Eduard cảm thấy mùi của miền đất đó. Đang là mùa khô, bụi đặc mũi, nhưng chàng thấy mãn nguyện, bởi vì cảm nhận được đất nghĩa là cảm thấy mình tràn đầy nhựa sống. Chàng đang đi một chiếc xe đạp ngoại nhập, chàng 17 tuổi, chàng vừa kết thúc một học kỳ tại một trường học của Mỹ ở thành phố Brazilia, nơi tất cả con cái của các nhân viên ngoại giao đều học tập tại đó. Chàng ghét thủ đô, nhưng yêu những người Brazil. Hai năm trước, cha chàng được bổ nhiệm làm đại sứ của Nam tư tại đây, những năm tháng ấy, không một ai ngờ tới sự chia cắt đẫm máu của đất nước. Milosevich vẫn đang nắm quyền. Những người đàn ông và đàn bà chung sống bên nhau với tất cả sức khác biệt của họ và cố gắng sống hoà thuận với nhau, bất chấp các cuộc xung đột khu vực. Brazilia chính là nơi đầu tiên cha chàng được bổ nhiệm. Eduard đã mơ đến các bãi biển, vũ hội hóa trang, các trận bóng đá, âm nhạc, nhưng hoá ra thành phố thủ đô cách xa bờ biển này được xây dựng chỉ như một nơi cư trú cho các chính khách quan chức, nhân viên ngoại giao và đám con cái của họ chẳng biết làm gì trong toàn bộ môi trường xung quanh như thế. Eduard căm ghét một cuộc sống như thế. Suốt ngày chàng vùi đầu vào học và cố - nhưng bất thành – tiếp xúc với các bạn bè cùng trường, cố - nhưng bất thành – chú tâm đến những chiếc xe hơi, những mốt giày thể thao, thời trang hàng hiệu – đây chính là đề tài duy nhất được các bạn đồng lứa của chàng bàn bạc đến. Thỉnh thoảng lại có các buổi dạ hội, trong đó ở góc phòng này là chục cậu choai choai chếch choáng hơi men, góc kia là là dăm cô gái tơ giả bộ dửng dưng phớt đời. Ma tuý là chuyện thường thấy, và Eduard thực sự cũng đã kịp thử mọi loại ma tuý hiện có, tuy thế vẫn chưa nghiện một loại nào đó trong số ấy. Chàng bị kích động rất ghê, khi thì rũ rượi như kẻ mất hồn và lúc thì mất hết hứng thú với mọi chuyện diễn ra xung quanh. Gia đình lo nghĩ, chuẩn bị cho chàng đến con đường của một nhà ngoại giao, theo bước người cha. Nhưng tuy đã có đủ mọi thứ cần thiết cho tài năng này – lòng khát khao học tập, khiếu nghệ thuật tốt, năng khiếu ngôn ngữ, quan tâm đến chính trị - song, Eduard vẫn còn thiếu một phẩm chất cơ bản của một nhà ngoại giao: chàng rất khó giao tiếp với mọi người xung quanh. Nhưng dù cha mẹ chàng nhận mức lương khá cao, có bao lần dẫn chàng đến các buổi chiêu đãi, sẵn lòng mở rộng cửa đón những người bạn cùng trường đến thế nào đi nữa, Eduard vẫn rất hiếm khi đưa được một ai đó về nhà. Một hôm, bà mẹ hỏi chàng tại sao không mời bạn bè đến ăn trưa hay ăn tối, thì cậu con trai đáp: - Con đã biết tất cả các mác giày thể thao và biết tên tất cả các cô gái mà có thể dễ dàng làm tình với họ. Và chúng con chẳng còn đề tài nào thú vị để trò chuyện nữa. Nhưng một lần kia có một cô gái Brazil xuất hiện. Ông Đại sứ và bà vợ thấy yên lòng khi cậu con trai đã bắt đầu ra khỏi nhà và trở về muộn. không ai biết chính xác cô gái ấy từ đâu đến, nhưng một buổi chiều, Eduard đưa cô về nhà ăn tối. Cô là một cô gái có giáo dục, và họ lấy làm mừng, cuối cùng thì chàng trai cũng trở nên tự do hơn. Hơn thế, cả hai ông bà còn nghĩ, tuy không nói ra với nhau về điều này, rằng: sự hiện diện của cô gái này đã xoá bỏ đi một mối lo nữa – Eduard không bị đồng tính! Với Maria (tên của cô gái là thế) họ có một thái độ trìu mến của bố mẹ chồng tương lai, tuy biết rằng, hai năm nữa, họ sẽ thuyên chuyển đến một nước khác, và hoàn toàn không có ý định cưới cho cậu con trai một cô vợ nào đó từ những xứ sở quá đỗi dị ngoại. Theo kế hoạch của họ, cậu con trai phải làm quen với một cô gái xuất thân trong một gia đình đàng hoàng ở Pháp hay tge để có thể trở thành người vợ xứng đáng của một nhà ngoại giao tương lai. Trong khi đó, Eduard lại có vẻ như yêu rất thật lòng. Bà mẹ lo lắng nói với ông chồng về chuyện này. - Nghệ thuật ngoại giao là ở chỗ bắt đối thủ phải chờ đợi – ông đại sứ nói – Tuy chúng ta không bao giờ quên được mối tình đầu của mình, nhưng nó vẫn luôn qua đi. Tuy nhiên, xem ra thì Eduard đã thay đổi đến không ngờ. Chàng bắt đầu trở về nhà với những cuốn sách lạ, dựng một hình kim tự tháp trong phòng của mình và cùng với Maria chiều chiều đốt hương trầm, hàng giờ mải mê dán lên tường các hình ảnh kỳ lạ. kết quả học tập của Eduard ở trường học của Mỹ bắt đầu sút kém. Bà mẹ không biết tiếng Bồ Đào Nha, nhưng bà trông thấy bìa của các cuốn sách: những cây thập tự, những đống lửa, những phù thuỷ bị treo cổ, những biểu tượng kỳ dị. - Con trai chúng ta đọc những thứ nguy hiểm. - Nguy hiểm là những gì đangxảy ra ở Balkan ấy – ông đại sứ trả lời – Có tin đồn là Slovenia đang muốn độc lập, mà điều này có thể đưa chúng ta tới chiến tranh. Bà mẹ chẳng hề quan tâm đến chính trị. Bà muốn biết chuyện gì đang xảy ra với cậu con trai. - Đốt hương. Sao nó lại nghĩ ra cái trò quái đản ấy nhỉ? - Đấy là để át đi mùi cần sa – ông đại sứ nói – Con trai chúng ta có thừa học thức, chắc hẳn nó chẳng tin rằng những que hương ấy có thể mời gọi được thần linh. - Con trai tôi nghiện ma tuý! - Cái trò này rồi sẽ qua đi. Thời trẻ của tôi cũng đã hút cần sa, rồi nó sẽ bắt đầu ghê sợ cái thứ đó như tôi thôi mà. Người phụ nữ cảm thấy tự hào và yên tâm: chồng bà – một người từng trải, đã từng bị lôi cuốn vào cái thế giới xì ke ma tuý nhưng đã và có thể thoát khỏi nó! một người đàn ông có nghị lực mạnh mẽ như thế có thể kiểm soát được bất cứ tình huống nào. Một hôm Eduard xin một chiếc xe đạp. - Con đã có chiếc Mercedes – Benz và tài xế rồi. Con còn cần xe đạp làm gì? - Để tiếp xúc với thiên nhiên ạ. Con với Maria sẽ đi du lịch mười ngày – chàng trai nói – Cách đây không xa có một địa điểm có những tinh thể đặc biệt mà Maria cam đoan rằng chúng truyền đi một nguồng năng lượng quý báu. Với học vấn có được trong chế độ cộng sản, hai ông bà biết rằng, những tinh thể hoàn toàn chỉ là các khoáng chất với sự phân bố nhất định của các nguyên tử và chẳng phát ra một nguồn năng lượng nào hết. Cả tốt lẫn xấu đều không. Họ đã đi dò hỏi và phát hiện ra rằng những quan niệm về những “sự xung động của các tinh thể” bắt đầu thành mốt. Nếu cậu con trai vô tình nói đến đề tài này trong buổi đón tiếp chính thức, nó có thể trở thành một kẻ nực cười trong con mắt của những người xung quanh: lần đầu tiên ông Đại sứ thừa nhận rằng tình hình đang biến chuyển không được như họ mong muốn. Brailia là một thành phố sống bằng những tin đồn và chẳng mấy chốc tất cả mọi người có thể biết rằng Eduard mê mụ với những thành kiến mông muội. Các đối thủ của người cha ở sứ quán có thể nghĩ rằng chàng trai đã học được toàn bộ điều này từ cha mẹ, mà lối cách ngoại giao – đó không chỉ là nghệ thuật chờ đợi mà còn là khả năng luôn luôn, trong mọi hoàn cảnh, tuân thủ các quy ước và giao ước nữa. - Con trai của bố, con không thể cứ tiếp tục mãi như thế - ông bố nói – Bố có bạn bè ở bộ ngoại giao Nam Tư. Bố tin rằng con sẽ trở thành một nhà ngoại giao lỗi lạc, và để được như thế thì cần phải học cách tiếp nhận thế giới như nó vốn thế. Eduard đi khỏi nhà và tối đó không về. Cha mẹ gọi điện đến nhà Maria, đến các bệnh viện và các nhà xác của thành phố, nhưng vẫn chẳng nghe được tin tức gì. Bà mẹ đã không còn tin vào khả năng kiểm soát tình hình trong gia đình của ông chồng, bất chấp việc ông ấy đã có những cuộc đàm phán tuyệt vời với người ngoài. Ngày hôm sau Eduard xuất hiện với bộ dạng đói ăn và phờ phạc. Chàng ăn qua quýt rồi về phòng mình, thắp hương, lầm rầm những bài kinh văn của mình và ngủ suốt cả một ngày, một đêm. Khi chàng tỉnh dậy, một chiếc xe đạp mới coong đã chờ chàng. - Con hãy đi lấy những tinh thể của mình – bà mẹ nói – Mẹ đã giải thích cho cha con hiểu rõ mọi chuyện rồi. Thế là vào cái ngày khô rang và bụi mù ấy, Eduard lòng vui như mở cờ phóng đến nhà Maria. Thành phố được quy hoạch tốt đến độ (theo ý kiến của các kiến trúc sư) hay tồi đến độ (theo nhận xét của Eduard) hầu như không có một góc đường nào. Chàng đang đi về dải đường bên phải của tuyến đường cao tốc, và bỗng vụt một cái chàng cảm thấy mình bất ngờ bị nhấc bổng lên trời và liền sau đó rơi xuống và nằm trên mặt đường nhựa. Mình bị tai nạn rồi. Chàng muốn lật người lại, bởi mặt chàng đúng nghĩa là úp sấp xuống nền đường nhựa, nhưng chàng hiểu rằng, chàng không thể chỉ đạo được thân thể mình. Chàng nghe thấy tiếng thắng xe rít lên, tiếng người la thét, cảm thấy như có ai đó tiến lại gần và định chạm và người chàng, nhưng liền có tiếng thét vang lên “Đừng có động chạm gì hết! nếu ai đó động vào cậu ta, cậu ta có thể trở thành người tàn phế cả đời đấy!” Từng giây trôi qua thật chậm, và Eduard thấy sợ. khác với cha mẹ mình, chàng tin vào Chúa và tin là có sự sống sau cái chết, nhưng dẫu sao chàng vẫn cảm thấy điều này thật bất công – chết vào cái tuổi mười bảy, mắt nhìn mặt đường nhựa, chứ không được ở trên mảnh đất quê hương mình. - Cậu vẫn ổn cả chứ? – chàng nghe thấy giọng một ai đó. Không, không phải mọi chuyện đều ổn với chàng, chàng không thể cử động, thậm chí không thể nói được gì. Tệ nhất là chàng không hề bị bất tỉnh, vẫn hoàn toàn hiểu được những gì diễn ra xung quanh và chuyện gì đã xảy ra với chàng. Chẳng lẽ chàng lại không bị bất tỉnh? Chúa nỡ nào không mở lòng nhân từ với chàng đúng vào lúc chàng bất chấp tất tật mọi thứ để cất công đi tìm Người được sao? - Bác sĩ đã đến rồi – một người khác nắm lấy tay chàng, thì thào – Không biết cậu có nghe thấy tôi nói hay không, nhưng cứ yên tâm. không có gì đáng sợ đâu. Đúng, chàng đã nghe thấy, và chàng muốn người này – một người đàn ông – tiếp tục nói, cam đoan rằng chẳng có gì đáng sợ xảy ra với chàng, mặc dù chàng đã đủ lớn và hiểu rằng mỗi khi tình hình rất nghiêm trọng thì bao giờ người ta chẳng nói thế. Chàng nghĩ đến Maria, đến khu vực có các núi tinh thể ngập tràn nguồn năng lượng tuyệt hảo, mặc dù thủ đô Brazilia là một trung tâm lớn nhất của đủ mọi thứ độc hại mà chàng đã có dịp hiểu ra trong những buổi nhập định của mình. Giây nối giây đã thành những phút dài, mọi người cố tiếp tục trấn an chàng và liền đó, lần đầu tiên kể từ lúc tai nạn xảy ra, chàng cảm thấy đau, cái đau dữ dội khiến đầu như vỡ tung ra và như cắt cứa khắp thân thể. - Xe cứu thương đã tới rồi – người đàn ông nắm chặt tay chàng nói – Ngày mai là cậu lại đi xe đạp được ngay thôi. Nhưng ngày hôm sau Eduard nằm trong viện, hai chân và một cánh tay phải bó bột, và ba mươi ngày tới chàng không thể ra khỏi đó. Chàng phải nghe tiếng khóc không dứt của mẹ, những hồi chuông điện thoại căng thẳng của bố. Các bác sĩ cứ năm phút một lại nhắc nhủ rằng hai mươi bốn tiếng đồng hồ trầm trọng nhất đã qua, và rằng không có bất kể một chấn thương sọ não nào. gia đình đã liên lạc với đại sứ quán Mỹ là nơi, vì vốn không tin tưởng vào những chẩn đoán của các bệnh viện của nước sở tại, đã duy trì dịch vụ y tế riêng của mình và mời những bác sĩ giỏi nhất Brazil đủ trình độ để phục vụ các nhân viên ngoại giao Mỹ. Thỉnh thoảng, theo chính sách thân thiện hữu nghị, họ cũng không phản đối việc các đại diện ngoại giao khác sử dụng những dịch vụ này. Người Mỹ chở đến những thiết bị tối tân của mình, làm tới hơn mười cuộc kiểm tra phân tích mới, rồi đi đến kết luận mà người ta đã luôn có trước đấy: các bác sĩ của bệnh viện nhà nước đã đánh giá hoàn toàn đúng và đã có các giải pháp đúng đắn. Các bác sĩ của bệnh viện nhà nước, có thể nói, là giỏi, nhưng còn các chương trình titi của Brazil thì tệ kinh khủng, như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới này, nên Eduard chẳng biết làm gì. Maria ngày càng ít đến bệnh viện hơn – có lẽ, cô ta đã tìm được cho mình một cậu bạn trai khác đi cùng cô ta đến những ngọn núi để lấy tinh thể. Khác với cô người yêu nhanh thay lòng đổi dạ của chàng, ông Đại sứ và bà vợ vào thăm nom Eduard hàng ngày, nhưng từ chối mang những cuốn sách tiếng Bồ Đào Nha ở nhà đến, viện cớ rằng họ đang chờ bổ nhiệm đến một nước khác, nên chẳng việc gì phải học cái thứ tiếng mà chàng không cần đến nữa trong đời. Thế là Eduard đành bằng lòng với việc trò chuyện với các bệnh nhân khác, bàn tán với các nhân viên y tế về tin bóng đá, thỉnh thoảng ngó qua mấy cuốn tạp chí tình cờ có được. Và rồi một hôm một nhân viên y tế mang đến cho chàng một cuốn sách vừa kiếm được, tuy nhiên, anh ta cho là “dày quá, đọc không nổi” và chính từ thời điểm này, cuộc đời Eduard đi theo một đường hướng kỳ lạ sau đó đã đưa chàng đến Villete, đưa đến việc mất đi sự cảm nhận hiện thực, hoàn toàn xa lánh tất cả những gì mà những năm sau đó đám bạn đồng niên với chàng chắm chúi vào. Cuốn sách về những nhà thần bí và những người hay mơ mộng đã làm chấn động thế giới. Đây là những người có quan niệm riêng về một Thiên đường nơi trần thế và dành cuộc đời mình cho việc truyền bá tri thức của mình co những người khác. Trong số họ có Jesus Christ, nhưng cũng có cả Darwin với học thuyết nguồn gốc của con người là từ loài khỉ, Freud, người khẳng định rằng các giấc mơ có ý nghĩa quan trọng, Columbus phải cầm cố cả vàng bạc của nữ hoàng để đi tìm lục địa mới, Marx với tư tưởng tất cả mọi người đáng được hưởng các cơ hội như nhau. Có cả các vị thánh như Ignatii Loyola – người xứ Basque đã từng ngủ với tất cả những người đàn bà mà ông có thể ngủ được, đã giết chết bao kẻ thù trong vô số các trận chiến, một lần kia khi đang nằm trên giường trong thời gian bình phục sau lần bị thương ở Pamplon, bất ngờ ông thấu hiểu được Vũ trụ. Hay thánh Teresa Avila cả đời mình luôn đi tìm con đường đến với Chúa, và đã gặp được Người đúng vào lúc bà chỉ đơn giản là đang đi trong một hành lang và tình cờ nhìn vào một bức tranh. Anthony, một con người mệt mỏi bởi cuộc đời của mình, đã qua quyết định lánh vào miền sa mạc và sống mười năm giữa bầy quỷ dữ, trải qua mọi sự cám dỗ có thể có. Francis Assisi, một chàng trai như chàng, đã quyết định trò chuyện với chim muông và vứt bỏ tất cả những gì mà cha mẹ đã dự định cho chàng ta trong đời. Cũng vào buổi chiều đó, không tìm được cho mình một trò giải trí hay ho nào, Eduard bèn bắt đầu đọc “cuốn sách quá dày” ấy. Nửa đêm có một cô y tá vào và hỏi xem chàng có cần giúp đỡ gì không, vì chỉ phòng chàng là còn sáng đèn. Eduard chỉ xua tay từ chối, mắt vẫn không rời trang sách. Những người đàn ông và những người đàn bà này đã từng làm chấn động thế giới, dù họ cũng chỉ là những con người bình thường như bản thân chàng, như cha chàng, như cô người yêu của chàng, bây giờ chàng đã mất cô ta rồi. họ cũng tràn đầy những mối nghi ngờ và âu lo vốn sẵn có trong cuộc đời này đối với tất cả mọi người. Những người không đặc biệt quan tâm đến tôn giáo, đến Chúa, đến việc khai mở những giới hạn của trí óc hoặc đạt tới một trình độ nhận thức khác, cho đến một hôm…Nói tóm lại là, cho đến một hôm họ quyết định thay đổi tất cả. Cuốn sách còn hay hơn nữa ở chỗ nó nói rằng, trong mỗi một cuộc đời có một yếu tố thần kỳ nào đó đã buộc họ lên đường đi tìm kiếm cảnh tượng Thiên đường của riêng mình. Những con người này đã không cho phép cuộc đời họ qua đi một cách được chăng hay chớ, và để thực hiện những mong ước của mình, họ đã khất thực hay phục vụ các ông vua, phá bỏ mọi quy tắc hay khiến cho nhà cầm quyền phải nổi giận với mình, sử dụng thuật ngoại giao hay sức mạnh, nhưng không bao giờ chệch bước khỏi con đường của mình, luôn tìm được trong mình năng lực vượt qua mọi trở ngại, bằng cách biến chúng thành sự trợ giúp cho bản thân. Ngày hôm sau Eduard đưa chiếc đồng hồ bằng vàng của mình cho nhân viên y tế - người đã cho chàng cuốn sách, chàng nhờ anh ta bán chiếc đồng hồ1 và mua tất cả các cuốn sách mà anh ta thấy được về đề tài này. Nhưng chả có thêm được một cuốn nào. Chàng thử đọc tiểu sử của một vài người trong số những người này, nhưng trong đó chỉ thấy những mô tả về từng người trong số họ như những người được chọn lựa, được cổ vũ phù trợ chứ không phải như những con người bình thường, giống như bất cứ một người nào khác, phải đấu tranh để khẳng định các tư tưởng của mình\.những điều đọc được đã gây cho Eduard một ấn tượng mạnh đến mức chàng bắt đầu thật sự nghĩ đến khả năng trở thành một vị thánh, dùng tình huống không may này để thay đổi đường hướng cuộc đời mình. Nhưng chàng bị gãy cả hai chân, trong bệnh viện chẳng có ảo ảnh nào hiện lên với chàng, chàng chưa một lần đi ngang qua một bức tranh có thể làm chấn động tâm hồn chàng. Chàng không có những người bạn để có thể cùng với họ xây dựng một nhà nguyện ở sâu trong miền cao nguyên Brazil, còn cácsa mạc thì nằm quá xa, nơi tồn tại rất nhiều vấn đề về chính trị. Nhưng dẫu có thế thì chàng vẫn có thể làm được một điều gì đó: học vẽ và cố gắng cho thế giới thấy các ảo ảnh đã từng hiện lên với những người đàn ông những người đàn bà đó. Khi được tháo bột xong, trở về sứ quán, chàng được săn sóc, yêu chiều hết mức và đủ mọi biểu hịen quan tâm mà một cậu quý tử của ngài Đại sứ có thể được nhận từ các nhà ngoại giao khác. Chàng xin mẹ đăng ký cho chàng vào các khoá học vẽ. Bà mẹ nói rằng chàng đã bỏ mất nhiều giờ học ở trường trung học của Mỹ và bây giờ là lúc phải học bù lại. Eduard không chịu, chàng chẳng còn một chút hứng thú nào tiếp tục học địa lý và môn tự nhiên nữa. Chàng muốn làm hoạ sĩ. Chọn lúc thích hợp, chàng trình bày lý do: - Con muốn vẽ những cảnh Thiên đường. Bà mẹ không nói gì và hứa là sẽ nói chuyện với những người quen của mình và tìm hiểu xem trong thành phố ở đâu có các lớp học vẽ tốt nhất. Buổi chiều đi làm về, ông đại sứ thấy bà vợ đang khóc rấm rứt trong phòng. - Con trai chúng ta điên mất rồi – bà nước mắt đầm đìa rền rĩ – Não nó bị tổn thương rồi vì tai nạn ấy. - Không thể thế được! – ông đại sứ giận dữ đáp – Các bác sĩ được người Mỹ giới thiệu đã khám cho nó cơ mà. Bà vợ kể lại cuộc nói chuyện với cậu con trai. - Đây là cái sự ngông cuồng thường thấy với bọn trẻ ấy mà. Bà cứ đợi mà xem, rồi bà sẽ thấy mọi chuyện sẽ trở lại bình thường thôi. Lần này sự chờ đợi chẳng đem lại được gì, vì Eduard đã vội vã bắt đầu sống. Sau hai ngày mệt mỏi chờ đợi câu trả lời từ các bà bạn của mẹ, chàng quyết định tự mình ghi tên vào lớp học vẽ. Chàng bắt đầu học về màu sắc và phép phối cảnh, thêm nữa chàng còn làm quen với những người chưa bao giờ nói về những mác giày thể thao hay các kiểu dáng xe hơi. - Nó đi tiếp xúc với đám hoạ sĩ! – bà mẹ khóc ròng, nói với ông đại sứ. - Để cho thằng bé được yên – ông đại sứ đáp – Nó sẽ chán ngay cái trò này như chán con bạn gái, những tinh thể, kim tự tháp, hương trầm, cần sa thôi. Nhưng sau một thời gian, căn phòng của Eduard biến thành một xưởng vẽ ứng tác với những bức tranh mà đối với cha mẹ chàng chúng chẳng có một ý nghĩa gì, những vòng tròn, những sự phối màu kỳ dị, những biểu tượng nguyênsơ xen kẽ với những người đang cầu nguyện. Eduard – một thiếu niên vừa mới đây còn thích cuộc sống cô đơn đến thế, trong hai năm ở Brazil chưa từng một lần trở về nhà với chúng bạn, thế mà, bây giờ dẫn cả đám bạn quái đản về nhà. Tất cả đều ăn mặc lôi thôi lếch thếch, đầu tóc bù xù, nghe những đĩa nhạc kinh hồn lộng óc, rít thuốc nốc rượu tràn cung mây. Ngang nhiên thể hiện thái độ chả coi chuẩn mực hành vi đúng đắn ra gì. Một hôm bà hiệu trưởng trường trung học của Mỹ gọi bà vợ ông Đại sứ đến nói chuyện. - Tôi rất lấy làm tiếc báo rằng con trai bà, hình như đã nghiện ma tuý – bà ta nói – Kết quả học tập của cậu ta dưới trung bình, và nếu cứ tiếp tục như thế thì chúng tôi buộc phải cho cậu ta thôi học. Bà vợ đến thẳng phòng ông đại sứ và kể lại toàn bộ những điều bà nghe được. - Ông lúc nào cũng chỉ quả quyết rằng mọi chuyện sẽ trở lại bình thường! – bà tru tréo gào lên – Co ntrai ông đang hút ma tuý, mất trí kia kìa, não nó có vấn đề nghiêm trọng rồi, thế mà ông chỉ lo tiệc tùng với họp hành! - Bà nói nhỏ thôi – ông đại sứ yêu cầu. - Tôi sẽ không bao giờ nói nhỏ nữa, không đời nào, chừng nào thái độ của ông vẫn cò nó như thế! Thằng bé nhà mình đang cần sự giúp đỡ, ông hiểu không? Sự trợ giúp về y tế! Đấy, ông liệu mà làm gì đó đó đi! Lo rằng cái trò gây rối của bà vợ có thể làm mất uy tín của mình, và sợ rằng sự hứng thú vẽ vời của Eduard có lẽ kéo dài hơn mong đợi, ông Đại sứ - một người thực tế, biết phải hành động như thế nào cho đúng – đã xác định một chiến lược thích hợp để giải quyết vấn đề. Trước hết ông gọi điện cho một đồng nghiệp của mình – ông Đại sứ Mỹ, và đề nghị ông ta cho phép sử dụng thiết bị của sứ quán một lần nữa để tiến hành các kiểm tra. Đề nghị được chấp thuận. Ông lại tìm đến các bác sĩ đã từng được giới thiệu, giải thích tình huống và đề nghị xem xét lại các kết quả của tất cả các lần kiểm tra trước đó. Các bác sĩ, vì sợ có thể bị kiện cáo, nên đã làm tất cả mọi cái đúng theo lời yêu cầu đặt ra cho họ, và cho kết luận rằng, việc kiểm tra không cho thấy bất kể một sự rối loạn nào. Trước khi ông đại sứ ra về, họ yêu cầu ông ký giấy tờ mà theo đó ông ta giải phóng cho sứ quán Mỹ khỏi trách nhiệm vì nó đã nêu ra danh tính của họ. Ngay sau đó ông Đại sứ đến bệnh viện trước đây Eduard đã nằm. Ông trao đổi với giám đốc bệnh viện, giải thích cho ông ta về vấn đề của cậu con trai và đề nghị dưới dạng một lần khám bình thường cho chàng, phân tích máu để phát hiện ra ma tuý trong cơ thể của chàng trai. Người ta đã làm như thế. Song không hề phát hiện ra bất cứ một dấu tích nào của các chất ma tuý. Còn giai đoạn thứ ba, giai đoạn cuối cùng của chiến lược: nói chuyện với chính Eduard và hiểu rõ điều gì đang xảy ra. Chỉ khi nào nắm được toàn bộ thông tin, ông đại sứ mới có thể có được giải pháp được coi là đúng đắn. Hai cha con ngồi trong phòng khách. - Con đã khiến mẹ lo sợ đấy – ông đại sứ nói – Kếtquả học tập của con kém hẳn đi, và có nguy cơ là con sẽ không được phép học tiếp. - Cha ạ, điểm số của con ở lớp vẽ khá hẳn lên đấy. - Cha cho rằng sự hứng thú của con đối với nghệ thuật là một việc đáng khen, nhưng để làm việc này, con còn cả cuộc đời phía trước. Bây giờ cần phải tốt nghiệp phổ thông trung học đã để sau này cha còn có thể lo liệu con đường làm nhà ngoại giao của con. Trước khi đáp lại một điều gì đó, Eduard ngẫm nghĩ một lúc rất lâu. Chàng nhớ lại tình huống không may, đến cuốn sách về các nhà thần bí chính là lý do thúc đẩy chàng đến việc tìm cho ra thiên chức đích thực của mình, nghĩ đến Maria, chàng còn nghe về cô ta thêm một lần nào nữa. Chàng ngần ngại một lúc lâu rồi cuối cùng mới trả lời. - Cha, con không muốn làm nhân viên ngoại giao, con muốn làm hoạ sĩ. Người cha đã chuẩn bị cho câu trả lời này và đã biết cách né tránh nó như thế nào\/ - Con sẽ là một hoạ sĩ, nhưng trước tiên là hãy hoàn thành việc học tập của mình đã. Chúng ta sẽ tổ chức các cuộc triển lãm ở Belgrad, Zagreb, Ljubljana, Sarajevo. Với ảnh hưởng mà cha có được, cha có thể làm được nhiều điều cho con, nhưng chỉ sau khi con học xong. - Nếu nghe theo lời khuyên của cha, tức là con sẽ chọn con đường dễ dàng nhất, thưa cha. Con sẽ thi vào một trường đại học nào đấy, sẽ học đại một cái gì đó mà con không ưa thích, nhưng sẽ mang lại tiền bạc. khi ấy hội hoạ sẽ là thứ yếu, và rốt cuộc con sẽ quên đi thiên chức của mình. Con phải học kiếm tiền bằng hội hoạ. Cơn giận dữ bắt đầu xâm chiếm lấy ông Đại sứ. - Con ạ, con đang có đủ mọi thứ, một gia đình yêu thương con, nhà cửa, tiền bạc, địa vị xã hội. Nhưng con biết đấy, nước ta đang trải qua một thời kỳ phức tạp, có tin đồn rằng sắp sửa có nội chiến. Có thể ngày mai thôi cha không còn ở đây, và cha sẽ không thể giúp con được nữa! - Con biết tự giúp cho bản thân mình, cha ạ. Hãy tin con. Đến một lúc nào đấy con sẽ hoàn thành loạt tranh có tên “Những cảnh tượng Thiên đường”. Đây là câu chuyện thực về những gì mà mọi người cho đến giờ mới chỉ trải nghiệm trong tâm hồn mình. Ông đại sứ khen ngợi sự quyết tâm của con trai, kết thúc buổi trò chuyện bằng một nụ cười và thầm quyết định cho cậu ta thêm một tháng nữa, dù sao thì ngoại giao – đó còn là nghệ thuật tạm trì hoãn quyết định cho đến khi vấn đề tự nó biến mất. Một tháng trôi qua, vẫn như trước, Eduard dành toàn bộ thời gian của mình cho hội hoạ, cho đám bạn quái đản, cho cái thứ nhạc, mà có lẽ, bằng cách nào đó đã phá vỡ sự cân bằng tâm lý của chàng. Rốt cuộc, chàng bị đuổi khỏi trường trung học của Mỹ vì dám tranh cãi với giáo viên về cuộc đời của các vị thánh. Để cố một lần cuối, lần này không phải là thử trì hoãn quyết định nữa, ông Đại sứ lại gọi cậu con trai để nói chuyện với tư cách là hai người đàn ông với nhau. - Eduard, bây giờ con đã lớn rồi, đã đến lúc con phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Cha mẹ đã chịu đựng hết mức độ có thể, nhưng giờ là lúc phải chấm dứt cái mong muốn ngu ngốc trở thành hoạ sĩ này và chuẩn bị cho việc có lấy một cái nghề. - Cha, nhưng chính vì thế mà con đang học để có được nghề hoạ sĩ. - Giá mà con biết cha mẹ yêu con đến nhường nào và tốn công sức đến thế nào để cho con được học hành tử tế. Vì trước đây chưa bao giờ con xử sự như thế, cha chỉ có thể giải thích chuyện đang diễn ra là do hậu quả của vụ tai nạn mà thôi. - Xin cha hãy hiểu là con yêu cha mẹ hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Ông Đại sứ bối rối đằng hắng. Ông không quen công khai bỉêu lộ tìmh cảm yêu mến như thế. - Vậy thì, vì tình yêu của con với cha mẹ, mong con hãy làm theo ý mẹ. Tạm thời bỏ cái chuyện vẽ vời này đi, tìm cho mình những người bạn trong giới của chúng ta và quay trở lại với việc học tập. - Cha ạ, nếu cha yêu con thì đừng yêu cầu như thế, bởi chính cha đã dạy con rằng cần phải đấu tranh cho những gì mà ta muốn đạt được. Cha không thể nào lại muốn con là một con người không có ý chí! - Cha đã nói rồi: nhân danh tình yêu. Trước đây chưa bao giờ cha nói về điều này, con trai, nhưng bây giờ ta cầu mong điều này. Vì tình yêu con dành cho cha mẹ, vì tình yêu của cha mẹ dành cho con, hãy trở về nhà – không phải với cái nghĩa về thể xác, mà là ý nghĩa hiện thực. Con đang tự lừa dối bản thân, khi chạy trốn hiện thực. Kể từ ngày đầu tiên con chào đời, cha mẹ đã thầm đặt bao hy vọng vào con, với cha mẹ, con là tất cả, cả tương lai của cha mẹ và quá khứ của cha mẹ. Đời cụ, đời ông con đã làm công chức nhà nước, và cha đã tranh đấu như sư tử để bắt đầu con đường của một nhà ngoại giao và thăng tiến trong sự nghiệp. Và tất cả chỉ là để khai mở con đường cho con, làm nhẹ bước đường con đi. Cho đến giờ cha vẫn còn giữ chiếc bút máy mà cha đã dùng để ký giấy tờ đầu tiên của cha với tư cách là Đại sứ, cha nâng niu giữ gìn nó để truyền lại cho con vào một ngày khi con cũng sẽ làm chính việc đó. Đừng phụ lòng mong đợi của cha mẹ, con trai. Cha mẹ cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa, cha mẹ muốn được thanh thản nhắm mắt xuôi tay khi biết rằng con đã có được tấm giấy chứng nhận đáng giá để bước vào đời. Nếu con thật sự yêu thương cha mẹ, thì hãy làm theo yêu cầu của cha. Nếu con không yêu cha mẹ, thì cứ việc tiếp tục thế mà làm. Eduard hàng giờ đồng hồ nhìn lên bầu trời trên thành phố Brazilia, nhìn những đám mây xanh biếc lững lờ trôi – chúng thật đẹp, nhưng không thể tạo nên dù chỉ là một hạt mưa rơi xuống mảnh đất khô hạn của miền cao nguyên trung phần Brazil. Chàng cũng vô vị chẳng khác gì chúng. Nếu khăng khăng trung thành với sự lựa chọn của mình, thì mẹ rốt cuộc sẽ ốm liệt giường vì đau khổ, cha sẽ mất đi nhiệt tình với sự nghiệp, cả hai người sẽ kết tội bản thân rằng đã sai lầm trong việc giáo dục cậu con trai yêu quý. Nếu từ bỏ hội hoạ, cảnh tượng Thiên đường thì sẽ không bao giờ mở mày mở mặt ra được và không có gì trên thế gian này có thể đem đến cho chàng niềm vui và sự hưng phấn. Chàng đưa mắt nhìn quanh, thấy những bức tranh của mình, và nhớ lại, chàng đã đặt vào từng nét cọ xiết bao tình yêu và sự trìu mến, và chàngcho rgchúng tất cả đều thật tầm thường. Chàng đã tự lừa dối mình. Chàng muốn là cái thứ mà chưa bao giờ chàng là kẻ được lựa chọn cho nó, và cái giá của điều này là sự thất vọng của cha mẹ. Cảnh thiên đường là để dành cho những người được lựa chọn mà trong các cuốn sách họ xuất hiện như những người anh hùng và tuẫn tử cho đức tin của mình. Những con người mà từ nhỏ họ đã biết rằng thế giới cần đến họ. Còn những gì viết trong sách vở đều là chuyện hư cấu của người viết tiểu thuyết mà thôi. Trong bữa tối chàng công nhận với cha mẹ rằng họ nói đúng: đây là mơ ước của tuổi trẻ thôi, và sự hứng thú vẽ vời của chàng đã hết rồi. Cha mẹ rất hài lòng, bà mẹ phát khóc vì vui sướng và ôm choàng lấy cậu con trai. Mọi việc đã trở lại bình thường. Đêm đến ông Đại sứ lặng lẽ mở một chai sâm banh, một mình uống cạn mừng cho thắng lợi của mình. Khi ông vào giường ngủ thì vợ ông – lần đầu tiên sau ngần ấy tháng – đã yên giấc. Ngày hôm sau, họ phát hiện ra rằng căn phòng của Eduard rất bừa bộn, các bức tranh bị cắt rạch tan nát, còn cậu con trai thì ngồi trong góc phòng và nhìn lên trời. Bà mẹ ôm lấy con, nói rằng bà yêu cậu biết chừng nào, nhưng Eduard không nói gì. Chàng không muốn nghe gì về tình yêu nữa: tất cả những thứ này chàng đã ngấy đến tận cổ rồi. Chàng đã tưởng rằng mình có thể vứt bỏ tất cả và nghe theo lời khuyên của cha, nhưng chàng đã bước quá sâu vào công việc của mình mất rồi. Một khi đã vượt qua được vực sâu ngăn cách con người với ước mơ của anh ta thì chẳng còn đường lùi nữa. Chàng đã lâm vào cái thế tiến thoái lưỡng nan rồi. Mà thế thì đơn giản nhất là đi cho khuất mắt. Eduard còn ở Brazilia gần năm tháng nữa, các chuyên gia chăm sóc cho chàng đã chẩn đoán – một dạng tâm thần phân liệt rất hiếm thấy, có lẽ là do vụ tai nạn đi xe đạp. không bao lâu sau, nội chiến bùng nổ ở Nam Tư. Ông Đại sứ lập tức bị triệu hồi, các vấn đề dồn dập đến quá nhanh, để có thể chăm sóc cho chàng, cách duy nhất là gia đình phải cho chàng vào Villete – nhà điều dưỡng mới được mở gần đây.