Chương IX


Chương XIV
Kết

     âu thơ Tín Quốc để về sau.
(Nguyễn Thượng Hiền)
Sau Thế chiến thứ nhất, thế lực của Pháp lại có vẻ vững như bàn thạch, những nước lân cận có thể giúp ta được như Trung Hoa, Nhật Bản đều là đồng minh của Pháp, nên phong trào cách mạng Việt Nam phải tạm xuống, suốt mấy năm yên tĩnh, gần như không có một cuộc bạo động nào. Dù tận lực bôn ba, cụ Sào Nam cũng chỉ tổ chức được mỗi một cuộc ném bom ở Sa Diện để ám sát Toàn quyền Merlin. Merlin thoát chết mà Phạm Hồng Thái thì lưu danh thiên cổ, tới dân tộc Trung Hoa cũng phải ngưỡng mộ, đặt người nằm ở Hoàng Hoa Cương, bên cạnh 72 vị liệt sĩ của họ.
Pháp càng mạnh thì bọn “trành” hoạt động càng dữ, nhiều nhà ái quốc bị sa lưới, nên số đông ở hải ngoại phải tạm ngưng hoạt động, cụ thì làm ruộng chờ thời, cụ thì kiếm chỗ dạy học; chán ngán thế cuộc nhất là cụ Nguyễn Thượng Hiền, thấy con một nhà cách mạng mà đi làm mật thám cho Pháp, cụ nản chí, đầu thiền gõ mõ ở Hàng Châu, sau khi gởi cho đồng chí bài thơ đầy:
Thôi thôi càng nói lại càng rầu,
Mảnh áo đêm khuya thấm hạt châu.
Việc nước ai làm ra đến thế?
Cơ trời còn biết ngóng vào đâu?
Hai bên gánh vác vai thêm nặng,
Muôn dặm xa xôi bước khó mau.
Giận biển sầu non như chẳng chuyển,
Câu thơ Tín Quốc để về sau.
[1]
Năm 1925, cụ Sào Nam bị bắt ở Thượng Hải vì một tên trành điểm chỉ, mà tên đó lại là cháu một nhà ái quốc [2] cũng bôn ba hải ngoại như cụ mới là đau lòng cho chứ. Tưởng là sẽ chết, cụ làm bài thơ tuyệt mệnh:
Nhất lạc nhân hoàn lục thập niên,
Hảo tòng kiến nhật liễu trần duyên.
Sinh bình kỳ khí qui hà hử?
Nguyệt tại ba tâm, vân tại thiên.
Sáu chục năm nay ở cõi đời,
Trần duyên giờ hẳn giũ xong rồi.
Bình sinh chí lớn về đâu nhỉ?
Trăng giọi lòng sông, mây ngất trời
(Dịch giả: Khuyết danh)
Nhưng khi cụ về tới nước thì đủ các giới trong quốc dân xin chính phủ Pháp ân xá cho cụ, và cụ chỉ bị an trí ở Huế. Trong khi cụ còn bị giam ở Hà Nội, cụ Nguyễn Thượng Hiền mất ở Hàng Châu; theo lời di chúc, nhà chùa hỏa táng cụ rồi đổ cốt hôi xuống sông Tiền Đường.
Năm sau, cụ Tây Hồ mới ở Pháp về được ít lâu, cũng qui tiên ở Sài Gòn. Hay tin, cụ Sào Nam viết bài Văn tế khóc bạn:
Than ôi!
Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mỹ, cuộc nọ kém thua hơn được, ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri;
Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng, nguời sao trước có sau không, kinh sấm sét hỡi đau lòng hậu bối.
Vãn biết tinh thần di tạo hóa, sống là còn mà thác cũng như còn;
Chỉ vì thời thế khuất anh hùng, xua đã rủi mà nay càng thêm rủi.
Lấy ai đây nối gót nghìn thu,
Vậy ta phải kêu người chín suối
Nhớ Tiên sinh xưa:
Tú dục Nam châu,
Linh chung Đà hải [3].
Nghiệp thừa gia cung kiếm cũng pha đường,
Nền tác thánh thi thư từng thuộc lối
Gan to tày bể, sức xông pha nào kể ức muôn người,
Mắt sáng hơn đèn, tài linh lợi từ khi năm bảy tuổi.
Vận nước gặp cơn dâu bể, đeo vai thân sĩ còn lòng đâu áo mũ xênh xang,
Thói nhà chăm nghiệp bút nghiên, giấu mặt hào hùng, thì tạm cũng khoa truờng theo đuổi.
..................................................
Bài văn đó dài mà lâm li. Cụ lại điếu một đôi câu đối tuyệt hay, giọng trầm hùng:
Sương hải vị điền, Tinh vệ hàm thạch,
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền.
(Sương hải chưa bồi, Tinh vệ ngậm đá, [4]
Chung Kỳ đã mất, Bá Nha đập đàn).
Lại năm sau nữa (13-6-1927), cụ Lương văn Can mất ở Hà Nội vì bệnh già. Cụ bị an trí ở Nam Vang từ 1914 đến 1924, về Hà Nội lại mở trường dạy học - trường Ôn Như - nhưng không còn hoạt động gì được nữa. Lời di chúc cuối cùng của cụ là:
“Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”
Đám táng cụ Tây Hồ được cử hành long trọng. Nhiều nơi làm lễ truy điệu; học sinh bãi khóa suốt từ Nam tới Bắc, gây tiếng vang rất lớn trong nước. Thấy vậy nên khi cụ Lương mất, chính phủ Pháp lấy cớ là cụ bị bệnh thời khí bắt làm lễ an táng rất gấp, ngay năm giờ rưỡi chiều hôm đó để khỏi náo động, thành thử di hài của cụ không đưa về quê ở làng Nhị Khê được mà phải chôn ở Phúc Trang Hợp Thiện (Bạch Mai) dưới ánh đuốc vì tới huyệt đã bảy giờ tối. Nhưng ở Hà Nội cũng có hằng ngàn người, đông nhất là học sinh và thợ thuyền, đưa cụ tới huyệt. Hai cụ Hoàng Tăng Bí và Ngô Đức Kế chấp phất bên cạnh linh xa (coi phụ lục II). Rồi ngày chủ nhật 19-6, cả ngàn sinh viên và thợ thuyền định biểu tình ở Phúc Trang Hợp Thiện, bị Pháp đàn áp (La Volonté indochinoise số 3-7-1928).
Ở Sài Gòn, ngày 26-6, một môn đệ cũ của cụ là Trần Huy Liệu, lúc đó làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo, đứng ra làm lễ truy điệu, đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng. Cụ Phương Sơn là đồng chí mà cũng là rể của cụ, điếu:
Bảy mươi bốn tuổi già, chứa biết bao giận nước thù nhà, cười nói vẫn bền cùng sắt đá,
Mười lăm năm lưu lạc, kể sao xiết tình thầy nghĩa bạn, đền bồi xin hẹn có non sông.
Chính phủ thực dân bắt giam ông Trần Huy Liệu, gần một tháng không hỏi tới, ông và vài đồng chí tuyệt thực để phản đối, năm ngày sau, Pháp phải thả ông.
Ngày 29-10-1940 cụ Sào Nam mất ở Huế, lưu lại một bài từ giã bạn bè, lời buồn vô hạn:
Từ giã bạn bè lần cuối cùng.
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ hà nhân bất thức quân? [5]
Bảy mươi tư tuổi trót phong trần,
Nay được bạn mới tinh thần hoạt hiện. [6]
Những ước anh em đầy bốn biển,
Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.
Sống xác thừa, mà chết cũng xương tàn,
Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển.
Mừng được đọc bài văn sinh vãn [7]
Chữ đá vàng in mấy đoạn tâm can...
Tiếc mình nay sức mỏng, trí thêm khan,
Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ?
Nga nga hồ, chí tại cao sơn,
Dương dương hồ, chí tại lưu thuỷ! [8]
Đàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm?
Bỗng nghe qua khóc trộm lại thương thầm:
Chung Kỳ chết, e quăng cầm không gảy nữa!
Nay đương lúc tử thần chờ trước của,
Có vài lời ghi nhớ về sau.
Chúc phường hậu tử tiến mau!
Vì thời cuộc không thuận, quốc dân không làm lễ truy điệu cụ được. Tiếp theo tới các cụ Nguyễn Quyền lìa trần ở Bến Tre, cụ Dương Bá Trạc ở Tân Gia Ba, [9] cụ Võ Hoành ở Đồng Tháp Mười, cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Ngãi (1947). Gần đây lại có tin cụ Lê Đại mất ở Hà Nội (1951) và cụ Nguyễn Hải Thần qui tiên năm ngoái ở Bắc Kinh.
Thế là các nhà cách mạng lớp trước, ở đầu thế kỷ, lần lượt theo nhau về cõi khác hết, [10] hiện nay may lắm còn được một hai cụ.
Từ khi cụ Sào Nam bị bắt thì hoạt động của các vị đó gần như hoàn toàn ngưng hẳn. Nhưng ngọn hồng kì lại chuyển qua tay những thanh niên và những đảng cách mạng khác nối nhau xuất hiện ở trong nước cũng như ở ngoài nước, nào là Tâm tâm xã, nào là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, nào là Tân Việt cách mạng đảng nào là Việt Nam quốc dân đảng, rồi hội kín này, hội kín nọ..., cứ đợt này chưa xuống thì đợt khác đã lên, liên miên bất tuyệt, đập vào nền tảng của thực dân Pháp ở Việt Nam, và ngày nay nền tảng đó đã hoàn toàn sụp đổ mặc dầu Pháp đã đem hàng ức thanh niên của họ, huy động tất cả những khí giới tối tân nhất để chống đỡ, và được cả Anh lẫn Mỹ giúp sức.
Cuốn sách này tái bản đúng kỳ lục thập chu niên của năm Đông Kinh Nghĩa Thục ra mắt quốc dân. [11] Ngày nay đã cách xa Nghĩa Thục đúng 60 năm, ta có thể xét Nghĩa Thục một cách bình tĩnh và vô tư được.
Lấy phần đông mà xét thì trong 25 năm đầu thế kỷ, phong trào cách mạng là do các nhà cựu học chỉ huy, với một số ít nhà tân học giúp sức; trong 25 năm sau phong trào do các nhà tân học tổ chức và được một số nhà cựu học làm cố vấn.
Trong giai đoạn trên, các nhà cách mạng chia làm hai phe: một phe bạo động mưu cầu ngoại viện mà cụ Sào Nam lãnh đạo, một phe ôn hòa chủ trương duy tân mà cụ Lương văn Can và cụ Tây Hồ cầm đầu. Tuy nhiên hai phe vẫn liên lạc, hợp tác mật thiết với nhau, kính trọng, quý mến nhau chứ không hề khuynh loát, mạt sát nhau.
Cả hai phe, mà nhất là phe ôn hòa, hoạt động còn thiếu kinh nghiệm, thiếu phương pháp, có vẻ những nhà cách mạng “tài tử” chứ không phải hạng cách mạng chuyên môn thấu rõ đủ cả lý thuyết lẫn kỹ thuật như nhiều nhà cách mạng gần đây. Có người lại chê các bực tiền bối đó làm thơ nhiều hơn làm cách mạng. Có phần đúng, nhưng ta không thể trách các cụ điều đó được: các cụ làm thơ cũng như ngày nay chúng ta chép nhật ký, mà chính nhiều bài thơ đó đã cảm hóa được quốc dân. [12] Trái lại, ta nên phục các cụ là hoạt động thiếu phương tiện, thiếu tổ chức trong một thời gian ngắn như vậy mà đã có ảnh hưởng vô cùng lớn tới quốc dân.
Ngày nay nghe nói đến Đông Kinh Nghĩa Thục, người Việt nào cũng ngưỡng mộ, kính phục những nhà cựu học đã gây nên phong trào duy tân đầu tiên ở nước nhà. Bị un đúc trong cái lò thi phú mà các cụ có đầu óc mới mẻ như vậy quả thực là siêu quần.
Công của các cụ rất lớn.
Nhờ Nghĩa Thục mà sau những vụ thất bại ở cuối thế kỉ trước, chúng ta lấy lại được lòng tự tin: không tự ti đối với Trung Hoa và Âu Tây mà cũng không tự cao đến mù quáng. Chúng ta vẫn tôn trọng những giá trị tinh thần - hy sinh và bất khuất - của cựu học mà đồng thời cũng biết nhận giá trị thực tế của tân học:
Học Tây học Hán có rành mới hay.
Cởi bỏ được những quan niệm lạc hậu rồi - nhất là quan niệm trung quân quá cố chấp - tinh thần dân tộc của ta vững thêm. Các cụ một mặt khai thác cái vốn cũ của dân tộc mà vốn quí nhất là ngôn ngữ, một mặt tiếp thu văn hóa Âu Tây bằng công việc dịch thuật. Các cụ là người đầu tiên bỏ khoa cử và hô hào mọi người học tiếng Việt, viết lách bằng tiếng Việt, do đó mở đường cho các nhóm Đông Dương tạp chíNam Phong sau này.
Các cụ lại dạy ta có một quan niệm mới về nhiệm vụ và khả năng của phụ nữ trong công việc cứu quốc; dạy ta chú trọng tới kinh tế, hướng về các việc kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ các đồ nội hóa; dạy ta phải đồng tâm gây dựng cho xứ sở, và đích thân nêu gương phục vụ đồng bào cho hạng trí thức trong xã hội.
Nhưng công của các cụ không phải chỉ có bấy nhiêu. Các cụ còn trực tiếp hay gián tiếp đào tạo các nhà cách mạng và nhà văn lớp sau, trong số này nhiều phần tử ưu tú tự nhận đã mang ơn nhiều của các cụ. Như tôi đã nói, những cụ Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục nhờ dịch sách cho Nghĩa Thục mà luyện được cây bút, sau thành những nhà văn xuất sắc trong nhóm Nam Phong. Lại thêm một số học sinh của Nghĩa Thục, như Đào Trinh Nhất, một số con cháu các cụ sau thành những nhà ngôn luận có danh trong nước, há không do ảnh hưởng của phong trào?
Nghĩa Thục chỉ thọ khoảng một năm mà tên Nghĩa Thục được ghi trên sử. Trong Nam thiên phong vân ca một thi sĩ khuyết danh đã chép lại hoạt động của Nghĩa Thục trong những vần lưu loát và nồng nàn mà chúng tôi đã trích dẫn trên đầu mỗi chương và bây giờ xin gom lại:
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng,
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân.
Ngẫm xem con Tạo xoay vần,
Bày ra một cuộc duy tân cũng kỳ.
Suốt thân sĩ lưỡng kỳ Nam, Bắc,
Bỗng giật mình sực thức cơn mê.
Học thương xoay đủ mọi nghề,
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau.
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy,
Chưa học bò, vội chạy đua theo.
Khi lên như gió thổi diều,
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành.
Cách hoạt động người mình còn dại.
Sức oai quyền ép lại càng mau.
Tội nguyên đổ đám nho lưu,
Bắc Kỳ thân sĩ đứng đầu năm tên
[13]
“Mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ”. Mà danh ấy thọ là nhờ đám nho lưu ấy, gồm hầu hết những bực tuấn tú, nhiệt tâm, chí khí nhất trong nước tức cái tinh hoa của non sông đã tụ họp nhau ở nhà số 4 phố hàng Đào của cụ Lương văn Can để nắm tay nhau mà cải tạo non sông.
Thơ CẢM KHÁI
(của một cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục).
Tuổi xanh kết bạn xoay trời đất,
Năm chục năm nay thỏa ước mong.
Độc lập xa gần cờ phấp phới,
Anh hồn cố hữu khoái hay không
Phương Sơn (1882-1960)
Mạnh đông Ất Mùi (19551).
Chú thích:
[1] Tín Quốc Công tức Văn Thiên Tường là một nhà ái quốc đời Tống, chống với quân Minh xâm lăng, thất bại, bị giam, chịu chết chứ không đầu hàng. Ông có làm hai câu thơ:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh.
(Tự cổ làm người ai chẳng chết,
Lòng son lưu lại miếng tre xanh)
Hãn thanh là tre chảy mồ hôi. Hồi cổ, chưa có giấy, phải khắc chữ lên tre. Muốn cho tre mau khô, người ta đốt cho tre chảy bớt nước ra.
[2] Tương truyền cháu nhà ái quốc (tức cháu cụ Nguyễn Thượng Hiền) tên là Nguyễn Thượng Huyền (BT).
[3] Ý nói: vẻ tốt đẹp cõi Nam (Quảng Nam), khí thiêng liêng bể Đà (Đà Nẵng).
[4] Tích con gái vua Viêm Đế chết chìm ở biển, hóa ra chim Tinh vệ ngậm đá ở núi Tây đề lấp biển Đông. Nghĩa bóng trỏ người căm trả thù.
[5] Hai câu thơ trong bài Biệt Đổng Đài của Cao Thích, nghĩa là:
Đừng buồn lối trước không tri kỷ.
Thiên hạ ai người chẳng biết ông?
[6] Thể hiện sức sống.
[7] Bài Tế sống của cụ Huỳnh điếu cụ Phan (BT).
[8] Hai câu trong sách Liệt Tử, lời của Chung Tử Kỳ nhận xét tiếng đàn của Du Bá Nha, nghĩa là:
Tiếng vút lên: chí hướng đặt vào nơi núi cao.
Tiếng cuồn cuộn: chí hướng đặt vào nơi nước chảy.
Nhận xét đó, Ba Nha khen là rất đúng và hai người từ đó thành cặp tri kỷ.
[9] Cụ được người Nhật đưa qua đó để Pháp khỏi bắt cụ.
[10] Như ở một chương trên tôi đã nói, cụ Tăng Bạt Hổ mất vì bệnh ở Huế, khoảng năm 1915.
[11] Vì thời cuộc ra trễ mất một năm.
[12] Nghĩ vậy, nên tôi đã chép lại trong tập này, nhiều bài thơ, nhiều câu đối của các cụ. Bỏ những bài thơ văn đó tức là làm mất một phần bản sắc của các cụ.
[13] Năm tên đó là năm cụ đã bị Pháp kêu án chung thân khổ sai, tức: Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành và Hoàng Tăng Bí, nhưng cụ Hoàng nhờ nhạc gia can thiệp, được an trí ở Huế như độc giả đã biết.