Mẹ Tôi P 5 - P 6 - P 7

5
Mẹ tôi tuổi Thân. Chẳng hiểu sao, người cứ nhận là tuổi Gà. Mãi đến ngày mẹ mất, mọi người mới hay điều đó. Trong nhà tôi, tôi và thằng cháu Nam con chị Cả, tuổi gà. Mẹ bảo: nhà ta có những ba con gà. Có cả một đàn gà đi kiếm ăn với nhau, sống bên nhau. đêm đêm, tôi thường nằm giữa, cháu Nam và tôi hai bên. Mẹ kể chuyện gà trống và quạ khoang. Chú gà trống mào đỏ thẫm, còn quạ thì có khoang trắng ở cổ...
Chẳng phải là cổ tích, nên chuyện không bắt đầu từ “ngày xửa, ngày xưa...”. Cũng chẳng phải là chuyện kể bây giờ, như chuyện bên hàng xóm. Mẹ tôi là vậy. Người có tài kể những câu chuyện không rõ niên đại. Chuyện của Người thường hợp với con trai và cháu trai. Hình như Người âu yếm, thành một trường học, biến tôi và cháu Nam thành hai chú gà nhỏ “Cục... cục” quanh Người. Khi giọng kể cất lên, thì rõ ràng như vậy... Trước đây khi con người chưa biết đến ganh tị và xảo quyệt, gà trống và quạ ở cùng với nhau. Gà trống có mào đỏ đẹp như mặt trời. Nó cất tiếng gáy tuyệt vời vào mỗi buổi bình minh. Đi đứng thì oai vệ và đáng yêu hết chỗ nói. Thường người ta oai vệ thì không còn đáng yêu, chứ gà trống thì ngược lại. Tâm hồn chú trong sáng vô cùng. Quạ khoác áo mầu đen, cái mầu của bóng đêm. Nó thường kêu vào ban đêm, trên những mỏm đồi hoang đến rợn người. Nó là biểu tượng của sự sợ hãi, xa lánh. Khi bay, sải cánh của nó nạt vào không khí như vuông vải bị xé nát, lạnh và âm u. Nó chui rúc, lẩn khuất. Sự ganh tị của con người bắt đầu từ đấy...
Mẹ tôi kể như vậy, không ra xưa, không ra nay. Cứ từ tốn mạch lạc, đầy tính cách. Tôi và thằng Nam như hai chú gà trống nhỏ cựa cựa quanh Người. Thỉnh thoảng Người dừng lại, nhìn chúng tôi. ấm áp tràn đầy. Rõ ràng mẹ là người có lối kể chuyện hay nhất về con gà.
... Quạ bèn rắp tâm từ đó. Nhưng lòng nó đầy mâu thuẫn. Nó tự buồn cho mình nhưng lại hợm mình. Nó bèn đến bên gà và nói: “Này gà ơi, xứ sở này chỉ có chúng mình đáng mặt đàn ông. Ta chơi với nhau nhé. Chúng mình sẽ như hình với bóng. Mình đen, người ta có nhầm là cái bóng của cậu cũng chẳng sao”. Gà tốt bụng và cao thượng, nhận lời. Nhưng đi đến đâu, hễ thấy quạ là người ta xua đuổi. Quạ mưu tính việc khác. “Này gà ơi, hay là cho tớ mượn tạm tiếng gáy của cậu. Tớ cũng đánh thức bình minh được mà”. Nhưng mượn sao được. Một bên là tiếng “O... O” Cao vút. Một bên là tiếng “Oa... quạm” trầm đục. Quạ tức lắm. Nó xoay sang hợm hĩnh, theo lối nghĩ của quạ. Nó nghĩ: “Gà tốt, nhưng có ai sợ gà. Ta hơn gà. Ta lại giống mọi người hơn...” Đợi đêm giao thừa nọ, trời tối như mực, quạ bèn tìm đến ăn trộm cái mào bình minh đỏ rực của gà. Nó mừng thầm, nghĩ rằng sáng mai mình sẽ đẹp lắm. Cuối cùng nó cũng lấy trộm được một ít màu đỏ với chiếc mào của gà. Nó xâu thành chuỗi, như thể một vọng nguyệt quế, chực sáng mùng một là đeo vào cổ để lòe thiên hạ. Nhưng than ôi, sau một đêm, cái vòng đỏ bất lương ấy cứ tái đi, trắng bệch ra. Và đến sáng, cái buổi sáng đầu năm, quạ hí hửng bay ra, chẳng ngờ lại mang theo cái vòng trắng ở cổ. Vòng trắng ấy như một con số 0 khổng lồ. Từ đó có tên gọi quạ khoang. Nó không đổi được lốt mình.
Mẹ buông một câu: Cuối cùng quạ thì vẫn là quạ. Nó làm sao biến thành gà trống được. Phải không hai con gà trống này?
Chuyện của mẹ chỉ có vậy. Nó chẳng thuộc loại chuyện nào. Có thể có một chút từ những sự tích xưa về cái mào gà trống, về quạ khoang, rồi Người thêm vào, theo lòng yêu và ghét của mình. Không cần rõ niên đại, cốt là bộc lộ được cái hồn của người kể. Bởi vậy, chúng tôi không thể tìm nó ở trong sách nào. Cái chính là do tình yêu, lòng hoài vọng của Người đối với cháu con, đối với chú gà trống. Đó chính là câu chuyện của lòng hoài vọng. Mẹ tôi yêu chú gà trống một cách lạ lùng, không giống với bất cứ một ai trên cõi đời này. Bây giờ mẹ đã đi xa. Mẹ nằm phía một vùng quê ngoại thành. Sương mai ướt đầm bãi cỏ. Từ pnhía đó, tịnh không nghe tiếng kêu “Quạ... Quạ” rợn người như ở các nghĩa trang, mà tôi luôn nghe vang lên tiếng của một chú gà trống gáy đến nao lòng: ò... ó... o...!
6
Chú vẹt khoang màu nước biển ấy nhập vào gia đình chúng tôi từ bao giờ, chỉ có mẹ tôi và tôi biết rõ hơn cả. đó là chú vẹt thứ ba của riêng gia đình vẹt. Trước nó, có bố mẹ và các anh nó. Năm ấy, người lái xe cơ quan tên là Kế, biết mình bị ung thư khó qua khỏi, đã thì thào với tôi trên giường bệnh: “Cậu vào đưa đàn vẹt về nuôi giùm mình nhé”. Nói rồi, anh Kế mất.
Tôi đưa đàn vẹt về nuôi theo một lời trối trăng. Mẹ tôi quí chúng lắm. Một phần, có lẽ vì từ bé, ông ngoại tôi và các cậu tôi đều mê nuôi chim. Nhưng đáng nói hơn, vì đó là vẹt của anh Kế, người lái xe trung thực và đôn hậu.
Được mẹ tôi hết lòng chăm sóc, chẳng bao lâu đàn vẹt sinh sôi nảy nở. Vỏ kê vàng rắc dày trên nền nhà đá hoa. Hôm nào đi chợ mẹ tôi cũng cho vẹt ăn tươi bằng mấy cuống rau muống hoặc lá su hào. Ngoài kê, vẹt thích nhất hai thứ rau ấy.
Chú vẹt khoang, cùng các anh chị của mình chào đời vào một buổi tối thật cảm động. Mẹ tôi ốm, người không chăm coi vẹt được hai ngày. Nhà vẹt kể ra có ba tầng. Tầng trên để ngủ và đẻ trứng. Tầng thứ hai, rộng hơn, có bắc thanh ngang để vẹt đứng chơi, ăn uống và ca hát. Tầng trệt, để hứng vỏ kê, phân vẹt và những chiếc lông rụng xanh, đỏ, vàng... đủ màu. Tôi thì chú ý nhất khu vực tầng hai, còn mẹ tôi thì chú ý nhất tầng dưới cùng và tầng trên, là tầng vẹt đẻ và ấp trứng. Đó cũng là một đặc điểm nhỏ của người mẹ.
Đêm ấy, ba quả trứng nở ra ba chú vẹt con. Bởi nuôi lần đầu không có kinh nghiệm, chúng tôi đã để ba chú vẹt còn dính, rơi tõm xuống tầng trệt của nhà vẹt. Mũ chuột đêm đánh hơi, chén hai chú vẹt anh. Máu đỏ vón đặc túm vỏ kê, trông thật thương tâm. Chú vẹt út may quá, lũ chuột thấy động tha vội, chỉ mới cắn đứt chân trái. Cũng có máu. Chú vẹt tội nghiệp đau và khiếp sợ quá khi mới mở mắt chào đời, đến chết ngất đi.
Người mẹ bao giờ cũng nhiều linh tính về đêm. Đang mệt, mẹ tôi cũng dậy. Mẹ không đánh thức tôi. Mẹ lặng lẽ đưa chú vẹt con bị thương lên tầng trên nhà vẹt, đậy nắp cửa lại. Sáng ra, tôi vừa mừng vừa thương. Không nói được một lời nào. Vết máu vẹt khô đặc lại.
Đến một ngày, vẹt bố và vẹt mẹ cũng bay đi. Chỉ có chú vẹt bị thương ở lại. Chú lớn rất nhanh. Đôi mắt màu vàng hạt cườm. Mỏ ra dáng cong rất oai. Lông khoang xanh màu nước biển rất đẹp. Chú hót những tiếng xa xôi, có gì như cô độc và chào gọi. Đáng buồn nhất là cái chân. Chú đậu trên rào bằng một chân. Khéo đến nỗi ít ai nhận ra điều đó.
Chú hay hót về sáng, nhất là về đêm. Khi mẹ tôi bật đèn hoặc mở đài, là chú hót. Tiếng hót vang và xa, đượm buồn nhưng đầy sinh lực.
Mẹ tôi ốm dài ngày. Vỏ kê và lông vẹt rơi cả xuống nền nhà. Lắm lúc mẹ tôi nói gở: “Nếu mẹ mất, con nhớ thả chó chú vẹt về trời nhé!” Chẳng hiểu sao, những lúc như thế, chú vẹt khoang nhảy lên xao xác, hót to lên như muốn nói: “Mẹ và anh đừng bỏ con”. Tôi nghe, biết chắc là có tiếng người đang nói.
Mẹ tôi ốm rồi mất. Người không kịp nói gì với chú vẹt mấy lần mồ côi. Lần đầu tiên và có lẽ là lần duy nhất trong cuộc đời, tôi không làm theo lời mẹ dặn lại. Chú vẹt khoang không về trời, chú ở lại với gia đình tôi. Như một nghĩa vụ thiêng liêng.
Cuộc đời vốn lắm lời đàm tiếu, ngay cả đối với chú vẹt mồ côi. “Sao để nó một mình, ác vậy?”... Có người lại nói: “Nuôi vẹt bây giờ, chán chết. Hết phong trào nuôi vẹt rồi. Nó chỉ rộ lên mấy năm trước”.
Tôi nhìn chú vẹt khoang, rơm rớm nước mắt. Không, tôi không ác. Đó là kỷ vật của anh Kế, của mẹ tôi để lại. Vả lại, tôi có hiểu gì phong trào nuột vẹt Hồng Kông mấy năm trước. Cái gì thuộc về phong trào, đều khó bền vững. Mà sao lại gọi được là “phong trào nuôi vẹt”. Tôi chỉ biết, nó là một con chim, một con chim đáng thương và tội nghiệp một linh hồn. Thế thôi.
7
Nơi tôi ngồi viết là dãy nhà tầng trệt, đã bắt đầu có vẻ hoang phế. Lô cỏ phía trước giữa hai dãy có nét ngây thơ và hoang dại đến lạ. Đêm thường có đom đóm bay. Nhiều khi tôi lẩn thẩn ra nhìn xuống đấy, gọi mẹ: “Mẹ ơi, con đang ở đây này”. Sợ người ta cười, lại cho là con người mình và đất này dễ bị chứng tâm thần. Nhất là với người. “Bể nước phía trong bắt đầu có rêu, nước chảy tong tóc, buồn buồn. Có khi dềnh ra cả ngoài, như đất bị nứt. Dạo này, nơi đây như ngôi miếu cổ. Trăm thứ chai lọ đầy bụi. Như một bảo tàng y học cổ đại. ống thủy tinh xếp đầy rổ tre. Dễ đứt tay đứt chân. Những chiếc áo bờ lu treo rạc trên tường, bên cạnh đủ thứ bà dằn, nó chuyển qua các màu không thể tả được. Cũng không cảm thấy bẩn, chỉ thấy lạ như nguyên sơ, nguyên thủy. Đây là phòng xét nghiệm cỡ hiện đại nhất nước. Hình như người ta bỏ dần. Cán bộ đi làm nơi khác. Những con người dù lắm điều, nhưng vất vả, chịu thương chịu khó. Đáng trọng. Chếch cửa sổ dãy nhà khác thì có vẻ tinh tươm hơn. Có một ô cửa mở đóng thất thường. Một người thấp nhưng đẹp ở trong đó, thường là thức tận khuya. Đó là một vị tiến sĩ, vừa được công nhận về một đề tài vi rút có tầm cỡ quốc tế. Cứ vậy. Cuộc sống cài bỏ, cái giữ, cái tiến, cái lùi, chẳng biết đâu mà lường được. Tiếng kháo nhau của đàn bà tôi nghe từ dạo năm ngoài, bây giờ im ắng rồi: “Người ta bỏ phòng này. Chấn chỉnh biên chế!” Những chai lọ, rổ rá vô hồn thì ở lại.
Được cái, khu này thoáng mát, gió gào trên những ngọn cây. Đêm đêm hình như bao giờ cũng có nửa vành trăng lưỡi liềm, như cánh diều lũ trẻ ở đây, toàn rơi xuống. Ngày có cái lạ của ngày, đêm có cái lạ của đêm. Có chị đã lớn tuổi trong ngành y mà trưa nào ngủ lại phòng làm việc của mình cũng thấy ma đủ loaị. Tôi khuyên nên thắp hương vì người ta nói điều gì đó, tôi nghe không rõ. Có thể đúng, vì đây trước là nghĩa địa hoang, trước cả thời Tầu tràn sang. Phần âm, sợ là phải. Đừng cho là người ta bị tâm thần. Có đêm nóng quá, tôi mắc cái màn lớn ra ngay lối cửa. Nửa đêm bỗng đau nhói ở chân và như có ai nặng lắm giẫm lên. Bật ngay dậy, thì chẳng hiểu sao cả. Có con gì thật lớn, còn lớn hơn cả chú mèo lớn quẫy tung góc màn như mắc lưới. Quẫy mãi mới ra được. Không dám nhìn. Có thể là con chuột cống khổng lồ, to như chú lợn choai. Chuột ở bệnh viện thì khỏi phải nói, có viết đến cả trăm trang sách cũng không thể nói hết. Vì ở dưới viện lớn lâu năm là cả tầng hầm. Xác người phải đậy lồng bàn bằng sắt dày, nếu không sáng ra sẽ bị chuột xơi một phần cơ thể. Đây sang đấy gần thôi. Cách một con sông lấp nho nhỏ, nước chảy lờ đờ. Rất có thể đêm đêm lũ chuột qua lại như đàn trâu lội qua sông...
Tôi đến sống với em, có cả nghĩa âm và nghĩa dương. Từ đây sang bệnh viện nội cỡ lớn nhất nước. Chỉ mấy bước chân. Con sông lấy đầy bùn, chảy cật lực, mùa hạ cũng không khô được. Cách mấy búi tre, trước đây là nhịp cầu tre. Đêm, tưởng như ánh sáng và tiếng rên từ phòng bệnh lan cả sang đây. Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng ở đó. Những ngày cuối, thật lạ, người ta cho mẹ tôi thở ô xy, mở nội khí quản. Buổi trước khi mất, mẹ tôi thều thào: “Cho mẹ ngồi dậy”. Tôi chiều mẹ, biết là lần cuối cùng. Tôi quay thanh sắt đầu giường bệnh, để phía đầu giường cao dần lên. Đầu mẹ được nâng lên, rồi mẹ gục ngay xuống, như chiếc lá héo. Mẹ thều thào: “Con đi làm đi để có lương mà ăn”. Nhưng tay mẹ, cánh tay đã hóa xương, níu thặt lấy túi áo của tôi và cứ thế mà giằng cho đến đứt. Cho đến lúc người tắt thở. ôi, lý trí của mẹ, sự tỉnh táo của mẹ và cái níu cuối cùng của mẹ. Mẹ đi vào ban đêm. Người ta bảo: ở các nước văn minh, nếu đặt ca-mê-ra quay liên tục thì thấy bốn mươi chín ngày quanh thi thể người chết như sáng lên những vòng kinh lạc kỳ lạ bao quanh. Sau bốn mươi chín ngày thì chuyển sang hình dáng khác. Vẫn là một đốm sáng, quay vòng quanh, như vì sao. Khoa học cõi tận cùng là vậy. Tôi hỏi em: “Em có hiểu vì sao anh đến ở đây với em, cạnh bệnh viện này không?”. “Vì tình yêu” - “Có phần đúng” - “Vì nhân duyên cuộc sống?” - “Có phần đúng”. Nhưng còn gì nữa không? Chắc em chưa hiểu. Thêm một chuyện ở bệnh viện. Hằng ngay anh đạp xe đi qua nơi mẹ anh đã mất. Anh đã đi vòng như vậy lâu nay, mà chắc em và nhiều người chưa hay biết. Anh muốn mình là ngôi sao quay bên mẹ.