Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm. Tôi cảm thấy trong mình không có chút hậu phản ứng nào cả. Tôi nằm yên một lúc lắng nghe tiếng máy xe chạy trên Đường Piccadilly êm dịu vọng vào phòng qua hai lớp cửa sổ. Một lát sau tôi trỗi dậy, cởi áo quần mặc từ hôm qua và đi tắm nước lạnh. Trong lúc cạo râu tôi bắt đầu cố suy nghĩ một cách đúng đắn. Tôi rối bù đầu với đủ giả thuyết trong suốt bữa điểm tâm do bồi phòng đem vào cho tôi vào khoảng chín giờ. Tôi vẫn trở về với kết luận cũ. Về vụ Monique và Ted mất tích, tôi vẫn nhất định truy tầm. Bây giờ tôi hiểu rằng tôi không thể bám lấy niềm tin Ted đã chết lúc tôi còn ở Hoa-thịnh-đốn. Mặc dầu vậy, tôi không biết có thể tin Monique về những điểm nào. Riêng lời cam quyết của nàng về vụ Ted hãy còn sống thì có thể tin được. Tôi cố không nghĩ đến Monique. Rất có thể nàng chính là người đàn bà trẻ tuổi ngồi chung xe với anh nàng khi anh ta chết. Tôi thay áo quần và đi thang máy xuống tầng trệt lúc chín giờ rưỡi. Đúng lúc cửa thang máy mở tôi chợt biết mình đang lâm nguy. Đứng ở bàn giấy của người gác cổng là người đàn ông tôi đã trông thấy trước lối vào cao ốc có căn nhà của tôi, đang nói chuyện với hai cảnh sát viên mặc sắc phục. Rõ ràng ông ta là một thanh tra mật thám. Ông ta đang hỏi thăm người gác cửa. Tôi biết ông ta có thể tìm được một bức hình của tôi một cách dễ dàng tại Hãng United Publication. Ngay lúc tôi vừa có ý nghĩ này, tôi trông ông ta lấy một chiếc phong bì từ túi áo trong và cho người gác cửa xem một tấm hình. Tôi nhẹ nhàng ra khỏi thang máy và sải hai bước dài qua khúc hành lang hẹp, tiến tới cánh cửa hông mở ra phía quán Buttery. Viên thám tử nhìn lên khi tôi bước qua lối đi chật hẹp và mắt chúng tôi cùng gặp nhau trong một lát. Nét mặt ông ta không có vẻ nhận ra tôi. Bước nhanh lên hành lang chính tôi lẹ làng ra cửa phía đường Berkele hướng về ngả Buttery mà không bị theo dõi. Tôi tìm được một buồng điện thoại ở đường Berkele và quay số của bộ Tư Lện Hải Quân. Tổng đài cho tôi liên lạc với một người thư ký. Giọng nói lạnh nhạt của một người đàn bà nhắc lại tên tôi tựa hồ có gì đáng lưu ý. Rồi cô ta nói: - Ồ, đúng rồi, ông Dunbar. Chúng tôi đang mong đợi ông. Tôi là Delight, nữ thư ký của Đại uý Andrews. Ông vui lòng chờ một phút để tôi xem thử sáng nay ông ấy có việc gì hay không? Cô ta trở lại sau mười giây. - Ông Dunbar, Đại uý Andrews mời ông đến đây ngay. Tôi sẽ thay đổi một vài buổi hẹn để dành cho ông trọn sáng hôm nay. Tôi liền bảo: - Độ mười phút nữa tôi sẽ đến. Đề Đốc Jonas đã thực hiện lời hứa. Tôi chợt cảm thấy bớt cô đơn hơn một chút. Tôi đón một chiếc taxi đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tôi biết đã đến lúc cần phải vận dụng mọi sự giúp đỡ mà tôi có thể tìm thấy. Tôi không chắc chắn sẽ nhờ cậy nhiều ở Đại uý Colin Andrews, thuộc Hải Quân Hoàng Gia, nhưng tôi phải thử xem. Văn phòng của Đại uý Andrews khiến cho tôi hơi ngạc nhiên. Căn phòng không lớn, nhưng nó gây ra một cảm tưởng đặc biệt. Cái bàn viết xinh xắn của ông ta đặt ở một đầu phòng trông thật cân xứng với chỗ hội họp ở đầu kia, gồm một cái bàn hội nghị ngắn xung quanh có sáu chiếc ghế bành rất êm ái. Mấy bức tường lót ván đào-hoa-tâm và những tấm màn bằng vải dày ở các khung cửa sổ khiến cho căn phòng giống hệt văn phòng của một vị giám đốc quan trọng. Ngay trong ngày u ám như hôm nay, nó vẫn mang nét vui tươi và sáng sủa. Ngoài ra lịa còn có một lò sưởi nhỏ đốt bằng than đá ở cuối phòng gần chỗ hội nghị. Bản thân Andrews là một điều đáng ngạc nhiên. Ông ta bước vào văn phòng một cách nhanh nhẹn, mấy phút sau khi nũ thư ký của ông ta dẫn tôi vào. Ông ta có vẻ quá trẻ so với một vị đại uý của Hải Quân Hoàng Gia, có lẽ chỉ trên bốn mươi tuổi là cùng. Một bộ mặt diều hâu ngăm đen, với một cái mũi quặm tạo cho ông ta cái dáng của một tay lãng tử giang hồ vào thời Elizabeth Đệ Nhất. Nhưng ông ta cạo râu rất sạch. Ông ta chỉ cần thêm một bộ rầu của Francis Drake là hoàn toàn giống vị đề đốc này. Ông ta lên tiếng: - Chào ông Dunbar. Tôi hy vọng ông chíng là Stuart Dunbar, người Everett Jonas đã viết thư cho tôi hay. - Chính tôi đây. Xin chào đại uý Andrews. - Ông đến vừa đúng lúc để gây hào hứng cho tôi. Nấy lúc gần đấy công việc mỗi lúc một thêm nhàm chán. Sau khi hỏi qua về gia thế tôi, ông ta lại hỏi tiếp: - Có phải ông cũng là người mang tên Stuart Dunbar đã gửi cho tôi một bức thư mà tôi chưa kip mở ra xem? - Vâng. Tôi ước mong đại uý có thể dành cho tôi ít phút. - Bao nhiêu cũng được. Tôi đã cho dời tất cả các cuộc hẹn sáng nay khi tôi nghe tin ông đến đây. Ông ngồi xuống chứ. Ông muốn dùng cà phê hay trà? - Xin cho trà. Ông ta chắc lưỡi và mỉm cười. - À, ông dùng trà. Cô Delight, cô thấy chứ? Còn tôi thì cà phê. Cô Delight đã học pha ở bên Mỹ, ngon tuyệt. Cô ta liền bỏ đi lấy khay. Tôi hỏi: - Tên cô ấy là Delight thật, hay đó chỉ là một biệt danh gọi đùa trong sở? Ông ta đáp: - Đúng Delight. Chắc ông tưởng tên cô ấy có chữ “De” ở trước như một số người Pháp. Ở London có một tiệm bán thịt mang bản hiệu J.W. Death. Tôi đoán có lẽ khởi thuỷ là De Ath. Cô Delight trở vào với chiếc khay. Cà phê bốc hơi thơm ngát. Andrews bảo: - Cô Delight, nhờ cô mời Sir George vào. Khi người nữ thư ký đã đi ra, ông ta quay sang tôi: - Tôi mong ông không phiền lòng. Sau khi tôi nghe tin ông sẽ đến đây trong sáng hôm nay, và sau khi tôi nhớ lại những lời Everett Jonas đã viết cho tôi, tôi thiết tưởng mình phải mời Sir George Vallance đến. Chắc ông biết ông ấy là Giám đốc An Ninh. Tôi nói: - Vâng, tôi có nghe nói về ông ấy một cách mơ hồ. Nhất định Andrews xem việc này quan trọng lắm, nên ông ta mời dời tất cả các cuộc hẹn lại và yêu cầu Vallance đến họp. Andrews nói: - Càng mơ hồ chừng nào càng tốt chừng đó. A, Sir George, ông đã đến. Đây là ông Stuart Dunbar. Tôi đã nói chuyện với ông về ông ấy. Sir George lên tiếng: - Ông là một người bạn của một người bạn của tôi. Alexander MacInnes. Ông mạnh giỏi chứ? - Vâng, cảm ơn ông. MacInnes là một người rất tốt. Tôi hy vọng ông ấy không chê tôi quá nhiều. - Ông ấy đã nhắc lại tên của ông, phòng lúc tôi có dịp gặp ông. - Một sự tình cờ lý thú Vallance mỉm cười một nụ cười lạnh lùng. - Không hoàn toàn đâu. Ông ấy còn nghĩ rằng tôi cần phải biết rõ về câu hỏi của cô De Ménard. Ông có biết cô ấy hiện giờ ở đâu? - Không. Ông ta nhìn tôi chăm chú một hồi lâu, mãi cho đến lúc Andrews xen lời: - Thôi mình cùng ngồi xuống đi. Chúng tôi muốn nghe câu chuyện của ông. Tiếng chuông điện thoại liên lạc nội bộ trên bàn vang lên ngắt lời ông ta. Đó là cô Delight. - Thưa đại uý, có ông Dillingham đến. - Cô mời ông ấy vào ngay. Tôi ngạc nhiên ra mặt: - Dillingham? Andrews bảo: - Vâng. Tôi không thể không gọi cho ông ấy hay, sau những lời Everett Jonas đã kể với tôi. Tôi mong ông không lấy thế làm phiền. Tôi đáp ngay: - Tôi còn vui mừng là đằng khác. Cô Delight dẫn Dillingham vào phòng. Tôi để ý thấy ông ta và Sir George Vallance giống nhau một cách đặc biệt: thân hình cao, gầy, toàn màu xám. Ông ta bắt tay với Vallance và Andrews, rồi bảo tôi: - Dunbar, ông vẫn còn là một đầu đề. Tôi đáp lại: - Tôi vẫn còn có nhiều vấn đề. Ông ta nhìn Andrews. - Các ông đừng để tôi làm gián đoạn. - Không, không! Không đúng là gián đoạn. Dunbar mới sửa soạn kể chuyện cho chúng tôi nghe. Tôi mất bốn mươi phút sau đó để kể lại tất cả câu chuyện, với mọi chi tiết mà tôi có thể nhớ. Họ đều hết sức lắng tai nghe. Họ chỉ ngắt lời tôi ba lần, hai lần để hỏi thêm cho rõ, một lần chỉ huýt gió khi tôi kể tới đoạn Van Leyden và Matuschek đột nhập vào phòng của tôi. Đó là phần cuối của câu chuyện. Vallance nói: - Bọn người đó chắc chắn không bao giờ đùa. Chúng tôi đã dùng họ một đôi khi – tôi muốn nói nhóm Oui-Dize. Nhưng không hiểu bây giờ có chuyện gì khác lạ? Bọn này như đi trật đường rầy. Andrews lắc đầu. - Tôi không hiểu. Nhưng tôi lưu ý đến phát minh đó, và hiện giờ Edward Dunbar ở đâu. Dillingham lớn giọng bảo: - Tôi cũng vậy Vallance quay sang ông ta. - Ông hãy kể vụ đó cho chúng tôi nghe với. Nó hiệu lực đến mức nào? Dillingham bảo: - Hiệu lực một cách khủng khiếp. Các ông có thể tin lời tôi. Tôi không mấy lo ngại về phát minh nguyên thuỷ của người Pháp - tức phát minh của Jacques de Ménard – nhưng tôi vô cùng lo ngại về phát minh của Edward Dunbar. Phát minh của CEFSA chỉ có hiệu lực tới chân trời, nhưng phát minh của Dunbar có hiệu lực uốn cong theo mặt địa cầu. Vallance kéo chòm râu mép qua một bên. - Hừ. Tôi hiểu. Mình có thể phỏng đoán bọn chúng muốn chiếm phát minh đó để làm gì? Dillingham nói: - Chúng tôi đã cố suy đoán. Chúng tôi không có ý kiến gì mãi đến lúc nghe Dunbar kể lại đề nghị của Anson trên tàu Queen Victoria. Dunbar, y nói gì? một thứ siêu quốc gia? Vallance bảo: - Vô nghĩa. Nhưng tôi tin rằng manh mối thật sự ở trong mấy tiếng Martin Allen đã gượng nói với Dunbar trước khi chết. Bọn chúng đã bắt giữ Allen suốt đêm. Nhất định anh ta đã nghe bọn chúng nói chuyện. Ông không có ý kiến gì về hai tiếng đó hay sao, Dunbar? - Không. - Ông có chắc chắn đã nghe rõ? Chỉ có ông mới biết được. Tôi lắc đầu. - Làm sao mà chắc chắn được. Tiếng nói như sắp hết hơi và không còn tự nhiên. Môi ông ấy chỉ hơi hé ra. Tôi đã kể cho các ông nghe hai tiếng tôi nghe được. “Suit” và “try”. Andrews nói: - Có vẻ mơ hồ thật. Tôi bày tỏ ý kiến thêm: - Thật ra, hai tiếng đó, không được thốt lên một cách rõ ràng như lúc này tôi cố gắng thuật lại. Tiếng thứ hai - nếu có thể xem đó như một tiếng nói - rất dễ nghe lầm từ tiếng “Tra”. Tiếng kia nghe rõ hơn, nhưng cũng rất có thể tôi đã lầm. Cuối tiếng này không chừng là chữ “d” chứ không phải là chữ “t”, nhưng như vậy thì lại vô nghĩa hơn nữa. Vallance nghiêng mình tới trước và chăm chú nhìn tôi. - Mình thử nghĩ đó không phải là hai chữ, mà chỉ là một chữ với hai âm. Chuyện có lý đấy chứ? Tôi nhìn nhận: - Có thể lắm. Lúc đó Allen đang hấp hối. Rất có thể ông ấy dừng lại giữa hai âm. Vallance chỉ một ngón tay trỏ thật dài vào tôi - Ông hãy nghiệm lại theo lối đó. Tôi thử đi thử lại nhiều lần. Kẹt hơn hết là chứ “y”. Giọng nói của Allen phều phào trong máu, nên cũng có thể đó là chữ “a”. Khi thử lại lần thứ ba, tôi có cảm giác vừa bị một quả đấm thực sự. Dà dày tôi thắt lại. Tôi reo lớn: - Chúa ơi! Ngu quá. Andrews từ tốn bảo: - Tôi xin chịu thua. Dillingham chồm ra khỏi ghế - Ông nói gì vậy? Tôi liền đáp: - Tôi đã quên đưa cho các ông xem bức thư do Monique viết cho tôi. Đai uý Andrews, ông đang giữ bức thư đó mà. Ông vui lòng cho tôi xem lại? Ông ta rút phong thư in tên và địa chỉ của Khách sạn Lovelace ra khỏi túi. Phong thư vẫn còn dán kín. Tôi liền xé ra, và nói: - Nó đây. Cùng một chữ. Nhưng đối với tôi nó không có nghĩa gì cả. Andrews cầm lấy bức thư. - Phải. Tôi hiểu lối mật mã này. Đoạn ông ta gọi lớn vào máy điện thoại nội đàm. - Cô Delight! - Thưa đại uý cần gì ạ? Ông ta nói ngay: - Cô Delight nhờ cô lấy cuốn Muirhead Scotland ngoài thư viện đem vào đây cho tôi? Càng nhanh càng tốt. Vallance hỏi: - Ông nói tiếng gì nghe lạ quá? Dillingham bảo: - Chắc là tiếng Ấn Độ - Không, tiếng Tô-cách-lan. Sir George, nhất định ông biết Saint Sudra. Ông ta lấy bức thư khỏi tay của Andrews, xem qua và gật đầu. - Phải rồi! Đúng là Saint Sudra. Rõ ràng như ban ngày, chỉ việc đọc thẳng xuống là thấy ngay. Nhưng, Andrews, thế này thì vô lý quá. Dillingham nín không được, phải hỏi: - Có ai vui lòng nói rõ ra cho tôi nghe với? Ngay lúc đó, cô Delight đi vào phòng, với một cuốn sách nhỏ màu xanh trên tay. Tôi nhận thấy đo là một trong những cuốn chỉ dẫn thật hay của nhà xuất bản Ernest Benn, do Russell Muirhead soạn thảo. Tôi đã mang theo bên mình sáu cuốn trong bộ sách này những lúc phải đi đến các vùng xa lạ. Andrews cầm cuốn sách và giở nhanh qua những trang ở phía sau. Rồi ông ta hớn hở nói: - Phải, đây rồi. Tôi xin trích đọc trang ba trăm chín mươi hai, đoạn cuối phần viết về quần đảo Hebrides:”Saint Sudra, gồm bốn hải đảo nhỏ tách riêng một vùng và hiện giờ không có người ở (dộ chừng năm mươi dặm vuông) cách Murra, điểm cực anm của Outer Hebrides, bốn mươi dặm về phía tây, ngày nay chỉ được viếng thăm với những mục tiêu khoa học (không có tàu du khách). Đảo lớn nhất, Saint Sudra (dài độ chừng mười dặm) có cao độ lên tới một ngàn hai trăm bộ, về phía cực bắc là nơi được bao bọc bởi những bờ đá tuyệt đẹp, mặc dù những vùng ở miền trung và miền nam rất bằng phẳng. Vào tháng tám năm 1930, toàn thể dân chúng trên quần đảo ( tổng cộng ba mười lăm đảo lớn nhỏ), với những phương tiện riêng bán khai, đã di chuyển mọi thứ động sản đến định cư một số lớn gần Lochaline. Hiện nay, bốn đảo trong nhóm Saint Sudra (Sudra, Dun, Ross và Kevin) bị bỏ hoang cho lũ dê núi rất khó săn bắt và lũ chim biển sinh sản ngày một thêm nhiều trên những bờ đá cao. Giống vật thực sự dã man duy nhất là chuột. Saint Sudra (không có vị thánh nào mang tên này) có lẽ xuất xứ từ cái tên Sudreyjar, một danh từ Na-uy nghĩa là Đảo Miền Nam mà người Na-uy dùng để gọi chung quần đảo Hebrides. Đã có một thời kỳ Sudra thuộc quyền của dòng họ MacLeod. Đảo Dun chính là nơi Lord Field đã đày bà vợ của ông ta khi bà này biết rõ nhiều chuyện bí mật của đảng Jacobite (1734). Sau đó ông ta đã cử hành tang lễ cho bà vợ, mặc dầu vị phu nhân bất hạnh còn sống thêm ba năm kể từ ngày được đưa đi khỏi đảo vào năm 1972.” Mọi người cùng suy nghĩ trong im lặng. Andrews kéo dải lụa dùng để đánh dấu vào trang vừa đọc và gấp cuốn sách lại. Ông ta đăm đăm nhìn chúng tôi với cặp lông mày nhíu sát vào nhau. - Có ai muốn đánh cuộc rằng đây không phải là Saint Sudra ám chỉ trong bức thư? Và tiếng Sudra của Martin Allen? Tôi quả quyết: - Nhất định đó là tiếng Allen cố nói. Chắc hẳn ông ấy đã nghe bọn chúng nói chuyện về nơi này trong lúc bọn chúng bắt giữ ông ấy thâu đêm. Bọn chúng đã nói chuyện không thèm e dè, vì biết rằng Allen sẽ phải chết sáng hôm sau. Vallance hỏi: - Điểm chính yếu là gì? Dillingham trả lời ông ta: - Tôi nghĩ Andrews đang tin tưởng rằng mấy hòn đảo này có lẽ không phải không có người ở như Muirhead nói trong cuốn sách. Andrews gật đầu: - Chính thế. Có lẽ giống vật thực sự dã man duy nhất không phải là lũ chuột nữa. Và tôi có ý kiến mình nên tìm hiểu rõ ngay lập tức. Tôi xin phép đi gọi một cú điện thoại. Tôi sẽ thấy tôi có thể phát giác được những gì. Ông ta liền đi đến bàn giấy và quay một số điện thoại gồm có bảy chữ sổ. Trong lúc chờ đợi trả lời từ đầu dây đằng kia, ông ta nói với chúng tôi: - Tôi liên lạc với bộ Nội Vụ. Tôi sẽ chuyển qua máy phóng thanh để tất cả các ông đều có thể nghe. Ông ta bật nhanh cần ngắt điện, và nói tiếp vào máy điện thoại: - A lô, Bannister, Colin Andrews đây. - A lô, Andrews. Anh ở đâu mất biệt mấy năm nay? Andrews đáp: - Chỉ vì tôi không có điều gì cần hỏi anh. Bây giờ tôi đang cần đây. Anh có thể cho tôi biết rõ về một hòn đảo ở cức nam của quần đảo Hebrides tên là Saint Sudra. Theo lời người ta nói thì không có ai ở. Bannister trả lời ngay: - Hoàn toàn sai. - Không phải không có ai ở? - Hiện giờ không còn như trước. Mới cách đây vài năm mà thôi. Câu hỏi của anh thật là một sự tình cờ lạ lùng. Ba tháng trước tôi vừa trình lên Sếp một biên bản về vụ này. Hòn đảo đã được một nhóm khoa học gia kiểu công tử bột xin mướn. - Anh có nhớ một cái tên anò trong nhóm khoa học gia công tử bột đó không? - Trời ơi, Andrews, tôi làm sao nhớ rõ được. Nếu chuyện này quan trọng đối với anh, tôi sẽ xem lại hồ sơ và sẽ gọi lại cho anh hay. Andrews liền bảo: - Xin anh hãy xem lại ngay. Ngay bây giờ. Không thể để sang ngày mai. - Hãy hành động ngay hôm nay, như Winnie vẫn thường bảo. Hãy xuất lực càng sớm càng tốt. Chúng tôi cùng nghe tiếng máy đặt xuống giá ở đầu kia. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau trong lúc Andrews quay một số điện thoại khác, một số ngắn chỉ gồm bốn chữ số, và lần này ông ta không bật máy phóng thanh. - Claggett? A lô, Dick, Colin Andrews đây. Tôi hiểu, tôi đã gần như giam mình trong tu viện chỉ vì quá bận… Với phương tiện mình sẵn có tại phía bắc, mình có thể thực hiện một phi vụ quan sát vùng Outer Hebrides hay không?... Không, chỉ có mấy hải đảo nhỏ cách Murra độ chừng bốn mươi dặm, về phía tây… Đặc biệt chú ý một đảo mà thôi. Đúng rồi, Sudra…, tôi hiểu. Anh có thể chuẩn bị trước giúp tôi, hay là tôi phải liên lạc với phòng Phi Vụ?... Cám ơn, Dick… Không, chỉ cần xem qua và cho tôi một bản phúc trình thật nhanh… Phỉa, tôi sẽ ban hành lệnh, nhưng anh khỏi phải chờ đợi tôi. Anh cứ thi hành việc này, tất cả trách nhiệm tôi sẽ lãnh hết. Chuyện khá quan trọng. Ông ta trở về bản nhưng không ngồi xuống. Trông ông ta có vẻ nóng nảy, và nói với chúng tôi: - May quá. Hiện đang có một chiếc hàng không mẫu hạm thực hiện các cuộc thí nghiệm về thời tiết ở Butt-of-Lewis và Cape Wrath. Hàng không mẫu hạm Defiant. Claggett đang chuẩn bị một chuyến bay quan sát. Tôi xin phép ra ngoài để ban hành lệnh. Ông ta quay người định đi ra cửa. Tiếng nói của Dillingham làm ông ta ngừng lại. - Khoan đã, Andrews. Tôi biết đây là chuyện ngoài thẩm quyền của tôi, nhưng nó vẫn khiến tôi lo ngại. Chắc ông cũng hiểu rất có thể xảy ra chuyện nguy hại? Tôi muốn nói, cho phi công. - Sao vậy? Ô, tôi hiểu. - Phải. Nếu Saint Sudra là một căn cứ bí mật của Anson và tổ chức Oui-Dire, và nếu có một chiếc hộp đen được đem đặt tại đó, thì chiếc thám thính cơ của ông có thể không trở về được. Xét đoán theo sự kiện bọn chúng tìm đủ mọi cách để không ai biết gì về Sudra, nhất định chúng sẽ không niềm nở tiếp đón những kẻ tò mò. Ngoài ra ông nên nhớ, có lẽ bọn chúng không biết có một mật tin trong bức thư của cô De Ménard, nhờ Dunbar đã che đậy một cách khôn khéo. Nếu bọn chúng bắt gặp chiếc thám thính cơ của ông, chúng sẽ hiều ngay. Andrews tỏ ra do dự: - Tôi hiểu ý ông muốn nói gì. Nhưng tôi nghĩ rằng dù sao đi nữa, mình vẫn phải điều tra. Chưa ai kịp trả lời ông ta, chuông điện thoại bỗng reo vang. Ông ta liền chụp lấy máy. - A lô, Bannister. Anh cừ thật. Chuyện như thế nào?.. Tôi hiểu… Phải, tôi hiểu. Cám ơn anh nhiều lắm. Khi nào anh cần, tôi sẽ xin đáp lại. Ông ta quay về phía chúng tôi. - Đúng là Anson. Bannister cho tôi biết hòn đảo đã được sở hữu chủ cho Anson mướn. Không thấy ai nhắc tới Oui-Dire. Các điều khoản trong khế ước thuê mướn nói rõ hòn đảo được dùng làm nơi nghiên cứu và khuyếch trương. Sir George Vallance bảo: - Ông cứ đi ban hành lệnh thám thính. Andrews liền nói: - Độ mười phút nữa, tôi sẽ trở lại và dẫn các ông đi ăn trưa. Ông ta dẫn chúng tôi đến câu lạc bộ Hải Quân và Quân Đội, được dân London gọi là câu lạc bộ Vào-Ra vì những tấm bảng chỉ đường xe chạy trên hai cột trụ ở đường Piccadilly.