Dịch giả: Ngọc Phương Trang
- 17 - 18 -

 Veronika ngừng chơi đàn, nhìn qua ô cửa sổ và thấy bà Mari đang đi ra giữa trời đêm lạnh giá mà chỉ mặc một cái áo khoác mỏng. Bà ấy sao thế, muốn chết chắc? không, có mình muốn chết thì có.
Nàng lại tiếp tục chơi đàn. Cuối cùng thì vào những ngày cuối đời nàng cũng thực hiện được ước mơ lớn lao của mình: được chơi đàn bằng cả trái tim và tâm hồn, chơi bao lâu tuỳ thích và lúc nào tuỳ ý. Và chẳng quan trọng việc thính giả của nàng lại là một chàng trai tâm thần phân liệt. Điều chủ yếu là anh ấy yêu tiếng đàn. Chỉ có điều ấy mới thực sự quan trọng.
18 -
Bà Mari chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ tự tử. Trái lại, năm năm trước cũng trong rạp chiếu bóng mà hôm nay bà đang ngồi đây, một bộ phim về sự nghèo khổ ở El Salvador đã khiến bà xúc động ghê gớm, lần đầu tiên bà chợt có ý nghĩ rằng, cuộc đời bà – cái mà do trời ban cho – mới vô vị làm sao. Bây giờ, khi con cái đã trưởng thành và tự đính hướng về nghề nghiệp, bà quyết định bỏ cái nghê luật sư buồn chán vô cùng và dành phần còn lại của cuộc đời mình cho công việc trong một tổ chức nhân đạo ở một đất nước mà ngày ngày luôn lan truyền tin đồn có một cuộc nội chiến cận kề, nhưng bà Mari không đời nào lại cho phép nổ ra một cuộc chiến mới ở ngay chính cửa ngõ của mình.
Ở những khu vực khác của thế giới, thảm kịch có đầy. Và một trong số các thảm kịch này có El Salvador, một đất nước mà ở đó, trẻ em đi xin ăn và phải đi làm gái điếm.
- Thật khủng khiếp – bà nói với ông chồng đang ngồi cạnh.
Ông gật đầu ra hiệu đồng ý.
Bà Mari từ lâu rồi đã định nói với ông, và bây giờ nó sẽ thời điểm hợp lý nhất.
Bọn họ đã có đủ mọi thứ có thể mong muốn từ cuộc đời: học thức, một ngôi nhà tuyệt đẹp, công việc được trả lương cao, những đứa con tuyệt vời. Vậy thì tại sao bây giờ không làm một điều gì đó cho đồng loại? bà Mari có các mối quan hệ trong hội Chữ Thập Đỏ, và bà biết rằng, nhiều nơi trên thế giới hết sức cần đến sự trợ giúp của những người tình nguyện.
Bà đã quá mệt mỏi trong cuộc đấu tranh với những kẻ quan liêu và những trò kiện tụng ở Toà án đó trong khi lại không có cơ hội giúp đỡ những người nhiều khi phải mất hàng năm trời trong cuộc đời mình cho việc giải quyết các vấn đề chẳng phải do họ gây ra. Công việc ở hội Chữ Thập Đỏ sẽ mang lại những kết quả trực tiếp và rõ rệt.
Bà định rằng, xem phim xong bà sẽ mời ông chồng đến ngay một quán cà phê và ở đó sẽ bàn bạc với ông về ý định này.
Trên màn ảnh chiếu cảnh một quan chức chính phủ ở El Salvador với vẻ nhũn nhặn hết cỡ hối lỗi vì sơ suất mà ông ta đã phạm phải, và bỗng bà Mari cảm thấy lồng ngực đập loạn lên. Bà liên tục tự trấn an là không có gì đáng sợ cả d. Chắc là bà chỉ tức thở vì không khí ngột ngạt trong rạp thôi. Nếu không cảm thấy khá hơn, thì có thể ra ngoài sảnh hít thở một chút.
Những thông tin trên màn ảnh cứ nối nhau trôi đi, mà con tim mỗi lúc đập mạnh hơn, dữ dội hơn và người đẫm mồ hôi lạnh.
Lúc này thì bà thực sự hoảng sợ và cố thử tập trung vào bộ phim để gắng xua đi nỗi sợ hãi nhưng mỗi lúc một thêm khó theo dõi kịp những gì diễn ra trên màn ảnh. Những hình ảnh nhấp nhoáng và bà Mari có cảm tưởng như đang rơi vào một hiện thực khác hẳn, mà mọi thứ đều xa lạ, kỳ quái, bất ổn – một thế giới mà bà chưa từng bao giờ đặt chân đến.
- Em thấy khó chịu quá – bà nói với chồng.
Khó khăn lắm bà mới quyết định nói ra những lời này – bởi như thế tức là thừa nhận rằng thật ra có gì đó không ổn xảy ra với bà. Nhưng bà không thể chần chừ thêm được nữa.
- Có lẽ chúng ta nên đi ra vậy – chồng bà trả lời – Đi thôi nào.
Khi giúp Mari đứng dậy, ông phát hiện thấy tay bà lạnh như đá.
- Em không thể ra đến cửa được đâu. Mình nà1y, có chuyện gì xảy ra với em thế?
Ông chồng hốt hoảng. Mặt bà cũng đầm đìa mồ hôi còn ánh mắt đầy vẻ kích động.
- Mình cứ bình tĩnh. Tôi gọi bác sĩ ngay đây.
Một cảm giác hoảng loạn xâm chiếm bà. Những lời nói thì bà vẫn hiểu được, nhưng mọi cái còn lại – cái rạp chiếu bóng tối om om này, những khán giả ngồi san sát bên nhau như đang bị hút hồn vào cái màn ảnh nhấp nhoáng kia – tất cả đều mang một ẩn ý quái gở nào đó. Bà tin rằng, mình vẫn sống, thậm chí bà có sờ thấy cái cuộc sống đang bao quanh bà như thể nó là một vật thể rắn nào đó. Trước đây, chưa bao giờ có một điều gì tương tự như thế xảy ra cho bà.
- Đừng bỏ em lại đây một mình. Em đứng dậy ngay đây, em sẽ ra cùng mình. Chỉ có điều mình đi hơi chậm thôi.
Đứng lên khỏi ghế, họ bắt đầu lần dò ra cuối dãy ghế, ra đến cửa. lúc này tim bà Mari đập loạn lên như thế sẵn sàng nhảy ra khỏi lồng ngực, và bà lại thấy rằng, cuộc đời bà sẽ chấm dứt ngay bây giờ, ngay tại đây, trong rạp chiếu bóng này. Mọi bước đi và động tác của bà, dù bà có làm gì đi chăng nữa – mệt nhọc lê từng bước, thều thào “cho phép”, “xin lỗi”, run rẩy bám chặt lấy tay chồng và há mồm ra hứng lấy không khí – tất tật đều như một cái máy và thật khủng khiếp.
Chưa lần nào trong đời bà cảm thấy khiếp sợ đến thế.
Mình sẽ chết ngay tại đây, ngay trong rạp mất thôi.
Trong đầu chỉ vang lên một ý nghĩ duy nhất, một phỏng đóan đáng sợ, nhiều năm trước đây, một người quen của bà đã chết trong rạp chiếu bóng vì một cơn đột quỵ.
Cái bệnh giãn mạch máu não chẳng khác gì một quả bom nổ chậm. hiện tượng giãn nở nhỏ của mạch máu diễn ra giống như sự hình thành điểm phìn khí tại điểm bị sờn mòn của cái lốp xe hơi, người ta có thể sống nhiều năm với hiện tượng này, mà không mấy ai có chút nghi ngờ nào về chứng bệnh phi1nh giãn này cả, cho đến khi bất ngờ phát hiện ra nó, chẳng hạn như khi chụp X quang não hay khi tự nó vỡ ra. Khi ấy máu tràn đầy ra, người ta lập tức rơi vào trạng thái hôn mê và thường là chết rất nhanh.
Khi bà Mari, giống như một người mộng du, đi ra được đến cửa, ý nghĩ về người bạn gái đã chết vẫn không thôi ám ảnh trong đầu bà. Không những thế, có điều kỳ lạ hơn cả là cơn hoảng loạn lúc này còn tác động đến cả tri giác nữa, có cảm tưởng như mình đang rơi đến một hành tin hkc và cứ như thể lần đầu tiên bà nhìn thấy những đồ vật quen thuộc này.
Và đó là nỗi sợ hãi không thể giải thích được, không thể chịu nổi, một sự hoảng loạn bởi chỉ có mình ta trên một hành tinh khác. Cái chết.
Cần phải trấn tĩnh lại ngay. Khôi phục lại niềm tin, cứ giả bộ như mọi chuyện đều ổn cả là sẽ đâu vào đấy thôi.
Bà gắng sức lấy hết can đảm để cố bình tĩnh lại như thể không có chuyện gì xảy ra, và cái cảm giác bị bỏ rơi trong một thế giới xa lạ và đáng sợ có vẻ như biết điều chịu lui. Mấy phút đó là những phút kinh hoàng nhất trong cuộc đời bà.
Tuy nhiên, khi họ ra được đến phòng giải lao sáng trưng ánh đèn thì sự hoảng loạn lại quay trở lại. Những màu sắc trở nên quá gắt, tiếng ồn ào ngoài đường phố như chọc thủng màng nhĩ, moi.thứ hoàn toàn chỉ là hư ảo. Bà Mari như một cái máy nhận ra một điều đặc biệt kỳ lạ: tầm nhìn bị thu hẹp lại trong phạm vi xung quanh tâm điểm của một trò ma thuật bệnh hoạn, tức mắt, còn tất cả mọi thứ còn lại như chìm trong màn sương mù.
Bà biết tất cả những gì bà nhìn thấy quanh mình – chẳng khác gì bóng ma hiện hình – chính là cái ước ao, chính là cái ảo ảnh được các tín hiệu dòng điện tạo ra trong bộ não của bà nhờ vào những xung động ánh sáng lọt qua hai thuỷ tinh thể mà chẳng hiểu vì sao được gọi là “hai con mắt”.
Không, nhất quyết không được nghĩ về chuyện này nữa. Nếu cứ để cho mình bị mê muội với những suy nghĩ như thế, mình có thể phát điên mất thôi.
Đến lúc này nỗi sợ trước căn bệnh giãn mạch máu có thể xảy ra đã qua đi. Dù sao thì Mari cũng vẫn còn sống khi ra khỏi rạp, chứ không như người bạn gái của bà thậm chí còn chưa kịp rời khỏi ghế.
- Tôi gọi xe cứu thương nhé – ông chồng vừa nói vừa lo lắng nhìn khuôn mặt trắng bệch như người chết và đôi môi tái nhợt của vợ.
- Tốt hơn là gọi taxi – bà đề nghị, chăm chú lắng nghe như thể tiếng của bà vọng từ bên ngoài đến và cảm thấy nhịp rung của các dây thanh đới.
Phải vào bệnh viện tức là thừa nhận rằng mọi chuyện của bà thực sự tồi tệ, nhưng Mari một mực nhất quyết đấu tranh đến phút cuối cùng để mọi chuyện trở lại bình thường.
Họ ra đến ngoài phố. Trong không khí giá lạnh bà hồi tỉnh lại được đôi chút, tuy nhiên nỗi hoảng sợ khủng khiếp không thể giải thích được vẫn còn nguyên. Trong lúc ông chồng hết sức lo lắng, nôn nóng bắt taxi, bà ngồi phệt ngay xuống rìa đường cố không nhìn bốn phía chung quanh, vì cá chiếc xe bus chạy qau, cả những thằng bé đang chơi đùa, cả tiếng nhạc vọng đến từ khu công viên vui chơi gần đấy – dường như tất cả những thứ ấy đều hư ảo, khủng khiếp, xa lạ đầy đe doạ.
Cuối cùng thì cũng có một chiếc taxi xuất hiện.
- Đến bệnh viện! – ông chồng nói và đỡ vợ ngồi lên xe.
- Không, lạy Chúa, mình cho em về nhà thôi – bà câu xin. Bà hoảng sợ bởi chính cái ý nghĩ lại bị lọt vào một nơi chưa từng biết đến, hoàn toàn xa lạ. Bà vô cùng muốn một cái gì đó đã từng gắn bó, thân thuộc. khi chiếc xe lao vút đi theo hướng về nhà, nhịp tim đã giảm bớt, và thân nhiệt có vẻ như cũng bắt đầu trở lại bình thường.
- Em đã thấy khá hơn rồi- Bà nói với chồng bằng có lẽ chỉ tại em đã ăn phải thứ gì đó lạ thôi.
Khi về đến nhà, thế giới lại trở lại như bà đã biết nó từ thuở còn nhỏ. Thấy chồng nhấc điện thoại lên, bà liền hỏi xem ông định gọi cho ai.
- Tôi định gọi bác sĩ.
- Không cần. Nhìn em đây này, mình thấy không, mọi chuyện đều ổn rồi.
Sắc mặt bà đã trở lại bình thường, tim đã đập như trước, không còn chút dấu vết gì của cơn hoảng loạn mới đây.
Cả đêm Mari trằn trọc không yên, và khi thức giấc bà tin chắc rằng, trong ly cà phê họ uống trước buổi chiêu phim, có ai đó đã pha chất ma tuý vào. Toàn bộ sự việc này giống như một trò đùa ngu ngốc và độc ác của một kẻ nào đó, và bà định bụng cuối ngày làm việc sẽ báo cho cảnh sát và cũng đến tận quán đó để tìm cho ra thủ phạm.
Ở chỗ làm Mari giải quyết mấy việc chưa xong, cố vùi đầu vào công việc – trong bà vẫn còn hồi ức của cơn hoảng sợ hôm qua, vì thế cần phải chứng minh cho chính bản thân mình rằng, sự việc của ngày hôm qua sẽ không lặp lại nữa.
Bà bắt đầu bàn luận đến bộ phim về El Salvador với một đồng nghiệp và nhân tiện nhắc tới chuyện họ đã chán ngấy cái cảnh hết ngày này sang ngày khác cứ làm mãi một việc.
- Có lẽ đến lúc tôi phải nghỉ hưu mất thôi.
- Chị là một trong những chuyên viên hàng đầu, mà ngành luật là một trong số các ngành nghề luôn có trong đó tuổi tác, chị luôn là ưu điểm. Sao chị không xin một kỳ nghỉ phép dài ngày nhỉ? Tôi tin rằng, khi trở về, chị sẽ thành một người khác hẳn cho xem.
- Nói chung là tôi muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Được trải nghiệm sự nguy hiểm thật sự, giúp đỡ những người khác, làm những việc mà cho đến nay tôi chưa bao giờ làm.
Câu chuyện kết thúc ở đó. Bà ra quảng trường, ăn trưa ở nhà hàng đắt tiền hơn thường ngày và trở về văn phòng sớm hơn một chút.
Chính lúc ấy cái cảm giác xa lạ của bà lại bắt đầu.
Các nhân viên còn lại vẫn chưa quay lại sau bữa trưa và bà Mari tận dụng thời gian này để xem lại công việc mà cho đến giờ vẫn nằm nguyên trên bàn làm việc của bà. Bà mở hộp lấy cái bút máy luôn nằm ở một chỗ cố định, nhưng không thấy chiếc bút máy đâu cả. Một ý nghĩ vụt thoáng qua rằng, đúng là có điều gì đó kỳ lạ đang xảy đến với bà, một khi bà không đặt bút vào đúng chỗ quen thuộc.
Một ý nghĩ này thôi cũng đủ để tim lại đập loạn lên và toàn bộ cơn khiếp sợ của tối hôm qua lập tức quay trở lại.
Bà Mari sững người. Trong ánh nắng soi qua cánh cửa chớp, mọi thứ bỗng có màu sắc khác hẳn – gay gắt hơn, tức mắt hơn, và đồng thời xâm chiếm lấy bà là một cảm giác rằng, chỉ một phút nữa thôi bà sẽ chết. Mọi thứ trở nên hoàn toàn xa lạ - và bà đang ngồi sau cái bàn này để làm gì?
Lạy Chúa, nếu Ngài là có thật thì xin hãycứu giúp tôi.
Khắp người như như ướt sũng mồ hôi lạnh, cơn sóng sợ hãi không thể chặn đứng lại được cứ xâm chiếm lấy bà. Nếu lúc này có ai đó đi vào và nhìn thấy ánh mắt đầy khiếp sợ của bà, chắc bà sẽ chết mất /
Lạnh!
Chính cái lạnh giá ngoài đường phố đã giúp bà hồi tỉnh lại, nhưng làm thế nào để ra được ngoài trời đây? Bà, lại với sự rành mạch đến bệnh hoạn, cảm nhận đến từng chi tiết nhỏ diễn ra với mình – nhịp thở này (có lúc bà cảm giác rằng, nếu bà cố tình không hít thở nữa thì cơ thể vẫn có thể tự động làm việc đó), sự hoạt động trí óc này (cái hình ảnh chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác như thể hoạt động của một chiếc camera truyền hình), và tim đập mỗi lúc mạnh hơn, và cả người nhớp nháp mồ hôi lạnh.
Và nỗi sợ hãi nữa. không thể làm được gì với một nỗi sợ hãi điên rồ không giải thích được này, dù là bước đi một bước, thoát ra khỏi căn phòng này.
Chuyện này sẽ qua thôi.
Hôm qua chả thế là gì. Nhưng bây giờ, bà đang ở chỗ làm, ai mà biết được – liệu nó có qua đi hay không? Mari nhìn đồng hồ - Nó cung bỗng dưng trông như là một cái máy kỳ quái có hai kim quay quanh một trục, để chỉ thời gian, mà chưa bao giờ có một ai có thể giải thích tại sao lại phải chi mặt số thành mười hai, chứ không phải là mười như thường thấy ở bất cứ một mặt số nào khác do con người phân định.
Miễn là không nghĩ về những thứ như thế nữa kẻo không thì mình sẽ phát điên lên mất.
Điên rồ. Có lẽ đó là cái tên gọi chính xác hơn cả cho cái điều hiện đang xảy ra với bà. Lấy hết nghị lực, Mari đứng dậy và đi vào toilet. May sao, hành lang vắng tanh, và bà đi được tới đích, mất một phút thôi mà bà cảm tưởng như vô tận. Bà rửa mặt bằng nước lạnh ở bồn rửa, và cảm giác bị bỏ rơi ở một thế giới thù địch và hoàn toàn xa lạ đã qua đi, nhưng nỗi sợ hãi vẫn còn.
Chuyện này sẽ qua thôi – bà tự nhủ - Như hôm qua cũng vậy.
Mari nhớ là hôm qua mọi chuyện kéo dài đến ba mươi phút. Bà chốt một cửa buồng vệ sinh rồi ngồi trên nắp bồn cầu, úp mặt xuống sát đầu gối. Ở tư thế của một thai này tiếng tim đập nghe không thể chịu nổi, bà vội ngồi thẳng dậy.
Chuyện này rồi sẽ qua.
Bà bị mắc lại ở nơi ấy, mỗi lúc càng thêm xa lạ với chính mình, như bị thôi miên bởi cái cạm bẫy không lối thoát mà bà đã rơi vào. Bà lắng nghe mọi thứ ở bên ngoài – tiếng chân người đi vào toilet rồi đi ra, tiếng mở và khoá vòi nước, những câu chuyện vô nghĩa về các đề tài vô vị. Một vài lần có nó ngiật cửa, nhưng Mari lên tiếng ầm ừ và cửa lại được để yên. Đặc biệt là tiếng xả nước nghe quái gở khủng khiếp – như thể nó sắp sửa phá sập toà nhà, cuốn trôi tất cả mọi người xuống địa ngục.
Nhưng dù sao cảm giác sợ hãi cũng bớt đi đôi chút, và nhịp tim cũng đã trở lại bình thường. Một điều may nữa là cô thư ký của bà cũng không có cái tính hay soi mói và chưa chắc đã chú ý đến sự vắng mặt của sếp, nếu không thì tất cả các đồng nghiệp đã tụ tập ở ngoài cửa, gạn hỏi Mari xem có chuyện gì xảy ra với bà.
Cảm thấy đã có thể kiểm soát được bản thân, Mari ra khỏi buồng vệ sinh, rửa mặt một lúc lâu nữa rồi cuối cùng mới trở lại phònglàm việc.
- Hình như chị rửa trôi hết cả kem phấn mất rồi – một cô thực tập sinh nhận thấy – Em cho chị mượn hộp trang điểm của em nhé?
Mari thậm chí không thèm trả lời cô ta lấy một tiếng. Bà đi vào phòng của mìn, lấy túi và nói với cô thư ký rằng bà sẽ về nhà.
- Nhưng có bao nhiêu là cuộc hẹn gặp đã định rồi! – cô gái lên tiếng.
- Ở đây cô không phải là người ra chỉ thị, việc của cô là nhận chúng, hiểu chưa? Và hãy làm theo lời tôi nói đây: huỷ bỏ các cuộc hẹn đi\
Cô thư ký kinh ngạc nhìn theo bà sếp. Suốt ba năm làm việc, cô chưa từng nghe thấy bà ấy nói một lời gắt gỏng nào. Chắc là có chuyện gì đó thật sự buồn bực rồi: hay là bà ấy vừa nhận được tin báo lúc này ông chồng đang thậm thụt với cô bồ ở nhà, nên bà ấy mới vội về để bắt quả tang ông a?
Bà ấy là một luật sư giỏi và biết mình đang làm gì – cô thư ký tự nhủ. Chắc chắn là ngày mai thôi sếp sẽ xin lỗi cô.
Nhưng cái “ngày mai” đã không đến. Đêm hôm ấy Mari nói chuyện với chồng rất lâu và mô tả lại cho ông nghe mọi biểu hiện xảy ra với bà. Cả hai ông bà cùng đi đến kết luận rằng, việc tim đập quá nhanh, toát mồ hôi lạnh, cảm giác xa lạ, bất lực và mất tự chủ - tất cả những biểu hiện này có thể gọi bằng một từ là: sự sợ hãi.
Cùng với sự giúp đỡ của chồng, Mari thử phân tích tình hình. Ông thầm nghĩ – nhỡ đâu đây là căn bệnh ung thư não – nhưng không nói gì. Còn Mari, về phần mình, lại càng thêm tin chắc vào mối nghi ngờ rằng chuyện xảy ra với bà chỉ là sự bắt đầu của một điều gì đó thật sự khủng khiếp, và cũng im lặng. Với sự suy xét tỉnh táo như những người khôn ngoan và chín chắn, họ cố gắng đi đến một nhận định chung nhất trong cuộc trao đổi.
- Có lẽ em nên đi kiểm tra sức khoẻ.
Bà Mari đồng ý, nhưng với một điều kiện không một ai được biết gì, kể cả mấy đứa con.
Ngày hôm sau bà xin văn phòn luật sư một kỳ nghỉ ba mươi ngày tự túc. Ông chồng muốn đưa bà đến Áo, nơi có những chuyên gia giỏi nhất về các chứng bệnh về não, nhưng bà Mari từ chối ra khỏi nhà – bây giờ các cơn càng xuất hiện thường xuyên hơn và kéo dài hơn.
Khó khăn lắm – chủ yếu là nhờ thuốc an thần – họ mới đến được một bệnh viện gần nhất, tại đây bà đã trải qua một cuộc kiểm tra toàn diện. Các bác sĩ không phát hiện thấy ở bà bất cứ một chứng bệnh nào, kể cả bệnh giãn mạch máu, và điều này ít ra cũng đem lại một sự yên tâm nào đó.
Nhưng những cơn hoảng loạn vô cớ và không thể kiềm chế được vẫn không hề biến mất. Ông chồng đi chợ nấu ăn, còn Mari chỉ giới hạn trong việc thu dọn bắt buộc hàng ngày để cốt sao quên được chúng. Bà bắt đầu đọc một loạt tất cả các sách có thể kiếm được về tâm thần học, nhưng chẳng mấy chốc đã quẳng đi, bà có cảm tưởng như chả còn thiếu bệnh nào được mô tả trong sách mà bà không mắc phải cả.
Điều khủng khiếp nhất bây giờ là các cơn đã trở thành thường lệ, nhưng bà vẫn còn nguyên một cảm giác khiếp sợ trước cái hiện thực hoàn toàn xa lạ mà bà hết lần này đến lần khác rơi vào mỗi khi bị nổi cơn, vẫn là cái cảm giác bất lực không thể nào kiểm soát được bản thân mình. Thêm vào đó là sự cắn rứt lương tâm – giờ đây ông chồng phải gánh vác công việc cho cả hai, nhận lấy về mình hầu như mọi trách nhiệm trong gia đình.
Ngày lại ngày dài lê thê, mà tình trạng của bà không thấy tiến triển lên và Mari bắt đầu cảm thấy – và ngày càng bộc lộ thường xuyên hơn – giận dữ tột độ. Chỉ cần một cái cớ nhỏ nhất cũng đủ để bà nổi đoá và gào thét với chồng hay người đầu tiên gặp phải, sau đó thế nào cũng lại bắt đầu cái màn vật vã nức nở.
Đã qua kỳ nghỉ được mấy ngày, nhưng Mari vẫn không đi làm, một trong các đồng nghiệp của bà đã đến nhà. Ông ta ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm, lo lắng về sức khoẻ của bà, nhưng Mari không nhấc ống nghe hoặc nhờ ông chồng nói như thể lúcđó bà đang bận việc. hôm đó ông ta cứ thế xộc đến và gọi cửa cho đến khi bà ra mở cửa mới thôi.
So với mọi ngày, sáng hôm đó hoá ra lại khá dễ chịu. Mari pha trà, họ chuyện trò đôi chút về công việc và sau đó ông ta hỏi khi nào thì bà định trở lại văn phòng.
- Không bao giờ.
Ông ta nhớ đến câu chuyện về El Salvador.
- Thôi được rồi, tất nhiên là chị có quyền hành động theo suy xét của riêng mình – ông ta nói với một giọng dàn hoà – nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trong trường hợp này chính công việc là cách tốt nhất, hơn bất cứ một biện pháp tâm lý nào. Chị cứ đi đi, cứ chiêm nghiệm thế giới, làm công ích ở những nơi nào cần đến chị, nhưng xin chị nhớ rằng, cánh cửa văn phòng lúc nào cũng rộng mở với chị, chị có thể trở lại khi nào chị muốn.
Nghe thấy thế, Mari bật khóc nức nở - chuyện này bây giờ xảy ra với bà như cơm bữa.
Người đồng nghiệp chờ cho đến khi bà lấy lại bình tĩnh. Là một luật sư có kinh nghiệm, ông ta không hỏi han gì thêm, vì biết rằng, đôi khi bằng sự im lặng lại dịu dàng nhận được câu trả lời hơn là đặt câu hỏi.
Quả đúng thế thật. Mari kể hết mọi chuyện đã xảy ra với bà, bắt đầu từ lần đi xem phim đến những cơn điên loạn gần đây với chồng, người đã chăm sóc bà đến thế.
- Tôi loạn trí mất rồi – bà nói.
- Có thể là thế đấy – với vẻ am hiểu, ông ta đáp, nhưng giọng nói vẫn rất nhẹ nhàng – Trong trường hợp này chỉ có hai sự lựa chọn thôi: chữa trị hoặc là cứ để cho bệnh tình tiến triển thế.
- Chứng bệnh tôi hiện đang mắc phải không chữa khỏi được đâu. Tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng tôi cảm thấy căng thẳng vì tình trạng này đã từ lâu rồi vẫn giữ nguyên như thế. Mà tôi không có các triệu chứng điên loạn thông thường như mất khả năng cảm nhận hiện thực, vô cảm hay sự giận dữ không kiềm chế được. Chỉ sợ hãi thôi.
- Người điên nào mà chả nói mình là người bình thường.
Cả hai cùng phá lên cười, và bà lại rót thêm trà. Họ nói chuyện về thời tiết, về những thành công của nước Slovenia độc lập, tình hìnhcăng thẳng nảy sinh giữa Croatia và Nam Tư. Mari suốt ngày xem tivi và nắm bắt rõ thông tin về mọi sự kiện.
Trước khi ra về, người đồng nghiệp lại nhắc đến đề tài này.
- Mới đây trong thành phố, người ta có mở một nhà điều dưỡng – ông ta nói – do nước ngoài đầu tư, một cơ sở chữa trị hạng nhất đấy.
- Chữa trị gì?
- Chứng mất cân bằng, đại loại có thể nói như thế. Sự sợ hãi quá mức cũng như mọi sự quá mức đều là chứng mất cân bằng cả.
Mari hứa là sẽ suy nghĩ, nhưng rồi bà vẫn không có quyết định nào về vấn đề này. Một tháng nữa trôi qua. Những cơn hoảng loạn vẫn lập lại, và cuối cùng bà cũng hiểu ra rằng, không chỉ cuộc sống riêng của bà, mà cả gia đình bà đều bị huỷ hoại. Bà lại xin một liều an thần và quyết định ra khỏi nhà – lần thứ hai trong suốt sáu mươi ngày qua.
Bà bắt taxi và đi đến “nhà điều dưỡng mới”. Trên đường đi người lái taxi hỏi xem có phải bà đi thăm một ai đó không.
- Tôi nghe nói là ở đó rất tiện nghi, nhưng người ta cũng nói là có những người điên hung dữ lắm. Vì thế người ta còn áp dụng cả phương pháp dùng sốc điện trong điều trị nữa cơ mà\/.
- Tôi cần đến thăm một người – bà Mari đáp.
Chỉ một tiếng đồng hồ trao đổi cũng đủ để chấm dứt sự đau khổ kéo dài suốt hai tháng của Mari. Giám đốc của cơ sở - một người đàn ông có mái tóc nhuộm đen, tự xưng là “bác sĩ Igor”, giải thích rằng, vấn đề ở đây hoàn toàn chỉ là chứng bệnh được gọi là Hội Chứng Hoảng Loạn – một chứng bệnh mới được đưa vào biên niên bệnh học của khoa tâm thần học thế giới.
- Điều này không có nghĩa chứng bệnh này là mới – ông giải thích thêm cố để lời nói của mình được hiểu cho đúng – Thuờng là những người mắc chứng bệnh này hay che giấu nó vì sợ rằng, họ bị coi là điên. Trong khi đó, nó hoàn toàn chỉ là sự mất cân bằng về hoá chất trong cơ thể như trường hợp trầm uất.
Bác sĩ Igor viết đơn thuốc và đề nghị bà trở về nhà.
- Tôi không muốn về ngay bây giờ - Mari đáp – thậm chí cho dù tôi đã được nghe những gì ông nói, tôi vẫn sợ ra ngoài phố. Đời sống của vợ chồng tôi đã trở thành địa ngục, tôi cần phải để chồng tôi cũng hồi lại sau những tháng săn sóc cho tôi nữa.
Như mọi lần, trong các trường hợp tương tự, có tính đến việc các cổ đông muốn bệnh viện hoạt động hết công suất, bác sĩ Igor đã đồng ý cho nhập viện, tuy nhiên là sau khi đã cho bệnh nhân hiểu rõ rằng, thực sự mà nói thì không cần thiết phải thế.
Mari đã được chữa trị một cách thoả đáng, được trợ giúp về tâm lý, và các triệu chứng bắt đầu giảm dần rồi hết hẳn.
Tuy nhiên trong thời gian đó, tin đồn về việc nhập viện của Mari đã lan truyền đi khắp thành phố Ljubljana bé nhỏ. Người đồng nghiệp mà bà đã kết thân nhiều năm rồi, đã từng chia sẻ với ông ta biết bao giờ phút vui buồn, có đến Villete thăm bà. Ông ta khen bà vì bà đã nghe theo lời khuyên của ông ta và tìm được nghị lực trong mình để yêu cầu được giúp đỡ. Nhưng sau đó ông ta mới giải thích lý do cho chuyến đến thăm của mình.
- Có lẽ, bây giờ là lúc chị nên về hưu rồi.
Mari hiểu những lời nói ấy ngụ ý gì, chẳng có ai lại muốn uỷ thác vụ việc của mình cho một luật sư đã từng điều trị trong bệnh viện tâm thần.
- Chính anh đã nói rằng, công việc là biện pháp tốt nhất cơ mà. Tôi phải trở lại, dù chỉ là tạm thời.
Bà chờ xem ông ta sẽ có một phản ứng nào đó chăng, nhưng ông ta không nói gì. Bà nói tiếp:
- Chính anh đã khuyên tôi đi điều trị. Cứ nghĩ đến việc bị thải hồi là tôi lại muốn đạt được thành công, thể hiện bản thân mình, ra đi một cách hoàn toàn tự nguyện. Tôi không muốn bỏ công việc của mình một cách đơn giản như thế, vì làm vậy có nghĩa là tôi chấp nhận thất bại. hãy cho tôi một cơ hội nữa thôi để tôi lấy lại được sự tự trọng, rồi khi ấy tự tôi sẽ xin nghỉ hưu.
Ông luật sư húng hắng ho.
- Tôi khuyên chị chữa trị, chứ không phải là nằm trong bệnh viện tâm thần.
- Nhưng đây là vấn đề sống còn. Tôi thậm chí còn không thể đi ra ngoài phố, cuộc sống của vợ chồng tôi đã tan vỡ.
Mari biết, có nói cũng bằng thừa. Dù bà có làm gì chăng nữa, thì cũng không thể thuyết phục được ông ta. Dù sao thì cũng là đánh cuộc với uy tín của hãng. Nhưng bà vẫn cố thử thêm một lần nữa.
- Ở đây tôi gặp phải hai loại người: người không còn cơ hội quay trở lại với xã hội và những người hiện giờ đã hoàn toàn bình phục, nhưng lại thích giả bộ vẫn bị tâm thần, để tránh né những trách nhiệm với cuộc sống của mình. Tôi muốn, tôi cần phải có lại cái cảm nhận rằng, tôi hài lòng về bản thân mình. Tôi cần phải khẳng định được rằng, mình có thể có những quyết định độc lập. Tôi không thể bị ép buộc phải nhận cái mà chính tôi không lựa chọn.
- Trong cuộc đời chúng ta có thể phạm phải nhiều sai lầm – ông luật sư nói – Ngoại trừ một điều: đó là cái sai lầm có tính huỷ diệt đối với chúng ta.
Có tiếp tục cuộc nói chuyện cũng vô nghĩa: ý ông ta muốn nói là Mari đã phạm phải một sai lầm chết người.
Hai ngày sau bà được báo là có một luật sư nữa đến thăm, lần này là người từ một hãng khác vốn được coi là một đối thủ thành đạt nhất đối với những người mà bây giờ đã là các cựu đồng nghiệp của bà. Mari phân khởi hẳn lên: có lẽ, ông ta đã biết rằng hiện giờ bà đã tự do và sẵn sàng chuyển sang chỗ làm mới, và đây là cơ hội phục hồi lại vị thế của mình trong giới luật sư.
Ông luật sư đi vào gian sảnh, ngồi xuống trước mặt bà, mỉm cười hỏi thăm xem bà đã cảm thấy khoẻ hơn chưa và rút từ trong cặp ra một số giấy tờ.
- Tôi đến đây theo sự uỷ thác của chồng bà – ông ta nói – Đây là đơn xin ly hôn của ông nhà. Đương nhiên là ông nhà sẽ chi trả viện phí cho suốt toàn bộ thời gian bà ở đây.
Lần này thì Mari không hề có sự kháng cự nào. Bà ký nhận tất, dù theo luật định bà có thể kéo dài đến vô hạn cuộc tranh chấp này. Ngay sau đó bà đến gặp bác sĩ Igor và nói rằng, các biểu hiện hoảng loạn lại trở lại.
Bác sĩ Igor biết là Mari nói dối, nhưng vẫn kéo dài vô hạn định thời gian nằm viện của bà.