Chương 5

    
hấy bóng dáng của quan Thái Bảo Nguyễn Châu vừa về đến nhà, người gia nhân già đã chạy đến vòng tay bẩm: - Dạ, con chưa thấy khách đến ạ.
- Càng hay, chưa đến nỗi nhỡ nhàng làm mất lòng ông bạn cũ.
Nét mặt rạng rỡ của quan Thái Bảo làm người tớ già sửng sốt. Đã lâu lắm, lão chưa hề thấy trên bộ mặt thâm trầm của cụ lớn một niềm vui lộ liễu như vậy.
Thái Bảo liếc mắt qua cái kỷ chạm, trên để sẵn một bộ ấm trà chờ khách, rồi đi thẳng vào phòng riêng. Ông cầm nậm ngọc tự tay rót một chén rượu đầy. Quả trong lòng ông niềm vui cũng đang bốc lên như hương rượu quí.
Từ sau ngày Hoàng Hậu bị giam giữ ở cung Thượng Dương và Thái Sư Lý Đạo Thành phải bạt vào đất Châu Hoan, ông nín hơi nuốt tiếng thu mình lại như con ốc nằm yên trong lòng vỏ cứng. Ông để tai nghe ngóng. Nhưng mọi mối giao dịch thầm lén của ông không bị ai phát giác. Thói kiêu hãnh hoàng gia của Thượng Dương, thà chết chứ không chịu làm liên lụy đến kẻ khác, đã đánh tan dần nỗi lo sợ lúc đầu của ông.
Nhưng nỗi mừng thực sự của ông là được Thái Hậu Ỷ Lan bỗng một hôm vời ông vào cung để hỏi han về việc điền bạ. Rồi câu chuyện cứ lái dần sàng ý Thái Hậu muốn biết ai là kẻ đồng bọn của Thượng Dương. Ở đây, thuật đón ý lựa lời có một không hai của ông đã đưa ông đạt được một kết quả không ngờ. Ông trổ hết biệt tài ví von chế giễu tế nhị tính đài các rởm của Thái Hậu cũ bị thất thế và bóng gió tâng bốc tài trị nước của Thái Hậu mới đang cầm quyền nhiếp chính. Cuối cùng ông lấy được lòng Ỷ Lan và bà Thái Hậu mới đã cho phép ông thỉnh thoảng được vào cung Thượng Dương để dò xét bà Thái Hậu cũ. Đường dây thầm kín giữa Thượng Dương và những kẻ ưu ái bà, qua ông, được nối lại.
Nhưng đích ngắm của ông còn xa hơn nữa. Qua Thái Hậu Ỷ Lan, ông muốn với tay đến Thái Úy, người đang có quyền uy bao trùm thiên hạ. Và một lần nữa dịp may lại đến với ông. Theo kế sách của Thái Úy, công việc đắp lũy lập phòng tuyến trên nam ngạn khúc sông Như Nguyệt để phòng ngừa cuộc xâm lăng của phương Bắc được tiến hành gấp rút. Ỷ Lan đề cử ông vào việc tuyển mộ dân phu. Trước kia ông đã từng đi cắm thẻ cho dân đói tha phương trở về quê cũ nên rất am hiểu tình hình các lộ ở ven sông. Thái Úy cũng thấy là hợp tình hợp lý.
Có ba lộ phụ cận với sông Như Nguyệt: lộ Quốc Oai do Thái Tử Văn Chiêu cai quản, lộ Gia Lâm do Thái Tử Hoằng Chân đứng đầu, còn lộ Lạng Giang có Phò Mã Thân Cảnh Phúc. Được sự thỏa thuận của hai Thái Tử ông đã tư trát về các làng chạ bắt mỗi hộ phải đúng kỳ hạn nộp đủ số tre ngâm. Ông còn tính cả số gỗ cần lấy ở đầu nguồn để tải về làm cọc, Thái Úy khen ông mẫn cán. Ông coi trọng lời khen ấy và thấy hởi lòng hởi dạ.
Bóng nắng đã tràn ngập cổng trước sân sau mà vị khách vẫn chưa thấy đến. Thái Bảo bồn chồn đứng lên ngồi xuống mấy lần. Khách chưa đến mà dưới bếp tiếng gõ thớt động mâm đã khua ầm ĩ. Người đầu bếp tò mò thắc mắc không hiểu vị khách của quan Thái Bảo là loại người thế nào mà hôm nay anh ta phải soạn một mâm cơm khác thường đến thế. Cơm thổi vào một nồi to. Rượu vò rót vào một bát lớn. Thịt thái vuông con cờ, xếp bằng chằn chặn trên những đĩa khố to tướng, men rạn chân chim. Miếng nào miếng ấy to bằng nửa bàn tay. Những tay phụ bếp thầm thì kháo nhau về ông khách kỳ dị. Họ đoán non đoán già mỗi người một ý.
Nhưng rồi người khách Thái Bảo đang mong đã đến. Ông ta cứ lững thững bước vào. Khung cửa rộng lớn nhà khách sảnh bỗng như hẹp lại. Vóc người ông ta đồ sộ khác thường. Người chưa vào, tiếng nói đã oang oang: - Trần Nậm đến chậm, chắc Thái Bảo giận lắm hả?
Thái Bảo Nguyễn Châu tươi tỉnh đáp: - Có giận là giận cớ sao lâu ngày tướng quân cứ im hơi lặng tiếng không cho bằng hữu biết chút âm hao.
- Lão đã xin cáo lui về châu Ái. Thái Úy lại lôi ra quất roi vào đít nên con ngựa già này cứ còn phải chạy.
Không để khách nói dài dòng. Nguyễn Châu đưa tay mời khách vào tiệc.
Kiêu vệ tướng quân Trần Nậm và Thái Bảo Nguyễn Châu là hai bạn đồng liêu cùng thờ ba đức vua. Mọi công việc xẻ núi đào sông, mở đường lấp sông của triều đình đều đến tay ông. Hơn bốn chục năm qua, ông đã khai thông nhiều mạch máu mới trong cơ thể nước Việt đang sắp bước vào tuổi xuân cường tráng. Sức khỏe phi thường trong thời trai trẻ của ông đã thêu dệt nên nhiều truyền thuyết trong dân gian. Người ta đồn hễ nghe tiếng Trần Nậm ho là giặc Lữ Long đã thót gan bỏ chạy. Cách đây hơn hai mươi năm, lúc Nậm vâng chiếu chỉ đưa người Ngũ Huyện đi đào sông Cá Lâm có người thấy một mình Nậm đã ăn hết một thạch gạo rồi đi đầu phóng thuổng xắn những tảng đất to bằng cái bệ thờ trong chùa làng. Nhưng giai thoại được nhiều người nhớ nhất là chuyện Nậm ôm cột đình. Năm ấy, trời làm lụt lớn, nước sông Nga Giang ở châu Ái réo ầm ầm trào lên đổ vào làng Duy Tinh kéo trôi nhiều nhà cửa. Thấy nước sắp cuốn phăng cả đình làng, Nậm tức giận xắn quần áo lội ra, choãi chân ôm chặt lấy cột đình giữ lại. Không biết có một ông đồ nho nào đã miêu tả sự việc ấy như sau: “Trời nổi lôi đình, lôi đình đi. Nậm nổi lôi đình, lôi đình lại. Trời co đi, Nậm kéo lại. Trời tốc mái giộim ưa, Nậm không thua trụ mãi”. Kết quả là Nậm ôm cột đình giữ nguyên tại chỗ giúp cho Thành Hoàng đình làng Duy Tinh năm ấy khỏi phải cảnh màn trời chiếu đất.
Khi tính kế thiết lập phòng tuyến Như Nguyệt, Thái Úy đã nghĩ ngay đến việc chọn người. Và người đầu tiên lọt vào mắt xanh của Thái Úy là Kiêu Vệ tướng quân Trần Nậm. Nậm được Thái Úy vời ra kinh, cùng Thái Úy và Thái Bảo Nguyễn Châu đi xem thực địa và trù hoạch mọi công việc dự bị tiến hành. Hôm nay nhận lời mời khẩn khoản của người bạn đồng liêu cũ, ông đến chơi nhà.
Thấy cung cách dọn ăn, Nậm cười: - Bao nhiêu rồi mà ông Thái Bảo vẫn không quên tính ăn to nói lớn của Nậm. Rồi ông quay sang người đầu bếp đứng bên cạnh: - Chớ chủ anh nói hành nói tỏi về ta thế nào mà anh ra tay chặt to kho mặn thế này hả?
Ông đầu bếp đang mải sững nhìn ông, quên cả việc đáp lại. Anh ta ngạc nhiên không chỉ vì khổ người kỳ dị của ông khách mà vì bộ râu rậm, xoắn tít vào nhau lấp kín cả phần ba khuôn mặt. Anh ta đang tự hỏi: - Râu ria rậm rì như rừng dày thế kia không biết rồi ông ta ăn uống làm sao nhỉ?
Trần Nậm không để cho gã phải chờ lâu. Ông đã xắn tay áo vén ngược chòm râu dài buộc túm ra đằng sau gáy rồi bắt đầu ăn như rồng cuốn.
- Tướng quân ơi! Nguyễn Châu nhỏ nhẻ nói – tướng quân quên nghĩ đến tuổi già của bọn ta sao mà kéo dài thời hạn đắp đê Như Nguyệt đến thế kia?
- Thế ông bạn Thái Bảo khuyên Nậm này phải làm sao nào? Hơn hai trăm dặm đê đắp cao như núi với năm lớp lũy tre dày chưa kể đến chuyện vét lòng sông đóng cọc nhọn ở giữa. Nếu ông Thái Bảo có đủ số phu gò lưng làm ngày làm đêm thì cũng phải mất một năm rưỡi mới xong.
- Nhưng khốn nỗi Thái Úy lại cấm đệ không được lấy người trong lúc thời vụ. Một năm hai kỳ, vào ngày ba tháng tám, khi dân chúng treo liềm cất hái thì mới được phép bắt dân phu.
- Điều đó, Nậm tôi cũng đã tính toán kỹ lưỡng rồi. Cũng phải trên ba năm là ít.
Nguyễn Châu xòe tay bấm đốt: - Như vậy là phải đến cuối năm Bính Thìn mới hoàn thành chăng?
Trần Nậm quả quyết: - Không thể sớm hơn được!
Người gia nhân già bỗng bước ra rỉ tai Thái Bảo: - Có cậu Vân đòi gặp cụ lớn?
- Bảo hắn đợi ta ở nhà cầu.
Những người mà lão tớ già gọi là cậu Vân dường như không đợi được đã nối gót lão xộc vào tận bàn tiệc. Hắn ta người to béo, lùn tịt, mắt sắc, mũi to, mặt vuông chành vạnh. Quả tội, hắn cũng không lùn lắm nếu hắn không đeo đằng sau lưng một khí giới cổ quái hình thù tròn như cái mâm ngoài bọc da báo làm cho khổ người hắn bè ra. Tấm áo lính cận vệ bạc màu không làm giảm bớt được phần nào vẻ ngang tàng hiện trong nụ cười ngạo mạn thường trực trên môi hắn.
Không hiểu hắn có chút hơi men nào không mà vừa tới hắn đã sỗ sàng: - Chẳng biết có việc gì cấp thiết mà ông anh gọi thằng em này đến vậy?
Hơi ngượng với khách, Thái Bảo phân bua: - Hắn là chú em họ xa của đệ. Hắn vốn ở nơi quê mùa, tính khí lỗ mãng, mong tướng quân đừng chấp.
Trần Nậm cười lớn, không hiểu nói với Thái Bảo hay với người mới đến! – Về cái tính lỗ mãng thì Nậm tôi chưa chịu nhường ai.
Đến bây giờ Thái Bảo mới quay sang quắc mắt nhìn gã Cấm Vệ: - Vì tình họ hàng, ta đã thu xếp cho chú được sung vào chân Thiên tử quân. Thế mà chú không lo tu tỉnh làm ăn, rượu chè be bét, nay gây gổ với người này mai sinh sự với người kia. Chú lại còn to gan dám hạ nhục quan Đô giám ở đội Ngự long trước mặt mọi người. May họ nể mặt ta nên mới không rầy rà to. Bây giờ muốn tốt thì ngươi phải tới ngay nhà ông ấy mà tạ tội.
Gã ngữa mặt cất tiếng cười hô hô: “Ra ông anh bắt Vân này phải khom lưng trước lão cú vọ miệng hùm gan sứa ấy ư? Địa Vân này đầu đội mây, chân đạp đất, có bao giờ thèm quỵ lụy xin xỏ kẻ khác”.
- Nếu mày không nghe ta thì mày có mọt xương trong lao tù, ta cũng mặc xác.
- Chỉ vì nghe lời mẹ mà tôi phải đến với ông. Tưởng ông làm quan to thì mắt ông sáng hơn mọi người. Nhưng xem ra ông cũng là loại gà mờ, vàng thau lẫn lộn, không phân được tốt xấu, dở hay.
- Mày quả là đồ láo xược, quân vong ơn bội nghĩa!
- Hà hà! Địa Vân này phải mang cặp tai dày vượt qua tử cấm thành để đến đây nghe có thế ư? Thôi! Từ rày ta không thèm đặt chân vào nhà này nữa.
Trần Nậm tủm tỉm cười, tự tay rót một bát rượu đầy đưa mời Địa Vân: “- Xin tráng sĩ hãy nguôi cơn giận!”
- Rượu thì ta uống còn ân huệ thì ta xin trả lại!
Gã ngửa cổ ực một hơi cạn bát rượu rồi đưa mu bàn tay lông lá quệt ngang mồm. Đoạn gã quay ngoắt, không thèm chào ai nửa lời, ngạo nghễ bước thẳng ra cổng lớn.
Thái Bảo giận tím mặt, cục lộ hầu nhọn hoắt chạy lên chạy xuống trên cái cổ dài ngoẵng của ông.
Chừng như để giữ thể diện với khách, ông quay mặt vờ trút một tiếng thở dài ngao ngán.