CHƯƠNG 15

     hi anh trở về làm cảnh sát khu vực phường Đường Tàu thì em đã thành một con lưu manh thực thụ rồi. Sau vụ đốt chợ, em và con Mỹ ra đứng bán thuốc lá ở bến xe.
Nhưng anh biết đấy, trông chờ vào mấy điếu thuốc thì sống làm sao nổi. Nhìn ra xung quanh, bao nhiêu đứa sống được bằng ăn cắp, bằng móc túi, bằng xin đểu, bằng lừa đảo, bằng bài bạc... Chả lẽ em lại chịu chết đói trong khi em cũng có đủ hai con mắt, hai bàn tay và cái đầu được học đến tận lớp 9?
Đầu tiên em và con Mỹ chỉ dám mang đồ ăn cắp của bọn chúng nó đi bán thôi. Xe hàng về thì chúng nó lấy hàng, xe khách tới thì chúng nó rạch túi lấy đồ, được thứ nào chúng nó đều đưa cho em và con Mỹ mang đi tiêu thụ. Dù sao thì bọn em cũng là con gái, ít bị để ý, lại cò kè bớt một thêm hai được, đôi khi gặp khách ngu ngơ, tưởng gái nhà lành sa cơ lỡ vận, nài thêm được đồng nào hay đồng ấy. Bán được bao nhiêu em mang về đưa hết cho chúng nó, và ăn hoa hồng với một tỷ lệ nhất định. Em được hưởng chút xái may mắn này là nhờ có Hưng "mã". Với hai tiền án, Hưng được bọn lưu manh ở bến xe nể mặt. Đã ăn cơm tù hai lần rồi nên Hưng ít nhiều cũng ngán, không còn xông xáo nhảy xe trộm hàng hay len lỏi rạch đồ, móc túi của hành khách nữa. Hưng chỉ nhận tiêu thụ đồ thôi. Nếu có bị bắt thì cũng dễ cãi. Hưng thường cầm mấy cái lốp xe đạp đứng ở một góc bến xe, ra vẻ là người phe phẩy hàng mậu dịch, buôn đi bán lại mấy mặt hàng phân phối để kiếm tí lãi mà sống. Hình ảnh ấy khá lương thiện trong con mắt nhiều người. Hình ảnh ấy cũng chứng tỏ Hưng đã biết hối cải, biết bỏ nghề cũ trong con mắt của mấy anh công an phường. Nhưng đó chỉ là cách che đậy khéo léo của Hưng mà thôi. Thực chất thì Hưng nhận đứng ra bao tiêu toàn bộ hàng ăn cắp của chúng nó. Hưng bảo nếu bị bắt thì tội này là nhẹ nhất. Cứ cãi phăng đi. Ai mà biết xuất xứ từng món hàng là ở đâu, của ai? Đứng mốc meo lên ở đây. Thấy có người mang hàng tới. Rẻ thì mua. Có người mua lại được giá thì bán. Bảo là của gian thì biết là của gian. Bảo đền bù thì đền bù. Đền bù rồi thì tội nhẹ đi. Thường chỉ án treo thôi. Lâu dần, thành mối quen. Cứ bọn nào có hàng là mang tới mình. Trộm cắp hay đột vòm, lừa đảo hay cầm nhầm, nhặt ở nhà mang đi hay thó của cơ quan mang đến, nhận hết. Lại còn được ăn hai mang. Người nào mất cắp, tiếc của, tiếc đồ, tiếc món hàng quen dùng, đến tìm hỏi chuộc lại, cũng nhận. Thế là đứng giữa mà nhặt nhạnh, ít một tí nhưng thọ, đủ cơm ăn lại tránh được những cú vả của đời. Nghề này hơi giống nghề đi buôn. Đã buôn thì phải có gian và lận. Nhưng gianlận ít bị đòn hơn là trộmcướp. Em và con Mỹ đương nhiên thành người của Hưng. Bọn em gom hàng về cho Hưng, nhờ Hưng định giá, rồi lại đi bán. Hưng đóng vai trò trung gian, chả phải bỏ vốn, chỉ phán vài câu, khi bán được hàng rồi, Hưng cũng có phần. Cũng có khi bọn em làm riêng. Được đồng nào thì đút cả vào túi. Cũng có khi Hưng bỏ vốn ra ôm hàng. Đó thường là những món hàng quý, như đồ phụ tùng xe máy, hàng điện tử cũ, mi ni Nhật hoặc những loại hàng mà đàn bà con gái bọn em không thông thuộc.
Ra bến xe một thời gian, em hiểu rằng có rất nhiều người sống bằng nghề trộm cắp vặt. Toàn bọn choai choai, đói dài đói rạc. Mỗi đứa một hoàn cảnh, mỗi đứa một lý do để ra đứng bến. Em hình dung ra ngày xưa anh trai em cũng thường xuyên ra đây để chỉ chực người ta hở ra cái gì là lấy. Một lần em hỏi Hưng: "Ngày xưa anh trai em và anh ra đây đứng bến cũng là để rình mò trộm cắp của người ta thế này à?". Hưng đáp thản nhiên như không: "Đó là phân công lao động xã hội em ạ ". Em bảo: "Trộm cắp thì nói là trộm cắp, lại còn sĩ diện". Hưng không chịu, mồm liến thoắng giải thích: "Đó chỉ là một cách nói thôi. Con người ta sinh ra mỗi người một nghề, của cải trong xã hội là của chung, xét cho cùng chúng cũng chỉ là của phù vân mà thôi, chẳng thuộc về ai mãi mãi cả. Bọn anh chỉ làm cái công việc là phân phối lại của cải trong xã hội. Bảo nó xấu thì là xấu. Bảo phạm tội thì nó là tội phạm. Bảo nó là sự phân phối tự nhiên thì nó là phân phối tự nhiên".
Hưng không thích bị nhìn nhận là lưu manh và có vẻ rất khó chịu với hai từ "trộm cắp". Hưng bảo từ ấy nặng nề quá, nghe cứ thế nào ấy, sống ở trên đời ai cũng trộm cắp hết, trộm cắp từ thiên nhiên, từ xã hội, từ nhà nước, từ gia đình, từ bạn bè, từ người thân, không trộm tiền thì trộm tình, không trộm thời gian thì trộm chức tước, không trộm tình cảm thì trộm vật chất, không trộm lòng tin thì trộm khát vọng... Thế nên dùng từ trộm cắp để chỉ mấy thằng móc túi ở bến xe thôi là không đúng, là oan uổng, là xúc phạm đến bọn anh. Em buồn cười quá, bảo: "Thế phải gọi những người như anh là gì?". Hưng đáp tỉnh bơ: "Là bụi đời". Và Hưng giải thích về bụi đời thế này: Đời cũng giống như bộ mặt con người ta vậy. Không bao giờ hết bụi phủ lên cả. Người ta cứ việc lau chùi nó, lau chùi cho bộ mặt của đời đẹp lên, nhưng chả bao giờ hết bụi. Những người đứng bến như Hưng, như anh trai em, và như em, chỉ là những hạt bụi của đời thôi. Có đời là có bụi đời. Không làm bụi đời, làm những hạt ngọc đời, chắc gì đã sướng hơn? Vì thế chả nên nghĩ ngợi nhiêu mà làm gì. Bụi đời có cái hay của nó. Nó bay trong không gian riêng, nó quay theo quỹ đạo riêng, nó biến chuyển linh hoạt, nó tuân theo những quy luật riêng của nó. Trời sinh ra những kiếp ngọc đời thì trời cũng sinh ra kiếp bụi đời. Anh và em là những hạt bụi đời trời cho gán kết vào nhau để làm nên những hạt bụi đời con. Hãy nghĩ thế đi, và chấp nhận thế đi. Em Hương "ga" yêu quý của anh ạ.
Đấy, mồm miệng của Hưng như thế đấy. Làm sao em không chết vì cái lưỡi dẻo quẹo ấy được cơ chứ. Em cũng chỉ có một đôi lỗ tai thường tình như bao cô gái khác thôi. Hưng cứ dùng những lời lẽ kia mà khoan vào thì có mà bê tông cũng đổ chứ nói gì cái con người đang hừng hực sức yêu, sức sống như em. Em thuộc về Hưng từ thể xác đến tâm hồn. Hưng dẫn dát em đi qua miền cực lạc của trai gái, của cuộc sống bụi đời, của những tháng ngày đứng bãi, của những mộng mơ mê đắm đầu đường xó chợ. Chúng em ăn ngủ với nhau ở bất kỳ chỗ nào có thể ngả lưng xuống được. Hưng sở hữu một cơ thể gầy gò nhưng dẻo dai. Mỗi khi Hưng cởi quần áo ra, những hình xăm trên cơ thể Hưng đập mạnh vào thị giác em. Người Hưng là một bức tranh sống động. Bức tranh ấy có công có phượng, có hoa sen và Đức Phật, có mặt trăng và mặt trời, có đại bàng và đàn sẻ ri, có rắn có rết, có rồng chầu, hổ phục, có beo gầm, ngựa hý, tóm lại là một bức họa bì rất ấn tượng đối với em. Hưng lại rất có kinh nghiệm trong cái chuyện cọ xát da thịt. Hai bàn tay Hưng lần mò đến đâu là những lỗ chân lông của em nở ra đến đấy. Cái miệng Hưng cất lời thì lỗ tai em xao xác, lúc im lặng lại làm em tê dại bởi khoái cảm gặm nhấm, cắn xé. Bức họa bị trườn đến đâu em rên xiết đến đấy. Bức họa bì ấy trườn ngang trườn dọc, lúc nghiêng lúc ngửa, lúc dựng đứng lên, lúc lại đổ ập xuống. Hưng có đôi cẳng chân dài và thon. Hai con rắn hổ mang trườn từ dưới mắt cá chân lên đến háng, ngóc đầu lên, bành mang, thè lưỡi như chuẩn bị mổ vào hai hòn tinh ngọc của Hưng. Lại thêm hai con rồng rẽ mây trườn từ hai bờ xương quai xanh xuống tới bụng dưới, phùng mang, há miệng như sẵn sàng đớp lấy dương vật của Hưng. Và khi cái dương vật ấy đưa vào trong em thì em cùng lúc có hai cảm giác, vừa rắn bò vào, vừa rồng đớp xuống. Bức họa bì ấy lúc gập lại như hai cánh đại bàng xiết em đến ngạt thở, lúc dựng ngửa ra sau như hổ ngồi, cứ thế mà dồn mà thúc vào phía sau em đến tơi tả, lúc lom khom như con báo gấm, nhấp nhấp nhổm nhổm không biết mệt mỏi, làm em mụ mị ngất ngưởng, lúc lại chồm lên trong tư thế của ngựa phi, làm em hồn lìa khỏi xác.
Đã có lúc em yêu bức hoạ bì ấy đến mê muội như thế đấy anh ạ. Hưng "mã" bảo sẽ cưới em. Nhưng lấy gì mà cưới? Hưng bảo mình nghèo, để đến với nhau thì chỉ cần một mái nhà tranh với hai trái tim vàng là đủ, nhưng đời người một lần lên xe hoa phải đàng hoàng, phải đúng đạo, phải theo cho đủ lễ lạt và tập quán. Ngặt nỗi bên nhà Hưng chỉ có ông chú thôi. Hưng mới đi cải tạo về, ông ấy vẫn còn giận, chưa nhận. Thư thả một thời gian nữa, Hưng sẽ về quỳ xuống chịu tội với ông, xin ông tha thứ, rồi nhờ ông cho người mang đồ cưới hỏi đến nhà em. Ngày lành tháng tốt nào đó, dù không có xe hoa vào tới tận ngõ rước em, không có pháo đỏ nhuộm đường, không có nhẫn cưới trao tay, không có hoa trắng cài đầu, không có lợn quay dẫn lối, thì cũng phải có mâm cơm nhạt dâng lên báo cáo các cụ gia tiên. Em cứ nức nở đón nhận những lời lẽ ngọt nhạt ấy của Hưng. Nhưng mãi mãi đó chỉ là những lời lẽ ngọt nhạt mà thôi.
Hầu như ngày nào bọn em cũng gặp nhau. Lúc ở bến. Khi ở hiệu cầm đồ. Lúc vấp nhau ở Ga. Lúc lại va nhau ở chợ. Có đêm Hưng về nhà em ngủ. Có đêm Hưng về nhà ông chú ruột. Có đêm Hưng ngủ ở đâu đó ngoài bến. Hưng rẽ đâu là nhà, té đâu là giường. Một lần Hưng bảo em là về nhà ông chú ngủ. Đó là một đêm mùa đông. Hưng bỏ đi rồi, còn lại mình em dưới ngọn đèn vàng quạch ở cổng bến. vắng vẻ và lạnh lẽo. Em nhìn theo cái dáng hêu xiêu của Hưng mà mừng thầm cho mối quan hệ của anh ấy với gia đình ông chú mỗi ngày một được cải thiện. Đôi ba lần Hưng đèo em đi qua một con phố gần bờ sông. Hưng chỉ cho em ngôi nhà quét vôi vàng, trổ hai cửa sổ màu xanh, bảo rằng đó là nhà ông chú. Em rất muốn được một lần bước vào ngôi nhà ấy. Dù sao em cũng muốn biết nơi Hưng từng sống, lớn lên, trưởng thành, và bị từ mặt, xem nó như thế nào. Dù sao em cũng sẽ trở thành cháu dâu của nhà ấy. Không cha thì còn chú. Tình máu mủ ruột già chắc ông chú không thể bỏ Hưng được. Em đã chứng kiến có lần bà thím của Hưng đi chợ, gặp Hưng và đứng nói chuyện với Hưng rất lâu. Có một thằng cháu khôi ngô như thế, lanh lợi như thế, nói năng hoạt bát như thế, chú thứn nào lỡ giận mãi cơ chứ? Chút hư hỏng thời thanh niên đâu có đáng phải từ cháu? Tuổi mới lớn ai chẳng có những hành động dại dột, bậc cha chú lại đi chấp mãi chuyện ấy sao? Với lại Hưng cũng đã tu tỉnh làm ăn rồi. Hưng còn muốn lấy vợ và có con nữa. Chẳng phải em sẽ là vợ Hưng sao! Vợ chồng em sẽ bảo ban nhau làm ăn. Lẽ nào chú thím không lấy đó làm mừng?
Có vài hạt mưa làm đêm mùa đông như giá rét hơn. Không còn chuyến xe nào vào bến nữa. Chắc chả còn có hàng họ gì vào giờ này. Em về nhà. Bà đã mắc màn đi ngủ rồi. Em leo lên giường nằm ôm bà. Giấc ngủ đến với em rất nhanh. Nhưng hình như có tiếng gọi. Tiếng gọi vọng từ tiềm thức về tới hiện thực: "Hương Ga, Hương Ga ơi! Chị Hương có nhà không?". Em choàng tỉnh dậy. Bà đã quá quen với những tiếng gọi lúc nửa đêm như thế này rồi, nên mặc kệ, kéo chăn lên, xoay lưng vào trong ngủ tiếp. Em đi ra mở cửa. Hoá ra lại có hàng. Thằng Châu điên chắc vừa đột vòm nhà ai đấy nên xách đồ đến nhờ em bán. "Hai cái đầu Nhật xịn đấy, chị bán giúp bọn em với". Toàn đồ điện tử cũ. Em bảo: "Sáng mai nhé, bây giờ muộn rồi". Thằng Châu nài: "Em đang chơi bài. Cần tiền lắm. Chị mang đi đẩy hộ em với. Bao nhiêu cũng được. Em ngồi đây chờ". Em dắt xe đạp ra, bảo: "Mày lên đây tao đèo đi, được giá thì bán luôn, rồi tao chở mày về xới chơi tiếp, tao về đi ngủ". Châu vội vàng ôm hai cái đầu được bọc trong tẩm chăn len, nhảy lên ngồi sau xe. Em đèo thằng Châu đến nhà ông chú của Hưng. Em muốn tìm Hưng để Hưng chỉ vẽ cho em cách bán mấy thứ đồ mà em mù tịt này. Nhưng em đến nhà ông chú thì ông ấy bảo cấm cửa nó lâu rồi, đừng bao giờ đến đây mà tìm nó nữa. Em đi ra bến xe, đêm xuống chẳng còn ai cả. Hỏi mấy thằng đang gật gà gật gù nơi cửa bến thì nó chỉ vào phía bên trong bãi đỗ xe. Em đi từng xe một, vừa đi vừa gọi xem Hưng có lên nằm nhờ một tài xế nào không. Đi dọc ngang bãi đỗ mà chả thấy Hưng đâu. Cuối cùng anh có biết em tìm thấy Hưng ở đâu không? Hưng nằm trèo queo ở trong một chiếc xe hỏng, bị người ta loại ra vứt ở cuối bến, gần khu vệ sinh. Và Hưng đang ngủ ngon lành. Anh có biết em ngạc nhiên đến mức nào không? Hưng biến chiếc xe ấy thành một căn phòng, có chăn chiếu, có bát đũa, có ẩm chén, có bình ác quy gắn bóng đèn quả nhót, có cả chiếc đài với đôi loa nhỏ để nghe Chế Linh, Thanh Tuyền. Hưng bảo kiếm được một chỗ như thế này là quá tốt. Rồi lôi tuột em nằm xuống bên cạnh. Trời lạnh quá. Chúng mình ủ ấm cho nhau tí đã. Cứ để hàng đấy, tí nữa tính sau. Cánh cửa xe đóng xầm lại. "Căn phòng" ấm sực lên. Em bảo: "Nhưng thằng Châu đang đứng chờ ngoài cổng bến". Hưng dừng lại, nhỏm dậy, mở tấm chăn len ra xem hai cái đầu chạy băng mà em vừa mang đến. Hưng nhấc lên, đặt xuống, xem xét một lát rồi đứng dậy, đi về góc xe, lôi ra một cái hòm có khóa. Hưng tìm chìa mở khóa hòm, lấy một tệp tiền, loẹt xoẹt đếm. Rồi Hưng mở cửa xe, nhảy xuống, bảo: "Em cứ nằm đấy chờ anh, anh ra đưa tiền cho nó rồi quay vào ngay". Em nói với theo: “Còn cái xe đạp của em nữa!”. Hưng đáp với lại: “Được rồi, để anh gửi ở cổng bến. Cứ yên tâm”.
Lát sau Hưng quay lại. Hưng vồ lấy em mà lột hết quần áo ra. Em có ý giận, ra vẻ không đồng tình. Hưng hỏi: “Anh giải quyết xong rồi. Em còn lo gì nữa. Mai bán được bao nhiêu, anh sẽ chia cho em”. Em hờn mát:
- Sao anh bảo về nhà chú? Em đến có thấy đâu?
Một thoáng luống cuống lướt qua khuôn mặt Hưng. Rồi ngay lập tức Hưng nở nụ cười mỉm, thẽ thọt: “Định về nhà chú nhưng đang đi trên đường thì gặp mấy thằng bạn. Chúng nó rủ vào quán thịt chó uống rượu. Có tí hơi men nên không muốn về nhà. Mà thôi. Em quan tâm làm gì chuyện đó. Nào, quay mặt lại đây nào. Rét quá cơ. Đang mơ thấy em thì em đến. Mà mơ cũng chẳng bằng thật, em ở ngoài đời đúng là chim sa cá lặn. Lại đây với anh cho ấm”. Em vẫn hất tay Hưng ra. Hưng đứng dậy, lại đi tới góc xe, lôi chiếc hòm có khóa ra. Hưng chỉ vào hòm bảo em: “Đây này em xem. Anh com cóp để sau này chúng mình về với nhau sẽ có ít vốn mà làm ăn. Trong khi anh nằm co quắp trong chiếc xe rách này để nghĩ đến ngôi nhà hạnh phúc của hai đứa mình sau này thì em chăn ẩm giường êm, đâu thèm biết anh cô đơn như thế nào”. Rồi Hưng quay lại bên em, khẽ ôm lấy em bảo: “Thôi, đừng thế nữa, có muốn biết làm cái ấy trong thùng xe này lên tiên đến mức nào không?”. Em không cưỡng lại nữa. Hưng phủ chăn lên người em. Rồi Hưng lần mò, tháo cửi mọi thứ còn lại trên cơ thể em. Nào là đàn sẻ ri bay qua người em. Nào là mặt trăng phủ ánh vàng lên người em. Nào là ông mặt trời chiếu ánh nắng gay gắt lên làn da em. Nào là Đức Phật hiện ra đưa em về miền cực lạc. Nào là những con rết thả nọc độc vào các mạch máu em. Bức họa bì mang lại cho em tất cả các cảm giác ấy. Em quằn quại, rên xiết dưới làn da Hưng. Bức họa bì bọc kín em lại, vò xé em, lật em nghiêng ngửa, cuộn vào rồi lại trải ra, úp xuống rồi lại ngược lên, đưa vào trong em những cú nhồi thúc, tuồn vào trong em những ngọt ngào mềm mại, ép những mạch máu em sôi lên, xô đẩy, công phá hàng vạn tế bào em nở tung ra... Đêm mùa đông đen đặc và rét mướt. Em bị cuộn tròn trong chăn, dưới lớp họa bì nóng ran mùi đàn ông, liên tục hồn lìa khỏi xác, phiêu diêu về miền cực lạc. Khi em nhận ra Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đang hiện lên trước mặt thì trời đã sáng. Em đang nằm úp mặt lên tấm lưng trần của Hưng. Giữa tấm lưng đó là một hình xăm Đức Phật Bà đang vẩy nước Cam Lộ, xung quanh toả ánh hào quang. Tẩm chăn bông vị hất xuống dưới chân em và Hưng. Ánh ngày chiếu qua khe cửa làm “căn phòng” sáng lên và bức họa bì đang nằm úp sấp vẫn say sưa ngủ.
Không biết là trời sáng đã bao lâu rồi? Em bắt đầu nghe thấy tiếng ồn ã của bến xe vọng vào. Em ngồi dậy, vơ tìm quần áo. Em lay người Hưng: “Sáng rồi, em phải về thôi”. Hưng vẫn không mở mắt. Kệ. Em đắp chăn lên người Hưng rồi mở cửa bước ra. Hóa ra đã già nửa buổi sáng rồi. Bến xe đã hoạt động náo nhiệt từ bao giờ. Em ra cổng lấy xe đạp rồi đạp về.
Nhưng em đã không dám vào nhà vì có anh đang ngồi trong đó. Em lượn xe qua cửa nhà. Em thấy anh đang ngồi bên bàn nước, nói chuyện với bà em, trên đùi anh có quyển sổ và tay anh thì cầm cây bút. Lúc đầu em không nhận ra anh. Em chỉ nghĩ là có ông công an nào đó đến nhà, và em sợ là mình gặp phải chuyện gì đó không hay, liên quan đến chính quyền. Em phải vờ tỉnh bơ, tiếp tục đạp xe ngang qua mà không rẽ vào. Em liếc mắt qua cửa sổ. Và em nhận ra anh. Em tiếp tục đạp xe ra đến đường tàu. Rồi em vòng lại. vẫn liếc qua cửa sổ. Và chắc chắn là anh. Em lại đạp ra đầu phố. Dừng xe dưới gốc bàng trụi lá, vẫn ngồi trên yên xe, chống một chân xuống đất, em nghĩ vẩn vơ...