Dịch giả: Lê Minh Đức
Chương Kết
Los Angeles 1980

Khi Châu thu xếp cho gia đình ở căn hộ hai phòng ở Van Nuys, California, ngoại ô Los Angeles, ông nhận được tin Neil Sheehan muốn phỏng vấn ông về kinh nghiệm của ông trong thời gian ông là tù binh cho cộng sản để đăng trên báo New York Times. Yêu cầu của Neil Sheehan đã đến với ông vào lúc nước Mỹ đang đi vào một cuộc tranh luận với chính mình, lúc đầu phần lớn là trong tiềm thức, để tìm một lời giải thích thích đáng về cuộc chiến tranh Việt Nam mà đất nước này có thể chấp nhận. Không ai tranh cãi về việc cuộc chiến tranh là một thảm hoạ. Nhưng tại sao mới được chứ? Tại mình đánh đấm quá tồi chăng? Hay Mỹ thua vì tại Mỹ sai mà cộng sản đúng. Và người ta sẽ đánh giá những binh sĩ đã tham chiến đó như thế nào đây? Những kẻ giết người bệnh hoạn chăng? Những người hùng đáng phỉ nhổ?
Việc đi tìm một lời giải thích, cho đất nước này có thể chấp nhận rằng tất cả những điều đã xảy ra đó có ý nghĩa gì, đã bắt đầu từ những năm 60, một cách chậm chạp và mò mẫm, hạn chế lúc đầu trong một số sách và tạp chí. Trước khi Mỹ tham chiến ào ạt vào năm 1965, sách nói về Việt Nam thường là có tính chất giáo dục, với một số lời tiên đoán rằng đây có thể sẽ là một thảm hoạ đối với Hoa Kỳ. Từ 1965 tới cuộc tiến công Tết 1968, sự giải thích về chiến tranh đã trở thành một “bế tắc về đạo lý”.
Sách xuất bản năm 1968, cũng như phần đông đất nước, đã chuyển sang lập trường chống chiến tranh. Một số cuốn xuất bản trong năm đầu sau Tết 1968 đã bày tỏ mối quan tâm đầy thiện cảm với Bắc Việt Nam hoặc phỉ báng sự tàn phá do Mỹ gây ra ở miền Nam Việt Nam. Đó là sự bắt đầu của thuyết cho rằng “Mỹ là xấu/Việt Cộng đáng khen”, về cuộc chiến tranh. Những người giải thích theo kiểu này cho rằng Mỹ đã hành động sai ở Việt Nam và họ bày tỏ lòng kiên trì và kỷ luật, nếu không phải là hệ tư tưởng của người Việt Nam đang chống Mỹ, và nghĩ rằng Việt Cộng xứng đáng để chiến thắng, đặc biệt là khi so sánh với chính phủ tham nhũng ở Sài Gòn.
Cộng đồng trí thức ở Mỹ rất mê lối giải thích này, đó là kết quả sự thăng hoa vào cuối những năm 60 của tờ New York Review of Books, và nhà chính luận hàng đầu của họ là Noam Chomsky. Trong cuốn Chiến tranh với châu Á, những người Mỹ của Chomsky toàn là bè lũ đế quốc sát nhân còn người Bắc việt Nam của ông thì có muôn ngàn đức tính tốt đẹp. Lập trường của Chomsky năm 1970 lại được tăng cường với việc công bố cuốn Mỹ Lai 4 của Seymour Hersh, kể lại việc lính Mỹ tàn sát thường dân Việt Nam. Lối giải thích của ông đã được phát triển tớ mức cao nhất năm 1971, với bài của Neil Sheehan trên tờ New York Review of Books, nhan đề “Liệu chúng ta sẽ có toà án để xử tội ác chiến tranh không?” trong đó ông nói rằng Lyndon Johnson và các sĩ quan quân đội Mỹ là tội phạm chiến tranh.
Năm sau, Francis FitzGerald cho xuất bản Lửa trong hồ, lấy chủ đề (việc Mỹ phá hoại cơ cấu làng mạc ở Việt Nam) trong tư tưởng của học giả người Pháp Paul Mus, người thầy của FitzGerald tại Trường Đại Học Princeton sau một thời gian ở Việt Nam. FitzGerald là người phổ biến thuyết “Mỹ là xấu/Việt Cộng đáng khen”, nhưng trong sách của cô, cô không chỉ dừng lại ở đó. Cô còn muốn đánh đổ quan điểm trước đây do Robert Shaplen của tờ The New Yorker đưa ra, ông là người đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về chiến tranh, nói riêng là cuốn Cuộc cách mạng bị đánh mất, và trong nhiều năm đóng vai trò người kềm hãm một bộ phận của đoàn báo chí Mỹ ở Sài Gòn và có thể là người đã giữ cho một số nhà báo không ngả theo thuyết “Mỹ là xấu/Việt Cộng đáng khen”.
Francis FitzGerald tố cáo Robert Shaplen là đổ cho các quan chức Mỹ chịu trách nhiệm về những thất bại của chính phủ Sài Gòn vì họ đã không cho người Việt Nam những lời khuyên đúng đắn và kịp thời. Theo cách nói của Robert Shaplen, cuộc “cách mạng bị đánh mất ở Việt Nam” không chỉ có nghĩa là Hoa Kỳ đã thất bại trong việc giành lấy cuộc cách mạng từ tay cộng sản. Nó đã chứng minh rằng người Mỹ chúng ta không có khả năng, trong suốt hai mươi năm, khuyến khích và ủng hộ những người dân tộc chủ nghĩa chân chính chống lại những kẻ giả mạo. Mặt khác, FitzGerald cho rằng chính những người cộng sản mới là những người dân tộc chủ nghĩa chân chính và hệ tư tưởng của họ đã hoà nhập với những truyền thống dân tộc. Cô cho rằng “cũng giống như Khổng giáo, chủ nghĩa Mác là một học thuyết về đạo đức xã hội”.
Còn thuyết giải thích của Shaplen thì thuần tuý là của Lansdale. Shaplen là người bạn ký giả gần gụi nhất của Lansdale từ những ngày còn hoạt động ở Phillipin. Ông là một người to lớn, hút những điếu xì gà to tướng, trông giống anh chàng lái xe tải hơn là nhà trí thức, Shaplen cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trước những đòn công kích của Francis FitzGerald ngay từ lúc cuốn sách này được trích đăng từng phần trên tờ The New Yorker của ông. Trong chỗ riêng tư, ông còn tỏ ra cay cú đến nỗi nói rằng quyển sách của Francis Fitzgerals bắt nguồn từ những động cơ, như học thuyết Freud đã giải thích, của cô chống lại chính người bố ruột của mình, ông Desmond FitzGerald, vì ông này là một sĩ quan CIA, bạn của Lansdale và Colby và đã gánh một phần trách nhiệm trong việc triển khai những chương trình hành động mà FitzGerald công kích.
Dù sao đi nữa, chính cách giải thích của Francis FitzGerald chứ không phải của Robert Shaplen, đã được sự đồng tình rộng rãi của dư luận công chúng ở Mỹ. Cùng với cuốn Những người giỏi nhất và thông minh nhất của David Halberstam, trong đó ông đã mổ xẻ các quan chức của chính phủ mà những bản báo cáo và ghi nhớ của họ trong chiến tranh đã bị tiết lộ trong những tài liệu mật của Lầu Năm Góc, cuốn sách của Francis FitzGerald, trong nhiều năm liền, đã chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong việc hình thành dư luận ở Mỹ về khía cạnh chính trị của cuộc chiến tranh, mặc dầu bản thân cuốn sách có nhiều khuyết điểm khó hiểu. Phụ đề cuốn sách là “Người Việt và người Mỹ ở Việt Nam”, cuốn Lửa trong hồ không một lần nhắc đến William Colby.
Sở dĩ FitzGerald và Halberstam chiếm được nhiều ảnh hưởng như vậy một phần quan trọng là do yếu tố thời gian. Sách của họ đã được xuất bản chỉ một hoặc hai năm trước khi cuộc chiến tranh của Mỹ đã chấm dứt với việc ký kết hiệp định ngừng bắn năm 1973. Quá mệt mỏi với những cuộc tranh luận về Việt Nam, một số nhà phê bình không còn muốn thảo luận rộng rãi hơn nữa về cuộc chiến này. Khi James Jones cho ra cuốn Nhật ký Việt Nam năm 1974, tờ New York Times đã mở đầu bài điểm sách của mình như sau “Hãy đọc nhanh lên trước khi đầu óc của bạn lại đóng băng trước viễn cảnh lại phải nghe thêm một bản báo cáo về Việt Nam nữa…” Và nhà phê bình chủ chốt của tạp chí Time đã gọi tác phẩm của Jones là “một cuốn sách về Việt Nam cho một công chúng không còn muốn nghe nói gì về Việt Nam nữa”.
Không thể chối cãi là đất nước đã quá mệt mỏi với chiến tranh, nhưng thái độ tiêu cực của hai cơ quan ngôn luận có ảnh hưởng nhất trong nước đối với việc xuất bản sách về Việt Nam có giá trị gần như một sự kiểm duyệt. Thái độ đó đã tác động trông thấy đối với hầu hết những nhà điểm sách khắp nước Mỹ. Hơn nữa, người ta không chú ý đầy đủ tới những bằng chứng rõ ràng về thái độ của độc giả. Sách về Việt Nam là loại sách bán chạy nhất trong bốn năm trước đó nhưng không bao giờ quá ba mươi đầu sách trong một năm (trong số hơn ba mươi lăm ngàn sách xuất bản hàng năm tại Mỹ). Nhưng vì nhiều lý do kết hợp, sách về Việt Nam đã tụt xuống còn khoảng một chục cuốn một năm sau năm 1974.
Năm 1977 có cuốn Đồn đại về chiến tranh của Philip Caputo, kể rất hay về quân dịch của anh với tư cách là một Trung uý thuỷ quân lục chiến, đã gây chấn động vì gần tới cuối anh đã chia xẻ trách nhiệm về việc giết hại hai thiếu niên Việt Nam vô tội. Caputo lập luận rằng chính tính chất bẩn thỉu của chiến tranh đã đưa anh tới hành động ấy, và anh được những nhà phê bình tán thành. Theodore Solotaroff đã viết bài phê bình trên tờ New York Times Book Review “Hậu quả cuối cùng của cuốn sách này là trách nhiệm cá nhân và công cộng (về cuộc chiến tranh) đã bị nhấn chìm trong một cơn ác mộng khủng khiếp và tàn phá”.
Rồi mấy tháng sau, John Leonard tuyên bố trên tờ New York Times rằng: “Nếu anh nghĩ rằng anh không muốn đọc bất cứ thứ gì về Việt Nam nữa thì anh nhầm”. Leonard khoe rằng với tư cách là chủ bút tờ Book Review, ông đã chịu trách nhiệm việc đăng vở kịch của Neil Sheehan về tội ác chiến tranh, và hiện nay ông lại quan tâm tới những tác phẩm về Việt Nam do xuất bản cuốn Điện tín của Michael Herr, một lời tán tụng mỉa mai bạo lực và chết chóc của những con người mà chủ đề lập đi lập lại luôn là ma tuý và điên rồ theo kiểu đồng bóng ma quái. Nhà phê bình của tờ Book Review chủ nhật đã cho rằng cuốn sách của Michael Herr là cuốn sách hay nhất viết về chiến tranh Việt Nam.
Cái lối giải thích xuất phát từ thực tiễn của Michael Herr phù hợp với chiều hướng lúc bấy giờ của Hoolywood và chứa đựng nhiều nhân tố mà toàn đất nước bắt đầu thừa nhận quan niệm cho rằng cựu chiến binh là nạn nhân của sự điên rồ của chiến tranh. Nếu nước Mỹ đã không coi họ là anh hùng như trong những cuộc chiến tranh đã qua thì ít ra cũng nên đối xử với họ như những bệnh nhân ngoại trú của một nhà thương điên mới phải. Theo cách giải thích này thì những người bị bán thân bất toại trong chiến tranh được coi là những nạn nhân anh hùng, tương xứng một cách đáng buồn với những người đã được tặng thưởng Huân chương Danh dự trong Thế Chiến II, sự tê liệt đôi chân này tượng trưng cho sự tàn phế về thể xác và tâm hồn của lính Mỹ. Cuốn Sinh ngày 4 tháng Bảy của Ron Kovic, một người tàn phế chống chiến tranh, đã được các nhà phê bình ca tụng khoảng một năm trước khi cuốn Điện tín của Michael Herr ra đời, và nữ nghệ sĩ Jane Fonda đã làm cho chủ đề người thương binh tàn phế vừa là nạn nhân vừa là anh hùng phát triển rộng rãi chưa từng có với bộ phim Về nhà của cô. Tổng thống Jimmi Carter đã góp phần của ông trong việc hợp thức hoá thuyết này bằng cách cử một người thương binh tàn phế hai chân đứng đầu cơ quan phụ trách cựu chiến binh của chính quyền ông.
Một chỉ dẫn cho thấy quan niệm người cựu chiến binh vừa là nạn nhân của sự điên rồ chiến tranh bắt đầu đứng vững là nhiều cựu chiến binh đã được mô tả là người mắc bệnh tâm thần trên những vở kịch truyền hình trong những năm 1970. Rồi Fracis Ford Coppola lại cung cấp thêm một người bệnh tâm thần nữa, do Marlon Brando đóng trong phim Tận thế ngay bây giờ, với lời thuyết minh của Mike Hear. Lối giải thích chiến tranh của Coppola mâu thuẫn ngay với lối giải thích của Michael Canino trong phim Người săn hưu của ông, ông đã làm nản lòng một số nhà phê bình, vì hình như ông muốn gợi ý trong những xen cuối cùng của cuốn phim, khi ông để cho những cựu binh từ Việt Nam về ca bài “Chúa phù hộ cho nước Mỹ”, rằng nước Mỹ không hẳn đã sai trong cuộc chiến tranh này và những người Mỹ đã phục vụ trong chiến tranh chỉ là những chàng trai ngây thơ phải đương đầu với bọn Việt Cộng xấu xa mà thôi.
Việc này đã gây ra một cuộc tranh luận xem cái nào đúng với sự thật. Marlon Brando đóng vai người mắc bệnh tâm thần như vậy có đúng không? Hay là cuộc chiến tranh đã được thể hiện trung thực hơn trong phim Người săn hưu với bọn Việt Cộng xấu xa? Theo nhiều nhà phê bình, việc truy tầm sự thực đã chấm dứt với phim Trung đội của Oliver Stone, phim chất lượng nghệ thuật cao, quay nhiều cảnh chiến trường từ trước tới nay chưa ai quay được như vậy. Các nhà phê bình nói đó… là… sự thật. Điều mà phim Trung đội muốn nói về Việt Nam chỉ rõ ràng với những ai cho rằng phim này muốn nói một cái gì đó quan trọng, rằng chiến tranh là địa ngục.
Các cựu chiến binh ở Việt Nam bắt đầu phản ứng lại việc coi họ là những người mắc bệnh tâm thần hay những kẻ tàn sát trẻ con. Có thể họ là nạn nhân của chiến tranh, họ nói, nhưng họ là những con người phải được đối xử đúng phẩm cách và kính trọng. Dân chúng đã chấp nhận ý kiến này vì nhiều nhân tố. Thứ nhất, phong trào chống chiến tranh đã im tiếng trước cảnh thuyền nhân Việt Nam vượt biên và cuộc thảm sát ở Campuchia. Và việc khánh thành đài tưởng niệm cựu binh Việt Nam ở Washington năm 1982 - Bức tường (The wall) làm cho công chúng có nhiều cảm tình hơn với cựu chiến binh, cũng như thái độ của Tổng thống Ronald Reagan, người vẫn cho rằng chiến tranh Việt Nam là một việc làm đáng cho mọi người kính trọng. Sách cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn đối với cựu chiến binh, cũng như đối với người da đen lâu nay bị bỏ quên, như được thể hiện trong cuốn Máu của Wallace Terry, được coi là một cách có thiện cảm vì đã phục vụ ở tiền tuyến. Thế là đột nhiên những cựu binh Việt Nam xuất hiện trên truyền hình trở nên những con người mạnh mẽ và dễ cảm tình.
Vậy là khi Trần Ngọc Châu tới Los Angeles tháng Mười Một 1979 thì việc nước Mỹ tìm cách giải thích cuộc chiến tranh đã đưa tới chỗ đánh giá lại vai trò của cựu chiến binh ở Việt Nam. Việc tìm cách giải thích tổng quát về cuộc chiến tranh và những tổn thất của nó thì còn tiến hành chậm chạp hơn nhiều.
Neil Sheehan viết một bài dựa trên cuộc phỏng vấn Châu, đăng trên báo New York Times ngày thứ hai 14 tháng giêng, 1980, nhan đề “Một cựu quan chức của Sài Gòn nói về trại cải tạo của Hà Nội”. Ba đoạn đầu đã thể hiện giọng điệu của toàn bài.
“Một cựu sĩ quan của quân đội Nam Việt Nam và là một quan chức đã sống bốn năm dưới chế độ cộng sản, hơn một nửa thời gian đó là trong “trại cải tạo”, nói rằng ban lãnh đạo Hà Nội đã tiến hành một cuộc thí nghiệm chưa từng có để cải hoá và hoà giải với những người trước đây chống lại họ, bởi vì họ quyết định là sẽ không thanh toán những người này.
Trong nhiều thập kỷ qua, các Tổng thống Mỹ đã tiên đoán rằng một thắng lợi quân sự của cộng sản ở Việt Nam sẽ đưa đến việc thanh toán hàng loạt những người chống đối lại Hà Nội. Lời tiên đoán về một cuộc tắm máu đã được dùng để thanh minh cho việc kéo dài chiến tranh.
Trần Ngọc Châu, cựu quan chức nói rằng “Không có cuộc tắm máu” như nhiều người đã sợ sau khi cộng sản lên cầm quyền. “Đúng là có một số phiên toà và có giam giữ lâu ngày”, ông nói, nhưng ông nói rằng ông không thấy có một người nào trước đây ở bên phía Nam Việt Nam bị hành quyết về những việc làm của họ trong thời gian chiến tranh”.
Mặc dầu bài báo của Sheehan không có điều gì sai, như Châu đã kể với ông, nhưng thiên hướng của toàn bài là nói với độc giả rằng cộng sản là những người lịch sự dễ thương và những thể hiện của Châu với tư cách là một tù binh rõ ràng là khó khăn, vất vả hơn đi một trại hè nhiều. Cộng đồng người Việt di cư đã phản ứng mạnh rnẽ ngay tức khắc: Châu và gia đình ông ta đã nhận được nhiều lời doạ giết.
“Bài của Sheehan đã gây đụng chạm”, Dan Ellsberg nói. “Tất cả những gì ông ta nói toàn là những điều tốt trong những gì Châu đã nói, chớ không có điều gì khác. Tôi gọi điện thoại nói với ông ta “Neil, điều anh nói rõ ràng là khác với cảm tưởng anh ta đã nói với tôi. Anh ta có nói việc này và việc này không? Sheehan nói: Đúng, anh ta có nói tất cả những việc đó. Nhưng đó không phải là cốt yếu. Cốt yếu là đã không có tắm máu”. Tôi nói “Anh gây rắc rối cho anh ta đấy”.
Châu và gia đình không có tiền để chuyển đi khỏi nơi ông bị những người tị nạn khác biết và doạ giết. Rõ ràng là mạng sống của họ bị đe doạ. Châu cho rằng Sheehan đã không nói cả hai mặt của vấn đề như ông đã nói với Sheehan. Nhưng Châu, vốn rộng lượng, không để bụng Sheehan mà thậm chí còn nghĩ rằng người phóng viên này chắc cảm thấy bối rối trước hậu quả của bài báo như vậy. Châu cho rằng tờ New York Times đã lợi dụng ông để nói với độc giả theo kiểu “chúng tôi đã nói trước rồi mà” làm gì có tắm máu để thanh minh cho lập trường chống chiến tranh của tờ báo. Trên thực tế không có cơ sở nào để tin rằng bài báo phản ánh điều gì khác hơn là cách giải thích riêng của Neil Sheehan về kinh nghiệm của Châu.
Keyes Beech, nhà báo bảo thủ đã từng mạnh mẽ ủng hộ chiến tranh và không thích Ellsberg, cũng khó chịu với bài báo của Sheehan. Beech nói: “Khi tôi đọc bài báo, tôi nghĩ rằng đây không phải là Châu, mà tôi đã nói chuyện. Nhưng tôi không tin rằng Sheehan biết rằng anh đang làm hại Châu. Tất cả chúng ta đều có dính líu về mặt tình cảm ở Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Tôi nghĩ rằng Neil đã đánh mất tính khách quan mà có thể anh đã có. Dĩ nhiên là một số người khác cũng vậy, và một số phóng viên có thể nói rằng tôi cũng đã mất một phần tính khách quan - mà đúng vậy”.
Gia đình Châu học tiếng Anh và tìm bất cứ việc làm nào vớì đồng lương tối thiểu. Con gái út của ông không biết nói tiếng Anh khi mới đến, nhưng sau ba năm rưỡi, cô đã tốt nghiệp điểm cao nhất ở trường trung học và được nhận vào học đại học ở California, chuẩn bị làm bác sĩ. Đứa con lớn nhất, đứa mà tới giờ phút cuối cùng đã nhảy xuống thuyền để tìm tự do đã tốt nghiệp kỹ sư, lãnh lương gần năm mươi ngàn đô la một năm, làm việc từ bảy giờ sáng tới mười một giờ đêm. Châu đi học điện toán. Sau khi tốt nghiệp, ông đã làm cho một công ty tư nhân và được giao phụ trách sáu thảo chương viên.
Năm năm sau, họ được công nhận trở thành công dân Hoa Kỳ. Châu đã khóc cái ngày mà ông tuyên thệ làm một công dân Mỹ…
Hết

Xem Tiếp: ----