gương mặt nhỏ, dịu hiền, nhưng mái tóc trắng bùm xùm quanh mặt làm hỏng mất vẻ đẹp. Gương mặt em gái cô ta giống hệt mặt mẹ, tuy trẻ hơn và tươi tỉnh hơn. Tôi lễ phép nói:
« Chắc chị muốn gặp lại mẹ chị lắm? »
Cô ta lắc đầu, khiến tôi ngạc nhiên.
« Không, tôi còn không dám viết thư cho mẹ tôi nữa. »
« Tại sao vậy? »
« Vì tôi sợ những điều mẹ tôi e ngại lại xảy ra thật. Có chết tôi cũng cắn răng chịu, chứ không muốn để mẹ tôi thấy tôi ở đây hiện giờ, mà mẹ tôi thì hiểu tôi quá nhiều, có viết cách gì bà cũng đoán ra được. Từ ngày về sống tại nhà này, tôi không viết cho mẹ tôi lá thư nào cả ».
« Ở xa, từ đất nước tôi mà nhìn thì mọi việc tốt đẹp lắm. Em gái tôi cứ cho rằng không còn cuộc tình duyên nào đẹp cho bằng nữa. Tôi cũng vậy! Chao ôi! Cô đâu biết anh cô mà đóng vai anh chàng si tình thì không còn chê vào đâu được. Anh cô có lối nói khiến cho lời lẽ của những người đàn ông khác chán phèo!Anh cô biến tình yêu thành một sự kiện hoàn toàn mới lạ. Nhưng mẹ tôi vẫn sợ ».
Tôi ngạc nhiên hỏi:
« Sợ cái gì? »
« Sợ tôi ở nơi đất khách quê người xa xôi như vậy mà rủi tôi lâm vào cảnh khổ, sợ gia đình anh cô không nhìn nhận... sợ hỏng cả cuộc đời. Mà tôi cảm thấy mẹ tôi nói đúng. Làm như có một sợi dây vô hình cứ siết chặt lấy người tôi. Giam thân sau bốn phía tường cao này, tôi tưởng tượng ra bao nhiêu chuyện... Tôi không hiểu những người kia họ nói gì. Tôi không hiểu họ nghĩ gì. Gương mặt họ chẳng để lộ ra gì. Đến nỗi thét rồi tôi cũng thấy gương mặt chồng tôi giống họ nữa: giẹp, phẳng, khép kín, không biểu lộ một ý tình nào.
« Ngày còn sống bên đất nước tôi, anh cô có vẻ như hòa đồng hẳn với chúng tôi, duy chỉ có khác là anh ta có cái duyên dáng riêng mà tôi chưa hề biết. Nhưng ở đây có thể nói anh cô lại chìm ngập vào trong một thế giới lạ lùng cách biệt hẳn với tôi. Chao ôi! Tôi không biết làm sao mà diễn tả hết nỗi lòng tôi được. Tôi quen với sự thẳng thắn, với niềm vui cởi mở, mà ở đây thì mọi việc đều là im lặng, cúi lạy và len lén nhìn nhau. Tôi bằng lòng để cho người ta tước đoạt tự do của tôi nếu tôi hiểu được thâm ý bên trong. Ngày trước, lúc còn ở bên đất nước tôi, tôi có nói với anh cô rằng tôi sẽ vì anh cô mà biến thành một phụ nữ Trung Hoa. Bây giờ thì tôi chịu thua rồi! Tôi đành chịu thua! Đến muôn đời tôi cũng vẫn cứ là một phụ nữ Mỹ ».
Cô ta nói một thôi một hồi như thế, khi thì bằng tiếng mẹ đẻ, khi thì bằng tiếng nước tôi, cô ta cau mày lại, múa may tay chân, vẻ mặt xao xuyến. Tôi không ngờ cô ta lại phát biểu được đến thế, lời lẽ cô ta cứ tuôn ra như mạch nước nguồn vậy. Tôi lúng túng quá, vì chưa bao giờ một người đàn bà lại bộc bạch nỗi lòng với tôi như vậy. Một niềm thương hại dâng lên trong lòng tôi.
Trong khi tôi đang lựa lời để nói thì anh tôi từ phòng bên bước ra, làm như đã nghe rõ hết câu chuyện giữa chúng tôi. Làm như không trông thấy tôi, anh tôi nắm lấy bàn tay cô ta đang đặt trên món đồ may, anh tôi quỳ gối xuống, nghiêng đầu nhìn vào má và mắt cô ta. Tôi đang phân vân không biết nên ở hay nên đi thì anh tôi nói nhỏ:
« Mary, Mary, tôi chưa hề nghe em nói như vậy bao giờ! Em nghi ngờ tôi thật sao? Ngày còn ở bên đất nước em, em đã nói với tôi rằng em sẽ hòa đồng với nòi giống của tôi, sẽ nhập quốc tịch của tôi. Nếu cho đến cuối năm nay, em nhắm không thể làm như vậy được, chúng ta sẽ bỏ đây mà đi, tôi sẽ xin nhập quốc tịch Mỹ của em. Nếu như vậy cũng không được nữa, chúng ta sẽ đi đến bất cứ nơi nào khác, nếu cần thì thành lập một đất nước mới, một giống nòi mới, miễn là ta được sống bên nhau. Em hãy tin nơi tôi! »
Anh tôi nói như vậy bằng tiếng mẹ đẻ để diễn tả được rõ ràng hơn. Nhưng sau đó anh tôi nói câu gì với cô ta bằng tiếng Anh nên tôi chẳng hiểu gì cả. Cô ta cười và tôi thấy cô còn có thể vì anh tôi mà chịu đựng thêm nhiều gian truân nữa. Cô ta gục đầu dựa vào vai anh tôi, hai người im lặng ôm lấy nhau như vậy. Tôi mắc cỡ không dám đứng lại lâu hơn nữa để phải chứng kiến một sự tỏ tình hớ hênh như vậy.
Tôi bước nhẹ ra ngoài, và tôi cảm thấy thoải mái hơn khi rầy mắng lũ con hầu hồi nãy đã nhìn trộm qua hàng rào. Tất nhiên tôi không thể phiền trách gì những bà thiếp của cha tôi, nhưng tôi cố ý mắng bọn nô tỳ trước mặt các bà. Thật ra các bà thiếp ấy không có ác ý gì, họ chỉ tò mò theo lối sống sượng của người thất học mà thôi. Bà thiếp thứ nhất vừa nhai nhem nhép một cái bánh vừa nói:
« Kỳ cục và khác người quá, người ta mới nhìn chứ! »
Tôi lập nghiêm, đáp:
« Cô ta cũng là người, cũng có cảm nghĩ y hệt như mình vậy ».
Bà thiếp thứ nhất nhún vai và tiếp tục nhai bánh, chùi tay vào ống tay áo.
Tôi giận dỗi bỏ đi. Nhưng về đến nhà, tôi chợt hiểu rằng trong lúc giận dữ, tôi đã không chống lại cô vợ anh tôi, mà lại còn bênh cô ta nữa.
--!!tach_noi_dung!!--


Nguồn: thuvien-ebook.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 8 tháng 2 năm 2014

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--