Torokko
Chiếc xe goòng
Lời người dịch

     ên cạnh những tác phẩm nổi tiếng viết dựa trên những đề tài lấy từ kho tàng văn hóa cổ điển và lịch sử, Akutagawa còn để lại một cụm tác phẩm xây dựng trên đời sống hiện thực. Chiếc xe goòng nằm trong cụm tác phẩm ấy và được Inoue Yasushi (1907–1991), một nhà văn lớn của Nhật Bản chọn làm một trong mười kiệt tác của Akutagawa.

*

Công trình đặt con đường sắt tạm thời nối Odawara[1] với Atami[2] được bắt đầu khi Ryohei lên tám. Ngày nào Ryohei cũng ra ngoài bìa làng xem cảnh đặt đường - nói là đặt đường nhưng đó chỉ là việc chở đất bằng xe goòng - thế mà Ryohei lại thấy hay, hôm nào cũng đi.
Hai người phu đứng ở phía sau xe goòng chở đầy đất. Chiếc xe goòng chạy từ trên đồi xuống chẳng cần ai đẩy. Chiếc xe lao nhanh chao qua chao lại, vạt áo khoác hanten[3] của người phu phần phật, con đường ray hẹp vẹo xuống - Ryohei lặng ngắm quang cảnh ấy, trong lòng muốn thành người phu, hay ít ra cũng được đứng chung một lần với người phu trên xe. Xe goòng chạy tới vùng đất bằng phẳng ở bìa làng thì tự nhiên ngừng hẳn. Những người phu nhanh nhẹn nhảy xuống, đổ ào đất xuống ngay cuối con đường sắt. Xong, lại đẩy xe lên đồi. Ryohei nghĩ dù không được leo lên xe, nhưng nếu được đẩy xe thì cũng đủ mãn nguyện
Một buổi chiều - khoảng đầu tháng Hai, Ryohei cùng với đứa em nhỏ hơn mình hai tuổi và đứa nhỏ ở nhà bên cùng tuổi với đứa em, ra ngoài bìa làng chỗ bãi xe đậu. Mấy chiếc xe goòng dính đầy bùn, nằm xếp hàng trong ánh sáng mờ nhạt. Nhưng nhìn quanh không thấy bóng dáng người phu nào cả, ba đứa bé lén lại gần, hồi hộp đẩy chiếc xe goòng chót ngoài bìa. Khi ba đứa ùa nhau ra sức đẩy, thì đánh rột, xe goòng bỗng lăn bánh. Tiếng rột đầu tiên làm Ryohei lạnh toát người. Nhưng tiếng thứ hai không còn làm nó hoảng hốt nữa. Rột, rột - dưới sức đẩy của ba đứa bé, xe goòng từ từ chuyển bánh ngược đường ray.
Đẩy xe được khoảng hai mươi thước thì đường ray bỗng lên dốc gấp. Ba đứa dù cố hết sức đẩy cũng không làm sao nhúc nhích được chiếc xe. Có lúc ba đứa và chiếc xe còn bị đẩy ngược lại. Ryohei nghĩ như thế là đủ, liền ra hiệu cho hai đứa nhỏ:
- Nè, leo lên mau.
Ba đứa cùng ngừng đẩy, nhảy ngay lên xe. Chiếc xe ban đầu chạy từ từ, nhưng mỗi lúc một bắt trớn, lao nhanh xuống dốc. Tức khắc, quang cảnh trước mặt Ryohei vùn vụt dang ra hai bên. Gió chiều tạt vào mặt mát, chiếc xe goòng dồng, lắc mạnh duới chân Ryohei - Ryohei thấy sướng ngất người.
Nhưng chỉ hai ba phút sau thì xe goòng ngừng lại ở điểm cuối.
- Nè, đẩy thêm một lần nữa nghen.
Ryohei và hai đứa nhỏ định đẩy xe goòng đi, nhưng chiếc xe chưa kịp lăn bánh thì ba đứa đột nhiên nghe có tiếng chân ai phía sau lưng, rồi bỗng có thêm tiếng quát giận dữ:
- Ê đồ quỷ sứ, ai cho tụi bay động tới xe đó.
Khi nhận ra dạng người phu to lớn mặc chiếc áo khoác hanten cũ, đầu đội nón rạ trái mùa, đứng ở phía đằng kia, thì Ryohei và hai đứa nhỏ liền bỏ chạy khoảng mươi thước.
Từ dạo đó, đi công việc về, dù thấy mấy chiếc xe goòng ở chỗ làm đường vắng vẻ ấy, Ryohei cũng không còn dám nghĩ đến việc leo trèo lên xe nữa. Hình ảnh người phu hôm ấy tưởng chừng như đã hằn sâu vào trí nhớ của Ryohei - chiếc mũ rạ màu vàng lờ mờ trong ánh sáng đã nhạt - nhưng ngay cả cái hình ảnh ấy, mỗi năm như một phai dần.
Mươi ngày sau, một hôm vào khoảng xế trưa, Ryohei một mình lại lảng vảng ra chỗ đặt đường xem mấy chiếc xe goòng đến đổ đất. Ngoài các xe chở đất, lần này Ryohei thấy một chiếc xe goòng chở toàn những cây đà lót đường ray đang được hai người phu xe hãy còn trẻ, đẩy trên đường rộng hơn, chắc sau này sẽ trở thành đường ray chính. Chỉ mới thấy họ, Ryohei đã thấy dễ làm quen, “Có lẽ mình sẽ không bị hai người này la”. Nghĩ vậy, Ryohei chạy nhanh đến bên cạnh chiếc xe goòng.
- Hai chú, cho tui đẩy với!
Một trong hai người phu, mặc áo rằn, vẫn cúi gầm người đẩy xe, trả lời dễ dãi đúng như Ryohei đã đoán:
- Ờ, mày đẩy đi.
Ryohei liền chen vào giữa hai người phu, ra sức đẩy.
- Mày nhỏ mà mạnh quá hả!
Người phu khác - bên mép tai có vắt điếu thuốc quấn tay, khen Ryohei.
Được một lúc, đường ray bớt dốc, xe đẩy nhẹ hẳn ra. Ryohei thấp thỏm lo sẽ bị người phu bảo “Thôi khỏi cần đẩy nữa”. Song, hai người phu trẻ chẳng ai nói rằng, thẳng lưng lên tiếp tục đẩy. Ryohei không nhịn nổi, lo lắng hỏi:
- Đẩy được đến bao lâu nữa?
- Mày muốn đẩy đến chừng nào cũng được.
Hai người phu trẻ cùng trả lời một lượt. Ryohei nghĩ trong bụng: “Hai người này hiền thật!”
Đẩy thêm năm, sáu trăm thước thì con đường ray lại lên dốc gấp. Chỗ này hai bên toàn là vườn trồng quýt, biết bao nhiêu quýt vàng ửng đang hứng nắng.
“Đẩy xe lên dốc vẫn hay hơn, người ta cho mình đẩy hoài mà” - Ryohei miên man nghĩ vừa hết sức đẩy chiếc xe goòng.
Đến giữa vườn quýt, đường ray bỗng xuống dốc, người phu mặc áo rằn giục Ryohei: “Leo lên mau”. Ryohei phóc lên xe. Ba người vừa đứng gọn trên xe thì chiếc xe goòng dong xuống dốc giữa mùi thơm của vườn quýt. “Đẩy xe không sướng bằng được đứng trên xe.” - Ryohei để mặc cho gió thổi căng chiếc áo khoác haori[4], trong đầu nghĩ về chuyện đương nhiên ấy. “Lần đi càng đẩy thì lần về càng được đứng trên xe” - Ryohei nghĩ thêm.
Đến khoảng khu rừng có những lùm tre thì xe chạy chậm lại rồi ngừng hẳn. Như những lần trước, ba người lại xuống đẩy chiếc xe goòng nặng trịch. Qua khỏi những lùm tre, ở đây toàn là cây rừng. Dưới chân, đây đó lá rụng đầy, che lấp cả mặt con đường sắt bị sét ăn đỏ. Lên hết con dốc cao thì bên kia vực thẳm, mặt biển lạnh hiện ra lờ mờ, mênh mông. Đấy cũng là lúc Ryohei ý thức rõ nó đã đi quá xa.
Ba người lại lên xe. Chiếc xe goòng chạy dưới những tàn cây trong khu rừng, dọc theo biển trải ra phía bên phải. Nhưng Ryohei giờ đây hết thấy thích thú. Nó miên man nghĩ: “Thôi, về thì hơn”. Dĩ nhiên Ryohei cũng biết, phải đến nơi định tới thì xe và người mới có thể quành về.
Chiếc xe dừng lại lần thứ hai nơi quán nước có mái lợp bằng rạ, trước vách núi mới xẻ. Hai người phu vào trong quán, thong thả ngồi uống trà với bà hàng quán. Bà đang cõng một đứa nhỏ chưa bỏ bú. Còn lại một mình, Ryohei bực dọc, loay hoay xoay quanh ngắm chiếc xe. Chiếc xe goòng với thân thùng chắc nịch, bùn bắn đầy, khô quánh.
Một lúc sau, hai người phu xe từ trong quán ra. Người phu có điếu thuốc vắt mép tai (lúc này không còn thấy điếu thuốc đâu nữa) đến chỗ Ryohei đang đứng đợi bên cạnh chiếc xe goòng, đưa cho Ryohei một cái bánh gói trong giấy báo. Ryohei lạnh nhạt: “Cảm ơn”, nhưng sau đó hắn nghĩ lại, nói như vậy không được lễ phép, Ryohei bèn bóc bánh ra ăn một miếng. Cái bánh ẩm giấy báo, hôi mùi dầu.
Ba người lại tiếp tục đẩy xe, leo con dốc thoải. Ryohei, tay đẩy nhưng lòng nghĩ chuyện khác.
Khi xuống hết con dốc phía bên kia đồi thì lại thấy một quán nước giống hệt như cái quán trước. Đợi cho hai người phu vào trong quán, Ryohei ngồi lên bục xe, chỉ tính chuyện đi về. Nắng chiếu từ phía tây sắp lịm hẳn trên những đóa hoa mơ nở trước quán. “Trời tối mất!” - Ryohei nghĩ vậy, không thể ngồi yên, chốc chốc lấy chân đá cái bánh xe goòng, hoặc ra tay đẩy thử chiếc xe mặc dù biết một mình không thể đẩy nổi - Ryohei làm vậy chỉ để khuây khỏa.
Hai người phu trong quán ra, đặt tay lên mấy cây đà lót đường rầy, hững hờ nói với Ryohei:
- Mày về đi, hôm nay tụi tao ngủ lại đằng này.
- Mày mà về muộn thì nhà mày lo đó.
Ryohei bất giác ngẩn người ra. Trời đã bắt đầu tối, cuối năm ngoái Ryohei có theo mẹ đi đến tận làng Iwamura rồi về, nhưng lần này đường xa gấp ba bốn lần năm ngoái, mà bây giờ phải về một mình suốt cả con đường này. Ryohei bỗng hiểu ra mọi sự. Nó suýt bật khóc. Nhưng nó nghĩ khóc cũng chẳng ích gì, và cũng không phải là lúc để khóc. Ryohei khúm núm cúi đầu chào hai người phu, rồi nương theo con đường ray mà chạy.
Ryohei cắm đầu chạy một lúc lâu dọc theo đường ray, bỗng nó cảm thấy gói bánh trong áo lấn cấn khó chịu, liền móc ra liệng bên đường. Cùng lúc ấy, nó hất bỏ luôn đôi dép itazori[5]. Chân nó chỉ còn lại có mỗi một lớp tabi mỏng. Lòng bàn chân nó bị những viên đá nhỏ đâm thẳng vào đau, nhưng nó thấy hai chân nhẹ hẳn ra. Rồi nó cảm được biển nằm phía bên tay trái, nhưng cứ một mực chạy vút nhanh lên con dốc cao. Chốc chốc nước mắt cứ muốn ứa lên làm nó phải nhăn mặt. Ryohei cố nhịn khóc, nhưng cứ phải hít mũi sụt sịt.
Chạy qua khỏi khu rừng tre, thì ráng chiều ửng trên nền trời bên triền núi Higane sắp tắt hẳn. Ryohei càng quýnh lên. Quang cảnh lúc về bây giờ trông khác hẳn lúc đi, càng làm cho nó lo. Ryohei thấy khó chịu với cả chiếc áo khoác ngoài đã ướt đẫm mồ hôi. Để cố chạy cho nhanh, nó cởi vất luôn chiếc áo khoác bên đường.
Chạy đến vườn quýt thì xung quanh trời càng tối. “Chỉ cần còn sống…” dù có bị trợt, bị vấp, Ryohei cũng không màng, chỉ một mực cắm đầu chạy.
Khi Ryohei thấy được cái bãi xe goòng ngoài bìa làng hiện ra ở đằng xa trong bóng tối, thì nó muốn khóc òa lên. Mặt thì như dở khóc, nhưng nó dằn lại được, cứ cắm cổ chạy.
Vào đến trong làng, hai bên đường mọi nhà đã lên đèn. Trong ánh sáng lù mù, Ryohei thấy rõ hơi mồ hôi trên đầu nó bốc khói. Mấy người đàn bà đang đứng bên giếng múc nước, mấy người đàn ông đi làm vườn về, ai thấy Ryohei hồng hộc chạy, đều cất tiếng hỏi: “Có chuyện gì vậy mày?” Nhưng nó vẫn nín thinh, một mực cắm đầu chạy, băng qua nào tiệm bán tạp hóa, tiệm hớt tóc rồi những căn nhà có đèn sáng.
Khi chạy lọt vào trong cổng nhà thì Ryohei không còn nhịn được nữa, nó òa lên khóc tức tưởi. Nghe tiếng khóc của Ryohei, bố mẹ nó xúm lại. Nhất là mẹ nó, bà ôm chặt lấy nó vào lòng, nói dỗ dành gì đó. Nhưng, Ryohei tay chân cứ vùng vẫy, khóc rống lên. Tiếng khóc, hét dữ dội của Ryohei kéo ba bốn bà hàng xóm tụ tập trước cái cổng tối mờ. Bố mẹ nó và cả các bà hàng xóm ai cũng cố gạn hỏi sao nó khóc. Nhưng càng bị gạn hỏi, nó càng khóc ré lên. Cứ nhớ lại quãng đường xa mới chạy về, bao nhiêu nỗi lo sợ còn lại cho đến giây phút này, thì dù có khóc lớn cho đến mấy nó cũng không thấy hả dạ…
Năm hai mươi sáu tuổi, Ryohei cùng vợ con lên Tokyo ở. Giờ này Ryohei đang cầm bút son ngồi sửa bản thảo trên lầu hai của một nhà xuất bản tạp chí. Có gì đâu, thế mà có lúc hắn nhớ lại hắn ở cái ngày xa xưa ấy. Chẳng có lý do gì cả? Ryohei mệt mỏi, rã rời, trước mặt hắn bây giờ thì ra, cũng giống như cái thủa ngày xưa ấy, vẫn con đường mòn hẹp với những lùm cây, những con dốc tranh sáng tranh tối cứ đứt đoạn, rồi lại cứ tiếp nối nhau chạy dài…
(1922)
Ðinh Văn Phước dịch

Chú thích:

(1) Odawara, một thị trấn ở phía nam, cách Tokyo khoảng 80 cây số. Vào thế kỷ XVI có thành Odawara chu vi hơn 9 cây số, do sứ quân Hojo xây. Tháng 5 năm 1590, sứ quân Hideyoshi ở phía nam Nhật Bản, trong cuộc tranh hùng thống nhất lãnh thổ, động viên 22 vạn quan, vây 5 vạn quân Hojo thủ trong thành. Đến tháng 7 thì Hojo phải ra hàng. Chiến thắng của Hideyoshi ở Odawara mở màn cho thời đại thống nhất dưới quyền cai trị của một Shogun (Tướng quân).
(2) Atami, một thắng cảnh có nhiều suối nước nóng, cách Tokyo khoảng 120 cây số về phía nam.
(3) Hanten, một kiểu áo khoác haori ngắn đến mông, có cấu tạo và cách may đơn giản hơn, không có dây buộc ở giữa thân áo. Hanten thường được dùng làm đồng phục cho giới phu, thợ hay các tổ chức xã hội của Nhật ngày xưa, thí dụ như các tổ chữa cháy v.v…
(4) Haori, áo khoác ngắn dùng cho cả nam lẫn nữ, mặc áo khoác lên bên ngoài bộ áo kimono dài. Có rất nhiều loại, kiểu mẫu khác nhau.
(5) Itazori, dép cố hữu của Nhật, loại rẻ tiền, không có đế, làm bằng gỗ, chân chỉ kẹp vào đai guốc.