rong khi Tân có vẻ bình thản chờ đến ngày suy tàn của băng Cộc “ba tai” thì thị lặng lẽ nghe ngóng mọi động tĩnh của đối thủ và không một phút lơ là cảnh giác. Đôi ba lần ong của thị va chạm với đám Vĩnh con, nhưng thị nghe lời Tân, chưa muốn một phen sống mái với Cộc.Cho đến một hôm Tân gặp thị và bảo: “Thằng Vĩnh con lại vừa giết người”. Thị giật mình: “Nó giết ai?”. Tân xỉa ra trước mặt thị một xấp báo An ninh. Thị cầm báo lên rồi lại vứt xuống. “Anh nói nhanh đi. Nó giết ai?”. Thị cần biết nó có ra tay với người của thị không? Tân châm xong điếu thuốc rồi mới thủng thẳng: “Nó giết một thằng bé con nhà lành ở Hồ Sen”. Thế thì có gì đáng để Tân phải tìm gặp thị với bộ mặt nghiêm trọng thế kia?- Hôm qua, thằng Vĩnh con lại va chạm với mấy đứa choai choai ở ngoài đường. Bọn này là học sinh của trường Trung cấp đóng tàu. Thằng Vĩnh nổi máu điên. Nó đâm một đứa bị thương, phải đưa vào viện. Nhưng nó vẫn chưa hả. Nó lại mò đến bệnh viện để đâm tiếp. Thằng bé ở Hồ Sen là lớp trưởng, nghe tin có bạn trong lớp phải vào viện, liền đi xe máy đến thăm. Khi thằng này vừa từ trong nhà để xe của bệnh viện đi ra thì Vĩnh con đến trước mặt hỏi: “Mày đến thăm thằng ở trường đóng tàu hả?”. Thằng bé lớp trưởng kia gật đầu. Vĩnh liền rút dao trong người ra, đâm luôn. Thằng bé gục xuống, chết ngay tại chỗ.Thị khẽ chép miệng, bảo với Tân: “Thằng này liều quá, nó chán sống rồi hay sao mà thấy ai cũng đâm bừa thế?”. Tân tìm một tờ báo, đưa lên trước mặt thị, chỉ vào hình một người đàn ông đeo kính đen. Thị không nhận ra người đó là ai. Tân bảo, đây là bố của thằng bé lớp trưởng, ông ta là một thương binh, mù cả hai mắt. Thị cầm lấy tờ báo, đọc lướt qua. Chỉ là những lời than vãn xé ruột của một người bố mất con. Tân hỏi thị:- Ngày chết của Cộc “ba tai” sắp đến rồi. Diệu muốn nó đến nhanh hay đến chậm?Thị nhíu mày khó hiểu:- Anh nói thế là sao?Tân bảo, nếu Diệu muốn nhanh nhìn thấy thằng Cộc dựa cột thì nhân chuyện này làm ầm lên, gây áp lực cho chính quyền phải ra tay. Thị lắc đầu, những chuyện liên quan đến chính quyền tốt hơn hết là không dây. Với lại xưa nay thị không quen chơi hai mang. Giang hồ thì cứ chơi kiểu giang hồ. Thích thì chiến. Không xì đểu. Tân cười nhạt, đây không phải là xì đểu, chỉ là giúp cho người ta đòi lại công lý thôi. Diệu không muốn làm thì thôi. Tôi chỉ muốn nhổ nhanh cái gai trong mắt của Diệu ra mà thôi. Thị hỏi lại, theo ý anh ta sẽ làm gì? Tân bảo, hãy chi tiền ra, thuê xe và cho người đưa ông thương binh mù này lên Hà Nội, tới gõ cửa tất cả các cơ quan báo chí. Chỉ một tuần sau cả thành phố này sẽ sôi lên. Thằng Cộc sẽ chết bỏng.Thị nở một nụ cười. Đây là cách mà Tân muốn biến thị thành một siêu giang hồ chăng? Hay Tân đang mượn thế lực của thị để thực hiện cái lý thuyết “thay trời hành đạo” dở hơi của Tân? Đúng là đường đi nước bước của một con cáo già. Như đọc được suy nghĩ ấy của thị, Tân bảo, tôi không mưu lợi gì cho riêng tôi đâu. Tôi cần phải sống để nuôi con Quỳnh. Cái chết của vợ tôi đã làm tôi hiểu rằng mọi sự can thiệp của tôi vào cuộc đời này đều vô nghĩa. Cái lý tưởng của tôi đã sụp đổ trong tôi từ lâu rồi. Chẳng qua tôi ăn nhờ cơm của Diệu thì bày cho Diệu vài kế mọn thôi. Diệu có nghe hay không thì tuỳ.Tất nhiên là thị nghe. Thị từng nghe lời Hưng “mã”, từng nghe lời Tùng “hê rô”, nhưng nghe mà đầu không sáng ra được chút nào. Lần này thị nghe lời Tân. Tuy sợ cái sự lọc lõi của Tân nhưng mỗi khi nghe Tân nói, thị thấy sáng ra nhiều điều. Thị chọn một đứa biết ăn nói, lại có chút học hành, bỏ ra mấy ngày trời đưa người thương binh mù cầm đơn đi kêu cứu các cơ quan báo chí ở tít tận thủ đô. Ọuả đúng như lời Tân nói. Đầu tiên là báo Cựu chiến binh, rồi báo Trẻ, báo Gia đình, báo Công an, báo Người cao tuổi... cả mấy chục tờ báo cũng đồng loạt lên tiếng về vụ giết người tàn bạo ngay cổng bệnh viện đa khoa thành phố Ngã ba sông. Chảo dư luận sùng sục sôi lên. Báo chí nhân vụ án này khai thác tiếp hàng loạt những vụ việc khác liên quan đến Cộc. Đơn kêu cứu, đơn đòi công lý, đơn tố cáo Cộc và đám đàn em xuất hiện liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó lần lượt được “kính chuyển” về các cơ quan công quyền của thành phố. Hình ảnh người thương binh mù với nỗi đau mất con đã biến thành lưỡi tầm sét bổ thẳng xuống đầu Cộc.Nhưng thị chờ mãi mà cái ngày Cộc đứt số vẫn chưa đến. Chính trong thời điểm này thì Đinh được ra trại. Án buôn bán ma tuý 8 năm trời đã được thực hiện xong. Đinh đến gặp thị với cái đầu trọc lốc, hai mắt lờ đờ, chân tay phù thũng, nói năng hổn hển như đứt lưỡi. Nhà cửa không còn, bạn bè thất tán, vợ xin ly hôn từ thời còn ở trong trại, Đinh hoàn toàn trắng tay khi về với đời. Thị đã tự mình chăm sóc Đinh. Thị luôn có cảm tình với người đàn ông này. Không phải thứ tình cảm của trai gái, của sư đệ, của đồng môn hay đồng nghiệp, mà đó là thứ tình cảm từa tựa bạn bè, từa tựa anh em kết nghĩa. Đinh đến ở hẳn nhà hàng Sóng Biển để thị chữa bệnh, thuốc thang, bồi bổ sức khoẻ. Đến khi Đinh hồi phục trở lại thì thị đem toàn bộ tình hình giang hồ thành phố ra kể cho Đinh nghe. Đinh vốn từng công tác trong ngành công an, có thể Đinh sẽ đánh giá được tình hình “chuẩn” hơn những suy diễn chủ quan của thị và Tân. Đinh bảo: “Hồ sơ của bọn thằng Cộc chắc chắn nằm trên bàn của lãnh đạo công an thành phố rồi. Vấn đề chỉ là họ chọn thời điểm nào để ra tay thôi”.Sức khỏe tạm ổn, Đinh bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Đinh mượn xe con của thị lượn lờ khắp thành phố nghe ngóng tình hình. Một hôm Đinh đi về phía Cung văn hóa của thành phố. Đó cũng là hướng đóng đại bản doanh của Cộc. cả một dãy phố đối diện với Cung văn hóa do một tay Cộc kiểm soát. Trụ sở công an phường nằm ở đầu khu phố đó Cộc cũng đã từng vào ra cướp người như không, chả coi ra cái gì. Rồi Đinh quay xe về. Đánh xe vào tiền sảnh xong, Định chạy ngay lên phòng gặp thị. Đinh bảo nhất định đêm nay hoặc ngày mai phe thằng Cộc sẽ có chuyện. Thị hỏi chuyện gì? Đinh bảo vừa thấy vài khuôn mặt hình sự quen quen lượn lờ ở Cung văn hóa. Ngày mai ở Cung có diễn ra một Hội nghị gì đó, băng rôn khẩu hiệu treo đầy mặt tiền. Có thể hiểu đó là việc bình thường, công an phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các Hội nghị lớn diễn ra trên địa bàn thành phố. Nhưng cũng có thể hiểu là không bình thường, vì Đinh nhìn thấy Nhân. Thị kinh ngạc: “Thấy Nhân thì sao?”. Đinh bảo: “Anh từng là bạn thân của Nhân. Anh hiểu nó. Nó có mặt ở đâu là nơi đấy chuẩn bị đánh án”. Thị hỏi, liệu anh có mắc bệnh nghề nghiệp cũ mà suy đoán lung tung không? Đinh quả quyết, nhất định là công an sẽ nhân Hội nghị lớn này mà đổ quân bao vậy nhà Cộc để hót ổ. Tiếng đồn về độ “chì” của chúng nó quá lớn, hoặc cũng có thể họ đã trinh sát được điều gì đó trong căn nhà của Cộc, nên họ phải ra tay thận trọng như thế. Với lại thường thì những Hội nghị lớn tổ chức ở thành phố chỉ cần cảnh sát bảo vệ có mặt là đủ, đội trọng án xuất hiện ở đó làm gì? Anh nhìn thấy Nhân thì anh tin linh cảm của mình là đúng.Cả đêm hôm đó thị cho người theo sát diễn biến khu vực nhà Cộc nhưng không có điều gì xảy ra. Sáng sớm hôm sau hàng đoàn xe mang biển số thủ đô và các tỉnh đổ về Cung văn hóa dự Hội nghị. Và trước khi Hội nghị khai mạc nửa giờ, căn nhà của Cộc đã bị công an tập kích. Không một hành vi chống cự. Không một tiếng súng vang lên. Cộc cùng Vĩnh con và 6 đệ tử nữa bị hót lên xe hòm, đưa đi ngay lập tức. Hội nghị bên Cung văn hóa vẫn diễn ra bình thường mà không ai biết vừa có một vụ án được phá ngay bên khu nhà đối diện. Sau này báo chí cho biết, công an đã thu được từ hầm ngầm nhà Cộc một súng AK, ba khẩu K54, một quả lựu đạn, bốn mươi bảy viên đạn, và nhiều lê, kiếm.Chưa bao giờ thành phố Ngã ba sông lại được chứng kiến một vụ án được đưa ra xét xử nhanh đến thế. Báo chí có dịp đưa tin rầm rộ. Phiên tòa xét xử Cộc đông đến kinh ngạc. Người thương binh mù ôm ảnh cậu con trai luôn ngồi ở hàng ghế đầu dành cho người bị hại. Người ta liên tưởng đến mấy năm trước, trong vụ án Lân “sói” cũng có một người vợ liệt sĩ ôm ảnh cậu con trai bị Hoàng “lợn” giết. Một vị lãnh đạo công an thành phố lên báo trả lời phỏng vấn rằng: “Trong từ điển của riêng tôi, không có khái niệm xã hội đen”. Vị lãnh đạo đó còn nói rằng, không có nỗi đau nào bị lãng quên, không có hành vi phạm tội nào bị che đậy hoặc bỏ qua, cương quyết tấn công, triệt phá mọi băng nhóm tội phạm, giữ bình yên cho cuộc sống người dân thành phố Ngã ba sông là lẽ sống, là lương tâm, là trách nhiệm của chúng tôi.Thị không quan tâm lắm đến những lời lẽ như tên độc ấy. Thị chờ xem sự phán quyết của toà án đối với băng nhóm của Cộc như thế nào. Không khác lắm so với suy đoán của thị. Cộc lĩnh án tử hình. Đám đàn em của Cộc chia nhau hàng trăm năm tù. Riêng Vĩnh “con” mới 16 tuổi nên không bị kết án tử, chỉ phải chịu hình phạt cao nhất đối với trẻ vị thành niên là 20 năm tù giam. Thế là đối thủ lớn nhất của thị đã đo ván. Thị không mất một nhát dao, một viên đạn, một cử động cơ bắp mà giang hồ ngã ba sông chuyển về thế độc tôn. Hòn đã tảng trên ngực thị đã được đỡ xuống. Bây giờ thì bao nhiêu sòng bạc, bao nhiêu động gái, bao nhiêu hiệu cầm đồ, bao nhiêu đường dây bán lẻ thuốc phiện, bao nhiêu dịch vụ bảo kê, một tay thị sẽ thu tóm. Khác với niềm vui đang dâng lên ngập tràn trong lòng thị, Tân vẫn giữ thái độ im lặng, không ra vui, không ra buồn. Thị gặp Tân hỏi: “Bây giờ là lúc tôi phải làm gì để trở thành siêu giang hồ?”. Tân đáp: “Làm phúc”. Thị hiểu là Tân muốn thị xây dựng một hình ảnh khác trong giới giang hồ, trong sự quan sát của chính quyền, và trong cái nhìn dò xét của người dân xung quanh nơi thị ở. Điều này thị làm được, còn làm tốt nữa là khác. “Nhưng trước hết phải danh chính. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Tự nhiên Diệu mang tiền đi cho người ta thì người ta không nhận đâu. Phải lấy tư cách gì mà cho thì người ta mới nhận chứ”. Tân bảo với thị vậy. “Tư cách nhà hàng Sóng Biển không được à?”. Thị hỏi lại. “Đó là một ổ lưu manh, nhân danh nó mà làm phúc thì khác gì cướp của người ta rồi lại trả cho người ta”. Vậy phải làm thế nào? Lập công ty. Thị ngơ ngác:- Công ty?Tân gật đầu:- Phải. Xin phép thành lập công ty. Công ty Sóng Biển.Thị bật cười:- Công ty bảo kê à?Tân bảo:- Không phải chuyện đùa đâu. Lập một cái công ty, còn đăng ký ngành nghề kinh doanh gì thì không quan trọng. Theo tôi Diệu cứ lập công ty du lịch. Thành phố mình có thế mạnh du lịch, đưa hồ sơ lên là dễ được thông qua nhất.- Nhưng mình có biết làm du lịch đâu?- Không làm thật thì cũng phải dựng lên để làm vì. Diệu đã có nhà hàng rồi. Chỉ cần mua thêm vài cái tàu du lịch nữa, để ở ngoài biển kia, gọi là đưa khách đi thăm quan đảo hoặc ra ngắm vịnh. Việc này nhờ người làm. Có lãi thì tốt. Không có lãi cũng không sao. Cái chính là có cái danh công ty đó thì mới làm cho Diệu sang lên mà dễ bề làm những việc khác.Thị tham khảo thêm một số người nữa. Ai cũng bảo đó là kế hay. Thị hỏi Đinh. Đinh bảo, em có một quân sư giỏi hơn cả Gia Cát Lượng, giang hồ đất này không thuộc về tay em thì thuộc về tay ai? Thị hỏi nhỏ Đinh: "Liệu có ngày nó lật mình không?". Đinh lắc đầu: "Sống chết có số. Cứ tin nhau mà sống em ạ. Trời đã muốn hại mình thì có phòng cũng không được".Thị muốn Đinh giúp mình điều hành cái công ty này. Nhưng Đinh bảo: "Anh không thạo làm những việc như em đang làm. Anh chỉ quen buôn hàng trắng thôi. Thời gian qua anh nằm im nghe ngóng, bây giờ anh bắt lại được các mối làm ăn cũ rồi. Ngày mai anh vào miền Trung. Anh quyết định rồi. Anh sẽ chọn một tỉnh ở trong đó để làm ăn". Thị không vui: "Chẳng lẽ anh lại bỏ em mà đi sao. Em có cơm ăn thì anh cũng có cháo húp. Anh em mình liên thủ làm ăn với nhau thì thằng nào dám lật? Làm gì mà phải đến mức bỏ xứ mà đi?". Đinh lắc đầu: "Không phải anh chê gì đất này. Nhưng cái lĩnh vực anh hoạt động ở đây không có cơ em ạ. mấy đường dây lớn bị bóc hết rồi. Anh phải vào trong kia để tham gia vào những đường dây khác, chủ yếu từ Lào và Camphuchia đánh sang. Có gì anh em mình sẽ liên lạc với nhau sau. Giang hồ đâu chỉ có một đất này để sống. Có thể ở xa mà anh em mình vẫn giúp được nhau đấy". Thị bỗng hỏi: "Từ ngày ra trại anh có gặp lại Nhân lần nào không?". Đinh bảo: "Anh có qua nhà thăm bà cụ nhưng không muốn gặp Nhân. Chẳng nên gây khó cho nó. Đường đi đã trái ngược nhau rồi thì tốt hơn hết không nên gặp nhau. Hai bố con nó sống cũng vất vả. Phải đối mặt với anh em mình nó cũng khó xử".Thế là Đinh đi đúng vào ngày Công ty Sóng Biển được khai trương. Thị bắt đầu công cuộc đánh bóng một hình ảnh khác về mình. Lễ tết nào thị cũng có quà bánh thăm hỏi cán bộ phường, quận. Thị cung tiến tiền bạc cho chùa chiền, đình miếu. Thị trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Thị nhận nuôi bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thị ủng hộ các quỹ từ thiện. Cái tên Hương "Ga" bắt đầu chứa đựng trong nó những nội hàm mới. Thị mua về hai cái tàu chở khách du lịch, Sóng Biển 1 và Sóng Biển 2.Và thị đã có dịp hàn huyên với cố nhân ngay trên con tàu du lịch Sóng Biển 1 khi lần đầu tiên nó rẽ sóng ra khơi.Đó là thời điểm đánh dấu đỉnh cao quyền lực của thị.