Tại sao con khóc

     hẫn của cô Nguyệt hơi nhọn ở đỉnh, Phượng đã bị nó đâm vào má một lần, khi cô Nguyệt lừa Phượng bằng lộn ngược mặt nhẫn vào trong, còn Phượng thì hôm đó không nhớ rõ phấn khích điều gì mà cầm tay cô Nguyệt đột ngột đánh mạnh vào má mình một cái. May mà nó chỉ hơi nhọn chứ không nhọn hoắt.
Nhẫn của cô Hoa không có mặt nhưng to bản và có những đường vân lộm cộm, có lộn ngược hay không cũng giống hệt nhau. Mãi sau này có khác đi một chút vì nó bị méo trong một lần cô Hoa đóng hộc bàn bị cấn tay. Mới đầu cô Hoa còn giấu vết méo vào trong, nhưng sau đám cưới ngón tay cô Hoa gầy đến độ vết méo cứ xoay tròn quanh. Mỗi lần Phượng cầm tay cô Hoa lại thấy nó nằm một chỗ khác nhau.
Cô Chi đeo đến bốn chiếc nhẫn trên tay trái, mặt tròn mặt bẹt mặt bánh ú và mặt lục lăng. Nhưng không cần những chi tiết này Phượng cũng biết ngay là cô Chi, bởi từng ngón tay thanh và mềm đến nỗi mỗi lần cầm tay cô Phượng chỉ muốn cắn một cái.
Thầy Hùng là cái nhẫn có tên tănggô, mặt đá mát lạnh hình chữ nhật to đùng. Còn thầy Vịnh là cái nhẫn nhỏ xíu ở ngón áp út của bàn tay trái. Nhớ hồi đó Phượng hỏi chiếc nhẫn nhỏ xíu rồi lỡ làm gì mạnh tay nó gãy thì sao? Các cô xúm lại cho Phượng một trận, cái miệng ăn mắm ăn muối.
Nhờ vậy Phượng mới biết cái nhẫn nhỏ xíu đó quyền lực vô biên, và chẳng công việc nặng nhọc nào làm nó gãy trừ phi người ta muốn bẻ gãy.
Thầy Chinh không đeo nhẫn. Nhận diện thật dễ dàng bởi chỉ cần cầm bàn tay mà vuốt một mạch từ cổ tay ra đầu móng, không thấy mắc mứu gì thì chẳng là ai khác ngoài thầy Chinh.
Những ngày học môn định hướng mà trời đổ mưa, không biết ai là người đầu tiên có ý nghĩ bù lại bằng trò chơi “nhận biết”. Các cô thầy tháo hết nhẫn ra để bọn học trò đoán, đúng sẽ được thưởng kẹo, thua sẽ bị phạt thụt dầu, cũng là một cách tập thể dục, cái môn mà bọn học trò lười lĩnh động tác vươn thở tay không quá đầu và lưng bụng thì tay chỉ chạm đùi.
Ba lần Phượng bị thụt dầu. Nhờ vậy mà Phượng nhớ như in mỗi chi tiết nhỏ của những chiếc nhẫn.
Đó là hồi Phượng mới vào trường, còn nhỏ. Bây giờ thì khác nhiều rồi. Không cần cầm tay mân mê từng ngón Phượng cũng thừa sức đoán ra ai là ai.
Còn nhỏ, tất cả xài chung một loại dầu gội đầu, một cục xà bông tắm cũng chung cho tất cả. Người ta tặng trường từng thùng từng thùng, loại dầu đó cục xà bông đó cái mùi đó là của tất cả. Không thể phân biệt cái gối nào là của đứa nào. Cho đến khi khui một thùng khác của người khác tặng và những cái gối đồng loạt thay mùi khác.
Bây giờ thì Phượng có riêng chai dầu gội của mình và cục xà bông thơm mùi sữa. Sau khi matxa cho khách, mỗi đứa rửa tay bằng cục xà bông của mình, rồi đứa này áp tay vào mũi đứa kia, cái mát rượi của bàn tay vừa rửa sạch sẽ cùng với mùi thơm không phải của mình khiến không gian dậy lên những lạ lẫm, khiến mỗi hít thở thành một nụ hôn thật sâu nỗi hình dung. Cũng vậy với mái tóc, tóc mới gội thơm lừng mùi chanh, tóc gội từ hôm qua chờn vờn mùi cỏ, tóc lười ba ngày chưa gội cũng vẫn lưu lại mùi nào đó không giống của ai... Những cái gối đượm mùi riêng tư của những giấc mơ bí mật.
Cô Nguyệt là mùi táo xanh. Cô Hoa mùi cam chín. Cô Chi mùi mật ong. Thầy Hùng mùi mía. Thầy Vịnh là mùi phấn hoa, cái mùi này khiến Phượng phân vân mãi nhưng rồi Phượng lý lẽ chắc là vì thầy dùng chung xà bông với vợ.
Thầy Chinh không giống bất cứ mùi nào ngoài mùi bụi gỗ và keo dán ở xưởng mỹ nghệ mà tất cả những đứa câm điếc học nghề ở đó đều có. Các cô giáo cười rúc rích sau lưng là không có ai thèm yêu nên thầy Chinh không phải tốn tiền mua xà bông thơm.
Vậy nên với thầy Chinh, Phượng vẫn phải cầm tay mới nhận biết được.
Những ngón tay dài với những cái khớp cứng mà những khi trêu chọc, thầy hay co ưỡn ngón tay sao cho nó gồ ghề mắc mứu để Phượng phải cau mày nhăn trán dò đoán. Chính cái tính thích trêu chọc này giúp Phượng không nhầm lẫn thầy với ai khác được. Trừ phi Phượng cố tình trêu chọc lại bằng cách gọi thật to tên của ai đó nhỏ hơn mình để tỉnh bơ bẻ cụp ngón tay hoặc cốc đầu một cái. Để rồi thầy sẽ cất giọng thần linh “Tại sao con khóc?”. Không thể tiếp tục giả bộ được nữa, Phượng xuýt xoa “Ui, là thầy hả thầy, xin lỗi, em không biết, em tưởng...”.
Thầy Chinh kể chuyện hấp dẫn hơn tất cả các cô thầy khác bởi biệt tài nhại giọng (Phượng không thích cái từ “nhại giọng” này nhưng không biết thay thế bằng gì cho nó đàng hoàng hơn). Một câu chuyện có năm nhân vật thì thầy Chinh có năm thứ giọng khác nhau - giọng quyền uy của vua, giọng hiền lành của hoàng hậu, giọng nũng nịu của công chúa, giọng tinh quái của tì nữ thông minh, giọng the thé của mụ phù thủy... cứ như mình thầy diễn nguyên một vở kịch. Cả tiếng hổ gầm sư tử rống ngựa hí và chuột kêu chít chít.
Mỗi tiết kể chuyện của thầy để lại một câu nói nào đó mà cả lớp nhớ không quên, ngay khi đã quên béng cả câu chuyện. Ví dụ như “gót chân Asin” là yếu điểm của người nào đó, vậy thôi. Chẳng nhớ nổi Asin là một vị thần bách chiến bách thắng. Gót chân Asin của bọn con gái là nói nói cười cười bất kể. Ngồi trong phòng tivi mà ồn ào như giờ ra chơi, quên mất ngoài các bạn câm điếc còn có cô thầy nữa. Thầy Chinh nói “gót chân Asin của con gái chính là cái miệng”. Bọn con trai vỗ tay rầm rầm. Cái miệng con gái mà chỉ bằng gót chân con trai thì quả là...
“Tại sao con khóc?” là câu chuyện cây tre trăm đốt mà ngoài sự nhại giọng thần tình, thầy còn cho cả lớp hình dung quyền phép của Bụt là như thế nào khi chỉ tích tắc nối được một trăm đốt tre liền nhau. Chuyện thầy kể không cho phép đứa nào ngủ gục vì cùng lúc tai nghe tay làm và cái đầu phải biết hình dung. Nào, đây là những mẩu bút chì ngòi, hãy tưởng tượng đó là những đốt tre, các em hãy lắp ráp thật nhanh, trong năm phút thử xem mỗi em ráp được bao nhiêu đốt. Ai nhiều nhất được thưởng kẹo, và ít nhất, thụt dầu bằng số ngòi của đứa ráp được nhiều nhất!
Phượng ít nhất, thụt dầu, nước mắt Phượng chảy dài. “Tại sao con khóc?”, giọng Bụt ấm áp bên tai. Thưa thầy không phải vì em chậm chạp mà vì những cái ngòi cứ bị sút ra sau khi đã gắn xong. À, ra vậy. Thầy xin ngòi bút cũ của mấy đứa nhỏ, cũ quá nên không còn khít khao.

 

Quy định tám giờ ba mươi bắt đầu chuẩn bị đâu đó để chín giờ là yên ngủ. Đối với những đứa con gái đã có dầu gội đầu riêng và xà bông rửa tay riêng thì qui định này thật khó tuân thủ. Những cái miệng thì thà thì thào trong thanh vắng. Cô quản lý tuột dép êm như ru đứng sát cạnh giường lắng nghe.
Tụi nó lớn rồi. Cô quản lý thông báo với các cô thầy khác, cứ như là nếu cô không nói thành lời thì không ai nhìn thấy cái sự lớn lên này vậy. Mà cũng có thể, sự lớn lên khi các em đang còn được bảo bọc che chở nên cũng khó mà nhận ra, nhất là khi thiếu nữ không biết trộm của mẹ bôi tí màu xanh lên mi mắt và chút son đỏ lên môi.
Nhưng màu hồng rực trên hai má thì không cần biết trộm. Màu hồng không mận không đào nào sánh được. Màu hồng không biết soi gương nên mãi mãi tự nhiên một màu hồng của đất trời ban cho. Màu hồng khiến bộ đồng phục trở nên mềm mại, màu hồng khiến nụ cười trở nên chúm chím, màu hồng khiến bước đi trở nên duyên duyên, màu hồng khiến thiếu nữ bỗng nhiên biết hất tóc sau vai và biết vuốt lại nếp áo khi có khách đến thăm trường.
Khách đến thăm rồi đi. Đến rồi đi. Đến rồi đi...
Những câu chuyện kể của thầy Chinh ở lại. Lớn rồi, thầy không kể cổ tích nữa. Thầy kể về những nơi khách đến, những chốn khách đi, những món quà khách đem đến được làm từ đâu. Giọng truyền cảm quá chừng của thầy khiến những món quà thêm hương vị.
Và gì đó như là ngọt ngào...
Phượng thích cầm tay thầy, vẫn vuốt một mạch từ cổ tay đến đầu móng không có gì mắc mứu lại, những khớp ngón cưng cứng vẫn co ưỡn trêu chọc nhưng Phượng không còn giả vờ suy nghĩ rồi bật gọi tên đứa nào nhỏ hơn mình để được cốc thầy một cái nữa. “Em biết rồi, thầy Chinh”- Phượng nói ngay, và nghe tên thầy trên môi mình như giai điệu. Thầy ngồi xuống cạnh Phượng, tay thầy cầm tay Phượng: “Hôm nay em nhiều khách không? Ô, móng tay của em dài quá rồi, coi chừng matxa lỡ đụng trầy da người ta”. Phượng ấp úng: “Dạ tại vì... cái bấm của em bị hư mất rồi”. “Mà chưa có tiền mua cái mới hả? Thầy sẽ tặng em một cái”.
Phượng xỏ sợi dây chuyền bạc qua cái bấm rồi giấu cả dây chuyền lẫn cái mặt đặc biệt đó trong áo. Tối lên giường, theo mỗi nhúc nhích, cái mặt đặc biệt chạy quanh cổ Phượng. Phượng áp nó vào má, màu hồng rực lên như lớp lớp phấn dưới ánh đèn điện khiến cô quản lý phải sờ trán Phượng.

 

Một hôm, mùi bạc hà ngang qua khiến Phượng tò mò “Ai đó?”. Bàn tay chìa ra. Phượng vuốt nhẹ khắp các ngón, một chiếc nhẫn nhỏ xíu ở ngón áp út: “A, thầy Vịnh”. Tiếng cười vui vẻ vang lên: “Lần này em đoán sai rồi”.
Một cái rùng mình rồi toàn thân Phượng cứng đờ. Cái mặt dây chuyền thốn trong ngực. Phượng buông tay thầy ra, ngơ ngác nhơ nhớ... à, thầy Vịnh là mùi phấn hoa kia mà.
Thầy Chinh dịu dàng: “Đang mùa cảm cúm, ai cũng bị nghẹt mũi. Ngày mai thầy sẽ đem cho em một hộp C”.
Phượng muốn nói em không bị cảm cúm, em không cần C. Phượng muốn bắt chước thầy rống lên tiếng gầm sư tử vì cái gì đó trong lòng vừa nổ tung. Nhưng rồi Phượng chỉ chìa tay cầm cái hộp thầy Chinh đưa và lí nhí: “Em cám ơn thầy”.
Cái hộp nức mùi bạc hà. Từ nay thầy Chinh có mùi riêng rồi. Từ nay Phượng không còn cầm tay thầy nữa. Nước mắt Phượng rơi xuống cái hộp, nước mắt không có mùi nên hương bạc hà vẫn nồng nàn xông lên mũi. Giọng thần linh ân cần: “Tại sao con khóc?”.