1989-90. Tôi đi trình diễn ở Đức Quốc, tại một địa điểm chỉ cách xa Berlin khoảng trên 100 km. Bức tường ô nhục đang được dân chúng Berlin phá hủy, sau khi được xây lên và đứng vững trong nửa thế kỷ dể làm bức tường ngăn chia thế giới ra làm hai phe. Chiến tranh lạnh đã thực sự chấm dứt với sự vỡ tan của cái mà Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill đã gọi là tấm màn sắt. Lòng tôi xiết bao mừng rỡ vì thấy rằng khúc quanh của lịch sử đã tới và nghĩ rằng mình đã có thể hoàn tất tổ khúc mang tên Bầy Chim Bỏ Xứ. Bầy chim bỏ nước ra đi đã có thể bay về quê cũ được rồi! Hãy nói về tổ khúc này... Tôi là một nghệ sĩ có may mắn được tham dự và nói lên nhiều biến cố của Việt Nam trong thế kỷ 20, vào những thời điểm như sau: 1) 1945-1951, khi xẩy ra cuộc Cách Mạng và cuộc Kháng Chiến giành độc lập thì tôi tham gia với trên dưới 50 bài ca đủ loại. 2) 1954, khi Hội nghị Geneve chia Việt Nam ra hai miền Quốc-Cộng, tôi phản đối sự chia cắt đó bằng trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN. 3) 1963-65, khi VN trở thành nồi da nấu thịt với cuộc chiến leo thang dữ dội làm cho xã hội bị phân hoá tới cực điểm thì tôi kêu gọi lòng thương yêu và sự xoá bỏ hận thù bằng trường ca MẸ VIÊT NAM. 4) 1975-1990, với biến cố lớn nhất trong đời sống Việt Nam, khi hằng triệu người lũ lượt bỏ nước ra đi thì tôi soạn tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ (và vì có thêm biến cố lớn nhất của thế giới là sự ra đi của một chủ nghĩa mà bây giờ BẦY CHIM đã có cơ hội để HỒI XỨ) Tác phẩm được thai nghén vài tuần trước biến cố 30-4-75 với vài ca khúc rồi định viết thêm tại Florida thì tôi bị bế tắc. Tổ khúc bị bỏ quên trong gần 10 năm rồi được hoàn tất vào năm 1985 tại Midway City-California nhưng chưa được phổ biến ngay. Vào năm 1990, sau khi những biến cố lớn làm thay đổi tình hình thế giới, tổ khúc được tu chỉnh và tung ra công chúng. Nội dung diễn tả một xứ xở mà những con chim ngoan hiền, tươi đẹp, múa giỏi, hát hay phải bỏ xứ ra đi, ở lại trong nước là những bầy chim yếu bị một số chim dữ đàn áp, đoạ đầy, miệt thị. Bầy chim bỏ xứ bay đi sống đời lưu vong tại xứ người, có con buồn rầu thổ huyết chết, có con cấu cổ tự tử vì không còn được múa hát như xưa. Đại diện cho lòng yêu nước là chim Quyên, vốn đã chết một lần ở phía Bắc và bay về phía Nam tái sinh thành chim Quốc, nay phải bỏ xứ ra đi và chết trên gềnh đá nước ngoài. Nhưng nó lại tái sinh một lần nữa (l'oiseau renait de ses cendres) để tiếp tục nung nấu lòng yêu nước như xưa. Rồi có một ngày, những đàn én nhạn bay lên báo tin mừng: Mùa Xuân Nhân Loại đã trở về với sự dâng trào của làn sóng Dân Chủ. Bầy chim bỏ xứ đã có cơ hội để hồi xứ. Lại có thêm những con chim huyền sử như chim Hồng, chim Lạc - vốn là tổ tiên của bầy chim Việt - cũng bay lên từ động Đông Sơn, Ải Chi Lăng, vườn Tao Đàn, bến Bạch Đằng, đồi Yên Thế... kêu gọi bầy chim xa xứ hãy hồi xứ bởi vì lũ chim dữ đã thất bại trong việc làm đẹp nước Việt. Bây giờ là lúc cả chim hiền và chim dữ (tức là Ông Thiện và Ông Ác mà người Việt đã tôn thờ cả hai ở các đình, chùa, miếu, đền nơi thôn ổ) phải xúm nhau lại để tái tạo mùa Xuân dân tộc. Phần đầu của là cơn ác mộng, phần sau là giấc mơ hồng, giấc mơ hồi xứ để xây dựng lại tổ chim (tức là tổ quốc) Việt Nam. Tổ khúc này đưa nhạc Việt lên một trình độ rất cao về nghệ thuật, qua hình thức opéra. Nó có thể được trình diễn với hàng chục diễn viên trang phục các bộ áo lông chim và với một giàn nhạc đại hoà tấu. Nó phản ánh lịch sử đương thời (histoire contemporaine) và là tiếng vang của huyền sử (mythologie). Nó cần được phổ biến để giáo dục "nhị thế" (deuxième génération) người Việt, vốn là những thanh niên thiếu nữ Âu học, không chấp nhận các loại nhạc thương mại đang được phổ biến trong các cộng đồng Việt Nam và cần được giới thiệu với người Âu Mỹ. Hình Thức và Nội Dung Về hình thức, nếu như tính chất của CON ĐƯỜNG CÁI QUAN là tả thực (réaliste), của MẸ VIỄT NAM là tượng trưng (symbolique) thì BẦY CHIM BỎ XỨ mang tính chất ẩn dụ (allégorique). Về nội dung, tổ khúc đưa ra một xứ sở, vì hoàn cảnh đặc biệt, một bầy chim phải cất cánh bay đi. Trong đời sống xa xứ, có con thổ huyết chết, có con cấu cổ chết, có con chết trên sông, trên biển, trên núi, trên rừng hay trên những thành phố xa lạ, trong bão mưa, trong tuyết đổ... Có con buồn tủi nên không nhẩy múa, không hót ca như xưa nữa... Nhưng trong đám chim chết, có con chim đã tái sinh trên xác tro của mình - như người Pháp nói: ''l'oiseau renait de ses cendres'' - chẳng khác chi con chim Quyên của huyền thoại Việt Nam hay con chim phoenix của huyền thoại Ai Cập. Thế rồi một ngày kia, đàn én, đàn nhạn bay lên báo tin mừng là mùa Xuân nhân loại đã trở về. Rồi những con chim huyền sử của Việt Nam như chim Hồng, chim Lạc, chim Hùng, chim Việt bay lên từ động Đông Sơn, từ cánh đồng Phù Đổng, từ huyện Mê Linh, từ Hoa Lư, từ Bạch Đằng Giang, từ Chi Lăng, Yên Thế... kêu gọi đàn chim xa xứ bay về làm lại mùa Xuân dân tộc trên quê hương yêu qúy. Tổ Khúc được soạn gần giống như một thứ nhã ca (cantate) hay một tiểu ca vũ kịch (mini-opera)... Nhạc nhiều hơn lời... Nhạc mô phỏng chim bay, chim hót ca hay khóc than... Lời ca hoàn toàn là ca dao, phong dao, đồng dao, châm ngôn, sấm truyền... Mỗi đoạn đều có những câu thơ giáo đầu giống như trong các vở ca kịch cổ truyền Việt Nam là TUỒNG, CHÈO. BẦY CHIM BỎ XỨ, nhạc và lời của Phạm Duy, được Duy Cường hoà âm phối khí và được hai giọng ca Kim Tước và Vũ Anh hát lên. Mở đầu là cảnh một xứ sở đang vui trong nắng Xuân thì bỗng đâu mây đen kéo tới và có một bầy chim gọi nhau bay đi: 1.- Bầy Chim Buồn Bã 2.- Chim Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài Trời đang rực rỡ Chợt đâu kéo mây đen, Bầy chim buồn bã Rủ nhau vút bay lên. Chim hỡi chim ơi! Chim hỡi chim ơi! Trong đoàn chim đó có con chim Quyên, vai chính của tổ khúc: Cuốc kêu khắc khoải trên ngàn Chim quyên thảm thiết gọi đàn chim đi... Chim Quyên nhớ lại sự tích của mình: Chim Quyên từ độ ở quê nhà Chim là hồn Thục Đế nghìn xưa. Lìa cố hương nhục nhằn nơi xứ Bắc, Hồn tìm về đậu chót cành Nam. Hồn hóa sinh ra thành con chim Quốc, Hồn hóa thân là họ Đỗ chim Quyên. Đỗ Vũ không ngừng kêu mất nước, Khuyên đời bằng một khúc dao ca Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Trong một mùa Xuân đang êm vui thì... Chim Quyên từ độ ở Thôn Đoài Trong mùa Xuân nức nở tình dài Thì nước non tới một thời biến đổi Bình minh mà mờ ảo ánh sao rơi. Toả cánh diều đưa nắng vào đêm tối Cánh nặng chim bằng đè xuống tim tôi! Chim Quyên phải ra đi rồi thổ huyết chết nơi quê người... Chim Quyên phải từ bỏ quê mình Bay về miền tuyết phủ buồn tênh. Thổ máu tươi, một đêm chim chết Nhưng chim Quyên - như hồn Thục Đế thuở xưa - lại tái sinh lần nữa... Chết khi đêm về, xác chưa tan, thì... ...Tái sinh thành lần nữa Đỗ Quyên. Đỗ Quyên! Đỗ Quyên! Nơi mùa Đông vắng lạnh, Kêu gào: Ôi Tổ Quốc linh thiêng! Vẫn tái sinh thành chim khóc nước, Cho dù phải gục chết như xưa. Nhớ nước nên gào lên quốc quốc Khắc khoải lòng người sống lưu vong. Bầy chim buồn bã Rủ nhau trốn quê hương. Vì đâu bỏ xứ Để lê kiếp tha phương? Chim hỡi chim ơi! Chim hỡi chim ơi! Chim Quyên từ độ bỏ thôn Trầu, Quê nhà tôi ruộng trắng quạ kêu. Là vắng tanh lời yêu, lời thương mến, Là bầy diều sai khiến lũ kên kên Bầy ác bầy ưng nạt nộ chim hiền, Thành lũ thần nanh đỏ mỏ chuyên quyền. Chim Quyên từ độ bỏ đi rồi, Quê nhà tôi héo hắt đìu hiu, Nghe bình minh lơ láo vẹt kêu, Đêm sập về lôi cú vọ theo. Hai đoản khúc đầu tiên của tổ khúc đã đưa ra chính đề là chim hiền và phản đề là chim dữ. Đưa ra số phận của vai chính là CON CHIM QUYÊN, đại diện cho lòng ái quốc, phải chết đi, sống lại như vậy... Còn số phận của những con chim đại diện cho tuổi thơ, như chim chích choè, chim chào mào... thì ra sao? 3.- Bầy Chim Nhỏ Bé 4.- Con Chích Choè, Con Chào Mào 5.- Chim Bay Từ Đồng Lúa Phương Nam Bầy chim nhỏ bé, nào đâu khác chim Quyên? Loài ưng loài ó, nào dung lũ chim non? Chim lớn hung hăng sai áp chim con Chim dữ gieo oan gieo oán chim ngoan. Con chim sáo sậu ăn cơm nhà cậu Uống nước nhà cô, đánh vỡ bát ngô, cậu cô bắt đền. Con chích choè mày đậu cành chanh Thì tao ném, tao nèm hòn sành, Con chích choè lộn cổ xuống đây! Con chích choè mày ở trên cây Tao đứng dưới gốc, Đứng dưới gốc, mày bay đằng nào? Con chào mào mày đậu cành lau Thì tao chém, tao chém vào đầu, Con chào mào sứt trán trụi lông! Chim hãi hùng vùn vụt bay tung Xa lánh đất nước, Chim xáo xác giã từ quê hương! Số phận của con bồ câu, của giới tu hành, cũng vậy thôi: Chân tu như chú bồ câu Mà sao nên nỗi áo nâu đeo xiềng. Thế là bầy chim đã vượt biển bay đi, bất chấp những hiểm nguy... Con chích choè vượt biển về đâu? Rồi chim hót, chim hót giọng sầu, Chim chúc đầu vào biển sóng nâu. Con chích choè chìm vào đêm sâu, Vẫn cất tiếng hót, Cất tiếng hót gọi tôi rầu rầu. Con chào mào đậu ở rừng thông Học câu hót, câu hót lạ lùng, Con chào mào liú lưỡi ngọng câm! Chim hãi hùng cuộc đời mênh mông, Nhưng vẫn vỗ cánh, Chim nhớn nhác bay về muôn phương. Qua lời lẽ của một câu ca dao Huế, đây là lời than vãn chung: Chim bay từ đồng lúa phương Nam, Chim vượt trùng về lũng phương Tây Chim xa bầy thương cây nhớ cội Người xa người, tội lắm chim ơi! Ôi người xa người, tội lắm ai ơi! Tội lắm ai ơi! Tội lắm chim ơi! Tội lắm tôi ơi! Bây giờ tới số phận của con chim Phượng, con chim Hoàng Khuyên, đại diện cho giới trí thức trong đời sống lưu vong: 6.- Một Đôi Phượng Quý 7.- Trên Cành Vàng, Con Hoàng Khuyên Một đôi phượng quý Than ôi! Xù lông dưới mưa Đông Nhìn công thèm múa Ơi ơ, rồi chim xuống ven sông. Mưa vẫn lâm dâm, Chim đứng căm căm Khi tuyết rơi tung Chim chết trên sông. Tuyết rơi lả tả là tà Như chim lạc tổ như ma lạc mồ. Trên cành vàng trơ trụi nơi xứ tuyết, Con hoàng khuyên lên giọng hát nao nao. Mây vẫn trôi cao, trời vẫn xanh xao, Chim vẫn nâng niu giọng hót yêu kiều. Mây trời này, mây trời không tím ngát, Con hoàng khuyên không ngừng hát chiêm bao Mây vẫn trôi mau, trời vẫn thâm sâu, Ai có nghe đâu giọng hót chim đau. Con hoàng khuyên ngưng giọng ca tiếc nuối, Trên đầu non, chim tưởng tới khi xưa Khi lũ chim ri gọi nó bay đi. Theo cuốc, theo gia, bỏ xứ đi xa. Nay hoàng khuyên không còn ai nghe hót! Chim khổ đau, cấu cổ chết không hay Ta đứng đâu đây, đàn mốc trên tay Nghe đất lung lay, đàn đứt tung dây. Bao nhiêu chết chóc, khổ đau đã được diễn tả qua đoạn đầu của tổ khúc... Nhưng trong khi bầy chim đang sống trong cảnh buồn bã thì có đàn nhạn, đàn én - vốn là loài chim chuyên môn đưa tin vui - bay tới để an ủi lũ chim buồn. Nhạc từ đây trở đi sẽ vui hơn trước. 8.- Bầy Chim Hoài Xứ 9.- Én Bay Thấp, Én Bay Cao 10.- Bầy Chim Một Nhà Bầy chim hoài xứ Còn u uất trong hang. Thì nghe bầy én Nhạn xanh tới hân hoan! Trong phút cô đơn Nghe én ca vang Chim nén đau thương Trong trái tim đen. Én nhạn bảo với bầy chim bỏ xứ rằng: Chim nào còn nhớ gốc đa thì hãy bay về nước đi... Còn nếu tự thấy mình vốn là bầy chim của một góc trời nhỏ hẹp, nay được bay đi khắp muôn phương thì phải chung vui với thế giới chứ? À, én nhạn hiểu rồi! Bầy chim lưu vong buồn bã là vì xưa rày chim sống rất là chia rẽ. Vậy, xin nhắc lại cho bầy chim lẻ loi nghe một bài ca dao Việt Nam nói về tình gia đình của loài chim: Nhạn xanh chắp cánh bay chuyền Én xanh ríu rít đưa tin tháng ngày Én bay thấp, nên mưa ngập bờ ao Én bay cao nên mưa rào lại tạnh Én hay nhạn thương cho bạn tỉnh mê. Bạn tình xa nếu nhớ gốc đa bộn bề Không cần được bay khắp cõi thế gian thì về. Bầy chim một góc khung trời Được bay về bốn phương đời Chim đã yêu mình, nên nhớ yêu người Từ kiếp đơn côi vào đám đông vui Thì tôi nào có lẻ loi. Én bay thấp, nên không sợ diều hâu Én bay cao, không khi nào gặp nạn. Én thương bạn trong ly loạn, hoài hương Bạn buồn thương có lẽ vấn vương tình nhà Nên kể bạn nghe gốc tích lũ chim hiền hoà. Én kể cho nghe... Nhạn kể cho nghe... Bồ các là bác, ý a chim ri, Chim ri là dì là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu, là cậu sáo đen Sáo đen là em ý a tu hú. Tu hú là chú, là chú hoàng oanh, Hoàng oanh lấy anh của chim bói cá. Bói cá là mạ, là mạ bồ nông, Bồ nông là ông ý a con cò. Buồn cho con yểng là yểng nhát gan, Thấy mầu đỏ chót là toan giết mình. Phục cho chèo bẻo rất ư hùng anh, Hễ mà thấy quạ, nó rình đánh ngay Câu ca dao hiện đại hoá vừa rồi đưa ra tính tình của vài con chim Việt Nam: chim yểng rất sợ mầu đỏ, chim chèo bẻo tuy bé nhỏ nhưng thích đánh nhau với quạ, lớn hơn mình... Câu ca dao mới sau đây nói tới những con chim ở trong nước không chịu ca hát nữa, qua sự kiện danh ca Thái Thanh im tiếng hát trong mười năm. Và CON CHIM THANH chỉ hát lại sau khi ra tới nước ngoài... 11.- Lên Rừng Ba Mươi Sáu Thứ Chim Con công tố hộ trên rừng Chim trời cá nước vẫy vùng dọc ngang. Tiếng chim qúy báu vô chừng Con công tố hộ trên rừng, mặc công. Lên rừng già ba mươi sáu ơ... chim loài chim. Có con chim chèo bẻo Có con chim anh hùng Quan họ rằng, tôi hiểu rằng Chim chèo bẻo đánh, đánh chim đen. Nơi rừng nhà ba mươi sáu ơ... chim loài chim. Có con chim ở lại, Có con chim đi rồi, Quan họ rằng, tôi hiểu rằng Chim ở lại quyết, quyết không thua. Chim thuở nào chim đã hót ơ... tiếng chim vượt thời gian. Hát cho, cho cuộc sống Hát cho, cho cuộc tình Quan họ rằng, tôi hiểu rằng Rằng chim hót tiếng chim Thanh! Chim ở nhà, chim không hót ơ... chim nhất định lặng thinh. Dẫu cho chim thèm khóc Dẫu cho chim thèm cười Quan họ rằng, tôi hiểu rằng Chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh Bây giờ là một tin vui nhất thế kỷ mà đàn chim én, nhạn đem tới cho bầy chim Việt xa xứ: Tình hình thế giới đã đổi thay với làn sóng dân chủ đang dâng lên khắp mọi nơi. Hình ảnh ngày về đã mở ra cho bầy chim bỏ xứ: 12.- Bầy Chim Nghìn Xứ 13.- Én Bay Dọc, Én Bay Ngang 14.- Bầy Chim Một Tổ Nhạn xanh và én thì đưa những tin êm Bầy chim nghìn xứ còn đưa những tin thêm Trên khắp dương gian Xuân đã vươn lên Nên chốn quê hương Xuân cũng mon men... Nhạn kia ríu rít trời xanh Én kia chắp cánh bay quanh địa cầu Én bay thấp, nhưng bay dọc biển sâu Én bay cao, bay ngang nhiều lục địa. Én hay nhạn, cho hay lạnh mùa thu, Lạnh mùa đông đã tới lúc phai và tàn. Trong trời tự do đã có lũ chim bạt ngàn. Bầy chim được lúc tung hoành Tường ô nhục đã tan tành Xuân tới khi màn tre nhốt chim lành... ...Màn sắt ô danh, đều đã rung rinh Tự Do là tiếng loài chim. Én bay thấp, nên nghe được lòng dân Én bay cao, nên trông vào thời vận. Én kêu gọi, bao chim bạn cùng nghe. Một trời xuân đã bát ngát trên đường về! Tôi hiểu loài chim đã hót tiếng Xuân chàn chề. Én kể cho nghe... Nhạn kể cho nghe... Tổ khúc mở đầu với một cơn ác mộng, tới đây tiếp tục với một giấc mơ hồng... Tình nghĩa là lứa ý a chim uyên, Lên tiên thì tìm, thì tìm cánh hạc. Tấu nhạc là phượng, là phượng xuống non, Nắng lên đầu non, véo von kim tước. Tha thướt, tha thướt là dáng thiên nga, Còn nuôi giấc mơ là chim gõ mõ. Sóng gió, sóng gió là bầy hải âu, Gọi nhau, gọi nhau, cháu con chim Rồng. Bìm bịp dựa nước, dựa nước nhoi ra Yến ơi! Khạc máu chẳng qua tin người. Giẻ cùi tốt mã, tốt mã dài hơi Ăn gian, uống bẩn ai nuôi làm gì? Thế rồi, những con chim huyền sử của Việt Nam như Chim Hồng, Chim Lạc.. bay lên từ động Đông Sơn, từ cánh đồng Phù Đổng, từ huyện Mê Linh, từ Hoa Lư, từ Bạch Đằng Giang, từ Chi Lăng, Yên Thế... kêu gọi đàn chim xa xứ bay về làm lại mùa Xuân dân tộc trên quê hương yêu qúy. (Tôi cố gắng đưa vào đoạn này tiếng tù và, tiếng trống đồng làm nền nhạc cho một điệu múa trống): 15.- Bầy Chim Tỉnh Giấc 16.- Bầy Chim Huyền Sử Bầy chim tỉnh giấc cùng nghe tiếng thiêng liêng, Từ nơi huyền bí, nổi lên tiếng chim Tiên. Chim đã vươn lên như gió thiên niên Tôi đã nghe vang cơn bão không gian. Trứng rồng lại nở ra rồng Liu điu lại nở ra dòng liu điu. Trứng rồng lại nở ra rồng Chim tiên lại đẻ ra dòng chim tiên. Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc! Hỡi những cánh chim huyền sử xa vời. Những cánh chim là NGƯỜI cho THIÊN và ĐỊA chung vui. Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc! Hỡi những cánh chim của Tiên với Rồng. Những cánh chim ẩn ngữ Đông Sơn, hoàn mỹ âm dương. Những cánh chim dẫn đường đưa lối, Những cánh chim sinh tử không rời. Vỗ cánh theo Cha về miền suôi, Vỗ cánh bay theo Mẹ lên núi. Những cánh chim bay từ Mê linh, Bát ngát trời Phù Đổng oai linh. Những cánh chim khơi động Hoa Lư Những cánh chim Lê, Lý, Trần xưa! Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Việt! Hỡi những cánh chim huyền sử mơ mòng Những cánh chim lịch sử oai phong, bảo vệ non sông Lặng nghe đây con chim Hùng, đây con chim Việt! Hỡi những cánh chim mở hội Diên Hồng Những cánh chim Hồng Đức hân hoan, mở cõi giang sơn. Những cánh chim trên Bạch Đằng Giang, Những cánh chim vui cảnh Tao Đàn. Lướt gió bay qua miền Chi Lăng, Hót liú lo trên đồi Yên Thế Những cánh chim nối lòng nhân dân Khiến ó, ưng và diều hung hăng Muốn đắp xây uy quyền độc tôn Đã thấy bơ vơ giữa loài chim. Vào những ngày cuối của thế kỷ này, thế giới đã đổi thay, Việt Nam rồi cũng phải thay đổi. Giang sơn không thể là riêng rẽ của một lũ chim nào cả, mà phải là chốn vui chung. Đã tới lúc những con chim bỏ xứ đã có thể làm công việc hồi xứ. Để xây dựng lại Việt Nam, cần có chim hiền để xây đắp tình thương thì cũng cần có chim dữ để gìn giữ biên cương... Cũng như hai tác phẩm trước là CON ĐƯỜNG CÁI QUAN và MẸ VIÊT NAM... tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ (và HỒI XỨ) cũng xưng tụng một nước Việt Nam đoàn kết và thống nhất trong tinh thần đa nguyên và dân chủ. Tổ khúc kết thúc với hình ảnh già trẻ ôm nhau khâu vá lại nước Việt Nam. 17.- Bầy Chim Hồi Xứ 18.- Chim Quyên Về Đậu Ở Thôn Đoài Vì hung tợn quá Và không biết yêu thương Diều hâu bạo dữ Mời đi giữ biên cương! Cho cánh chim ngoan Xây đắp quê hương Câu hót hân hoan Cho mãi xuân sang. Vũ đi thì Vũ lại về Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan Đầu cha lấy làm thân con Mười lăm năm tròn hết số thời thôi! Chim đi rồi một buổi chim về Cho Tình Yêu nở khắp miền quê. Vì đã không làm nên mùa Xuân thắm Thì một ngày chim dữ cũng lui chân Để thấy giang sơn là không riêng rẽ Của lũ chim nào, là chốn vui chung. Cất tiếng vang lừng trong gió mới Trong tình nồng nhiệt lũ chim ơi! Giữ nước, cao giọng con quốc quốc, Canh nhà, rền rĩ tiếng gia gia Chim vui về họp ở khu rừng, Chim hồi sinh réo bạn tưng bừng Từ Bắc Quang, Bắc Mục về núi Tản Hội chim còn dài, biết mấy Thu Đông. Điệu vũ loài công, tiếng hùng chim núi, Chim biển vẫy vùng, bầy én mông lung. Chim Xuân về lượn rợp cánh đồng Bên bờ sông, cá lội chờ mong... (Đằm thắm, đôi bồ câu bú mớm Khói lên mơ màng, mái tranh êm đềm) Ngắm chim về sưởi ấm nóc rơm Ấm nóc rơm... Ấm nóc rơm... Nơi vườn thơm, nắng rọi, Kết bầy, chim ủ ấp quê hương. Vỗ cánh chim chiều vang lớp sóng Như lòng của một kiếp ca nhân. Nước hỡi, thương loài chim lắm chứ! Ơi nhà, dìu dặt hắn du ca. Bầy chim hồi xứ về quê cũ yêu thương Dựng xong mùa mới rồi chim sẽ bay tung Bay khắp dương gian trong nỗi vui chung Ra tít không gian thăm cõi mông lung. Chim Quyên về đậu ở Thôn Đoài Trong phận mình ở cõi tử sinh Buồn với vui bằng tâm hồn chân chính Bầu trời này hay thế giới mông mênh Thì cũng chỉ ca một bản Xuân Tình — chốn trần gian hoặc ở vô hình. Chim ngoan về đậu ngọn tre già Ta và chim khâu vá đời sau Chim và ta âu yếm gọi nhau, Ta còn nhiều phen hát tình yêu. Khởi soạn 1975 Hoàn tất 1985 Bổ xung và thu thanh 1990 Cùng với đĩa CD và sách nhạc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới và khi qua Âu Châu thì tôi có được sự giúp đỡ rất tận tình của một người bạn mới. Một ngàn đời sau, tôi vẫn không quên ơn người phụ nữ trong sáng, nhiệt thành và đại lượng này. Tôi mới chỉ kịp mời bà vào ngự trị trong một tập nhạc của tôi, vào lúc mà một cuốn sách mùa Xuân phải đóng lại... một cơn gió Xuân đã ngừng thổi... một giọt mưa Xuân đã ngưng rơi... và một con bướm mùa Xuân đã không còn hoa để hút nhụy, bay đi... Tôi là tôi, tôi cũng là em Em là tôi, em cũng là anh Là Xuân con bướm hút nhụy xuân tình Là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ Là ý thơ nồng trang giấy xuân thư...