… Anh Trần Thy Vân là một nhà văn có nhiều nét đặc biệt. Trước tiên, tôi muốn nói, anh là một chiến sĩ, chín năm phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân của QLVNCH. Anh là một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu để giữ gìn quê hương, bảo vệ chính nghĩa và lý tưởng tự do. Ngày 3-3-1974, trong trận chiến xảy ra tại Mộ Đức, Quảng Ngãi, người lính trẻ kiên cường, Trung Úy Trần Thy Vân, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 21, Liên Đoàn 1 BĐQ, bị thương lần thứ hai buộc phải giã từ vũ khí. 26 năm dài đăng đẵng trôi qua, giờ đây, người chiến sĩ hào hùng năm xưa, với chiếc xe lăn là bạn, vẫn tiếp tục chiến đấu kiên cường. Trận chiến hôm nay không là súng đạn. Nhưng anh chiến đấu với ngòi bút sắc bén, với bầu nhiệt huyết cho quê hương. Anh chưa bao giòo và sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Còn nữa. Với vũ khí là ngòi bút sắc bén, anh đã tiến công vào mặt trận mới. Năm 1996, nhà văn Trần Thy Vân đã cho xuất bản tác phẩm “Anh Hùng Bạt Mạng”, một tập hồi ký chiến tranh kể lại những trận đánh hào hùng của binh chủng BĐQ và những địa danh lẫy lừng đã đi vào chiến sử. Ngay từ khi phát hành đợt đầu tiên, tác phẩm đã gây được tiếng vang trên văn đàn Việt Nam hải ngoại. Giới truyền thông báo chí hết lời khen ngợi tác phẩm này. Các văn nhân thi sĩ và những bạn đồng đội cùng chiến trường năm xưa đã viết nhiều bài nhận định và đánh giá cao tác phẩm này. Độc giả Việt Nam hải ngoại tìm đọc, đến nổi tác phẩm này đã được tái bản đến lần thứ hai. Tiếp nối bước chân “Anh Hùng Bạt Mạng”, tác phẩm thứ hai “Tiếng Hờn Chân Mây” đã được xuất bản và cũng được đón nhận nồng nhiệt. Ngày 16/7 vừa qua, tác phẩm đã được tác giả ra mắt tại Orange County với sự tham dự của gần 300 quan khách. Tạp chí Thế Kỷ 21 đã có bài tường thuật cũng như nhận định là buổi ra mắt sách thành công tốt đẹp... Với những đặc điểm trên, nhà văn Trần Thy Vân đã tạo được nhiều tình cảm đối với bạn đọc, trong số đó có tôi. Ở đây, tôi không làm công việc của nhà phê bình, điều đó quá lớn lao. Tôi cũng không làm công việc điểm sách, sợ rằng sẽ làm mất thêm thì giờ quý báu của quý vị. Tôi chỉ đứng trên góc cạnh của một độc giả bình thường, nói lên những cảm nghĩ riêng tư của mình khi đọc một tác phẩm của một nhà văn mà mình mến mộ… Ngay trong lời tựa của tác phẩm “Tiếng Hờn Chân Mây”, tác giả đã xác tín một điều: tất cả những câu chuyện, những nhân vật đều là có thật. Tác giả Trần Thy Vân là một người lính, viết truyện về đời lính là chuyện tất nhiên. Nhưng điều tôi muốn nói là giá trị trung thực trong tác phẩm mà tác giả là một nhân chứng, những nhân vật trong truyện hiện đang sinh sống ngoài đời. Với lòng tự trọng và danh dự trách nhiệm của một quân nhân, anh đã viết với sự trung thực, không cường điệu, không hề hư cấu, không huyền thoại hóa những nhân vật, những trận đánh mà anh đã từng trực tiếp tham dự. Khen chê đúng mức, thương ghét rạch ròi. Anh thẳng thắn nói lên những mặt tốt và xấu của mỗi sự việc, mỗi con người với mỗi thái độ can đảm, dứt khoát, không thiên kiến. Nói như thế có nghĩa.là, tác phẩm đã viết lên tất cả sự thật. Vì sự thật, cho sự thật và bằng bất cứ giá nào cũng phải tôn trọng lấy sự thật. Tôi nghĩ, đó là đảm lược của kẻ sĩ, là nhân cách cao quý của con người, mà “Phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất”. Một điều mà tôi thấy cũng không kém phần quan trọng thiết nghĩ cũng cần nêu lên đây. Đó là cái “Tôi” trong tác phẩm. Cái Tôi đôi khi rất dễ thương và nhiều khi cũng rất là dễ ghét. Cái tôi có thể là cái rốn của vũ trụ, cũng có thể là cái gai nhọn trong mắt mọi người. Nhưng riêng đối với anh Trần Thy Vân, điều đó không là vấn đề. Bởi vì cái Tôi của anh tựa như dòng sông hiền hòa thanh thản chìm lắng, hòa lẫn theo đồng đội, theo cùng với mọi người. Cái Tôi của anh, nó tự nhiên, dễ thương và cảm động như khi chuyền cho nhau hơi thuốc, ấm tình chiến hữu. Như khi chia sớt cho nhau ly rượu nghĩa tình trong thời gian về hậu cứ dưỡng quân. Hoặc những khi cười đùa, chọc phá nhau qua những câu chuyện “tiếu lâm” đời lính trong khi chờ giờ xuất kích. Bởi vì, tôi biết anh thực sự yêu đời lính, yêu đơn vị, yêu những đồng đội đã sát cánh chia lửa cùng nhau không phân biệt thứ bậc. Những vinh quang chiến thắng, những mất mát đớn đau khi một đồng đội nằm xuống, những gian khổ hiểm nguy cận kề cái chết và những khi vui những lúc buồn dọc dài theo cuộc chiến. Với anh, tất cả, là-của-chung. Không của riêng một ai cả! Bởi thế cho nên cái Tôi của anh rất tự nhiên và dễ dàng hòa tan, quyện lẫn với mọi người. Anh có viết chuyện. Vâng, viết những câu chuyện thật về đời anh, về những đồng đội, về những năm tháng chiến tranh đánh dấu một chặng đường lịch sử đã đi qua. Nhưng anh đâu viết cho riêng anh. Anh cũng không viết để nhằm mục đích tự đánh bóng, tự vinh danh mình. Anh viết với một thái độ trầm tĩnh, có trách nhiệm với lịch sử và, với ngòi bút của một nhà văn có lòng tự trọng... Cũng có thể nói, tác phẩm là tiêu bản tài liệu chính xác về các trận chiến lớn như Mậu Thân 1 968, Lam Sơn 719 Hạ Lào, Quảng Trị, Khe Sánh, nhất là trận tiến công chiếm lại Sa Huỳnh Quảng Ngãi đầu năm 1973. Dù không tổng quát toàn bộ nhưng trên địa bàn trực tiếp tham dự, bằng vào trí nhớ rất tốt, tác giả đã ghi lại diễn tiến trận đánh rất.chi tiết. Với giọng văn dung dị, không cố tình chải chuốc. Với bố cục sắp xếp gọn gàng chặt chẽ, tác giả đã dẫn dắt người đọc say mê theo dõi những trận đánh và cứ ngỡ rằng đang xảy ra trước mắt. Nhiều sự việc, nhiều câu chuyện từ trước đến nay chưa hề được công bố nay được tác giả đề cập đến và làm sáng tỏ hơn, gây nhiều hứng thú bất ngờ. Điều quan trọng nhất là đối với lớp trẻ được sanh sau cuộc chiến, tác phẩm này sẽ là một tấm gương phản chiếu rõ nét lớp lớp cha anh đã chiến đấu, đã hy sinh cho lý tưởng tự do. Thế hệ trẻ sẽ có một cảm nhận sâu sắc hơn, một cái nhìn đúng đắn hơn về sự chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha, anh mình. Một thời binh lửa đã qua nhưng hậu quả vẫn còn là vết thương nhức nhối. Hình ảnh của những người thương binh mãi mãi là một hình ảnh bi tráng. Chúng ta hãy lắng nghe anh Trần Thy Vân viết về hình ảnh thương tâm của thân phận người thương binh: Trời đã sáng tôi nhìn qua khu bệnh viện Duy Tân lần nữa, lần cuối cùng tôi từ giã nó thật sự, khi bốn bánh từ từ lăn ra khỏi bến. Mới hôm nào tôi cũng nói vậy lúc quân thù nhơn danh cách mạng, mặt đằng đằng sát khí, vào bệnh viện chĩa súng đuổi hết thương binh miền Nam ra đường. Ngày ấy làm sao tôi quên, kẻ lăn xe người chống nạng, có anh còn mang đùm ruột bọc ni-lông ngoài bụng với bị máu trên vai, đi ngất ngưởng, đi lang thang, đi mà không biết đi đâu, như những hồn ma bóng quế. (Tr. 30) Những hình ảnh đó là tất cả sự thật. Cảm xúc bồi hồi đó được bộc phát từ một người thương phế binh khi nhìn thấy thảm cảnh của những bạn đồng đội cùng chung một cảnh ngộ như mình.Còn đau thương nào hơn không? Có sự tàn nhẫn nào hơn nữa? Chúng ta không thể hình dung nổi, không thể tưởng tượng được 26 năm qua và ngay cả đến bây giờ, số phận và cuộc sống người thương binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như thế nào trong một chế độ đầy dẫy những phân chia và hận thù, như thế?… ::: Trần Huy Sao:::