Chương 13

Bất luận giàu nghèo, ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, cô gái nào cũng thích trưng diện. Các cô sẵn sàng nhịn ăn nửa ngày để bỏ mấy đồng bạc vào trong ống nứa, và cứ ngày nọ nối ngày kia cho tới khi ống nứa chật cứng những tờ bạc lẻ. Lúc ấy, các cô phăm phăm chẻ đôi cái gia tài quý báu đó ra để mua một tấm áo, một đôi giày sang trọng, hoặc có khi chỉ một chiếc mù soa… Các cô có thể tiếc đứt ruột khi bỏ ra mười đồng bạc mua ổ bánh mì nhưng lại sẵn sàng trả ba ngàn đồng cho một tấm áo khoác bằng thứ vải ny- lông ướt màu bạc đang được coi là thời thượng… Các kiểu sơ mi vì thế cứ đổi như chong chóng, từ cổ tròn ra cổ lá nhọn, từ cổ lá nhọn trở về không cổ khuy Tàu… Nhờ vậy, cửa hàng may của Thúy Hạnh luôn luôn đông khách. Chỉ riêng nữ sinh viên y I tới may và chữa áo sơ mi cô đã đủ nhược người. Huống hồ cả khối y2, y3 cũng đã nghe đồn đại về tài nghệ của cô, và điều quan trọng hơn cả là cô tính giá công rẻ nửa tiền so với các hiệu may bên ngoài. Khi tôi đến thăm Hạnh trong khu nội trú, có tới nửa tá các cô khách bao vây, người chờ lấy áo, người kèo nhèo vì sai hẹn, người thúc hối mong được mặc áo sớm hơn vài ba ngày…
Hạnh ngẩng lên, nói với tôi:
- Anh xem, chủ nhật hầu như em không còn được thở. Có khi từ bảy giờ sáng tới bảy giờ tối mới được ăn.
Dứt lời, cô cúi xuống đạp rào rào cho xong đường chỉ cuối. Rồi, đưa áo cho một cô gái béo tròn đứng cạnh, Hạnh nói:
- Xin lỗi các cậu, giờ tôi phải nghỉ thôi.
Cô tháo chỉ, lật đầu máy xuống hòm, phủ mảnh vải lên trên. Các cô khách ỉu xìu, lần lượt tản đi. Hạnh bảo:
- Anh đưa em ra quán cà phê đầu phố nhé. Ở đây, chẳng có chỗ nào ngồi nói chuyện.
Chúng tôi đến một quán cà phê mới khai trương ở vùng ngoại ô. Với những bộ bàn ghế còn nồng nặc mùi véc- ni, những bình hoa nhựa trơ trẽn, những bức tranh ấn tượng thô lậu và ngờ nghệch treo tường, nó làm tôi phát lợm giọng. Chủ quán là một gã đàn ông cao gầy, da tái nhợt, giọng nói eo éo như lại cái. Gã bưng cho chúng tôi hai tách cà phê nóng, chỉ mới khuấy thìa đã thấy mùi ngô rang và hạt cau trộn lẫn trong bột cà phê. Hạnh đang mệt, cô nhấp từng ngụm nước đen nhờ nhờ kinh tởm ấy một cách ngon lành. Tôi bảo:
- Em thấy cà phê ngon không?
Cô gái lắc đầu:
- Em chẳng biết mùi vị nó ra sao. Nhưng em khát, và mỏi muốn gãy xương lưng nên uống nước nóng vào dễ chịu.
Gương mặt cô vẫn tươi mát, nhưng hao gầy hơn xưa. Chỉ đôi mắt là khác biệt, với cái nhìn táo bạo, có đôi phần liều lĩnh. Tôi hỏi:
- Dương có tới thăm cô thường xuyên không?
Hạnh lắc đầu:
- Không. Chúng em hẹn hò nhau như những điệp viên hoạt động trong vùng địch. Thay đổi giờ, thay đổi nơi gặp gỡ, với trạng thái căng thẳng như luôn có một trạm ra- đa trong đầu.
Những lời lẽ ấy, cô nói với chút hài hước, nhưng không che giấu nổi vẻ chua chát. Tôi chợt thương cô. Hạnh nói tiếp:
- Vợ anh Dương đã biết chuyện. Chị ấy tới gây sự với anh Vũ Sơn và đe dọa em. Em không sợ nhưng em buồn. Số kiếp đã đưa đẩy chúng em gặp nhau. Những người con gái khác có thể tìm thấy hạnh phúc một cách dễ dàng, còn em, em tìm hạnh phúc như người thợ lặn tìm những viên ngọc trai dưới bể sâu. Có được ngọc trong tay, thân thể rách tướp vì lưỡi hàu hoặc răng cá dữ.
Trong mắt cô, ánh lên những tia sáng buồn rầu nhưng cả quyết, tựa ánh mắt của những kẻ hành dương đứng trước sa mạc trắng trợn xương khô và cát, còn bên kia chân trời là đất thánh hiển linh.
Tôi nói:
- Dương có biết chuyện vợ anh ấy đe dọa Hạnh không?
Cô gái gật đầu:
- Có, anh ấy nói với em rằng sẽ cố gắng ngăn cản những hành động điên rồ và tàn bạo ấy.
Tôi gặng:
- Nhưng nếu như lực cản của anh ấy vô hiệu?
Hạnh đáp:
- Lúc đó, em sẽ phải chống đỡ. Em sẵn lòng chịu đựng tất thảy mọi hy sinh. Anh Nam, bây giờ em tin rằng khi yêu, người ta biến hoàn toàn thành một con người khác, kẻ bần tiện biến thành người hào phóng, và kẻ yếu mềm trở nên dũng cảm, lì lợm trước cuộc đời.
Tôi xoay tách cà phê dởm đã nguội lạnh trong tay, thầm nghĩ rằng mọi lời nhắc nhở giờ đây đều vô nghĩa. Có lẽ, tôi sẽ bảo với Vũ Sơn rằng nỗi lo toan của anh cũng như của tôi không có giá trị, bởi chính Hạnh đã đo lường hết mọi thảm họa và chấp thuận nó. Rằng chính cô đã dấn thân với ý thức rõ ràng của một kẻ chịu trận và với lòng quả cảm của một người lính bẩm sinh.
Tôi đưa cô trở lại khu lưu trú. Cái quán cà phê kệch cỡm lùi lại phía sau với tiếng nhạc ABBA mở hết cỡ, nghe nhói tận đỉnh đầu.
Về nhà, tôi mỏi nhừ toàn thân, dường như không phải tôi chỉ đạp xe vài chục cây số mà là vượt qua một dãy núi hiểm trở. Nằm xoài trên giường, tôi ngủ thiếp đi. Lúc tôi thức giấc, trời đã sẩm tối. Vừa quơ được đôi dép, đã có tiếng chuông.
- Ai đến vào giờ này?
Tôi tự hỏi và ra mở cửa. Thanh Dương xuất hiện, trong bộ đồng phục tuyệt đẹp Hạnh đã gửi qua tôi. Đây là lần đầu tiên anh tới.
Tôi đùa:
- Rồng đến nhà tôm. Chắc ngày mai trời bão.
Dương cười:
- Tôi biết thế nào anh cũng có nhà. Tối nay tôi tới nói chuyện tại câu lạc bộ Thanh niên, anh tới dự nhé.
Tôi đáp:
- Sẵn sàng. Nhưng tôi phải kiếm bát phở đã.
Dương đưa cho tôi tấm vé:
- Anh có thể ăn ba bát phở rồi đến cũng kịp. Bảy giờ ba mươi phút mới bắt đầu. Giờ, tôi phải qua nhà một số bạn bè thân…
Anh chào tôi, đi.
Tôi lững thững ra phố, tìm quán phở quen. Vừa thấy tôi, bà chủ quán đã cười và giáo trước:
- Hôm nay bò tái lên năm mươi đồng một bát đấy nhé.
Tôi đáp:
- Tiền công tráng phim, in ảnh của cháu chưa lên được hào nào mà phở của bác đã tưng giá năm mươi đồng. Bất công thật.
Bà chủ lắc đầu:
- Tôi có muốn thế đâu chú? Nhưng giá thịt, giá bánh, tiền thuế cứ tăng như ngựa chạy, làm sao tôi không nâng giá hàng lên được?… Ngồi vào chỗ đi, lấy nhiều hay ít nước béo đây?
Tôi đùa:
Lấy một muôi nước béo vào, kẻo ngày mai ngày kia hết tiền không dám ăn nữa.
Bà chủ cười tít mắt, hai má đỏ hây hây. Bà bưng bát phở đặt tận bàn cho tôi, kèm theo một câu nửa nạc nửa mỡ:
- Chú mà ưng con Lan nhà tôi, tôi bỏ tiền cưới xong tôi nuôi hai anh chị ngày bốn bữa cơm gà cá gỏi, muốn chim câu hầm có chim câu, muốn cơm tây Hàng Buồm khắc có bánh mì bíp- tết.
Đám khách ăn quay lại nhìn tôi cười. Tôi cũng cười nhưng hai má nóng lên vì xấu hổ. Cô Lan con bà giống bà như hai giọt nước, từ vóc dáng tới sợi tóc, tràng mày. Như thế, có nghĩa là cô giống một cái chum trắng nhễ nhại, biết đi giày cao gót, mặc quần Jin, thay đổi các thứ áo Pun, áo thêu, áo đăng- ten như một thứ ma- nơ- canh sinh động. Mỡ núng nính từ hai má, lăm cổ cho đến từng ngón tay tựa khúc dồi bóng loáng của cô. Các thứ nhẫn mặt đá đỏ, đá tím, các thứ bông tai nụ hoặc đính ngọc làm cho tấm thân phì nhiêu của cô sáng chóe lên như tủ hiệu kim hoàn. Đầy kiêu mãn, cô đi ra đi vào, cười nói ngúng nguẩy trước đám khách ăn, phô phang một cặp vé cải lương giá chợ đen mua hết hai trăm hoặc một cặp vé phim tình Ấn Độ năm trăm rưởi… Mường tượng cảnh mình sánh đôi với cô ta, tôi đã đủ sạm mặt. Bất giác, đôi mắt đen huyền của thiếu phụ má hồng lại hiện ra trước mắt tôi, chị giơ một cánh tay lên, và cử chỉ im lặng ấy như tiếng gọi mời ở bên kia khoảng không gian xa xanh, diệu vợi…
- Kìa, ăn đi không phở chua hết bây giờ…
Bà chủ hiệu cất tiếng khiến tôi giật nảy. Tôi vội vã ăn, chẳng còn cảm nhận rõ mùi vị. Xong, tôi trả tiền bà rồi bước ra phố. Vào giờ này, đường phố đông. Từng tốp thanh niên và thiếu niên sắp tới tuổi cởi khăn quàng đỏ đi tràn lên vỉa hè. Lẫn trong đám người ít lo nghĩ ấy là những người đàn ông và đàn bà lủi thủi đi nép vào các hiên nhà, tay xách túi hoặc xách làn, vẻ tất tưởi, lam lũ. Thi thoảng, lại gặp một ông già bắc ghế ngồi trước cửa, nhìn ngắm cảnh chộn rộn phố xá.
Tôi đến câu lạc bộ Thanh niên lúc bảy giờ mười lăm. Người ta đã ngồi kín các dãy ghế phía trước. Mấy cô nàng xinh đẹp má hồng mắt xanh bưng cà phê tới bàn. Hai chiếc loa phóng âm cỡ lớn thả bản nhạc đương thời:
Ngôi nhà tình yêu của em trong trắng
Những giọt nước mắt rơi trên tuyết lại đen
Em đã đi qua trái tim anh,
Như giọt mưa qua khung trời thành phố
Ngôi sao sáng trong khung cửa mở
Hỡi người con gái có mái tóc vàng…
Ngoài hồ, ánh đèn rọi xuống mặt nước sâu, như những mảy thủy tinh, trong suốt, sắc lạnh. Rực rỡ một cách quái dị, làn nước phản chiếu, làm gãy khúc và tẩm nhiễm nỗi huyền hoặc vào các chùm tia sáng, khiến chúng tụ họp thành một thế giới xao xuyến mới lạ. Trong thế giới ấy, người ta đọc được chiều sâu u tối của những khát vọng và dục vọng, những gai góc châm đốt trái tim con người trong cuộc hành trình tìm miền đất của tâm linh… Nỗi uất nghẹn dâng đầy họng tôi. Tại sao những người đàn bà tốt đẹp lại bị đầy ải vào cõi bất hạnh? Những người đàn bà mà sinh lực, trí tuệ và đức tính cần cù của họ đã tạo dựng nên xóm làng, nhà cửa vườn tược ngọn lửa ấm và những bài ca… Con đò trôi bập bềnh theo hai bờ sông. Lưỡi cát vàng ánh lên dưới nắng chiều như lưỡi gươm kì bí, thiếu phụ mỉm cười, lũm đồng tiền xoáy sâu trên bầu má…
Giọng hát trầm đục của ca sĩ Mỹ vẫn vang bên tai tôi:
Ngôi nhà tình yêu em trong trắng
Những giọt nước mắt trên tuyết lại đen…
Hỡi người con gái có mái tóc vàng…
Thốt nhiên, một cảm giác cáu giận vô cớ xâm chiếm tôi. Nào những bông tuyết, những giọt nước mắt đen, mái tóc vàng… Những thứ đó đâu có ăn nhập gì với thế giới tinh thần của riêng tôi?… Chúng bập bềnh ở ngoài khung trời mà tôi hít thở, vui sướng và lo âu… Tôi không cần tới chúng… Tôi đứng dậy. Lúc ấy, tôi đã thấy người giới thiệu lên trước mi- crô. Nhà thơ Thanh Dương đã đứng bên cánh gà, với mấy cô diễn viên ngâm thơ minh họa, một người đàn bà ngoài bốn mươi cầm cây đàn thập lục đang ghé tai thì thào gì đó với một chàng nhạc công thổi sáo. Tôi đi ra ngoài. Tiếng Thanh Dương vang vang trong máy phóng âm, đuổi theo. Nhưng giờ đây, mọi âm thanh đều câm nín. Chỉ có tiếng sóng gào réo lên, lấn át mọi âm nhạc và thi ca, khoan xoáy vào não tủy.