Ai đó đã nói: “Làm văn chương là đi vào sa mạc đầy dấu chân người”. Được tin vui Nhà văn Trần Thy Vân sắp tái bản cuốn truyện dài Tiếng Hờn Chân Mây. Theo anh cho biết, tác phẩm này cũng được rất nhiều bài viết của các nhà văn, báo chí, đài phát thanh và độc giả khen ngợi. Để khỏi bước trùng “dấu chân”, tôi xin có vài nét về Trần Thy Vân, tác giả hai tác phẩm nổi tiếng “Anh Hùng Bạt Mạng” và “Tiếng Hờn Chân Mây”. Tháng 3/1966, anh và tôi gặp nhau ở đồi Tăng Nhơn Phú, học khóa 22 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, và cùng chung Đại Đội 16. Anh, nước da bánh mật, mình dây, đi đứng nhanh nhẹn và tánh nóng. Tháng 12/1966 ra trường, tôi về vùng IV, anh chọn Biệt Động Quân. Tám năm, tính đến 3/3/74, ngày anh để lại đôi chân ở mặt trận Quảng Ngài, anh đã giẫm nát các chiến trường từ vùng II ra vùng I, cả Hạ Lào. Hai lần bị thương, lần cuối cùng, không những mất hết đôi chân, thân thể anh còn mang nhiều mảnh đạn để rồi 33 năm sau, 2001, bệnh viện Garden Grove, Califomia, mới giải phẩu và cũng chỉ gắp ra được một. Đời lính, anh trải qua nhiều trận đánh, lẫy lừng nhất là cuộc tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, đầu năm 1973. Với quân.số còn nửa đại đội (trước khi xung trận, đơn vị đã bị máy bay bắn lầm, thiệt hại 31 người), anh cùng 50 tay súng Biệt Động lại đánh tan một trung đoàn (trừ) của Cộng quân Bắc Việt. Quả là một chiến tích thần kỳ mà trong quân sử QLVNCH chưa có một đơn vị cấp đại đội hoặc tiểu đoàn nào làm được. Gian khổ tột cùng. Có lần lính của anh phải đái ra uống, vì hết nước, trước lúc đơn vị anh đơn độc mở đợt tấn công chiếm một mục tiêu trên đỉnh núi cao gần 1000 mét, mà anh gọi đó là “Đỉnh Mùa Đông”, trong dãy Trường Sơn, phía tây Mỹ Chánh Huế. Chúng ta hãy nghe Trần Thy Vân bày tỏ thắc mắc: “Thưởng (Tiểu Đoàn trưởng) bảo ‘ráng‘ đi, tôi chả hiểu ráng cái gì, ráng chiếm mục tiêu hay ráng đái uống?” (AHBM-chương QHCPM). Nước đâu còn để đái đây, Trung Úy Trần Thy Vân ơi! Chiếm được căn cứ Jackson trong khi nhiều đơn vị bạn có đến cấp tiểu đoàn không kham nổi. Ta hãy nghe Trung Úy Đại Đội trưởng Trần Thy Vân thắc mắc khi mục tiêu vừa chiếm được, còn nồng nặc mùi thuốc… súng và máu người: “- Không hiểu của ai (từ trên trực thăng) ném xuống một cây Lucky, rồi bay tuốt vào đám mây mất dạng. Sao họ không cho kết nước ngọt nhỉ, chứ thuốc lá thì nước miếng nước bọt còn đâu nữa mà hút? Cây Lucky trị giá bằng 40 mạng Biệt Động Quân vừa ngã gục. Dẫu sao cũng hơn các lọ dầu cù là ông Tiên vợ chồng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tặng lính trị cúm lam sơn chướng khí trong cuộc hành quân Lào 1971 “ (AHBM-chương QHCPM). Với 18 huy chương loại Anh Dũng, đa số là vàng và nhành dương liễu với hai Chiến Thương Bội Tinh trên ngực áo, Trần Thy Vân, bạn tôi đã đóng góp quá nhiều xương máu cho quê hương tổ quốc. Sau những năm dài mất nước, lưu vong xứ người, hằng tuần chúng tôi vẫn liên lạc nhau qua điện thoại, nhắc lại bao kỷ niệm trên chiến trường xưa, tới Hạ Lào; tôi thường nghe anh thở dài: “Nỗi buồn thế thái nhân tình nhẹ nhàng như một tiếng hờn dù đã xa ngoài chân mây“. Tôi hãnh diện thưa với mọi người, bạn tôi Trần Thy Vân, một sĩ quan ưu tú của QLVNCH, một nhà văn, một con người kiệt xuất, lẫy lừng. Kansas City 20-11-2005 ::: Tường Lam:::