Mùa đông đến, bác sĩ cho biết là tôi bị thiếu máu, và dưới sự khuyên nhủ của Nội và anh Vũ Nông, tôi xin tạm nghỉ việc ở Ngân hàng. Cuộc sống rảnh rỗi hơn. Anh Vũ Nông suốt ngày ở Tòa Án, nên khi buồn tôi qua nhà của Tiểu Song chơi, phụ nàng chép nhạc, soạn lời, đôi lúc là đùa với bé San San. Tiểu Song bây giờ đã là một nhạc sĩ nổi tiếng, có nhiều tác phẩm. Cũng trong khoảng thời gian này. Anh Thi Nghiêu ngoài lúc bận ở đài truyền hình ra, cũng có mặt thường xuyên ở nhà Tiểu Song. Tiểu Song bắt chước Nội, mua một bếp lò để giữa nhà làm lò sưởi. Buổi tối tôi và Anh Vũ Nông, Thi Nghiêu, bé San San thường quây quần quanh đấy chuyện trò vui vẻ, đùa với San San. Cái khung cảnh êm đềm như vậy nhiều lúc làm tôi suy nghĩ. Nếu cuộc đời phẳng lặng thế này cũng tốt thôi. Hạnh phúc đâu cần phải một cái gì to tát? Một chút niềm vui, một chút ấm cúng là đủ rồi. Nhưng cuộc đời đâu được phẳng lặng mãi đâu? Có những bất ngờ thiên định. Tôi nghĩ đến cái đêm hôm ấy. Cái đêm mà anh Thi Nghiêu định tỏ tình với Tiểu Song bên đàn dương cầm, nêu hôm ấy không bị anh Vũ Nông làm mất thăng bằng, văng ra ngoài cửa phòng thì có lẽ đã đâu vào đấy? Vậy mà.... Bất ngờ thường không chỉ đến một lần, lại đến và hôm ấy cũng vào lúc ban đêm. Tôí hôm ấy, tôi với Vũ Nông dùng cơm ở nhà Tiểu Song, cơm xong chúng tôi ngồi chuyện rỗi. Giờ này thường khi có cả anh Thi Nghiêu, nhưng hôm đó không hiểu anh ấy bận gì mà không đến. Hơn tám giờ khuya, bé San San đã ngủ yên. Lửa trong lò sưởi cháy mạnh, làm ấm cả gian phòng. Bên ngoài mưa nặng hạt, gió đập vào cửa kính phần phật. Tiểu Song vừa khều than trong lò, vừa nhìn ra ngoài trông ngóng với tâm trạng bất an. Tiểu Song chợt nói: - Chị Thi Bình, chị có nhớ hôm đầu tiên em đến nhà chị không? Bữa đó cũng mưa to gió lớn như thế này, trời thật lạnh, vừa từ ngoài vào là em đã thấy quá ấm. Tôi nhớ lại cái đêm ấy. Tính nhẩm: Sáu năm! mới đây mà đã sáu năm rồi. Trong sáu năm đó, cuộc đời chúng tôi phẳng lặng trên dòng đời. Chỉ có Tiểu Song là qua bao sóng gió. Lấy chồng, ly dị, đợi chờ, dày vò, đau khổ... đến bây giờ vẫn còn "Mộng nơi đâu, tình về nơi đâu?" Tôi nghĩ, và thấy tội nghiệp cho Tiểu Song quá. Chợt nhiên có tiếng chuông cửa reo vang. Vũ Nông nhảy vội ra mở. Anh Thi Nghiêu bước vào với một luồng gió lạnh. Anh đứng giữa phòng khách. không áo mưa, không dù... mình mẩy ướt như chuột. Nhưng anh vẫn cười. Anh nhìn Tiểu Song với cái nhìn nồng ấm: - Hôm nay anh sẽ mang đến cho em một món quà, em đoán ba lần, xem thử anh sẽ mang quà gì đến cho em? Có lẽ lại mang thêm việc phối âm cho Tiểu Song. Tôi nghĩ, hoặc không thì làm một tuyển tập bài hát của Tiểu Song. Tóm lại, tôi biết tính anh Thi Nghiêu, anh hết lòng lăng xê Tiểu Song, vượt mọi trắc trở, đau khổ. Tiểu Song nhìn anh Nghiêu nói: - Em không đoán đâu. Vì cái mà em mong đợi, nó vượt khỏi tầm tay anh giúp. Tiểu Song nói làm tôi cũng thấy buồn. Cô ấy vẫn một lòng chờ đợi người xưa. Có lẽ anh tôi buồn lắm. Tiểu Song hình như thấy có gì không phải, nên lại tiếp: - Thôi lau người đi, anh ướt hết trơn rồi kìa! Tiểu Song định đi vào trong lấy khăn, nhưng anh Thi Nghiêu đã dưa tay giữ lại. Anh Thi Nghiêu nhìn thẳng vào mắt nàng. - Đừng đi đâu cả. Tôi bảo cô đoán mà cô vẫn không chịu đoán. Tiểu Song đứng lại nhìn anh: - Vậy thì anh đã hợp đồng dĩa hát cho em? Anh Thi Nghiêu lắc đầu: - Anh làm một băng nhạc chuyên đề cho em? -... - Nếu anh cho em một cassette stereo thì em sẽ không nhận đâu nhé, em có đủ thứ rồi, bày đặt kiểu đàn dương cầm như lúc xưa, em không nhận đâu. - Không phải tuốt! - Vậy thì em chịu thua. Anh Thi Nghiêu nhìn Tiểu Song với đôi mắt bí mật, từ từ lấy trong túi ra một hộp đựng nữ trang màu đỏ, đưa đến trước mặt Song. Tôi liếc nhanh về phía anh Vũ Nông. Anh Thi Nghiêu lại điên rồi. Anh định va đầu vào đá ư? Biết tính Tiểu Song cố chấp và ương ngạnh. Bây giờ đâu phải là lúc cầu hôn? Quả nhiên, đúng như điều tôi nghĩ. Tiểu Song tái mặt liếc nhanh chiếc hộp, rồi bước thụt lùi: - Không, không, không, tôi không nhận vật này. Anh Thi Nghiêu đứng thẳng lưng, nước trên đầu chảy ròng ròng xuống mặt. Anh nói từng tiếng một: - Nếu không nhận cũng không sao, nhưng hãy mở ra xem đi. Tiểu Song lắc đầu: - Anh cứ mang về đi, tôi không xem gì hết! Anh Thi Nghiêu có vẻ bực: - Chỉ để làm việc này, tôi đã phải đội mưa để tìm cho bằng được, và cô không nhận để cho tôi được một chút an ủi sao? Tiểu Song xúc động, nàng suy nghĩ một chút nói: - Em chỉ nhìn, nhưng em sẽ không nhận! - Thì cứ xem đi rồi quyết định sau, được chứ? Tiểu Song cầm lấy hộp nữ trang, chầm chậm mở ra. Anh Thi Nghiêu có vẻ căng thẳng. Tôi tự nghĩ mấy năm nay anh Thi Nghiêu cũng kiếm được không ít, có lẽ anh đã tặng cho Tiểu Song một chiếc nhẫn hình trái tim để tỏ tình, đang nghĩ thì tôi nghe Tiểu Song hét lên: - Không thể tin được, anh Thi Nghiêu em không dám tin đây là sự thật. Rồi nước mắt chảy dài trên má nàng. Tiểu Song vừa khóc vừa cười quay về hướng tôi. - Chị Thi Bình, chị xem này, đúng là một chuyện khó tin! Chiếc mặt ngọc, chiếc mặt ngọc mà Nội đã cho em, anh Thi Nghiêu ở đâu anh tìm được vậy?... Tiểu Song sung sướng, nàng nói lung tung. Tôi bước tới, anh Thi Nghiêu đúng là đã làm được một việc ngoài trí tưởng tượng của mọi người, hay là chiếc mặt ngọc này chỉ là chiếc mặt ngọc mới làm theo khuôn mẫu cũ? Nhưng khi nhìn kỹ, tôi cũng phải sững sờ, đúng là chiếc mặt ngọc của Nội, màu cẩm thạch, trên có khắc hình hai con cá đang bơi lội. Tôi buột miệng: - Anh Thi Nghiêu, anh tìm được ở đâu đấy? Anh Thi Nghiêu không nhìn tôi mà chăm chú nhìn Tiểu Song. - Tôi đã mất hết bốn năm mới tìm ra được tông tích của nó. Lúc đầu tôi tìm đến những người bạn cờ bạc chung với Hữu Văn, họ cho biết là đã bán nó cho tiệm nữ trang, tôi tìm đến đấy, thì chiếc mặt ngọc đã được một mệnh phụ mua, gặp bà ta, bà ta lại cho biết là đã nhường nó cho một minh tinh màn bạc. Cô ấy đang đóng phim ở Hong Kong, tôi cho người sang ấy thương lượng, cô ta không chịu nhượng lại, cuối cùng bất đắc dĩ tôi phải viết một bức thư dài cho cô ta, kể hết sự quan trọng của nó, và tối hôm ấy cô ta đã nhờ người mang chiếc mặt ngọc đến cho tôi. Tiểu Song, như vậy là lá rụng về cội rồi nhé? Tôi cầm chiếc mặt ngọc trên tay. Sợi dây vẫn là sợi dây cũ, tôi mang vào cổ cho Tiểu Song: - Ồ! Tiểu Song tuyệt quá! Món nữ trang của nhà họ Chu truyền lại, bây giờ vẫn thuộc về nhà họ Chu. Trong lúc vui sướng, tôi đã nói một câu khá mập mờ, khiến Tiểu Song đổi hẳn sắc mặt: - Chị Thi Bình, em nghĩ hay là chị mang về đi, để nơi đây sợ rồi cũng mất. Tôi giữ lấy tay của Tiểu Song: - Cái này của Nội đã cho cô, thì cô cứ mang. Anh Thi Nhgiêu cũng bước đến nói: - Tiểu Song, cô còn nhớ lúc ở bệnh viện không? Cô đã gào khóc đòi chiếc mặt ngọc, bây giờ tôi đã mang về cho cô. Tiểu Song quay sang nhìn anh Thi Nghiêu nói nhỏ: - Em không biết lấy gì để cảm ơn anh. Anh đã bỏ ra những bốn năm trời để tìm chiếc mặt ngọc cho em. Em đã nợ gia đình họ Chu quá nhiều, không biết lấy gì đền đáp. Anh Thi Nghiêu vẫn nắm lấy tay của Tiểu Song, nhìn Tiểu Song với đôi mắt thật ấm, tôi chợt thấy xúc động biết đâu chuyện khó tin lại xuất hiện, biết đâu không cần phải chờ đến hai mươi năm... biết đâu... Nhưng giữa cái biết đâu đó, một chuyện khó tin lại xảy đến, nó phá tan cái không khi 'bình lặng đầy xúc động này. Đầu tiên là chuông của lại reo, làm giật mình cả Tiểu Song và Thi Nghiêu, phá tan cái cảnh mà bấy nhiêu năm nay tôi mong đợi. Anh Vũ Nông ra mở cửa, một bóng người ướt như chuột lại xông vào. Nhìn kỹ thì ra anh Lý Khiêm, tôi còn đang ngạc nhiên, không hiểu anh ấy đến đây làm gì thì anh Lý Khiêm đã nói như hét: - Tiểu Song tôi đem tin của Lư Hữu Văn về cho cô đây! Chợt nhiên căn phòng chìm trong yên lặng. Chúng tôi đón tin với những cảm xúc khác nhau. Cơ hội của anh Thi Nghiêu lại bay mất. Rồi Tiểu Song xông tới, căng thẳng. - Làm ơn cho em biết anh ấy hiện ở đâu? Anh Lý Khiêm nói. - Ở Cao Hùng. Tôi đi làm phim phóng sự cho xí nghiệp thép thì gặp Hữu Văn ở Cao Hùng! Tiểu Song chăm chú nhìn Lý Khiêm, mặt tái đi. - Anh ấy lại thất bại, anh ấy không viết được một chữ nào nữa phải không? hay là anh ấy đã có người yêu khác? Lý Khiêm lắc đầu, giọng nói nhỏ hẳn xuống: - Tiểu Song, Hữu Văn sắp chết. Tiểu Song lùi ra sau mấy bước, nàng loạng choạng như sắp té, phải dựa vào tường. Vũ Nông quay sang Lý Khiêm hét: - Anh làm gì vậy? Anh định dọa Tiểu Song ư? Người đang mạnh khỏe như vậy sao lại chết? Phải nói rõ chứ? Lý Khiêm nói một cách nghiêm trang: - Tôi nói thật. Tôi đã gặp Hữu Văn ở bệnh viện Bình Dân, hôm ấy tôi bị cúm, đến đó khám bệnh, tôi đã chạm mặt ngay với một người ốm chỉ còn da bọc xương, một vị bác sĩ đang đuổi theo hắn, bảo hắn phải nhập viện, nhưng hắn không chịu. Tôi đã nhìn ra đó là Hữu Văn và Văn chỉ nói với tôi có mấy tiếng " Anh Lý Khiêm, nhờ anh về nói với Tiểu Song, là tác phẩm của tôi sắp hoàn thành!" Nói xong là Hữu Văn bỏ chạy mất. Tôi thấy lạ, quay lại tìm vị bác sĩ đã trị bệnh cho Văn. Tôi tự xưng là bạn của Hữu Văn, và vị bác sĩ đó đã cho tôi biết, trong bệnh án Hữu Văn đã giấu không cho biết quê quán thân nhân là ai cả. Vì vậy thật khó báo tin với gia đình là Hữu Văn đã bị chứng ung thư gan, bác sĩ còn cho biết bệnh của Văn đã tiềm ẩn năm sáu năm rồi và bây giờ cao lắm cậu ấy có thể sống thêm khoảng ba tháng. Anh Lý Khiêm ngừng nói, chúng tôi bàng hoàng. Một sự thật khó chấp nhận được. Tiểu Song mắt mở to nhìn anh Lý Khiêm, không chớp mắt. Lâu lắm mới nghẹn ngào hỏi: - Anh có địa chỉ của Hữu Văn không? - Tôi có chép lại theo sổ bệnh án của Hữu Văn đây. Tôi cũng không biết nên hành động thế nào nên trở về đây hội ý với các bạn. Tiểu Song nắm chặt lấy tôi, tay nàng lạnh như đá: - Chị Thi Bình, em chết mất! Tôi dìu Tiểu Song đến ghế. Trong khi anh Thi Nghiêu bước nhanh đến máy điện thoại. Tôi chưa hiểu anh định làm gì thì đã nghe anh nói qua máy: - Làm ơn cho tôi hai vé máy bay chuyến Cao Hùng sáng mai nhé? Tiểu Song đột nhiên đứng thẳng người: - Không. Em không thể đợi đến ngày mai, em sẽ ngồi xe tốc hành tối nay đến Cao Hùng. Vũ Nông nói: - Tối nay ư? Bây giờ đã chín giờ rưỡi tối rồi! Anh Lý Khiêm nói: - Mười giờ rưỡi tối nay còn một chuyến xe. Thế là Tiểu Song vội vã bước, nhưng cái choáng váng ban nãy khiến sức khỏe của Tiểu Song chưa hồi phục, làm nàng ngã người vào anh Thi Nghiêu. Tiểu Song sẵn dịp nói: - Anh Thi Nghiêu, em nhờ anh một chuyện được không? - Em cứ nói. - Anh còn nhớ lần trước khi chúng ta đến suối Ngoại Song để thu hình cảnh phim “Bên Dòng Nước” ở đấy có mấy ngôi biệt thự rất đẹp, vậy nhờ anh lập tức muốn cho em một căn, giá mắc bao nhiêu cũng được, nếu không đủ tiền anh cho em mượn, em sẽ soạn nhạc trả bù lại anh! - Anh sẽ đi ngay! Tiểu Song nói như ra lệnh: - Phải làm thế nào trong vòng ba hôm em với Hữu Văn có thể dọn vào đấy ở. Em muốn tất cả đâu sẽ vào đó, anh Khiêm hãy giúp anh Thi Nghiêu trang trí giùm nhé. Suốt cuộc đời anh Hữu Văn chưa có một ngày anh ấy sống hạnh phúc, tiện nghi, bây giờ em muốn anh ấy phải được hưởng những ngày cuối cùng của đời mình một cách sung sướng thoải mái. Nếu các anh hiểu em, thì hãy giúp đỡ em! Anh Lý Khiêm trấn an. - Ba ngày ư? được rồi, Tiểu Song cứ yên tâm, tôi và anh Thi Nghiêu sẽ hoàn tất, còn đây là địa chỉ của Lư Hữu Văn, nhưng cô nên nhớ rằng, bản thân của Văn cũng chưa biết mình lại bệnh nặng như vậy. Tiểu Song gật đầu, quay qua tôi: - Chị Thi Bình, chị cùng đi với em đến Cao Hùng nhé? Và quay sang Vũ Nông, Tiểu Song nói. - Anh Vũ Nông cho em mượn tạm chị Thi Bình, vì em sợ em yếu đuối quá. Vũ Nông nói nhanh: - Khỏi phải giải thích gì cả. Tôi sẽ mang bé San San về Nội, còn Thi Bình nhớ chăm sóc cho Tiểu Song. Tất cả xảy ra một cách đột ngột, một cách rối loạn và dồn dập như trong giấc mơ. Một tiếng đồng hồ sau, tôi với Tiểu Song đã có mặt trên chuyến xe lửa tốc hành. Người khác không biết cảm xúc thế nào, riêng tôi lòng đầy rối rắm. Tiểu Song ngồi yên bên cạnh. Nàng trang nghiêm như một pho tượng, không biết nàng đang nghĩ gì? Xe lửa xình xịch chạy về phía trước, Tiểu Song nhắm mắt lại. Tôi nắm lấy tay nàng hỏi: - Tiểu Song, em thấy trong người thế nào? - Em khỏe lắm chị ạ. Em đang nghĩ là số em, là cái số cô đơn. Sáu năm trước, cha em đã mất vì chứng ung thư, rồi bây giờ tới Hữu Văn. Em thường tự nhủ lòng mình phải cứng cỏi để đối diện với đời. Nhưng định mệnh đã trêu ghẹo chẳng bao giờ buông tha. Giọng nói của Tiểu Song rất bình thản. Tôi chợi liên tưởng đến cái đêm đầu tiên cô ấy đến với gia đình tôi cũng giống như pho tượng đá lạnh lùng, đến lúc nằm lên giường mới buông tiếng khóc. Tôi nhìn Tiểu Song và hiểu rằng dưới cái bề ngoài yên lặng kia, trái tim của nàng đang rỉ máu. Tiểu Song! Tại sao định mệnh cứ bỡn cợt với em? và tôi nắm lấy tay Tiểu Song xiết mạnh. Sáng hôm sau, chúng tôi đến Cao Hùng, thành phố còn phủ đầy sương. Trời đài bắc tháng này mưa như trút nhưng ở Cao Hùng thì nắng gắt. Chúng tôi xuống xe gọi chiếc taxi, theo địa chỉ của Hữu Văn đến nơi anh ấy ở. Xe dừng trước một con hẻm nhỏ, chúng tôi xuống xe và cũng tìm được nhà. Đó là một ngôi nhà gỗ hai tầng, trông rất bệ rạc, phía dưới là một cửa hàng xe đạp, chứng tỏ Hữu Văn rất nghèo, không thể mướn riêng một căn nhà. Tiểu Song dừng lại và đứng trước cửa rất lâu, như cố nén lấy tình cảm của mình, tay mân mê chiếc mặt ngọc, tôi xúc động muốn khóc, Tiểu Song nói: - Hãy cười lên đi chị Bình! Tiểu Song nói với tôi nhưng như tự nhủ lòng mình. Tôi rất muốn cười nhưng không làm sao cười nổi. Một lúc sau có một cậu nhỏ bước ra. - Mấy cô kiếm ai vậy? - Phải anh Lư Hữu Văn ở đây không? - Ông ấy ở trên lầu. Chúng tôi men theo cầu thang gỗ ọp ẹp lên lầu, bấy giờ trên lầu mới thấy còn được ngăn ra nhiều phòng nhỏ. Phòng của Hữu Văn ở cuối cùng nằm sát cầu tiêu, vừa bước đến cửa phòng đã nghe mùi hôi nồng nặc. Tôi thầm nghĩ, sống ở một nơi như vầy làm sao không bệnh? Tiểu Song ngần ngừ một chút rồi gõ cửa. - Ai đấy? Có tiếng của Hữu Văn từ bên trong vọng ra. Tiểu Song dựa vào thành cửa, mắt chớp chớp không trả lời. Rồi cửa mở. Văn xuất hiện với chiếc mền cũ khoác trên lưng, tóc rối, râu ria lởm chởm đôi mắt sâu hoắm với chiếc cằm nhọn. Thật khó nhìn ra, chỉ có đôi mắt là có vẻ trong sáng của Văn ngày cũ. Nhìn thấy chúng tôi, chàng chựng ra như đang nằm mơ. Văn đưa tay lên dụi mắt nghẹn lời hỏi: - Có phải Tiểu Song đấy không? Tiểu Song kéo tôi vào nhà, nàng chăm chú nhìn Hữu Văn, nét mặt đau khổ và nụ cười miễn cưỡng. - Vâng, em đây. Anh không thích em đến đây à? Lư Hữu Văn mở to mắt, mắt thoáng vui: - Anh không dám tin đây là sự thật, vì em biết không mấy ngày nay không hiểu sao anh cứ nằm mơ thấy em. Tiểu Song nhào tới úp mặt vào vai Hữu Văn, nàng nhướng người lên, tự động trao nụ hôn cho chồng, một thứ tình cảm mãnh liệt mà tôi chưa hề thấy. Tiểu Song như muốn dâng hiến tất cả tình cảm và sự nhớ nhung của mình cho Hữu Văn. Họ quyện lấy nhau. o0o - Em đã đến đây, có phải là em đã tha thứ cho anh? Hay chỉ là một sự thương hại? Chắc chắn là Lý Khiêm đã cho em biết. Họ bảo là anh bị bệnh nặng lắm phải không? Đừng tin hắn, anh rất khỏe, anh chỉ mệt mỏi một chút. Nhưng vì nếu nghe tin anh bệnh mà đến thì đó cũng là một điều rất hay. Tiểu Song cắn nhẹ môi. Nàng muốn khóc nhưng rồi lại kềm được. - Anh Văn, anh ác lắm! Sao xa cách bao nhiêu năm mà anh chẳng cho em biết một tí tin tức gì về anh cả? Lư Hữu Văn buồn rầu: - Anh làm sao dám cho em biết tin, khi anh chưa làm được một cái gì? Em có nhớ cái hôm ký giấy ly hôn không? Em đã cương quyết và thẳng thắn. Và anh đã nghĩ nếu anh chưa làm được gì thì anh sẽ không dám nhìn mặt em. Tiểu Song nói. - Chuyện đó em đã quên hết rồi. Hiện em chỉ còn nhớ đến hình ảnh hạnh phúc của chúng mình! Lư Hữu Văn đau khổ. - Em đừng lừa dối anh. Anh không tin điều đó vì lúc chúng ta sống gần nhau có giây phút nào là hạnh phúc đâu? Thời gian đó anh đã làm biết bao nhiêu sai lầm khiến em bị đau khổ, bị dày vò. Tiểu Song, em có hận anh không? - Nếu còn hận anh em đã không đến! Lư Hữu Văn xúc động: - Tiểu Song em có biết không? Khi con người đánh mất tài sản quí báu của mình mới biết được giá trị của nó. Mấy năm nay anh đã suy nghĩ rất kỹ, nhiều lúc không tin rằng chính mình đã làm ra biết bao nhiêu chuyện tày trời như vậy. Em biết không? em là một con người độ lượng, anh đã làm em buồn mặc dù đã được em tha thứ rất nhiều lần, anh đã nghĩ hàng ngàn lần là anh đã mất em, vì những dày vò, những đau khổ mà anh đã gây ra cho em đến thần thánh hẳn cũng chưa chịu đựng nổi. Anh làm sao dám van xin em tha thứ? Em ly hôn để trừng phạt anh là đúng. Vì chỉ sau khi mất em, anh mới thấy yêu em vô cùng, mấy năm nay nhờ hối hận, anh đã nuôi được ý chí, đó là phải cố gắng tập trung tinh thần và tình cảm để viết một cái gì đó cho em. Và em biết không anh đã viết được thật sự, chứ không phải chỉ nói suông. Lời của Văn khiến Tiểu Song khóc và Văn cũng khóc. - Tiểu Song em có biết là anh yêu em vô cùng, nhưng tại sao yêu em mà lại cứ làm khổ em, cứ làm em khóc? Tiểu Song! đến bây giờ anh mới biết anh là một con người chẳng ra gì, tất cả những cao ngạo, những tự phụ mà anh có đều là những thứ ấu trĩ. Cái huênh hoang lớn tiếng của anh cũng chỉ để che đậy cái bất tài vô dụng của anh. Anh đã hiếp đáp, đã làm nhục em, trút lên đầu em bao nhiêu tội danh chẳng qua chỉ tại em hiểu anh quá nhiều. Tiểu Song, anh xin lỗi về những hành động tội lỗi của mình và để chuộc lại lỗi lầm đó anh đã viết, anh đã thật sự viết được, em hãy dành cho anh thêm ba tháng, là anh sẽ viết xong. Hữu Văn bước tới bàn, lấy ra tập bản thảo thật dày, đặt vào tay Tiểu Song. - Đây này em xem bằng chứng cho thấy anh đã viết được. Tiểu Song cúi xuống nhìn xấp bản thảo, nàng lật từng trang và lệ đẫm ướt má. Nàng xiết mạnh xấp bản thảo vào ngực mình, ngước lên nhìn Hữu Văn. - Anh đã làm được điều em mơ ước và bây giờ em đến đây để rước anh về. Lư Hữu Văn chựng lại hỏi: - Anh có nghe lầm chăng? - Không đâu, trước kia em đã nói với anh, bao giờ anh làm có kết quả là chúng ta lại trùng phùng. - Nhưng anh phải cần thêm ba tháng nữa mới hoàn thành được tập truyện dày này. Hay là hãy để anh ở lại đây thêm ba tháng... Tiểu Song cắt ngang. - Không cần. Anh cứ về nhà rồi hoàn tất sau cũng không muộn, vì ngoài vị trí của một nhà văn ra anh còn là một người chồng, một người cha... Lư Hữu Văn suy nghĩ một chút hỏi: - Anh không có nghe lầm chứ? Em vẫn là của anh chứ? Tiểu Song đứng nhón gót, hôn lên môi của Hữu Văn, nàng nói một cách thận trọng: - Trước khi đến gặp anh, em đã đến với trái tim thương hại nhưng khi nhìn thấy tập bản thảo của anh thì em lại thấy kiêu hãnh. Anh Văn, em thành thật muốn anh trở về, bởi vì em còn yêu anh. Thế là trong ngôi biệt thự bên bờ suối Ngoại Song, Tiểu Song và Hữu Văn lại trùng phùng. Ngôi nhà họ nằm bên dòng nước, buổi sáng họ ra vườn hứng sương, buổi chiều ngắm ánh tà dương bên suối. Bé San San từ sáng đến tối cười nói líu lo. Chúng tôi cũng thường đến đây vui chơi. Lư Hữu Văn làm việc rất cực khổ, chàng được Tiểu Song đưa đến bệnh viện Trung ương để khám bệnh, ở đây cũng có kết luận như ở Cao Hùng. Thuốc men chỉ giúp cho Văn giảm đau, ngoài ra không ngăn được cơn bệnh tiến triển. Hữu Văn như cũng biết được, chàng trân trọng từng phút từng giây. Tôi thường nghĩ, nếu lúc mới lấy nhau Văn giữ được lối sinh hoạt như hiện nay, thì hạnh phúc biết chừng nào. Bây giờ Văn bệnh, những hạnh phúc cuối đời, Tiểu Song dù sao cũng đã dành cho chồng những ngày tháng mật ngọt. Thời gian còn lại quá ngắn ngủi, có lẽ định mệnh muốn thế! Truyện của Hữu Văn viết có tựa đề “Những Chuyện Bình Thường Xảy Ra Trong Ngày”. Tiểu Song phụ chồng sửa chữa bản thảo, chạy lo việc in ấn. Một bữa khi ngồi bên Tiểu Song, Hữu Văn chợt nhìn ra chiếc mặt ngọc trên cổ của Tiểu Song, chàng hỏi: - Ai đã tìm ra chiếc mặt ngọc này cho em vậy? Nếu anh đoán không lầm thì ngoài Chu Thi Nghiêu ra không có người thứ hai nào tìm được. Tội nghiệp anh ấy quả ân cần... Tiểu Song bối rối, hai tháng qua đã cố giữ để không cho Hữu Văn nhìn thấy, Tiểu Song định nói cái gì đó, nhưng Văn đã ngăn lại: - Em phải mang chiếc mặt ngọc này luôn trong người, vì đây là món quà cưới của em. Em có nhớ là em từng nói với anh gì không? Chỉ có anh mới là người tàn tật, còn anh Chu Thi Nghiêu là người khỏe mạnh hoàn toàn! - Đó là những lời nói lúc cãi nhau, anh còn để tâm làm gì?Hữu Văn nắm lấy tay Tiểu Song: - Anh đang nghĩ là em, một cô gái yếu đuối mà lại chữa lành cho hai gã đàn ông tàn tật như anh với Thi Nghiêu. Lúc Hữu Văn nói, là tôi đang cùng bé San San lượm những hòn đá cuội bên bờ suối, nghe Văn nói tôi bàng hoàng, mắt tôi ướt, tôi cảm động vô cùng. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Hữu Văn được Tiểu Song yêu quí đợi chờ. Thì ra bên trong cái bản chất dễ thay đổi, Hữu Văn vẫn còn một trái tim thông minh và hiểu biết. Sau đó một ngày bệnh của Hữu Văn đột ngột trở nặng, chàng được đưa vào nhà thương và từ đó không còn trở về nhà được nữa. Nhưng trước khi Hữu Văn chết, Tiểu Song cũng đã xuất bản được quyển “Những chuyện bình thường xảy ra trong ngày”. Nhờ vậy Văn cũng đã đọc được tác phẩm đầu tay mà cũng là tác phẩm cuối cùng của mình trước tác. Tôi không biết quyển sách đó có hay hay không? có làm chấn động giới văn đàn hay đoạt giải Nobel hay không? Nhưng tôi nghĩ tất cả điều đó không quan trọng mà cái quan trọng ở đây là Hữu Văn đã viết được ở trang nhất của quyển sách có một lời tựa kia khi đọc tôi đã xúc động: "Trước kia tôi nghĩ mình là một thiên tài. một thiên tài duy nhất trên cõi đời này. đương nhiên là một thiên tài tôi phải khác hẳn một thiên tài khác và những người chung quanh tôi đều bé nhỏ tầm thường, tôi khinh bi? những cái tầm thường, tôi giận dữ với những cái thông tục và tôi đã cảm thấy đau khổ khi đã sống trong những cái bình thường và thông tục đó. Thế là tôi la hét, tôi bi ca. Rồi một ngày khác tôi chợt phát hiện ra, những người chung quanh tôi đều tự cho mình là thiên tài cả. họ cũng hận đời như tôi. Sự phát hiện đó làm tôi bàng hoàng, vì nó chứng minh cho tôi thấy tôi chỉ là một thiên tài tự nhận và cái tự nhận đó cho thấy tôi chỉ là một người bình thường, như bao nhiêu người bình thường khác. nói khác đi những gì mà tôi đau khổ và khinh bỉ thì đó là cái tôi. Bây giờ thì tôi biết rằng tôi không phải là một thiên tài, tôi chỉ là một con người tầm thường, những gì tôi la hét, tôi ta thán chỉ là những la hét của một kẻ thô tục. Thế là tôi viết quyển "Những chuyện bình thường xảy ra trong ngày" để cho những ai tự tôn, tự cho mình là cao cả đọc và quyển tiểu thuyết này tôi xin dành cho người vợ đã từng đau khổ vì tôi - Tiểu Song. tôi nghĩ rằng nếu trên đời này thật sự có những người không tầm thường thì đó chỉ có thể là vợ tôi mà thôi". Đoạn văn này là đoạn văn mà tôi lãnh hội sâu sắc nhất.