ất cả đều do cặp mắt. Trên phương diện y học, mắt Văn Bình không khác mắt thiên hạ bao nhiêu, kích thước khối mắt nhỏ hơn trái bóng ping pong, với những bắp thịt li ti mỗi ngày cử động khoảng một trăm ngàn lần, võng mạc chứa đựng 130 triệu tế bào hình que để nhìn đen trắng, và 7 triệu tế bào hình nón để nhìn màu sắc. Mỗi khi nhìn, một luồng điện nhẹ độ một phần triệu vôn chuyển hình vật vào óc với tốc độ 480 cây số một giờ. Nói cách khác, khi Văn Bình - hoặc bất cứ ai - gặp một giai nhân núi lửa trên lề đường, chỉ cần hai phần ngàn giây đồng hồ là những đường cong tuyệt mỹ được chụp hiện rõ ràng, khêu gợi trên màn ảnh đại vĩ tuyến của óc. Tuy nhiên, gia đình và bè bạn gần gũi chàng hồi bé đều nhìn nhận mắt chàng chứa những đặc tính kỳ lạ. Trong những tháng đầu tiên sau ngày oe oe chào đời, mắt chàng không bị viễn thị như mắt hài nhi bình thường. Từ 6 đến 8 tuổi, nhỡn lực mới sáng, nhưng về phần chàng, chàng được Trời phú cho cái nhìn « đèn pha xe hơi » ngay từ thuở chập chững tập đi (1) Lớn lên, cái nhìn của Văn Bình mang khả năng xuyên phá những trái tim được phòng thủ kiên cố. Chàng nhìn ai, người ấy phải bủn rủn. Nhiều cô gái lì lợm, kinh nghiệm yêu đương đầy mình, tâm tư được đúc trong bê tông đã phải đỏ mặt, tay chân bủn rủn trước khi ngả vào lòng chàng như trái cây chín tới. Nếu là phụ nữ giàu tình cảm, chàng khỏi cần nhìn giữa mắt, chàng chỉ nhìn trũng gáy. Trong vòng một phút, đương sự nóng ran châu thân, trũng gáy nhột nhạt và quay lại. Hôm ấy, Văn Bình đang nhẩn nha hút thuốc Salem chờ ăn heo sữa quay thì bắt gặp trũng gáy đẹp như nặn của Nàng. Heo sữa quay là món ăn bất hủ của nhà hàng Bôtin, thủ đô Mađờrít. Nó được dọn nguyên con trên cái mâm đất nung cổ xưa, lên nước đen sì, láng bóng. Vị thơm ngon của nó bỏ xa nhiều tiệm ăn ở Hồng kông. Bôtin là nhà hàng đượm màu sắc bản xứ -cũng như những nhà hàng bò 7 món, chạo tôm, phở gà hoặc nai đồng quê của Sàigòn- Văn Bình thường đến đó mỗi chuyến tạt qua Mađờrít. Chẳng phải vì chàng thèm thuồng cái món đầy mỡ nặng nề, dễ làm tăng vòng bụng ấy. Chàng thường đến đó vì du khách thường đến đó. Nữ phái thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, sự chọn lựa dễ dàng hơn. Văn Bình từ Ba lê tới hồi sáng. Chàng lên phòng khách sạn, rửa ráy và làm nửa chai huýt ky. Chàng dặn bồi treo tấm bảng chữ đỏ ngoài cửa « Yêu cầu giữ im lặng » rồi kéo một giấc ngủ trưa đã đời, đúng theo truyền thống Tây ban nha. Tiếng là ngủ trưa, kỳ thật là ngủ chiều. Người Sàigòn mang tiếng ngủ trưa, nhưng 2, 3 giờ đã dậy. Và đó là người rủng rỉnh tiền bạc, người nghèo thì đừng hòng phục vụ thần mắt. Còn ở đây, giàu hay nghèo đều ngủ trưa, bữa ăn sớm nhất là 2 giờ. Ba giờ hoặc ba rưỡi cũng chưa muộn vì bữa tối suýt soát nửa đêm, cùng với giờ chiếu xi nê. Đúng 3 rưỡi, Văn Bình mới khua chân xuống giường tìm giép vào phòng tắm. 15 phút sau, chàng lững thững bước vào tiệm Bôtin trên đường Thợ Rèn dao, ở sau công trường Thị sảnh, một khu phố nên thơ. Tiệm heo sữa quay cũng nên thơ trong một tòa nhà cũ rích của thế kỷ 17. Các bàn ăn đã chật ních. Bàn của Văn Bình bị dồn vào tận trong cùng, chàng nhìn ra chỉ thấy lưng là lưng, và lưng đàn ông thì chẳng có gì đáng cho chàng « rửa mắt ». Đùng một cái, hai gã to xác án ngữ luồng mắt của chàng ra quầy trả tiền, để lại một khoảng bàn trống. Đùng một cái, chàng thấy lưng nàng. Và thấy cổ nàng. Trời ơi, ngắm phía sau nàng có cái lưng và cái cổ giống hệt một nữ hoàng Pháp thật đẹp và thật lẳng, Diane de Poitiers. Người đàn bà này toát ra hấp lực khác thường mặc dầu không hề dùng son phấn trang điểm. Về già vẫn quyến rũ như thời xuân sắc. Tuổi gần ngũ tuần mà ai cũng lầm tưởng chưa đến 30 (2). Văn Bình ngây người chiêm ngưỡng. Tuần trước, đến xem danh họa tại viện bảo tàng Quốc gia Mỹ, Hoa thịnh đốn, chàng đứng trước bức tranh Diane de Poitiers gần nửa giờ đồng hồ, bất động như thể bị thôi miên. Chàng thầm cầu nguyện để dung mạo của cô gái trong nhà hàng không quá thua sút dung mạo của Diane trong tranh. Thì nàng xây lại. Chàng vội ngậm miệng ngăn chặn tiếng ủa sửng sốt tán tụng bật khỏi họng. Nàng là Diane bằng xương bằng thịt. Đẹp. Trẻ. Lôi cuốn. Bồi trịnh trọng bưng khay heo sữa quay lại. Văn Bình quên đói. Bao tử trống rỗng của chàng đột nhiên đầy úp. Chàng nghiêng đầu chào nàng. Chàng áp dụng chiến thuật điện xẹt nhằm chinh phục nàng. Nhưng không chinh phục bằng cử chỉ hoặc ngôn ngữ « nịnh đầm » cố hữu của nam giới bản xứ. Tây ban nha có một danh từ hẳn hoi chỉ sự tán gái : pirôpốt. Gặp gái đẹp ngoài đường, buông lời ong bướm công khai gọi là pirôpốt. Trong số đàn ông thế giới, đàn ông ở đây ga lăng nhất. Đàn ông lẽo đẽo theo sau với điệp khúc lải nhải « cô đẹp lắm, tôi thương cô lắm » không sợ bị mắng là mất dậy. Văn Bình dư bản lãnh tấn công bằng pirôpốt ồn ào, song chàng quyết tấn công bằng cặp mắt thầm lặng (3) Mỗi dân tộc, mỗi thị trấn có một lối nhìn riêng. Nữ du khách trên đường phố Tel Aviv, thủ đô Do thái, không thể đỏ mặt tía tai trước cái nhìn “bóc trần” của đàn ông. Sở dĩ đàn ông Do thái nhìn gái sống sượng vì nam nữ ở đó bình đẳng tột đỉnh, gái cũng vác súng đi lính như trai. Trai nước Anh cũng nhìn trân trân nhưng có vẻ nghiêm trang hơn nhiều. Họ bộc lộ sở thích bằng nhỡn tuyến rồi ngó lơ. Đàn ông Á đông ưa liếc trộm hơn nhìn thẳng. Đừng tưởng đàn ông Mỹ sành sỏi, họ là bậc thầy về mọi địa hạt trừ địa hạt tán gái. Họ chỉ dám nhìn giữa mặt người đẹp trong một tích tắc. Trong khoảng cách hai thước, họ cúi đầu(4). Họ còn cù lần ở chỗ không biết tấn công ái tình bằng kỹ thuật nhướng mày và chớp mắt (5). Đòn mắt của Văn Bình không giáng mạnh như quả đìa rét mà nàng vẫn xửng vửng. Da nàng hồng hồng, dấu hiệu của một nhan sắc quí phái và vô bệnh. Miệng nàng đẹp hơn miệng Diane, rộng, dầy, và đài các. Văn Bình nói: -Haga (6) … xin phép được mời cô một ly rượu khai vị. Mời xong chàng mới biết lố. Ngu ôi là ngu, trước khi mời lẽ ra chàng phải quan sát xem nàng đang uống gì. Trước mặt nàng chềnh ềnh cái ly cối, loại nửa lít, đựng đầy chất nước đỏ với đá cục, kèm theo cái ống hút xinh xắn. Đó là Anđaluza, món giải khát thịnh hành số một trong mùa nóng bức. Nó gồm phân nửa rượu nho bản xứ, phân nửa nước cam ép pha lẫn sô đa và đá. Người đẹp ưa Anđaluza mà chàng mời rượu huýt ky đốt cháy cuống họng. Ngu ôi là ngu! Lắm lúc vụng về, quê mùa lại tốt vì nàng đáp liền: -Hân hạnh. Chàng xách luôn chai huýt ky lại bàn nàng: -Tôi là Văn Bình. Xin cô tha lỗi cho sự đường đột. Tôi vừa được coi tranh Diane de Poitiers ở Hoa thịnh đốn. Cô giống Diane quá. Diane là người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử. Cô còn vượt xa Diane nên tôi liều mạng làm quen với cô (7). -Mặc dầu tôi chưa nói tên ông đã biết tên tôi rồi đó. Tôi như đúc khuôn với bà Diane, gia đình tôi mới gọi tôi là Diane. Ông hơi quá lời. Tôi chưa bằng cái móng tay của bà Diane. -Ngược lại. -Ông khéo nói hơn cả đàn ông Tây ban nha từng được khen là khéo nói nhất châu Âu. Tôi xin chịu thua ông. Ô kìa, ông chưa ăn gì, dĩa heo của ông đã nguội. -Cám ơn cô. Tôi no rồi. -Chúa ôi, nếu Manêlitô cũng biết no như thế này thì hạnh phúc cho con biết mấy. Nghe nhắc đến tên Manêlitô, Văn Bình cụt hứng. Té ra nàng đã có ý trung nhân. Chàng phát ghen với hắn. Hắn thiếu đức tính ga lăng cần thiết. Nàng vẫn yêu, thế mới lạ. Manêlitô là cái thá gì? Hừm, trừ phi hắn là ông trời con… Thấy chàng đờ đẫn, Diane vội hỏi: -Ông đã nghe danh Manêlitô? Văn Bình tức muốn nghẹt thở: -Chưa. -Vì ông là du khách. Chắc là du khách từ xa tới. Du khách các nước Bắc Âu, hoặc Hoa Kỳ, thậm chí từ Liên sô tới đều biết. Manê là ngôi sao trẻ matađo (8) đang lên. Chàng mới xuất hiện từ hơn năm nay. Tiếng tăm của chàng nổi như cồn. Trận đấu nào chàng cũng thắng vẻ vang. A, tình địch của Z.28 làm nghề tráng sĩ đấu bò. Chưa nghề nào được đàn bà yêu thương bằng, tôn thờ bằng nghề matađo ở Tây ban nha. Tráng sĩ đấu bò có hàng trăm, hàng ngàn người đẹp sẵn sàng quỳ mọp dưới chân là thường. Minh tinh màn bạc, đại danh ca như Bít tơn đi tới đâu được công chúng ái mộ bao vây tới đó. Đàn bà, con gái chen nhau, xô nhau, dẫm nhau, đánh nhau loạn xạ để được xán lại gần, rờ mó da thịt, ôm hôn, hoặc giựt xé một mẩu quần áo. So sánh với các tráng sĩ đấu bò thì sự ái mộ này vẫn chưa thấm vào đâu. Vì cuộc đấu bò hội đủ tất cả những gì nữ phái lãng mạn và sự hùng tráng. Nó là thiên trường ca về vũ nhạc. Mọi cử chỉ của matađo được cân nhắc, tính toán từng vi phân tích tắc, từng milimét. Chậm là chết. Nhanh cũng chết. Gần thêm một vài milimét cũng chết. Nếu đẩy xa một vài milimét thì tránh được cái sừng nhọn hoắt của con bò rừng nặng hơn nửa tấn, tượng trưng cho Tử thần, nhưng lại bị khán giả la ó là kém nghệ thuật, kém can đảm. Tráng sĩ đấu bò được khán giả coi như thần tượng là đúng. Từng giây, từng sao đồng hồ họ phải thách thức Tử thần. Họ còn sống là do họ khôn hơn, lẹ hơn khối thịt hung hãn, bùng sôi thù hận phóng lại với sức nặng của chiếc xe tăng, và sức nhanh của mũi tên bắn. Văn Bình vẫn ngồi im. Cô gái say sưa nói tiếp: -Lát nữa có trận đấu của Manê. No mất ngon, giận ( ghen ) mất khôn, Văn Bình phun ra một câu lãng nhách: -Cô đi coi? Nàng bật cười: -Tôi không đi thì ai đi, thưa ông? Manê có lối đấu kỳ lạ, các apôđếrađô đều tiên liệu (9) nếu chàng không gặp nạn thì chỉ trong ba, bốn năm nữa chàng sẽ ăm đứt El Cordobès và Dominguin (10)… Vả lại tiền lương mỗi trận đấu của chàng hiện nay là 3 triệu rưỡi pêsêta (11), có thua lương bậc thầy El Cordobès bao nhiêu đâu (12)! Ông đi coi với tôi, ông Văn Bình nhé! Nàng nhớ được tên chàng, giọng nàng lơ lớ nhưng khá rõ. Điều này chứng tỏ nàng có cảm tình khá sâu đậm với chàng. Nàng rủ chàng xuống đáy biển Địa trung hải chàng cũng không từ nan, huống hồ coi đấu bò. Phiền một nỗi cái đinh của trận đấu là anh chàng tốt số đáng ghét Manêlitô. Chàng lại lặng thinh. Diane liếc đồng hồ tay: -Nguy to. Gần bốn rưỡi. Một giờ nữa bắt đầu. Làm sao mua vé bây giờ? Ở Tây ban nha quan niệm giờ giấc dường như không có. Cái gì cũng chậm rề rề, bất chấp thời khắc. Hẹn nhau thì luôn luôn đến muộn. Không đến cũng không sao. Việc làm hôm nay chưa xong thì gác đến mai. Mai chưa xong chuyển qua mốt. Mốt này đến mốt khác. Liên tu bất tận. Riêng món đấu bò là y hẹn. Cuộc đấu bò thường mở từ 4 rưỡi, kéo dài đến 6 giờ chiều, và chỉ diễn ra trong mùa khô. Tùy theo thời tiết có thể khai mạc chậm hơn, song giờ giấc được ban tổ chức loan báo trước và tôn trọng đúng ngắc. Vấn đề điên đầu nhất là nạn vé chợ đen. Cảnh đầu cơ vé bóng tròn trước sân vận động Cộng hòa ở Sàigòn từng làm khách mộ điệu kêu trời như bọng vẫn chưa ăn thua gì đối với … truyền thống vé chợ đen đấu bò ở Mađờrít. Bất cứ chuyến nào ghé Mađờrít, đến đấu trường Monumental (13), Văn Bình cũng đụng tấm bảng to tổ bố “No quedan localidade“ nghĩa là “Hết vé rồi “. Lắm bữa người ta còn chơi chua, No quedan localidade ni entrade nữa, nghĩa là hết vé ngồi, hết luôn cả vé đứng. Muốn mua vé ư? Dễ ợt. Chịu chi gấp 2, gấp 5, gấp 10, hoặc gấp 50 lần; tùy theo trận đấu là bao nhiêu vé cũng có. Cô gái vẫy tên bồi lảng vảng gần đó : -Còn vé không ? Tên bồi gãi tai : -Dạ còn. Nàng ngó Văn Bình : -Chiều nay, nắng hơi gắt. Ông lấy sombra nhé ? Rồi ra lệnh cho bồi : -Một vé. Không được cứa cổ nghe. Tên bồi nhăn nhó : -Thưa cô, đông người hỏi mua nên … -Hiểu rồi. Chú muốn cứa cổ. Được, tôi sẽ mách ông chủ. -Tôi đâu dám bán đắt cho cô. -Vậy đưa đây. Còn rềnh rang gì nữa ? -Thưa cô, sombra vừa hết. -Khổ ghê, thì lấy sol y sombra tạm. -Cũng hết. -Chắc sol cũng hết nốt. -Dạ, sol thì còn. Cô đừng mắng mỏ tôi, tội nghiệp. Vé bán chạy vì cuộc đấu có Manêlitô. Khán giả đông đúc tất cô vui, tại sao cô lại trù ếm ? -Ừ, tôi lỡ lời, chú đứng giận. Trời nắng muốn sôi nước biển, ngồi sol sao được. Chú nài thử xem, bao nhiêu tôi cũng trả, tôi rất cần một vé sombra biếu khách (14). -Chịu. Giờ này chỉ có Manê đích thân can thiệp mới có nổi. Cô gái Tây ban nha liếm mép ra chiều suy tư. Một phút sau, nàng thở dài : -Vắng ông có lẽ tôi buồn lắm. Văn Bình nói : -Nếu tôi đi coi, tôi còn buồn hơn. -Buồn hơn ? Ông ghét tôi ? Ông ghét đấu bò ? -Tôi mê đấu bò kinh khủng. Không những mê làm khán giả tôi còn mê làm matađo nữa. Sở dĩ tôi buồn vì nếu mua được vé, tôi đi coi, tôi phải ngồi xa cô. -Manê tặng tôi hai vé, nhưng … -Cô sợ Manê mè nheo ? -Còn hơn mè nheo một bậc. Hai vé là để cho tôi và mẹ tôi. Hôm nay mẹ tôi bận, tôi phải đi một mình. Thôi được, tôi vừa tìm ra kế. Ông chờ tôi điều đình với lão chủ nhà hàng. Tôi giả vờ bán cái vé của mẹ tôi cho ông. Khi Manê căn vặn, hậm họe có lão chủ làm chứng. Diane hấp tấp bước lại quầy két, líu lo bàn bạc người đàn ông trung niên trán hói. Văn Bình thấy gã trán hói cười toe toét rồi gật đầu chí chạp. Miệng tươi tắn hơn bao giờ hết. Diane móc ví da lấy cái vé đặt gọn giữa lòng bàn tay của Văn Bình. Giọng nàng long trọng như giọng ông chánh thẩm tuyên án trước tòa : -Ông hên lắm đấy. Từ thuở lớn lên đến giờ tôi rất khó tính. Nhất là đối với đàn ông mới quen. Cái may mắn của ông là kết bạn với tôi giữa mùa rômêria. Quê hương của tôi ở Anđaluzi thuộc miền nam. Phong tục quê tôi rất cởi mở trong tuần lễ có rômêria. Văn Bình từng sống ở miền nam. Anđaluzi được coi là vườn hoa, kể cả hoa không biết nói và hoa biết nói. Gái ở đây rất lẳng, đàn ông dính vào là chết mê chết mệt. Rượu nho ở đây cũng tuyệt ngon gọi là xérès. Nó ngon đến nỗi không món nhắm nào đủ ngon để tương xứng với nó. Rốt cuộc dân nhậu phải uống xuông. Người ta đồn nơi nào rượu nho tuyệt ngon nơi ấy đàn bà thường hấp dẫn. Gái Anđaluzi làm đàn ông mê tít cung Thang là vì thế. Nhưng còn một nguyên nhân khác ; eo họ khá nhỏ, mình mẩy họ vừa vặn không bèo nhèo mỡ nước. Họ có co phần nào do ăn uống. Khí trời nóng bức, những món làm nặng bụng đều bị loại khỏi nền gia chính địa phuơng. Mọi người chỉ ăn rau dưa và cá. Chất đạm của cá biển có hai cái lợi ; thân thể cứng cát, thon mảnh, đồng thời gia tăng sức mạnh ái tình. Gái Anđaluzi là những trái bom có thể nổ tung bất cứ lúc nào, cho nên theo định luật thừa trừ phụ huynh có con em mặn mòi, nẩy nở, rất khắt khe, ít khi cho phép đi chơi một mình, ngoại trừ dịp rômêria. Rômêria là một hình thức hành hương những nơi chốn thiêng liêng. Hàng năm, trước lễ Pentecôt (15), dân chúng miền nam lũ lượt kéo nhau trẩy hội Đức Mẹ Đồng trinh (16). Đường sá đông nghẹt, xe ngựa chăng hoa, kết lá sặc sỡ, chở đầy đàn bà con gái mặc quần áo nhiều màu chói lọi. Từng đoàn, từng đoàn nô nức truyện trò, ca hát, nhảy múa, cười đùa giữa tiếng đàn ghi ta, tiếng xênh phách nhịp nhàng qua những vườn cây ô liu xanh ngắt. Riêng trong cuộc hành hương này, sự kiểm soát của cha mẹ đối với con gái họ được nới lỏng tối đa. Các thiếu nữ dậy thì được dịp bay bướm thả cửa … -Cô vừa dự lễ hành hương Đức Mẹ ? -Vâng. Tôi mới về Mađờrít hôm qua. Năm nay vui hơn năm ngoái nhiều. -Cô vui là phải. Vì cô sung sướng nhất đời. -Sung sướng nhất đời ? Ông Văn Bình ơi, ông lầm to. Tôi là kẻ đau khổ. Nhất đời hay không, điều đó chưa rõ, nhưng chắc chắn là đau khổ hơn nhiều người. Nàng chép miệng chua chát: -Bậy quá, lẽ ra tôi không được phép nói với ông. Nàng cúi gằm xuống ly rượu nho pha nước ấm. Nơi nàng ngồi hơi tối, ánh mắt sáng rực của nàng long lanh trên những cục nước đá sủi bọt lăn tăn, tạo cho nàng một vẻ diễm lệ và quyến rũ khác thường. Văn Bình nôn nao, chàng muốn đứng dậy choàng tay ôm nàng, và hôn lên cặp mắt to, đen và đẹp ấy. Không hiểu sao chàng vốn dạn dĩ –đôi khi dạn dĩ biến thành chướng tai, gai mắt- giây phút ấy chàng lại rụt rè, nhút nhát như cậu trai gà tồ mới lớn. Sau cùng, chàng quyết hôn nàng. Hỡi ôi, chàng chưa kịp đứng dậy thì nàng đã đứng dậy trước. Nàng nói vội vã: -Nhớ đi coi với em, anh nhé! Nàng xưng em, và gọi chàng bằng anh. Văn Bình ngơ ngẩn, đến khi chàng hoàn hồn thì nàng đã bước rảo như chạy ra cửa nhà hàng hòa trộn vào đám đông không biết từ đâu hiện ra, ồn ào, hỗn độn. Chàng rượt theo nàng. Quãng đường trước tiệm bị kẹt cứng. Nam, nữ, già, trẻ đặc nghẹt vỉa hè, trên bao lơn và sau các cửa sổ trên lầu. Giữa đường, một đoàn kỵ sĩ diễn qua. Một đoàn ngựa trắng như tuyết, yên cương đỏ chói. Kỵ sĩ mặc đồ đấu bò, gọi là y phục ánh sáng, hoặc quang y vì nó chói lòa ánh sáng. Nó gồm cái áo ngắn kiểu bờ lu dông ngang rốn, vai vuông, tay dài, may thật khít, quần cũng may thật khít đến đầu gối, phía dưới là tất dài và đôi giày ban. Áo và quần được may bằng hàng đặc biệt, đính gắn kim tuyến. Xí trai đến mấy diện quang y vào cũng biến thành khôi ngô, lẫm liệt. Cả thảy có 8 con ngựa bạch, 8 kỵ sĩ. Kỵ sĩ đều mặc quang y màu đen. Riêng kỵ sĩ thứ tư mặc quang y màu hồng. Y còn trẻ. Độ 25, 26. Không cao, đối với đàn ông địa phương. Mảnh dẻ, mặt xương xương, tạng người thích hợp với nghề tráng sĩ đấu bò rừng. Y không đẹp. Diện mạo còn có vẻ tàn nhẫn nữa là khác. Chàng thấy rõ những nét sở khanh trên môi và miệng y. Y là người thích chơi bời vung vít, ưa lang chạ với bất cứ ai. Y khác chàng một vực một trời. Sự mê đắm của chàng phảng phất nhiều nét thanh tao hơn tục tĩu. Tuy nhiên khi nhìn hắn, người ta khó thể khinh ghét. Tội nghiệp có lẽ đúng hơn. Rõ ràng y là hiện thân của sự trắc ẩn. Tất cả đều do cặp mắt. Mắt y thật sâu. Thật dài. Và buồn thì thật buồn. Buồn có thể làm thiên hạ chết được. Các tráng sĩ đấu bò thường có cặp mắt thật buồn. Dư luận cho rằng họ cọ sát với thần Chết nên mắt họ buồn. Như cặp mắt của matađo cự phách Manolete (18) chẳng hạn. Trong 8 năm tung hoành trên đấu trường từ 1939 đến 1947, năm gục chết dưới sức húc của bò rừng, tráng sĩ Manolete dự 500 trận đấu, lãnh trên một trăm triệu peseta, từng được tôn sùng là “thiên thần”. Càng lên cao trên đài danh vọng, mắt tráng sĩ càng buồn. Để một chiều mùa thu đìu hiu kia, trước mười ngàn khán giả nín thở, tráng sĩ chết giữa đấu trường. Giữa tuổi ba mươi. Khi chết, mắt tráng sĩ không chịu nhắm. Buồn ôi là buồn. Mắt của tráng sĩ mặc quang y màu hồng cưỡi ngựa bạch lộp cộp qua nhà hàng Bôtin còn buồn hơn mắt của tráng sĩ « tử ư nghệ » năm xưa. Văn Bình muốn thét lớn : -Đừng, đừng ra đấu trường nữa. Hôm nay anh bị sui … Không khéo anh gặp nạn… Dẫu chàng thét lớn cũng chẳng ai nghe tiếng vì tiếng thét của hàng trăm miệng lớn hơn nhiều: -Manêlitô. Manêlitô! Hoan hô, hoan hô Manêlitô! Y là Manêlitô, thần tuợng của cô gái chàng gặp trong tiệm ăn. Tại sao nàng buồn? Tại sao nàng nói là nàng đau khổ ? Mối tình của nàng chắc bị trục trặc. Chàng phải tìm cho ra. Tự ái của chàng vốn cao như đỉnh núi Hy mã lạp sơn. Chàng ganh đua với Manê, chàng không thể thua y. Mặc dầu y là vua matađo đang say men chiến thắng. Diane bị chìm lấp trong biển người. Văn Bình nhìn mãi không thấy nàng đâu. Trong khoảnh khắc, đám đông khổng lồ tan biến ở khúc rẽ. Chỉ còn lại âm thanh hỗn độn của nhạc khí, kèn xe và tiếng reo hò cuồng nhiệt. Lão trán hói chủ tiệm ngó Văn Bình bằng cặp mắt thông cảm. Hắn hỏi chàng: -Manê hùng ghê. Ông mê Manê không? Chàng đáp cộc lốc: -Không. -Ông ghen. -Gần đúng. -Không riêng gì ông, nhiều người đều ghen như ông. Manê chẳng có gì khôi ngô mà đàn bà con gái chạy theo nườm nượp. Như cô Diane chẳng hạn. -Nàng là ý trung nhân của Manê? -Chữ “ý trung nhân” không đúng. Manê có vợ con đùm đề. Vợ cả rồi vợ lẽ. Về khoản phòng nhì thì y đa mang cả đống. Con số đàn bà con gái sẵn sàng dâng hiến thân xác cho y có thể chất đầy chuyến tàu cỡ lớn. -Trong số có cô Diane? -Gái đẹp Anđaluzi nào cũng mê tráng sĩ đấu bò, cứ gì cô ta … Tôi biết gia đình nàng. Rất quý phái. Rất giàu có. Đẹp. Ngoan. Học thức. Đủ điều kiện. Thế mà chẳng chịu lấy chồng. Ngày này qua tháng khác bám sát Manê. Này, tôi hỏi thật ông, ông mê Diane không? -Tôi không cải chính. -Nên cải chính gấp, ông ơi. Ông không phải là người trồng cây si thứ nhất. Mỗi tuần hai lần, thứ năm và chủ nhật, ngày có cuộc đấu bò, Diane ngồi đây chờ Manê diễu qua. Biết bao chàng trai đĩnh ngộ, khỏe mạnh, khả ái tán tỉnh nàng, nàng đều từ chối. Nàng chưa hề yêu ai. Ông có lẽ là người hên nhất. Đừng ai hòng được nàng mời coi đấu bò. Trừ ông. Nhưng tôi biết, tôi biết. Gái Anđaluzi chỉ yêu một hạng đàn ông. -Tráng sĩ đấu bò? -Dĩ nhiên. Và người tráng sĩ ấy không phải là ông. -Ai bảo với ông tôi không biết đấu bò? Ồ, biết thì ai chẳng biết. Nôvilờrô cũng biết. Chalôtađa cũng biết. Và mozo … (19) Lối nói ví von, so sánh chàng với bọn miệng còn hôi sữa, bọn chọc cười rẻ tiền và bọn phụ tá kiêm tài xế, hầu cận, em út của bậc thầy matađo làm Văn Bình nổi sùng. Lão lùi lại; cười tỉnh bơ: -Ông đánh tôi hả? Ông trẻ khỏe, tôi già yếu. Trẻ khỏe đánh già yếu là điều tối kị. Tôi đâu dám nhục mạ ông. Tôi chỉ trình bầy sự thật. Sự thật là ông thua Manê quá nhiều. Không thể trong một ngày, sau một cơn tức giận người ta biến thành tráng sĩ cừ khôi. Phải luyện tập mướt bồ hôi. Phải có khả năng thiên bẩm. Và phải luôn luôn được ơn trên phò hộ. Dầu sao phản ứng của ông cũng làm tôi cảm phục. Tôi từng khích bác nhiều người. Họ không dám sửng cồ như ông. Thứ nhất, họ biết tôi giỏi võ, nhân viên của tôi đông như kiến và đều giỏi võ. Thứ hai, họ tự biết không bằng Manê, thà ngậm miệng chịu thua mà hơn. Tôi có một trại nuôi bò ở ngoại ô, tối nay tôi tổ chức một tentađêrô (20), mời ông đến dự, nếu ông có tài thì biết đâu … Lão trán hói đánh trúng yếu điểm của điệp viên Z.28. Chàng hết cáu ngay. Hơn nữa, chàng lại có thiện cảm tràn trề đối với lão. Chàng cười trả lời: -Khỏi cần thử. Tôi muốn đấu lập tức. Quang y ở đâu bán, ông mua giùm tôi một bộ. Bao nhiêu tiền cũng được. -Ồ, quang y tôi luôn luôn có sẵn. Nhưng ông ơi, nên coi chừng … Ông muốn biểu diễn thành tích 15 ngày tù ở và 250 peseta tiền phạt của danh tài El Cordobes hả ? Làm étpontanêốt (21) khó lắm, hàng trăm người đã chết uổng mạng. Mới tháng trước, hai chàng trai hào hoa cũng yêu Diane, cũng ghen với Manê, hùng hục mặc quang y nhảy xuống sân cát thì một bị thương nặng phải cưa tay trái, một bị húc chết không kịp ngáp. -Cám ơn. Ông bán hay cho thuê? -Ông là con người hơi kỳ khôi, dường như hơi tàng tàng nên tôi không bán cũng không cho thuê như thường lệ. Tôi biếu ông một bộ. Bộ oai nhất. Màu trắng óng ánh. Mời ông vào trong nhà. Lão trán hói dẫn Văn Bình qua cánh cửa treo riềm đến căn phòng hẹp kê một giẫy tủ đựng quần áo. Lão mở cái tủ ở góc lấy ra một bộ đồ đấu bò tuyệt đẹp. Lão ướm vào vai chàng rồi gật gù: -Vừa khít. Văn Bình mặc quần tây và sơ mi dài trùm ngoài. Tay chân chàng hơi bị vướng và cộm. Lão trán hói nói: -Không sao. Không ai để ý đến ông đâu. Vả lại, từ trước đến nay thiếu gì người mặc quang y giấu bên trong như ông. Họ chờ dịp may ngàn vàng để làm tráng sĩ erantê (22) mà … Gần 5 giờ chiều mà trời vẫn nắng như chính ngọ ở Sàigòn. Văn Bình tần ngần trên vỉa hè, chưa định rẽ phía nào. Con đường Thợ Rèn dao bé tí teo (23) này được nhiều người biết tiếng nhờ ba tiệm ăn ngon rẻ và kỳ cục. Đây là tiệm El Bôtin, nơi cố văn hào Eminuây (24) thường ghé, ở số 17. Số nhà 9 là tiệm nghêu sò. Tít đầu đường mang số 1, sát những bậc đá mòn vẹt vì năm tháng dẫn lên công trường Thị Sảnh phía trên là một nhà hàng mang bảng tên dài lê thê, bồi bếp phục sức quái gở như kẻ cướp. Nghe đâu ngày xưa, một trùm đạo tặc lập sào huyệt ở đó. Công trường Thị Sảnh (25) là trung tâm của khu cổ thành, nhiều lần bị đốt cháy và tái thiết, chính giữa chễm chệ pho tượng ông vua cưỡi ngựa. Công trường hình chữ nhật, khá rộng, chung quanh có 68 ngôi nhà 5 tầng, và 9 cổng ra vào từng chứng kiến hàng trăm biến cố lịch sử, lễ lạc đấu bò, duyệt binh, thậm chí cả những việc hành quyết tử tội. Văn Bình nhún vai tiến sâu vào bên trong. Từ đây trở đi, toàn ngõ hẻm ngang dọc chằng chịt, không được ghi trong bản đồ thành phố. Ngay người sinh trưởng ở địa phương cũng lạc đường, chứ đừng nói tới du khách lạ nước lạ cái. Văn Bình ghé mê hồn trận này nhiều lần, lần nào chàng cũng tắc tị. Đi mãi đi hoài đột nhiên nghe tiếng xe cộ chạy ầm ầm, ấy là ra đến đường cái. Không hiểu sao Văn Bình lại thích. Chàng thích có lẽ vì nó đượm mùi quê hương, những đêm mưa phùn gió bấc ở Hà nội, xuyên qua đường phố mê hồn trận đến quán cóc cà phê phin sau lưng Cầu Gỗ hoặc những chiều cô quạnh tạt vào hông đường Pasteur ở Sàigòn và làm bạn với phở bò và cháo vịt. Tản bộ được một quãng, Văn Bình đứng lại. Chết rồi … chàng buột miệng. Chàng đến Mađờ rít không phải để du hí, những trận du hí kinh khủng giữa hai điệp vụ kinh hoàng. Chàng đến đây vì công việc. Theo lệnh riêng của ông Hoàng. Chàng có một cuộc tiếp xúc quan trọng. Lát nữa. Vào buổi tối. Chàng lại lẩm bẩm một mình “hừm, mới hơn 5 giờ, còn sớm chán, không lẽ mình về ô ten nằm khàn đợi đến giờ hẹn. Vả lại, mình còn cái hẹn với giai nhân. Mình mặc sẵn bộ quang y để thi thố tài năng. Mình cần cho nàng biết Z.28 không đến nỗi cà mèng. Z.28 cũng biết đấu bò như ai …” Tiếng tàu điện leng keng, tiếng kèn xe hơi pin pin điếc tai. Ánh sáng đại lộ đập vào mắt chàng. Chàng vẫy một chiếc tắc xi “con cóc”. Chàng chưa kịp an vị thì từ ngõ hẻm một người đàn ông mặc sơ mi trắng cháo lòng vụt ra. Hắn kêu lớn bằng tiếng Tây ban nha: -Cứu tôi, cứu tôi với! Hắn chỉ thốt được mấy tiếng ngắn rồi gục ngã. Hai thanh niên đèo nhau trên xe gắn máy vọt qua, tên ngồi sau xô nạn nhân té xuống rãnh nước kèm theo mũi dao đâm xuyên qua ngực trái. Trúng tim, nạn nhân giẫy tê tê rồi chết. Văn Bình toan nhảy xuống rưọt theo chiếc xe gắn máy sát nhân nhưng đành bỏ ý muốn. Chiếc tắc xi này do hãng Seat sản xuất trong xứ thuộc loại hai cửa, phải xô băng trước mới mở được cửa. Gã tài xế xua tay, can ngăn rối rít: -Chớ dính vào, senor … Bọn anh chị thanh toán nhau, ngày nào cũng có. -Phải xuống coi nạn nhân còn sống hay chết để chở đi nhà thương. -Càng không nên, ông à. Bót cảnh sát ở gần đây, ông lởn vởn ở đó họ tưởng ông là hung thủ thì mệt. -Ừ thì đi. Nếu Văn Bình tiếp tục cuốc bộ, hoặc xuống xe kịp thời thì mọi việc đã đổi khác. Đáng tiếc chàng đến gần mục đích thì lại vô tình thoái lui. Vì chàng không ngờ được rằng nạn nhân bị giết cách chàng 3 thước có liên hệ mật thiết với điệp vụ của chàng tại Tây ban nha. Tài xế rú ga: -Ông đi xem đấu bò? Văn Bình giựt bắn: -Ừ, anh tài thật. Tại sao anh biết tôi đi xem đấu bò? -Ông là người ngoại quốc, tuy ông nói tiếng bản xứ trôi chảy. Chiều chủ nhật, hầu hết du khách đều đi coi coriđa. Vả lại, nơi túi áo ông có miếng vải màu đỏ. Cái muleta. Muleta là miếng vải nhỏ màu đỏ được người matađo dùng để mê hoặc, điều khiển con bò rừng theo ý muốn của mình cho đến lúc nó mệt nhoài rồi đâm chết. Văn Bình cảm thấy nghẹt thở. Muleta là danh từ được ông tổng giám đốc Hoàng lặp lại nhiều lần trong cuộn băng ghi âm chàng vừa nghe và học thuộc lòng. Muleta là điệp vụ chàng được lệnh thực hiện tại Mađờrít. Điệp vụ Muleta. Chú thích:
- những điều này đã được các y sĩ nhãn khoa công nhận. Đại đa số con người đều có nhỡn lực đầy đủ từ 8 tuổi trở đi. Con nít mới đẻ chỉ nhìn được ánh sáng và bóng dâm, chưa thấy được mọi vật