Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương Kết

    
gười ngoại quốc ấy ca hát. Hết giờ này sang giờ khác những lời ca tựa như bọt nước từ trong tim chị ấy bốc lên môi, chị ấy vui một cách kỳ lạ. Em cũng đã sinh được một đứa con trai nên em hiểu em chia vui với chị ấy, chúng em cùng trải qua một kinh nghiệm chung nên đã kết bạn với nhau. Chúng em cắt vải may những bộ quần áo Tầu rất xinh. Khi chị ấy lưỡng lự không biết chọn màu nào thì chị ấy vừa cười vừa cau mày lại tự hỏi:
- Xem nào, nếu mắt nó đen thì phải dùng màu tía này, nhưng nếu mắt xám thì lại phải dùng màu hồng. Không biết mắt nó đen hay xám, cô nhỉ?
Chị ấy cười quay lại hỏi em; em cũng cười hỏi lại:
- Thế trong tâm chị vẫn thấy nó màu gì?
Chị ấy thẹn đỏ mặt lên nói:
- Tôi vẫn thấy nó đen; vậy cứ may màu tía.
Em bảo:
- Màu tía là màu vui, và bao giờ cũng thích hợp với con trai.
Cả hai đứa chúng em đâu biết chọn như vậy là khôn.
Em mới đưa cho chị ấy xem những bộ quần áo nhỏ xíu đầu tiên của con em; và hai chị em đặt mẫu lên hàng gấm hoa tía và hàng tơ mềm để cắt. Chính em đã thêu những đôi giầy mặt hổ phù. Cùng làm chung những công việc như vậy, chúng em thấy mỗi ngày một thân nhau thêm.
Em quên hẳn chị ấy là người ngoại quốc và coi như chị ruột của em. Em tập gọi tên chị ấy, Mary... Mary!
 
***
May xong quần áo Tầu, chị ấy bắt đầu may mấy bộ kiểu ngoại quốc thật là đơn giản và trang nhã em chưa từng thấy bao giờ. Thứ hàng mỏng tang ra trông ngạc nhiên hết sức. Hai cánh tay nhỏ xíu tra vào chiếc áo dài thườn thượt như chiếc xiêm viền ren tinh xảo hơn đồ thêu, và may bằng thứ hàng không phải là lụa nhưng nhẹ như hơi sương. Em hỏi:
- Lúc nào thì chị mặc cho cháu những thứ này?
Chị ấy cười, giơ tay tát khẽ vào má em mấy cái nhanh như cắt. Bây giờ chị ấy vui thành ra hay có những cử chỉ mơn trớn dịu dàng như vậy.
"Một tuần lễ sáu ngày nó là con của ba nó, nhưng ngày thứ bẩy thì tôi sẽ cho nó mặc đồ vải ren và nó sẽ thành người Mỹ - Rồi chị ấy chợt nghiêm giọng nói tiếp - Lúc đầu tôi tưởng có thể khiến nó thành người Tầu hoàn toàn, song bây giờ tôi thấy cũng cần phải cho nó thành Mỹ nữa, vì Mỹ là tôi mà. Nó sẽ là người của cả hai bên thế giới, cả của cô và cả của tôi, cô ạ."
 
***
Chị ấy đã sinh rồi, chị ạ! Em đón ẵm thằng bé ở trên tay Vương Đại-Ma. Già ấy vừa lẩm bẩm vừa cười kiêu hãnh trao nó cho em. Em nhìn nó vồn vã.
Nó là con trai, khỏe mạnh vạm vỡ. Thực tình nó không đẹp như kiểu thằng con em. Không thể nào sinh được lần thứ hai một thằng như con của chồng em và của em. Nhưng thằng con của anh và chị em thì không giống một đứa trẻ nào khác. Nó to xương và có sức mạnh của người Tây phương. Song tóc và mắt thì đen như người Tầu chúng em, và da nó tuy trong như ngọc, nhưng ngăm ngăm đen, ở hai con mắt và đôi môi của nó, em đã thấy có vẻ giống như mẹ em, nửa đau khổ, nửa vui sướng pha lẫn với nhau, chả biết có đúng thế không?
Dẫu sao em cũng không nói điều này ra với chị em. Em ẵm đứa bé lại cho chị. Em cười bảo:
"Này chị coi tác phẩm của chị đấy! Trong cái nút nhỏ xíu thế này mà chị ấy đã thắt được hai thế giới lại đó!"
Chị ấy nằm mệt mỏi, kiệt lực nhưng vẫn tươi cười, khẽ nói:
- Đặt cháu xuống đây cạnh chị.
Em làm theo lời chị ấy.
Thằng bé nước da ngăm ngăm nằm sát vào đôi vú trắng như sữa của mẹ; hai con mắt nó đen lay láy. Chị ấy nhìn con và đưa mấy ngón tay ngà ra vuốt những sợi tóc đen của nó.
Em thấy thế cười nói:
- Phải cho nó mặc chiếc áo đỏ. Da đen thế này không mặc được đồ trắng.
Chị ấy nói thật thà:
- Nó giống bố nó, thế là chị sướng rồi.
Vừa lúc ấy, chồng chị bước vào, em rút lui ngay.
 
***
Thế rồi đến tối, em đứng cạnh chồng em trong phòng của con trai em. Chúng em cùng trông qua cửa sổ, ngắm cảnh đêm trăng. Không khí rất trong, và cái vườn nhỏ trông như một bức họa thủy mặc. Hàng cây chọc thẳng lên trời, ngọn đèn như mun điểm ánh trăng bạc.
Sau lưng chúng em, cháu nằm ngủ trên chiếc chõng tre bây giờ đã thành quá nhỏ đối với cháu. Lúc ngủ cháu hay vung hai cánh tay ra, bàn tay đập nhẹ vào thành chõng. Dạo này cháu ra dáng người lớn lắm. Hai vợ chồng em nhìn nhau kiêu hãnh nghe hơi thở của cháu mạnh khỏe.
Thế rồi em nhớ tới thằng bé mới đẻ kia, chưa chi trông đã giống mẹ em, bà vừa mới mất thì cháu ra đời. Em hơi buồn, khẽ nói với chồng em:
- Thằng con của anh chị mình ra đời với bao nỗi đau thương của biệt ly! Nào là nỗi đau thương của mẹ nó phải xa lìa quê hương nòi giống; nào là nỗi đau thương của bà nội nó phải từ bỏngười con trai duy nhất; nào là nỗi đau thương của cha nó phải từ bỏ gia đình, tổ tiên và quá khứ thiêng liêng!
Nhưng chồng em chỉ cười. Chàng đưa cánh tay ra quàng lấy vai em, rồi nghiêm giọng nói:
- Em chỉ nên nghĩ tới điều này... là nó ra đời với bao niềm vui của sự kết hợp! Nó đã kết chặt hai trái tim của cha mẹ nó làm một. Hai trái tim hoàn toàn khác biệt nhau về dòng dõi và giáo dục... những sự khác biệt đã xẩy ra từ bao nhiêu thế kỷ trước! Sự kết hợp đẹp đẽ biết chừng nào!
Khi em nhớ tới nỗi buồn dĩ vãng thì chàng an ủi em như vậy. Chàng không cho em bấu víu vào bất cứ một cái gì chỉ vì cái ấy đã xưa rồi.
Chàng giữ cho mặt em hướng về tương lai. Chàng nói:
- Em yêu! Phải để cho tất cả những cái ấy qua đi. Chúng ta không muốn cho con trai chúng ta bị ràng buộc vào những cái gì cổ hủ vô ích!
Và nghĩ tới hai đứa bé - thằng con trai của em và thằng anh họ nó - em biết chồng em rất chí lý, bao giờ cũng chí lý!
 
***
 
GHI CHÚ
1)  TRƯƠNG KIM ANH: (Ái Nữ của dịch giả TRƯƠNG BẢO SƠN) Đã thực hiện bản "GIÓ ĐÔNG GIÓ TÂY" bằng cách cho đánh máy lại bản nội dung theo cuốn sách của dịch giả do nhà xuất bản "NGÀY NAY", Sài Gòn, Việt Nam in ấn trước năm 1975.
2)  PHẠM BẠCH YẾN: (Đà Lạt-Việt Nam) đã làm mới lại bìa trước cuốn sách từ một bản chụp cũ. Và trình bày bìa sau.
3)  Luật Sư kiêm Nhà Thơ NGÔ TẰNG GIAO: (Washington DC-USA) trình bày trọn cuốn Gió Đông Gió Tây..
4)  Giáo Sư kiêm Nhà Thơ NGUYỄN THUỶ NAM: (South Autralia)
-  Đã soát lại toàn thể bản đánh máy và sửa các lỗi chính tả.
-  Trong đoạn XVII, trang 137 từ dòng "Không - chị trả lời cụt ngủn - thậm chí chị không hề viết cho mẹ một thư nào!" tới dòng "...biết bao lời nói đã sôi trào trong tâm tư chị!" gần cuối trang 138, đã phỏng dịch theo bản tiếng Anh để thay thế cho 2 trang 211-212 bị mất trong bản dịch chính của cụ Trương Bảo Sơn (lỗi do Trương Kim Anh đã sơ xuất trong khi scan từng trang vào máy vi tính)