Phần 18

Với chồng, và với gia đình chồng, Hảo hết òng lo toan chu tất. Mỗi tiếng thở dài ngao ngán, mỗi cái nhăn mắt, vỗ trán của chồng, chị đều thấy mình đau quặn. Người đàn bà bất lực, họ khóc, nước mắt trôi đi, gột rửa nỗi niềm; còn người đàn ông bế tắc, vô vọng, họ nung nấu kỹ trong ruột trong gan, như ngọn núi lửa trầm tích, âm ỉ. Tâm sự của người đàn ông trí thức được cất giấu trong cái hộp đen, chỉ khi nào nó nổ tung ra, rời khỏi cái máy bay bị phát hỏa, người ta mới hy vọng hiểu được đôi phần. Nỗi thất vọng buồn bực của chồng chị cũng gánh, dù anh không muốn san sẻ. Đôi khi Hảo thấy chồng mình như cái nồi áp suất Liên Xô, quà tặng của Tụ cho chị ngày lấy chồng, khi đã đậy nắp, xoáy van rồi thì chỉ còn biết canh lửa, canh giờ. Những gì đang vận động, đang chín, đang mục rữa ở trong cái nồi nhôm bít kín ấy làm sao biết được? Chị thương chồng lắm, nhưng Hảo cũng biết, hễ chị can thiệp vào cái van an toàn thỉnh thoảng lại xì ra một luồng hơi nước nóng bỏng ấy, để nói khỏi bức bối, khỏi gây hấn, lộn xộn.. lập tức cái nồi sẽ nổ tung! Lúc ấy, ôi thôi, tình yêu, nghĩa vụ, nhân cách... sẽ văng ra như xương, như gân, như thịt, như cà rốt, khoai tây... xà bần xắng cấu!
Đêm tối bỗng như những ngọn đèn đường cao áp thủy ngân rọi một thứ ánh sáng xanh ngắt, sắc lẻm rọi vào tâm trí Hảo. Ti-vi đã chuyển chương trình, trên màn hình một ông quan to nào đó đang nói về vận mệnh đất nước. Giọng nói lừ đừ, cao đạo của ông khiến Hảo không mấy tin vào những gì sẽ hiện ra sau bàn tay vung lên, xua ngang, chém dọc của ông. Rồi cô xướng ngôn viên có bộ ngực lép, chiếc áo lót ngực nổi cộm lên những đụn vải, xê dịch trong chiếc áo dài quá chật. Hảo bỗng bật cười nghĩ đến một cái trật tự xếp hàng một như đàn kiến trên con đường danh giá. Đứng đầu là ông nguyên thủ quốc gia, thứ tự đến ông bộ trưởng, rồi cứ thế... cứ thế kéo dài mãi ra! Hảo đứng ở đâu? Tụ đứng ở đâu? Chồng Hảo, Ngô Kha, bác bảo vệ? Mà họ hơn nhau ở cái gì để đứng ở những vị trí khác nhau nhỉ? Trí tuệ mẫn tiệp, ý chí kiên cường, sức vóc tráng kiện, hay đơn giản chỉ là sự tình cờ, sự sắp xếp, ngẫu nhiên của người đến trước, đến đúng lúc?
Một sự cố ngẫu nhiên đã đến với gia đình Hảo, hay đúng hơn là với chồng Hảo. Nói ngẫu nhiên là nói với Hảo, với chồng chị, những cái vỏ kén, những cái nồi áp suất âm ỉ, nhưng thực ra sự biến động này thuộc về những vận động ở bề trên, ở những bộ óc đứng hàng đầu về trách nhiệm cũng như quyền lợi. Cùng với sự lùi vào hậu trường của tiếng Nga, sự xuất hiện trở lại đến mê hoặc của tiếng Anh đã là một biến cố mang nhiều điềm may đến cho họ. Hảo vốn thụ động, sợ suy luận nhưng lại có trí nhớ tốt, tốt đến lạnh lùng, nguy hiểm. Khi học tiếng Nga, chị được Tụ truyền cho lòng nhiệt tình bằng câu nói: "Tiếng Nga là tiếng nói của chủ nghĩa xã hội, tiếng của những người bạn, tiếng của đồng chí cùng giai cấp, cùng lý tưởng. Còn tiếng Anh là tiếng nói của thương mại, của con buôn!". Thế rồi, khi tiếng Nga đã mất chỗ đứng trên đất này, tiếng Anh là công cụ, là thời trang, Tụ học tiếng Anh ngày đêm, và tiến bộ rõ rệt. Tất nhiên, một trong những người Tụ coi là thầy dạy tiếng Anh lại là Hảo. Một lần đùa Tụ (dần dà, Hảo cũng biết đùa), Hảo nhắc lại câu chuyện "tiếng Anh là tiếng của con buôn", Tụ trả lời ngay, không đắn đo:
-Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại mình, nhìn bạn bè và nhìn ra thế giới. Và cũng đã đến lúc chúng ta phải xác định lại cơ cấu kinh tế, phương thức làm ăn...
-Nghĩa là phải coi trọng nghề buôn?
-Đúng thế! Buôn bán chính là tác nhân giúp cho xã hội phát triển.
-Thế còn những người bạn, những người đồng chí?
Tụ say đắm nhìn vào lá cờ đỏ sao vàng nhỏ xíu cắm trước mặt (Hảo nghĩ là mốt của những nhà lãnh đạo, trừ ngoại giao và cấp chính phủ, chứ cỡ Tụ, chưa hẳn đã cần đến quốc kỳ bên cạnh), trầm ngâm:
-Chúng ta đã phải trả giá đắt cho những suy nghĩ ấu trĩ của mình, cho cả một hệ thống lý thuyết đầy non nớt, ngây thơ. Trong cơ chế thương trường, khái niệm "bạn" hay "đồng chí" rất tương đối. Bạn hay đồng chí phải là những người có ích cho ta. Cái rõ nhất trong thương trường là "đồng bọn", "đồng lõa" "đồng lợi ích"... và nó chỉ tồn tại trong một thời gian, có vai trò lịch sử của nó...
-Thế còn lại? Hảo băn khoăn nhìn Tụ, hỏi khá gay gắt, đủ biết chị đã hiểu được phần nào về con người này.
-Phần còn lại của thế giới ư? Đó chính là một "bầy đàn tiêu thụ"...
-Ra thế? Hảo thở dài, nhìn lên bức tranh chép vẽ những phụ nữ thời trung cổ, mông to, vú nở... treo trên tường.
Tụ vẫn say sưa theo ý nghĩ của mình:
-Một bầy đàn tiêu thụ, đúng thế. Họ bị lừa phỉnh bằng những món hàng hào nhoáng, những tiện nghi lười biếng, thậm chí cả những ảo tưởng may mắn. Nhưng để có được những thứ đó, để tiêu thụ hàng đống sản phẩm họ phải trả giá bằng sức lao động cật lực và cả sự mông muội của mình...
Hảo thật sự phục Tụ, một con người có lối suy luận rất nhanh, những suy đoán hợp lôgíc một cách chóng mặt. Nhưng trong những sự thông thái mà Hảo nhận thấy ở anh, dần dà chị còn biết được cả sự quay quắt khá linh hoạt, như người ta vẫn hay gọi bằng cái từ bí hiểm: hoạt đầu!
Trong sự thay đổi, những biến động của xã hội, của kinh tế làm mọi người như bừng tỉnh. Tất cả nháo nhào lên, họ lao vào làm ăn, thi đua mở cửa hàng, cửa hiệu, lập công ty. CHANDCO cũng bừng bừng chuyển động, mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ, đại lý, chi nhánh phụ... Hàng hóa chuyển động ầm ầm, kế toán tối mắt tối mũi vì công việc vì chứng từ, công nợ, tiền mặt, chuyển Nguồn: Nguyễn Chí Hải
VNthuquan - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 10 tháng 7 năm 2006


---~~~mucluc~~~---