Chương 4

Hôm sau, khoảng tám giờ sáng tôi thức dậy. Hai mẹ con tôi nấu xôi ăn còn bố tôi ăn cháo thịt. Từ hôm tôi về, ông cụ khỏe hẳn ra. Ngày vài lần cụ nhắc tôi lấy vợ. Cụ cố ăn hết hai bữa cháo với một bữa cơm để giữ được chân cứng đá mềm tới ngày bế cháu đích tôn. Biết tôi đến chơi nhà Vũ Sơn, cụ bảo:
- Anh ấy là người danh giá nhất tỉnh này. Mày chơi với kẻ hèn bố cũng không cấm, nhưng chơi với người sang như thế thì tự khắc sáng mắt ra.
Vũ Sơn đã thức dậy, khoác chăn ngồi chồm hổm trên giường. Tôi bước vào, ngồi xuống chiếc ghế mây tự pha chè uống, và hỏi:
- Bà xã của anh đi làm rồi?
Vũ Sơn đáp:
- Đi rồi.
Hai mắt anh đỏ dọc, đầy gỉ, chưa kịp rửa. Tôi nói:
- Anh rửa mặt đi.
Vũ Sơn không trả lời, ngồi thừ ra. Lúc ấy, vợ anh dắt xe đạp đi vào cổng. Chiếc xe của chị choáng lộn, râu tôm bật tanh tách. Đồ phụ tùng toàn của ngoại. Trông dáng điệu, tôi biết người đàn bà hoàn toàn mãn nguyện vì chiếc xe đạp mới lắp và bộ đồ đắt tiền đang mặc cũng vừa may. Chị chào tôi, đi lại thu vén vài thứ đồ vặt rồi bảo chồng:
- Trưa nay em không về đâu, anh liệu mà cho lũ trẻ ăn cơm.
Vũ Sơn đáp:
- Biết rồi, cô đi đi.
Rồi ngay sau đó, anh quay sang tôi:
- Cậu có thấy thứ mào gà tiên ở nhà ông Hưu bữa trước kì lạ không. Giá nó thuần một màu vàng lòng trứng hay màu tím đen thì quý quá. Màu đỏ thường rồi, người ta thích loại hồng màu xanh, cúc màu đen và thược dược màu tím vi- ô- lét…
Vợ anh vừa dắt xe ra khỏi ngõ, bài diễn văn về hoa tức khắc dừng lại. Tôi chưa hỏi, anh đã giải thích.
Tôi với vợ tôi vừa cãi nhau suốt đêm qua. Tôi buồn lắm nhưng thấy cô ta quay về, phải nói tào lao với cậu cho vui. Đàn bà là quái vật. Nó biết rằng nó làm khổ được mình thì cứ thế, nó hành cho đến lúc chết. Với một người đàn ông thực sự, kẻ thù lớn nhất là hai thứ này: sự ngu dốt và vợ con của anh ta.
Tôi ngẫm nghĩ đôi chút, rồi tìm cách an ủi:
- Vợ chồng nào mà chẳng có lúc cãi nhau. Tôi thấy chị ấy cũng lành.
- Cậu dốt lắm…
Vũ Sơn đột nhiên quát lên, trán nhăn hẳn lại: Thế nào là lành? Sao còn ít tuổi mà cậu có những ý tưởng già nua, cằn cỗi như vậy? Sự ngu đần tiêu diệt nhân loại thê thảm hơn mọi tội sát nhân ta thấy hằng ngày bằng mắt thịt. Một tên đao phủ chém rụng năm bảy cái đầu dễ bị người đời căm ghét hơn một gã thầy mo đưa từng bộ lạc vào chỗ chết bằng những lời huyễn dụ. Cái phép so sánh giản đơn thế mà ai cũng bỏ qua. Tôi căm ghét sự ngu đần, nhất là khi nó kèm theo quá nhiều dục vọng…
Anh hất chăn khỏi vai, quơ chân tìm dép. Tôi lại uống trà. Hai đứa con trai anh dắt nhau vào nhà, giương mắt nhìn tôi rồi gọi:
- Bố ơi, bố…
Vũ Sơn từ sân đáp vóng lên:
- Xuống bếp tao bảo…
Tôi nghe anh dặn đứa con lớn rằng cơm ủ trong giành tích, thức ăn đã bày sẵn trong mâm với bát thìa, buổi trưa chỉ việc mở lồng bàn lên mà ăn.
Thằng bé hỏi:
- Thế bố đi đâu?
- Đi đâu là việc của tao, cấm hỏi.
Ông bố gắt, bước lên nhà. Mái đầu vừa nhúng nước của anh nhỏ tong tong. Vũ Sơn cởi sơ mi, lau tóc rồi ném nó lên sợi dây thép chăng ngoài hồi. Thân hình anh khẳng khiu, ngực lép dẹt. Vừa mặc quần áo, anh vừa nói:
- Lòng tham với sự ngu đần cùng sống trong một người sẽ biến thành thứ quả ung thối. Nhưng khi nó được đặt trong quan hệ vợ chồng, cha con, bè bạn thì nó sẽ làm ung thối các mối giao kết ấy. Tôi có thể nói trắng ra cho cậu biết điều này…
nhưng tới đó, anh đột nhiên dừng lại:
- Xe đạp cậu đâu, ta đi đi thôi.
Chúng tôi dong xe ra phố, đạp đi. Thấy Vũ Sơn ở trong tâm trạng ấy, tôi im lặng. Dọc đường, anh dừng lại chào chủ tịch Dự, đồn phó công an huyện, bà Thoa, chủ nhiệm hợp tác xã thêu ren, một ông thiếu tướng về hưu to béo. Khi tới gần khuôn viên, chúng tôi rẽ vào nhà thiếu phụ bán xôi gấc hôm trước. Hôm nay, chị đem xôi vò chè đường đãi chúng tôi. Vũ Sơn ăn xong, bảo thiếu phụ gọi đứa con trai của chị lên. Anh mắng chú bé một trận nên thân vì đủ thứ tội hư hỏng, lêu lổng, phá tán tiền bạc của cải gia đình… Chú bé cúi gằm mặt trước con người được dân cư cả thị xã kính nể. Trước lúc đi, Vũ Sơn ghé tai thiếu phụ, nói nhỏ:
- Phải nghiêm thế cho nó sợ. Nhưng chị yên trí, tôi sẽ nói với anh Dự cho.
Người đàn bà mừng rỡ:
- Vâng, may mắn cho tôi quá, trăm sự nhờ cậy chú.
- Đừng có mừng vội - Anh ngắt lời chị một cách thô lỗ - Tôi chỉ giúp lần này nữa thôi. Chị không nghiêm với nó, hỏng lần nữa tôi sẽ tống vào trại cải tạo.
- Vân, vâng…
Người mẹ tội nghiệp đáp: Tôi nhớ lời chú bữa trước rồi. Chờ cho cuộc trao đổi giữa hai người chấm dứt, tôi hỏi Vũ Sơn:
- Anh định đưa tôi đi đâu bây giờ?
Vũ Sơn hất tay:
- Đi, cứ đi đi đã.
Tôi đành lặng lẽ đạp xe theo anh, ngạc nhiên vì chính sự cả nể của mình. Chúng tôi tới một ngôi nhà khá lớn gần chợ. Cánh cửa khép hờ, Vũ Sơn đẩy tung ra:
- Bố có nhà không đấy?
Một ông già ngồi hút thuốc trên tràn kỉ ngẩng lên:
- Bố có nhà, con về bao giờ mà không thấy đến?
Vũ Sơn bảo tôi ngồi xuống tràng kỉ, giới thiệu:
- Đây là Nam, bạn con.
Sau đó, anh mới trả lời ông bố vợ:
- Về hai tuần, nhưng bận liên miên, không lúc nào xuống hầu cụ được.
Ông già niềm nở hỏi chuyện tôi. Hóa ra ông cụ cùng trong hội chơi chim với bố tôi hàng chục năm nay. Xong, ông quay ra hỏi Vũ Sơn về công việc, về sức khỏe của anh, sốt sắng, ưu ái.
- Bây giờ hai anh em ngồi chơi, bố ra chợ gọi mẹ về nấu cơm trưa. Nhà có con cá quả sống trong chum rồi, bảo bà cụ mua cái chân giò về luộc nhắm rượu.
Vũ Sơn giơ tay xua;
- Thôi bố ơi, đừng cơm cháo gì nữa. Con đang có chuyện buồn nẫu ruột đây…
Ông già ngồi lại xuống tràng kỉ, thu hai tay lên đùi:
- Có chuyện gì?
- Có, có…
Vũ Sơn gật đầu lia lịa:
- Có chuyện về cô gái yêu của cụ đây…
Ông già không hỏi thêm, nhưng vẻ mặt hiện lên nỗi lo lắng. Cậu con rể ông kể:
- Bữa trước con xuống viết bài cho nhà máy gạch M. Cậu giám đốc vốn là bạn học cũ thời phổ thông. Nó xuất cái hóa đơn năm vạn gạch giá rẻ. Con đã bảo cô ấy chỉ dùng ba vạn thôi, còn hai van để cho cô Cúc, em vợ cậu giám đốc lấy. Dặn đứt lưỡi rồi, nhưng cô ấy tham quá, cô ấy bán sạch năm vạn lấy tiền bỏ túi. Cô em vợ cậu bạn con lên xe gạch thấy bãi đất trống lẳng lặng bỏ về, không thèm nói nửa lời. Cụ co hiểu như thế nghĩa là gì không?… Người ta khinh, khinh bằng rác cái giống coi đồng xu to như bánh xe bò. Trời đất ơi, con bé Cúc ấy, tuổi ít hơn, trình độ văn hóa thấp hơn, mà nó xử sự cao thượng như vậy. Còn con gái cụ thì… Thế gian đã có câu rồi: Đi buôn có bạn, đi bán có thuyền… Cô ấy làm thế này là bôi gio trát trấu vào mặt con. Làm sao con dám ngẩng lên nhìn anh em, bè bạn? Làm sao con còn dám vác cặp tới nơi này nơi kia mà viết lách?… Một đồn mười, mười đồn trăm, ở cái tỉnh nhỏ như vạt áo này chuyện gì thiên hạ không biết?… Thôi, con chịu rồi, con gái cụ đem trả cụ, cụ gọi cô ấy về mà nuôi…
Vũ Sơn ngừng lời, mặt đỏ phừng phừng, bọt sùi cả ra mép. Ông bố vợ anh ngồi thẫn thờ, hai ngón tay bất giác xoa vào nhau như đang vê mồi thuốc lào. Trông vẻ mặt ông cụ tội nghiệp quá, khiến tôi bỗng ngượng lây. Tôi đứng dậy, đi lòng vòng quanh nhà, xem mấy bức tranh gà lợn. Chợt, tôi thấy tấm ảnh chụp một vị lãnh tụ nhà nước. Vị lãnh tụ đang đi, tay chỉ về phía trước, dáng điệu hối hả. Khung cảnh xung quanh cho ta rõ đó là một công trường. Sát bên tay trái ông là Vũ Sơn, tay phải và phía sau là cả một đám đông những chuyên viên, thư ký, cán bộ hướng dẫn tham quan, người tháp tùng, bảo vệ… Có lẽ, đây là ngày đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời phóng viên của Vũ Sơn, anh ta đã cố gắng lưu giữ lại niềm vinh hạnh đó. Bức ảnh được phóng to, lồng khung kính, treo nơi trang trọng nhất của căn nhà. Bên dưới, sát lề ảnh, ghi dòng chữ:
Tặng bố mẹ và các em. Kí: Vũ Sơn.
Tôi trở lại chỗ ngồi, tự rót nước uống cho không khí thân mật. Ông bố vợ Vũ Sơn bảo tôi:
- Cháu Nam ở lại ăn cơm với hai bác cho vui. Rồi có chuyện gì ta bàn tính sau.
Tôi chưa kịp trả lời, Vũ Sơn đã gạt phắt đi.
- Thôi thôi, chẳng bụng dạ nào mà cơm cháo nữa. Vả lại, đã có chỗ mời chúng con trưa nay rồi.
Nói xong, anh rít thêm điếu thuốc lào rồi đứng dậy ra về. Tôi chào ông lão tội nghiệp, đi theo anh. Khi chúng tôi đã đạp xe tới ngã tư, thấy vẻ mặt Vũ Sơn dịu đi, tôi mới hỏi:
- Bây giờ đi ăn cỗ ở đâu?
Vũ Sơn đáp:
- Cỗ bàn gi. Tôi phải chơi võ ấy cho họ sợ. Ông bà cụ tốt nhưng con gái họ thì tôi ngán tới tận mang tai… Đi với tới đừng lo đói, a… vào đây.
Nhà của Thanh Dương đứng kề một hiệu may lớn. Ngôi nhà hai tầng xinh xắn, tuy kiểu kiến trúc có hơi cổ. Bố mẹ Thanh Dương trước có đại lý nước mắm nhưng mười năm trở lại đây đã dẹp hàng mắm muối để mở quầy bán sách. Một tấm biển tôn sơn vàng nhạt, kẻ dòng chữ đen treo phía trước:
Hiệu sách Hoa Mai
Bán và cho thuê các loại sách.
Không hiểu một hiệu sách ở tỉnh lỵ lời lãi hàng tháng bao nhiêu nhưng gia cảnh nhà Thanh Dương khang trang lắm. Có thể, bố mẹ anh còn giữ được vốn liếng cũ và biết cách bắt nó sinh sản, cũng có thể vì họ đã quen nếp sống phong lưu. Lúc chúng tôi đến, hai ông bà đang ngồi gật gù uống trà sen, ông vừa đọc vừa bình Kiều, bà ngồi nghe chăm chú và ngưỡng mộ như một khán giả lý tưởng. Vũ Sơn đã quen, anh bước sồng sộc vào, cất tiếng hỏi:
- Thanh Dương đâu hai bác?
Ông bà cụ cùng ngẩng lên chào chúng tôi rồi đáp:
- Em nó đi từ sáng, bảo tới chỗ hai anh.
Vũ Sơn đáp ngay:
- Cháu với Nam có việc đột xuất phải đi từ năm giờ sáng. Chắc không gặp chúng cháu nó lại rẽ vào nhà Ngọc Sang đàn hát rồi. Dạo này thằng Sang có mấy cô bạn khá lắm.
Đoạn, anh ngồi xuống ghế, uống một lúc ba chén trà. Bà mẹ Thanh Dương đứng lên:
- Sáng nhà mới đồ xôi đỗ, ông ấy lại nấu cả chè hạt sen mời các anh xơi.
- Thôi thôi…
Vũ Sơn kêu to, xua tay lia lịa như đuổi một nỗi ám ảnh khủng khiếp nào đó: Từ sáng đến giờ chúng cháu đã phải ăn đủ thứ xôi chè rồi. Nào là xôi gấc, xôi đỗ, xôi trắng thịt quay. Nào là chè đỗ đen, chè đường, chè bà cốt… giờ bác có xôi ngọc chè vàng cháu cũng chịu. Chỉ thèm một bát bún thôi…
Bà già đon đả:
- Vậy tôi chạy quàng ra chợ mua bún với lòng về nhé.
Vũ Sơn đưa mắt nháy tôi, đáp:
- Thôi, bún lòng làm gì cho tốn. Bác cứ kiếm con cá quả kha khá vào, làm món bún cá quả rau cải là nhất. Cháu đã đi đủ nơi, sơn hào hải vị đủ thứ nhưng chỉ mê độc nhất món bún cá quê mình.
Bà lão sắm sắn vào trong nhà thay áo, cắp rổ đi chợ. Vũ Sơn kéo tôi ngồi nghe ông cụ bình thơ Kiều. Quả là anh có nghệ thuật tung hứng, và cái nghệ thuật ấy chỉ những thằng ma lanh, quen tiếp xúc với đủ loại người như tôi mới nhận ra. Những ngày làm việc trong phòng giao dịch ghi biên lai và trả ảnh đã dạy tôi cách đón bắt ý nghĩ thật của con người, cách lọc chúng khỏi những ngôn từ giả trá, mềm mỏng, cách lôi chúng từ dưới đáy sâu của những đối thoại vòng vèo, chằng chịt… Ông già nghiêng đầu, lên giọng đọc một câu thơ mới, rồi gõ ngón tay khô khỏng xuống khay nước, cất tiếng:
- Anh có nhận với tôi rằng chẳng còn ai theo được Nguyễn Du không? Cụ ấy không còn là thi nhân mà đã vượt lên bậc thánh. Thời đại của các anh bây giờ nhảm nhí, chẳng còn thơ phú nữa, chỉ có trò ghép chữ ba lăng nhăng. Thời chúng tôi, mấy gã thầy đồ gàn, không manh áo che thân cũng đủ tài bịa ra hàng tá văn chương thứ ấy. Hồi trai trẻ thơ Là mác- tin, thơ Véc- len, thơ Bô- đờ- le tôi đọc chán chê rồi, thích thì có thích nhưng vẫn thấy nó là loại thứ hai. Kiểu như ta uống chè búp ướp sen rồi mà phải uống chè bồm gói…
- Phải phải, bác nói chí phải…
Vũ Sơn tiếp lời: Hội nghị thơ toàn quốc năm ngoái cháu đã phát biểu ý kiến rồi: Nền thơ đang lâm nguy, đang cần phải nuôi dưỡng và chữa chạy. Đám thi sĩ trẻ bây giờ làm thơ như đàn bà thái rau cải vậy, họ có để tâm nghiền ngẫm nghề nghiệp đâu. Cứ nghe thấy tên một nhà thơ châu Âu là họ cuồng lên. Biết đâu rằng ngay cả Răm- bô, Prê- ve, A- pô- li- ne cũng đều là cát bụi trước cụ Nguyễn Du nhà mình.
Ông già lim dim mắt, nhìn Vũ Sơn trìu mến:
- Tôi không ngờ ở tuổi anh mà đã biết được điều ấy. Cái thằng Dương nhà này không có nổi một phần ba trí óc tinh khôn, tỉnh táo như anh.
Vũ Sơn cười:
- Không, nó tinh khôn gấp ba lần cháu.
Ông già lắc đầu:
- Tinh khôn nỗi gì?
Vũ Sơn đưa mắt nhìn tôi rất nhanh, rồi đáp:
- Nó lại để cho bác thấy sự tinh khôn thì hỏng chuyện… Vừa lúc ấy bà già đi chợ về, giơ con cá khoe:
- Ông xem, con cá gần hai cân cơ đấy. Đám thợ câu quăng vừa đưa dưới hồ lên.
Ông già bảo:
- Ngon đấy, bà nấu cẩn thận cho các anh ấy ăn.
Khoảng nửa giờ sau chúng tôi được thết một bữa bún ngon lành. Nói không ngoa, tìm cả mùa đông ở Hà Nội cũng không có một hàng bún nào ngon như thế. Sau bữa ăn, ông bố Thanh Dương đưa cuốn an- bom cho tôi xem. Tình cờ, tôi lại lật đúng bức ảnh chụp vị lãnh tụ nhà nước đi cùng với nhóm người tháp tùng và các nhà báo, trong đó có Vũ Sơn. Bên dưới, là dòng chữ đề:
Tặng hai bác và Thanh Dương.
Chữ ký kéo loằng ngoằng như những sợi bún rối. Tôi lật qua các tấm ảnh, gấp cuốn sổ lại, uống nửa chén trà rồi cáo từ.
Tối hôm ấy, bố tôi ngồi nói chuyện với đám khách từ quê lên. Họ đem theo nào tay nải gạo, lồng gà, buồng chuối lỉnh kỉnh. Tuy là họ hàng, tôi chẳng biết ai. Bố tôi phải giới thiệu lai lịch của từng người, mối liên quan nội ngoại người tôi phải chào là bá, người tôi phải xưng là anh…
Sau khi thủ tục đã hoàn tất rồi, cụ sung sướng bảo với đám người trong gia tộc:
- Thằng cháu Nam nhà tôi chịu khó đọc sách lắm. Mọi việc trên đời nó đều thông tỏ. Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính, vợ chồng tôi cả đời có cầm đến quyển sách đâu. Dạo này, cháu nó chơi với nhà báo Vũ Sơn, các anh các chị biết chứ, anh ấy là cố vấn đặc biệt của lãnh tụ nhà nước, cả tỉnh này nể vì…