Chương 16

    
ầu tháng 10, tôi bị gọi ra. Thời gian này, đề lao chỉ còn cho nhận quà hai tuần một lần. 1 C- 1 đã nhiều thay đổi. Người cũ đổi phòng. Người mới nhập phòng. Vài anh được thả, lệnh tha đọc tại chỗ. Nhân vật của 1 C-1 bây giờ là Bí thư của thủ tướng Trần Văn Hương. Thêm ông giáo sư trường nữ Sương Nguyệt Ánh bị học trò tố cáo phản động. Đám tư sản mại bản Chợ Lớn đã từ các nhà tù thành phố về tập trung tại 2 C-1. Có mặt vua kẽm gai Hoàng Kim Quy. Tôi được đưa vào phòng chấp pháp đầu khu C-l. Công an chấp pháp số 8 tự giới thiệu.
- Gọi tôi là Hai Nghiêm.
Lần đầu tiên một chấp pháp xưng bí danh. Bí danh Hai Nghiêm, một bí danh hãi hùng. Hai Nghiêm đã cho nhiều anh em của tôi vào cachot nếm các kiểu còng, xích. Hai Nghiêm đang chiếu cố tôi. Hắn ta dân Quảng Bình, ăn mặc luộm thuộm, có cái xe đạp cũ rích dựng trước cửa phòng. Kinh nghiệm nhà tù Cộng sản dạy tôi bài học này.
Một công an miền Bắc vào Saigon vẫn giữ tác phong miền Bắc là một công an còn nguyên “phẩm chất cách mạng”. Và tù nhân nên lo sợ. Bài học này nữa: Tất cả công an ở những vùng bị không lực Mỹ oanh tạc, đều trút thù hận xuống tù nhân tư tưởng, tù nhân chính trị miền Nam. Hai Nghiêm hội đủ hai bài học của chính sách học tập cải tạo của Cộng sản.
- Hôm nay, anh làm việc với tôi.
Tôi đã bẽ bàng nghe hai tiếng làm việc. Thôi rồi, tôi sắp viết tự khai. Hai Nghiêm pha ấm trà Thái Nguyên. Hắn ta hút thuốc rê. Móc gói thuốc và giấy vấn, hắn hỏi tôi:
- Anh biết hút thuốc rê chứ?
- Biết
- Vậy tự do vấn mà hút.
Tôi vấn thuốc. Hai Nghiêm đã rót trà. Nâng ly của mình trước, hắn bảo tôi:
- Uống đi, anh Duyên Anh.
Sau tuần trà tù, Hai Nghiêm nhìn tôi, gật gù:
- Trường hợp của anh là trường hợp đáng nghiên cứu.
Hai Nghiêm đặt lên bàn tờ Chỉ Đạo do Bộ quốc phòng xuất bản năm 1960 số đăng truyện ngắn đầu tay của tôi: Hoa thiên lý. Hắn lật từng trang và ngưng lại dí ngón tay xuống cái slogan đóng khung “Tố Cộng là yêu nước”. Rồi lật tiếp đến trang Hoa thiên lý.
- Giàn thiên lý của mẹ anh còn nguyên ở làng Trường An. Mẹ anh đã chết, không phải chết vì héo hắt thương nhớ anh. Mà chết vì bom Mỹ năm 1969, anh biết chứ?
- Tôi biết, bố tôi cho tôi biết.
- Thằng Mai Thảo viết bài cổ võ dội bom lên miền Bắc. Nó hò hét “dội bom lên đầu chúng nó”. Anh cũng cổ võ dội bom xuống đầu mẹ anh.
- Tôi không cổ võ.
- Anh chống Cộng sản. Các anh ăn lương Mỹ chống Cộng sản. Thằng Nguyễn Mạnh Côn đã công khai viết mỗi bài viết thuê nó nhận bao nhiêu tiền. (Anh Côn đã viết, đã đăng báo trước 1975. Anh ta rất hãnh diện nói thật, tất cả những điều cần dấu điếm, những điều người khác sợ hãi. Thí dụ anh ấy hiên ngang viết anh ấy nghiện thuốc phiện. Cộng sản đã dầy công nghiên cứu văn học Sàigòn. Họ rõ chúng tôi từng chi tiết vụn vặt).
- Tôi không ăn lương chống Cộng.
- Thế anh mới nguy hiểm. Những thằng chống Cộng tự nguyện như thằng Dương Nghiễm Mậu, thằng Phan Nhật Nam, thằng Thanh Tâm Tuyền, thằng Doãn Quốc Sĩ và anh toàn là những thằng nguy hiểm. Các anh đã phá hại Đảng, đã huyễn hoặc nhân dân bằng sự tự nguyện của các anh. Nhân dân không tin bọn chống Cộng lãnh lương nhưng tin các anh. Các anh đầu độc tư tưởng nhân dân.
Tôi là thằng chống Cộng nguy hiểm? Thế mà, trước 1975 thiếu gì đứa làm nghề viết báo miệt thị tôi chống Cộng thô bỉ vì ngôn ngữ sống sượng của tôi đã lố bịch Bác của chúng nó. Tôi nhớ năm 1969, năm Hồ Chí Minh “băng hà”, trên mục Phù Thế của báo Công Luận, tôi định viết loạt bài dài, nhan đề Cây đại thụ đổ gục, bọn Lê Hiền nói nhỏ nói to: Thằng Duyên Anh mà dám viết về chủ tịch Hồ Chí Minh ư? Tôi chán quá, cúp ngang loạt bài này.
- Cái giọng hài hước đểu cáng của anh đã khiến nhân dân khinh nhờn lãnh tụ. Anh sâu sắc lắm, anh chia đối tượng mà tuyên truyền. Bình dân thì anh trào phúng. Trí thức thì anh nghiêm chỉnh. Con nít thì anh đá giò lái, phục kích những câu đối thoại ác độc.
Hai Nghiêm kết tội tôi nặng quá. Tôi đã “đi” chấp pháp bẩy lần, “bẩy chữ” của ‘Vành ngoài” đã quen, mặc kệ Hai Nghiêm nguyền rủa. Hắn ta có quyền. Vì hắn ta chiến thắng. Tôi chiến bại. Tự nhiên, tôi nhớ nhân vật Trần Cung của La Quán Trung. Bạn đọc Tam Quốc Chí chứ? Trần Cung chê Tào Tháo gian ác, bỏ lỡ cơ hội giết Tào Tháo, ra đi. Tưởng phò ai, lại phò Lã Bố là thằng chỉ ham rượu và gái, và phản thầy. Rốt cuộc, Trần Cung bị Tào Tháo sát hại. Chuyện có khác nhiều với chúng tôi. Những Lã Bố di tản qua Mỹ phè phỡn. Chúng tôi chống Cộng ở lại vào tù, nghe Cộng sản chửi rủa.
- Anh vô sản mà ngu dốt chống giai cấp của anh. Anh chống bố anh, chống các em của anh.
Chán chưa? Cộng sản cứ nằng nặc gắn lên tôi nhãn hiệu vô sản. Như tất cả những tên công an, chấp pháp đầy thủ thuật, Hai Nghiêm châm thêm nước cho tôi và chuyển đoạn:
- Anh biết Mai Thảo ở đâu không?
- Không!
- Nó nằm ở Chí Hòa. 1 Vì nó trốn nên nó không được hưởng quy chế như các anh.
Câu này rất thấm thía về mặt khôi hài đen.
- Anh Duyên Anh.
- Tôi nghe rõ.
- Anh nói thật nhé?
- Tôi nói thật.
- Ở miền Nam anh phục nhất ai?
Đang nói về Mai Thảo, Hai Nghiêm rẽ sang chuyện khác cái rụp. Tôi chới với, phải thú nhận là tôi không kịp chuẩn bị câu trả lời:
- Tôi không phục ai cả.
- Anh có thể trả lời anh phục một người.
- Không, tôi không phục ai.
- Có.
- Không.
- Đinh Xuân Cầu!
Hai Nghiêm mỉm cười:
- Thần tượng của anh.
Tôi lặng người. Hai Nghiêm nhả khói thuốc:
- Kể ra, Đinh Xuân cầu xứng đáng là mẫu người hùng của anh. Thằng này bị bắt cứ ngoan cố khai cái tên giả. Chúng tôi biết tỏng, mặc kệ xem nó đóng kịch bao lâu. Chúng tôi còng tay, xích chân nó cho đến hôm chúng tôi mời đồng chí Trưởng trại Lý Bá Sơ vào thăm nó. Lúc ấy nó mới chịu nhận nó là Đinh Xuân cầu, thần tượng chống Cộng của anh.
Tôí nín thinh.
- Thằng Đinh Xuân Cầu ngạo mạn lắm. Tôi làm việc với nó. Bị bắt mà còn xấc láo nói: “Tôi không làm thủ tướng thì ai làm thủ tướng”! Cái mặt thằng Cầu mà đòi làm thủ tướng à? Anh Duyên Anh này, thằng Trương Phiên đang nằm ở khu B.
Hắn hất hàm:
- Lá cờ Bảo Quốc nó ra sao?
Tôi đáp:
- Tôi chưa hề thấy.
Hai Nghiêm gằn giọng:
- Đó là cờ bịp. Cả lũ các anh bị bịp. Từ Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Thiện Ngọ, Hà Tường Các, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Tiến Hỷ bị bịp.
Hai Nghiêm dẫn tôi sang khu B. Đến trước cửa một phòng giam, hắn gọi:
- Trương Phiên.
Trương Phiên “có” thật lớn. Ông ta chạy ra cưa. Tôi đã nhận diện Trương Phiên. Tôi còn thấy Nguyễn Mạnh Côn nữa. Anh ta đã lại từ Sở Công An về đề lao Gia Định. Gặp tôi, Trương Phiên giật mình. Quả nhiên, Trương Phiên là tên bịp, một đạo diễn tài ba của vở kịch Chống Cộng cuối mùa. Tôi đau điếng. Những gì tôi cố dấu đã bị lật tẩy. Hai Nghiêm đưa tôi về khu C. Tôi phải làm lại tự khai từ năm mười tuổi đến ngày tôi bị bắt. Hai Nghiêm chỉ yêu cầu thế. Hai Nghiêm không hành hạ tôi như chấp pháp số 7. Tôi viết tự khai tại phòng của Hai Nghiêm đúng giờ giấc hành chính. Mất nửa tháng mới xong. Vào ngày chấm dứt tự khai, Hai Nghiêm cho vợ tôi gặp tôi ở phòng của hắn. Hắn ngồi giám sát. Thấy tôi hốc hác, hai tay ghẻ lở kềnh càng, vợ tôi đã khóc. Tôi bảo đừng khóc, vợ tôi vẫn khóc. Các con tôỉ ngồi đợi ngoài cổng. Vợ tôi xin Hai Nghiêm “cho các cháu gặp bố chúng”, Hai Nghiêm từ chổi. Hắn nói hắn mời vợ tôi đến làm việc. Đây không phải là chỗ thăm nuôi và hắn không dám qua mặt lãnh đạo của hắn. Hai Nghiêm chỉ cho tôi nhận thuốc lá và không được đem về phòng. Tôi gặp vợ tôi hơn mười phút. Mười phút ngắm nghía dung nhan tiều tụy của vợ để mường tượng sự ngơ ngác của ba đứa con mất bố, tôi muốn điên lên. Tôi không được cầm tay vợ tôi và quên hỏi nồi cháo thịt chiều 8-4 có bị khét. Sự chống Cộng tự nguyện của tôi đã phải trả giá não nề. Tại sao tôi phải chống Cộng nhỉ? Vì tôi chống Cộng, tôi đã chống đủ thứ để chính nghĩa chống Cộng sáng tỏ. Và vì thế, Cộng sản không tha quốc gia không dung. Tội nghiệp thay là người cầm bút có chính kiến!
Tôi về phòng, tâm hồn bấn loạn. Cái đòn tình cảm của Hai Nghiêm đã xoáy vào tim tôi những mũi kiếm nhọn hoắt. Buổi chiều, Hai Nghiêm đem cho tôi ba gói thuốc Vàm Cỏ. Hắn chia ra đưa dần. Ngay sáng hôm sau hắn gọi tôi ra, pha trà mời tôi uống, lấy thuốc của vợ tôi cho tôi hút.
- Anh có vẻ trách tôi? Hắn mở đầu câu chuyện.
- Tôi không có quyền trách móc ai. Có lẽ, tôi đã trách móc tôi làm phiền vợ con tôi. Nhưng tôi tin rằng vợ con tôi sẽ hiểu sự vinh nhục trong đời sống.
- Anh nên nhớ là chỉ có Trưởng phòng chấp pháp của Sở mới đủ khả năng cho phép vợ con anh thăm anh khi anh đang làm việc. Tôi mời vợ anh tới với tư cách nhân chứng để anh gặp vợ anh.
- Cám ơn anh.
- Tôi hứa với anh, làm việc xong, tôi cho anh gặp vợ con anh thoải mái.
- Cám ơn anh.
- Anh tin tôi chứ?
- Tôi sẽ tin.
- Phải, anh sẽ tin.
Hai Nghiêm đưa tôi về phòng. Câu chuyện buổi sáng ngắn ngủi. Buổi trưa, hắn gọi tôi ra, mời tôi uống trà và ăn kẹo Hà Nội.
- Cần kết thúc hồ sơ của anh.
Hắn nói và căn cứ vào những câu, những đoạn trong Tự khai ngót 30 trang vắn tắt cuộc đời tôi từ năm mười tuổi đến ngày tôi bị bắt mà hẳn đã gạch dưới đỏ chói, Hai Nghiêm thẩm vấn tôi. Hẳn bắt đầu ở đoạn tôi lưu lạc Saigon. Hai Nghiêm hỏi thật kỹ chuỗi ngày tôi hoạt động với Duy Dân trên Ban Mê Thuột. Tôi thú thật tôi chưa tuyên thệ, mới chỉ là cảm tình viên. Tuy nhiên tôi rất mê thơ của Lý Đông A, những bài tùy bút chan chứa tình yêu nước. Hai Nghiêm không ngắt lời tôi. Hắn cũng chẳng thèm ghi chép. Sau đó là đoạn đời văn chương báo chí. Và kết thúc ở những ngày tôi theo Đinh Xuân Cầu chống Cộng hoàng hôn. Hai Nghiêm không truy nã những nơi và những người dung dưỡng tôi. Đúng một tuần lễ, tôi trả lời hàng trăm câu hỏi của Hai Nghiêm. Tôi đợi hắn tống tôi vào cachot. Nhưng hắn bỏ rơi tôi. Cuối tháng 10, Hai Nghiêm gọi tôi ra.
- Bản tự khai anh làm việc với tôi là bản tự khai quyết định thời gian anh cải tạo, anh thấy cần bổ sung không?
- Không.
- Anh không ân hận chứ?
- Không,
Hai Nghiêm đọc cho tôi nghe những trang hắn thẩm vấn tôi. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Hắn đã chửi tôi như tát nước vào mặt. Hắn lừng danh cứng rắn với anh em tôi. Và hắn đã lập một cái hồ sơ thật nhẹ nhàng về tội trạng của tôi. Đảng của Hai Nghiêm chỉ thị hắn hay Thượng Đế của tôi đã nhập vào linh hồn Hai Nghiêm? Hắn đề nghị cho tôi đi lao động cải tạo một thời gian. Hai Nghiêm đưa tôi đọc lại. Rồi bảo tôi ký tên vào mỗi trang hắn viết. Cuối cùng, hắn ghi ngày, tháng, năm và ký tên hắn. Bạn biết không, với tù nhân, chấp pháp là Thượng Đế. Hai Phận nói thế. Chấp pháp đủ quyền hành đề nghị bạn nằm tù dài hạn hay ngắn hạn, tống bạn vào cachot hay lôi bạn ra, còng bạn hay không còng bạn. Chấp pháp còn có quyền nhốt cả quản giáo và cai ngục. Ở đề lao Gia Định, cai ngục không dám đánh tù nhân vì sợ chấp pháp.
- Anh không phải làm việc nữa. Hồ sơ của anh đã kết thúc. Chúng ta có thể mạn đàm thoải mái.
Hai Nghiệm pha ấm trà mới.
- Những kẻ chống Cộng quả quyết rằng người Cộng sản thiếu lương tâm. Điều này không tuyệt đối đâu. Bởi vì cả những kẻ chống Cộng sản cũng vẫn thiếu lương tâm. Tôi có chút cảm tình với anh nhờ tôi đã đọc truyện Đại dương trong lòng con ốc nhỏ của anh. Tôi vốn con nhà nghèo, bố tôi giống hệt người bố ở truyện của anh. Giá anh chi viết loại truyện đó. Anh còn cơ hội làm lại.
Mạn đàm trời trăng mây gió chán, Hai Nghiêm nói:
- Nếu đề nghị của tôi được lãnh đạo chấp thuận, anh sẽ đi lao động 3 năm tính từ hôm anh bị bắt.
Hai Nghiêm cười:
- Ba năm không dài chứ?
Tôi đáp:
- Vâng, không dài nếu thật sự chỉ là ba năm.
Hai Nghiêm nhìn tôi:
- Cái nguyện vọng anh viết cuối tự khai không thể thoả mãn.
Tôi đã viết: Nếu được tha sớm, tôi xin viết cuốn sách tố cáo những tổ chức, những lãnh tụ phản động bịp để khỏi còn ai vào tù vì tội phản động, mất tiền, mất tình 2
- Tại sao?
- Anh ngây thơ lắm. Chúng tôi cần những thằng chống Cộng bịp để bắt những thằng chống Cộng lương thiện, những thằng như Nguyễn Thiện Ngọ, Nguyễn Đan Quế, Phan Vô Kỵ và bọn sinh viên, học sinh bất mãn chế độ...

*

Nhưng hồ sơ chưa kết thúc. Trung tuần tháng 11, tôi bị gọi ra làm việc. Lại làm việc. Ở phòng Haỉ Nghiêm.
Hai nhân vật đợi tôi. Một người đeo kính trắng gọng vàng, cao ráo, mặt mũi sáng sủa. Rất trí thức. Hắn ăn mặc như dân Saigon. Hai Nghiêm giới thiệu: “Đây là đồng chí Phó Giám Đốc ở sở Công An thành phố”. Một người tóc hoa râm, khuôn mặt phong trần, trán cao, mắt sáng, ăn mặc giản dị. Hai Nghiêm giới thiệu: “Đây là đồng chí ở Viện Kiểm Sát Nhân Dân, từ Hà Nội vào”. Tôi đụng độ thứ dữ. Hai Nghiêm cung kính chào hai đồng chí lãnh đạo và rời phòng. Phó giám đốc Sở Công An nói:
- Anh sẽ làm việc với cán bộ trung ương một thời gian.
Tôi nói:
- Hồ sơ của tôi đã kết thúc.
Phó giám đốc nói:
- Vụ này ngoài hồ sơ.
Phó giám đốc bắt tay cán bộ trung ương ra về. Còn tôi với... trung ương và tôi gọi hắn là chấp pháp Hà Nội.Tôi mơ hồ thấy chuyện gì bất ổn cho tôi. Chấp pháp Hà Nộí mời tôi ngồi.
- Tôi công tác lưu động, sẽ chỉ làm phiền anh vài ngày thôi.
A, chấp pháp Hà Nội nhã nhặn quá. Chức tước càng lớn càng lịch sự.
- Đảng và Nhà Nước có khuyết điểm là giam giữ các anh. Chuyện này ngoài ý muốn, sẽ giải quyết nhanh. Mong anh thông cảm.
Tôi im lặng. Ông ta – tôi không thể thiếu nhã nhặn với người nhã nhặn – hỏi tôi:
- Anh điểm tâm chưa?
- Thưa ông chưa.
- Gọi tôi bằng anh,
- Nếu ông cho phép.
- Tại sao không? Rồi anh sẽ trở về và chúng ta sẽ gặp nhau.
- Cám ơn anh.
- Sao điểm tâm muộn thế?
- Vì phải chờ nước sôi.
Tôi kể tình trạng sinh hoạt của tù nbân. Ông ta bảo tôi về phòng đem mì ra. Quản giáo khúm núm trước mặt cán bộ trung ương. Tôi mang ca nhựa đựng mì vụn và cái muỗng nhựa, ông ta lôi từ ba-lô cái ấm nấu nước cắm điện và gói trà. Ăn mì xong, tôi được quản giáo dẫn đi rửa ca muỗng, rửa mặt, rửa tay. Tôi... de luxe quá.
- Nhà không gửi đồ nhôm à?
- Đề lao cấm kim khí.
Sau tuần trà, chấp pháp Hà Nội vào việc:
- Yêu cầu của tôi là anh viết tất cả những lần anh tiếp xúc với anh em văn nghệ Hà Nội vào. Các anh đã đến đâu, ăn uống chỗ nào, trao đổi chuyện chi. Vân vân... Anh không chịu bất cứ một trách nhiệm gì về những lời khai của anh cả.
Tôi hỏi:
- Tại sao anh chọn tôi?
Chấp pháp Hà Nội đáp:
- Vì anh em văn nghệ Hà Nội vào Saigon, khi về đều viết tự kiểm. Họ nhắc tên anh và nhiều anh em khác. Tôi được giao công tác này. Và tôi đã làm phiền các anh em văn nghệ Saigon ngoài đời, bây giờ, tới lượt làm phiền anh em bị tạm giữ. Mong anh giúp đỡ tôi.
Chấp pháp Hà Nội, cán bộ gộc của Viện Kiểm Sát Trung Ương, một cơ quan ngồi trên công an, muốn tôi viết tự khai. Ông ta đã tế nhị "làm phiền” tôi. Văn Nghệ chế độ miền Nam hay văn nghệ chế độ miền Bắc đều không khá, kể cả những anh đã “lột người” như Xuân Diệu. Nó bắt tự khai, ta đành tự khai. Nó không tin tự kiểm “phe ta”. Nó muốn đối chiếu tự khai “phe địch”. Tự khai hay tự kiểm đều bố láo cả, với nhà văn. Huỳnh Bá Thành nhận xét đúng: “Bọn nhà văn là bọn biết dấu diếm những gì cần dấu diếm trong đầu óc chúng”. Anh em chẳng dại gì khai thật. Ta ngu sao khai thật. Vậy thì tôi đã viết những lần gặp gỡ một số nhà văn trẻ Hà Nội tìm gặp tôi, những buổi ăn uống và nhứng câu chuyện văn chương. Tuyệt nhiên không đả động gì đến chính trị, bất mãn hay phản kháng. Chấp pháp Hà Nội khác hẳn tên chấp pháp sổ 7. Ông ta hỏi tôi mấy giờ ăn cơm trưa, mấy giờ ăn cơm chiều. Luôn luôn, ông ta dục tôi về phòng trước bữa ăn và luôn luôn, pha tặng tôi ấm trà đổ vào ca nhựa cho tôi mang về. Sang hôm thứ hai, ông ta hỏi:
- Anh muốn nhờ tôi việc gì không?
- Việc gì, thưa anh?
- Việc thuộc phạm vi tình cảm.
- Trại đã cấm cà-phê. Nếu có thể, anh ghé qua nhà tôi ở sổ 225 Bis đường Công Lý cũ, bảo vợ tôi mua cho nửa kỷ cà-phê.
- Dễ thôi.
Buổi sáng ngày thứ ba, ông ta đưa tôi gói cà-phê:
- Tôi đã qua nhà anh rồi ngại không dám vào. Một cán bộ vào nhà một nhà văn bị tạm giữ sẽ xẩy ra nhiều dị nghị cho cả hai. Tôi mua tặng anh hai lạng.
Tôi nói:
- Tôi xin phép gửi lại tiền anh.
Ông ta lắc đầu:
- Anh quên tôi là cán bộ và anh là người bị tạm giữ. Trên tất cả vẫn là con người.
Tôi đã làm việc với ông Mai Chí Thọ. Bây giờ, với cán bộ Viện Kiểm Sát Nhân Dân. Tôi thấy cả hai đều ngọt ngào. Và tôi cũng hiểu, càng ngọt ngào càng đáng sợ. Nhưng tôi bằng lòng sự ngọt ngào. Ít ra, tôi đỡ phải khinh bỉ họ đã cậy quyền bắt tôi và át giọng tôi. Người chấp pháp miền Nam đã dạy tôi rằng, ở tù không tin ai cả.
- Cám ơn anh.
Lúc quản giáo dẫn tôi về phòng, ông ta chỉ thị: “Tôi cho phép anh Vũ Mộng Long đem cà-phê vào”. Buổi chiều, tôi chấm dứt bản tự khai. Ông ta không đọc, không chấp pháp mà cất vào ba-lô.
- Thế là xong rồi, anh Duyên Anh ạ!
Ông ta bưng ly trà mời tôi:
- Anh tin tôi đi, mọi việc sẽ tốt đẹp.
Giọng ông ta trầm xuống.
- Đất nước ta còn thiếu nhiều nhân tài, mọi mặt. Anh là một nhân tài của đất nước. Anh cố gắng giữ gìn súc khỏe để mai này phục vụ đất nước.
Ông ta đứng dậy, bắt tay tôi:
- Giữ gìn sức khoẻ.
Tôi bắt tay ông ta. Lần đầu tiên và là lần duy nhất người của Đảng bắt tay tù nhân, chúc sức khoẻ tù nhân. Tôi nói:
- Cám ơn anh câu nói “Trên tất cả là tình người”. Cám ơn anh câu chúc "‘Cố gắng giữ gìn sức khoẻ để mai này phục vụ đất nước”. Tôi rất mong, rất thèm phục vụ đất nước, mai này...
Ông ta chào từ biệt tôi lần cuối. Từ đó, trên đường tù, tôi không còn được gặp người nào như ông ta nữa.
Chú thích:
 Mai Thảo vẫn trốn cho tới ngày vượt biên. Hai Nghiêm tung hỏa mù. Tôi bán tín bán nghi.
 Ở cuốn Trại Tập Trung, độc giả sẽ biết rõ tên tuổi những lãnh tụ bịp này và sẽ ngậm ngùi cho sự nhiệp chống Cộng.