Chương 1
CHUYẾN ĐI VỀ SÁNG

     ết hy vọng, tình thế không thể đảo ngược được nữa. Vỏn vẹn năm ngày giằng co, thoi thóp, cuối tháng 3/1975 toàn bộ Quân đoàn I, năm tỉnh địa đầu cùng các vùng phụ cận, đã rã ngũ, lần lượt rơi vào tay giặc, rồi tiếp theo cả miền Nam thân yêu sụp đổ, bao mạch sống muốn ngưng hẳn, 30/4/1975. Những kẻ chiến thắng mặt sát khí, ăn mặc hổ lốn, tràn lan khắp nơi, tìm bắt các sĩ quan, viên chức Việt Nam Cộng Hòa còn lẩn trốn, không đầu thú. Mặt khác, chúng vét hết xe cộ, kho tàng, hàng hóa buôn bán tư nhân đem về Bắc, sào huyệt của chúng. Các bất động sản, nào nhà to, đất rộng… của dân cũng bị tịch thu, chiếm cứ. Cộng quân còn giở trò ve vãn vợ con những ai đã phục vụ dưới chế độ cũ, với ý đồ tống tiền, tống tình, phá bỏ cả đạo đức, ly tán mọi gia đình người Nam.
Như lịch sử đã ghi, xưa một ngàn năm giặc Tàu, một trăm năm giặc Tây, nay giặc Hồ phương bắc, Mác-lê bạo quyền.
Trước các nguy cơ dồn dập, chắc tôi phải đi, rời khỏi Đà Nẵng càng sớm càng tốt. Tôi sẽ đến một nơi thật xa lạ, ở đâu tôi có thể ẩn náu được khoảng đời còn lại nửa phần thân thể của người lính bại trận.
Để thực hiện ý định, sáng sớm hôm nay khi tiếng gà còn eo óc của một ngày hoang tàn đầu tháng 5/1975, tôi lẻn vào thăm Quang Châu lần cuối cùng. Quang Châu, quê tôi, một ngôi làng xưa cũ, thuộc huyện Hòa Vang, Quảng Nam, phía tây nam thành phố Đà Nẵng 10 cây số, nơi tôi với hai người chị Trần thị Thông và Trần thị Minh ra đời. Chị Thông thì đã chết từ lâu, năm 16 tuổi.
Tôi phải ghé nhà chị Miên (Minh) trước. Chị lấy chồng ở Miếu Bông, một thôn cùng xã, kế cận với Quang Châu. Tôi sẽ nói rõ là tôi đã quyết định biệt xứ, không bao giờ trở lại.
Chiếc Honda ba bánh của tôi vừa rẽ vào con đường ngoằn ngoèo giữa hai hàng tre quen thuộc, tôi bắt đầu lo ngại. Khi nghe chuyện buồn tôi phải ra đi trong lúc tình hình bất ổn đủ thứ thế này, vì tình chị em chắc chắn Miên sẽ ngăn cản. Tính chị thật thà, thực tế, ít quan tâm đến thời cuộc, chỉ lam lũ làm ăn từ ngày lập gia đình. Cha mẹ và các anh chị lớn đã chết, chỉ còn tôi với Miên cùng chung máu mủ, nay chia tay biết bao giờ gặp lại, chị không buồn sao được.
Tôi dừng xe trước hiên và bỏ chiếc xe lăn tay xuống đất. Thấy Miên thấp thoáng nhà dưới nhìn ra, tôi lăn vào, vừa tới cửa, khác với thường lệ, tôi không chào hỏi chị mà nói ngay:
- Mai em đi sớm?
Đang lui cui bên bếp lửa, chị day mặt qua hỏi:
- Đi đâu?
- Cao nguyên Lâm Đồng!
Miên trố mắt:
- Làm chi?
- Làm ăn.
- Cậu nói đùa hay thật vậy?
Tôi vừa lấy gói thuốc trong túi áo ra đốt một điếu hút vừa nghiêm nghị trả lời:
- Tình thế khiến chết tới nơi, em còn đùa sao?
Miên lắc đầu:
- Cậu suy xét kỹ lưỡng chưa? Tiền bạc không có, phần thì cụt hai chân, bệnh viện mới về, ốm yếu, cậu đòi lên xứ núi xứ thượng, không thân nhân họ hàng, lấy chi sống?
Miên xót ruột, nêu dẫn một số yếu điểm của bản thân tôi, để mong tôi bỏ ý định thực hiện chuyến đi chẳng mấy sáng sủa. Nhìn quanh trong nhà không một bóng người nào khác, tôi dằn cơn xúc động nói cho hả dạ:
- Trời sinh voi thì phải sinh cỏ. Thà đói chết xứ người còn hơn sống nhục nơi mà mình đã bao năm chiến đấu để bảo vệ, nay tất cả đã rơi vào tay giặc, em không thể nhìn mãi kẻ thù rừng rú nhởn nhơ đầy phố. Chị đâu biết, hầu hết các sĩ quan, viên chức chính quyền cũ -Việt Nam Cộng Hòa- đều bị bắt. Vả lại em đã quen với đời sống quân đội rồi. Đói no, gian khổ là chuyện thường.
- Cậu nói tôi tưởng cậu đang đọc một quyển tiểu thuyết tình cảm xã hội. Quân đội đâu nữa để quen đói, quen no?
Miên giằn từng tiếng. Chằng hiểu sao hôm nay chị lại hằn học, hay chị giận cá chém thớt? Mấy năm trước, ông anh rể tôi khi còn trong quân đội, vì xa nhà đã sinh tật có vợ bé nên gia đình thường lục đục… Thấy thái độ của Miên có khác lạ khiến tôi đoán mò, chứ lẽ nào chị nhập nhằng chuyện chồng ngoại tình với con đường sinh tử của em mình. Dẫu sao tôi cũng cố thuyết phục chị:
- Nghe đồn có khóa học “cải tạo tư tưởng” 15 ngày tại chỗ sẽ mở nơi trường Trung Học Nguyễn Trường Tộ, kế Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I cũ, bọn Việt Cộng, qua cái gọi là Ủy Ban Quân Quản thành phố Đà Nẵng, dành cho các phế binh Việt Nam Cộng Hòa cùng đám đầu trộm đuôi cướp, xì ke ma tuý. Nếu tham dự em sẽ bị lộ diện, tụi nằm vùng, đón gió trở cờ, tố cáo công trạng chiến đấu, kẻ thù ắt phải lưu đày em biệt xứ, hay đem chôn sống không chừng. Ai mà tin nổi cái chính sách nói là khoan hồng tất cả như chúng đang rêu rao tuyên truyền trên các đài phát thanh. Chính sách nào dưới chế độ Cộng Sản cũng bắt nguồn từ bản chất phi nhân, gian trá của tập đoàn Marxist.
Chúng đã buộc tội em phản quốc, chẳng hiểu quốc nào, là theo quân đội Quốc Gia. Họ sẽ giao cho các phần tử lưu manh, “cách mạng 30″, địa phương quản lý, bám sát theo dõi, ngay miếng ăn cái mặc, đi đứng thảy đều bị dòm ngó, coi mình như người tù. Trường hợp em dễ gì được chúng tha, kẻ thù sẽ bằm nát thây thôi! Cộng Sản là vậy, chị chưa biết sao?…
Tôi nói lung tung, toàn chuyện ghê gớm, mà thật sự đang xảy ra và còn tái diễn dài dài, để chị hiểu vì nguy cơ tôi phải dứt khoát lẩn trốn. Sáng sớm ngày mai tôi phải lìa quê hương, nơi tôi đã hơn một lần đẫm máu, bỏ lại đôi chân trên chiến trường bão lửa.
Miên xách ấm nước chè lá khô, thoảng mùi gừng, rót tôi một ly. Sau một năm nằm nhà thương, nay tôi về thăm, trông chị quá gầy guộc. Chỉ hơn tôi hai tuổi, mà khuôn mặt chị như trên một giáp, đầy nếp nhăn nheo khắc khổ, nụ cười dịu hiền của những ngày xưa cũng thiếu vắng. Từ lúc người mẹ yêu dấu, dòng dõi hoàng phái, hẳn đã không chịu nổi cảnh cơ cực ở miền quê hẻo lánh Quang Châu, phải quảy gói ra đi bỏ hai chị em tôi phải rày đây mai đó mãi theo cha tìm mẹ. Từ thuở lên ba đã thiếu mẹ, tôi sống bám vào tình thương của Miên, người chị duy nhất…
Chắc vì tình ruột thịt, dầu tôi có tràng giang đại hải, diễn giải hết bao nguy cơ sắp ập đến, chị vẫn phớt tỉnh, còn hầm hừ ngăn cản:
- Theo tôi, đi xa chi cho khổ. Cậu chỉ đoán vậy thôi, chứ đâu chắc chắn người ta hại cậu. Cứ dự 15 ngày để yên thân. Đài phát thanh loan tin mấy ông sĩ quan, cả tướng lãnh nữa, cũng học một tháng, họ trình diện hết rồi…
Không lẽ trái với ý nghĩ của tôi, Miên lại ghét bỏ, đẩy tôi lún sâu vào con đường ô nhục của người bại trận. Lối lý luận của chị làm tôi cay cú:
- Chị nói vậy sao?
Miên ráng gân cổ:
- Không phải à?
- Nghĩ sao mà bảo em đút đầu vô đó học? Học cái gì nơi những kẻ ngu dốt, hèn hạ ấy? Chị chẳng hiểu gì về cái thâm độc của Cộng Sản. “Cải tạo tư tưởng”, ghê không? Một bọn lộng ngôn!
Nghe thấm mệt, chị ngồi phệt xuống đất, bên bếp lửa, ôm mặt. Chắc chị khóc trước quyết định cứng rắn của tôi. Từ nay chị em bắt đầu xa cách mãi mãi, cũng là cái mốc thời gian Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn sụp đổ. Mai đây chị sẽ thấy quê hương này chẳng khác nào địa ngục dưới ngọn cờ đỏ sao vàng, với gót giày cướp nước đoàn quân Bắc Việt.
Tôi đặt điều trấn an chị:
- Đừng lo. Em có vài thằng bạn cùng đi. Tụi nó hứa giúp em trên bước đường hoạn nạn…
Miên với đôi mất đẫm ướt, vụt ngước mặt nhìn tôi:
- Tụi nó hứa giúp? Tụi nó là ai vậy? Đến nước này cậu vẫn còn tin lời hứa hẹn bạn bè? Bạn đó? Cấp chỉ huy của cậu nữa! Một lũ hèn nhát bỏ chạy! Quên à? Cậu không nhớ mấy ngày cuối tháng Ba vừa qua. Việt Cộng còn đâu trong núi, đồng bào lo sợ pháo kích, không được bảo vệ, mới đùm túm, dắt díu nhau di tản tán loạn đã đành; đằng này cả triệu quân, từng nói đánh đông dẹp bắc, cũng vội quăng súng đầu hàng tẩu thoát, bỏ cậu với hàng vạn thương binh, lớp đói khát nằm rên rỉ khắp các bệnh viện, lớp thì lê lết đầu đường xó chợ ăn xin. Chắc cậu tưởng tôi phận đàn bà không biết chăng? Tôi không biết, không hiểu nhiều thật nhưng thấy chứ, thấy quá rõ cái nguyên do đưa đẩy người dân đến thảm cảnh vô tiền khoáng hậu này. Mất nước, không phải Việt Cộng có ba đầu sáu tay đâu, tôi lặp lại cậu nghe, mà chỉ vì một lũ hèn nhát bỏ chạy!…
Tôi sửng sốt, lần đầu tiên tôi nghe Miên thao thao xổ một tràng lời lẽ như người am tường chiến lược quân sự lẫn chính trị đâu hồi nào rồi. Nhận xét và sự phẫn nộ ấy tiêu biểu cho dân chúng có phần đúng, nhưng giọng chị quá quyết liệt, đến độ đanh đá, không thích hợp chút nào với người phụ nữ suốt đời tần tảo nuôi chồng nuôi con. Tôi không ngờ chị trở chứng dữ vậy, làm tôi mất thăng bằng. Tôi biện hộ:
- Vì vận nước thôi. Nếu có ai hèn nhát như chị nói thì chỉ một số tướng tá nào đó, chứ người lính cấp nhỏ họ luôn luôn chiến đấu tới cùng, không được quyền bỏ chạy…
Chưa hả giận, vin vào câu tôi vừa nói Miên lẹ miệng giằn từng tiếng:
- À thì ra ngoài mặt trận có sự phân biệt rõ rệt, gồm hai hạng: một được quyền bỏ chạy, còn một phải chiến đấu đến chết, chết thay cho quân khốn kiếp bỏ chạy. Theo cậu hạng vinh dự để sống là các tướng? Chắc họ biết họ sinh vi tướng thời thế tử bất vi thần, nên tẩu vi thượng sách. Thế mà cứ nói vì vận nước, tức do ông trời!
Người dân tội tình gì phải thất điên bát đảo, con mất cha, vợ mất chồng, nhà cửa tan hoang trong lúc các cấp lãnh đạo, ăn trên ngồi trước, thì lại cao bay xa chạy tuốt ra nước ngoài hưởng thụ giàu sang. Cậu đã hy sinh nửa phần thân thể kể như chết rồi. Nếu ở đây thấy nhục nhã, đi nơi khác cậu lấy gì làm vinh, khi giặc tràn lan khắp nước? Nhân lúc chính phủ “cách mạng” đang đề xuất chính sách giãn dân, quê đâu về đó. Cậu nên dọn vô căn nhà sẵn đất đai vườn tược chung quanh của cha mẹ trong Quang Châu, hơn là lìa bỏ quê hương ra đi xứ người. Cậu coi việc nào lợi…
- Chị nói nghe dễ lắm! Em về ở thì làm sao sống nổi với mấy đứa con anh Phó kế bên, nhất là thằng gì, đại úy không quân Việt Cộng, từng theo xách cặp táp cho Võ Đông Giang đại diện Bắc Việt trong Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên tại phi trường Tân Sơn Nhứt Sài Gòn, nó thường về, kênh kênh cái bản mặt Marxist. Cả đám theo giặc đâu từ đời ông nội nó. Bây giờ những người chế độ cũ miền Nam chưa chết tiệt hết, chúng còn kiêng nể bà con giòng họ, chứ mai kia mốt nọ, khi quân cướp nước đã xây thành đắp lũy vững chắc rồi thì đừng hòng mình yên thân.
- Ông nội thằng đại úy là anh của ba, bác mình. Tụi hắn là cháu, ai vô?
Tôi trừng mắt:
- Ừ con cháu! Chị quên vụ Tết Kỷ Dậu 1969? Cháu đó, đứa nào, con ai, đã rước voi về giày mả tổ, đánh phá, làm đổ nát Quang Châu, ngôi nhà thờ ba má, anh hai Thái, chị Thông cũng suýt tan tành. Biệt Động Quân phải vào giải tỏa, tống cổ hết bọn chúng ra khỏi làng. Nay biết đâu cái thứ trời đánh đó nhơn danh giặc trả thù. Chúng đã nhúng tay vào máu rồi, mình đừng để mắc mưu nữa?…
Miên cướp lời:
- Chuyện ngôi nhà thiệt hại là do Biệt Động Quân. Ngày cậu dẫn lính vào giải tỏa tôi có nói Việt Cộng không nhiều, chỉ năm ba thằng bị kẹt lại, ẩn trốn trong làng, cậu vẫn mạnh tay, bắn sụp vách tường sau nhà…
Dù cậu muốn hay không miền Nam cũng đã mất. Giờ thì chính sách của họ là khoan hồng tất cả. Cậu đã thương tật cớ gì phải sợ trả thù.
Miên diễn giải, tôi có cảm tưởng chị đã bị bọn nằm vùng mượn tay chiêu dụ, tôi quá bực tức và dứt khoát:
- Em nói cho chị rõ một lần nữa, chị không hiểu cái độc ác của con người Cộng Sản nên bị lung lạc, phỉnh lừa. Chị ở đó để nhận sự khoan hồng!
Dứt lời, không đợi Miên biện hộ hay giải thích, tôi lăn xe ra cửa. Tôi lăn thật nhanh để khỏi nói gì thêm, dù còn nhiều điều cần bàn, như căn nhà tôi đang ở trước mặt Bộ Tư Lệnh Quân đoàn I Đà Nẵng, phải bán tháo bán rẻ hay là cho ai, và chuyện vợ tôi đã dắt mấy đứa nhỏ về quê ngoại Phan Rang cả tháng nay. Tôi cũng chưa kịp nói tôi cô đơn đến rợn người, những kẻ thân quen, những chiến sĩ từng gian khổ với tôi đã tản mạn đâu hết, phố phường vắng ngắt…
Sau lưng, tiếng chị vọng theo, như níu kéo: “Cậu đã hiểu sai ý tôi” rồi bật khóc. Tôi nhủ thầm hẳn đây là lần cuối cùng tôi sẽ không bao giờ còn được nghe giọng nói của chị nữa.