iles và Gwenda vừa ăn sáng xong thì Marple tới thăm. Hai vợ chồng vừa ở Northamberland về. Marple vội nói ra trước: “Hai bạn bỏ qua cho tôi đến sớm thế này, mọi khi thì không phải vậy đâu. Tôi có một việc phải nói ra ngay”. “Hân hạnh được gặp lại cô”, Giles nói, giơ tay kéo ghế mời nàng ngồi, “cô dùng cà phê đi”. “Thôi, khỏi, khỏi. Tôi ăn sáng no lắm rồi. Tôi kể ra đây. Hai bạn có việc đi xa mới nhờ tôi ở nhà dẫy cỏ sau vườn”. “Cô khéo tay”, Gwenda nói. “Hai ngày làm sao dẫy cho hết cỏ, cho nên mới thấy lão Foster ăn thiệt làm dối, lão tới chỉ lo uống trà mồm nói chuyện huyên thuyên. Về sau tôi biết lão làm không nổi. Qua tới bữa sau, tôi phải thuê một người thợ làm mỗi tuần một ngày, kể từ thứ tư, là bữa nay”. Giles chưng hửng nhìn theo, vẻ mặt chưa hết ngỡ ngàng. Làm vậy hơi quá đáng, dù sao Marple nghĩ ra chuyện đó là xen vô việc nhà người ta. Marple không phải vậy. Anh thong thả nói: “Lão Foster già rồi, không kham nổi việc nặng”. “Vậy mà tôi thấy lão Manning còn già hơn, nghe lão kể đã bảy năm. Nhưng ta cần mướn tạm vài bữa bởi trước đây lão từng giúp việc cho nhà bác sĩ Kennedy. Tại đấy Helen đã làm quen nhăng nhít với anh chàng Afflick”. “Cô Marple”, Giles nói. “Vậy mà lâu nay tôi nghĩ bậy. Cô thật tài tình. Cô đã biết tôi xin nhà Kennedy được mảnh giấy ghi chữ viết tay Helen còn để lại sao?”. “Biết chứ. Tôi có mặt tại đó mà”. “Tôi đã gửi bưu điện bữa nay, tôi biết có một chuyên gia chuyên về ngành tra tự dạng”. “Ta ra sau vườn coi lão Manning làm ăn ra sao”. Gwenda nói. Lão Manning người lom khom, mắt nhặm ghèn coi vậy nhưng còn nhìn rõ. Lão nhanh tay xén cỏ theo từng bước chân chủ nhà đang tới gần. “Chào ông, chào bà. Có một bà nhờ tôi tới đây giúp trọn ngày thứ tư. Tôi nhận lời. Nhìn quanh đây xấu xí quá”. “Vài năm nữa không khéo mảnh vườn sẽ thành khu đất hoang”. “Có thật đấy. Tôi chợt nhớ, hồi bà Findeyson có mướn tôi làm vườn. Khu vườn nhà bà đẹp lắm, bà khen mãi”. Giles cúi xuống nhìn cái trục xén cỏ, Gwenda giơ tay ngắt mấy nụ hồng. Marple lùi lại khom người bên hàng cây bìm bìm. Lão Manning cào cho sạch cỏ. Buổi sáng hôm nay người ta thích nhắc lại chuyện cũ, chuyện làm vườn. “Chắc là ông rành hết mấy chỗ nhà vườn quanh đây?” Giles khen cho lão vui lên. “Vùng này tôi rành quá, kể cả những sở thích mỗi người. Bà Yale quê trên vùng Niagra, nhà trồng một hàng rào thủy tùng tạo hình dáng như con sóc, trông nó kỳ cục làm sao ấy. Công là công, sóc là sóc làm gì có chuyện lẫn lộn. Còn ngài đại tá Lampard, một tay thích trồng cây thu cải đường, nhìn vô nhà thấy quanh năm. Nay đã lỗi thời. Nay không ai còn thích chơi cây phong lữ thảo, cây sơn thái nữa”. “Lão có lần tới làm vườn cho nhà bác sĩ Kennedy chứ?”. “Ôi, lâu lắm, tôi còn nhớ lâu lắm, mười chín hai mươi năm có”. Lão bỏ lửng, làm tiếp qua chỗ khác. “Còn anh chàng bác sĩ trẻ Brent ở trên vùng Crosby Lodge chơi ngông thích trồng cây ra trái mọng nước, đặt tên là cây Vittapin”. “Chắc ông còn nhớ cô nàng Helen Kennedy, em gái ông bác sĩ Kennedy”. “À, tôi nhớ rõ cô nàng Helen. Cô bé xinh đẹp, tóc vàng dài chấm lưng. Ông bác sĩ cưng lắm. Lấy chồng… một sĩ quan đóng bên xứ Ấn Độ, rồi sau về lại đây”. “Dạ” Gwenda nói. “Chúng tôi biết chuyện đó”. “À, tôi có nghe - đâu là buổi tối thứ bảy, hai vợ chồng cô em đây là người bà con với ông. Cô bé đẹp như bức tranh, cô nàng Helen, học ở trường về nhiều chuyện vui lắm. Tính hay bay nhảy, thích chơi tennis, nhảy đầm. Để tôi còn lo kẻ lại vạch vôi, gần hai chục năm bỏ trống không ai lui tới chơi, nhìn quanh cây cối um tùm. Tôi phải tỉa cho gọn. Với lại còn lo rắc vôi kẻ hàng phân cách. Lắm thứ việc, nhìn thấy vậy chưa dợt banh được đâu. Đời nó lắm chuyện buồn cười”. “Thấy vậy mà buồn cười sao?”. Giles hỏi lại. “Tôi muốn nói tấm lưới căng trên sân tennis. Mới chơi một đêm sáng ra thấy rách tả tơi, bọn chúng chơi xấu, quỷ sứ âm binh”. “Có ai mà chơi xấu vậy?”. “Cho nên ông bác sĩ muốn tìm cho được, ông chỉ cho tôi nhìn thấy, tôi không dám phàn nàn, bởi ông bỏ tiền ra mua. Chúng tôi không dám đổ cho ai chơi xấu. Nghĩ sao ông không bỏ tiền mua cái mới thay bởi làm xong lại bị phá. Nàng Helen không lấy làm khó chịu. Không may cho nàng, cũng tại tấm lưới chắn, rồi tới cái chân bị sướt da”. “Đau chân sao?”. “Dạ, té xuống trúng nhằm cái cuốc xới, sướt da mà lâu chưa thấy lành. Ông bác sĩ băng bó thuốc men chạy chữa. Nghe ông nói: “Tôi không hiểu sao, có thể một vật lạ còn dính trên lưỡi cuốc”. Ông nói ngay “Có ai đem quăng cây cuốc xới bỏ lại nằm ngay giữa đường xá ra vô?” Tối hôm đó, Helen vấp té xuống ngay chỗ này. Tội nghiệp, thật xui xẻo cho nàng”. Nghe tới đó Giles buột miệng hỏi: “Thế ông còn nhớ người nào là Afflick?”. “Hở, ông vừa nhắc tên Jackie Afflick? Nhân viên văn phòng công ty Fane và Watchman?”. “Đúng thế. Anh chàng này bạn của nàng Helen?”. “Làm gì có chuyện đó. Ông bác sĩ ngăn chặn không cho. Bởi hắn chả là cái quái gì. Hai bên không ngó nhìn nhau nữa. Hắn làm không được bao lâu bởi không ai ưa, ra đi là vừa. Ở Dillmouth không ai ưa hắn. Đi chỗ khác may ra còn đất sống”. Gwenda vặn lại: “Lúc tấm lưới trên sân tennis rách toạc hắn còn luẩn quẩn đâu đây chứ?”. “À, tôi đoán cô em đang nghĩ gì trong đầu. Hắn không thèm chơi ba cái trò bỉ ổi đó đâu. Jackie Afflick coi vậy chứ biết điều. Ai mà chơi vậy là có ác ý”. “Chắc quá, phải có kẻ thù ghét gì nàng Helen đây. Ta phải vạch mặt hắn”. Lão Manning cười theo. “Chỉ có mấy cô nàng thù ghét với nhau thôi. Nàng Helen có khi nào làm hại ai, không thấy có chỗ nào đáng chê. Trong vụ này có kẻ giở trò chơi rắn mặt. Bọn sống lang thang côn đồ muốn chơi vậy thôi”. “Hay là Helen căm giận anh chàng Jackie Afflick?”. “Nàng Helen không thèm để mắt tới mấy cậu thanh niên quanh đó. Nàng thích một mình. Chỉ có anh chàng Walter Fane thấy hay đeo bám nàng không rời nửa bước”. “Vậy mà nàng cũng không đoái hoài tới”. “Đừng đổ cho nàng Helen. Nàng nhìn qua rồi cười lại thế thôi. Về sau anh chàng bỏ đi nước ngoài, chẳng bao lâu thấy quay về. Làm chủ hãng, không thèm lấy vợ. Làm sao mà trách gã. Có mấy bà chỉ tổ rước thêm rắc rối”. “Ông có gia đình rồi chứ?”. Gwenda hỏi. “Hai đời vợ, chết hết”. Lão Manning nói. “Thế đấy tôi chả trách ai. Giờ tôi thích ngồi một mình hút ống tẩu nhìn trời”. Lão lặng lẽ khom người nhấc cái bừa cào lên. Giles và Gwenda trở vô nhà, cũng vừa lúc Marple dọn xong hàng dây leo bìm bìm, bước theo sau. “Kìa Marple” Gwenda lên tiếng. “Hôm nay cô không được khỏe, hay là…”. “Chả sao cả”, cô bạn già ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời, “các bạn biết sao không, tôi không thích cái chuyện phá hoại tấm lưới chơi tennis. Cắt xén đứt từng mảng… Ngay cả lúc đó”. Chợt bà dừng lại, Giles thắc mắc. “Tôi chẳng hiểu gì cả”. “Anh chưa hiểu sao? Tôi biết tỏng cả rồi. Thà ông bạn đừng nên biết thì hơn. Hay là - biết đâu tôi nghĩ tầm bậy. Thôi kể chuyện ở Northumberland cho tôi nghe đi”. Marple chú ý lắng nghe. “Phải nói là một chuyến đi không may”. Gwenda nói. Thật là thê thảm. “Vậy đó. Khổ thế, khổ thế đó”. “Tôi nghĩ sao nói vậy. Sao ông lại chịu khổ vậy”. “Ông nào? Ôi, đúng rồi”. “Cô bạn muốn nói là…”. “Vâng, đúng thế. Tôi nghĩ thương cho bà - bà vợ của ông. Bà thương ông thiệt tình, hai ông bà thật xứng đôi, có lẽ vì ông thấy thương hại bà hoặc đó là lẽ thường tình của chuyện vợ chồng, cho nên mới thấy ân hận”. “Thương nhau có đủ trăm đường. Thương nhau lắm thì cắn nhau đau” Giles vừa lên giọng khẽ ngân nga. Marple quay qua nhìn. “Vâng, đúng thế. Ghen tuông nói cho đúng ra đâu phải bao giờ cũng là khởi đầu của mọi chuyện. Nó còn hơn vậy nữa - tôi biết nói thế nào? - nói ra để cho người ta tin mình. Đã thương nhau cũng mong được đền đáp… thế nên mới có chuyện mong chờ, thắc thỏm… người tình kia đã chạy theo bóng hình khác. Chuyện đời là thế đó. Cho nên bà Erskine mới đày đọa ông chồng, còn ông chịu không nổi mới thành hại lại bà. Nghĩ lại bà thật đáng thương. Tới giờ này tôi mới biết ông thương bà thiệt tình”. “Làm gì có chuyện đó”, Gwenda thốt lên một tiếng. “Ôi cưng ơi, cưng hãy còn trẻ. Ông có bỏ vợ đâu, cũng có cái lý của nó”. “Còn bầy con nữa, bổn phận làm cha phải nghĩ lại”. “Bầy con thơ, vậy đó?”, Marple nói. “Tôi thấy mấy ông bây giờ biết lo lắng cho vợ - còn chuyện phục vụ nhà nước là chuyện khác”. Giles nghe xong cười. “Sao cô lại bi quan thế”. “Ôi này Reed, nào tôi có phải vậy đâu. Ở đời ai cũng mong muốn đối xử có tình người”. “Tôi thì cho là không phải anh chàng Walter Fane”. Gwenda nghĩ ngợi một lúc. “Mà cũng không thể là ngài thiếu tá Erskine. Thiệt tình tôi dám nói là không phải”. “Ý kiến riêng một người chưa thể xác định được”. Marple nói. “Thủ phạm là một người không ai ngờ. Một trường hợp phạm tội hiếm có đã xảy ra nơi xóm làng nhỏ quê tôi, anh chàng thủ quỹ câu lạc bộ Christmas ôm trọn mớ bạc nướng vô trường đua ngựa. Vậy mà trước đó gã nói không chơi cờ bạc, cá ngựa. Trước kia người cha cũng một tay chuyên chơi cá độ, ngược đãi vợ - vậy mà ai cũng nói ông ta thương vợ. Một bữa nọ lái xe ngang qua khu vực Newmarket nhìn vô thấy mấy con ngựa tập dượt vậy là ông ta nghĩ ra trò chơi đỏ đen. Máu me cờ bạc có khác”. “Xét mấy đời ông bà của Walter Fane luôn cả Richard Erskine không có điểm nào đáng nghi?”, Giles muốn khẳng định, anh chợt chép miệng. “Có thể coi đây là một vụ án do một tay sát thủ nghiệp dư”. “Cái đáng nói là”, Marple lên tiếng, “vụ án còn sờ sờ ra đó. Ngay tại đấy - lúc đó Walter Fane đang ở Dillmouth. Còn ngài thiếu tá Erskine trước đó thấy còn lui tới với nàng Helen Halliday và rồi không thấy trở lại khách sạn ngay trong đêm”. “Nhưng mà ông ta được miễn trừ…”. Gwenda cắt ngang, Marple nhìn qua nàng có vẻ gay gắt. “Tôi muốn nhắc lại một điểm”, Marple nói. “Đáng lưu ý là vụ án xảy ra ngay tại chỗ”. Nhà trinh thám đưa mắt nhìn theo từng người một. Nàng nói tiếp: “Các bạn sẽ tìm ra địa chỉ của Afflick không có gì khó khăn. Anh chàng là chủ hãng Daffodil Coaches. Tới đó sẽ tìm ra thôi”. Giles gật. “Tôi sẽ tìm ra, địa chỉ nằm trong danh bạ điện thoại”. Anh nói tiếp “Hay là chúng tôi nên tới ngay nhà đó?”. Marple chần chừ mới nói: “Nếu đi được - thì nên dòm trước ngó sau. Nhớ lời lão làm vườn đã nhắc nhở, Jackie Afflick là một tay sừng sỏ… Nên dè dặt đấy…”.