on đường từ bến xe về trại nuôi dưỡng thương binh nặng dài bốn cây số. Mặt đường rải gạch vụn thỉnh thoảng lại có cỗ xe ngựa lộc cộc chạy qua cuộn lên lớp bụi mỏng. Giữa trưa nắng mà mặt đường vẫn rợp bóng cây xanh. Miền đất nửa quê nửa tỉnh này từ mấy năm nay đã trở nên quen thuộc đối với Thu Nga. Thu Nga xách túi đi bộ sau mấy bà gồng gánh đi chợ tỉnh về, thỉnh thoảng lại có người nghiêng nón nhìn chị. Mỗi lần về thăm Bức, đi bộ trên đoạn đường này Thu Nga lại có tâm trạng thật lạ. Về được với Bức, chị thấy lòng mình thanh thản hơn, dù Bức cố tình xua đuổi chị.Chị bước vào cổng trại đúng giờ nghỉ trưa. Nắng gay gắt. Dưới cái lùm cây của khu vườn, thương bệnh binh nằm nghỉ trên võng, trên các xe đẩy, trên các ghế đá. Vừa nhận ra chị, họ đã reo lên vui mừng như đón người thân quen trở về. Từ lâu chị đã trở nên thân thiết với tất cả mọi người ở đây. Chị đã hứa với anh em sẽ có dịp đưa một số bạn bè của chị trong đoàn văn công, tình nguyện về đây biểu diễn nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được.- Ôi! Thu Nga đã về, Thu Nga!Những tiếng reo vui gọi tên mình làm Thu Nga xúc động. Đời nghệ sĩ, chị đã đi khắp mọi nơi, đã nghe biết bao lời chào đón, tán dương, mời mọc trên sân khấu, trong các hội nghị, nhưng không ở đâu chỉ cảm thấy xúc động bằng những tiếng gọi ở nơi đây. Những người lính cùng cảnh ngộ như Bức, chồng chị suốt ngày đêm nằm trên võng, trên những chiếc xe đẩy sáng bóng kia, lại có cả những người mù cả hai mắt không nhìn thấy chị, họ chỉ nghe tiếng hát của chị và tỏ ra xúc động quý mến chị. Tiếng gọi của họ thật chân tình, thật thiết tha. Những tiếng gọi ấy cứ ngân vang mãi trong lòng chị.Chị nhận ra ông trại trưởng mặt rạng rỡ đón chào chị.- Ôi, anh em chúng tôi chờ chị mãi.Chị cười đưa tay vẫy chào anh em thương binh đang nằm dưới bóng cây soài ngoài vườn, rồi xách túi bước vào nhà khách.- Anh em chúng tôi đoán thế nào chị cũng sẽ về.Ông trại trưởng nhắc đi nhắc lại mãi câu nói ấy làm chị thấy ngờ ngợ.- Có chuyện gì vậy anh? Sức khỏe của nhà tôi thế nào?- Xin lỗi, thành thực xin lỗi chị - Không... không có chuyện gì cả. Nhưng có lẽ tôi phải báo trước cho chị biết rằng anh ấy đã về quê. Vâng đúng vậy. Anh ấy đã về quê được gần một tháng rồi.- Tạo sao anh ấy không báo trước cho tôi biết trước? Chị bỗng nổi nóng, gắt lên với ông trại trưởng...- Ấy, chị bình tĩnh đã nào. Việc này không phải chúng tôi quyết định mà do yêu cầu của gia đình muốn xin chuyển anh ấy về ở hẳn nhà để tiện chăm sóc. Chị thông cảm, chúng tôi không có quyền trong chuyện này. Nhưng dù sao chị đã về hãy ở lại với anh em chúng tôi. Ôi, anh em thương binh mong chờ chị mãi.- Không, tôi phải về - Thu Nga buồn rầu nói - lần này thì tôi không ở lại được, tôi hứa với anh dịp khác tôi sẽ về. Vâng nhất định tôi sẽ về.Chị vội vã đi chào tất cả anh em thương binh rồi tất tả ra bến đón xe về huyện.Chiếc xe khách đưa Thu Nga về tới con đê làng thì bóng chiều vừa tàn. Dòng sông cái thoáng hồng lên trong hoàng hôn. Bến Đá vắng lặng mênh mang trơ ra những mảng tường đổ nát của ngôi nhà vịt hợp tác xã đã bỏ hoang từ mấy năm nay. Mụ Bông và lão Vòng đã bỏ quán bán hàng kéo nhau về làng ở để dưỡng già. Làng Nguyệt Hạ chìm trong khói sương. Con cừ giữa như nhỏ lại chỉ còn một vệt sáng mờ vắt qua cánh đồng lúa đang thì con gái lao xao trong gió. Đồng quê thôn xóm bỗng gợi lên nỗi xót xa khi bước tới đoạn đường có lát những viên đá xanh- dấu tích của cuộc hôn nhân gượng ép giữa chị và Bức. Chính vì cuộc hôn nhân gượng ép giữa chị và Bức đã làm mất đi cái phong tục trao vòng cổ xưa của làng Nguyệt Hạ. Thu Nga không ngờ chính mười viên đá của vợ chồng chị lại là những viên đá cuối cùng trên đoạn đường đá của làng Nguyệt Hạ. Nếu tục lệ trao vòng còn giữ được tới bây giờ thì con đường đá của làng phải kéo dài ra tới chân đê. Có lẽ đến muôn đời sau con đường đá vẫn chấm hết lơ lửng ở gốc cây đại xóm giữa. Nó cũng dang dở như mối tình đầu giữa Đô và chị, nó cũng lửng lơ như cuộc hôn nhân ngang trái giữa chị và Bức.Thế mà gần hai mươi năm, Thu Nguyệt đã tròn mười tám tuổi, đó là cả quãng đời Thu Nga phải sống xa quê hương. Con đường đá đã trải qua bao thời gian mưa gió, đất cát trôi lở, những viên đá xô lệch đi. Nhưng dù sao những viên đá vẫn còn đó, mãi mãi vẫn còn đó...Về tới nhà, Thu Nga nhào vào lòng mẹ. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần về tới nhà là chị lao vào lòng mẹ sờ nắn gân cốt chân tay mẹ già và cảm nhận mỗi lần về với mẹ, chị lại thấy mẹ già đi nhanh quá.- Sao không cho con Nguyệt về chơi với tao mấy hôm hả?- Cháu còn đang bận học mẹ ạ. Hè tới con sẽ cho cháu về với mẹ.- Năm nào mày cũng hứa mà chả năm nào mày cho nó về cả. Nó đã mười tám tuổi rồi đấy.Câu nói của mẹ nhắc nhở Thu Nga quan tâm tới tương lai của Thu Nguyệt giống như ngày xưa mẹ đã quan tâm lo lắng tới chị, lo lắng tới tuổi mười tám...- Mẹ, mẹ ơi, vừa rồi con đã trao vòng cho cháu Nguyệt.- Con vẫn còn muốn giữ cái phong tục trao vòng sao?- Mẹ! Thu Nga lại xúc động ôm choàng lấy mẹ.Bữa cơm tối dọn ra với niêu cơm con tý mà hai mẹ con ăn vẫn không hết. Mẹ rì rầm kể đủ mọi chuyện làng xóm, chuyện Bức trở về do yêu cầu của anh cả Lạnh.- Thằng Bức nó về cũng phải - Mẹ nói - giữa thời buổi đói kém này đằng nào nhà nước cũng phải trả lương người phục vụ nó. Đưa nó về đây người nhà phục vụ chả hơn, vừa có tình cảm, gia đình nó lại kiếm đồng rau mắm.Câu nói chân tình của mẹ khiến Thu Nga lạnh cả người. Mẹ không thể hiểu được những ý nghĩ xót xa của chị.- Còn thằng Đô - Mẹ nói tiếp - tao không ngờ hồi này nó lại sa sút đến thế. Gần năm chục tuổi đầu rồi mà còn đi đánh nhau để vào tù.- Ai nói với mẹ thế.- Thì làng nước người ta đồn ầm cả lên.- Lâu nay mẹ có thấy anh ấy về không mẹ?- Đã bảo là nó đi tù rồi. Sao bảo mày ở gần chỗ nó mà không biết gì à? Rõ khổ, từ ngày con Hà đi lấy chồng, dượng Quất nó phải sống trơ trọi một mình. Ông ấy mê muội, mụ mẫm cả người chả còn biết ra sao. Mẹ Nga thở dài- Ngày còn trẻ thì phá phách nổi loạn vô sừng vô sẹo, vô tư vô sách, vậy mà bây giờ lại tín quá hóa mê. Cứ như trời hành. Chùa nào cũng vào, đình nào cũng đến. Chịu ăn đói mặc rách thắt lưng buộc bụng leo lên nóc đình mái chùa để gắn lại những viên gói vỡ. Thế đấy, ở đời chả biết thế nào mà ngờ. Mai mày sang an ủi ông ấy vài lời.Nói chuyện với mẹ một lúc, Nga xin phép sang gặp Bức. Lối ngõ nhà chồng suốt mười tám năm nay Nga chưa hề đặt chân tới mà Nga vẫn nhớ từng viên đã lát ngõ bị vỡ, nhớ từ cái rãnh nước đêm nào chị đã chạy hoảng loạn từ nhà chồng về với mẹ bị ngã. Từ bao năm nay xóm thôn nhà nào cũng kiến thiết xây dựng nhà cao cửa rộng, tường giậu cao ngất, riêng gian nhà tranh vách đất của vợ chồng chị và Bức vẫn như xưa. Chỉ có điều nó mới được quét vôi lại, các kẽ nứt được trát kín trông có vẻ sáng sủa hơn xưa. Nhưng dù sao nó vẫn là gian nhà đất thấp tè nằm giữa hai khoảng sân gạch của anh cả Lạnh và anh Mát. Hai người anh của Bức không thể phá bỏ ngôi nhà tranh vách đất của vợ chồng chị đi được. Gian nhà này là tài sản riêng của vợ chồng Bức - phần đất chia ba của ba anh em Bức - mồ hôi công sức của vợ chồng Bức tạo dựng lên. Nó kia, gian nhà tranh vẫn tượng trưng cho cuộc hôn nhân giữa Thu Nga và Bức vẫn tồn tại. Nó vẫn tồn tại trong hoang vắng từ ngày vợ chồng Bức ra đi mỗi người một ngả. Nó vẫn tồn tại lay lắt, bất hạnh, cô đơn giữa cuộc đời này. Trước khi đón Bức về, theo chế độ ưu tiên, người ta mắc cho anh một ngọn điện của nguồn điện dành riêng cho trạm bơm tưới tiêu của xã. Quả thực là anh xứng đáng được hưởng cái phần ưu tiên ấy. Nhưng chính vì thứ ánh sáng ấy, chị lại thấy nhói lên nỗi đau đớn. Ngôi nhà tranh vách đất của vợ chồng chị cứ sáng bừng lên trong đêm. Ai cũng nhận ra nỗi cô đơn bất hạnh của Bức. Chính cái thứ ánh sáng choi chói kia lại chiếu sáng thêm những vết rạn nứt nham nhở trên các tấm vách. Bức vẫn nằm câm lặng trên chiếc xe tay sáng bóng nước thép. Vẫn chiếc chậu nhôm đặt bên cạnh để hứng nước tiểu và phân, vẫn một khúc ngắn cũn của thân thể Bức nằm lọt thỏm trên xe. Và vẫn là ánh mắt lờ đờ không thần sắc, không niềm vui, không nỗi buồn, không hờn giận, không khao khát điều gì. Hai đứa cháu út con anh cả Lạnh và con anh Mát nằm bò ra chiếc chiếu trải giữa nhà học bài dưới ánh sáng của ngọn điện treo lơ lửng giữa nhà. Thu Nga bước vào cửa, bậc cửa vẫn là mảnh cối đá thủng Bức đã đặt vào đây từ ngày khánh thành gian nhà này. Mảnh cối đá vỡ vẫn nằm trơ trơ dưới ánh sáng của ngọn điện. Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn Thu Nga. Bức hơi giật thót người. Nhưng chỉ khoảnh khắc ngắn ngủi, Bức lại vẫn là Bức - lạnh băng câm lặng. Hai đứa trẻ nhận hai gói kẹo từ tay Nga rồi chạy lộc tộc ra cửa. Thu Nga quỳ xuống, một tay bám vào khung thép lạnh ngắt của chiếc xe đẩy, một tay chị nắm chặt lấy bàn tay Bức. Nước mắt chị bỗng trào ra. Chị khóc. Tiếng khóc nghẹn lại đau đớn.Chị muốn biểu lộ với chồng tình cảm thương yêu chân thành của mình. Dù sao chị vẫn là vợ anh. Dù anh và gia đình anh đã coi chị là kẻ hư hỏng, kẻ phản bội chồng, kẻ làm nghề xướng ca vô loài. Những lần chị về thăm mẹ, chưa bao giờ hai ông anh Bức giáp mặt chị, tất cả những chuyện ấy chị không quan tâm. Điều mong muốn duy nhất lúc này của chị là Bức hãy nói với chị vài lời:- Bức, anh hãy tha lỗi cho em.Bức vẫn câm lặng. Chị lại cầm cánh tay cụt ngủn của anh đặt lên ngực mình. Chị nhìn mãi vào cái cùi tay thành sẹo nhẵn thín tím bầm teo lại của Bức. Bàn tay lành lặn còn lại của Bức khẽ cựa quậy đẩy chị ra. Anh tỏ ý xua đuổi chị như mọi lần chị gặp Bức ở trại nuôi dưỡng thương binh trên tỉnh. Chị nhận ra sự mất mát vô cùng to lớn giữa chị và Bức - Bức của thời trai tráng hừng hực dục vọng khát thèm mê mẩn bởi thân thể trẻ trung của chị. Lúc này không còn gì làm Bức xúc động, chị nghe thấy tiếng nói của Bức khẽ thều thào như hơi thở khó nhọc thoát ra từ lồng ngực lép kẹp của anh. Lần này là lần đầu tiên kể từ ngày anh ở chiến trường về chị được nghe anh nói.- Đừng làm thế. Hãy đi đi đừng bao giờ bước về căn nhà này nữa. Hãy quên thằng Bức này đi. Hãy quên đi mọi chuyện, quên đi tất cả. Như vậy tốt hơn.Giọng anh yếu ớt nhưng đầy uy lực đến ghê sợ. Thu Nga chạy sang nhà ông anh cả, chị không ngờ cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ này lại có mặt đầy đủ tất cả mọi người trong gia đình Bức. Anh cả Lạnh và anh Mát ngồi xếp bằng trên giường hút thuốc lào. Vẫn cái điếu bát nhẵn thín từ thời cụ Kình. Hai bà chị dâu và mấy đứa trẻ vẫn phải tuân thủ bổn phận dâu con trải chiếu dưới đất ngồi rì rầm bàn tán chuyện của chị và Bức. Thu Nga muốn xóa tan đi mọi mặc cảm nặng nề giữa chị và gia đình Bức - Tới giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng. Mọi chuyện đều đã phải trả giá và thời gian đã chứng minh cho sự trả giá ấy. Thu Nga lặng lẽ ngồi xuống cạnh hai người đàn bà và hai đứa cháu. Chị cảm nhận thấy hết thảy nỗi khó khăn vất vả của cảnh sống nghèo khổ túng quẫn hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của họ. Những gương mặt già cỗi xám ngắt với mọi đồ vật cũ kỹ, cuộc đời cũ kỹ, ý nguyện cũ kỹ và mọi thứ tất cả đều cũ kỹ.- Chúng tôi ngỡ chị không bao giờ về tới ngôi nhà này nữa - anh cả Lạnh nói- Thôi, em xin tất cả các anh, các chị đừng nói tới chuyện cũ làm gì nữa - Thu Nga đưa tay nắm chặt lấy bàn tay đứa cháu, giọng chị xúc động - bây giờ em chân tình mong các anh các chị hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của em. Ngần ấy thời gian không đủ để mỗi người trong chúng ta thấy cần phải làm gì sao? Các anh các chị tưởng rằng đời em sung sướng lắm sao? Đành rằng em có lỗi với các anh các chị, có lỗi với Bức. Suy cho cùng thì cũng chẳng ai bắt được em phải về đây. Em về đây chính là vì cái tình cái nghĩa ở đời với nhau. Nó cũng giống như tình cảm ruột thịt giữa các anh các chị đối với nhà em. Dù thế nào đi nữa em bây giờ vẫn là vợ anh Bức, là em dâu của các chị. Chúng ta phải sống thế nào cho con cháu chúng nó hiểu, cuộc đời này bớt đi những lỗi lầm. Nhà em bây giờ bị tàn phế, dù anh ấy cố tình xua đuổi em, em vẫn cứ đến với anh ấy.Thu Nga ngừng nói, căn nhà lặng đi. Ông anh cả lại rít đẫy hơi thuốc lào, mở to mắt nhìn trân trân lên trần nhà miệng nhả khói. Tất cả đang im lặng chờ đợi lời phán quyết của vị đứng đầu gia tộc. Lời cả Lạnh là lời cụ Kình xưa.- Tôi nói lời này với tất cả mọi người - Giọng anh cả Lạnh đanh lại. Đôi mắt nhìn xoáy vào Thu Nga - Tất cả phép tắc nhà này vẫn phải giữ gìn nghiêm chỉnh. Vẫn phải mãi mãi vững bền như cái thủa cụ tôi còn sống. Gia đình tôi đã tuyên bố từ mặt cô kể từ ngày cô bước chân ra đi. Đã bước chân ra đi cấm kỳ trở lại. Cô đã ngủ với thằng khác mà còn dám về đây xưng là dâu nghe nó ngượng lắm. Cô là kẻ phản bội thằng Bức mà bây giờ còn dám anh anh em em với chúng tôi thì quả thực là láo, láo quá đấy. Tôi nói để cô biết, cô đừng mơ hồ đeo đuổi hy vọng gì về lại mảnh đất này. Tôi biết tỏng âm mưu đàn bà của cô là muốn bám lấy thằng Bức để chờ ngày nó chết thì sẽ được làm chủ mảnh đất này chứ gì. Mẹ con cô đã lầm. Dù cô và thằng Bức chưa có giấy ly hôn nhưng cô nên nhớ rằng thời bây giờ đổi mới rồi. Ai có công nuôi thương binh người ấy được hưởng. Bây giờ gia đình con cái tôi nuôi chú Bức... cô nên hiểu rõ điều ấy. Cô đừng hòng lửa phỉnh được tôi. Thằng này đã sống bạc đầu rồi, mọi sự ở đời chẳng lạ. Cô chỉ giỏi được cái nịnh bợ trẻ con.Cả Lạnh tức tối cầm hai gói kẹo Thu Nga cho hai đứa trẻ lúc nãy ném ra trước mặt chị. Thu Nga nghẹn ngào. Chị đứng vụt dậy giọng đanh lại.- Đúng là tôi vẫn lầm. Thì ra các người vẫn thế, vẫn tầm thường, nhỏ nhen, ích kỷ, độc ác và tăm tối như xưa.- Chi đau đớn chạy về với Bức, Bức vẫn mở hai cặp mắt vô hồn lờ đờ nhìn chị. Căn nhà tranh vẫn bừng sáng thứ ánh sáng quái ác. Thu Nga bấu hai bàn tay vào vai bức giọng hoảng hốt.- Anh hãy nói thật đi, chỉ lần này nữa thôi anh hãy nói để tôi biết có đúng anh cũng nghĩ về tôi giống như các anh chị của anh phải không? anh hãy nói đi, có đúng là anh xua đuổi tôi vì sợ tôi về với anh để cốt giữ lấy ngôi nhà này hay sao? Anh nói đi, chỉ một lời thôi, tôi sẽ vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở về đây nữa.Thu Nga nhìn thật sâu trong mắt Bức dưới ánh sáng chói gắt của chiếc bóng điện treo lơ lửng giữa nhà, chị nhận ra trong mắt Bức có những tia máu vàng bệch đang biến đổi dần thành màu tím bầm...- Anh nói đi - Thu Nga rít lên - Đành rằng tôi có lỗi không giữ trọn vẹn được mình...- Không. Không phải thế - Bức chọc cùi tay cụt xuống mặt miếng vải bạt dưới lưng như muốn trồi mình lên khỏi chiếc xe đẩy. Bàn tay lành lặn còn lại run rẩy bám lấy cổ tay Nga. Từ ngày ở chiến trường về chưa bao giờ Thu Nga thấy Bức biểu lộ tình cảm với chị như lúc này- Thu Nga không có lỗi gì đâu. Đừng tự hành hạ mình cho khổ. Đúng là các anh các chị tôi nghĩ thế đấy. Nhưng cũng đừng trách họ làm gì. Họ có được đi đến đâu đâu. Suốt cả cuộc đời cứ phải ru rú ở đất này. Suốt cả đời người, để có được miếng ăn, có được manh áo cho bản thân, cho con cái, họ phải nai lưng ra làm quần quật mọi công việc ruộng đồng. Vừa làm vừa phải lo tính bổn phận làm người, lo cúng giỗ, ma chay, cưới xin. Ngòai ra còn phải chống chọi với mọi tai biến thiên tai hạn hán gió bão và lại phải toan tính mưu mô thủ đoạn giữa con người với con người gây ra, họ ganh ghét, giành giật nhau từng tấc đất bởi cuộc sống này quá khó khăn, âu cũng là lẽ thường tình. Tôi nói nhiều với Thu Nga chuyện này chẳng phải để bênh vực cho gia đình tôi mà cái chính là để Thu Nga hiểu rõ rằng họ cũng vô cùng cực khổ. Có hiểu thế mới thương họ và nhận ra những gì tốt đẹp ở họ. Sự chân thành nằm ngay trong sự gian dối. Sự sâu sắc ở họ cũng là thứ sâu sắc cũ kỹ lạc hậu đến tối tăm.Bức vừa nói vừa thở khó nhọc. Bàn tay anh xiết lấy cổ tay chị. Ánh mắt vô hồn của anh bỗng rực lên. Giọng nói của Bức tuy yếu nhưng lời lẽ tâm huyết như vắt ra từ cơ thể đau đớn của anh lâu nay phải chịu đựng bao mất mát về cả thể xác lẫn tinh thần.- Thu Nga, hãy tha thứ cho họ - Bức vẫn rì rầm bên tai Nga - Định kiến và thù hận đã ăn sâu vào máu luôn hủy hoại cuộc sống vốn đã khốn cùng của họ. Lòng tốt và sự chân thành của họ lại chính là lòng tin. Họ đã tin và tôn thờ điều gì họ sẵn sàng đổi cả tính mạng mình để giữ lòng tin ấy. Dẫu họ có phải ăn đói mặc rách quanh năm nhưng đến ngày giỗ bố phải có manh quần tấm áo mới ngồi trước mâm cỗ đầy ắp xôi thịt. Họ dám nhảy vào lửa để cứu người, dám xoay trần ra, vật lộn với dông bão để cứu lúa, họ dám xả thân nơi bom đạn tiêu diệt kẻ thù... miễn là đừng lừa dối họ, họ là thế đấy.Bức ngập ngừng vì cơn ho nghẹn lại trong cổ anh, Thu Nga kéo cổ áo lại cho Bức.- Thôi, anh khỏi phải nói những điều ấy. Em muốn biết rõ thái độ của anh, chính anh đối với em. Tại sao anh lại xua đuổi em? Anh cũng nghĩ về em như họ nghĩ về em sao?- Đừng nghĩ về tôi thế Thu Nga! Tôi không muốn nói ra những ý nghĩ của mình về Thu Nga, Thu Nga chỉ nên hiểu rằng tôi không tồi tệ thế đâu. Có thể ngày xưa tôi còn khờ dại nông nổi nhưng từ ngày ra đi tôi đã được trải qua những năm tháng chiến trường, những năm tháng ấy xa quê hương, xa Thu Nga tôi mới nhận ra mình đã có tội với Nga, có tội với Hoàng Đô. Đúng là đứng trước cái chết con người ta mới nhận ra sự sống nó quý giá biết nhường nào. Đúng thế. Con ngươờ ta có nhận ra giá trị của cuộc sống mới có thể sống tốt đẹp được. Giá mà Thu Nga hiểu được những ngày tôi và Đô cùng sống trong chiến trường, cùng hứng bom trên trận địa, những giây phút tôi và Đô tâm sự với nhau dưới hầm chờ bom nổ. Giá mà Thu Nga được chứng kiến cảnh tôi và Đô cùng ngồi nghe Nga hát trên đài. Nga không thể tưởng tượng được Đô nó xúc động tới mức nào, háo hức tới mức nào khi nghe Nga hát. Đấy mới là tình yêu, đấy mới là hạnh phúc. Không, không ai hiểu đâu. Chính lúc ấy tôi mới lại càng nhận ra tội ác của tôi, tội ác của gia đình tôi đối với Đô và Nga.- Em hiểu, chuyện ấy thì em hiểu. Nhưng cái chính là em muốn biết tại sao anh lại cố tình xua đuổi em?- Ôi, tôi đã nói thế mà Thu Nga không hiểu sao. Là nghệ sĩ mà Thu Nga không cảm nhận được điều ấy sao? - Bức khẽ thở dài - Có thể Thu Nga không hiểu thật. Bởi Thu Nga vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ như xưa. Tôi... tôi muốn Thu Nga và Đô về sống với nhau. Tôi đã có tội, chính tôi là người có tội chứ không phải Thu Nga. Thu Nga không có lỗi gì hết. Hồi ở chiến trường tôi đã nói xấu Thu Nga với Đô cũng là để cho Đô đến với Thu Nga. Tôi hành hạ Thu Nga và Đô cả một thời son trẻ. Giờ đây tấm thân què quặt của tôi chả lẽ lại còn hành hạ thu Nga mãi đến bao giờ. Hãy đi đi đừng bao giờ về đây nữa Thu Nga ạ. Sự quan tâm của Thu Nga càng làm cho tôi thêm đau đớn. Chính vì sự quan tâm quá nhiệt tình của Thu Nga khiến các anh chị tôi và mọi người hiểu lầm Thu Nga.- Ôi Bức - Thu Nga thổn thức - thì ra là như thế. Sao anh không nói với em ngay từ đầu để em phải khổ đau mãi về thái độ lạnh lùng của anh...- Hiểu được Bức, mặt Thu Nga nóng bừng lên. Chị sung sướng biết nhường nào. Anh cao thượng và đẹp đẽ biết bao nhiêu. Anh xua đuổi chị không phải vì khinh ghét chị. Không, anh có quyền, anh hoàn toàn có quyền đón nhận nơi chị một tình cảm chân thành nhất chị dành cho anh. Anh đã phải hy sinh chịu đựng đau đớn nhiều rồi mà bây giờ anh lại muốn chạy trốn khỏi chị để được thanh thản đi tìm hạnh phúc ở nơi khác. Chị bỗng nhận ra mình thật bé nhỏ trước anh. Đúng là anh đã cảm nhận được những lần chị đến với anh cũng chỉ là bổn phận làm vợ và lòng thương hại. Chị thấy xấu hổ về những ý nghĩ tầm thường của mình. Lòng anh còn cao đẹp và nhân ái hơn chị nhiều. Thu Nga thấy bần thần cả người. Chị nhìn anh và nhận thấy anh bây giờ và Bức ngày xưa thật khác xa.- Ôi, anh rõ ngốc! - Thu Nga ghé sát vào tai Bức nói nhỏ - Anh chẳng hiểu Đô gì cả. Làm sao mà em đến với Đô được. Anh ấy đã có vợ. Em mong cho anh ấy được hạnh phúc. Mặc dù cuộc đời mỗi người một hoàn cảnh chả ai giống ai. Ngay từ ngày Đô ở chiến trường ra, chính em đã khuyên anh ấy nên xin vào học ở trường viết văn Nguyễn Du đấy. Anh ấy học xong, chính em đã nhờ Đặng Xuân Tòng xin cho anh ấy về công tác ở Sở văn hóa của Thành phố. Anh còn nhớ Đặng Xuân Tòng không? Nhân vật mà ngày xưa đã về dự hội diễn văn nghệ ở sân đình làng ta đấy. Em đã tưởng Đô được như vậy là mừng, ai ngờ cuộc đời anh ấy vẫn khổ, bao nhiêu năm vẫn cứ sống trơ trọi mỗi mình chẳng chịu lấy vợ. Nghề cầm bút đã tàn phá sức lực của anh ấy. Anh ấy lấy vợ cách đây hai năm, cô vợ thật trẻ và đẹp...Thu Nga định kể hết cho Bức nghe chuyện về Đô, nhưng nghĩ thế nào chị lại thôi. Thu Nga đẩy chiếc xe tay tới sát chiếc giường và lấy cam trong túi bóc cho anh ăn. Đêm làng Nguyệt Hạ tĩnh lặng. Mãi lúc này chị mới nghe rõ tiếng sáo diều vẳng lên trong không gian. Hai con thạch sùng lấp ló trốn tìm nhau trong kẽ nứt của mảng tường đất. Chị đứng dậy khép hai cánh cửa và bỗng thấy bực mình với ánh sáng chói gắt từ chiếc bóng điện cứ rừng rực lên. Những con thiêu thân từ đâu bay loạn lên, thi nhau lao đầu vào thứ ánh sáng chói lòa ấy. Chị đưa tay tắt công tắc điện. Căn nhà tối bưng. Chị ngồi xuống cạnh anh và cảm nhận lòng dịu lại. Chính bóng tối lại làm chị thấy mát mẻ và gần gũi anh hơn. Gian nhà tranh vách đất bỗng trở nên quen thuộc với chị. Chính bóng tối lúc này đã an ủi che lấp được nỗi đau nhức nhối của chị về Bức. Chị đưa cả hai bàn tay lên đôi má anh.- Đừng. Nga hãy về với mẹ bên nhà thì hơn. Đừng...- Không, đêm nay em sẽ ở bên anh. Chúng mình có quyền được sống bên nhau. Hoàn cảnh của em bây giờ không cho phép em được về ở hẳn với anh, em thấy mình có lỗi với anh nhiều lắm. Em không về chăm sóc anh không phải em ngại ngần gì đâu, cái chính là vì tương lai con Nguyệt, tương lai của nó lại ở nơi khác.- Anh hiểu, anh hiểu Nga hơn ai hết, anh hiểu tấm lòng cao quý của Nga. Nhưng giá mà Nga đừng về đây vẫn hơn.- Không, anh không phải nghĩ ngợi gì hết. Em muốn anh thật thanh thản.Thu Nga cúi xuống áp má mình vào má anh rồi hôn lên đôi môi khô nẻ của anh. Một lần nữa chị đặt bàn tay anh lên khuôn ngực đang phập phồng của chị. Chị cảm nhận rõ thấy những ngón tay anh run run. Đó chính là dấu hiệu tốt lành của sự sống mà chị ngỡ nó đã lụi tàn trong cơ thể què quặt của anh đang cựa quậy nẩy mầm một sức sống tốt đẹp. Chị thấy xúc động mạnh, đưa hai tay cởi cúc áo và chưa bao giờ từ gần hai chục năm nay chị lại thấy tim mình đập mạnh như lúc này. Chị không hiểu bằng tình cảm chân thành, với cử chỉ dịu dàng âu yếm của đôi bàn tay mềm mại, bằng tấm thân còn tràn đầy sức sống và bộ ngực nở nang của một cơ thể nghệ sĩ như chị có còn khơi gợi lên trong cơ thể què quặt của anh một xúc cảm dục vọng nào không? Chị không hiểu. Nhưng với chị, chị muốn bù đắp, muốn nối lại tình cảm vợ chồng trong bao năm xa cách. Chị muốn giữa anh và chị phải có một hạnh phúc thực sự bền vững giống như những viên đá lát trên đường làng Nguyệt Hạ này. Chị muốn giữ trọn cho anh một niềm tin tình cảm giữa anh và chị chân thành chứ đâu phải chị muốn kích động trong anh thứ nhục dục tầm thường. Chị thực sự xúc động với ý nghĩ trong vắt cao đẹp của mình. Chị thấy cuộc gặp gỡ với Bức lần này lấp lánh màu sắc của nghệ thuật mà suốt cả cuộc đời nghệ sĩ chân chính như chị mới có được. Và chị cũng hiểu rằng chỉ có tâm hồn nghệ sĩ mới cảm nhận rõ điều kỳ diệu đang xảy ra với chị nó thiêng liêng tới mức nào. Năm ngón tay trong bàn tay anh lúc này như có phép thần biến hóa mơn man lướt nhẹ trên khuôn ngực chị.- Chỉ lần này nữa thôi, lần cuối cùng - Giọng anh thảng thốt bên tai chị - Nga hãy đi khỏi nơi đây vĩnh viễn đừng bao giờ trở lại hành hạ tôi nữa. Tôi van em... Em hãy hứa đi.Thu Nga khóc. Chị khóc tấm tức. Chỉ để cho những giọt nước mắt nhỏ xuống ngực anh. Đó là những giọt nước mắt kiêu hãnh sung sướng lẫn xót xa đau đớn...Đêm làng Nguyệt Hạ lạnh trong. Bỗng có tiếng gà vỗ cánh phành phạch cất tiếng gáy vang.