hương trình Thế Giới Đó Đây xin giới thiệu với quý vị và các bạn... Ông Allen Davis, người có niềm say mê sưu tầm những sản phẩm lạ của những người thợ bình thường. Ông cho rằng trong mỗi người đều ẩn chứa một tài năng. Với người này thì đó là mãi mãi, với người kia thì đó là khoảnh khắc. Ông gọi đó là khoảnh khắc của tình yêu. Ba mươi năm du lịch khắp nơi trên thế giới, hôm nay ông giới thiệu với chúng ta bộ sưu tập độc đáo - Những tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ không tên tuổi - bộ sưu tập mang tên “Khoảnh Khắc Tình Yêu...”Hồi đó anh mười bảy tuổi, công việc của anh là đánh bóng những cái vòng đá. Buổi sáng anh đến chỗ làm, ngồi xuống một cái đòn bằng gỗ và luôn có sẵn hàng trăm cái vòng mới đẽo xong còn sần sùi. Những ngày đầu, anh mở căng mắt ra, ngón tay đưa đến đâu mắt nhìn chằm chằm đến đó, sợ không đều tay vòng sẽ bị vênh. Vậy mà cũng bị gần chục cái. Khi đã thuần thục rồi, nghĩa là không phải học việc trơn nữa mà là học việc có lương, anh xin ông Minh, ông thợ già đồng thời cũng là chủ quán bán hàng lưu niệm này, cho anh mua những cái vòng không đẹp đó. Ngày nào mở cửa tủ ra đóng vào cũng thấy những cái vòng của mình còn lại, thật xấu hổ.
Lời đề nghị của anh khiến khuôn mặt luôn cau có của ông Minh giãn ra:
- Nhìn những cải của mình làm mà biết xấu hổ là tốt.
Ông mở tủ kính lôi cái khay ra, lựa những cái vòng vênh vẩu đó thẳng tay quẳng vào tảng đá lớn ở góc nhà, mảnh vỡ văng tung tóe. Rồi ông cười:
- Ngày mai, tập đánh bóng tượng.
Chiều chiều, thở phì một cái như tống hết bụi bặm hít thở trong ngày, anh vươn vai đứng lên đi bộ về nhà. Nhà là một quán trọ bình dân, không giường, trải chiếu ra nền mà ngủ. Mười cái chiếu chen chúc bên nhau trong căn phòng mười tám mét vuông.
Đến một chiều, anh vừa đứng lên thì ông Minh đập vào vai:
- Ở lại làm một ly.
Anh ngạc nhiên. Làm suốt hai năm rồi anh biết ông chỉ mời ai “làm một ly” khi rất vui, và đó cũng là cách nhìn nhận người đó đã là thợ, điều này hiếm xảy ra. Thường là học trò đến khi nào thấy đủ thì xin nghỉ.
Anh xúc động đến rơi nước mắt khi xong một ly, ông nói nhẹ nhàng:
- Ở đây với tao cho vui, cứ coi như con cái trong nhà.
Có một gia đình thật là hay. Làm việc không cần canh đồng hồ nữa. Anh có thể bắt đầu một ngày sớm hơn và kết thúc muộn hơn, hoặc đang làm anh dừng tay đi dạo loanh quanh. Những quầy hàng lưu niệm mọc lên như nấm bao quanh chân núi. Anh ngước nhìn ngôi chùa thấp thoáng trong mây và ước gì mình có thể làm được những pho tượng thật độc đáo, hơn hẳn các quầy lưu niệm khác. Anh chẳng muốn được khen là tài hoa, chỉ là cảm ơn ông Minh thôi. Đá đẹp không có nhiều mà giá cả càng ngày càng đắt, rồi tiền công, tiền thuế... lại thêm cạnh tranh ngày càng gay gắt... ông Minh càng cau có hơn. Và còn vì một điều nữa - Gã sinh viên y khoa dạo này thường đến đây...
Chạm tay vào tảng đá, anh biết mình sẽ làm cái gì, cho ai. Anh khắc một con mèo có cái đuôi dài và bộ ria láu lỉnh. Hài cười khanh khách khi anh đặt con mèo vào tay cô. Rồi chọn một tảng đá thật tinh khiết, khuôn mặt Hài hiện dần hiện dần... Đôi mắt tinh nghịch, cái mũi hếch và cái cằm lẹm, tóc ngắn như con trai, hai tay khoanh lại kiêu kiêu thấy ghét. Ông Minh cười ha hả, còn Hài thì lườm lườm “chọn người ta làm mẫu sao không xin phép?”. Cả nhà cười vang. Rồi ông Minh, bà Minh, con chó... Cả nhà quây quần bên nhau trong tủ kính. Sáng, mở toang cửa ra, nắng lấp lánh trên mỗi người như cười.
- Thiếu một người - Hài đưa ngón tay trỏ lên trời.
- Ai?
- Đình!
Anh mở to mắt nhìn Hài. Ông Minh gật đầu:
- Đúng đó. Còn thiếu mày.
Nghĩ ngợi suốt tuần anh chọn loại đá sần sùi nhất và bắt đầu. Giờ thì anh cũng được phép bày tủ kính. Ông bà Minh nói anh có khả năng trời cho về bắt cứ điều gì dính dáng đến đá. Tay anh chạm vào cái nào trong tủ, cái đó được bán một cách dễ dàng, thậm chí là khách nằng nặc mua cho bằng được. Điều này ban đầu làm anh vui nhưng sau anh thấy sợ. Chuyện ngày xưa kể có một ông vua chạm tay đến gì thì vật ấy hóa thành vàng, hoàng hậu cũng vậy, không thể phân biệt được đâu là vương miện đâu là khuôn mặt của nàng.
Nhìn mình hiện dần trên đá, anh thấy ngạc nhiên lẫn buồn cười. Thật ra anh không có khả năng tạc tượng giống hệt nguyên mẫu. Anh chỉ nghĩ đến người đó và khắc ý nghĩ của mình lên đá, thế thôi. Như những pho tượng đang quây quần trong tủ kia, người ngoài chắc không nhận ra nguyên mẫu là ai. Và cũng vì vậy nên tượng của anh không giống nhau, không trùng lặp. Anh trên đá là một gã trai suốt ngày lom khom, tóc sau gáy rất ngắn còn trước trán thì xổ xuống bờm xờm, môi mím chặt. Ông Minh liếc nhìn chỉ cười không nói gì. Hài ngày nào cũng đến sau lưng anh nhìn nhìn ngó ngó “Xong chưa?” Đến ngày anh trả lời “Rồi” thì cô cười ngất. “Hả! Sao cười?”. Cô càng cười to hơn.
Anh mang tiếng cười của cô lên lưng chừng núi, từ khoảng này nhìn lên, ngôi chùa hiện rõ hơn, mái ngói cong cong màu nâu sim trong ánh chiều. Thấp thoáng chú tiểu quét lá, màu áo lam bàng bạc. Lạy Đức Phật, con biết gã sinh viên hơn con nhiều lắm, con chẳng có gì khác ngoài trái tim, mà trái tim thì không biết nói...
- Thằng đó tướng mạo công tử bột quá. Với lại mình nhà nghèo, nồi nào úp vung nấy cho xong - Ông Minh độp một câu giữa bụi đá mịt mù bay - Nhưng tao phải biết cha mẹ mày là ai chớ. Có chết thì cũng biết mồ mả nơi nào. Chim có tổ người có tông...
Nụ cười rộng miệng trên khuôn mặt chi chít nếp nhăn làm anh thấy nhẹ lòng dù kỷ miệm về cha mẹ là một nỗi đau dai dẳng. Mẹ anh chết vì sốt rét giữa vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Còn cha, anh không biết mặt. Giữa bao người lính vô danh nằm xuống, cha ở nơi nào?
- Hóa ra mày là con liệt sĩ hả? - Ông Minh đập bộp vào vai anh - Tao cũng từng là lính đây. Má con Hài hồi đó là du kích nghe mày.
Ông lôi chai rượu dưới gầm tủ ra:
- Làm một ly, Đình. Biết đâu tao với ba mày là bạn chiến đấu cũng nên - Ông cười khà khà - Ra vậy. Mẹ con mày kéo nhau lên tận Tây Nguyên rồi à? Còn tao thì lại dắt díu nhau về đây. Hồi đó ở đây còn vắng lắm, nào đã đông đúc như bây giờ. Hồi đó con Hài đâu chỉ nhỉnh hơn chai rượu này chút xíu. Uống đi!
Anh nhắm mắt uống cạn, lòng lâng lâng. Điều anh hằng lo âu được giải quyết nhẹ không. Những người lính từ những vùng quê khác nhau, chiến tranh đã nối kết họ thành ruột thịt. Người cha mà anh chưa một lần biết mặt chợt như có thể hình dung ra được. Anh run run xoáy mũi dao vào đá... cái mũ tai bèo... rồi vầng trán... Làm sao tạc được tiếng đạn bom?
Chiếc xe du lịch trờ tới, những người khách ngoại quốc bước xuống. Họ xem xét một cách thú vị, trầm trồ rồi chụp ảnh... Một người chỉ tay vào pho tượng ông Minh và ngồi thụp xuống dùng ngón tay trỏ nghuệc lên lớp bụi đá một số một cạnh một số không. Anh im lặng. Người khách xóa số một, viết số hai. Anh vẫn im lặng, số hai được thay bằng số ba... Đến số tám thì ông Minh hích anh một cái. Người khách đặt lên quầy tám mươi đô-la. Lòng anh chợt ám ảnh điều ly tán.
Khách đi, ông Minh thở phào:
- Thằng này lì. Tao cứ sợ họ không mua. Cái mặt tao giá tám mươi đô kể cũng được - Ông cười nhếch mép.
Hôm sau, và hôm sau nữa. Một Việt kiều mua bà Minh với giá tám trăm ngàn đồng. Hài giá rẻ đến không ngờ, chỉ hai mươi đô-la. Người mua nói tượng thiếu nữ đâu đâu cũng có, chẳng thích lắm. Thật bất ngờ, anh lại được giá nhất - tròn một trăm đô-la. Một người đàn ông tóc bạch kim mua và nói, người phiên dịch dịch lại rằng “Pho tượng này khiến ông nghĩ đến Mozart”.
Mozart là cái gì? Anh thấy mình có lỗi khi cao giá hơn Hài. Tự nhủ sẽ làm một tượng khác thật đẹp, ai hỏi mua bằng trời cũng không bán. Vô giá!
Pho tượng càng sinh động bao nhiêu thì Hài càng giống xác ép bấy nhiêu. Gã sinh viên y khoa với những dụng cụ lỉnh kỉnh ngày nào cũng đến. Rồi gã đưa cả thầy giáo đến... Rồi đưa cả giáo sư bác sĩ đến...
Anh đau đớn nhìn nụ cười của Hài mang hình lưỡi hái. Cô vẫn tưởng mình bị cảm - Ai lại đã khuya mà còn lên núi làm gì!
Vụn đá rơi thật nhiều nhưng chẳng có sản phẩm nào hoàn chỉnh cả. Lòng dạ đâu mà làm được nữa. Anh hỏi Hài thích gì nhất? Cô thì thầm “Thấy người ta du lịch, em cũng thích đi như họ. Được đi đây đi đó, hay lắm...”. Cô mơ màng, đôi mắt như phủ sương “Biết bao giờ mình mới có tiền đi một chuyến anh Đình há”.
Anh thức trắng suốt tháng để hoàn thành đơn đặt hàng của một người buôn - Trăm ông Địa, cũng chừng ấy ông Thần Tài và chừng ấy ông Tiên có cái mũ nan choàng qua vai. Anh sẽ đưa Hài di du lịch, một cái xe thật êm lướt qua ổ gà nhẹ như không... Anh sẽ đưa Hài lên rừng xuống biển, sẽ đến xứ sở mù sương ngắm hoa tuyết rơi và đến vùng nắng ấm cho cô sưởi lại làn da bợt bạt của mình.
- Có phải ông đã chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị?
Câu hỏi thốt khẽ khàng vào buổi sáng ảm đạm, lớp lớp bụi đá bám trên tường màu xám lạnh. Tiếng bà Minh rú lên trong phòng Hài - Cô bỗng nhiên co rút người lại và không bao giờ đứng lên được nữa. Giáo sư bác sĩ rút quyển sổ nhỏ ở trong túi ra, con số bệnh nhân của căn bệnh lạ lùng tăng thêm một số ở hàng đơn vị.
- Nhưng tôi không bị thương - Ông Minh gào lên - Tôi là thằng may mắn nhất, hết chiến tranh trở về không một vết xây xước. Không thể...
- Một vết thương cụ thể trên da thịt có khi lại là may mắn hơn! - Giáo sư bác sĩ cắn môi lại.
- Chẳng lẽ... Chẳng lẽ... Những người như tôi... Bao nhiêu người lính như tôi... Bác sĩ nào đến cũng có một quyển sổ...
Ông Minh chỉ tay vào một số có ba chữ số trong sổ, lưỡi líu lại. Rồi ông xỉa tay vào trán anh, tay kia túm ngực áo anh mà lắc:
- Thằng này cha nó cũng là lính. Một ngày nào đó chân tay nó tự nhiên chỉ còn một nửa hay sao? Hay cái đầu của nó mọc sừng hươu? Hay mắt mũi của nó chỉ còn là những cái lỗ? Hả... Nó là số bao nhiêu? Số bao nhiêu?
Ông lao tới chụp lấy quyển sổ xé nghiến ra làm đôi, rồi húc vào vị giáo sư, cả hai đập đầu vào tường, bụi đá rơi lả tả, cái áo blouse nhuộm màu xám.
Ổng òa khóc.
Chừng ấy tượng thánh không đủ cho chuyến du lịch, những vị thần giống hệt nhau bán chẳng được mấy tiền. Anh lặng lẽ nhìn Hài trong tủ kính. Người đàn ông tóc bạch kim ngày nào lại đến, nhiều lần ngỏ ý muốn mua pho tượng này mặc dù anh đã lắc đầu. Lần sau ông trả giá cao hơn lần trước, lần sau lại cao hơn nữa... và cao hơn. Anh gật đầu. Anh sẽ đưa Hài đi, không bay nhảy giữa gió trời thì cô sẽ ngắm cảnh đẹp qua cửa xe vậy. Anh sẽ treo những tấm rèm màu sáng. Khi cô mệt rèm kéo lại ru cô ngủ. Khi cô thức giấc, vén rèm lên, anh sẽ bồng cô trên tay và trò chuyện với cô về những điều trông thấy...
Không kịp.
Anh thẫn thờ nhìn đống tiền trên bàn. Hài đã đi rồi, cả hình lẫn bóng cùng bỏ anh mà đi.
Không còn Hài - Nắng không còn lấp lánh cười qua tủ kính. Không còn Hài, không còn tiếng cười đuổi theo, đường lên núi xa mù và trơn tuột. Tiếng chuông chùa ngân không tiếng vọng nguyện cầu. Không còn Hài, không còn ánh mắt lườm lườm, bụi đá xóc vào tay như những mũi dao nhọn.
Không còn Hài, những pho tượng vô hồn trơ ra từng khuôn mặt đá.
Quán ế hẳn.
Chuyện kể ngày xưa vua xin Thượng đế hãy thu lại quyền phép nơi bàn tay của vua, Ngài không thích vàng nữa, cùng với bàn tay của ngươi trần thế, Ngài có lại hoàng hậu bằng xương bằng thịt. Kết thúc có hậu làm sao!
Cổ tích không đến với anh dù ngày nào anh cũng lên núi nguyện cầu, hai bàn tay anh trơ trụi với cô đơn.
Ông Minh cười buồn: “Hít thở bụi đá chừng ấy năm giờ nghỉ cũng được rồi”.
“Ba mươi năm du lịch trên thế giới, hôm nay ông giới thiệu với chúng ta bộ sưu tập độc đáo - Những tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ không tên tuổi...”Anh nửa thức nửa ngủ, màn hình nhấp nháy và tiếng thuyết minh nửa thật nửa ảo. Suốt năm nay anh và cái tivi sống với nhau. Yến đã đi rồi. Anh đã đuổi nàng đi. Những cơn mơ của anh đã đuổi nàng đi.
Anh mơ thấy con sâu đong đưa trong lưới nhện, rồi tấm lưới sà xuống, con sâu tuột trước mặt anh, thân hình cong cong duỗi ra và nhoẻn cười với anh, nụ cười mang hình lưỡi hái. Nửa đêm tỉnh dậy anh uống nước ừng ực, mồ hôi tuôn như tắm. Rồi anh mơ thấy một sản phụ quặn người trong cơn đau, đứa bé sinh ra có khuôn mặt thiên thần, nó đưa tay về phía anh, hai bàn tay không có ngón. Anh mơ thấy... mơ thấy... Cả Yến nữa, cô chợt rụng mất hai vành tai, đôi hoa tai chỏng chơ trên gối.
- Em không thể chịu nổi nữa. Tại sao...
Yến ôm mặt nhìn anh dốc chai nước qua cổ giữa khuya, nước trào tung tóe qua môi, chảy xuống cổ... chảy xuống sàn nhà la liệt báo, những tờ báo đăng hình những đứa bé dị dạng méo mó...
- Rất nhiều người lính đã trở về và tìm được thăng bằng. Còn anh chưa biết chiến tranh là gì. Tại sao anh lại tự làm khổ mình như vậy?
Anh biết anh đang làm khổ nàng, đang tự làm khổ mình. Nhưng trời ơi, tai họa rình rập đâu đó và nó sẽ ập đâu đó đến giữa lúc bình yên nhất. Hài đã chẳng ra đi khi anh và cô đang mơ về một đám cưới đó sao? Tai họa đến khi quanh người ta là ánh mặt trời, là hạnh phúc. Tai họa đến, xới tung hiện tại, lục tìm quá khứ...
“Có phải ông đã chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị?” Và còn rất nhiều địa danh khác nữa. Những địa danh màu da cam người lính nào đã đi qua và trở về?
Nàng mong một đứa con. Nàng mong được nghe lại tiếng khóc của mình thuở bé thơ. Nó sẽ có khuôn mặt của nàng và chiều cao của anh. Đứa con sẽ tuyệt vời biết bao vì kế thừa những gì tốt đẹp nhất của mẹ cha. Nhưng những cơn mơ của anh đã biến đêm thành đêm dài nặng nề. Đêm - anh là bệnh nhân còn nàng là y tá để rồi sáng ra anh xót xa xin nàng tha lỗi.
Cũng có lúc anh dịu lại. Có những ngày anh và nàng thật hạnh phúc và thật tốt đẹp. Nhưng rồi một mẩu tin trên tờ báo mới “Tại bệnh viện X, một đứa trẻ sinh ra không có hai vai... Bố cháu trước kia chiến đấu ở chiến trường Y...”
Anh lại rơi vào những mơ.
Những cơn ác mộng của anh đã đuổi nàng đi.
“Chương trình Thế Giới Đó Đây xin giới thiệu với quý vị vả các bạn... Ông Allen Davis, người có niềm say mê sưu tầm những tác phẩm lạ của những người thợ bình thường...”Anh nhỏm dậy chui ra khỏi mùng. Trời oi như muốn mưa. Tiếng léo nhéo làm anh khó chịu. Tắt phụt tivi, anh mò mẫm tìm chai nước và chợt nhận ra ti vi còn cho ánh sáng! Những tia chớp loằng ngoằng ngoài trời hắt vài quầng sáng qua khe cửa rồi tắt lịm. Anh ấn nút ti vi trở lại và chui vào mùng.
“Bộ sưu tập mang tên Khoảnh Khắc Tình Yêu... ”Những hình ảnh lướt qua nhập nhòa. Một bình đất nung Trung Quốc kiểu dáng rất lạ. Một con búp bê kết từ những hạt nút đủ màu... Cái gì kia? Anh giật mình - Pho tượng đội mũ tai bèo! Ngón tay trỏ rất trắng của người đàn ông tóc bạch kim vuốt nhẹ vành mũ, tưởng chừng đó là vành mũ bằng vải rất mềm. Rồi ông ta cầm một pho tượng khác giơ cao. Anh ngồi nhổm dậy - Gã con trai lom khom, tóc sau rất ngắn còn trước trán thì xổ xuống bờm xờm, môi mím chặt. Và một pho tượng nữa. Toàn thân anh rúng động - Hài!
Tim anh đập từng nhịp lặng. Mắt cô nhìn anh cười như có nắng. Mái tóc ngắn rủ bên trên đôi mắt lườm lườm rất đỗi thân quen.
“... Ông Allen Davis gặp những pho tượng này trong một quán bán hàng lưu niệm dưới chân núi ở miền Trung Việt Nam. Người làm nên tác phẩm là một chàng trai rất trẻ...”Anh thẫn thờ nhìn hai tay mình, trong vùng ánh sáng nhấp nhoáng loang loang từ màn hình, những đường gân thời gian loằng ngoằng in dấu.
Nỗi đau trong lòng anh chầm chậm dâng lên và chầm chậm tan ra. Tựa như cuộc đời anh đã là hai phần tách bạch không liên quan gì đến nhau. Phần đời kia đã hóa thành đá cùng với Hài, đang bên nhau dưới vành mũ tai bèo. Phần đời này... Phần đời này...
Anh nằm xuống, duỗi người nhắm mắt lại. Không biết rằng trời đã sáng và thằng bé bán báo đang nhét tờ báo mới qua khe cửa.