Phần 21 - Chương 12

Cuối cùng thì người ta cũng bố trí để cho Tài được gặp Nhung, người vợ đã ly thân của y.
Công việc này có khó khăn, vì Tài đang trong giai đoạn điều tra. Ngay cả luật sư cũng chưa được phép gặp bị cáo. Nhưng nhờ một nhà khoa học tâm lý tội phạm, một tiến sĩ trong ngành công an đề xuất. Họ hy vọng qua cuộc gặp gỡ này, sẽ tìm ra căn nguyên của hành vi giết người.
Tài được dẫn ra bàn đợi, có người giám sát. Khi Nhung vào thì họ lẳng lặng, đứng dậy rất lịch sự, nhưng Nhung thừa biết, họ đã bố trí theo dõi rất kỹ càng. Ở đây không cần lịch sự. Một người công an nói với Nhung một câu gọn lỏn:
-Chị có được một giờ.
Sau đây là nội dung cuộn băng ghi âm.
TÀI: Cô vào đây làm gì?
NHUNG: Thật xấu hổ. Tôi thật xấu hổ khi phải vào chỗ này. Người ta đã cầm súng dẫn tôi như dẫn giải một tội phạm.
TÀI: Con bé thế nào?
NHUNG: Sao nó lại sống kia chứ. Tôi mong nó chết đi, mà nó không chết.
TÀI: Cô độc ác quá. Tôi mong họ cũng sẽ dẫn cô như dẫn tội phạm. Tôi biết thế nào cô cũng giết nó.
NHUNG: (lấy khăn mùi-soa thấm má) Sao ở đây nóng thế? Anh ngủ chỗ nào?
TÀI: Nhà giam làm sao mà mát được. Tôi nằm ở chỗ nằm của một tên tội phạm giết người. Cô muốn xem không?
NHUNG: (cười) Tôi cũng muốn xem thử xem nó thế nào. Từ nhỏ tôi hay tò mò lắm. Người ta có bắn anh không?
TÀI: Làm sao họ tha cho tôi được. Lúc đó cô có đi không? Đi xem họ bắn tôi ấy?
NHUNG: Không! Tôi sợ tiếng súng, sợ máu đổ.
TÀI: Thế mà hôm tôi bắn Tụ có cô ở đấy nhỉ? Hắn đổ gục xuống, ngay trước mắt tôi.
NHUNG: Tôi không muốn hỏi anh đâu, nhưng người ta gợi ý cho tôi hỏi anh. Vì sao anh bắn anh Tụ?
TÀI: (nghĩ ngợi một lát) … Hắn đáng bị bắn, tôi ghét hắn!
NHUNG: Đáng bắn thì nhiều lắm, không chỉ riêng Tụ. Nhưng sao người bắn anh Tụ lại là anh. Anh là cấp dưới, cấp phó, là người được ưu ái, được nuôi dưỡng trong ống tay áo của anh ta kia mà?
TÀI: Cô chưa nói hết, tôi còn là một con chó trung thành của hắn.
NHUNG: Thì đúng rồi. Một con chó cắn lại ông chủ. Đó là một con chó tồi.
TÀI: Khi con chó tồi, thì đấy chính là lúc nó sắp sửa được hóa kiếp.
NHUNG: Thành kiếp gì?
TÀI: (cười méo mó) Kiếp người thì hơi khó. Nhưng mà cũng có thể. Người độc ác, xấu xa, như cô ấy…
NHUNG: Không nói chuyện tôi. Anh bắn anh Tụ nhằm mục đích gì?
TÀI: Làm gì có mục đích. Đã gọi là tội ác thì không có mục đích. Các ông công an cũng hỏi tôi câu này, không phải một mà nhiều lần. Tôi đều trả lời như thế.
NHUNG: Trả thù chẳng hạn?
TÀI: Trả thù thì thiếu gì cách mà phải bắn. Để mang tội.
NHUNG: Tôi thật không hiểu được anh!
TÀI: Thế mà có lúc cô bảo chả khó khăn gì cô cũng hiểu được tôi. Rằng tôi nông cạn, dốt nát, rằng tôi tham ăn, tục uống, rồi lại hèn nhát…
NHUNG: Thì anh đúng là thế!
TÀI: (cười) Bây giờ thì tôi không thế nữa phải không? Tôi đã quay một-trăm-tám-mươi độ rồi! Tôi can đảm, không sợ chết, không tham ăn, không còn hèn nhát nữa. Cô đừng có bĩu môi như thế! Nếu tôi chưa chết, tôi được tự do ra ngoài, tôi sẽ thành người đàng hoàng. Sẽ không ai khinh tôi được, sẽ có nhiều người trọng vọng tôi…
NHUNG: Anh nghi ngờ tôi và anh Tụ à?
TÀI: "Sự nghi ngờ giết dần giết mòn người ta, nhưng sự thật thì giết chết ngay". Tôi không nghi ngờ.
NHUNG: Anh cũng đọc sách kia đấy?
TÀI: Tôi không đọc sách. Tôi nghe điều này được ở Tụ. Sách vở là thứ vớ vẩn mất thời gian. Tôi chỉ đọc báo, đọc những báo cơ quan mua cho tôi.
NHUNG: Tức là Tụ đã cho anh sự thật.
TÀI: Không bao giờ. Tụ không bao giờ có sự thật nào hết. Chính tôi đã điều tra ra sự thật.
NHUNG: Về tôi?
TÀI: Về cô? Đúng là có sự thật về cô. Về sự bội tín, phản trắc, lăng loàn. Nói chung đó là sự thật về một con điếm được che đạy bởi cái vỏ bọc tiểu thư.
NHUNG: (đâp bàn) Ở phòng ngủ, hay thậm chí trong phòng ăn trước mặt ba tôi, anh có thể nói như thế. Nhưng ở đây, anh không được phép.
TÀI: Tôi được phép và thậm chí bắt buộc phải nói hết. Cô không tin à? Có cái micro trước mặt kia kìa. Cô sợ bị vạch mặt à?
NHUNG: Anh là một thằng đàn ông tồi. Cho nên anh Tụ xếp anh ngang hàng với loài chó cũng không có gì lạ.
TÀI: (bình thản) Nhưng sự thật ấy vẫn chưa đủ. Cô chỉ là nạn nhân thôi.
NHUNG: Còn gì nữa?
TÀI: Cô vào thăm tôi kia mà. Người ta đã nói với tôi như thế. Không phải cô đến để thẩm vấn tôi đấy chứ.
NHUNG: Thăm! (lấy một bọc đồ ra đặt lên bàn rồi đẩy tới trước mặt Tài). Tôi là một người vợ thăm chồng đang bị bắt giam.
TÀI: Cám ơn vợ. Có những gì trong này? Có giũa hay cưa sắt gì không?
NHUNG: Anh tự khám phá lấy. À, anh có thư đây.
TÀI: (hồi hộp) Của ai thế?
NHUNG: Có lẽ của anh trai anh ở quê?
TÀI: Sao lại có lẽ? Thế ra cô chưa đọc?
NHUNG: Không! (lấy phong thư đưa cho Tài). Tôi được dạy dỗ từ bé, không đọc thư người khác.
TÀI: (xăm soi lá thư, rồi ngẩng lên). Tí nữa về buồng giam tôi sẽ đọc.
NHUNG: Sợ người ta không cho.
TÀI: Sao lại không? Có thể cô không đọc, nhưng công an người ta đọc rồi. Chắc lại toàn những điều ông anh quý báu chửi rủa tôi chứ gì?
NHUNG: Anh có được ăn no không?
TÀI: Quan trọng gì. Tôi đã ăn hiều ở ngoài đời rồi. Xuống địa ngục lại ăn tiếp. Tôi mong cho mau chết. Này, sau khi họ bắn tôi, cô sẽ nhận xác tôi chứ.
NHUNG: Tất nhiên. Tôi sẽ xây cho anh một ngôi mộ. Có gắn tên và…
TÀI: Cám ơn! Nhưng đừng ghi tội trạng của tôi lên đó.
NHUNG: (cười to) Anh cũng sợ à? Giết người không gớm tay mà cũng sợ à?
TÀI: Tôi không sợ cho tôi, mà cho những người khác bắt chước. Thế gian này lắm kẻ bắt chước lắm.
NHUNG: Anh tưởng ai cũng như anh sao?
TÀI: Không nói chuyện ấy nữa, buồn quá. Sức khỏe ba thế nào?
NHUNG: Bình thường. Ba tôi vẫn nhắc đến anh.
TÀI: (giọng ân hận) Tôi tiếc là không có cha như ba. Nếu tôi có được một người cha như ba, chắc tôi đã đi theo hướng khác.
NHUNG: Không! Ngu dốt, lưu manh là bản chất của anh rồi. Ba tôi đã chả coi anh như con ruột là gì?
TÀI: Tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng giữa coi như và sự thật khác nhau xa. Tôi không thích ai thương hại tôi.
NHUNG: Thực dụng như anh mà cũng đòi lý sự. Bao nhiêu năm làm đầy tớ cúc cung, anh Tụ cũng dạy cho anh được nhiều thứ đấy nhỉ?
TÀI: Toàn là điều nhảm nhí. Duy chỉ có hai điều là tôi thật sự cám ơn Tụ.
NHUNG: Những gì thế?
TÀI: Thứ nhất, hắn dạy cho tôi biết bắn súng?
NHUNG:???
TÀI: Thật đấy. Tôi có đi lính nhưng chưa bắn vào ai. Lần đầu tiên tôi bóp có vào một người cụ thể.
NHUNG: Còn điều thứ hai?
TÀI: Là giặt đồ lót cho đàn bà?
NHUNG: Cái gì? Anh nói lại xem nào?
TÀI: (cúi xuống, chảy nước mắt) Nhung ơi, em tha lỗi cho anh. Những năm tháng chúng ta là vợ chồng, anh chưa giúp em giặt được một lần áo quần. Vậy mà anh lại đi giặt không chỉ quần áo mà cả đò lót cho người ta…
NHUNG: (giận dữ) Ai? Cho ai?
TÀI: Em đừng trách anh. Anh cũng không ngờ, anh hèn hạ ở đâu thì cũng có thể được. Anh giặt cả đồ lót cho vợ và con gái Tụ…
NHUNG: (nghiến răng) Trời ơi! Sao mà anh hèn thế? Tôi ghét anh, thù anh, coi thường anh, lừa dối nhưng tôi chưa đến nỗi chà đạp anh như thế? Anh chết đi! Chết ngay đi…
TÀI: (vẫn khóc) Anh sẽ chết, sẽ chết…
NHUNG: (ôm cả bọc đồ ném về phía Tài) Anh ở lại đây mà đợi chết. Khốn nạn thât…
TÀI: (nhoài qua nắm áo Nhung) Khoan đã, đừng bỏ anh lại đây…
NHUNG: Buông ra!
(Tài vẫn níu kéo. Nhung vung tay tát mạnh vào mặt Tài)
NHUNG: Khốn nạn!
Thế là có cuộc xô đẩy. Bàn ghế đổ rầm rầm. Hai người công an chạy ra. Họ tra còng vào tay Tài dẫn đi
Nhung ngồi gục xuống, nức nở. Một người công an lay vai cô:
-Hết giờ rồi, mời chị ra ngoài cho!