Mùa đông ấy có những trận rét ghê người, giá lạnh lùa vào tận ống xương. Ai cũng cố kiếm một tấm áo bông hóa học trần hoặc một chiếc áo bông Đức. Mốt quần ống loe, ống vẩy đã qua từ lâu và giờ đây trên phố phường người ta thấy đám trai gái mới lớn đi lại thoăn thoắt, quần bó chặt lấy bắp chân, giày lót bông hoặc mút sặc sỡ như quả còn của dân Tày ngày Tết. Sau những trận rét liên miên, chợt một ngày nắng hửng. Đất đai, cây cỏ và con đường như ngất ngây trong làn không khí êm dịu, hoe hoe ánh mặt trời. Vào ngày ấy, Vũ Sơn đã đến tìm tôi: - Có bận gì không? Tôi đáp: - Bận, nhưng vẫn đi chơi với anh được. Vũ Sơn bảo: - Ta đi. Trong tiết trời hanh, da dẻ nhăn lại, trông anh già hơn ngày tôi gặp anh đến dăm tuổi. Chúng tôi đạp xe chầm chậm quanh hồ, rồi theo Hàng Đào, hàng Ngang thẳng lên cầu Long Biên. Anh bảo tôi: - Lâu lắm chưa về Q. Tôi đáp: - Vâng, nghĩ tới đường sá cũng ngại. Hai chúng tôi im lặng. Tôi đoán rằng hẳn cũng như tôi anh đang nghĩ tới dãy phố ven sông mưa sùi sụt, bến đò chìm dưới làn nước trắng không chút hy vọng, không bóng người. Lúc sau, Vũ Sơn thở dài: - Dẫu sao cũng là quê hương. Tuần sau ta về chứ cậu? Tôi đáp: - Vâng. Chúng tôi đạp xe qua cầu sang bờ sông bên kia, rồi dắt xe men theo đê ngược lên. Con sông trải trước mắt chúng tôi màu hồng xao xuyến. Những cánh buồm như tách ra khỏi chân trời, liệng từng cánh bướm huyền hoặc xuống làn nước phù sa. Các lưỡi cát, các bờ cây tươi thắm lại trong nắng. Búi cỏ giập nát bên đường vươn dậy những chiếc lá nhọn như kim. Giữa các bụi trứng ếch nửa nổi nửa chìm còn mắc lại từng đám xác vờ trắng - dấu vết sự hủy diệt, tái tạo và tăng trưởng của cõi đời. Dưới chân tôi, cát mịn và ấm. Bên tôi, Vũ Sơn lẳng lặng bước. Tới khúc sông vắng, anh dừng lại, bảo: - Ta tắm đi. Tôi còn ngại ngần chưa kịp đáp, anh đã xô chiếc xe đạp xuống cởi áo quần. Rồi, trần truồng như đứa bé sơ sinh, anh nhào xuống nước, vừa bời vừa hét lên. Tôi sửng sốt nhìn anh, con người tôi đã biết lâu nay dường như biến mất, thay vào đó là một đứa trẻ vô tư, nghịch ngợm, hòa nhập với ánh nắng, khí trời và dòng sông một cách mãn nguyện như chính cây cỏ, nước nôi. - Kìa, xuống đi… Anh giơ tay vẫy tôi rồi nhắm mắt nhào đầu xuống như một con nhái bén. Khi tôi bơi ra khỏi bờ chừng vài chục mét, anh đã nhoi từ giữa dòng lên, vừa thốt ra một tiếng kêu hoàn toàn vô nghĩa anh vừa vuốt nước trên mặt. Sau hồi lâu ngụp lặn, chúng tôi lên bờ phơi nắng. - Chưa bao giờ tôi sung sướng như buổi sáng hôm nay… Vũ Sơn bảo tôi, khi anh nằm úp xuống cát. Chưa bao giờ tôi thấy con người tự do và trong sạch như khi đằm mình vào dòng nước, không quần áo che đậy, không có gì ràng trói và ngụy trang. Đã từ lâu, tôi bị ám ảnh bởi một giấc mơ mà không nhớ rõ hình ảnh. Nhưng nó đi về trong tôi như một tiếng kêu, một lời nhắc nhở, một điệp khúc quen thuộc của bài hát… Hôm nay tôi đọc được rồi… Anh ngừng lại. Tấm lưng anh phập phồng. Vì anh quay mặt đi nên tôi chỉ nhìn thấy đám tóc ướt sau gáy và những vết sẹo lấm tấm trên vai anh, vết nào cũng bóng loáng như bôi mỡ. Vô tình, tôi đưa tay sờ lên chúng. Vũ Sơn nói: - Đó là những vết thương trong chiến dịch đường Nam Lào… Này Nam, cậu có biết khát vọng nào lớn nhất trong con người không?… Đó không phải giấc mơ về quyền lực, danh tiếng, tiền bạc hay tình ái… Đó là khát vọng được sống trong sạch và hồn nhiên, như đứa bé trần truồng giữa dòng nước, như cây cỏ đắm mình giữa ánh sáng, khí trời. Đó là giấc mơ bền chặt nhất, đó là khát vọng giàu nhân tính nhất của cõi đời… Anh đưa tay bứt một lá cỏ non, nhấm nháp. Tôi im lặng nhìn anh, tràn ngập niềm yêu mến. Cảm xúc ấy khiến trái tim tôi mềm dịu và bình ổn, tựa một thung lũng cô đơn tràn ngập nắng thu. Hà Nội tháng 11 năm 1986