Chương 16

Ngày xửa ngày xưa, có lẽ từ thời vua Hùng Vương hay trước đó nữa. Tôi nghĩ cái chữ mà người Việt ta hay dùng nhất là …nhà tôi. Thật dễ hiểu vì nhà là chỗ để ở và ai cũng có, cũng phải có. Giầu thì vi-la, biệt thự. Trung trung thì nhà hai ba từng lầu. Kém hơn chút thì nhà trệt (tôi không hiểu vì sao gọi là nhà trệt). Một mái che ở dưới chân tường cũng gọi là nhà. Thành thị đã thế mái tranh vách lá. Ngay cả hang động, nơi trú ngụ của con người thời tiền sử.
Nhà anh hoặc nhà chị ở đâu? Mời anh hoặc chị ghé lại nhà tôi chơi. Tôi ít nghe ai nói về …cái biệt thự của tôi hay cái chòi của tôi, ngoại trừ bạn bè thân. Thường hay vẫn cứ là … cái nhà. Và người dân sống trong một đất nước chiến tranh triền miên không biết mệt thì ở bất cứ nơi nào họ dừng chân, dù là giữa rừng, trên núi, ven biển, cũng vẫn gọi là nơi trú chân, là nhà. Miễn là ở đó khói lửa, đạn pháo không ghé qua chơi hoặc là bỏ quên càng tốt. Có nhiều người cả đời gần như long đong vất vả chạy và chạy hết nơi này đến nơi khác mà vẫn chẳng có lấy một mái lá che thân vì súng đạn chưa bao giờ biết mệt cứ đuổi mãi sau lưng.
Trong lòng Saigon, thành phố về đêm lúc nào cũng choáng ngợp ánh sáng, tiếng nhạc và những trận cười thâu đêm, vẫn có những căn nhà vá víu bằng tôn, ván ép các-tông nằm chênh vênh men theo sông, các bờ kênh lạch nhỏ. Chiều chiều khi nước rút đi còn trơ lại những thân cây khẳng khiu chống đỡ cái nhà sàn trên mặt bùn đen đặc quánh. Trong những biệt thự, những căn nhà ba bốn từng, người ta phải dùng đến máy lạnh hoặc ít ra phải là quạt máy, quạt đặt bàn hay quạt trần đã được xài thời Tây bởi nhà gạch hay nhà tôn thì cái nóng Saigon cũng chẳng phân chia giai cấp.
Thế cho nên ở nhà sàn cho dù có tồi tàn dưới mắt những người giàu có, vẫn có quyền hưởng luồng gió mát của thiên nhiên. Mát lắm, mát đến lạnh cả người. Tôi đã ở đó cái thuở hàn vi nên tôi rõ hơn ai hết và có lúc thương những người sống chen chúc, chật hẹp trong những bức tường dầy bưng bít, ngột ngạt. Lúc đó, tôi cũng gọi nơi tôi ở, một căn buồng nhỏ xíu, vuông vức, nấu nướng trong nhà, ngay cạnh cái cầu tiêu chung, là nhà tôi.
Trước đó, tôi ở với bà nội trong một ngôi nhà rộng rãi ngõ 20 đường Phan Thanh Giản. Hai bà cháu ở trên lầu, dưới nhà cho thuê. Bếp và buồng tắm cạnh nhau. Bà tôi thường nấu cao Hổ Cốt, cao Ban Long và xà bông bán cho những người quen và cả người quanh xóm. Buồng tắm không có bồn tắm, không có bông sen, nền xi măng có mở lỗ thoát nước, một lu nước lạnh lúc nào cũng đầy, bốn vách và cửa được chấp vá bằng những miếng gỗ, ván ép đầu thừa đuôi thẹo. Nhà không có máy lạnh. Chiếc quạt máy duy nhất chỉ thỉnh thoảng mới mở. Tôi ngủ dưới chân giường của bà trong tiếng kinh đều đều mỗi đêm. Bây giờ căn nhà đó đã bán lại cho người thuê cũ. Tôi yêu căn nhà đó vô cùng. Dù sau này tôi ở trong những căn nhà đầy đủ tiện nghi hơn.
Đó là nói về nhà. Nhà của mọi người và của tôi. Qua một Đại Dương, chữ …nhà được phân chia và xài cho nhiều người, nhiều giới khác nhau. Trước hết là … Nhà Thờ và Nhà Chùa. Hai nhà này trong trại tỵ nạn vẫn là những nơi bất khả xâm phạm và được nhiều người thăm viếng nhất. Giới chức cao cấp ở đảo, Cao Uỷ hay gì gì đi nữa cũng không dám hó hé bởi đụng tới tôn giáo là điều cấm kỵ. Giữa trại tỵ nạn, nơi thiếu thốn đủ mọi thứ, Nhà Thờ, Nhà Chùa được các giáo dân, phật tử góp công sức dựng lên. Dĩ nhiên là cũng rất sơ sài. Cây trên núi cứ việc chặt xuống, cũng ván ép, gỗ thừa, tôn móp méo, với niềm tin sắt son với Đạo. Dân chúng vẫn có nơi cầu nguyện, thờ cúng. Nếu ở trại tỵ nạn cái gì cũng thiếu thì Nhà Thờ và Nhà Chùa là nơi duy nhất cho mọi người niềm tin, hy vọng và tình thương.
Thứ hai đến Nhà Binh (tôi cũng không hiểu vì sao gọi Nhà Binh). Nhà Binh đây tức là các quân nhân thuộc mọi binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ai thuộc Nhà Binh coi như được ưu tiên định cư tại các quốc gia khác. Với điều kiện là phải khai đúng ngành, chức vụ của đơn vị gốc. Thí dụ Trung Úy thì cứ khai là Trung Úy, chứ nếu khai là Trung Tá thì có hơi kẹt bởi “ông người Mỹ” có đầy đủ hồ sơ của Quân Đội Việt Nam. Chỉ cần bấm nút là ra ngay. Những sĩ quan vượt biên sau khi học tập cải tạo, dù chẳng được hưởng quy chế đặc biệt gì trên đảo ngoại trừ cái vụ ưu tiên đi các nước thứ ba, rất được dân chúng trên đảo chào đón, kính nể và hay bầu những người này làm trưởng trại để đối phó với đám “cai tù” cũng dã man không kém hải tặc, trong trại.
Cạnh Nhà Binh có Nhà Giáo. “Nhà” này thì chẳng được ưu tiên gì, coi như cũng “phó thường dân” như mọi người. Nhưng được cái người có ăn có học bao giờ cũng hơn, nhất là Nhà Giáo Việt Nam. Đạo mạo. Từ tốn. Tư cách. Trật tự. Đâu ra đó, khỏi lộn xộn. Dù không “Oai như Nhà Binh” nhưng nghiêm túc trong mọi vấn đề. Và tấm lòng, lương tâm Nhà Giáo rất gần với Nhà Tu. Bà con trên đảo cũng quý trọng vô cùng. Khi có việc cần ăn nói, nếu không muốn khuấy động đến các Linh Mục và các Thầy, thì còn ai hơn nữa.
Nhiều chuyến vượt biên, đi chung với Nhà Binh, Nhà Giáo là Nhà Báo. Ấy cái “Nhà” này có phần hơi rắc rối đây. Nhà báo cũng được dân tỵ nạn thập phần quý trọng vì các ngài là tiếng nói của mọi người. Nhờ các ngài mà những người Việt ở đất liền thông suốt được mọi sự việc cũng như nguyện vọng của người tỵ nạn chưa biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Không có một quy chế nào dành riêng cho các Nhà Báo dù tiếng nói của Báo Chí được gọi là Đệ Tứ Quyền, nghĩa là lớn lắm, oai lắm. Một bài báo có thể làm tan vỡ … nhiều gia đình. Một bài báo có thể đưa người này lên, người kia xuống. Một bài báo, ghê gớm hơn nữa là có thể đưa một ông Tổng Thống Mỹ … đi chơi mát. Thế cho nên dưới mắt những người dân khốn khổ ở …khắp mọi nơi chứ không riêng gì ở đảo tỵ nạn, ông Nhà Báo rất là uy quyền.
Nếu Nhà Báo có đôi khi làm người ta ké né thì nhà …Văn lại được mọi người thương. Hồi ở nhà, tôi quen miệng gọi chung là Nhà Văn, không phân biệt nam nữ gì với tôi, điều đó không cần thiết bằng những gì viết ra. Nhà Văn là giới phong lưu nức tiếng. Bốn món ăn chơi chẳng món nào họ không từng thử qua một lần cho biết. Nhà Văn Việt Nam dĩ nhiên không thể so sánh với Nhà Văn ngọai quốc về đời sống vật chất bởi người Việt ta cho đến bây giờ vẫn không mấy người trọng vọng những giá trị tinh thần. Tuy vậy Nhà Văn Việt Nam vẫn sống hùng sống mạnh viết hăng.
Có một điều tôi thắc mắc là không biết vì sao gọi là Nhà Văn nữ. Tôi không thích cái chữ đó. Nếu tác giả tên là Nguyễn thị … cái này, Nguyễn thị … cái kia thì nhất định họ là đàn bà. Mà nếu đã chia ra nam nữ như vậy thì phải thêm Nhà Văn nam mới cân bằng. Hoặc giả cho đến bây giờ nữ vẫn thua nam dù là trong văn giới sự đóng góp của đàn bà có phần hơi trội hơn phía đàn ông, cả về phẩm lẫn lượng (ngoại trừ một vài Nhà Văn nam rất ăn khách bây giờ như Hồ Trường An, Trần Vũ, Kiệt Tấn, Nguyễn Đức Lập, …). Tôi không biết ai chia nam nữ như thế, tuy nhiên tôi xin lỗi bởi đây chỉ là ý kiến của riêng tôi thôi. Thế nhưng nếu tôi nhớ …không lầm thì ngày xưa mọi người gọi người đàn bà viết văn là …Nữ Văn Sĩ, để phân biệt. Đôi khi các ông viết truyện nhưng lại ký tên đàn bà. Có lẽ vì tên của một người đàn bà …đẹp hơn chăng? Và đàn bà dễ được sự chú ý chăng?
Có nhiều câu hỏi mà không bao giờ cần sự giải đáp.Tôi thích đọc sách của đàn bà viết hơn đàn ông, ngoại trừ mấy ông Nhà Văn nam kể trên. Đã có Nữ Văn Sĩ phải có Nhà Thơ Nữ mà cũng ngày xưa gọi là Nữ Thi Sĩ hay gọn hơn là Nữ Sĩ. Thơ thì tự nhiên đã hay rồi. Nhưng nếu nói về thơ, tôi thích thơ của các Thi Sĩ Nam hơn. Chẳng hiểu tại sao. Không phải nói nịnh hay vì quen biết mà dựa hơi. Tôi thích thơ ông Mai Thảo, ông Du Tử Lê như tôi đã thích Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Thanh Tâm Huyền. Về phía đàn bà, tôi thích thơ Trần Mộng Tú và một bài thơ của Nhã Ca làm cách đây mấy chục năm rồi, trong bài thơ đó, tôi ưa nhất câu: “Cơm Áo Dậy Đời Ăn Lơ Nói Láo”. Đó là câu nói thật thà nhất. Và tôi yêu những gì thật thà.
Trên đường Hai Bà Trưng có một căn nhà rất nổi tiếng. Đó là Nhà Hòm Tobia. Nhà Hòm thì dĩ nhiên chỉ có bán áo quan nhưng Nhà Hòm Tobia chẳng phải ai chết cũng được một cái hòm ở nhà này. Chỉ có những người giàu có mới đủ tiền mua hòm tại đó và bên cạnh là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi cũng là nơi yên nghỉ của những người có tiền. Có Nhà Hòm thì phải có Nhà Quàn. Ở Việt Nam thường thì chết được quàn ngay tại nhà. Mỹ sang hơn, tốn tiền hơn là người chết được những giờ phút cuối cùng tại …Nhà Quàn, được trang điểm kỹ lưỡng để mọi người thấy mặt lần cuối trước khi vùi sâu trong lòng đất.
Nhà Hàng ở đây thì quá nhiều. Đếm không hết. Đồ ngon không cần thiết. Cứ nơi nào bán đồ ăn thì gọi đó là Nhà Hàng cho tiện. Lại còn mọc thêm những nhà mới là Nhà Sản Xuất mà nhiều nhất là sản xuất băng nhạc, dù băng thật hay băng giả cũng gọi thế cho sang. Đã có Nhà Sản Xuất băng nhạc, người ta chế thêm Nhà Phát Hành. Nhà này thật ra có từ Việt Nam mà một trong những tay cự phách trong ngành này là ông Tỷ Phú Thành chúng tôi thường gọi là Thành Hiện Đại. Riêng cái nhà này, tôi thấy chữ Cơ Sở Phát Hành có vẻ lớn và hay hơn. Tôi lại còn nghe ở đây có Nhà Chơi Hụi, chỉ người chuyên môn đứng ra dựng những hụi lớn, hụi nhỏ. Nhà này có phần nguy hiểm vì có khi tiền mất tật mang mà có … Đáo tụng đình thì ông Toà sẽ phán rằng “Nhà” này không hợp pháp, không có môn bài. Mỹ không có Nhà này nên chẳng biết xử ra làm sao.
Khi ghét nhau, người ta dại mồm chê bai…. Đồ cái Nhà Quê. Chửi tình địch của mình, các bà Bắc Kỳ hay vén váy lên … cái đồ Nhà Thổ. Ngụ ý mỉa mai những người lắm mồm hay ngồi lê mách lẻo, cũng nặng nề lắm… Mồm như cái Nhà Chồ. Thời Tây còn ngự trị xứ ta, nơi bắt giữ những cô gái không may lạc bước chốn giang hồ là … Nhà Lục Xì (cái này tôi cũng không biết từ đâu mà có).
Năm 75, lúc còn ở trại tỵ nạn Fort Chaffee tiểu bang Arkansas, tôi nghe các đấng đàn ông con trai ở cùng Barrack thường thầm thì … ở đó có … Nhà Chứa. Tôi biết đó là nhà gì, chỉ hơi ngạc nhiên vì sao mà sớm thế và hai chữ Nhà Chứa nghe không mấy thanh tao. Người Tàu gọi Lầu Xanh, Lầu Hồng nghe tao nhã văn vẻ biết bao. Và còn một “Nhà” nữa. Cái “Nhà” này rất quan trọng, ai cũng cần. Từ Vua chí dân, từ đẹp tới xấu, từ giàu tới nghèo, từ già chí trẻ. Không ai mà không cần. Không có nó là không xong dù nó xấu xí hôi hám. Đó là … Nhà Cầu. Cái Nhà này ly kỳ ở chỗ cùng một công dụng nhưng được gọi nhiều tên. Người Bắc gọi là Nhà Chồ, Nhà Xí, Nhà ỉa nam, Nhà ỉa nữ. Người Nam gọi đẹp hơn… Nhà Cầu hay Cầu Tiêu. Tây Ta gọi tắt là WC. Mỹ văn minh hơn gọi là … Phòng nghỉ Restroom.
Thật ra còn nhiều thứ Nhà lắm nhưng ông Chủ Nhiệm Thời Báo năm nay khó hơn năm ngoái, không cho phép tôi dành sân lấn đất. Đành phải ngưng tại đây. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại vấn đề này với sự … nhắc tuồng của quý độc giả. Có thể là số sai. Cuối cùng, nếu trong bài này có một vài điều không đẹp lắm dù đó là sự thật. Xin quý vị bỏ lỗi cho.
Khánh Ly
(trích Thời Báo số 179, ngày 25-12-1994)
Bên Đời Hiu Quạnh (94- 30/12)
Thầy Trầm Tử Thiêng ưa nhắc tuồng cho tôi nhưng ngàn lần như một, thầy vừa quay lưng là tôi quên mất tiêu. Thầy này chữ nghĩa, điển tích rất nhiều nhưng lại quá ham chơi. Người ta thường nói trẻ mới ham chơi, có ai ngờ già còn ham chơi (đây là tôi nói riêng về ông thầy này). Thì ông là nhà Giáo mà lỵ. Nhà Giáo mà chơi bời quá mạng thì còn dạy được ai bây giờ. Có lẽ thế mà ông …nhịn thèm. Mà cũng đáng tội, nói không phải nói chứ bạn bè của ông, chơi với ông, chẳng có đến một nửa bóng hồng nào chen vào. Nó cứ khô không khô khốc như …ông mới chết chứ.
Thế là các nhà khác chơi thả ga trừ Nhà Giáo và Nhà Tu (yêu cầu nhà báo đánh cẩn thận kẻo nhà tu hoá ra Nhà Tù thì có lội đến 85 con sông cũng không hết tội đấy nhé.) Nhà tù ở Việt Nam là chỗ ít ai ưa, ít ai thích đến chơi. Ăn cướp, giết người, hiếp dâm, giật hụi, buôn thuốc phiện, ma túy thường hay chọn nơi này…làm quê hương. Tù ở Việt Nam là thập phần khổ chứ không như ở Mỹ, được vợ vào thăm nom, được gặp gỡ trong phòng riêng và được ở lại. Ôi đi tù ăn cơm có người lo, nhà không phải trả tiền mà vẫn enjoy đều chi, hoá nên có người thích ra lại muốn vào. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại coi bộ mất linh rồi đó.
Phó thường dân thì chẳng ai muốn vào nhà này chơi, nhưng các nhà chính trị lại không chê. Người đi làm chuyện Chính trị, tôi gọi là Chính trị gia, nhưng có người kêu là Nhà chính trị này, Nhà chính trị kia. Chính trị là gì, chính khách là sao? Tôi không biết nhưng cái nghề này hình như dễ đưa đến Nhà Tù mà càng đến Nhà Tù, tên tuổi càng sáng chói, sự nghiệp có đường đi lên. Vậy thì làm Chính trị cũng sướng, chả trách nhiều người ham, dù cái nghề này cũng rất dễ đưa đến …Nhà quàn.
Trước khi được hân hạnh đưa đến Nhà Quàn, người ta phải ghé thăm viếng Nhà Thương. Ghen tuông, nhậu nhẹt đã rồi lái xe. Giựt tiền, giựt đào, giựt kép. Tranh luận chính trị, văn nghệ, kẻ ưa người ghét, kẻ chê, người khen. Thế là rủ nhau vào Nhà Thương. Bơm vú, bơm tay, hút mỡ bụng, mỡ đùi. Nhà Thương. Cắt. Cột. Nhà Thương. Đẻ, phá thai cũng Nhà Thương. Đái không được. Ỉa không ra cũng Nhà Thương. Rồi ét, lậu, tiêm la, cùi đinh thiên pháo, cũng chi mộ đường mà thôi. Ngày trước ở đường Hồ Xuân Hương có Nhà Thương Bạc Hà chuyên trị những bịnh vừa kể. Cái vô duyên là ngay con đường mang tên một nhà thơ nữ quá nổi tiếng cho cái nhà thương đó.
Nhà Thương chữa bịnh riêng. Nhà Thương điên lại khác. Nơi này dành cho những người tâm trí rất ngây thơ, trong sáng (điên thì còn biết gì nữa cho nên với tôi, đây là những người dễ thương nhất). Hai Nhà Thương điên mà tôi biết được là Nhà Thương Chợ Quán và Nhà Thương Biên Hoà.Tôi ở rất gần Nhà Thương Chợ Quán nên được tiếng …dễ thương cũng không lạ gì. Ở Mỹ, lịch sự hơn. Không ai gọi người điên là …điên. Những người bị bệnh tâm thần, những người không bình thường, những người thần kinh yếu. Và được chữa trị đàng hoàng hơn ở Việt Nam. Chỉ có một điều tôi rất lấy làm khó chịu là có rất nhiều người mang tội giết người, giết rất dã man rồi khai là người đó giống Việt Cộng. Quan toà xử đã đời, tuyên bố thủ phạm có thể bị mắc bệnh tâm thần. Đưa vào bệnh viện chữa trị khoảng 1, 2 năm bèn được tự do như chưa hề bao giờ hạ sát một người nào. Vậy thì Điên ở xứ này cũng là một điều không phải là dở.
Khoảng năm 74. không hiểu xuất xứ bởi ai hai chữ Nhà Táng mà lại đi đôi với hai chữ Minh Tinh. Minh Tinh Nhà Táng (hình như tôi nghe mợ Ngọc Minh nói đầu tiên). Tôi hoàn toàn không hiểu ý nghĩa những từ này, hỏi mợ Minh, mợ Minh chỉ cười ruồi. Vì có loáng thoáng dính tới Minh Tinh nên muốn hiểu rõ, tôi bèn đi tìm mấy Nhà Đạo Diễn hỏi cho ra lẽ thì mấy bố cũng lắc đầu, do đó cho đến bây giờ 20 năm rồi, Minh Tinh Nhà Táng là cái gì, tôi vẫn không biết. Có ai biết, xin cho hay.
Tôi đang gõ lóc cóc thì ông nội Cò Dzu bước vào, người đi theo điệu Tango. Thầy nhắc tôi một tỉ Nhà. Như Nhà Tù còn gọi là Nhà Lao, Nhà Giam. Nhà Chứa, Nhà Thổ còn gọi là Nhà Săm (lấy từ chữ Chambre của Tây. Hải nhắc Nhà Hút. Ông Cò báo Động Hút thì có chứ Nhà Hút thì chưa. Nhà Chứa Bạc hay ở gần Nhà Chứa và Nhà Hút. 3 Nhà này oái oăm thay hay ở gần Nhà Chức Trách mà cái Nhà Thổ Tả này hay để ý dòm hành, dòm tỏi 3 Nhà trên, gây nên nhiều cảnh cười đau khóc hận. Tôi gọi Nhà Thổ Tả cũng không oan uổng gì vì tôi vốn không ưa cái nghề cầm dùi cui gõ đầu, còng tay người, không cần oan hay ưng. Ôi Nhà Chức Trách, các ông làm gì người dân thấp cổ bé miệng trong thời các ông vừa có Chức vừa có Trách Nhiệm còng tay người khác. Chỉ có hai ông Cò tôi được biết, suốt trong những năm tháng làm Cò, chưa hề còng tay ai mà ngược lại, chỉ bị đàn bà con gái… còng cả tay lẫn đầu. Đó là ông Cò Dzu và ông Cò Ly.

*

Từ ngày trôi dạt qua đây, đàn ông cũng như đàn bà, mắc nhiều bệnh lạ. Không phải đau đầu, sổ mũi, trúng gió mà là những bệnh nằm trong đầu, không hề gây đau đớn thân xác. Bèn tìm đến các Nhà Tâm Lý học để phân trần phải quấy, mong những lời khuyên ở vị bác sĩ chuyên môn. Đây là một nghề hái ra bạc vì bệnh nhân ngày một nhiều bởi nhiều lý do, kể cả lý do rất lẩm cẩm, đôi khi khó nói vì nó thuộc phạm vi phòng the. Ngày xưa, vợ chồng có chuyện gì bất hoà, ráng mà giải quyết cho xong, cùng lắm là đưa nhau đến trước mặt bố mẹ hai bên cùng phân xử. Chẳng đặng đừng thì đưa vấn đề ra Toà Hoà Giải trên đường Nguyễn Huệ. Không xong nữa thì nhà ai nấy ở.
Giờ cha mẹ họ hàng hai bên ở quá xa. Bạn bè nói ra thì ngại mà cũng chẳng đi đến cái thế giới nào, phần thì nhập gia tùy … thủ tục. Ai sao mình vậy. Mang nhau đến phòng mạch các bác sĩ chuyên về tâm lý gọi là các Nhà Tâm Lý Học để hai bên cùng điều trần sự việc. Đôi khi kết quả tốt. Thường là với những đứa nhỏ bố mẹ xem là bất trị, nói không nổi, hiểu không nổi mà hỏi thì nó không nói vì tụi nhỏ luôn luôn cho rằng bố mẹ không hiểu nổi những điều chúng nó suy nghĩ. Giải quyết con xong rồi đến vợ chồng. Tốn tiền lắm chứ chẳng chơi, nhưng tốn mấy cũng phải chịu, chỉ mong đừng tiền mất mà tật vẫn còn nguyên.

*

Nhà May ở đây có 2 nhà nổi tiếng là Trang và Thiết Lập Bolsa. Tôi chỉ biết hai Nhà này là vì tôi may áo ở đấy, chứ chắc còn nhiều nữa. Nhà chuyên môn cho thuê quần áo cưới số một ở quận Cam là Nhật Thuỵ, còn gọi là Nhà Áo Cưới. Các đấng đàn ông độc thân dài hạn thích thăm thú Nhà Tắm Hơi đầy dẫy ở San Francisco. Ở đây thì dưới dạng Nhà Châm Cứu, vào đó tha hồ châm, châm mệt nghỉ, chờ khoẻ, châm tiếp.
Có một số nhà đi trước một cách không cần thiết. Thí dụ Nhà Nghệ Sĩ, Nhà Ký Giả, Nhà Kiến Trúc, Nhà Nhiếp Ảnh,…. Những “Nhà” này có lẽ tăng thêm giá trị của nghề nghiệp song hơi nặng nề. Hai chữ Nghệ Sĩ là đủ rồi. Kiến Trúc Sư, Nhiếp Ảnh Gia, Chính Trị Gia…. Tôi vẫn thấy hay hơn. Còn lại một số Nhà như Nhà Băng thì mình chịu vì nó như thể từ thuở nào, nó lại là chủ nợ của mình nữa. Nhà Cầm Đồ cũng quan trọng không kém, gặp lúc gạo châu củi quế, kẹt tiền, vơ vét trong nhà còn cái quần, cái áo lành lặn mang tới Nhà Cầm Đồ, cũng có được một bữa ăn.Thật ra lúc trước nó được gọi là “tiệm”, nhưng sau này, có lẽ thấy được tầm quan trọng của nó, mọi người mới thân ái nâng nó lên thành Nhà cho có vẻ bề thế.
Nhưng dù Nhà hay không Nhà, tất cả đều có liên quan ít nhiều đến đời sống của chúng ta. Số trước có nhắc đến Nhà Cầu vậy phải có thêm Nhà Tắm và Nhà Bếp mới đủ cho nhu cầu của chúng ta dù Nhà, cái Nhà mà chúng ta còn là của Nhà Băng, nó làm tôi nhớ đến những câu hát thời còn nhỏ…. “cái nhà là nhà của ta. Công khó ông cha lập ra. Cháu con phải giữ gìn lấy…” Dạ thưa, chúng tôi dù ở đâu cũng muốn gìn giữ cái Nhà của mình, nhưng để đủ sức hay không, cái đó còn phải hỏi lại ông Clinton. Chắc ăn hơn là hỏi bà Hillary.
Khánh Ly
(trích Thời Báo số 180, ngày 30-12-1994)