CHƯƠNG 2

     ió mơn man trên đồng cỏ, thằng con trai choai choai vừa chăn trâu vừa thả diều, chiếc diều cánh cốc trắng muốt khẽ chao liệng, chấp chới trên nền trời xanh ngắt. Nắng chiều vàng rực tiếng sáo diều vi vu vi vu....
Thằng con trai vừa phát hiện dưới bến sông có đứa con gái đang rửa cọ làm trái tim nó bỗng rạo rực. Nó đã nhận ra, đứa con gái đó là Nga. Tên đứa con ái âm vang trong tâm trí nó từ bao giờ. Nó vừa thích thú vừa sợ hãi. Đã một lần nó mơ thấy nó và cái Nga đã nằm cạnh nhau, trong đình Nguyệt Hạ. Nó thấy xấu hổ về thói hư đốn quá thể của nó. Nó phân vân không hiểu bằng tuổi nó có đứa nào đã nghĩ đến chuyện đó sớm như nó. Nhưng rõ là mỗi khi nó đứng gần cái Nga, lòng nó thấy biến động khác thường. Nó có thể xông vào vật lộn với tất cả những đứa con gái cùng tuổi trong làng nhưng riêng cái Nga thì nó lại sợ. Chưa một lần nào nó dám nắm cổ tay cái Nga. Nó ngấm ngầm tự hào rằng trong tất cả cánh con trai cùng lứa chỉ có mỗi mình nó phát hiện ra cái Nga có gì bí ẩn đặc biệt hơn tất cả mọi đứa con gái khác. Mắt cái Nga đen lay láy, mày cong vút. Bàn tay mềm mại với những ngón tay thon nhỏ. Khổ thân thằng bé, mỗi lần nghĩ tới cái Nga nó lại nảy ra trí tưởng tượng ghê gớm.
Nó ngước mắt nhìn cánh diều trắng đang hát bài hát chỉ dành riêng cho nó và cái Nga nghe. Lúc này nó tưởng tượng nó và cái Nga là những nhân vật huyền thoại của làng Nguyệt Hạ mà bố nó ngày còn sống thường kể cho nó nghe. Nó mỉm cười cúi xuống gãi gãi vào ức con trâu, con trậu đang gặm cỏ bống ngửa cổ lên nhe hàm răng trắng bóng ra cười "thế nhé!''. Thằng con trai rỉ tai con trâu, tay thoăn thoắt thả hết đoạn dây còn lại trong khung dây ngoắc vào sừng con trâu, rồi nhảy phốc lên nằm bò trên mình trâu. Thằng con trai mơ màng nhìn xuống vệ sông. Mặt nước lấp lánh quanh đôi chân trần và bóng cái Nga lung linh, lung linh. Thằng con trai tưởng tượng nó và con trâu đang được cánh diều trắng, nâng bổng lên cao, cao nữa, cao mãi.
Thằng con trai giật giật dây cương lái con trâu cho nó tiếnn về phía vệ sông.
- Hãy nghe lời tao đi, hỡi "ngựa xanh" - Thằng con trai khẽ thủ thỉ. Con trâu thủng thẳng tiến gần tới chỗ đứa con gái. Cu cậu vừa lim dim mắt. Đứa con gái nhoẻn miệng cười rõ tươi, nheo nheo mắt nhìn mãi cánh diều trắng đang phát ra thứ âm thanh tuyệt diệu ro...ro....ro...ro...ro. Thằng con trai gai người thấy nụ cười trên môi đứa con gái chợt tắt. Nó đoán cái Nga đã nhận ra nó. Thằng con trai thấy vẻ bối rối của cái Nga, nó chữa thẹn bằng câu nói vu vơ:
- Cái diều đã lôi con trâu đến đây.
Không phải cái diều nó lôi con trâu đâu mà con trâu nó muốn tắm mát đấy.
Câu nói thật thông minh của cái Nga làm thằng con trai bật dậy ngồi nhong trên mình con trâu, miệng hét to, tay giật mạnh dây cương:
- Có thật thế không "ngựa xanh"? Mày muốn tắm hả.
Con trâu lao xuống sông bơi giống như chiếc thuyền lộng gió chở cả cánh diều trắng lẫn thằng con trai lướt trên mặt sông. Ro ro ro..ro ro ro, tiếng sáo âm vang. Lúc này thằng con trai đứng thẳng đơ trên lưng trâu kéo dây cương. Nước xăm xắp trên lưng trâu làm mát đôi chân thằng con trai. Gió lồng lên. Mặt đứa con gái rạng rỡ đứng bên đống cỏ cười rúc rích. Thằng con trai thấy lòng phơi phới nghe tiếng cái Nga reo lên trong gió:
- Tiến lên! Tiến nữa lên căng dây mũi hướng cho con trâu bơi xa ra giữa dòng. Càng ra xa  nước sông càng chảy xiết. Thằng con trai có cảm giác như nó đang đứng trên con thuyền vượt qua đại dương mênh mông. Nó đang làm được một việc kỳ diệu, trước một thử thách lớn lao vô cùng.
- Tiến lên! Tiến nữa lên - Thằng con trai khẽ động viên con trâu - Hãy dũng cảm lên "ngựa xanh", đừng sợ, đừng sợ...
Con trâu vểnh hai tai, cố nhô cao đầu lên khỏi mặt nước thở phì phì. Hai chiếc sừng con cong tít ngúc ngắc. Rõ là con trâu đã mệt và sợ. Dòng sông cái mênh mông rộng lớn và chảy xiết chưa một con trâu nào ở làng Nguyệt Hạ này vượt qua nổi. Bờ bên kia là cả thế giới xa lạ đối với tụi trẻ trâu làng Nguyệt Hạ. Chiếc khung dây diều ngoắc vào sừng trâu bỗng tuột ra lướt phăng phăng trên mặt sông. Tiếng sáo câm tịt. Cánh diều lộn nhào quay tít cuộn theo gió bay sang bờ bên kia. Con trâu lao vào bờ thản nhiên gặm cỏ. Thằng con trai lóp ngót từ dưới sông lên, quần áo ướt  sũng ngượng ngùng hết nhìn con trâu lại nhìn đứa con gái. Đứa con gái đứng ngẩn ngơ bên đống cỏ bối rối môi mấp máy muốn tìm lời an ủi. Thằng con trai vừa xấu hổ vừa tiếc ngẩn tiếc ngơ chiếc diều cốc trắng và cặp sáo "ro" nó đã mất bao công sức mới làm được. Nó cố tỏ ra bình thản để cái Nga khỏi buồn.
- Tớ sẽ làm cho một cái diều khác đẹp hơn và to hơn mang được sáo "bô bô" (người làng Nguyệt Hạ gọi sáo "ro ro" là sáo trẻ trâu, sáo "bô bô" là sáo thanh niên, sáo "bi bi", sáo "bì bì" là sáo các cụ già). Thằng con trai nói thế nhưng mắt nó vẫn nhìn sang bờ bên kia tiếc rẻ. Nó thấy buồn khi tưởng tượng ra chiếc diều trắng của nó sẽ phải phơi sương nắng đến ngày mục rữa ra. Những con dế chũi, con còng còng sẽ chui vào làm tổ trong ống sáo. Thằng con trai cởi phăng chiếc áo ướt sũng vắt kiệt, phơi lên mình con trâu rồi đến giúp đứa con gái rửa cỏ. Một lần nữa trái tim nó lại rung lên nhìn cặp đùi trắng lấp loá lấm lem bùn đất và khuôn ngực hơi nhú lên dưới lớp áo nâu bạc của đứa con gái. Nó cảm thấy chiều nay vừa may lại vừa không may. May là được gặp cái Nga, không may là để mất chiếc diều cánh cốc. Tất cả đó là hình bóng tuổi thơ dịu ngọt ngập tràn mơ ước và thế giới huyền thoại của nó.
Rửa xong cỏ, thằng con trai chạy lại lột tấm áo đã khô cong trên mình con trâu rồi bảo đứa con gái khiêng hai lồ cỏ chất lên mình trâu. Nắng chiều nhạt dần in bóng con trâu chở cỏ và bóng hai đứa trẻ trượt dài trên sông Cái. Thằng con trai vừa đi vừa kể cho đứa con gái nghe câu chuyện huyền thoại về sự tích làng Nguyệt Hạ. Bất chợt có tiếng gọi từ mặt đê vọng xuống.
- Đô ơi! Ơ Đô ơi...
Cả hai đứa trẻ nhận ra thằng Bức từ trên đê tâng tâng chạy xuống đứng trước mặt hai đứa.
- Mai đến phiên trâu nhà tao, mẹ mày nhờ tao đi nhận trâu sớm để mày về ngay, cả nhà mày đang chờ, nhanh lên....
Thằng Bức giật nhanh lấy nhợ trâu trên tay thằng con trai, mắt nó nhìn xoáy vào cái Nga.
- Cỏ của mày hả? - Thằng Bức cười toe toét tóm lấy cổ tay cái Nga giọng cợt nhả - Hé hé, e hèm, hãy trả công cho tao "tờ sớ" thì tao chở hai lồ cỏ này về tận nhà.
Mặt Nga đỏ bừng vì câu nói tục tĩu của thằng Bức. Thằng Đô rửa nhục cho cái Nga bằng quả đấm cật lực, tống vào giữa mặt thằng Bức. Thằng Bức nằm quay lơ ra đất, chới với giơ nắm tay doạ thằng Đô, miệng lắp bắp.
- Mẹ thằng Đô, mày sẽ biết tay ông.
Thằng Đô phốc lên mình trâu nhấc bổng hai lồ cỏ xuống đất. Nó lách nhách gánh cho cái Nga hai lồ cỏ về tới đầu làng rồi cắm đầu chạy. Vừa chạy nó vừa phấp phỏng không biết mẹ nó nhờ thằng Bức gọi nó về làm gì. Bóng chiều đỏ ối phía trời đông, mặt ao đình Nguyệt Hạ sẫm lại ngan ngát hương sen. Làng Nguyệt Hạ trầm mặc. Khói sương từ các mái bếp toả ra mùi thơm của cá nướng, vừng rang và bắp cải luộc. Thằng Đô vẫn còn mang tâm trạng rạo rực chạy về tới ngõ. Nó chợt đứng sững lại khi nhìn thấy trong nhà nó hôm nay sao lại có nhiều người thế, người nào cũng vận quần áo đẹp. Nó nhận ra mẹ nó bỗng nhiên hôm nay đẹp lạ thường. Trên ban thờ một mâm cỗ đầy xôi thịt, khói hương nghi ngút toả hương thơm ngát. Thằng Đô ngỡ ngàng, hôm nay đâu phải ngày giỗ bố. Gương mặt mẹ nó đang vui chợt thoáng buồn khi nhận ra nó đứng ngẩn ngơ giữa cửa. Mọi người giương mắt nhìn nó hơi ái ngại. Dì Thảo từ đâu chạy tới nhanh nhảu nắm tay nó kéo vào buồng. Lòng nó bỗng tan nát khi nhìn thấy người đàn ông tên là Quất làm công tác văn hoá xã thường hay đến nhà nó. Điều mà nó nghi ngại, nơm nớp lo sợ nay đã đến bất ngờ quá.
Mẹ đi lấy chồng. Tiếng dì Thảo vang lên bên tai nó.
- Cháu thay quần áo đi. Lấy bộ mới nhất mà mặc rồi chuẩn bị đi ăn cỗ. Ôi! Thằng cháu yêu quý của dì. Từ nay cháu có dượng Quất về ở hẳn đây với mẹ cháu. Phải ngoan, đừng làm điều gì phiền lòng mẹ và dượng Quất nhé cháu!
Dì Thảo vận áo hồng, quần láng đen, miệng nhai trầu đỏ thắm, khấp khởi bước ra khỏi buồng. Thằng Đô đứng lặng trong bóng tối nhờ nhờ của căn buồng nghe tiếng cười nói của mọi người. "Mẹ đi lấy chồng cháu lấy bộ quần áo thật đẹp mà mặc". Câu nói ấy lại âm vang trong tâm trí của nó. Người  đàn ông ở làng Gồi xa lạ bỗng nhiên nó phải gọi bằng dượng. Thằng Đô lúng túng mặc xong bộ quần áo mới. Nó muốn khóc nhưng cố tỏ ra là người lớn, bước ra nhà ngoài. Vẫn căn nhà quen thuộc mà lúc này nó thấy cô đơn lạc lõng với mọi người. Nó nhận ra ánh mắt của mẹ nó thỉnh thoảng lại liếc nhìn nó. Ánh mắt mẹ lâu nay là mặt trời luôn sưởi ấm trái tim nó. Vậy mà giờ đây ánh mắt của mẹ  bỗng trở nên lạnh giá đối với nó. Nó nhìn người đàn ông nó phải gọi bằng dượng, có nước da tai tái, mặt choắt đầu tháp bút, dáng mất cân đối quá thể. Chân dượng dài ngoẵng, lưng lại quá ngắn, khi ngồi trông ra dáng người lùn, khi đứng lại cao lênh khênh. Thằng Đô không hiểu tại sao mẹ lại lấy người xấu thế. Thằng Đô không tài nào đoán được tuổi của dượng Quất. Chợt nhìn thấy già khọm, nhìn lâu lại trẻ. Nhất là khi ông ta cười, nụ cười đần độn ngây ngô như con nít. Nhưng khi nghe ông ta nói lại đầy vẻ quyền uy.
- Mời các cụ xơi rượu đi, hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Từ nay tôi về đây ở hẳn với mẹ con cháu Đô cũng bởi nhiều lẽ mà tôi đã nghĩ kỹ. Thứ nhất là vì công tác - tổ chức mới giao cho tôi trực tiếp lãnh đạo phong trào văn hoá của làng Nguyệt Hạ này. Thứ hai, cháu Đô còn nhỏ chả lẽ lại để mẹ cháu về làng Gồi... hà hà, cấp trên thật sáng suốt có phải không các cụ. Phong trào văn hoá mới xã nhà nói chung là tốt nhưng riêng Nguyệt Hạ ta còn phức tạp, còn cổ hủ lắm. Tôi là tôi quyết vực cho làng Nguyệt Hạ này đứng lên hàng đầu...
Thằng Đô thấy người hâm hấp sốt. Lợi dụng lúc mọi người đang nghe dượng Quất nói chuyện nó lỉnh ra đi lang thang trên đường làng. Vầng trăng trải vàng khắp thôn xóm. Tối nay gió đông về tiếng sáo diều râm ran, trời xanh ngắt đầy sao. Ngày bố Đô còn sống, những đêm như đêm nay, hai bố con thường ra bờ đê thả diều. Khi diều đã no gió, bố thường cho Đô dong về buộc vào gốc nhãn trước cửa nhà rồi nó mới lên giường nằm lắng nghe tiếng sáo diều vi vút. Thằng Đô chợt nhớ tới cánh diều trắng của nó lúc này đang nằm trơ trọi ở đâu đó trên bờ sông bên kia. Thằng Đô cắm đầu chạy ra bờ đê hy vọng nếu có ai nhặt được chiếc diều của nó, tối nay thế nào nó cũng nhận ra tiếng sáo diều của nó. Vừa chạy được một đoạn, nó sững lại nhận ra hai ông cháu thằng Bức đang nghêng ngang chiếc diều trên vai đi lên đê. Từ ngày bố Đô mất, danh hiệu vua diều dành cho ông Kình. Bóng hai ông cháu thằng Bức lồng lộng dưới trăng. Gió từ đồng cỏ thổi lên phơi phới. Thằng Bức đứng trên mô đất chới với giơ cánh diều lên đỉnh đầu.
- Bẩm ông cháu buông nhé!
- Buông đi!
Tiếng hai ông cháu thằng Bức tan trong không gian. Cánh diều từ tay thằng Bức bay lên chao liệng một lúc rồi lao vút lên cao, cao mãi theo vòng dây từ tay ông nó nới dài ra. Bi bi bi... bi bi bi. Tiếng sáo diều reo réo, thằng Đô chạy về phía bờ sông cái. Dòng sông cái lấp lánh ánh trăng. Đô đứng lặng trên bờ lắng nghe, nó cố nhận ra tiếng sáo diều của nó. Nó đứng mãi đứng mãi và thất vọng lững thững về làng. Tiếng trống chèo lung bung rộn lên trên sân đình Nguyệt Hạ. Thằng Đô đã nhận ra tiếng hát chèo trong vắt của cái Nga và cô Nghĩa. Cô Nghĩa là mẹ cái Nga diễn viên chèo nổi tiếng của đội chèo làng Hạ. Như mọi tối, thằng Đô đã chen vào ngồi cạnh cụ Kẹo xem đội văn nghệ tập chèo. Cụ Kẹo vừa là tay trống điêu luyện, vừa là đạo diễn, dựng vở trứ danh. Thằng Đô men theo bờ ao đình đứng nép mình dưới gốc cây gạo. Vầng trăng khẽ sóng sánh dưới cánh sen khiến bóng nó lẻ loi, cô đơn.
Lòng những nhớ ai í a ì a - thiết tha, lòng những người ai í a ì ạ - sầu cao như núi tình dài như sông. Tiếng hát chèo tha thiết từ sân đình vút cao, bóng cái Nga lấp loá dưới trăng. Cái Nga lúc này không phải là cái Nga rửa cỏ ban chiều.

 

Thằng Đô mơ thấy nó và cái Nga cùng cưỡi "ngựa xanh" vượt qua sông cái sang bờ bên kia và nó tìm thấy chiếc diều cánh cốc trắng. Thằng Đô sung sướng bảo cái Nga giữ dây. Tiếng sáo "ro ro" vang lên. Nó chạy lại ôm chầm lấy cái Nga và kỳ diệu, huyền thoại nó đã kể với cái Nga lại ứng nghiệm ngay với nỗi ước mong của nó. Nó và cái Nga được cánh diều nâng bổng bay lên, bay mãi lên... Nó giật mình tỉnh giấc và nhận ra nó đang nằm trong đình Nguyệt Hạ. Nó sợ hãi nhận ra ánh mắt sáng quắc của Thành Hoàng đang nhìn nó. Lần đầu tiên trong đời, nó không ngủ đêm ở nhà. Đô vùng dậy chạy về nhà và ngạc nhiên thấy dượng Quất ngồi vắt vẻo trên chạc ba cây nhãn hý hoáy dựng một cây sào cao chót vót. Trên ngọn cây sào ấy dượng chăng một đoạn dây sang ngọn cây sào khác buộc ở nóc nhà. Đô chạy vào nhà trong đứng sững nhìn mẹ.
- Ôi! Con trai của mẹ! - Mẹ Đô khẽ thốt lên chạy lại ôm chầm lấy Đô - Đêm qua con ngủ ở đâu làm mẹ và dượng lo suốt đêm...
Đô nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe.
- Hợi ơi! Ra giữ cho anh cái thang.
- Con nó về rồi đây này, để nó ra giữ cho. Đô, con ra giữ thang cho dượng, mẹ đi dọn cơm.
Đô miễn cưỡng giữ thang cho dượng Quất.
- Anh cu về rồi đấy hả? - Dượng Quất vung dao chém phập một nhát vào cây nhãn. Những chiếc lá nhãn rung lên bần bật, lưỡi dao bám vào đầu chiếc thang, dượng Quất xoay người chổng mông lên nói chõ xuống.
- Lần đầu là tôi tha, lần sau mà thế là tôi trị thẳng tay. Tôi là tôi biết tỏng cái bụng anh cu rồi. Nào, giữ cho chắc vào. Anh cu là anh cu láu cá lắm đấy.
Thằng Đô cúi gằm mặt xuống đất, hai tay giữ chặt lấy chiếc thang không dám nhìn vào mặt dượng Quất, Dượng Quất xuống thang khi chạm đít vào đầu Đô thì nhảy xuống, vung tay nói:
- Thế là xong! Tối nay sẽ cho anh cu nghe người ta hát và đánh đàn ở trong đoạn dây chăng trên trời kia.
Đến tối, ăn cơm xong. Đô định ra sân đình xem cái Nga tập chèo thì nghe dượng Quất gọi giật giọng từ trong buồng:
- Đô ơi! Vào đây mau lên có hát rồi đây này.
Đô rụt rè bước vào buồng mẹ. Ngọn đèn dầu đỏ quạch hắt ánh sáng lên gương mặt háo hức ngây ngô của dượng Quất. Mẹ ngồi khâu áo bên cửa sổ. Dượng kéo Đô ngồi xuống giường, áp vào tai Đô cái gì giống như cái vung ấm.
- Hay tuyệt đấy! Nghe thật tinh vào. Có thấy gì không?
Đô nín thở. Có tiếng lạo xạo rèn rẹt và tiếng hát lí nhí lẫn tiếng nhạc khẽ reo reo từ đâu đó xa xôi quá.
- Mày nghe thấy người ta hát bài gì?
- Dạ không rõ.
- Sao lại không rõ.
Dượng Quất lại giật lấy cái "vung ấm"
- Mày điếc à? Đang hát đấy thôi. Đúng là tiếng đàn bà đang hát và tiếng sáo. Hình như có cả tiếng đàn nguyệt hay đàn tam thập lục gì đó.
Dượng Quất gắt lên chuyển cái "vung ấm" từ tai dượng áp vào tai Đô.
- Đã nghe rõ chưa nào.
- Dạ vẫn nhỏ
- Rõ là tai trâu.
- Không hay bằng tiếng sáo diều
- Hừ, thằng này láo quá thể. Thôi cút. Dám bảo bản nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam không hay bằng tiếng sáo trẻ trâu của chúng mày. Từ nay là tao cấm tha thẩn chơi diều. Tao cấm...
Từ lần ấy, ngoài giờ lên xã, về tới nhà là Đô thấy dượng Quất say mê áp chiếc vung ấm vào tai vừa nghe vừa ghi chép nắm bắt mọi chủ trương chính sách và tình hình thời sự trong nước và quốc tế để khi nào có cuộc họp thôn, dượng lại mở quyển sổ ghi chép ấy ra phổ biến quán triệt cho mọi người dân làng Nguyệt Hạ.
Mọi nếp sống của làng Nguyệt Hạ được thay đổi theo yêu cầu của dượng Quất:
Thứ nhất: Cấm các đám tang trong làng được thổi kèn đánh trống cà rùng.
Thứ hai: Cấm không gia đình nào bán cứt. Ai bắt được bán cứt sẽ được thưởng năm mươi phần trăm số cứt bán được.
Thứ ba: Cấm tất cả mọi người chơi diều từ sáo "bô bô" trở lên. Với lý do kêu to mất ngủ, ảnh hưởng tới sản xuất.
Thứ tư: Đội chèo làng Nguyệt Hạ không được diễn các vở chèo cổ. Phải tập gấp những bài hát chèo đồng ca do dượng Quất tự biên tự diễn phục vụ trực tiếp phong trào chăn nuôi sản xuất.
Hồi này thằng Đô cũng được vào đội văn nghệ cùng với cái Nga. Dượng Quất ngồi thao thức thâu đêm sáng tác gấp những bài hát mới cho đội chèo tập.
Cụ Kẹo đội trưởng đội chèo cùng mấy ông già nữa kéo đến nhà phản đối dượng Quất.
- Chúng tôi bằng ngần này tuổi mà còn đứng hát đồng ca với tụi con nít sao? Tôi trả lại anh cái chức đội trưởng đội chèo.
- Tôi nói cho cụ biết, cụ thích thôi thì cụ cứ việc thôi. Đảng viên ở làng này còn nhiều. Sẽ có người xứng đáng hơn thay cụ lãnh đạo đội văn nghệ. Từ nay đội chèo sẽ đổi tên là đội văn nghệ làng Nguyệt. Lấy mỗi chữ Nguyệt thôi; bỏ chữ Hạ đi vì nó làm xấu chữ Nguyệt. Chữ Hạ... các cụ biết nó là gì không? Nó là cái "bộ hạ" hà hà thế mà từ xưa đến nay các cụ cứ gọi Nguyệt Hạ mãi mà không biết xấu hổ. Bây giờ ta phải đổi mới toàn diện cả nội dung lẫn hình thức.
Cụ Kẹo và mấy ông già ngồi lặng sững sờ nhìn dượng Quất rồi tự ái nháy nhau ra về. Mẹ Đô từ trong buồng bước ra mặt buồn rầu:
- Mình nói thế các cụ giận đấy.
- Làm cán bộ mà cứ lo dân giận thì sao làm được cán bộ.
- Nhưng mà mình mới về làng này mình không biết. Cụ Kẹo thạo chữ nho nhất làng này đấy. Từ bao năm cụ là ông trùm đội chèo, cụ thuộc làu làu các tích chèo. Cụ vừa đánh trống vừa là kép chính vừa là trưởng trò có tài. Không có cụ đội chèo làng Nguyệt Hạ có mà tan từ lâu.
- Mình chả hiểu gì thời cuộc - Dượng Quất gắt lên với mẹ - đã bảo thời bây giờ ai cần ba chữ nho ấy, ai cần những vở chèo cổ như "Quan âm Thị Kính" như "Kim Nham", như "Tống Trân Cúc Hoa", "Phạm Tải Ngọc Hoa" ấy, bây giờ là vứt, vứt hết. Còn thằng Đô - Dượng quay sang nhìn Đô giọng nghiêm lại - Kể từ nay mày phải chịu khó học hát. Tao vừa mới sáng tác được mấy bài đây.
Dượng móc trong túi dết ra đưa cho Đô mấy tờ giấy ghi bài hát rồi đứng dậy.
Như chợt nhớ ra điều gì, dượng lập cập chạy vào buồng áp cái "vung ấm" vào tai, sột soạt mở sổ ra ghi ghi chép chép một cách thận trọng. Đô vừa sợ vừa thương dượng Quất. Hồi này dượng gầy xọm đi, mặt choắt lại, trong làng này chưa có một ai say mê công tác như dượng Quất. Đô nằm ra giường bỏ mấy tờ giấy dượng Quất vừa đưa lẩm nhẩm học hát.
Bài thứ nhất: Tát nước đêm trăng.
(Đơn ca) theo điệu "lới lơ" vui nhộn, tự hào, tin tưởng: "Em đi í ì... đi tát nước - kìa là - tát nước à đêm trăng... Bóng í í a trăng... hì i i trăng soi tỏ bóng em trên đồng..."
Bài thứ hai: Ba cùng (tốp ca), vui nhộn, đoàn kết "Chị em chúng ta i hi i hi hì i i. Chị em chúng ta cùng nhau gánh đất, cùng nhau đào đất, cùng nhau vác đất..."
Bài thứ ba: Con trâu (đồng ca) theo điệu con gà rừng - mạnh mẽ, dũng cảm, quyết thắng. "Con trâu gì, con trâu già! Nó cày ruộng ta - nó cày ruộng ta - con trâu gìa! Tuy già nhưng còn khoẻ lắm - tuy già nhưng nó còn khoẻ lắm.... Xin chớ coi thường - con trâu - tùng tùng cắc - tùng tùng chát - xà xà lắc - xà xà líu...".
Ngô Quất từ xã về, lòng tưng tưng. Kế hoạch phá ngôi đình làng Nguyệt của Quất đã được xã nhất trí cho tiến hành vào sáng mai. Từ ngày về sống với dân làng Nguyệt Hạ này Quất mới thấy vai trò lãnh đạo của mình lớn lên nhiều. Cái dân làng này toán những đứa cứng cổ. Thái độ Quất không cương quyết cứng rắn là hỏng. Nếu phương án phá đình thành công thì chẳng việc gì mà Quất không làm được. Riêng việc phá đình, kể cả bí thư, chủ tịch cũng chờn. Quất biết tỏng tòng tong mấy bố trên xã vừa quyết vừa run vì sợ ngôi đình làng này có tiếng linh thiêng, dân làng Nguyệt Hạ không một ai dám đụng tới. Riêng Quất thì Quất chẳng sợ chó gì. Ở làng này Quất sợ mỗi lão Kình câm. Gặp Quất, lão trừng trừng nhìn Quất bằng ánh mắt căm thù. Lão căm thù Quất là có lý do của lão. Hồi cải cách, Quất đã đưa sáng kiến treo cổ thằng con trai độc nhất của lão bằng phương pháp "gầu sòng". Biết đâu giờ lão rình rập ở đâu đó, xông ra gõ vào đầu Quất một gậy thế là ngoẻo. Nghĩ tới lão Kình, Quất lại thấy sợ hãi. Quất ngoắc chiếc túi bạt vào cột nhà bước lại vuốt má vợ. Vợ Quất ngồi lặng bên cửa sổ khâu tã lót chuẩn bị cho đứa con sắp ra đời. Từ hôm Quất nóng nảy bạt tai thằng Đô một cái, Quất thấy thái độ của vợ có vẻ lạnh lùng. Cũng là cái tính đàn bà hay để ý vụn vặn bênh con. Nhưng lúc này Quất đang vui vẻ, Quất muốn an ủi vợ, Quất không muốn nhìn thấy vợ cứ buồn rười rượi trong những ngày sắp sinh con. Kế hoạch phá đình Nguyệt Hạ thành công. Quất sẽ cho xây ngay trên nền đình một sân khấu cho đội văn nghệ biểu diễn những tiết mục tự biên của Quất. Phong trào văn hoá văn nghệ làng Nguyệt sẽ đứng đầu toàn xã. Tiếng tăm của Quất chả vang lên tới huyện ấy chứ. Đời Quất được như bây giờ cũng là may mắn lắm. Như hai ông anh Quất, cù mì thế thì suốt đời không ngóc đầu dậy được. Quất đã có thái độ quyết liệt đấu tranh dũng cảm lắm mới tách được bản thân ra khỏi thành phần địa chủ của gia đình để đứng hẳn về phía những thành phần cốt cán chỉ tay vào mặt bố vạch ra cái tội làm giàu của ông ta. Ôi vạch tội người đẻ ra mình dễ mấy ai đã làm được. Cái kiểu làm giàu của bố mẹ Quất cũng lạ lùng lắm, thế gian ít người dám nghĩ đến. Nói ra thì xấu quá nhưng dù có xấu Quất cũng phải vạch ra âm mưu có tính toán ngay từ đầu của họ. Thật là không may cho số kiếp Quất lại sinh ra từ cái gia đình thối tha bẩn thỉu ấy. Cả cái làng Gồi của Quất ai mà không biết bố mẹ Quất, tức là vợ chồng tên địa chủ Cam giàu lên bắt đầu từ cái nghề gắp cứt. Ở làng Gồi người dân thường gọi nghề này là "mủi sung". Ở đâu chứ riêng dân làng Gồi dù có chết đói cũng không ai dám nghĩ tới chuyện sắm bồ đi làm nghề "mủi sung". Ấy vậy mà bố mẹ Quất dám coi thường phẩm giá gia đình đi làm cái việc nhơ bẩn ấy. Cũng bởi tại cái đói. Năm ấy trong làng đã có vài người chết đói... Thế là bố mẹ Quất phải liều. Lúc đó bố mẹ Quất còn ngại không dám đi công khai. Từ gà gáy hồi nhất, ông bà đã phải lục sục dậy bịt đầu bịt tai tay xách bồ lặng lẽ đi sang các làng lân cận lấy được đầy bồ phân rồi lại phải mang sang làng Bèo bán cho dân đồng màu lấy tiền ra chợ Gù đong gạo. Đong được gạo nhưng bố mẹ Quất phải chờ cho trời tối mịt mới dám len lén về làng. Bố mẹ Quất cứ đi lén lút mãi như vậy cuối cùng cũng bị lộ. Người làm lộ ra chính là Quất. Lý trưởng thấy bố mẹ Quất vắng nhà suốt ngày nên sinh nghi sang hỏi ba anh em Quất: "Có phải bố mẹ chúng mày đi theo Việt Minh?" Hai anh em Quất mới lên mười, thật thà bảo "Bố mẹ cháu đi gắp cứt". Vậy là mọi chuyện vỡ lở, lan ra khắp làng. Từ đấy ba anh em Quất đi đến đâu là trẻ con trong làng bịt mũi chạy. Vừa chạy chúng vừa nhổ bọt phì phì vừa la "Cam cứt - Quýt cứt - Chanh cứt - Quất cứt"... Rõ là cả nhà Quất làm ô danh làng Gồi. Thôi thì đã xấu thì cho xấu luôn. Bố mẹ Quất không cần bịt mặt nữa mà đi hiên ngang ngay trên đường làng. Nhưng cái nghề mạt hạng ấy lại kiếm ra tiền. Thôi đành cúi mặt chịu sự khinh rẻ của dân làng Gồi. Bố mẹ Quất sắm thêm hai cái bồ mới cho hai anh của Quất cùng đi. Riêng Quất còn ít tuổi nhất không phải đi nhưng vẫn phải chịu chung cái tiếng xấu xa ấy. Vậy mà chả bao năm sau dân làng Gồi thấy ông Cam có tiền tậu ruộng. Ruộng nhà ông bao giờ lúa cũng tốt nhất làng. Ruộng tốt ắt có nhiều thóc, ắt có  nhiều tiền. Có nhiều tiền, ông Cam lại tậu thêm ruộng. Từ một sào lên một mẫu, lên mười mẫu. Thế là ông Cam trở lên giàu có. Kẻ nghèo khó đến nhờ vả ông, ông bảo: "Về sắm bồ đi lấy cứt về, ông đổi thóc cho". Nghe ông Cam bảo vậy có người nghĩ ông nói xỏ. Nhưng mà ông nói thật. Ông mở lò chế biến phân bắc bón lúa, hành, đỗ lạc, khô ngoai. Đúng là giống phân bắc bón cây gì cũng tốt. Bón không hết ông chở xuống bán cho dân trồng màu làng Bèo. Ông khuyến khích dân làng Gồi ai lấy được nhiều phân ông đổi thóc với giá rẻ hơn. Với ý định nâng đỡ những người dám làm cái nghề bị coi là xấu xa như ông khá lên để chứng minh cho dân làng Gồi chớ có coi thường. Những người làm thuê cho ông phải trải qua ít nhất là một năm gắp phân. Ông vừa lao vào làm giàu vừa tìm giúp kẻ khó. Ông xây nhà, xây sân, đào ao thả cá, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi trâu, giàu có nhất làng Gồi. Cũng bởi tại ông quá say mê công việc, tiếp xúc nhiều với phân tro nên vào tuổi bảy mơi, ông bị mù. Nhưng lúc này ông đã giàu của cải lẫn kinh nghiệm, nên chỉ việc ngồi chỉ huy cho vợ con làm ăn. Những kẻ được ông giúp trở nên khá giả hàm ơn ông, một nhời bẩm cụ, hai nhời bẩm cụ, giỗ, tết, mang rượu, bánh tạ ơn cụ. Giàu có là vậy mà cụ vẫn nói với mọi người số cụ còn khổ, chết phải bó chiếu chứ chả có ván mà chôn. Cụ nói thế chả ai tin. Của cải của gia đình cụ mấy đời con cháu ăn cũng không hết. Đúng thế có lẽ chính cụ cũng không thể tin, nhưng hồi còn bé người bố đẻ ra cụ lấy lá số cho cụ nói thế, ấy vậy mà thời thế xoay vần đúng theo lá số của cụ. Cụ chết chỉ được bó manh chiếu rách, không kèn không trống. Người ta xử tội cụ theo sáng kiến treo cổ cụ bằng phương pháp "gầu sòng" giống như người ta đã treo cổ con trai lão Kình ở làng Nguyệt Hạ. Ai chứ địa chủ Cam làng Gội bị tội chết thì đáng quá còn gì. Nhiều ruộng nhất làng Gồi, nhiều trâu nhất làng Gồi, ao to nhất làng Gồi, nhiều người làm thuê nhất làng Gồi lại thêm một tội buôn bán lớn nhất làng Gồi. Đúng thế! Buôn bán gì cũng có tội. Vì thế Ngô Quất khi đấu bố còn chỉ tay vào mặt bố, quát:
- Tên địa chủ già kia, mày có biết ai đang đứng trước mặt mày không?
- Bẩm ông, con bị mù không nhìn thấy nhưng nghe tiếng ông con nhận ra ông là ông Ngô Quất do chính con đã đẻ ra ông đấy ạ.
- Mày có chịu nhận tội đã bóc lột ông bà nông dân, tội buôn bán?
- Dạ bẩm ông con không bóc lột mà chỉ muốn là ông bà nông dân làm cho con để có gạo ăn khỏi chết đói thôi ạ. Còn cái chuyện buôn bán thì có. Đúng là con đã mua bán cứt, con có đổi thóc lấy cứt cũng là để ông bà nông dân có thóc ăn khỏi phải chết đói đấy ạ.
- Láo! Mày ngoan cố. Chính mày đã quá tham lam nên mới bị mù. Mày không thấy điều đó sao?
- Bẩm ông! Điều ấy thì ông nói đúng. Đúng là bây giờ con bị mù vì ngày xưa con đau mắt mà vẫn phải đi gắp cứt để bán lấy tiền đong gạo nuôi ông đấy ạ...
Đằng nào thì bố Quất cũng bị tội chết, bị tịch thu hết tài sản. Quất đã tỉnh táo nhận ra điều ấy nên dũng cảm đấu bố và kiên quyết ly khai thành phần gia đình mình. Đến bây giờ không ai còn dám nghi ngờ lập trường giai cấp của Quất. Quất thấy mình cứng rắn hơn  bao giờ hết. Cả chuyện Quất lấy được mẹ thằng Đô cũng là phúc đức may mắn lắm. Cái tạng lòng khòng xấu xí như Quất. Nếu không giữ địa vị trưởng ban văn hoá xã thì ế vợ đến già. Mẹ thằng Đô tuy là gái goá nhưng vẫn còn mỡ màng hơn cả những ả gái tân làng Gồi. Nếu không vì lý do đoạn tuyệt với gia đình, Quất sẽ dẫn vợ về làng thì ối kẻ phát ghen. Đúng là gái làng Nguyệt... Cái đêm động phòng Quất vẫn không tin là mình lấy được vợ, vợ làng Nguyệt, lại có cả nhà ở chẳng tốn kém gì...
Quất ngồi xuống giường nhìn bụng vợ cứ đầy căng lên dưới lớp áo gụ.
- Mình đừng buồn, thằng Đô nó còn nhỏ nó chưa hiểu lòng tôi nên mới hỗn láo chống tôi. Nhưng sau này nó khôn lớn nó sẽ hiểu. Mình biết không, kế hoạch phá đình của tôi đã được xã nhất trí phê duyệt.
- Đừng! Em van mình! - Mặt vợ Quất bỗng tái đi - Em đã bảo với mình bao nhiêu lần rồi, ngôi đình làng này linh thiêng lắm, mình không ở đây nên mình không biết. Từ bao đời nay dân ở đây coi ngôi đình làng là linh hồn của tất cả mọi người, ai mà làm điều ác phải chết nhục nhã.
- Mình đúng là lạc hậu - Quất cười xoa dịu - Mọi làng kháng người ta phá đình có ai làm sao, với lại mình nghĩ xem, tôi là trưởng ban văn hoá xã, ở làng này mà cứ để ngôi đình lững thững giữa làng chướng mắt lắm. Không làm được việc này họ sẽ đánh giá tôi là thằng kém năng lực, thằng nhu nhược.
- Anh Quất! Em lạy anh. Anh không thương lấy anh, không thương em thì anh hãy thương đứa con của chúng ta còn trong bụng đây. Anh hãy vì nó đừng làm điều ác.
- Mình chỉ nói nhảm nhí - Quất gắt - Đây không phải việc của cá nhân tôi. Đây là nhiệm vụ. Đây là cuộc cách mạng văn hoá.
Quất nghiêng nét mặt nhìn vợ, đưa tay cầm chiếc tai nghe áp vào tai.
- Em đã nói với anh...
- Im lặng. Đã đến giờ...
Quất nói như ra lệnh. Vợ Quất im thít. Quất nín thở, tiếng nhạc mười hai giờ vừa dứt, giọng quen thuộc của cô phát thanh viên khe khẽ: "Đây là Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà".