ình như tôi đang ở một điểm cao nào đó rơi xuống một biển bông mênh mông. Quanh tôi, vô số bông trắng trông như những hoa tuyết tinh khiết đang từ từ bay lên rồi lại nhẹ nhàng rơi xuống. Bay lên và rơi xuống đều không gây ra tiếng động nào. Vô số cánh bông giống như một trời tuyết trắng nhẹ nhàng rơi xuống, lấp dần thân thể tôi. Ban đầu, tôi còn nhìn thấy mặt trời qua những kẽ hở của bông, trông thấy những con nhạn bay về phương nam, cuối cùng chỉ còn lại một màu trắng toát. Tôi khóc cho lễ tang của chính mình, hai dòng nước mắt lã chã rơi xuống hai bên má. Một người tỉnh táo để trông thấy lễ tang của chính mình là một điều hết sức hạnh phúc, đặc biệt là lúc anh nhìn thấy những người thân yêu khóc lóc vì cái chết của anh. Phương Bích Ngọc đang khóc tôi, trên mi cô ấy có những giọt nước mắt sáng như châu ngọc. Cô ấy đang khoác một bộ áo may bằng vải sa rất mỏng, nhẹ nhàng như muốn bay lên cõi tiên, thân hình dong dỏng và thanh mảnh, mông lung như khói trong vòm liễu. Trong tay cô ấy đầy bông trắng, ngắt từng chùm từng cánh, cô ấy rải xuống mắt tôi. Mã Thành Công! Hãy yên nghỉ! Tôi khóc trong bông trắng... Mưa rồi! Mưa rồi! Có ai đó đang gào to bên tôi, tôi vật vã rời khỏi cơn mơ trong bông, cảm thấy có một chất lỏng nóng hôi hổi, khai nồng từng giọt từng giọt rơi xuống mặt mình. Nhướng mắt nhìn lên, mới hay là qua những chấn song của chiếc giường phía trên, nước đang thấm xuống. Té ra người nằm ở tầng trên đang tè dầm. Bốn năm người vướng tai họa đồng loạt chửi ầm lên, người ở giường trên vẫn im lìm, hình như là đã chết. Chờ cho đến sáng mới biết người tè dầm ấy chính là Dương Quý làm ở phân xưởng đóng gói, một gã đại hán cực kỳ khỏe mạnh. Nghe người cùng thôn với gã nói rằng, Dương Quý cao lớn là vậy nhưng cưới một cô gái có chiều cao không đầy một mét làm vợ, nếu không đành phải cô đơn cả đời. Tôi đã biết qua chuyện Dương Quý nổi khùng, rất đáng sợ. Nguyên nhân là tay Lý Kết Thực trong xưởng đóng gói đem chuyện vợ Dương Quý thấp lùn ra làm chuyện cười, lúc ấy đôi mắt của Dương Quý đỏ sọc lên, hai tay bóp cổ Lý Kết Thực, nếu không có mọi người đồng loạt nhảy vào cứu, e rằng Lý Kết Thực đã chết trong tay của gã. Phùng Cà Lăm trực bảo vệ ca đêm, đến nửa đêm bụng đói không chịu nổi bèn vắt súng lên lưng lần mò đến nhà ăn với ý định kiếm chút gì đó cho vào bụng. Cửa nhà ăn khóa im ỉm không thể vào được, muốn cạy khóa nhưng không dám, đành thở dài rồi lảo đảo đi thẳng, đột nhiên nhớ lại bên ngoài nhà ăn có một chiếc lều, trong lều có một chiếc nồi thật to chuyên luộc khoai cho công nhân ngắn hạn. Có thể tìm ra một củ khoai lót dạ rồi! Phùng Cà Lăm bèn cúi người chui vào trong lều, ngửi thấy mùi thơm của khoai mới nhận ra lửa vẫn chưa tắt hắn. Đột nhiên bên trong có những tiếng động nhỏ vang lên, Phùng Cà Lăm dựng tóc gáy lần mò lấy đèn pin. Một luồng ánh sáng lóe lên bao trùm xuống đám cỏ nhỏ trước bếp. Ở đó có hai người không hề mặc quần áo. Định thần nhìn kỹ, thì ra là Triệu Hổ và Triệu Nhất Bình. Phùng Cà Lăm nói một cách thành thực: - Các người đừng sợ, tiếp tục làm việc đi. Tôi cho phép hai người đứng dậy, đứng dậy mà làm! Hai người vội vàng mặc quần áo, mặc xong Triệu Nhất Bình cúi người chạy biến vào bóng đêm. Triệu Hổ và Phùng Cà Lăm đối mặt nhau. Phùng Cà Lăm nói: - Tao đói rồi, chẳng có thời gian để đấu với mày! - Ở chỗ tôi có bánh khô, anh chờ một tí - Triệu Hổ nói và chạy đi. Chỉ một lát sau đem đến cho Phùng Cà Lăm một cân bánh khô. - Sau đó, đêm nào tôi cũng đến căn lều ấy để kiếm bánh khô ăn, nhưng bọn họ chẳng bao giờ đến đó nữa - Phùng Cà Lăm cười nói. Tiếng còi tàu kêu vang. Đoàn tàu đang băng qua một chiếc cầu sắt. Tay công nhân ngắn hạn Trương Hồng Khuê ở xưởng đóng gói phụ trách công việc nén bông. Công việc của anh ta là bỏ bông vào chiếc thùng gỗ bên ngoài bọc thép cao hai mét rưỡi rộng tám mươi phân, dài bảy thước rưỡi rồi đứng lên giẫm cho nén chặt xuống rồi đẩy đến chiếc máy đóng kiện có tấm thép nâng lên hạ xuống để ép. Trước khi thay ca, Trương Hồng Khuê đang nén được nửa thùng bông, cơn mệt mỏi ập đến, chỉ vừa ngồi xuống là chìm luôn vào giấc ngủ mê mệt. Người làm ca sau nghĩ rằng thùng bông đã được nén đầy bèn đẩy thẳng đến chỗ máy đóng gói, khởi động máy, lạch cạch nhấc lên cao và ép xuống, ép xuống... Từ những kẽ hở của chiếc thùng, máu tươi rịn ra, mọi người mới nhận ra có chuyện chẳng lành. Mở thùng ra xem, Trương Hồng Khuê đã trở thành một chiếc bánh thịt! Thi hài của Phương Bích Ngọc được dùng vải trắng quấn nhiều lớp và an táng bên cạnh mộ Hứa Liên Hoa. Sau khi cô ấy chết, bí thư chi bộ đến tìm tôi tra hồi tình hình, tôi thành thực khai báo tất cả. Có người cho rằng Phương Bích Ngọc muốn tự sát, bởi cô ấy có nhiều lý do để làm chuyện ấy: việc xấu bị bóc trần, bị bố chồng đánh, Lý Chí Cao phản bội... Mọi người đều chửi Lý Chí Cao là đồ chẳng ra gì, ngay cả con cái của những cán bộ như Mạch Điện, Nhúm Lông vốn rất ghét Phương Bích Ngọc cũng hết lời chửi bới anh ta. Xưởng phái tôi về thôn để báo tin về cái chết của Phương Bích Ngọc. Bí thư Quốc nói Phương Bích Ngọc sống chết chẳng liên quan gì tới lão ta. Bố của Phương Bích Ngọc nghe tin con gái chết, treo cổ lên xà nhà tự vẫn. Hậu sự của Phương Bích Ngọc xưởng phải đứng ra lo liệu. Tiếng khóc vang trời trong ký tức xá nữ. Tôn Hòa Đấu, Búa Sắt Tử trở nên lặng lẽ. Mọi người đều bảo hai gã đã bức tử Phương Bích Ngọc. Sau khi gặp ma, thần kinh Tôn Hòa Đấu trở nên thất thường nên đã được đưa vào bệnh viện tâm thần. Búa Sắt Tử gặp một cơn bạo bệnh suýt vong mạng. Sau khi ra viện, họ không quay trở lại xưởng gia công bông làm việc nữa. Lý Chí Cao đến bên bia mộ Phương Bích Ngọc khóc ngất, đầu tóc rối bời, hốc mắt sâu hoắm, xem bộ dạng đau đớn thực sự. Có người bảo anh ta đang đóng kịch, thực giả khó phân. Tôi không ngờ cái chết của Phương Bích Ngọc lại được nhiều người đồng tình thương xót đến như thế. Cô ấy vừa chết, nữ công nhân liền tổ chức bãi công, lãnh đạo xưởng đành phải trả lương và cho nghỉ trước thời hạn. Sau khi nhận được lương, không hẹn mà tất cả nữ công nhân kéo nhau đến cửa hàng mua mỗi người một bông hoa vải đem đến rải kín trên phần mộ của Phương Bích Ngọc và Hứa Liên Hoa. Ngày hai bốn tháng chạp, hơn hai trăm nữ công nhân mang toàn bộ vật dụng lặng lẽ rời khỏi cổng lớn của xưởng gia công. Tâm trạng khi ra đi của họ hoàn toàn đối lập với tâm trạng hồ hởi khi mới nhập xưởng. Sau khi họ ra đi, xưởng trầm lặng hẳn đi, đâu đâu cũng thấy mùi tử khí. Những đống bông chưa kịp gia công vẫn đứng sừng sững yên lặng như những phần mộ khổng lồ. Sau tết, hầu hết nữ công nhân đều từ chối quay lại làm việc. Chuyện Phương Bích Ngọc hiện hồn dọa những người gây oán với cô truyền đi rất xa. Những đống bông chưa kịp gia công đành phải bốc lên xe chở đi đâu đó. Bất kỳ chỗ nào trong xướng gia công bông cũng đều có ma lởn vởn. Hầu hết công nhân chính thức đều có nguyện vọng được điều động đi nơi khác. Xưởng trưởng ra lệnh cho thợ điện giăng bóng đèn khắp nơi, lưới điện quốc gia bị mất là ngay lập tức máy phát điện của xưởng nổ giòn. Xem ra xưởng trưởng cũng có dấu hiệu sợ hãi. Trên con tàu đang lao đi vun vút, Phùng Cà Lăm nói với tôi: - Mã Thành Công à, Phương Bích Ngọc đúng là một kỳ nữ hữu dũng hữu mưu. Cô ấy đã làm cho tất cả mọi người trở nên hồ đồ. Trong cái đêm hai mươi hai tháng chạp ấy, một mình cô ấy đã bí mật đào mồ Hứa Liên Hoa ôm xác về giấu trong đống bông. Đêm hai mươi ba tháng chạp, cô ấy thay cậu đến đứng máy làm sạch bông. Lúc ấy, cô ấy đã mang thi thể Hứa Liên Hoa đến đặt cạnh máy. Khi làm việc, cô ấy không hé răng lấy nửa lời, có lẽ không ai chú ý đến chuyện cô ta thay cậu làm ca ấy. Đến khi ăn khuya vào mười hai giờ đêm, cô ấy tắt ngọn đèn bên cạnh máy, thừa lúc không có người, cô ấy dùng chiếc xe chuyển bông đặt thi thể Hứa Liên Hoa lên và dùng bông phủ kín đẩy đến cạnh máy làm sạch bông và giấu ở đó. Cậu biết rồi đó, những công nhân vận chuyển bông trước khi nghỉ tay để ăn khuya thường chuyển bông về chất đầy bên cạnh máy làm sạch bông nhằm có chút thời gian để thong thả húp cháo, khi máy trong phân xưởng hoạt động trở lại, họ vẫn còn khoảng một tiếng để nghỉ ngơi trước khi chuyển bông. Trong khoảng thời gian ấy, chìm ngập trong đống bông chỉ có mỗi mình Phương Bích Ngọc. Cô ấy đã chuẩn bị hoàn tất đâu vào đấy và ngồi bên cạnh máy chờ đợi. Khi máy làm sạch bông cùng với máy nổ ầm ầm chuyển động, cô ấy đứng dậy, trước tiên là bỏ một ít bông vào máy, sau đó lôi cái thi thể đã cứng của Hứa Liên Hoa ra, lột sạch quần áo, cuộn thành một gói cho vào bao đặt bên cạnh. Dựa vào đôi cánh tay mạnh mẽ vì đã rèn luyện võ nghệ, cô ấy ném thi thể của Hứa Liên Hoa vào miệng chiếc máy. Chiếc máy nghiến lên ken két quái dị và nhả thi thể Hứa Liên Hoa ra, lúc này cô ấy mới đem lọn tóc cắt lúc chiều tối cùng với những thứ mà mọi người đã quen thuộc như quần áo ngoài, quần áo lót, giày, quần áo lao động, khẩu trang... ném vào máy. Sau đó, cô ấy đem mực đỏ đã chuẩn bị sẵn đổ vào máy, vào thi thể của Hứa Liên Hoa. Tất cả đã hoàn bị, cô ấy cầm quần áo, giày đã lột từ thi thể Hứa Liên Hoa rời khỏi hiện trường, ẩn thân ở nơi cô ấy và Lý Chí Cao đã từng gặp nhau ở đống bông số 30. Ở đó đã có sẵn thức ăn, có nước. Cô ấy ở đó đến đêm ba mươi, chờ cho đến khi tiếng pháo tống cựu nghinh tân ở các thôn làng chung quanh rộ lên, cô ấy mới rời khỏi chỗ nấp, sau khi giả làm ma dọa Tôn Hòa Đấu và Búa Sắt Tử ngất xỉu còn chạy vào những phân xưởng trống rỗng khóc lên mấy tiếng, cuối cùng thì chạy ra khỏi phân xưởng, dùng tuyệt kỹ võ thuật vượt qua tường, cao chạy xa bay. - Đây là những điều anh tận mắt chứng kiến chứ? Tôi hỏi. - Lúc ấy tôi đang ăn tết ở nhà, làm sao chứng kiến tận mắt được chứ? Tôi chỉ đoán thôi. - Phùng Cà Lăm trả lời. - Hóa ra cũng chỉ là đoán mò, - Tôi nói. Màu lam âm u, màu lục lạnh lẽo lập tức lóe sáng trong trí óc tôi. Cái thi thể thon dài với những lỗ thủng to bằng nắm đấm lấp lánh ánh lân tinh như xác một con cá mập trên bờ biển được bao bọc bởi bông như những đợt sóng, như những con rắn đang kêu lên rin rít hiện ra, bao vây lấy tôi... Trong sống mũi bỗng trào lên một mùi xác chết, tôi vội vàng đưa tay chộp lấy cuống họng mình. - Cậu không phát hiện điều gì kỳ lạ trên thi thể ấy chứ? Tôi lắc đầu. - Khi học nghề đầu bếp ở Singapore, tôi đã gặp một quý phu nhân giống Phương Bích Ngọc như hai giọt nước - Phùng Cà Lăm nói. Tôi giật mình kinh sợ: - Trên thế giới này, đàn bà giống nhau nhiều lắm. - Tôi dám đánh cược với cậu, hai phần mộ trong xưởng gia công bông, chỉ có một cái là có xác. Nếu không tin, cậu cứ đào lên mà xem... Tiếng còi tàu vang lên quái dị. Đoàn tàu đang lao vào một đường hầm tối om, dài đến độ hình như vĩnh viễn không bao giờ ra khỏi. Trong một màu lam âm u lấp lóa. cái cảm giác kỳ quái lành lạnh, nhầy nhầy, kéo không đứt, xé không nát do bông trắng mang đến lại một lần nữa quấn chặt lấy tôi. Bắc Kinh Tháng 4. 2004