Dịch giả: Ngọc Phương Trang
- 21 -

Qua một ngày thật vất vả, nhưng nó chẳng hề vô ích. Bác sĩ Igor cố giữ vẻ điềm tĩnh và lãnh đạm tạo dáng của một bậc học giả, nhưng ông khó kiềm chế nổi sự vui mừng: những nghiên cứu về việc chữa trị nhiễm Vitriol đã đem lại các kết quả đáng kinh ngạc.
- Ngày hôm nay không có cuộc gặp ấn định cho bà – Ông nói với bà Mari vừa đi vào mà không gõ cửa.
- Tôi không quấy quả ông lâu đâu. Nói thật là tôi chỉ muốn nghe ý kiến của ông.
Hôm nay tất cả đều chỉ muốn nghe ý kiến của mình – bác sĩ Igor thầm nghĩ khi nhớ đến cô gái và câu hỏi của cô ta về tình dục.
- Người ta vừa mới sử dụng biện pháp điện giật với Eduard đấy.
- Liệu pháp sốc điện chứ. xin bà hãy gọi sự việc theo đúng tên của nó, nếu không sẽ xảy ra ấn tượng rằng, chúng ta là những kẻ man rợ.
Bác sĩ Igor đã kịp che giấu sự ngạc nhiên, nhưng ngay bây giờ ông sẽ phải làm rõ xem ai đã có quyết định như thế sau lưng ông.
- Nếu bà muốn biết ý kiến của tôi, thì cần phải nói rõ cho bà biết rằng, ngày nay người ta thực hiện liệu pháp sốc điện không như ngày trước đâu.
- Nhưng việc này hết sức nguy hiểm.
- Đã từng nguy hiểm. Trước kia, người ta không biết chính xác cường độ phải là bao nhiêu, gắn các điện cực vào đâu và đã từng có trường hợp bệnh nhân chết vì chứng xuất huyết não ngay trong lúc điều trị. Nhưng bây giờ mọi chuyện khác rồi, liệu pháp sốc điện được áp dụng với độ chính xác cao, ưu điểm vượt trội của nó là ở chỗ, nó gây nên sự mất trí nhớ tạm thời mà không kéo theo các hậu quả phụ. Trong khi đó, các liệu pháp khác dựa trên việc điều trị kéo dài bằng dược phẩm thường dẫn tới hiện tượng nhiễm độc hoá chất cho cơ thể. xin bà làm ơn đọc cho một số tạp chí về tâm thần học, và bà sẽ không còn nhầm liệu pháp sốc điện với “điện giật” của những kẻ bạo hành ở Nam Mỹ. Tất cả là vậy thôi. Bà đã được biết ý kiến của tôi đúng như bà yêu cầu. Còn bây giờ tôi phải làm việc.
Bà Mari không hề nhúc nhích.
- Điều tôi muốn biết không phải là chuyện này. Thực ra, điều khiến tôi quan tâm là, liệu tôi đã có thể đi khỏi đây hay chưa?
- Bà cứ đi khi nào bà muốn, và quay trở lại chừng nào bà muốn thế, và chừng nào chồng bà còn tiền để chu cấp cho bà trong một cơ sở đắt giá thế này. Có lẽ điều bà muốn hỏi là “Tôi đã khỏi bệnh chưa?” Vậy thì tôi sẽ trả lời câu hỏi của bà bằng một câu hỏi khác “Bà khỏi bệnh gì?” Bà sẽ nói “Khỏi chứng khiếp nhược của mình, khỏi hội chứng hoảng loạn”. Và tôi xin trả lời “Ồ, Mari, bà đã không còn bị bệnh từ ba năm nay rồi”.
- Có nghĩa là tôi đã khỏi bệnh.
- Tất nhiên là không. Bệnh của bà là căn bệnh khác. Trong luận án tôi đang viết để trình bày ở Viện Hàn lâm khoa học Slovenia (Bác sĩ Igor không muốn kể chi tiết về Vitriol), tôi cố gắng nghiên cứu hành vi được gọi là “bình thường” của con người. Trước tôi đã có nhiều người tiến hành các nghiên cứu tương tự và đi tới kết luận rằng, chuẩn mực hoàn toàn chỉ là vấn đề thoả thuận. Nói một cách khác, nếu phần lớn mọi người cho một điều gì đó là thực tế, thì điều này trở thành thực tế.
Có những sự việc dựa trên tính hợp lý: việc các cúc áo nằm ở phía trước chứ không phải ở phía sau hay giả dụ như ở bên sườn – đây là vấn đề logic, vì đặt khác đi thì sẽ rất khó cởi áo.
Có những sự việc khác trở thành chuẩn mực vì ngày càng có nhiều người cho rằng, dường như chúng phải là như thế. Tôi xin đưa ra hai ví dụ cho bà. Có lẽ bà chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ: tại sao các chữ cái trên bàn phím của máy chữ lại được bố trí theo đúng trật tự như thế nhỉ, có đúng không?
- Chưa.
- Chúng ta sẽ đọc cái bàn phím này nhé: “QWETY” vì các chữ cái của hàng thứ nhất được sắp xếp theo đúng trật tự như thế. Tôi đã từng nghĩ, tại sao lại thế và đã tìm ra câu trả lời: chiếc máy chữ đầu tiên được Chirstopher Scholes phát minh ra năm 1873 để hoàn thiện kỹ năng viết. Nhưng nó nảy sinh một vấn đề: nếu người ta đánh quá nhanh, các đầu mổ va đập vào nhau và máy sẽ bị kẹt. Thế là Scholes đã nghĩ ra bàn phím QWERTY. Bàn phím bắt buộc người đánh máy phải làm việc chậm hơn.
- Tôi không tin.
- Nhưng chuyện này là có thật. Và Remington – khi đó đang là nhà sản xuất máy may – đã sử dụng bàn phím QWERTY cho những chiếc máy chữ đầu tiên của mình. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều người hơn phải tập theo hệ thống này và ngày càng có nhiều hãng hơn sản xuất ra các bàn phím như thế, cho đến khi nó trở thành chuẩn mực duy nhất hiện hành. Tôi nhắc lại, bàn phím của máy chữ và máy tính được nghĩ ra là để người ta dánh máy chậm hơn chứ không phải là nhanh hơn, bà hiểu chứ? Tuy nhiên, bà cứ thử thay đổi vị trí của các chữ mà xem, sản phẩm của bà sẽ chẳng có ai mua đâu.
Quả thật, khi lần đầu tiên nhìn thấy cái bàn phím, bà Mari cũng có ý nghĩ tại sao nó lại được sắp xếp không phải theo trật tự bảng chữ cái. Nhưng sau đó, không một lần nào bà đặt ra câu hỏi này nữa, vì nghĩ rằng, đây chính là sơ đồ bố trí tối ưu để đánh máy nhanh.
- Bà đã bao giờ đến Florence chưa? – bác sĩ Igor hỏi.
- Chưa.
- Vậy thì bà nên đến. Cũng không đến nỗi xa lắm, và ví dụ thứ hai của tôi có liên quan đến nó. Trong Nhà thờ Lớn của Florence có một chiếc đồng hồ tuyệt đẹp được Paolo Uccelo chế tạo năm 1443. Hoá ra là chiếc đồng hồ này có một điểm đặc biệt, tuy nó vẫn chỉ thời gian như bất cứ chiếcđồng hồ nào khác, nhưng các kim đồng hồ lại chuyển động theo chiều ngược lại với chiều mà chúng ta vẫn quen nhìn.
- Chuyện này thì có liên quan gì đến bệnh tình của tôi?
- Bây giờ bà sẽ hiểu. khi làm chiếc đồng hồ này, Uccelo không cố làm một người khác thường: thực tế là vào thời đó có cả những chiếc đồng hồ quay ngược lẫn những chiếc đồng hồ có kim chạy theo chiều đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Không rõ vì một lý do nào đó, có lẽ vì ông quận công cho là đúng, rốt cuộc là nó đã trở thành chiều duy nhất được tất cả thừa nhận, còn chiếc đồng hồ của Uccelo hoá ra lại là một vật lạ thường điên rồ.
Ông ngừng lời, tin chắc rằng, bà Mari sẽ chăm chú dõi theo dòngsuy lý của ông:
- Thế đấy, bây giờ chúng ta sẽ chuỷên sang nói về căn bệnh của bà. Mỗi một người là độc nhất vô nhị trong các biểu hiện, bản năng, khả năng co ‘được sự thoả mãn, trong khát vọng phiêu lưu của mình. Nhưng xã hội vẫn cứ áp đặt cái lối cách hành xử mang tính tập thể, và mọi người, thậm chí, không hề nghĩ đến việc đặt ra câu hỏi, tại sao họ lại phải hành động thế này chứ không phải thế khác. Họ đồng tình rằng QWERTY là tối ưu trong số các bàn phím có thể có. Bà thử nhớ xem, dù chỉ một lần trong suốt cuộc đời mình, đã có một ai đó hỏi bà là tại sao kim đồng hồ lại chạy theo chiều này, chứ không phải theo chiều ngược lại?
- Chưa.
- Nếu như có ai đó hỏi thế, có lẽ, anh ta sẽ được nghe câu trả lời “Anh điên rồi!” Nếu anh ta vâ!nó lặp lại câu hỏi này, mọi người sẽ cố thử tìm nguyên do, nhưng sau đó sẽ chuyển đề tài trò chuyện – bởi chẳng có một lý do nào ngoài cái lý do tôi đã kể với bà. Giờ thì tôi xin quay trở lại với câu hỏi của bà. xin bà nhắc lại câu hỏi.
- Tôi đã khỏi bệnh chưa?
- Chưa. Bà là một người khác người đang muốn như tất cả mọi người. Nhưng điều này, theo quan điểm của tôi, là một căn bệnh nguy hiểm.
- Là một người khác người là một điều nguy hiểm sao?
- Không. Điều nguy hiểm là cố muốn là một người như tất cả mọi người. Điều này gây ra các chứng loạn thần kinh chức năng, rối loạn tâm thần, bệnh hoang tưởng. Muốn như tất cả mọi người là một điều nguy hiểm vì như thế có nghĩa là cưỡng bức tự nhiên, đi ngược lại các lề luật của Chúa Trời. Rằng tất cả các miền đại ngàn và các cánh rừng trên thế giới, Người đã không tạo ra dù chỉ là hai chiếc lá giống hệt nhau. Nhưng bà coi việc khác người là sự điên rồ, và bởi vì bà đã chọn sống ở Villete. Chính vì rằng, ở đây, tất cả đều khác người thế là bà sẽ trở thành một người như tất cả mọi người. Bà hiểu chứ?
Bà Mari gật đầu.
- Không có dũng cảm là một người khác, người ta sẽ đi ngược lại với tự nhiên, và cơ thể bắt đầu sản sinh ra Vitriol, hay chất Đắng cay như tên gọi của chất độc này trong dân gian.
- Vitriol là gì?
Bác sĩ Igor hiểu rằng, ông đã quá sa đà và quyết định chuyển đề tài.
- Vitriol là gì chẳng có ý nghĩa gì hết. Mà tôi muốn nói với bà một điều như sau: mọi thứ đều chứng tỏ rằng bà chưa khỏi bệnh.
Bà Mari có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở Toà án, và bà quyết định áp dụng ngay nó vào thực tế. Phương sách đầu tiên mang tính chiến thuật là giả bộ như đồng ý với đối phương, để rồi ngay sau đó cuốn anh ta vào tấm lưới của một cách thức biện luận khác.
- Tôi đồng ý. Tôi vào đây là do một nguyên nhân hoàn toàn cụ thể: vì hội chứng hoảng loạn, nhưng tôi ở lại đây lại do một nguyên nhân hết sức trừu tượng: vì không có khả năng chấp nhận một lối sống khác – không có chồng, không có một công việc quen thuộc. Tôi đồng ý với ông. Tôi không có đủ ý chí để bắt đầu một cuộc sống mới mà tôi buộc phải làm quen lại với nó. Hơn nữa, tôi còn nói, tôi đồng ý rằng, trong một bệnh viện dành cho những người mất trí, thậm chí với tất cả những cú điện giật của nó, xin lỗi, liệu pháp sốc điện, như cách nói ưa thích của ông – với cái thời gian biểu hàng ngày, với những cơn kinh giật ở một số bệnh nhân, việc tuân theo các quy tắc dễ hơn là tuân thủ các luật lệ của cái thế giới, mà như theo cách nói của ông “làm tất cả để mọi người phải tuân theo các luật lệ của nó”.
Chuyện xảy ra là thế này: đêm hôm qua, tôi nghe thấy một người phụ nữ chơi dương cầm. Cô ta chơi rất hay, hiếm khi được nghe thấy một tiếng đàn hay đến thế. Khi nghe tiếng nhạc, tôi nghĩ về tất cả những ai đã đau khổ để sáng tác ra những bản sonata, prelude, adajo này, về những tiếng cười nhạo mà họ đã phải chịu đựng khi trình bày các tác phẩm này – những người khác người – những người đã làm chủ thế giới âm nhạc. Về những nỗi khó khăn và nhẫn nhục phải trải qua để tìm kiếm một ai đó sẵn lòng đồng ý tài trợ cho dàn nhạc. Về những tiếng cười chê của công chúng vẫn còn chưa quen với những hoà âm như thế.
Nhưng điều tồi tệ nhất, tôi nghĩ, đó không phải là những nỗi đau khổ của các nhạc sĩ, mà là việc, cô gái chơi đàn bằng cả tâm hồn vì cô ấy biết cái chết chẳng bao lâu nữa sẽ đến với mình. Chẳng lẽ chính bản thân tôi sẽ không phải chết hay sao? Tôi đã để tâm hồn mình ở đâu để có được sức mạnh chơi bản nhạc của cuộc đời mình với một niềm hứng khởi đến như thế?
Bác sĩ Igor im lặng lắng nghe. Có vẻ như tất cả những gì ông suy nghĩ đã đem lại kết quả, nhưng hãy còn sớm để khẳng định một cách chắc chắn điều này.
- Tôi đã để tâm hồn mình ở đâu? – bà Mari hỏi lại – trong quá khứ của tôi. Trong cái quá khứ thế nhưng vẫn không trở thành cái tương lai mà tôi mong mỏi vươn tới. Tôi đã phản bội tâm hồn mình vào lúc tôi vẫn còn có nhà cửa, có chồng có công ăn việc làm…khi tôi muốn bỏ mặc hết thảy những thứ đó, thì lại không có đủ can đảm.
Tâm hồn tôi đã ở lại trong quá khứ của tôi rồi. Nhưng hôm nay nó trở lại và tôi, tràn đầy hưng phấn, lại cảm thấy nó trong thân thể mình. Tôi không biết phải làm gì. Tôi chỉ biết rằng, tôi đã phải mất ba năm để hiểu ra: cuộc đời đã xô đẩy tôi theo một con đường khác mà tôi đâu muốn đi.
- Tôi có cảm giác là tôi thấy có một vài biểu hiện tiến triển tốt hơn rồi đấy – bác sĩ Igor nói.
- Tôi đã chẳng cần xin phép rời khỏi Villete. Chỉ cần ra khỏi cổng và không bao giờ quay trở lại nữa. Nhưng tôi cần phải nói toàn bộ chuyện này cho một ai đó, và tôi nói với ông: sự chết của cô gái này đã buộc tôi hiểu ra sự sống của mình.
- Tôi cảm thấy rằng các biểu hiện tiến triển tốt đẹp đang biến thành sự khỏi bệnh thật kỳ diệu – bác sĩ Igor cười vang – Bà định làm gì?
- Đi El Salvador, chăm sóc cho những đứa trẻ.
- Bà chả việc gì phải đi xa đến thế, gần đây hơn, Sarajevo nằm cách đây hai trăm cây số. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng vẫn còn các vấn đề.
- Tôi sẽ đi Sarajevo.
Bác sĩ Igor lấy từ trong ngăn kéo bàn ra một tờ giấy in mẫu và cẩn thận điền vào đấy, đoạn đứng dậy và tiễn bà Mari ra đến cửa phòng.
- Chúa phù hộ cho bà – ông nói rồi khép cửa lại sau lưng và trở lại bàn làm việc. Ông không thích quen với các bệnh nhân của mình, nhưng chưa một lần nào tránh được điều này. Villete sẽ cảm thấy rất thiếu vắng bà Mari.