Cách tiếp cận duy nhất mới đối với công việc bình định sau cuộc đảo chính Diệm đã bắt rễ từ Châu, qua Stu Methven và CIA và dẫn đến việc huấn luyện cán bộ và các đội chống khủng bố. Sau khi Diệm bị lật đồ thì người bạn thương gia của ông ta, ông chủ của đạo quân riêng gọi là Lính Tôm, đã bị bỏ tù, và Stu Methven đã hỏi Nguyễn Văn Thiệu, tư lệnh vùng Vũng Tàu, xem CIA có thể sử dụng những phương tiện huấn luyện của Lính Tôm được không. Thiệu đồng ý, Stu Methven mới liên hệ với Ralph Johnson, một sĩ quan CIA mà Methven đã làm việc chung ở bên Lào và trong chương trình huấn luyện trinh sát miền núi ở Nam Việt Nam, và cho ông ta biết ý định của Châu. Johnson là một người có tài tổ chức và huấn luyện. Ông đã phát hiện ra một trung uý Việt Nam rất có năng lực tên là Lê Xuân Mai, và đã tuyển lựa ông này vào trinh sát miền núi. Mặc dầu danh nghĩa là một sĩ quan của quân đội Sài Gòn nhưng thực chất Mai là một nhân viên CIA then chốt trong cuộc chiến này. Từ khi chương trình trinh sát miền núi được giao trả quân đội thì Mai được sắp xếp về huấn luyện cán bộ cấp thấp ở Vũng Tàu. Châu được bổ nhiệm làm thị trưởng Đà Nẵng và không dính líu gì đến công việc bình định lúc này. Methven và Johnson và một số sĩ quan CIA khác thỉnh thoảng kiểm tra công việc của Mai ở Vũng Tàu nhưng không thường xuyên ở đó. Tình hình lúc đó xem ra còn lâu mới thực hiện được ý định của Châu, nhất là khi Peer de Silva được cử thay thế cho John Richardson làm chi cục trưởng CIA tại Sài Gòn. De Silva là một người không ưa các hoạt động tình báo chính trị cũng như những cuộc hành quân bán quân sự, do đó khó mà ông ta quan tâm tới những chương trình của Châu. De Silva tự coi mình là một sĩ quan tình báo cổ điển và mới vào nghề ông đã làm sĩ quan an ninh trong dự án bom nguyên tử trong Thế Chiến II. Mọi người có thể nghe được tiếng bàn tính đang gảy từ trong đầu của William Colby, người đứng đầu phân ban Viễn Đông của CIA khi ông ta chọn De Silva. Những chuyên gia về hoạt động bán quân sự, những con người của OSS cũ đã mất uy tín qua vụ Vịnh Con Lợn ở Cuba, và ngôi sao của họ đã lu mờ. Peer de Silva, một sĩ quan tình báo cổ điển, không thích những hoạt động bán quân sự, đã được bổ nhiệm về Bộ quốc phòng trong cuộc cải tổ. Hoạt động của các cố vấn quân sự ở Việt Nam phát triến, và ảnh hưởng của giới quân sự đã tăng lên thì lúc này hơn lúc nào hết, cơ quan tình báo nên đi gần với các vị mặc quân phục, và trong hoàn cảnh đó, việc Peer de Silva tốt nghiệp Học Viện West Point càng là một điểm thuận lợi. Mặc dầu kinh nghiệm bước đầu của ông là ở châu Âu, De Silva cũng am hiểu châu Á và ông đã từng làm chi cục trưởng của CIA ở HongKong. William Colby, với sự trợ lực của giám đốc CIA John McCone, quyết định chờ tới giữa nărn 1964 mới điều De Silva từ HongKong sang Sài Gòn. Dave Smith đã làm quyền chi cục trưởng khi Lodge tống Richardson về nước, và smith, con người có năng lực và không theo phe nào có vẻ làm việc ăn ý với Đại sứ. Colby nghĩ rằng không vội vàng gì mà chuyển người mới qua ngay, Lyndon Johnson biết được việc trì hoãn này và tức giận bắt McCone phải đưa De Silva qua Sài Gòn ngay lập tức. Nếu De Silva là người tốt nhất để làm việc đó thì còn chần chờ gì nữa? McCone đưa De Silva tới gặp Tổng thống Johnson trước khi ông này đi Sàỉ Gòn, và Johnson nhắc nhở ông này là phải hợp tác với Henry Cabot Lodge - con người không dễ gì hợp tác, Johnson nói vậy. McCone nhấn mạnh lại yêu cầu phải hợp tác với Lodge “Ông ta có thể thô bạo và thiếu tế nhị”. Để tạo điều kiện dễ dàng cho De Silva, McCone và Colby đã cùng đi với ông sang Sài Gòn, họ giới thiệu De Silva với Lodge trong một bữa ăn trưa thoải mái mà De Silva cũng được mời tham dự. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên, Lodge tỏ ra rất gay gắt khi ông nói rằng ông không muốn mà ông cũng không cần có người chi cục trưởng mới nào hết. Ông nói rằng ông bằng lòng với Dave Smith, là một người mà ông hiểu và ông ưa, để cho Dave Smith cứ làm quyền chi cục trưởng cũng được. Ông chỉ về phía De Silva nói rằng ông này chỉ là một đại lượng không được biết đến mà chỉ tổ làm phiền thôi. De Silva nói “Dave và tôi rất là mất tinh thần khi được người ta nói đến như những người chơi chó tại một cuộc triển lãm chó vậy”. Cả McCone và Colby đều không thích Lodge và cuối cùng, cười mỉm, McCone nói với ngài đại sứ rằng trừ phi ngài có một lý do gì rõ rệt để từ chối De Silva, bằng không thì ông, với tư cách là giám đốc của CIA, cảm thấy rằng ông cần phải đặt De Silva vào chỗ chi cục trưởng CIA tại đây. Ngày hôm sau, Lodge cho gọi De Silva vào văn phòng của ông. Ông chỉ một cái ghế cho De Silva ngồi, xong ông đi qua đi lại trước cửa sổ và nói “Tôi chắc là ông còn nhớ bữa ăn trưa ngày hôm qua tại nhà tôi và tôi muốn ông hiểu rằng tôi chẳng có gì chống lại cá nhân ông cả. Tôi chỉ đơn giản là không muốn có người trưởng chi cục mới mà thôi, nhưng vấn đề đó bây giờ không còn bàn cãi nữa. Tuy nhiên có hai việc mà tôi muốn ông làm ngay, mặc dầu tôi biết là ông đang nóng lòng trở lại HongKong để đưa gia đình qua đây. Thứ nhất, trên cửa phòng làm việc của ông có tấm bảng đồng, đề chữ “Trợ lý đặc biệt của Đại sứ”. Tôi không muốn thấy tấm bảng đó khi ông từ HongKong trở lại đây. Thứ hai, ông được thừa hưởng của người tiền nhiệm một chiếc xe hơi mui kín, màu đen và dài. Chiếc xe đó mới hơn và dài hơn chiếc xe chính thức của tôi. Ông phải tống nó đi”. Làm chi cục trưởng CIA, nằm trong sứ quán, thì điều kiện quan trọng để thành công là phải được sự tin cậy của Đại sứ. Lodge đã nói rõ là ông không coi trọng De Silva, và Mike Dunn, người đứng đầu văn phòng của Lodge tìm mọi cách để không cho De Silva tới gần Đại sứ. Phải chăng là tình cờ mà De Silva, người tự phụ là nhà tình báo theo trường phái cổ điển lại cải hoá thành một nhà hoạt động bán quân sự bên ngoài sứ quán? Stu Methven và Lou Conein nghĩ rằng đây cũng là một trường hợp đáng chú ý, một anh chàng chân ướt chân ráo nhảy vô chơi trò cao bồi, nhưng họ vẫn nhìn sự thay đổi này của De Silva với cặp mắt nghi ngờ. Methven nói “De Silva tới Sài Gòn như một sĩ quan tình báo tầm cỡ rồi nói “Dẹp hết cái trò rác rưởi đi” và thế là các chiến sĩ tình báo lại lên yên và mọi kiểu hoạt động chính trị của chúng tôi đều đi đời. Rồi De Silva đi Quảng Ngãi để nghe báo cáo cùng với một đội hoạt động chính trị của chúng tôi, thế là ông ta lại tỉnh ngộ. Ông ta về kể lại với tôi. Tôi nói “Phải, chúng tôi đã làm việc này ở vùng đồng bằng đã mấy tháng nay, ông biết đấy” Methven lại nói về chương trình hoạt động của Châu cho De Silva nghe. Các đội hoạt động chính trị ở Quảng Ngãi được thành lập bởi một người cảnh sát vốn là chỗ quen biết cũ của nhân viên CIA, Mai ở Vũng Tàu. Quan chức Việt Nam này đã tranh thủ được sự ủng hộ của một người Mỹ trẻ tuổi tài ba vốn là một người ngưỡng mộ Lansdale. Tên ông là Frank Scotton, không có quan hệ gì với CIA nhưng làm việc cho Cơ quan thông tin Hoa Kỳ. Scotton nói tiếng Việt Nam, có nhiều sáng kiến động viên chính trị và có tài thu hút mọi người chú ý tới hoạt động của mình. Lê Xuân Mai khuyên De Silva nên bay ra Quảng Ngãi để xem tình hình. Khi trở về Sài Gòn, De Silva đã cho gọi Methven và các sĩ quan khác trong chi cục lại để thảo luận việc nắm lấy chương trình này và triển khai nó ra khắp nước. Người phó của De Silva đề nghị gọi các đội bốn mươi người đó là những “đội hành động của nhân dân” (People's Action Teams), về sau được quen gọi là các đội PAT. Với sự tán thành hoan hỉ của Colby, chi cục CIA phát triển các tiện nghi ở Vũng Tàu thành một trại huấn luyện năm ngàn người. De Silva chỉ định ba sĩ quan CIA đến phụ trách trại huấn luyện này. Chương trình huấn luyện này chủ yếu nặng về khía cạnh chính trị nhưng những PAT này cũng được vũ trang. Họ cũng sẽ mặc bà ba đen như người đàng quê Việt Nam, không đeo một huy hiệu nào khác với dân thường và cùng ăn cùng làm với nông dân, đồng thời huấn luyện cho họ đường lối chính trị chống cộng, giúp đỡ nông dân làm ruộng, phổ biến kỹ thuật cho họ và ban đêm thì bảo vệ họ chống lại du kích. Việc CIA lại dính líu vào các hoạt động bán quân sự, đúng vào lúc mà đáng lẽ đã phải bỏ việc này rồi, làm cho Westmoreland không hài lòng. Westmoreland đã sẵn sàng để thâu tóm tổ chức rộng lớn của CIA ở đây, cái tổ chức không làm nhiệm vụ bình định, trước đây nhiệm vụ bình định này là sự phát triển từ chương trình giúp đỡ kinh tế của Rufe Phillips, nhưng CIA nay đã chuyển sang hướng khác rồi. Sau một thời gian mò mẫm, De Silva đem chương trình này lên báo cáo với Westmoreland. Westmoreland khen qua loa mấy câu về hoạt động của PAT rồi nói thẳng vào điều ông đang nghĩ. “Có hai vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất, quân số của chương trình phải lấy ở đơn vị nào đó ra. Vậy, lấy của ai nào? Và đây có thể là vấn đề gay go nhất, cơ quan nào của Mỹ được coi là thích hợp nhất để giúp đỡ cho chương trình PAT? CIA hay là MACV? Đó là hai vấn đề làm chúng tôi phải suy nghĩ và tôi chắc nó cũng làm ông phải suy nghĩ”. Biết rằng mình đang gặp rắc rối với Westmoreland nên De Silva tìm cách đánh lạc hướng ông ta bằng việc bay về Washington để vận động cho ý kiến của ông về vai trò của CIA. Ông báo cáo với các quan chức ở Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao và tấn công cả vào một số người trong văn phòng của McGeorge Bundy tại Nhà Trắng. Nhưng kết quả là, cố gắng cuối cùng của ông đã bị gác lại, vì lúc bấy giờ người ta đã quyết định đưa quân Mỹ vào một cuộc chiến tranh trên bộ ở Việt Nam và tiến hành cuộc chiến tranh không quân. Westmoreland và Bộ tham mưu của ông ở Sài Gòn, rõ ràng là không hứng thú gì với những hoạt động bán quân sự, nhưng không còn thời giờ đâu mà làm gì trong lúc này nữa, họ đành bỏ mặc cho De Silva. Sau khi De Silva đã giác ngộ, nói theo kiểu của Stu Methven, thì ông ta sẵn sàng truyền bá cái tôn giáo mới về các hoạt động bán quân sự của ông đi khắp miền Nam Việt Nam. Một loại hoạt động làm cho ông chú ý là việc sử dụng các đội chống khủng bố một ý kiến mà Methven đã vay mượn của Châu và đang phát triển trong quy mô nhỏ. Các đội chống khủng bố, về sau được đổi bằng một cái tên dễ nghe hơn nhưng cũng không kém phần chết người là đội thám báo của tỉnh (Provincial Reconnaissance Units - PRUS), trở thành một cánh tay của chương trình Phượng Hoàng và thường bị người ta lẫn lộn về việc chúng là ai, chúng từ đâu đến và chúng làm gì. Lúc đầu khi đưa ra ý kiến này, Châu coi đó là biện pháp cuối cùng để thủ tiêu cái chính phủ trong bóng tối của Việt Cộng và là một phần không thể tách rời trong chương trình công tác chính trị tại tỉnh Kiến Hoà, nay CIA lại tách nó ra thành một hoạt động độc lập. Thay đổi này không xuất phát từ một ý đồ xấu xa nào mà chỉ là sản phẩm của tình trạng xáo trộn sau cuộc đảo chính Diệm. CIA thường xuyên tìm cách phát hiện Việt Cộng là chủ tịch Uỷ ban, người đi mộ quân, người đại diện của tỉnh và người thu thuế. Một khi chúng đã bị phát hiện thì Cảnh sát quốc gia được phái đến để bắt hoặc đội chống khủng bố sẽ được cử đến để bắt cóc hoặc thủ tiêu chúng vào ban đêm. Khi các đội chống khủng bố này lại đặt dưới quyền các tỉnh trưởng không đắn đo thận trọng như Châu, thì nhiều khi chúng được dùng để tống tiền hay gây áp lực chính trị và cái tiếng chúng là những tên giết người được CIA huấn luyện đã lan khắp trong nước. Châu cũng thành lập những đội tìm hiểu dân nguyện và đưa người về làng nói chuyện với nông dân và thu thập lời phàn nàn của họ. Châu cho rằng một chính phủ có trách nhiệm là một chính phủ làm việc cho dân làng dù họ nghèo dốt tới đâu cũng vậy. CIA tiếp nhận ý kiến về đội điều tra dân nguyện, nhưng lại tách nó ra thành một hoạt động riêng biệt và tách nó ra khỏi bối cảnh chung ban đầu của nó. Đặc điểm của chương trình bình định đầu năm 1966 là sự hỗn loạn rối rắm về tổ chức. Các đội PAT thì huấn luyện ở Vũng Tàu, các đội dân nguyện thì ở Sài Gòn, đội chống khủng bố thì ở nhiều nơi khác. Cái cách giúp đỡ kinh tế trong chương trình bình định, do các quan chức viện trợ và Ngoại Giao chủ trì, thì hoạt động dưới nhiều danh nghĩa khác nhau ở từng tỉnh. Tất cả đều có khái niệm riêng và nhân sự riêng, và tất cả đều ganh tỵ lẫn nhau. CIA hoan hỉ với sự phát đạt của trại huấn luyện Vũng Tàu, những đội hoạt động của nhân dân mặc quần áo bà ba đen đã được phái đi các vùng nông thôn một cách đều đặn, gặt hái thành công nhiều ít còn tuỳ sự lãnh đạo của ông tỉnh trưởng nơi họ được phái đến vì ông này kiểm soát mọi hoạt động của họ. Vũng Tàu trở thành một phòng triển lãm về cái được giới thiệu là thành công lớn nhất của CIA về mặt bình định cho các vị thượng và hạ nghị sĩ Mỹ tới thăm. Các vị chính khách hình như chẳng thấy gì lạ khi các khẩu hiệu và bảng hiệu của trại này đều viết bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Do đó, các sĩ quan CIA không lấy gì làm thích khi chính phủ Sài Gòn quyết định quản lý trại huấn luyện này và giao cho Châu cai quản, Châu nổi tiếng là người Việt Nam có đầu óc độc lập, chứ không như Lê Xuân Mai, người đang là trại trưởng, một sĩ quan có năng lực và không bao giờ quên rằng ai là người trả lương cho mình. Với châu làm chỉ huy trưởng ở đây, những nhân viên CIA biết rằng họ phải ngả mũ chào Châu chứ không phải ngược lại. Mấy thánh trước đây, chính phủ Sài Gòn đã quyết định thành lập Bộ xây dựng nông thôn với nhiệm vụ kiếm soát chương trình bình định của phía Việt Nam. Lansdale được cử làm cố vấn trưởng cho Bộ trưởng phụ trách bộ nay là Nguyễn Đức Thắng, ông này cũng như Châu, không tham nhũng. Chống lại cái kiểu người Mỹ cái gì cũng giành làm tất cả, Lansdale nghĩ rằng người Việt Nam bao giờ cũng phải được đẩy ra trước sân khấu còn người Mỹ ở phía sau bức màn mà nhắc vở thôi. Không ai biết là ông có đóng vai trò gì trong việc khuyến khích người Việt Nam lấy trại huấn luyện Vũng Tàu từ tay của CIA. Nguyễn Cao Kỳ và người đứng đầu cơ quan bình định của ông rõ ràng là nhạy cảm với việc người Mỹ thò mũi vào ngóc ngách của đời sống Việt Nam và việc đồn đại trại Vũng Tàu là một công trình của CIA, làm mất danh tiếng các đội hoạt động của nhân dân. Dù sao đi nữa thì người Việt Nam và CIA đã lao vào một cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát trại huấn luyện Vũng Tàu, và Châu đã tham gia trận chiến, tạo thêm nhiều kẻ thù, những người không đời nào nguôi hận với ông. Peer de Silva chấm dứt trước thời hạn nhiệm kỳ của ông và lúc này không có mặt ở Sài Gòn. Một hôm, De Silva đứng chỗ cửa sổ phòng làm việc của ông nhìn ra ngoài, đang nói điện thoại, bỗng ông thấy một chiếc xe Peugeot cũ, mui kín, màu xám, do một người Việt Nam đẩy tới gần sứ quán. Ông nhận ra một chất nổ, hình bút chì định giờ sẵn sau chỗ ngồi của tài xế, ông vội lao người xuống sàn nhưng đã chậm trong tích tắc. Ông bị thương rất nặng, một trong những thư ký của ông bị giết và người khác bị thương. Ông cố gắng trở lại làm việc nhưng mắt ông kém quá nên ông được đưa ra khỏi Việt Nam. Người chi cục trưởng đến thay De Silva không muốn xung đột với người Việt Nam về trại huấn luyện Vũng Tàu nhưng đồng thời ông cũng không muốn từ bỏ quyền kiểm soát của CIA đối với chương trình hoạt động lớn nhất của họ từ trước tới nay. Cuộc tranh cãi đã nổ ra ở trung tâm Vũng Tàu. Nó bắt đầu khi có quyết định đổi các đội PAT thành những đội có năm mươi người, gọi là cán bộ “Phát triển cách mạng” (Revolutionary Development - RD). Đó là do ghép thêm mười chín cán bộ chuyên môn, kể cả những người thỉnh cầu dân nguyện, vào đội bốn mươi người trước đây. CIA thay đổi ý định thỉnh cầu dân nguyện ban đầu của Châu thành một chương trình bí mật nhằm đặt những điểm chỉ viên tại các làng để phát hiện tổ chức của Việt Cộng cho các đội chống khủng bố đến tiêu diệt. Bây giờ người ta quyết định trở lại với ý định ban đầu của Châu và gắn cán bộ điều tra dân nguyện vào đội Phát triển Cách mạng như những người hoạt động công khai ở nông thôn. Châu đã được đề bạt làm Đại tá, công tác tại Bộ Xây Dựng Nông Thôn, đã đến Vũng Tàu để giúp soạn thảo chương trình huấn luyện cán bộ mới tại đây. Nằm ở trung tâm cuộc tranh cãi là một thiếu tá quân đội tên là Jean-Andre Sauvageot, phục vụ CIA với tư cách biệt phái tạm thời. Sauvageot là con của một tiến sĩ và bản thân ông cũng là một người chuyên khoa triết lý tại Đại Học Đường Ohio, đã đến đây để làm cố vấn cho một quận và tự mình học thêm vào buổi chiều, thành người nói tiếng Việt giỏi nhất trong cuộc chiến tranh này. Việc làm của ông đã gây chú ý cho John Paul Vann và Ev Bumdgarner, họ xúi ông nên nhận một công tác tại Vũng Tàu, vì họ không được hài lòng lắm với cách CIA quản lý trại huấn luyện. Sau khi Sauvageot tới Vũng Tàu ông đã làm thay đổi cung cách của người Mỹ tại đây. Ông bỏ bộ quân phục Mỹ để mặc bà ba đen của nông dân Việt Nam. Ông không chịu sống ở khu dành riêng cho người Mỹ. Và người thủ trưởng CIA của ông cũng ngạc nhiên khi ông từ chối lắp máy điều hoà không khí trong phòng của ông. Ông ăn, ngủ như người Việt Nam và nhất quyết sống y như bất kỳ học viên Việt Nam tại trại này. Sauvageot rất thích Châu, thấy Châu rất có khả năng và hoan nghênh Châu tới trại này. Sauvageot nói “Nhưng hình như CIA lại không thích ông ta ở đây. Họ muốn để họ làm lấy tất cả mọi việc. Họ thấy rằng họ đang làm việc tốt, không hiểu vì sao Châu và những người của ông trong Bộ Xây Dựng Nông Thôn còn xuống đây làm gì?” Sau khi thương lượng, sứ quán và chính phủ Sài Gòn đã thoả thuận là để cho người Việt Nam quản lý trại này và Châu được bổ nhiệm là người chỉ huy ở đây. Sauvageot nói “Châu nhận trách nhiệm như một người chỉ huy thực sự chứ không phải như một người ăn lương của CIA như Lê Xuân Mai. Nhưng ngày dự định ông đến nhậm chức thì các huấn luyện viên ở trung tâm này đã nổi loạn và yêu cầu CIA cứ giữ quyền kiểm soát. Sauvageot cứ lặng người đi. Nhưng người Việt Nam ở đây lập một “uỷ ban tranh đấu” để khôngcho Châu nắm quyền chỉ huy và doạ sẽ dùng vũ lực nếu cần. Họ muốn giữ nhân viên của CIA là Mai làm tư lệnh ở đây. Trong những ngày sau đó, Sauvageot đã làm trung gian hoà giải giữa CIA ở Vũng Tàu, CIA ở Sài Gòn với “uỷ ban tranh đấu”. Người Mỹ thấy tình hình rắc rối và CIA đã hợp tác để đưa tình hình ra khỏi bế tắc. Cuối cùng, Sauvageot đã dọn đường cho Châu tiếp nhận quyền chỉ huy. Nỗi lo sợ của CIA về châu đã biến thành sự thực. Trại Vũng Tàu được xây dựng sao cho người đến thăm phải đi qua văn phòng của cố vấn CIA rồi mới được tới văn phòng của người chỉ huy Việt Nam, tự nhiên làm cho người này trông như tôi tớ vậy. Việc làm đầu tiên của Châu là làm hai cửa vào riêng, một cửa vào thẳng văn phòng của ông. Việc đó dĩ nhiên là không làm cho Châu được CIA ưa thích chút nào. Tuy nhiên, dù ông đến Vũng Tàu để kiểm soát trại này từ tay CIA, Châu không có hận thù gì riêng với CIA, trái lại ông còn ngưỡng mộ một số sĩ quan của họ nữa, đặc biệt là William Colby. Vấn đề là ông không muốn làm nhân viên của CIA. Nhưng mỉa mai thay, vì tiếng đồn rằng trung tâm Vũng Tàu là của CIA, nên ở Sài Gòn người ta bàn tán rằng Châu dứt khoát phải là người của CIA rồi. Nhưng Châu không ở Vũng Tàu lâu. Theo yêu cầu của Frank Scotton, một sĩ quan Việt Nam tài năng khác tên là Nguyễn Bé, được đưa từ tỉnh Bình Định vào làm việc với Châu. Cả hai người trước đây đều là Việt Minh, và đều có cá tính mệnh mẽ, nhưng hợp tác với nhau không tốt. Đồng thời cũng có căng thẳng với những người đứng đầu chính phủ Sài Gòn, bởi vì chương trình huấn luyện cán bộ này có thể cung cấp cơ sở quyền lực ở nông thôn cho những ai có tham vọng chính trị. Lansdale lúc đó đã thuyết phục được Nguyễn Cao Kỳ tổ chức tuyền cử bầu quốc hội; và Lansdale, cùng với Rufe Phillips đang đến thăm xứ này đã khuyến khích Châu rút khỏi quân đội để làm một chính khách. Nguyễn Bé nắm quyền chỉ huy trung tâm Vũng Tàu và được sự tin tưởng của William Colby và các quan chức chính phủ khác như là một lực lượng giàu sức sáng tạo đàng sau chương trình huấn luyện cán bộ này. Tên của Châu cũng chìm trong quên lãng.
Westmoreland có trí nhớ rất tốt. Ông rất giỏi trong việc nắm vững mọi chi tiết khi xử lý một vấn đề. Ông là bậc thầy trong việc tổ chức hậu cần cho nửa triệu quân Mỹ chiến đấu xa đất nước nửa vòng trái đất. Cái ông thiếu hình như là trực giác, không thể đo như trí khôn hay như quá trình học tập được. Dù là nội trợ hay đại tướng, hoặc là có hoặc là không có cái đó - ông ta không có. Năm 1970, tôi có gặp nhà viết sử viết hồi ký cho Westmoreland, và chúng tôi cùng thảo luận về ông. Tôi cũng có đôi lần tiếp xúc với tướnng Westmoreland ở Việt Nam. Chúng tôi cùng sinh ra ở một tiểu bang và tôi cũng muốn cho ông ta thành công. Nhà viết sử và tôi thống nhất với nhau về những ưu điểm của Westmoreland. “Vấn đề của ông” nhà viết sử nói “là ông không đủ sáng suốt”. Ông ta không nói điều đó một cách gay gắt, chẳng qua là nhận xét một cách thực tế vậy thôi, và chúng tôi đều hiểu rằng đó là một cái gì tế nhị hơn là sự thiếu thông minh Ellsworth Bunker và William Colby cũng nghĩ về Westmoreland như vậy. Và ngoài việc nhận xét cá nhân, người ta còn phải tính đến hạn chế chiến thuật mà Nhà Trắng đã áp đặt cho ông mặc dầu họ không bao giờ công nhận. Còn những người như Ellsberg nhìn cuộc đời toàn là anh hùng da trắng và đểu cáng da đen thì cho ông là biểu tượng của sai lầm hoặc xấu xa.
Westmoreland có trí nhớ rất tốt. Ông rất giỏi trong việc nắm vững mọi chi tiết khi xử lý một vấn đề. Ông là bậc thầy trong việc tổ chức hậu cần cho nửa triệu quân Mỹ chiến đấu xa đất nước nửa vòng trái đất. Cái ông thiếu hình như là trực giác, không thể đo như trí khôn hay như quá trình học tập được. Dù là nội trợ hay đại tướng, hoặc là có hoặc là không có cái đó - ông ta không có. Năm 1970, tôi có gặp nhà viết sử viết hồi ký cho Westmoreland, và chúng tôi cùng thảo luận về ông. Tôi cũng có đôi lần tiếp xúc với tướnng Westmoreland ở Việt Nam. Chúng tôi cùng sinh ra ở một tiểu bang và tôi cũng muốn cho ông ta thành công. Nhà viết sử và tôi thống nhất với nhau về những ưu điểm của Westmoreland. “Vấn đề của ông” nhà viết sử nói “là ông không đủ sáng suốt”. Ông ta không nói điều đó một cách gay gắt, chẳng qua là nhận xét một cách thực tế vậy thôi, và chúng tôi đều hiểu rằng đó là một cái gì tế nhị hơn là sự thiếu thông minh Ellsworth Bunker và William Colby cũng nghĩ về Westmoreland như vậy. Và ngoài việc nhận xét cá nhân, người ta còn phải tính đến hạn chế chiến thuật mà Nhà Trắng đã áp đặt cho ông mặc dầu họ không bao giờ công nhận. Còn những người như Ellsberg nhìn cuộc đời toàn là anh hùng da trắng và đểu cáng da đen thì cho ông là biểu tượng của sai lầm hoặc xấu xa.