Dần dần Tí giò ý thức được rằng tất cả mọi người đều nể sợ anh. Sự sợ hãi của con người là biểu hiện của tác động quyền lực thô bạo. Nhiều người không thích, có người căm ghét, nhưng phần đông người ta đều thích sự sợ hãi đó. Tí giò cũng thích. Sự nể sợ của mọi người đã làm biến đổi hẳn Tí. Nó gây trong anh một khoái cảm siêu nhân. Dần dần Tí tự thần linh hóa. Con người anh cũng biến hình đổi dạng. Hình như Tí đã biết phép tô đậm thêm tính cách của mình để phù hợp với vai trò thần linh mình đang sắm. Là người hay nói hay hát, đột nhiên Tí trở nên trầm lặng. Anh uống rượu nhiều hơn, và chỉ trường hợp đi ra trường bắn Tí mới ca hát cái bài "thình, thùng, thình" ưa thích. Xưa kia, dáng anh bước nhanh, đầu hơi ngả về trước, còn bây giờ anh đi đứng chậm chạp đầu ngẫng cao, để tạo cho cái dáng hộ pháp của anh thêm đường bệ. Và từ một con người huyền thoại, anh đã trở thành một con người huyền bí. Huyền bí nhất là chuyện giữa anh và tên tử tù Lan. Lan là một học sinh Hà Nội đã học xong lớp mười và đã đi bộ đội bốn năm. Bốn năm đời lính thì đã hơn ba năm lăn lộn ở Trường sơn đánh Mỹ. Lan bị thương, điều trị ở Quảng Bình. Lành vết thương, Lan tranh thủ về nhà, ngôi nhà có gốc bàng trước cửa che mát. Gốc bàng xù xì cổ thụ đã ghi lại bao kỷ niệm ấu thơ. Ở đấy có những tổ dế, có những chú ve lột xác; và cũng ở đấy Lan đã khắc tên mình và tên một cô bạn gái. Lan yêu màu lá xanh, nhưng thích nhất vẫn là màu đỏ bầm cánh gián của nó. Có lẽ Lan thích màu cánh gián ấy cũng chỉ vì đúng vào mùa đông, khi anh nhập ngũ, khi cây bàng khoác áo màu đỏ, thì anh đã tỏ tình với người bạn gái cùng lớp. Ôi cây bàng! Anh đã tốn bao giấy mực để làm thơ về nó, để ca tụng nó. Cây bàng đã trở nên linh thánh. Nó là biểu tượng về một hạnh phúc rất lung linh mà cũng rất trần gian. Có lẽ một chàng trai mảnh dẻ như anh mà chịu đựng nổi bao khổ cực của những ngày chiến đấu cũng nhờ vào bóng dáng cây bàng mà anh luôn mang theo trong tâm tưởng. Và cũng chỉ vì những kỷ niệm gốc bàng ấy, nên Lan đã tranh thủ về Hà Nôi, khi anh ra viện. Về đến Hà nội, lại cũng chính gốc bàng này đã làm anh bịn rịn. Anh gặp lại người yêu ở gốc bàng xù xì đó. Lại thêm những kỷ niệm mới, những kỷ niệm rất đổi tầm thường với người đời, nhưng lại rất thân thương đối với chàng trai si tình. Một tháng sau chàng mới lên đường trở lại đơn vị. Đêm chia tay, chàng tiễn nàng ra đầu phố, nàng lại tiễn chàn trở lại gốc bàng... cứ như thế, họ đi suốt đêm bên nhau. Khi Lan trở lại Trường Sơn. đơn vị anh đã rời đi nơi khác. Và đến đây, bắt đầu một sự yếu đuối, bắt đầu một sự trốn bỏ, và cũng có thể nói bắt đầu bi kịch của một anh lính "B quay". Lan lủi thủi mang ba lô quay trở về Hà Nội, quay trở về gốc bàng ấu thơ. Nhưng lần trở lại này, Hà Nội đón chờ anh khác hơn. Bà dì ghẻ của anh, cứ trông thấy mặt anh là hầm hầm tức giận. Có thể trong tâm, bà không độc ác, nhưng tình thế đã bắt bà phải đối xử như thế. Ông bố Lan đã về hưu, bà mẹ ghẻ lại có ba đứa con; một mình bà chèo chống nuôi cả gia đình đã khó khăn, nay lại phải nuôi thêm một ông lính "B quay", ắt bà phải khó chịu. Người yêu của Lan thấy Lan chẳng có tương lai gì, bỗng tỏ ra hờ hững. Lan bí quá, lên khu đội cầu cứu, nhưng họ đuổi về, bảo không nhận một người lính mất tinh thần như anh. Lan xoay xỏa mua chiếc bơm, và hộp nhựa, ra đầu đường để bơm vá xe đạp... Anh công an hộ tịch cũng trạc tuổi Lan đến hỏi giấy tờ. - Tôi không có giấy phép, nhưng hoàn cảnh của tôi gay go quá... - Không có giấy phép, không được hành nghề. - Anh thương tôi một chút, tôi chẳng còn con đường nào để sống. Tôi cố gắng sống lương thiện. - Hừ, anh là "B quay". Không có chuyện lương thiện. - Thế thì các anh bắt tôi đi. Vào tù tôi còn có miếng cơm ăn. - Anh hãy cứ chờ. Bao giờ tôi lên đủ hồ sơ, và trên xét duyệt, anh sẽ được đi cải tạo. - Chờ đợi để được đi cải tạo. Lan cay đắng vác bơm về nhà. Cả nhà đã ăn cơm rồi, anh xuống bếp lục nồi cơm nguội. Cơm nguội chẳng còn, Lan rớm nước mắt, anh hiểu bà dì ghẻ muốn triệt cơm anh. Lan nhịn đói lang thang trên hè phố quê hương. Hà nội vẫn vui vẻ, vẫn hào hoa, vẫn thanh lịch như chẳng hề bao giờ biết tới một người con của nó đi vào ngách khốn cùng... Người ta vẫn hát, vẫn hào hùng; người ta vẫn yêu nhau, một cô con gái nào đó đi bên người yêu chợt cười rúc rích... Mặt hồ Gươm vẫn xanh; chiếc cầu cong cong vẫn đỏm dáng; sau trận mưa cây hoa sửa vẫn phả hương ngào ngạt... Lan chợt thấy cô đơn, cô đơn hơn cả loài cây cỏ... Chợt anh đứng sững lại choáng váng. Anh không tin ở mắt mình nữa. Ai kia? Một cô gái đang đi xe đạp bên cạnh một chàng trai. Mà họ cũng cười rúc rích... Người con gái ấy chính là người yêu của Lan. Bây giờ thì Lan nguyền rủa cái gốc bàng ấu thơ. Bây giờ, Lan muốn đập nát hết những kỷ niệm phỉnh phờ. Thế giới đối với anh sao hão huyền, sao độc ác! Anh bỏ nhà đi vất vưởng, ba hôm sau mới quay trở về. Lần này anh xuống bếp lục nồi; rất may còn bát cơm nguội. Anh rưới thìa nước mắm, cố lùa hạt cơm lạnh ngắt vào bụng, song nuốt cũng không trôi. Bà dì ghẻ ngồi ở tấm phản rít lên: - Quân lười biếng! Quân lưu manh! Thời buổi bây giờ không làm mà đòi ăn. Đổ cơm cho chó nó ăn còn hơn cho nó. Lan đặt phịch bát cơm xuống. Đúng lúc đó, người công an hộ tịch bước vào nhà. Bà dì đổi ra giọng đon đả: - Kìa, chú đến chơi. Mời chú ngồi. - Tôi đến hỏi bà về việc anh Lan mấy ngày qua vắng mặt mà không báo cáo. Anh ấy đã về chưa? - Kìa, kìa... Ông ấy đang lục nồi dưới bếp. Chỉ được cái là ăn giỏi thôi chú ạ. - Cậu ấy là người hư. Gia đình cần phải quản lý cậu ấy thật chặt chẽ. Anh ta đi đây? Vắng mặt lúc nào? Làm việc gì? Nhất nhất gia đình phải báo cáo cho tôi. Đầu óc Lan đột nhiên sưng tấy lên. Anh thầm nghĩ: "Chúng nó không muốn cho mình sống. Không được làm. Không được ăn. Thậm chí đi tù còn phải chờ đợi. Chúng mày muốn ta chết ư? Được rồi... ta sẽ liệu..." Tay Lan run lên. Đầu óc anh ù đi. Anh không nghe thấy họ léo nhéo nữa. Chợt có tiếng chân người... à, tiếng giầy. Đúng là tay công an đang đi xuống bếp. Hắn xuống gặp... chắc để đe dọa, để răn dạy... Lan thầm nghĩ nhanh. Mắt anh đảo quanh; đôi mắt dừng lại ở con dao phay cài trên trạn. Lan xô lại, cầm lấy, và đứng nép sau cửa ở tư thế chờ đợi... Tiếng chân to dần, rồi người thanh niên mặc áo vàng xuất hiện giữa cửa. Lan xông ra, vung dao, xả mạnh. Anh công an ôm mặt thét lên: - Ối các ông các bà! Thằng Lan giết tôi. Sát nhân giả tử! Lẽ dĩ nhiên, Lan phải ra pháp trường đền tội. Hôm ấy, bãi bắn làng tôi đông nghẹt. Từ ba giờ sáng, dân làng đã í ới gọi nhau, đi trước tranh chỗ ngồi tốt để xem cho rõ. Lần đầu tiên, ông Tí giò cảm thấy hồi hộp khi chứng kiến một con người đi đến cái chết. Từ trên xe hòm bước xuống, Lan đã lấy vai gạt mạnh hai người công an đi kèm định sốc nách anh. Tay bị trói, anh điềm nhiên đi đến chiếc cọc. " A! Thằng này không khuỵu chân. Tay cứng đấy. Nó đi đứng đàng hoàng, chứ không để người ta kéo lê đi như những phạm nhân khác." Tí giò nghĩ như vậy. Tí giò càng ngạc nhiên hơn khi thấy Lan vừa đi vừa nói, vừa đi, vừa kể tội những người đã xô đẩy anh đến cái chết. Rồi Lan hét to: - Tôi bị oan! Đồng bào hiểu cho tôi. Tôi bị oan! Oan ức! Đứng trước cây cọc, Lan vẫn sa sả nói. Khi Tí giò siết chặt chiếc lạt buộc tay Lan vòng qua chiếc cọc, rồi lại dùng mấy chiếc lạt dài khác buộc người Lan vào cột như người ta bó giò, thì Lan rãy rụa. Hắn rãy rụa cuồng nộ đến nỗi chiếc khăn bịt đen bịt mặt tử tù cũng phải tụt xuống. Anh chỉ huy ra lệnh: - Ông Tí! Hãy bịt mắt nó lại. Tí chợt nhìn thấy đôi mắt Lan, ông rùng mình. Chưa bao giờ ông gặp những con mắt sáng đến như vậy. Long lanh giận dữ. Sáng quắc như được nạp một dòng điện siêu nhiên. Rồi Lan bậm môi nhổ vào mặt Tí: - Đồ tể! Mày là thằng đồ tể. Chết đi, hồn tao sẽ hiện về bóp cổ mày. Ông đại úy ra lệnh: - Ông Tí, bịt mồm nó lại. Tí run run lấy miếng vải đen quấn ngang qua mồm Lan rồi buộc vào chiếc cọc. Lan vẫn rãy rụa nên mảnh vải không tài nào buộc chặt lại được. Lan gầm to: - Đồ tể! Giết người! Đồ tể! Giết người! Ông đại úy lại ra lệnh tốn giẻ vào mồm Lan. Lan dùng lưỡi đẩy miếng giẻ ra, nên khi ông đại úy đang đọc bản án, hắn lại tiếp tục rủa xả. Thế này thì thật chẳng còn ra thể thống gì nữa. Ông đại úy tức giận chạy đến tát vào mồm người tử tù. Lan vẫn nói không ngừng. Tí giò đứng đấy, mồ hôi vã ra như tắm. Lần đầu tiên, ông chuyên gia trói buộc này bỗng thấy hai bàn tay mình run rẫy. Nhưng, một sáng kiến về trói buộc bỗng lóe nở trong óc. Tí chạy ra lấy chiếc dây cao su buộc hàng đàng sau xe đạp. Ông kêu to khoái trá: - Đây rồi! Đây rồi! Lần này thì mày phải câm miệng. Tí cầm chiếc dây cao su quấn ghì đầu Lan vào chiếc cọc tre. Ông vòng dây cao su ngang mồm Lan; Lan há mồm định nói, nhưng chiếc dây đã lanh lẹn ngáng qua, chịt hàm răng lại. Quấn hai vòng cao su xong, Lan bặt nói, nhưng chiếc khăn đen bịt mắt lại tụt xuống. Ánh mắt lúc này còn sáng quắc hơn lần trước. Có lẽ bị bịt hết cửa biểu hiện rồi nên toàn thể tinh lực căm giận phải tuôn trào hết ra ánh mắt. Tinh lực ấy làm ngầu đôi mắt, nó đẩy hai nhãn cầu lồi ra phía trước. Tí bỗng lạnh toát từ đầu đến chân. Ông vẫn đọc thấy trong đôi mắt ấy lời chửi rủa hận thù: - Chết! Hồn ta sẽ hiện về..... Tí run rẩy sợ hãi. Ông liền vòng ngay một vòng cao su qua đôi mắt quái đản ấy, để khép kín vĩnh viễn chúng khỏi cuộc đời. Tiếp đó, những pháy đạn nổ ròn... Máu ở tim Lan vọt ra rất mạnh. Lan giật lên từng hồi, giật rất lâu. Tí thầm nghĩ: "Cả đến cách dẫy chết của thằng cha này cũng mang lời oán hận." Và ông chợt nghĩ thầm: "Hay là nó oan thật sự?" Phát súng nhân đạo đã bắn vào thái dương người tử tù. Bác sĩ pháp y ra khám nghiệm, tuyên bố phạm nhân đã chết hẳn. Tí làm nốt công việc cuối cùng. Ông mệt mỏi cởi sợi dây cao su chằng mồm và mắt Lan. Đôi mắt vẫn mở trừng trừng oán hờn khiến bàn tay Tí giò càng thêm lẩy bẩy. Khi ông cắt nốt chiếc lạt cuối cùng, ông vụng về đến nỗi cắt cả một mảng da ở cổ tay phạm nhân. Xác chết không còn gì trói buộc nữa, đổ gục xuống tấm ván nắp áo quan đã để sẵn dưới cọc tre. Hai người khiêng cái nắp áo quan; Tí giò đi sau còn trông thấy hai bàn tay người tử tù vẫy theo nhịp đi. Quái quỷ thật! Bàn tay như vẫy gọi Tí. " Hai, ba... nào" - Tí giò hô to và hất xác chết xuống áo quan đã đặt sẵn dưới huyệt. Cái xác chết lúc này lại được lật ngửa lên. Đôi mắt lồi ra khỏi hố mắt mầu trắng dã của kẻ tử tù lại có dịp nhìn vào mặt Tí giò. Nhìn chằm chằm như chiếc máy ảnh muốn chụp lại khuôn mặt hoảng hốt của Tí. Tí nghĩ thầm: "Trời ơi! Đôi mắt ấy vẫn còn sống. Nó chớp chớp và nó đe dọa." Tí vội vàng vứt nhanh chiếc nắp áo quan xuống để khỏi phải nhìn thấy đôi mắt ma quái ấy. Rồi ông xúc đất, xúc vội vàng, lấp qua loa. để gọi là có một nấm mồ. Sau hôm xử bắn Lan, Tí giò thấy trong người khó chịu. Rồi Tí giò mất ngủ, mất ngủ liên miên. Hễ lúc nào nhắm mắt, là đôi mắt trắng dã của kẻ tử tù dưới mộ lại hiện ra trước mắt Tí. Đôi mắt ấy đang báo thù. Nó không cho Tí ngủ, vì hễ ông nhắm mắt lại là lập tức nó hiện ra. Tí mất ngủ đến hàng tháng trời. Người vêu vao phờ phạc. Tí tìm cách chợp mắt để lấy lại sức khỏe. Anh ngủ ban ngày, và ngủ ngồi. Anh trốn chạy đêm tối, vì nghĩ rằng chỉ đêm tối hồn mới hiện về. Nhưng chỉ được hai hôm. Đến hôm thứ ba, dù ngủ ngày và ngủ ngồi đôi mắt trắn dã căm thù vẫn cứ hiện về. Tí nghĩ: " Mày định chọi với tao à? Tao phải chọc mù hẳn đôi mắt trắng dã của mày." Một tối chờ dân làng ngủ yên hết cả, Tí cầm chiếc thuốn đi ra bãi bắn ven đê. Ông tìm đến mộ của tử tù Lan. Và ông cứ nhằm phía đầu mồ mà thuốn, mà đâm. Sức mạnh phi thường của Tí làm tan cả mảnh ván thiên. Tí thúc thanh sắt vài lần nữa, thì chiếc thuốn sọc ngay vào đầu tên tử tù. Chắc là vậy, bởi vì Tí cảm thấy thanh thuốn chạm phải một vật gì cứng. Sự va chạm ấy phát ra một âm thanh khô khốc, lạnh lẽo. Tí thầm nghĩ: "Phải chọc tan chiếc đầu lâu của mày ra." Bằng động tác giã giò, Tí kéo lên thọc xuống, cho đến lúc tay ông có cảm giác lạo xạo của chiếc đầu lâu bị vỡ vụn. Khoan khoái, hả hê, Tí rút thuốn lên. Đột nhiên, một luồng khí xanh lè phì ra từ lỗ thuốn. Tí không tránh kịp, luồng khí phụt luôn vào mặt. Tí rú to, vứt thuốn, ôm lấy bộ mặt lạnh toát của mình. Rồi, sợ hãi quá, Tí cắm đầu, cắm cổ chạy. Luồng khí xanh lè ấy đuổi theo anh như một bóng ma. Và văng vẳng có tiếng người tử tù thét lớn: - Tao sẽ giết mày... Đồ tể! Đêm ấy, Tí lên cơn sốt cao. Sau khi khỏi sốt, người ta thấy ông thường xuyên lấy hai ngón tay bịt hai lỗ tai, bởi vì tiếng nói của người tử tù luôn vang trong óc ông để đe dọa. Giai đoạn trước, thỉnh thoảng có đêm Tí chợp mắt được ít tiếng. Giai đoạn này, Tí hoàn toàn mất ngủ. Đêm đêm, ông như một bóng ma lang thang khắp làng. Có đêm, người tuần nông gặp ông ta quì trước mộ người tử tù và van lạy: - Tôi xin anh buông tha. Tôi có giết anh đâu. Một luồng khí xanh lơ từ mả bốc lên và có tiếng người văng vẳng: - Anh chối sao được. Anh là đồ tể. Nghề của anh mọi người đều biết. Xóa đi cũng chẳng nổi. Giai đoạn cuối cùng, không những Tí luôn luôn nghe thấy tiếng người tử tù, mà ông còn trông thấy cả bóng người săn đuổi mình. Có đêm, Tí chạy rầm rầm ngoài đường, rồi bất thình lình vội vàng nép vào một bụi cây, một đống rơm, hoặc một nơi bẩn thỉu tối tăm nào đó. Ban ngày, Tí quên ăn, quên uống, luôn lắp bắp lạy van, và thích thu hình rúm ró ở những xó buồng xó bếp. Cuối cùng, Tí bỏ làng đi mất trong một đêm mưa phùn, để rồi mấy hôm sau lại trở về nghĩa địa tử tù và chết cong queo bên một gốc phi lao. Đêm nay, tôi gặp lại vong hồn Tí ở pháp trường. Mặc dù Tí đeo một màn sương, tôi cũng nhận ra người đồ tể với số phận bi thảm ấy. Tí cũng nhận ra tôi. Bây giờ, giọng điệu của anh không còn vẻ lên mặt nữa; anh chuyển sang một tâm sự buồn rầu. - Anh Hoàng ạ, chết rồi mà tôi vẫn khổ. - Chết còn biết khổ sao? - Người chết tức là được nghỉ ngơi vĩnh viễn. Chỗ ở của người chết bao giờ cũng là một khu rừng yên tĩnh, ở đó chỉ có tiếng ru lá và tiếng chim véo von. Đằng này, cái chết của tôi là chết lang thang. Tôi vẫn mất ngủ. Đêm đêm, tôi vẫn là một linh hồn cô đơn đi vật vờ ở bãi pháp trường hoang lạnh này. Tôi mỉm cười: - Tưởng anh phải được vào xứ thiên đàng. - Anh định nói rỡn một con người thảm hại như tôi sao? Đến địa ngục, người ta cũng chẳng cho tôi vào, vì ở đó chỉ tiếp nhận những con người bình thường ở thế gian. - Vậy, ra anh là một con người không bình thường? được lên thiên đàng, cũng chẳng được xuống địa ngục. Ôi chao! Sao tôi thèm được nằm dài yên tĩnh trong một nghĩa địa êm ả nào đó. Không một nghĩa địa nào thu nhận tôi. Người ta bảo kiếp của tôi là kiếp của một ông thầy tu cô đơn lang thang. - Vậy thì ông hãy lang thang bằng đôi chân của mình... Cớ sao anh còn lảng vảng ở nơi khủng khiếp này? - Tôi sợ hãi sự lang thang cô đơn lắm rồi. Tôi... Tôi... phải chờ ở đây để gặp những người tử tù đã bị tôi trói buộc để van xin họ cho linh hồn tôi được nghỉ ngơi. Kìa! Đã sắp sáng những hồn ma sắp trở về đón bình minh rồi chui xuống mồ... Tôi quay lại phía sau lưng, thấy những bóng trắng chập chờn đi lại. Tí giò quì xuống: - Anh Lan! Tôi van anh, hãy giải lời nguyền thù oán cho tôi. Hãy cho tôi sự yên tĩnh. Hãy cho tôi giấc ngủ. - Ta đâu có quyền gì. Tôi của ông là vậy, ông phải nhận hình phạt là vậy. - Tôi có giết anh đâu. - Khác gì giết. Sao ông trói mồm tôi lại, khi tôi muốn kêu than? Sao ông trói mắt tôi lại, khi tôi muốn nhìn cuộc đời.Ông có quyền gì mà tự cho phép được trói mắt, trói mồm con người lại? - Kìa cô Huệ. Cô làm ơn nói giúp hộ tôi. - Làm sao nói được, khi ông chẳng một chút nới tay, khi tôi van xin ông cởi trói để tôi ôm con tôi và cho con tôi bú. - Anh Thái! Em van anh nghĩ tới tình đồng đội khi xưa. - Ta giúp anh nhiều quá rồi. Ta dìu dắt anh, dậy anh học, giúp anh cách làm việc. Chính những người như ta đã tin anh, đã đưa anh lên những địa vị, để cuối cùng nhận những lưỡi dao xoáy thẳng vào tim. - Các người không tha thứ cho ta sao? - Tha thứ sao được. Hãy cứ để cho anh cô đơn và lang thang, để làm bia, để làm gương cho thiên hạ. Ta biết anh quỉ quái lắm. Anh đã chết rồi, nhưng còn con anh, còn cháu anh, còn họ hàng nhà anh vẫn nằm trong ngôi vị làng xã. Anh vẫn truyền di lại cái chất đồ tể của anh cho họ. Phải cho họ nhìn thấy cái kiếp đồ tể sẽ là như thế. Tôi xen vào cuộc đối thoại: - Ông hương sư ơi, ông phải giúp hắn, bởi vì chính ông phải chịu trách nhiệm về những hành vi của hắn. - Sao? Trách nhiệm ư? - Chính vậy, vì ông là người thầy. - Ta chỉ dạy những điều tốt đẹp. - Ông đã dạy hắn phải biết tàn nhẫn. - Ta đâu có dạy điều đó. - Không nên chối. Lão Quản Hưng là bác ông, chính ông đã lập kế hoạch giết Hưng, đã chỉ vẽ cho Tí giò về đặc tính của chánh Hưng, do đó hắn mới biết cách phục kích lão ta ở trong chuồng lợn. Nếu không có kế hoạch của ông, khó ai có thể giết được lão ta. - Chánh Hưng là kẻ thù, tất yếu phải giết. Còn ta, ta là đồng đội của hắn, tại sao hắn giết nốt cả ta? - Ông quên rồi sao? Ông dạy Tí phải biết cảnh giác, phải nghi ngờ ngay cả những người thân thiết của mình. Chính ông đã nói, trong những bước ngoặt lịch sử có thể đồng đội của ta lại trở thàng kẻ thù. Cũng chính ông đã nói: hễ là đối lập thì không thể tồn tại. - Anh Hoàng, anh thật là quỉ quái. Anh đổ mọi tội lỗi lên đầu ta. Chẳng lẽ cái việc gạt bỏ những người họ Phạm ra khỏi quyền lực cũng do ta dạy cho Tí giò? - Chứ sao! Xưa kia, ông đã bao nhiêu lần nói tới cái sức mạnh của số đông phe cánh. Không có số đông phe cánh. Không có số đông phe cánh thì ta không thể làm nổi một việc gì ở thời đại này. Có một điều ông không dạy bằng lời nói: đó là sự khát khao quyền lực. Nhưng chính ông đã làm điều đó rất có ý thức. Và Tí giò đã lặp lại cách sử dụng quyền lực của ông. Sự khát khao quyền hành là động cơ kỳ diệu, nó giúp con người làm nên kỳ tích, nhưng khi cực đoan nó cũng biến thành người đao phủ. Ông hương sư ơi! Chính vì vậy, nên tôi nói rằng ông phải chịu trách nhiệm về hành động của bác Tí giò. - Không phải ta dạy Tí giò điều đó. Chính lão Hương Tẹo mới là thầy dạy Tí giò. Có đúng không hả ông Ti? Từ nãy Tí vẫn đứng ngẩn nghe tôi và Thái đối thoại, lúc này ông ta như đang tỉnh ngủ. Ông tần ngần trả lời: - Thưa, cả anh Thái, cả cụ Hương Tẹo... Cả hai người đều là thầy dạy của em. Bây giờ em hiểu ra điều đó. Thái giơ tay lên, kêu to, phản đối: - Các người vu oan cho ta. Đây các người hãy nhìn xem: bàn tay ta sạch sẽ; trái tim ta trong trắng; tâm hồn ta tốt đẹp. Lan, người tử tù bỗng cười lên sằng sặc: - Các người ơi! Đừng chơi trò giả dối. Trắng ư? Đen ư? Tội lỗi dù trắng hay đen cũng tội lỗi. Tôi là một người đã bị dồn đến chỗ giết người, rồi lại bị người khác giết mình. Tôi chắc hiểu được thế nào là lưỡi dao đâm thọc vào tim. Không nghi ngờ gì nữa! Khi ta để một con người gục xuống, thì dù ta là đồ tể, dù mượn tay người khác làm đồ tể, cũng không thể nào bào chữa được. Có tiếng gà gáy dồn; và thấy những tia sáng đầu tiên nhô lên ở đằng đông. Những bóng ma bồng bềnh bỗng tan biến đi cùng những màn sương trắng. Tôi nhìn chiếc cọc tre đen xì cắm vào lòng đất phù sa, chợt có cảm giác như một chiếc đinh khổng lồ cắm vào trái tim mình. Tôi chợt bùi ngùi cúi xuống, vục tay bốc lên một nắm đất phù sa và than van: - Đất quê ơi! Với ông hương sư Thái và lão Hương Tẹo làm thầy; không hiểu rồi đất quê ta sẽ từ màu hồng biến sang màu gì nữa? Tôi chợt nảy ra một ý định rồ dại. Tôi chạy lại gần chiếc cột đen xì, và lay, và đẩy. Phải nhổ cái đinh gớm ghiếc ấy đi! Một bàn tay hộ pháp chợt nắm lấy tay tôi và vặn ngoéo ra sau lưng. Tiếng Tí giò cười khinh khích: - Đừng có đùa! Ông định nhổ nó đi sao? Nhổ nó ư? Hết pháp trường, ta sẽ đi đâu? - Bác Tí giò đấy ư? Bác là hồn ma lang thang. Bác thèm sự nghỉ ngơi. Vậy thì hãy đến một khu rừng yên tĩnh. Nước ta thiếu gì những vạt rừng đẹp đẽ, ở đó là sự bằng an.... - Không! Nơi ta ở chính lá miếng đất mầu đỏ và chiếc cọc đen xì này. Đi khỏi nơi đây, Tí giò sẽ chẳng còn là Tí giò nữa. Tôi điên lên tức giận: - Sao mà ngu muội! Hãy nhổ chiếc cọc tang tóc này đi. Tôi vật lộn, định thoát khỏi bàn tay hộ pháp, nhưng Tí giò đã kéo lưng tôi áp sát vào chiếc cột, và quặt hai cánh tay tôi ra phía sau. Hắn cười hềnh hệch: - Này! Thử nếm mùi chiếc lạt tre của tớ xem sao. Đã lâu tớ chẳng được trói ai. Nhớ quá. Chiếc lạt mềm đã thoăn thoắt quấn vào cổ tay tôi. Tôi tức giận điên cuồng, lồng lộn giằng xé. Tí giò càng cười to: - Cứ thử rãy rụa thật khỏe, xem tài nghệ trói buộc của tớ ra sao. Nào... nào... thở à?... Mệt rồi hả?... Nào, cố lên! Cố lên... Đờ ra à?... Hàng chưa?... Hàng thì tớ cởi trói cho... Tôi lợm giọng, nhìn lão Tí giò nhảy múa, hí hửng trước mặt tôi. Mắt Tí long lanh. Tay Tí quơ quơ con dao lá lúa, mà vờn, mà dọa. Tôi khinh bỉ nhìn bộ mặt kỳ quái ấy. Và tôi nhổ toẹt. Tí giò lấy tay vuốt mặt, rồi gầm lên. - A! Tên láo xược. Và hắn vung con dao lá lúa đâm thẳng vào trái tim tôi. Tôi thét to và ngất lịm...