Sau cùng thì tôi cũng có một chỗ cho riêng mình tôi ngồi làm việc. Việc đây có nghĩa là đánh máy, liên lạc đại lý và nói chuyện tào lao với bạn bè với cái điện thoại ngay bên cạnh. Người văn vẻ thì gọi đó là “Cõi Ta”. Cõi ta của người ta đẹp đẽ và thơ mộng biết dường nào. Nào là liễu rủ bên hồ. Nào là Mai, Lan, Cúc, Trúc bốn mùa. Ðây hòn non bộ. Kia chiếc cầu xinh. Cái “cõi” của tôi thì ngược lại, tội nghiệp vô cùng …ngổn ngang gò đống chung quanh, bước tới đạp chiếc giày, bước lui đụng cái máy Cross Walk. Dù vậy, tôi vẫn hài lòng khi được ngồi một mình trong phòng. Nhà nấu ăn liên chi hồ điệp nên tường đã bắt đầu ám khói chỗ trắng, chỗ vàng, chỗ đậm, chỗ lợt trông như người bị lang ben. Chưa gì đã thấy tiền ra đi trước mắt. Nói đến tiền, cũng ngượng miệng lắm nhưng đời là một chữ tiền. Ngày xưa các cụ răn con …Không thầy đố mày làm nên. Bây giờ có nên đổi lại chăng? Không tiền đố mày làm nên. Chưa bao giờ đúng thế. Chưa bao giờ cảm thấy não lòng như thế. Hoa cỏ đi ngắm mãi mỏi cả chân. Hẹn đã năm lần bảy lượt. Bao nhiêu gốc hồng còi cọt đã nhổ liệng đi hết, cây nào không thích cũng đã cho đi chơi chỗ khác, lấy chỗ trồng cây mới. Nhưng mà cây nhổ đi rồi, đất bỏ không. Bộ khơi khơi vào vườn người ta bưng cây về rồi cười trừ được sao. Khoảng đất nhỏ còn trơ trụi lại bụi Dạ Lý và hai gốc hồng gầy gò như người thiếu ăn năm Ất Dậu, chỉ thấy lá, mỗi cây ở một đầu nỗi nhớ. Trông cứ như …râu mọc không đều. Tôi mạng Thủy. Trồng người không được chứ trồng cây gì lên cây đó. Nhiều nhất là … ớt và dấp cá. Cả hai tôi đều không mặn mà lắm. Ớt, khả dĩ còn nhấm nháp chút đỉnh, chứ dấp cá thì hơi hãi. Chỉ mới liều ăn thử hai lần. Cứ bỏ vào mồm, nhai rồi nuốt rồi sẽ quen thôi, cũng như ghét hay thương đều do thói quen cả. Ðược thêm cây chanh năm nay sao mà nhiều trái thế. Bộ mình chua lắm sao mà cây chanh chỉ thấy quả. Mỗi lần gội đầu, ra vườn hái một trái. Cũng thú vị ra phết. Lúc này tôi không còn ườn xác trên giường đến 12 giờ, 1 giờ trưa nữa. Tôi dậy sớm lắm. 8 giờ đã nhong nhong ra khỏi nhà. Kể ra, so với những người đi làm, đã thấm thía vào đâu, nhưng với tôi, đây là cả một cuộc cách mạng vĩ đại. Trước kia, vừa mở mắt ra đã thấy …chiều hôm tối rồi, ngày bỗng trở nên ngắn, chưa kịp làm gì, đã tối ập. Không những ngày ngắn mà đơi sống cũng ngắn theo. Từ khi theo vợ chồng Phương dậy sớm, tôi bỗng tiếc vì sao lúc trước mình cà chớn thế, rồi đến lúc ngủ luôn chẳng bao giờ dậy nữa, chắc sẽ tiếc. Thật ra dù ăn nói ngang như cua, cái tâm của tôi vẫn là tâm của một người đàn bà. Dù có dạn dày đi nữa thì trái tim của họ cũng còn nhỏ máu. Những người không có tuổi thơ hoặc mất quá sớm, nỗi đau lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Nỗi tiếc nhớ không phút nào nguôi. Ðời người ngắn quá. Ngày tháng vun vút qua đi. Một nửa thế kỷ rồi. Nghĩ đến, bàng hoàng cả người. Tự hẹn sẽ dậy sớm hơn cho đời dài hơn. Mới ngày nào, như ngày hôm qua …Hình như đó là câu nói của đa số khi gặp lại bạn bè cũ. Tóc đã bạc, da đã nhăn, lưng đã còng, chân đã chậm. Chỉ còn trái tim vì tiếc nuối mãi ngày xanh, nên trái tim còn trẻ, còn nguyên vẹn niềm yêu. Nếu được yêu lại như lần đầu biết yêu, tôi chắc không ai ngoảnh mặt. “Nếu” thôi. Chữ “Nếu” và “Nhưng” hai chữ tôi ghét nhất. Nó là một cái gì không thành. Một sự tàn nhẫn hồn nhiên. Hơn thế nữa, nó cũng mang lại sự tuyệt vọng không cùng. Tại sao lại..Nếu? Tại sao lại..Nhưng? Không hiểu được. Chữ nghĩa gì ly kỳ và độc ác. Bên cõi đời hiu quạnh này, phải ngồi lại với nhau. Ngồi thật gần. Gần lại với nhau. Ðể ngậm ngùi chia sẻ với nhau. Ðể ngậm ngùi chia sẻ với nhau những điều dấu kín trong trái tim của mỗi người chúng ta. Hát lại một mình tình khúc của 25-30 năm trước. Lòng phải ấm lại chứ. Gặp lại bạn cũ mà đời cơm áo cho chúng ta cái cảm giác rất xa, rất nhạt nhòa. Trái tim cằn cỗi mấy cũng phải tươi lại. Sự đau đớn, đôi khi cũng còn cần thiết cho đời sống của chúng ta huống chi những giây phút ngắn ngủi, bất chợt tìm gặp lại chính mình trong một bài hát. Hạnh phúc biết chừng nào. Tôi, thực sự cảm thấy điều đó. Thấy mình trẻ lại như ngày mới đôi mươi. Thấy rõ nỗi lo sợ của lần đầu tiên đứng hát trước mọi người. Cầm micro, tay tôi run thấy rõ và ướt đẫm mồ hôi, người tôi căng ra như trái bong bóng có thể nổ tung bất cứ lúc nào và nước mắt tôi chỉ chực trào ra. Những giây phút được đứng hát trước mọi người đối với tôi mới thực sự là hạnh phúc bởi đó là lúc tôi..tìm lại được chính tôi. Ðối với Minh, Nga, Tuyền, Phương và tất cả. Cám ơn không đủ. Nói như thế không có nghĩa là tôi chỉ có hạnh phúc khi được hát. Hạnh phúc đối với tôi có nhiều loại. Ðược chia ra nhiều loại. Có thể nặng, nhẹ khác nhau nhưng tất cả đều mang lại cho tôi điều tôi muốn, kể cả sự đau khổ. Khổ đau cũng là hạnh phúc. Cũng được kể là hạnh phúc bởi không vì như thế, tôi đâu còn ngày hôm nay. Bảo là khoái cái Thú thương đau, thì tôi không khoái. Không ai thích trừ những người ưa sì-tin, thích đau khổ như một cách làm dáng. Tôi chỉ thấy sự đau khổ có cái gì …hay hay mà không có nó, tôi cảm thấy thiếu thiếu, nhớ nhung. Tuy vậy, nếu có khổ có đau, cũng một vừa hai phải thôi, chứ khổ quá lắm thì sống sao cho nổi. Ðừng đến nỗi …từ lê tới lết, từ chết tới bị thương …là OK lắm lắm. Những lúc buồn, bất cứ vì lý do gì - ngoại trừ lý do không tiền – là lúc hát.. đã nhất. Tôi không thể cắt nghĩa được điều này. Cứ hỏi tất cả ca sĩ, quí vị sẽ thấy tôi nói đúng. Có lẽ vì thế mà người đời cho chúng tôi là những kẻ chuyên thương vay khóc mướn (khóc mướn là nghề có thật ở ngoài Bắc, chứ ở đây có ai trả cho chúng tôi đồng xu cắc bạc nào đâu và cũng không ai mưến. Năm 1964 khi Trịnh Công Sơn rủ tôi về Saigon đi hát với anh. Tôi từ chối. Không phải vì không yêu nhạc Sơn. Nhưng lúc đó tôi yêu Ðà Lạt hơn. Cái lối sống xô bồ, ồn ào mánh mung của Saigon không hợp với tôi. Trong khi đó Ðà Lạt là thiên đường. Êm ả, trong sáng. Saigon đó có một chỗ đứng nào cho tôi. Là một người không hề có một chút tham vọng. Thích an phận, bằng lòng với những điều mình có. Một đứa con gái tầm thường như tôi. Những ngày tháng ở Ðà Lạt đã là một an ủi quá đủ rồi. Với làm vui chi những điều quá xa vời. Cũng không hề mơ ước một đổi thay. Hơn thế nữa con người tôi, tâm hồn tôi hợp với Ðà Lạt hơn. Thế mà rồi tôi đã rời xa nơi chốn đã cho tôi biết bao ngày tháng đẹp đẽ trong sáng. Một ngày của năm 1967. Tôi đến Nha Trang. Vùng biển xanh, cát trắng. Không một chuẩn bị nào cho nơi chốn mới. Thì cũng đến hát là cùng. Vẫn còn cơ hội để không trở lại Saigon. Một vài tháng phù du đủ làm đời tôi nổi sóng. Nha Trang không có gì quyến rũ. Nha Trang tầm thường quá so với Ðà Lạt. Nhưng tôi không muốn trở về Ðà Lạt. Nơi đã tặng tôi một bất hạnh. Một người đã cho tôi sự sợ hãi, ê chề không tưởng. Trên một chuyến xe đò. Tôi và các con tôi đành phải trở lại Saigon. Một nơi chốn cũng đã làm tôi sợ hãi. Cùng với hạnh phúc tuyệt vời. Tôi cưu mang cho đến cuối đời. Mùa thu nhẹ nhàng cho những tâm hồn đa sầu đa cảm, đa tình, lãng mạn. Gợi biết bao nhiêu cảm hứng cho thi, văn, nhạc sĩ. Mùa thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa Ðông đến. Mùa đông ở xứ Mỹ bàng bạc khắp nơi mầu trắng của tuyết. Cái lạnh lẽo bao trùm cả trời đất. Cả lòng người. Nhất là những người xa quê hương lưu lạc trôi nổi. Giáng sinh đã gần kề. Gần lắm rồi. Ở đây Giáng Sinh được đón chờ nhiều hơn Tết Nguyên Ðán. Bà con gửi thiệp cho nhau. Quà cáp tặng nhau. Người lớn, trẻ con. Ai có phần nấy. Rộn ràng nhộn nhịp trong tiếng nhạc đón mừng con một Ðức Chúa Cha xuống trần gánh chịu tội lỗi của loài người. Và tội lỗi đó vẫn tiếp tục một cách thản nhiên. Chắc Chúa cũng phải hối hận khi đặt loài người trên tất cả mọi loài. Nhưng dù gì, mọi người, mọi nơi đều rộn ràng chờ đón Giáng Sinh. Giầu có thì huy hoàng.n cả). Có lẽ vì thế, chúng tôi, phần đông không mấy bình thường. Vui đấy. Buồn đấy. Vừa khóc xong, nước mắt chưa kịp khô đã cười rũ rượi như những mụ điên. Ôi cái đời ca sĩ …thập phần ly kỳ, quái đản. Khi nói ra như vậy, một phần suy bụng ta ra bụng người. Hình như chỉ có mình tôi không được bình thường. Nhiều người, nhất là bạn tôi, rất muốn..bình thường hóa tôi nhưng đành chịu vì từ hồi nhỏ, tôi đã được gọi là Thạch Ðầu Ðà. Nghĩa là có cái đầu như đá. Cứng như đá. Tưởng già sẽ thay đổi, mà thật ra cũng có nhưng lại là cứng hơn. Con người của tôi, lẽ ra nên lên rừng, vào núi mà ở với khỉ, với voi. Có người còn bảo. Tôi là linh hồn của cái nhà này. Người đó cũng điên không kém tôi. Một linh hồn tăm tối. Cách đây 10 năm, có người từ Việt Nam qua đọc cho tôi nghe một câu thơ được làm trong trại cải tạo: “Ðứng không yên. Ngồi không yên. Mà nằm thì sợ triền miên nỗi buồn …”. Câu thơ này nằm trong đầu tôi từ đó. Không phải là chúng ta cũng đã và đang ở trong một nhà tù sao? Nhà tù do chính mình dựng lên. Tự mình bước vào đó để rồi đứng, ngồi, nằm không yên. Ngay cả những lúc cắm cúi đi một mình, gió mát, nắng đẹp, vẫn không sao xua đuổi những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Mình phải làm gì bây giờ? Con đường còn lại trước mặt, tuy không còn dài nhưng sẽ đưa mình về đâu? Câu trả lời luôn luôn có sẵn. Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Hỏi. Tự hỏi và tự trả lời, tự thấy mình khỉ khỉ thế nào ấy. Mỗi người trong chúng ta đều có một cái gông ở cổ (như mình tự làm nhà tù nhốt mình trong đó). Ðeo vào cũng mình, mà cởi ra cũng chỉ mình cởi được. Khổ nỗi đeo vào thì dễ, cởi ra mới khó. Muốn không? Làm cách nào? Không biết. Con gái tôi bảo: “ Mẹ ly kỳ quá, sao bạn mẹ gọi mẹ là..bà khùng?” Tôi cười. “Không phải khùng mà là bà điên”. Nói hỏi khùng và điên khác nhau như thế nào. Tôi nói. Giống nhau. Vắng bóng con, tôi chết luôn cái nửa hồn còn lại dù nó chỉ ở cách tôi có 25 phút lái xe. “Misa lớn rồi. Misa muốn tự lập …any way Misa về nhà mỗi ngày mà, mẹ sao cái gì cũng lo”. Làm sao tôi nói để con tôi hiểu rằng trong lòng tôi, từ Ly Cơ đến Bảo Linh, đến Misa, đến Quý Nam, lúc nào chúng cũng nhỏ bé như ngày còn bồng ẳm? Làm sao tôi có thể nói cho các con tôi biết rằng cái gia tài lớn nhất, duy nhất còn lại của đời tôi là chúng nó. “Cái đó là Vietnamese way mẹ”. Cái đó tôi cũng đã biết từ lâu rồi. Nhưng …Ôi, chữ “nhưng” đáng ghét biết bao nhiêu. Hơn 2 tháng nay, vật vờ với cơn đau. Cả thể xác, cả tinh thần. Chỉ có đêm tối mới chia xẻ được với tôi. Chỉ có mặt gối mới lau khô những giọt nước mắt của tôi. Chỉ có thuốc ngủ mới làm tôi quên đi nỗi muộn phiền. “Hay con có boyfriend”. Misa cười sằng sặc. “No, mẹ biết Misa mà”. Tôi biết và tin Misa vì nó không bao giờ dấu diếm bất cứ điều gì. Mỹ con mà. Nhưng dù xem tôi như một người bạn, Misa lại chỉ tâm sự với Bố Ðoan của nó. “Nói chuyện với mẹ khó quá”. Thế đấy, đứa con gái mới ngày nào tôi cột nó trên lưng, leo lên tàu Miller, bây giờ đã 21 tuổi rồi. Yêu mẹ thì còn vẫn yêu, nhưng còn đời con trước mặt nữa. Nếu, lại nếu. Vâng, nếu tôi biết trước cuộc sống ở đây chỉ làm vơi chứ không làm đầy. Tôi đã ở lại Việt Nam. Cái chết nào cũng là chết. Cũng giống nhau. Do đó, trong đêm Duy Tường, tôi mới cầu mong được thay thế. Một người sống nửa thế kỷ, đã là nhiều rồi, lại không làm nên vương tướng gì, tại sao không …xéo đi cho thoáng, nhường chỗ cho người trẻ tuổi. Biết đâu chừng đó là một nhân tài. Tiếc lắm thay. Thương con, buồn mà nói vậy, chứ ngay như mình ngày xưa, mới 16 tuổi đã lăn lóc với đời rồi. Có chết thằng Tây nào đâu, mà nếu không như vậy, tôi sẽ làm được gì? Chắc chắn là chả ra cái giống gì. Thôi thì có phước có phần. Chúa sắp đặt tất cả. Các con tôi sống lành sẽ được gặp lành. Còn bây giờ là cái đời của mình đây này. Ráng mà đứng vững một, hai năm nữa. Ráng mà sống cho ra sống những ngày còn lại. Ráng mà “đi” cho “ngọt” lúc phải đi. Còn một trự nữa đang học lớp 10. Hết trung học là lại thêm một phen ôm mặt khóc rưng rức. Thằng cu Trí đấy, mới ngày nào còn bám áo bác Thiêng, vài ngày nữa, nó cũng bỏ ông bác già cu ky một mình vào dorm ở. Anh chị nào khi thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ, chú bác cũng vui như Tết. Lúc đứa con cưng duy nhất của Ngọc Minh ra ở riêng, mợ cũng khóc đứng khóc ngồi, than trời trách đất. Nhưng rồi cũng quen. Rồi các anh chị thấy sống riêng coi bộ hao tốn quá, sẽ lại bò về mà thôi. Như Elvis Phương, như Tùng Giang …Tụi tôi cứ là trơ mắt ếch ra nhìn từng đứa và từng đứa con ra đi. Bạn bè thấy tôi buồn, mang chuyện sắp bỏ cấm vận ra nói “Ôi mai mốt về Việt Nam ở cho hết cái tuổi già, để khỏi đau lòng vì những điều trông thấy …”. “Không, ai muốn về thì cứ về, tôi là không”. “Vì sao” Tôi nhún vai như đầm rau muống. Sự đời đâu có giản dị như …bố nằm với mẹ. Ði đã đau. Về còn đau hơn. Cái nào cũng đau thì mình nên chọn cái gì ít. Ðồng ý không. Ðấy, có phải lúc nào tôi cũng điên đâu? Cũng khôn ra phết. Khánh Ly