KÝ ỨC (2)

Hà nội trở rét. Gió mùa đông bắc lại về.
Những hàng cây thẫm lại trong giá buốt và mặt hồ Tây xao xác muôn triệu lằn sóng. Rặng bằng lăng ven hồ tím màu tím cô liêu. Người đi đường hối hả bước thật nhanh qua đường Cổ Ngư, vì ngại những cơn gió mênh mông tung hoành trên mặt nước. Nhưng ngay lúc đó, những cặp tình nhân vẫn ngồi tình tự ven hồ, mặt quay về hướng gió.
Vũ đưa mắt liếc nhìn họ và thầm nghĩ:
« Nào ai biết những kẻ đắm say kia sẽ sống được bao lâu cơn mơ tình ái? Nào ai biết năm nào, tháng nào, ngày nào họ sẽ phải khóc hối tiếc vì cơn say đắm hôm nay? »
Những cặp trai gái co ro ôm nhau trong những tấm áo mưa trong suốt, một thứ thành trì quá mong manh để chống lại gió lạnh tháng hai. Đi hết đường Cổ Ngư, ông tìm một quán nước chè chén, loại quán nước bình dân « một thứ tư thương » cỏn con thảm hại được phép hành nghề trong nền kinh tế triệt để nhà nước hoá. Quán chè này được che chắn bởi những tấm pan-nô cũ nát, dán chằng chịt nhật báo cũ. Nồi hãm chè xanh được ủ trong chiếc dành lớn, lót rơm. Chén sành sứt mẻ, cáu đen cắn chè, đặt lộn xộn trên một chiếc khay lớn, cũng bẩn thỉu không kém. Nhưng dường như hình dạng cùng khốn và bần tiện lại thích ứng với cái xã hội ông đang sống. Bởi nó không gợi nên sự ghen tuông. Bởi nó chỉ có thể gợi nên sự thương hại hoặc ghê tởm. Những thứ được coi là bệnh hoạn hay đáng sỉ nhục trong một xã hội phồn vinh lại tương thích với xã hội này. Đã từ lâu, những ngờ vực đó day dứt ông.
- Dựa xe vào cột đèn và khoá lại. Cẩn trọng là mẹ thành công.
Một giọng sỗ sàng, đầy trịch thượng vang lên. Hoá ra ông lão bán chè chén đã nhìn thấy vị khách lạ nên cất tiếng chỉ dẫn:
- Bác không nhìn thấy chiếc cột đèn kia hay sao? Để xe ở đấy tôi mới trông được.
Vũ ngẩng lên nhìn quanh quất một hồi mới nhận ra cây cột đèn đứng bên kia đường, nhưng bị che chắn bởi một chiếc xe bò, chất đầy rau muống, bó nào bó nấy dài thượt. Ông dắt xe sang bên kia hè, dựa sát vào xe rau muống, rồi cẩn thận khoá lại.
Ông lão bán hàng chăm chú theo rõi mọi cử chỉ của ông, với vẻ tò mò không đậy điệm. Rồi chờ khi ông bước vào quán, ngồi yên vị trên chiếc ghế dài, tựa vào tấm pan-nô tránh gió, ông lão mới cất tiếng hỏi:
- Bác uống gì, chè xanh hay chè mạn. Hoặc muốn làm ly rượu trắng, tôi cũng có.
Vũ ngạc nhiên:
- Quán nước chè cũng bán rượu?
- Sao không?
Ông lão hỏi lại với vẻ thách thức chen riễu cợt:
- Ông tưởng người ta chỉ cần chè mà không cần rượu? Ông tưởng hễ nhà nước cấm cái gì là người ta phải triệt tiêu thứ ấy hay sao?
- Tôi không nghĩ đơn giản thế. Nhưng...
Ông lão cất tiếng cười khà khà:
- Nhưng tôi thấy bác có vẻ tử tế nên mới nói vậy. Nếu là kẻ khác, ắt tôi sẽ uốn lưỡi theo chiều khác.
Vũ cũng bật cười theo:
- Cảm ơn. Bác thấy tôi có vẻ tử tế thật sao? Nhưng như thế nào gọi là tử tế?
- Người tử tế có nghĩa là họ không thuộc phường đểu cáng, họ không thể làm những hành vi phản trắc hèn hạ...Ví như những kẻ đến đây lạy lục, xin xỏ tôi bán rượu cho uống. Uống xong rồi, chưa kịp đái chúng đã đi báo công an.
- Rồi sao?
- Rồi sao?
Ông lão lặp lại với nụ cười khẩy, đầy vẻ khinh miệt:
- Nhưng công an cũng thế thôi. Khối thằng quen uống rượu. Giá rét thế này tợp một ngụm rượu còn ấm bụng hơn húp bát cháo mậu dịch loãng như nước ốc. Thế nên có vờ vĩnh tịch thu bình rượu của tôi thì ba ngày sau cũng phải trả lại. Có điều khi họ trả thì chỉ còn lại vỏ bình. Tôi tiếp tục gọi người dưới quê đem rượu lên. Mọi sự lại như thường.
Nói tới đó, ông lão cúi xuống lôi từ dưới gầm chõng ra một chiếc thúng phủ kín bao tải. Lật chiếc bao tải lên, ông chỉ cho Vũ chiếc bình đựng rượu cổ lớn, men xanh ngọc:
- Ông đã nhìn thấy chưa? Nếp cái hoa vàng loại thượng đẳng nhé.
- Cái bình đẹp thật.
Vũ trầm trồ:
- Bình đẹp thế này chắc rượu ngon. Tôi phải xin một chén cho ấm dạ.
- A ha....
Ông lão cất tiếng cười hào sảng khiến chòm râu rung lên bần bật:
- Bình đẹp chưa chắc rượu đã ngon, cũng giống như tốt nước sơn chưa hẳn là gỗ tốt. Nhưng rượu nhà tôi thì chắc chắn phải ngon.
Nói đoạn, ông cúi xuống, mở chiếc hộp gỗ lớn quai đồng, lấy ra chiếc chén sứ sạch bóng, và rót một chén rượu đầy đưa cho Vũ:
- Nếm đi. Rồi sẽ biết thế nào là rượu!
Vũ cầm chén rượu, bâng khuâng. Chiếc chén sứ men lam vẽ phượng, miệng bịt đồng này chính là loại chén xưa kia cha ông thường uống rượu. Chiều chiều, sau khi chăm sóc vườn cây, cha ông đặt chiếc khay đồng nhỏ lên sập. Trên khay, một bộ độc tửu, gồm một chén, một bình rượu nhỏ xíu và một đĩa đồ nhắm. Cụ ngồi ngắm trời đất, nhâm nhi trong lúc chờ bữa cơm tối với gia đình.
- Nào, nhắp thử xem tôi nói thật hay nói bỡn!
Ông già chủ quán giục. Vũ đưa chén rượu lên môi. Mùi thơm của nếp cái thấm đượm vào khứu giác trước khi ông đụng lưỡi vào chất nước của thần Lưu Linh. Mùi thơm ấy gọi đến hương thơm ngày mùa, thứ hương thôn dã nồng nàn của cánh đồng thơ ấu, nơi những lượn sóng vàng tràn phủ lên mặt đất, vây quanh những khuôn làng xanh thẫm luỹ tre, nuốt chửng những dòng mương lăn tăn ánh bạc và ca hát rì rào trong gió. Những cơn gió ngày mùa, ngay chúng cũng tẩm đượm hương thơm. Ông uống một ngụm rượu và cất lời khen:
- Tuyệt vời, tôi chưa từng uống loại rượu nào ngon như thế.
Ông lão hỉ hả:
 
- Tôi biết ngay mà, chưa một ai dám chê thứ rượu này. Chính người làng tôi nấu đấy. Nhưng cả làng cũng chỉ riêng gia đình cụ cử Khái là đạt đến mức sành điệu thôi.
- Ngon thật.
- Bao nhiêu đợt càn đi, quét lại. Hết du kích đến công an bủa vây tịch thu đồ nghề ném xuống sông. Một nửa làng sạt nghiệp. Nhưng số còn lại vẫn sống, sống chui sống lủi nhưng vẫn sống. Thiên hạ còn kẻ muốn uống rượu, người nấu rượu ắt còn.
- Cụ nói thế mà không sợ hay sao?
- Tôi đã bảo tôi thấy bác là người tử tế tôi mới nói thật. Còn kẻ khác ắt tôi đổi chiều lưỡi. Cũng như thứ rượu này.
Nói tới đấy, ông cụ lại lôi ra một chiếc thúng khác chỉ cho Vũ xem: Bên trong đó là một thùng nhựa cũ được rửa sạch và đựng rượu.
Vũ sửng sốt kêu:
- Chết nỗi, sao cụ lại đựng rượu bằng thứ thùng nhựa này, như thế độc lắm?
- Người nào của nấy. Với bác tôi mời rượu thượng hạng, uống bằng chén phượng xanh. Với kẻ khác tôi chỉ bán thứ rượu này và uống trong chén mẻ. Cổ nhân dạy ― Người ba đấng, của ba loài.
- Nhưng...
- Xưa kia khác, thời nay phải khác. Bác không nhận ra rằng cuộc thế đã lật nhào hay sao? Tôi trưng bày bình đẹp, chén đẹp ra để lũ khốn nạn tố cáo rằng tôi là thành phần nghi vấn, là phần tử chống đối cách mạng à?
- Vâng, giờ thì tôi hiểu...
Vũ chậm rãi đáp, và một nỗi đau từ từ ngấm vào tâm hồn ông cùng chất rượu:
― Nếu uống chén phượng xanh mà trở thành kẻ bị nghi vấn thì chính cha ta cũng thuộc về những phần tử nghi vấn hay chống đối. May mà ông cụ đã mất trước ngày bị cùm trói bởi cái cuộc cách mạng mà chính đứa con yêu đã dấn thân vào.
Ông uống ngụm rượu cuối cùng, đưa trả chiếc chén cho ông lão. Ông cụ tức khắc cất nó vào chiếc hộp gỗ, bởi lúc đó một người khách mới bước vào.
- Rét quá, bố già...cho chén rượu.
Người khách xoa tay, nói. Anh ta đứng chứ không ngồi, chiếc mũ đại cán vẫn chụp trên đầu, bộ dạng như kẻ chạy thợ thuê cho công trường hay nhà máy. Chẳng những anh ta xoa hai tay vào nhau lia lịa mà đôi cẳng chân anh ta cũng rung rung liên hồi khiến tấm thân lắc lư một cách kì cục.
Không ngẩng đầu lên, chủ quán đáp:
- Ờ, rét thật.
Vẻ như nhắc lại một điệp khúc. Đoạn ông cụ rút thùng nhựa, rót rượu vào chiếc chén cũ trong đám chén sứt mẻ, đen xì cắn chè.
Khách tợp một hơi cạn, đoạn chìa chiếc chén ra:
- Chưa mùi mẽ gì, cho tôi chén nữa.
- Ồ, rét tháng hai mà rét gớm rét ghê...
Ông lão đế theo và rót chén rượu thứ hai.
Vũ lẳng lặng nhìn họ, và lẳng lặng theo đuổi những suy tư của ông:
― Chúng ta làm cách mạng để giải phóng con người, nhưng rút cuộc cả xã hội chỉ còn là một tấn tuồng thảm hại, trong đó người lương thiện và trung thực chẳng còn đất sống...Kẻ tồn tại được ắt phải gian manh, phản trắc. Hoặc ít nhất, người dân thấp cổ bé họng như ông lão này, phải coi lối sống hai mặt như một thứ áo giáp tuỳ thân. Thời ta còn thiếu niên, con người không xấu xa dường này. Chính xã hội mới đẩy họ xuống dốc.
- Thôi, chào bố già nhé. Mai con ghé qua trả tiền.
Người khách nói to, đoạn đặt chiếc chén rỗng xuống chõng, đi ra.
Vũ chờ cho anh ta đi xa, lên tiếng:
- Khách của cụ toàn uống rượu chịu như thế hay sao?
- Không phải chịu, mà là quỵt. Nó nói vậy nhưng chẳng bao giờ trả một xu.
- Tại sao vậy?
- Ồ, rõ ra bác chẳng phải người hay lê la ở quán xá. Vừa thoạt nhìn thấy bác tôi đã đoán rồi. Thằng ấy thời Tây gọi là anh-đi-ca-tơ. Mình không thí cho nó vài chén, nó lại kiếm chuyện bẩm báo với mấy lão ở đồn công an, rách việc.
- Ồ... Vũ buột tiếng kêu. Ông lão đắc ý gặng hỏi:
- Tôi đã bảo bác chẳng phải người quen lê la quán xá. Điều ấy đúng hay không?
 
- Cụ đoán chính xác. Tôi vốn chẳng nhiều thời giờ để rong chơi. Hôm nay đau đầu quá nên mới tìm lối đi giải khuây.
- Thế đấy! Đời mà. Ai chẳng có những chuyện đau đầu, đứt ruột.
Ông lão hạ giọng an ủi, và một vài giây sau,chừng như muốn bộc lộ sự cảm thông một cách hiệu nghiệm hơn, ông nói tiếp:
- Bác có nhắp thêm một chén nữa không? Lần này, tôi đãi.
- Cảm ơn cụ, tôi vốn không phải người mạnh rượu, dù rượu ở đây là tuyệt hảo.
Vũ đáp.
Ngay lúc ấy, ông thấy vợ dắt xe lên hè. Từ xa, ông đã thấy bà xanh xao, và vì trời rét, bà choàng một chiếc khăn len lớn màu lam khiến gương mặt bà càng thêm rầu rĩ. Vũ đứng lên:
- Trời rét thế này, em ra đường làm gì?
Bà ngước nhìn ông lặng lẽ và trách móc.
Ông lão chủ quán, dường như đoán trước tình cảnh của họ, liền nói:
- Bác gái đưa xe cho bác trai dắt sang bên kia hè. Để ở đấy, tôi bảo đảm không trộm cắp nào dòm ngó nổi.
- Cảm ơn cụ.
Vân trả lời và đưa xe cho chồng. Rồi bà ngồi vào quán, rùng mình liên tục bởi gió lạnh. Chủ quán vồn vã mời:
- Bác dùng một chén vối hãm gừng cho ấm bụng.
- Cảm ơn cụ. Ở đây còn có cả nước vối hãm gừng?
- Có đủ. Bởi tôi nhiều khách quen. Các bà ấy chỉ chuộng nước vối hãm gừng thôi.
Nói đoạn, ông cụ lại cúi xuống chõng, kéo ra một chiếc hộp khác, trong đó đựng những chiếc chén gốm nâu sậm, điểm hoa văn màu vàng ốc. Lúc ấy, Vũ đã quay trở lại, ngạc nhiên vì thấy cụ chủ này giống một nhà ảo thuật với đủ loại thùng, hộp giấu dưới gầm chiếc chõng tre. Ông cười:
- Cụ còn có bao nhiêu thứ hộp nữa để đựng các loại chén khác nhau?
- Tôi đã nói với bác rồi: Quý nhân phải xứng với quý vật. Người đẹp thế kia ai nỡ bán nước trong chén sành?
- Ồ, cụ quả thật là người lịch lãm.
- Ông quá lời khen. Tôi chỉ là kẻ chân đất, được đẻ vãi trên đê Yên phụ. Cha mẹ tôi không giầu, nhưng cũng đủ tiền cho tôi học qua xép-ti-phi-ca. Song le người ta đã bảo. Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng an.
Ông cụ cao giọng gần như ngâm nga, gương mặt đầy kiêu hãnh. Vân cất lời:
- Chắc thời trẻ bác phải là người đa tài lắm.
- Ồ, không dám. Bác quá khen. Nhưng quả tình là thời tráng niên tôi cũng chẳng đến nỗi nào....Pas mal.
Ông cụ lại nói tiếng Pháp khiến cho cả hai vợ chồng Vũ kinh ngạc. Vũ mỉm cười:
- Cụ vẫn nhớ được tiếng Pháp? Thật kì lạ, những người cùng thời với cụ có bao nhiêu chữ nghĩa đều đã giả thầy.
- Già nửa thế kỉ rồi còn gì, óc đã cùn, lưỡi đã nhụt...Nhưng vẫn còn vài chữ lõm bõm sót trong đầu. Giống như mầm rau muống ruộng tháng giêng...Chả vì họ vẫn đe doạ tiếng Pháp là ngôn ngữ của kẻ thù, nên tôi chơi ngông, thi thoảng nói dăm ba tiếng, xem họ làm gì tôi?
- Cụ không sợ người ta mách lẻo hay sao?
- Mách lẻo mấy bình rượu thì tôi còn phiền chứ mách lẻo mấy cái tiếng Tây giả cầy này thì tôi chẳng coi ra gì. Tôi đâu phải quan chức nhà nước mà sợ liên luỵ. Đã là thằng đít đen ngồi bán nước ở vỉa hè, hạng lê dân xếp ở tận cùng đáy vực rồi, còn chỗ nào thấp hơn mà lo rơi xuống?
Ngừng lời, ông cụ lại mỉm cười, nụ cười dân ven đô.
Rồi cả ba người bất đều im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của riêng mình.
Lúc đó, một người đàn bà rất trẻ nhưng đã to béo, da đỏ au au bước vào. Chị ta đon đả cất tiếng chào mọi người rồi quay lại hỏi chủ quán:
- Ông lão dọn hàng đều như vắt chanh. Trời rét thế này sao không quấn chăn mà ngủ cho sướng?
- Ngủ được như chúng mày hoạ có là trai tơ, chẳng còn là ông lão.
- Là ông lão nhưng còn khối bà lão dòm ngó đấy. Chỉ nội làng Yên phụ tính sơ sơ cũng đã có bẩy bà.
- Thui cái mồm mày đi, quen thói nói láo.
- Ông thui mồm cháu, lấy ai hót cho ông vui? Lấy ai mang bánh dầy, xôi nén của mấy bà nạ dòng đang cố sức ve ông cho ông xơi hàng ngày?
Nói xong, người đàn bà cười ré lên tinh quái khiến cả ông chủ quán lẫn vợ chồng Vũ cũng phải cười theo. Những múi thịt rung rinh trên tấm thân vạm vỡ, mặt đỏ tưng bừng trong một nỗi vui sướng mộc mạc, người đàn bà khiến cho ngôi quán nhỏ ấm lên. Dứt cơn cười, chị ta rút ra chiếc khăn tay lau mồ hôi lấm tấm trên trán và nói:
- Con đi đây. Chiều thằng bé ghé qua ông cho cháu ăn cơm với.
- Cứ yên tâm mà đi, không phải dặn.
Ông cụ mắng.
Người phụ nữ trẻ lại nhoẻn miệng cười:
- Dạo này ông lão hách ghê. Mới hai tuần vắng ― các nàng hỏi han đã đâm ra cấm cảu.
Nói xong, không chờ cho ông cụ phản ứng, chị ta quay lại chào:
- Hai bác ở chơi nhé. Em xin kiếu.
Rồi, cũng không chờ họ đáp lời chị ta te tái chạy sang hè bên kia,nhấc càng chiếc xe bò rau muống đẩy xuống lòng đường. Sau khi đã quay xe ngược về phía Quảng bá, chị ta phăm phăm kéo xe đi.
Vũ nhìn theo:
- Người phụ nữ này khoẻ thật, và chắc hẳn là người rất tốt bụng.
Ông lão đáp:
- Trông mặt đã bắt hình dong. Tươi cười như thế nhưng goá chồng đúng năm hai mươi tuổi. Một mình nuôi ba đứa con. Chẳng việc gì từ nan. Làm quần quật như trâu từ lúc tinh mơ cho tới lúc tối đèn. Vậy mà chẳng bao giờ hé miệng thở than một tiếng.
- Vì sao chồng chị ta chết trẻ như vậy?
- Cả hai đứa đều là người làng tôi, chơi với nhau từ thuở mặc quần thủng đít, lớn lên vừa đủ mười tám tuổi là kết hôn. Đẻ sòn sòn năm một. Đến khi con vợ mang thai đứa thứ ba thì thằng chồng nhập ngũ. Chưa kịp đặt chân vào chiến trường, vừa vượt qua biên giới Lào-Việt đã bị bom dập chết rồi.
Ông lão ngừng lời, cúi xuống tự rót cho mình một chén trà mạn và uống ừng ực như muốn nuốt trôi một nỗi niềm.
Vũ im lặng hồi nhớ tấm Pan-nô treo trên ngã ba đường Quảng bá:
― Anh Cả có lý khi cho rằng cuộc chiến tranh này rồi sẽ là sự hối tiếc lớn nhất của lịch sử. Rằng nỗi thất bại cay đắng nhất trong cuộc đời ông cụ là không thể ngăn cản nó. Đối với ông cụ, cuộc chiến tranh này hoàn toàn giống như cuộc trảm quyết dưới hình thức phanh thây. Nó chính là bốn cỗ xe ngựa oan nghiệt của định mệnh, và dân tộc này là kẻ bị phân thây.
Bỗng nhiên, tiếng còi xe vang lên dập dồn, inh ỏi ngoài phố. Vũ bước khỏi quán, đưa mắt nhìn. Hoá ra một đoàn xe quân sự đang bị cản lại vì đám xe thồ chở vôi sống dựng kềnh càng ngay trên lòng đường. Những người phu thồ hẳn đang dừng ở quán chè nào đó làm ngụm rượu cho ấm bụng, nghe tiếng còi ô-tô liền vội vã bước ra đẩy xe vôi lên vỉa hè. Giây lát sau, đoàn xe được giải phóng ầm ầm phóng qua, xe nào xe nấy trùm kín dù nguỵ trang trên lần mui bạt.
Ông lão chủ quán đưa mắt nhìn theo làn bụi tung bay trên đường phố, bảo vợ chồng Vũ:
- Hai bác chẳng thể ngồi đây lâu, nơi quán xá ồn ã ô hợp lắm. Chỉ lát nữa đám thợ xây, thợ mộc sẽ ghé vào. Tốt nhất là tôi dọn cho hai bác ấm chè nóng với cái hoả lò vào gian nhà sau. Tôi chẳng nhiều tiền nhưng nhà đất thì khá rộng.
- Cụ đúng là người vừa giầu tình vừa chu đáo. Chúng tôi chẳng biết nói sao cho đủ lời cảm ơn.
- Không cần khách khí. Tôi cũng chẳng mấy khi gặp được người đáng để nói những lời tự ruột gan mình.
Ông lão đứng phắt dậy với vẻ nhanh nhẹn ngoài lứa tuổi. Sau khi chuẩn bị khay chè mạn, ông cụ đưa cặp khách quý ra phía sau:
- Bố mẹ tôi để cho tôi cả mảnh vườn trên ngàn mét đất, tưởng tôi con đàn cháu đống, sau này sẽ dựng thêm nhà. Các cụ chẳng ngờ tôi có số độc thân, nội mấy gian nhà các cụ để lại đã mệt công chăm sóc.
Ông giải thích, khi đưa họ đi qua ba gian nhà trên, rồi qua một mảnh sân lát gạch lá nem tới ba gian nhà sau, quay thẳng ra hồ Tây. Đây chỉ là nơi uống trà hay ngắm cảnh. Gian chính giữa đặt bể thả cá vàng, bên trên có hòn non bộ lẫn cụm si cảnh.
- Ồ, sân rộng nhường kia sao cụ chẳng đặt bể cá bên ngoài?
Vũ cất tiếng.
Ông cụ đáp:
- Tôi biết đặt bể cá ngoài sân là thuận mắt, nhưng hàng xóm có con mèo ma. Bất cứ bể cá vàng nhà ai đặt ngoài sân nó cũng lẻm sạch.
Vũ chưa từng nghe chuyện mèo bắt cá cảnh bao giờ, nhưng ông không dám hỏi thêm. Cụ chủ quán đặt khay trà lên chiếc bàn thấp, kê giữa hai chiếc ghế bành:
- Các bác ngồi đây, có thể vừa ngắm cảnh hồ, vừa trò chuyện. Ở đây kín gió, nhưng tôi sẽ mang cái hoả lò nhỏ vào vì trời rét. Ngoài quán, tôi còn chiếc lớn hơn để đun nước pha trà.
Ông cụ quay đi rồi lát sau mang chiếc hoả lò đỏ rực than đặt trước mặt họ:
- Chừng hai tiếng nữa, có đứa bán rong bánh dầy, xôi nén, các bác có cần tôi gọi nó vào đây.
- Dạ, cảm ơn cụ. Như thế này đã là quá đầy đủ. Lát nữa, nếu đói bụng chúng tôi sẽ cầu cứu.
Vũ đáp.
Ông cụ vừa mỉm cười một cách toại nguyện, vừa giơ tay gãi chòm râu dài tới ngực. Chờ cụ đi khuất, Vũ bảo vợ:
- Bây giờ, là chuyện của chúng ta. Một khung cảnh thơ mộng như thế này mà phải nói những chuyện buồn, kể cũng là đáng tiếc.
Vân im lặng xoay sở trong chiếc ghế bành quá rộng. Sau rốt, tìm được chiếc chăn nhỏ cuộn lại để lót lưng, bà dựng nó áp sát vào lưng ghế, rồi ngồi tựa lên đó. Vũ đưa mắt nhìn những vết thâm hiện lên dưới mắt vợ:
- Có chuyện gì khẩn cấp để em tìm anh vào lúc trời rét mướt thế này?
- Em là vợ anh, thế chưa đủ hay sao?..
Bà hỏi vặn lại, giọng thách thức.
Ông không trả lời, quay nhìn ra hồ. Từ cuộc nói chuyện ở bãi ngô ven sông Hồng trở lại, họ không còn nằm chung giường. Ông dọn xuống tầng dưới, làm việc trong phòng khách và ngủ trong phòng trẻ con vì chúng đã quay lại nơi sơ tán. Nhưng một lần, nhìn thấy ông nằm trên chiếc giường của Trung chứ không phải giường của con trai họ, bà đã hét lên:
― Em biết vì sao anh phải nằm trong chiếc giường ấy. Anh có cách giải thích nào khác khi một người cha không chọn hơi ấm của chính con mình?
Ông đáp lạnh lùng:
― Vì nó chẳng có hơi ấm mà chỉ có mùi hôi.
Bà không thể cãi vì Vinh mắc bệnh hôi nách, thứ bệnh di truyền từ bà Tuyết Bông tới cậu Tùng rồi đến con trai họ. Không những hôi nách mà còn mồ hôi dầu. Cứ qua một ngày không tắm là các nếp áo đều khét, bết đen bụi bẩn. Tuy nhiên, để tránh những cơn ghen bệnh hoạn của bà, ông cho người đem về nhà một chiếc giường bạt gấp. Từ đó, đêm đêm ông ngủ trong góc phòng khách, với tấm màn xanh cũ quây lại hình thước thợ che chiếc giường tạm bợ. Như thế, chỗ ngủ của ông sơ sài như nơi qua đêm của một thứ khách từ quê ra, hoặc của một gã lính nghỉ phép đột xuất.
Còn lại một mình, bà đã treo tấm màn đăng-ten đẹp nhất với những hình thêu Uy-kơ-ren nổi tiếng thay cho tấm màn xanh. Bà cho thay chiếc đèn cũ bằng chùm đèn lộng lẫy nhất gửi mua ở Mạc-tư-khoa. Bà tậu một bộ sa-lông giống hệt sa-lông trong phòng khách sứ quán Liên-xô. Bà cũng cho người mang về chiếc Ra-đi-ô hiệu Ri-gông-đa, với những đĩa nhạc của giới sành điệu. Rồi bà sắm một chiếc tủ kính mới, để trưng bày các loại ly cốc pha-lê Bô-hêm-me, các loại tách chén sứ Tàu, men mỏng như giấy lụa, có thể nhìn thấu chất nước đựng bên trong. Đối diện với chiếc tủ ấy là một búp-phê đồ sộ, trong đó bày các loại bánh kẹo lẫn các loại rượu nước ngoài, những thứ hàng được xách tay từ Mạc-tư-khoa, Pra-ha hay Bou-đa-pet, nơi chốn đáng thèm muốn nhất của đám nhân viên bộ ngoại giao, và là đồ xa xỉ tuyệt đối bất khả hình dung với mấy chục triệu dân đen đang hàng ngày xếp hàng đong gạo mốc. Căn phòng ngủ của bà không đủ sức chứa quá nhiều thứ, bà lấn chiếm luôn căn buồng làm việc cũ của ông, bằng cách cho thợ đục rộng gấp đôi khuôn cửa, thay cánh cửa gỗ lim bằng tấm bình phong mặt đá. Sau cuộc cách mạng ấy, căn phòng ngủ của bà không còn là nơi ngủ mà đã thành phòng khách lộng lẫy, sáng trưng, đầy vẻ mời mọc. Đêm đêm, bà bật ngọn đèn chùm ba tầng, thứ đèn chỉ dành cho đại sảnh, để ngắm bóng mình phản chiếu trên những ô cửa kính. Hoặc bà mở hết cỡ những đĩa nhạc, rồi nằm lên giường bịt tai lại cho khỏi đứt màng nhĩ. Khi thấy những ô cửa sổ hàng xóm lần lượt mở ra, và những cái đầu thò ra khỏi các ô cửa đó nhìn về phía căn nhà của bà với nỗi căm ghét không che đậy, bà lại sợ hãi tắt vội đi. Tất thảy những gì bà làm để khiêu khích ông đều vô hiệu. Có lẽ tình yêu của ông dành cho bà đã chết. Nó chết đuối ở sông Hồng. Giờ đây nó chỉ còn là một thây ma thối rữa dưới đáy phù sa. Nhưng ngược lại, bà không thể không yêu ông, nói cho đúng hơn, bà không ngừng yêu ông bất chấp mọi sự ngang trái đã xảy ra giữa hai người. Có thể là những ngang trái ấy còn khiến bà yêu ông hơn nữa, cảm thấy thiếu ông nhiều hơn nữa. Sự hung bạo và khốc liệt của thứ ái tình này là nỗi bất hạnh. Bởi ở tuổi xế chiều lẽ ra người ta phải sống với nhau bằng một mối tình êm ả, xe kết từ những tháng năm quá vãng.
Nhiều lần, bà tự nhủ:
― Ta đã có tất thảy. Chỉ còn một việc ta chưa dám làm mà thôi. Hãy thử xem sao.
Nhưng mới chỉ nghĩ đến điều ấy, mặt bà đã nóng bừng vì hổ thẹn. Cái điều bà muốn thử, chính là cung cách mà bà thường cao giọng phỉ nhổ, ấy là lối sống của con mẹ Tư hàng cá, nổi danh không chỉ những trong đám quan lại mà còn khắp các phố phường.
Tuy nhiên, bà không ngờ rằng ông, thờ ơ với tất thảy những trò bà đã làm, lại chính là người đầu tiên nói thẳng ra sự thật. Một bữa cơm trưa, họ lẳng lặng ngồi ăn, mỗi người nhìn đi một hướng, như tất thảy những bữa cơm từ ngày họ ly thân, ông bất chợt quay lại bảo bà:
- Em đã làm đủ thứ...Còn khâu cuối cùng, sao không hoàn thành cho trọn bộ?...
- Anh muốn nói gì?
- Anh không phải kẻ tò mò, nhưng vì còn bỏ sót một cuốn sách trong ngăn kéo đầu giường nên sáng nay bắt buộc phải trèo lên lấy. Anh thấy em đã có một phòng khách giống hệt phòng khách của con mẹ Tư hàng cá. Vậy còn việc cuối cùng, sao không thử nốt?
- Anh muốn sỉ nhục em hay sao?
Bà hét lên.
Ông đáp thản nhiên:
- Trên đời này chẳng ai làm nhục nổi ai. Chỉ có con người tự bôi nhọ bản thân họ mà thôi.
Bà không thể nói thêm, nhưng con tim công phẫn:
« Ai cũng chỉ có một cuộc đời. Tội gì không hưởng. Chỉ có những kẻ ngu ngốc hoặc thui chột điều gì đó nơi bản thân mới không tìm cách sống. »
Rồi sau đó, bà tự nhủ:
« Ta sẽ làm! Ta sẽ làm! lúc ấy chớ có kêu than... »
Và bà hình dung căn phòng khách lộng lẫy của mình sẽ dập dìu lũ trai tơ, sẽ vang lừng tiếng nhạc, rượu đỏ và sâm-banh sẽ tuôn như suối. Cuộc hành lạc không chỉ còn trong phim ảnh mà sẽ xảy ra dưới ánh đèn chùm.
Những cuộc trả thù tưởng tượng như thế chỉ sống được đôi ba khoảnh khắc, bởi sau đó, bà tự nhìn thấy mình trong vai người đàn bà xấu xí sa đoạ kia, và hình ảnh ấy khiến bà buồn nôn. Bà quay trở lại địa ngục của bà, một tình yêu bất khả vãn hồi và bất khả quên lãng.
- Em uống trà đi cho ấm.
Thấy vợ lặng thinh, Vũ rót nước đưa cho Vân. Bà đón chén nước trên tay ông, chẳng nói lời cảm ơn cũng chẳng chối từ, đưa lên miệng uống từng ngụm lớn. Ông tự rót cho mình chén thứ hai, rồi cũng uống trong lặng lẽ. Trước mặt họ, hồ Tây trải một màu xám bạc. Không mảy may bóng du thuyền. Chỉ có đám thuyền chài đang bập bềnh trên làn nước, trong cuộc giành giật khắc nghiệt với mưu sinh. Gió dữ, những vàng lưới vừa tung lên gió đã thổi dạt vào lòng thuyền, khiến những con thuyền chao đảo, mũi chúi xuống như sắp bị nhấn chìm. Người ta lái thuyền lượn theo vòng tròn để gỡ lưới và tránh gió. Cứ như thế, cuộc sống tiếp tục. Vũ ngắm nhìn cảnh tượng ấy, thầm hỏi:
― Nếu như ta sống cuộc đời của người dân chài kia, liệu ta có sung sướng, hoặc ít ra có được thanh thản hơn không?
Nhưng những câu hỏi như thế chẳng bao giờ tìm được lời giải, nên ông lại tiếp tục uống cạn chén trà và nhận thấy Vân đang nhìn mình:
- Nước trà đổ vào ống tay áo anh rồi kìa. Vải ấy không tẩy được đâu. Tẩy là rách.
- Xin lỗi...Anh không để ý.
Ông đáp, và nói thêm:
- Em quả là người chu tất...về phương diện vật chất.
- Còn về phương diện tinh thần, em là con số không, là kẻ tồi bại. Có phải đó là điều anh muốn nói hay không?
Bà vặn lại, quắc mắt nhìn ông với tư thế của kẻ sẵn sàng lao vào cuộc đấu. Nhưng trong lúc ấy, mặt bà lại tái nhợt và tim đập liên hồi. Ông nhìn bà, với một chút bỡ ngỡ, một chút ngại ngần, và không tránh khỏi, một chút thương hại:
- Anh có cần nhắc lại câu nói chiều qua không? Chiều qua, chính em cũng có mặt lúc anh đang nói chuyện trong phòng khách. Ông cụ chúc mừng anh vì có được người vợ như em, vừa đẹp người vừa đẹp nết. Em biết rằng từ hồi trên chiến khu cho tới tận lúc này, ông cụ vẫn là người ngưỡng mộ em một cách thành thực.
Bà đỏ mặt, không đáp.
Ông nhắc lại:
- Hay em nghĩ rằng ông cụ làm ngoại giao?
Bà im lặng.
Ông tiếp:
- Em không dám trả lời vì em biết rằng điều ông cụ nói là hoàn toàn thật bụng. Danh hiệu ― Hoa khôi chiến khu― lẫn ― Mỹ nữ Hà thành― chính ông cụ đặt cho em chứ không phải ai khác. Điều ấy đúng hay sai?
Bà không đáp.
Ông cười:
- Hôm qua, anh nhắc lại lời khen ngợi ấy vì chính ông cụ yêu cầu. Ông cụ gởi lời thăm em.
- Nhưng anh đã nhắc lại một cách mỉa mai. Anh biết rõ điều đó.
Bà vùng lên phản ứng sau một hồi lâu lặng lẽ. Và ông mỉm cười:
- Anh đã nói rồi, chẳng ai có thể làm nhục được con người trừ bản thân họ. Cũng chẳng ai mỉa mai được kẻ khác nếu bản thân sự thật không bao hàm một thứ mỉa mai.
Mặt bà trắng bệch. Rồi sau khoảnh khắc dùng dằng, bà cúi đầu nói lí nhí:
 
- Em cũng biết vậy. Vì thế em mới lên đây tìm anh.
- A...a...ra thế...
Ông buông tiếng kêu, một tiếng kêu hững hờ, gần như vô nghĩa. Trong lúc ấy, mắt ông vẫn không ngừng chăm chú theo rõi đám thuyền chài, mỗi lúc mỗi lướt ra xa, trên mặt nước lô nhô sóng bạc.
― Anh ấy chẳng còn đoái hoài đến ta. Anh ấy không còn yêu ta nữa, dù đôi chút.
Bà thầm nghĩ, và trong cơn tuyệt vọng, bà bất thần hét lên:
- Anh là người chồng tồi tệ. Tại sao anh không quay lại nhìn em? Ít nhất em vẫn đang ngồi trước mặt anh, đang nói chuyện với anh. Một thứ lịch sự cỏn con cũng chẳng còn.
- A...ra vậy...
Ông ngạc nhiên quay lại nhìn bà:
- Nào, bây giờ anh quay lại nhìn em, anh cố gắng lịch sự cho vừa ý em và cố bắt chước một người thanh nhã...Như vậy đã được chưa?
Bà không trả lời. Và ông nói tiếp:
-Giờ anh đang chăm chú nghe em. Em bắt đầu chứ?
- Anh không thể bỏ được kiểu nói như vậy hay sao?
- Chính anh cũng không hiểu mình bắt đầu lối nói như vậy từ lúc nào. Nhưng có lẽ nó đã trở thành thói quen khó sửa.
- Anh Vũ, chúng ta đã từng sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Anh không tiếc những ngày ấy hay sao?
- Anh tiếc vô cùng, nếu em muốn biết sự thật. Anh tiếc và anh khổ tâm nhiều gấp bội phần những gì em có thể tưởng tượng. Nhưng anh không thuộc loại người có thể giả vờ quên, giả vờ mù và giả vờ điếc. Đấy có lẽ chính là đầu mối mọi sự bất hạnh dưới mái nhà mình.
- Em vẫn luôn luôn yêu anh. Nếu không, mọi sự đã khác.
- Anh biết. Cảm ơn em.
Ông bất giác cất tiếng cười:
- Nhưng giờ đây, em có thể làm tất thảy mọi điều, kể cả rập khuôn lối sống của con mẹ Tư bán cá. Anh không can thiệp. Em có quyền tự do hành động theo sở thích...
- Anh không chịu hiểu sự thật. Anh không thay đổi, dù đã gần nửa thế kỉ trôi qua.
- Sự thật nào?
- Sự thật là anh luôn luôn nhìn cuộc sống theo lối của riêng anh, chỉ riêng anh thôi. Nhưng cuộc sống vận hành theo con đường của chính nó, và vì thế lúc nào anh cũng là người phải hứng mũi chịu sào, lúc nào anh cũng phải đứng nơi đầu sông, cửa bão.
- Anh rất tiếc, nhưng con người anh là do bố mẹ anh sinh thành, tu dưỡng. Khi gặp em, anh đã thành niên, anh không thể thay đổi cho vừa khẩu vị của em.
- Bộ máy nhà nước này có vài trăm người ngang cấp với anh. Chẳng ai phải gánh chịu những nhọc nhằn thua thiệt như anh.
- Em có thể tự giải phóng em khỏi những ràng trói với anh. Em đủ tài lập lại một cuộc sống mới.
- Nhưng mà em yêu anh.
Bà lại hét lên, nước mắt lưng tròng:
- Tại sao? Tại sao anh không chịu hiểu cái điều đơn giản ấy?
Vũ im lặng. Một câu hỏi len lỏi trong đầu ông:
― Khi người đàn bà yêu, họ tin rằng họ đủ quyền làm mọi sự, kể cả những trò rồ dại nhất, phi đạo lý nhất. Tất thảy đều nhân danh tình yêu. Liệu đấy có thật sự là tình yêu hay chỉ là cuộc tìm kiếm những thoả mãn quyền năng tinh thần và sự lấp đầy các khát khao thể xác bằng phương tiện được chọn lựa? Tình yêu, có lẽ là danh từ hàm hồ nhất, bị lạm dụng nhiều nhất và dung chứa nhiều ẩn số nhất trong từ điển của nhân loại. 
Vân khóc. Bà rút khăn tay xì mũi trong lúc ông kiên nhẫn xoay chiếc chén rỗng trong lòng tay. Chỉ còn tiếng gió hú trên mặt hồ. Mỗi cơn gió quạt, chiếc lò than lại hồng rực lên, nổ lép bép. Những viên than quả bàng cháy đỏ, gần như trong suốt. Hơi ấm lan toả, vây quanh họ. Vũ cúi nhìn chiếc hoả lò, chờ đợi. Nhưng vì vợ ông khóc khá lâu nên ông tự rót cho mình chén trà nữa.
- Em đã nguôi cơn chưa?
-...
- Chúng ta đã già, không cần la hét như vậy. Anh không muốn cụ chủ quán cho rằng chúng ta là những kẻ đầu óc bất thường.
- Em chỉ muốn một điều thôi. Điều duy nhất em muốn là chúng ta hãy thương yêu nhau như ngày xưa. Như thời xưa. Như chúng ta đã từng sống.
- Anh cũng muốn vậy. Nhưng thời gian không quay trở lại. Thời gian có quy luật riêng của nó, cũng như em vừa nói, cuộc đời chỉ đi trên con đường tự nó vạch lối mà thôi.
- Em có thể làm mọi điều anh muốn, miễn là anh yêu em như xưa.
 
- Cảm ơn...Nhưng anh tin chắc rằng em chỉ có thể làm mọi điều theo ý em, và vì em...
- Anh muốn nói tới căn phòng khách tầng trên.?..Em có thể cho thợ hốt hết mọi thứ đổ ra bãi rác ngay ngày mai...
- Điều ấy chỉ gây thêm tai tiếng. Em từng biết thiên hạ nhìn những người đàn bà kiểu đó ra sao.
- Vậy anh muốn em làm gì?
- Anh không thể muốn, vì điều anh muốn với em là bất khả.
- Bất khả là vì anh luôn luôn nhìn sự vật ngược chiều với tất thảy mọi người. Hồi trên chiến khu cũng đã như vậy. Điều mà tất cả mọi người cho là đương nhiên, anh quyết liệt phản đối. Điều mà mọi người cho là bất khả, anh tìm cách làm cho bằng được.
- Anh chẳng hiểu em muốn nói gì? Thực tình là chúng ta gần như không còn nói một ngôn ngữ chung. Kì quái! Em thử cắt nghĩa xem sao?
- Anh đừng vờ vĩnh.
Bà lại bắt đầu to tiếng. Ông quay nhìn về phía sau để bà dè chừng cụ chủ quán có thể nghe rõ cuộc cãi vã của họ. Bà ngừng lời, uống nốt chén trà nguội để lấy lại bình tĩnh. Đoạn bà tiếp tục:
- Hồi trên chiến khu mọi người đều hài lòng với việc chọn cô Minh Thu cho chủ tịch. Một mình anh phản đối quyết liệt cho đến phút cuối cùng. Một mình anh bỏ phiếu bầu cô Thanh Tú. Anh còn nhớ cuộc đi tuyển quân dưới mấy tỉnh đồng bằng hay không? Chính anh Sáu đã ra chỉ thị ấy để mọi sự trót lọt.
- Anh nhớ. Ngay hồi ấy anh đã hiểu rằng người ta cố tình đẩy anh đi vắng để làm mọi điều họ muốn.
- Nhưng đó là việc riêng của tổ chức, việc của ông cụ. Đâu phải phận sự của anh?
Ông đưa mắt nhìn vợ, như nhìn một người đàn bà xa lạ đến từ xứ sở nào đó, từ sa mạc Sa-ha-ra hay quần đảo Ăng-ti-bê chẳng hạn. Và bà đỏ mặt lên trước cái nhìn của ông. Bà lặp lại, vẻ ít tự tin hơn:
- Đấy là việc của tổ chức. Em nói như vậy là sai hay sao?
Ông chậm rãi hỏi:
- Này Vân, nếu anh chột mắt, anh vẩu răng, anh lùn một thước như những chú lùn hề xiếc. Liệu em có yêu anh, có lấy anh không?
Bà im lặng.
Ông nhìn bà chăm chú và hỏi tiếp:
- Hoặc nếu anh mắc chứng bạch tạng, anh bị bệnh còi xương, anh có những bàn tay bàn chân sáu ngón, liệu em có lấy anh không?
Bà không trả lời, quay mặt nhìn ra hồ Tây.
Ông tiếp tục cuộc dồn đuổi:
- Anh vẫn nhớ kỉ niệm ngày đầu. Khi anh gặp em, cô nữ sinh phố huyện đứng tựa lưng vào cửa, đôi mắt mơ màng, cuốn ―Thằng gù ở nhà thờ Đức bà trong tay. Có lẽ anh đã yêu em khởi từ hình ảnh đó. Giờ anh hỏi, nếu anh chính là thằng gù Qua-si-mô-đô, liệu người đẹp Tố Vân có bằng lòng làm vợ anh hay không?
Bà tiếp tục nhìn ra hồ, không đáp.
Và ông hỏi tiếp:
- Những điều em không muốn, tại sao em bắt người khác phải chịu? Tại sao em áp đặt sở thích độc ác của mình lên một người tử tế với em như ông cụ? Phải chăng chính em đã gợi ý cho bà hội trưởng tiến dẫn cô Minh Thu ôm chăn chiếu đến nhà sàn?
Vân quay lại, nhìn chồng, và trả lời, với vẻ hồn nhiên xen lẫn ngạc nhiên:
- Bởi anh Sáu mời em lên, hỏi ý kiến. Bởi mọi người đều đồng tình với gợi ý của em. Bởi ông cụ chẳng phải là người bình thường. Anh không nhận ra điều ấy hay sao?
- Ông cụ là chủ tịch nước. Ông cụ là linh hồn của cuộc kháng chiến. Còn gì nữa?...
- Ông cụ là cha già của dân tộc...Anh đã quên danh vị ấy.
- Thì sao?
- Anh hỏi ngớ ngẩn. Đã là cha già dân tộc, ông cụ không thể sống như những người bình thường...Đã no phần xôi thì phải thôi phần thịt chứ? Anh là người học hành thông minh như thế, sao cái điều cỏn con cũng không hiểu nổi? Anh Sáu và bao nhiêu người khác nữa đã từng hỏi em như vậy?
- A...a...a...
- A...a...a...a...a...a...a...
Tiếng sấm nổ bùng trong đầu ông. Không chỉ một hồi mà là liên hồi. Những chuỗi sấm rền vang như những hồi sấm định mệnh nổ ngày tận thế. Vũ có cảm giác rằng hàng nghìn chuỗi mìn dây đã được gài đặt trong óc não ông, giờ đây, khi trái mìn đầu tiên bùng nổ, chính tiếng nổ của nó kích thích trái mìn thứ hai. Cứ như thế phản ứng dây chuyền tiếp tục.
Trong cơn giông, những tia sét bao giờ cũng bừng lên trước khi tiếng sấm xuất hiện. Phản ứng ấy xảy ra đối với ông, theo chiều ngược lại. Những tiếng sấm nổ ra trước, sau đó mới tới những chùm lửa điện sáng loà. Bầu trời quá vãng được rọi chiếu bởi những làn ánh sáng chói chang. Tất thảy sự vật hiện lên rõ ràng đến từng nét cắt, như núi non hiện lên nơi chân trời trong vắt mùa thu, như vườn tược hiện ra khi sương mù bị quét sạch dưới cái nắng chói chang tháng sáu.
― Giờ ta mới hiểu thứ lô-gic của người đời, đã no phần xôi thì phải thôi phần thịt. Đã được phong thánh, đã là cha già dân tộc thì không được quyền hưởng hạnh phúc bình thường. Vì thế mà họ ấn cho ông cụ cô gái già quá lứa, người đã được kêu gọi gả chồng khắp lượt, như thể kêu gọi cuộc quyên góp làm từ thiện, từ thành đoàn đến các hội đoàn khác mà không ai chịu rước đi cho. Cô gái già, ba mươi tám cân, ba mươi tư tuổi.
Tại sao họ không nghĩ rằng ông cụ chính là một quân vương? Một vị vua thời xưa có quyền được thoả mãn mọi nhu cầu thân xác, thậm chí đến mức tàn bạo và phi lý. Nếu ông cụ có một người vợ trẻ, đó cũng chỉ là một hưởng thụ quá đỗi khiêm nhường?
Tại sao họ không nghĩ rằng nếu ông cụ được hưởng một chút hạnh phúc cỏn con thì thể chất lẫn tâm hồn ông cụ càng hoàn hảo và như thế, có thể đóng góp nhiều hơn cho dân tộc?
Tại sao họ có thể tự cho mình quyền hành hạ một cách biển lận con người mà họ phải núp sau lưng để tìm được sự trợ giúp tinh thần cũng như sự thụ đắc quyền lực?
― Đã no phần xôi thì phải thôi phần thịt...„
Chính trong cái lô-gic này biểu thị sở thích độc ác của nhân loại. Một sở thích ẩn chứa tính đố kị lẫn thói ghen tuông. „
Một nghi vấn chợt đến. Ông quay lại nhìn vào mắt bà:
- Giờ anh đã hiểu mọi sự. Ngày ấy anh đã tin một cách thành thực rằng em cũng xuống núi làm công tác địch vận trong lúc anh vắng mặt trên chiến khu. Giờ anh biết rằng em không đi đâu hết. Em đã ở lại để hoàn tất vai trò cố vấn, để dồn bằng được cô Minh Thu đến ngôi nhà sàn của chủ tịch. Bởi nếu em không chớp thời cơ để đặt mọi người vào thế đã rồi, ắt thành đoàn sẽ cử cô Thanh Tú sang?
Bà không đáp, nhưng cái nhìn của bà thú nhận sự thật.
Ông hỏi tiếp:
- Em đã tập thói nói dối từ bao giờ?
Bà quay mặt đi.
Ông hỏi tiếp:
- Tổng kết lại, cuộc đời em có bao nhiêu lần dối trá? Bao nhiêu lần kể từ ngày em khôn lớn? Bao nhiêu lần kể từ ngày chúng ta thành vợ thành chồng?
-....
- Bây giờ anh mới hiểu rằng anh chính là một thằng ngu ngốc. Nhưng chưa hết. Sau anh, còn một người khác nữa cũng thậm ngu. Chỉ thậm ngu mới có thể đem lòng tin yêu và ngưỡng mộ một kẻ nhẫn tâm với mình như vậy. Ngay tối nay, anh sẽ gọi điện cho ông cụ, nói trắng ra rằng: Anh Cả ơi, anh chớ tưởng anh là người khôn ngoan, chín chắn. Anh không biết rằng anh chính là một thằng ngu, đại đại ngu.
Vân cúi mặt xuống, hai gò má trắng xanh.
Rồi những giọt nước mắt lần lượt chảy dài trên gương mặt đẹp một cách tàn héo của bà. Những nếp nhăn hiện lên sau đuôi mắt. Những chuỗi nếp nhăn ngắn hơn nhưng đậm hơn xếp hàng quanh làn môi xưa kia hồng thắm nay tái nhợt dưới lớp son màu mận già.
Còn ông, ông khép chặt hai vạt áo vì rõ ràng một cơn xốc tinh thần kéo theo cả một cơn đau thể chất. Bỗng nhiên, cả vùng ngực lẫn thượng vị của ông đau quặn từng cơn. Ôm bụng, ông nhớ lại gương mặt bà mẹ, thời ông vừa phải lòng Vân. Dạo ấy, cha ông có vẻ thản nhiên hơn nhưng mẹ ông tỏ ra nhớn nhác thật sự. Ông thường bắt gặp hai người thì thào to nhỏ. Những cuộc trò chuyện ấy tắt ngấm khi ông xuất hiện. Rồi vài tháng sau, mẹ ông mới lựa lời thủ thỉ:
― Con ơi, người xưa dạy: Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống. Cô Tố Vân tuy dung nhan xinh đẹp, vẻ ngoài giống ông giáo Lương nhưng chưa biết được tâm tính sẽ ra sao? Việc dạy dỗ con cái trong nhà phần lớn do người làm mẹ. Bậc làm cha giống như cây cột lớn chỉ lo việc nâng nóc nhà cho vững mà thôi. Người như bà Tuyết Bông khó có thể đẻ ra một cô gái tử tế. Không chỉ mình mẹ mà các bà láng giềng cũng đều để ý rằng cô Tố Vân không giao du với ai xinh đẹp. Cô chị họ Hiền Trang vừa đẹp vừa giỏi giang hễ đến gần là cô ấy tỏ vẻ khó chịu lảng đi ngay. Cô Hiền Trang kể với người nhà rằng Tố Vân tuyên bố chỉ chơi với ai vừa xấu xí vừa ngu ngốc hơn cô ấy, giống như chọn cái nền để làm cho mình được nổi bật lên. Còn trẻ tuổi mà đã ích kỉ như vậy hẳn là người độc bụng.
Lúc ấy, ông đã tìm mọi lý do để thuyết phục gia đình. Lúc ấy, ông đang si mê. Tất cả những kẻ si mê đều mù. Giờ, ông hiểu rằng mẹ ông hoàn toàn có lý. Rằng vợ ông đã cố tình xúi bẩy mọi người chọn cô Minh Thu, và tìm mọi cách đẩy bật cô Thanh Tú cho bằng được. Vân hành động theo bản năng vị kỉ: Cô ấy muốn tôn tạo nhan sắc mình bằng hình ảnh nhem nhuốc của những người đàn bà xung quanh. Điều khốn nạn hơn cả là những kẻ khác cũng có cùng một sở thích độc ác như vậy:
―Đã no phần xôi thì phải thôi phần thịt. Người đàn bà này vừa mở mắt cho ta. Sau hơn ba mươi năm chung sống giờ ta mới nhìn rõ chân tướng con người mà ta vẫn coi là vợ.
Tim ông cuộn lên những ngọn sóng lừng. Ông cảm thấy đầu và cơ thể mình như đang tách làm đôi, cả hai phần đều dập dềnh như hai con thuyền bị dồi trên đỉnh sóng. Trong cơn chòng chành ấy, không hiểu vì sao gương mặt tươi cười của chủ tịch trở về. Đấy là hình ảnh trong đêm liên hoan mừng chiến dịch biên giới, ông cụ nâng chén chúc tụng mọi người, và nói lời sau rốt:
- Xin chúc mừng toàn bộ cơ quan, trước hết là những người đàn ông có vợ đẹp. Theo tiêu chuẩn ấy chú Vũ sẽ phải uống cạn ba chén rượu đầy.
― Thật cay đắng. Chính ông cụ là người đầu tiên phong vương cho nhan sắc của cô ta. Ông cụ không ngờ rằng vì những lời khen hào phóng ấy mà ông cụ bị hại. Người ta đầy đoạ ông cụ một cách ngấm ngầm và đầy mưu tính.
Ghìm giữ một cơn đau, ông ngẩng lên nhìn bà, cười:
- Lạ lùng thay số phận. Sao em không lấy Sáu. Em chính là kẻ tâm đầu ý hợp nhất với y? Mai mỉa thật. Vì sao em lại chọn anh?
- Vì em yêu anh. Vì em chỉ yêu anh thôi. Nếu không mọi sự đã...
- Nếu không giường chiếu đã sẵn sàng, và các cuộc làm tình sẽ đầy đủ tiện nghi nhất xứ sở, dù trong thời bình hay thời chiến. Anh nói có đúng không?
-.....
- Nhưng sự trớ trêu của số phận là thường thường những kẻ có sở thích độc ác lại khó kết đôi. Bởi họ muốn bảo đảm tính độc quyền. Bởi họ muốn bảo đảm sinh mệnh cho chính họ. Với kẻ đồng mưu, họ chỉ có thể kết hợp tạm thời, còn nơi hậu trường, họ cần chọn những kẻ hiền lành ngu ngốc cho an toàn vì cuộc sống vốn lâu dài và nhiều biến động. Đó chính là lý do khiến em chọn anh, để mà yêu. Cũng tương tự như Sáu, y không chọn em mà chọn người đàn bà khác.
Bà im lặng.
Và ông chậm rãi nói tiếp, buông từng lời như muốn nghe chính những vọng âm tiếng nói của mình:
- Hơn ba mươi năm để hiểu một con người. Quả là trò chơi cay nghiệt của Tạo hoá. So với lịch sử, ba mươi năm chỉ là chớp mắt. Nhưng đối với cõi người, coi như đã cạn một kiếp nhân sinh.
Bà nhìn vào mắt ông, thấy nỗi tuyệt vọng thăm thẳm trong đôi mắt ấy...Đôi mắt người đàn ông của bà, người bà không ngừng yêu, không ngừng thèm muốn, không ngừng ước ao được sở hữu và ngự trị một cách tuyệt đối. Tháng năm không làm thay đổi những đường nét thanh tao trên gương mặt ông. Những lao lung chẳng hạ gục được con người này mà càng ngày càng đem lại cho ông vẻ đẹp. Có thể chính ông chẳng để ý đến vẻ đẹp ấy. Nhưng bà, bà đọc được nó một cách rõ ràng qua những ham muốn không ngưng cạn của chính bà và qua ánh mắt những người đàn bà xung quanh.
- Anh không còn yêu em nữa?
Bà cất tiếng hỏi, dù biết nó lạc lõng. Nỗi lo sợ trước một sự tan vỡ hiển nhiên khiến bà mất trí khôn:
- Anh chẳng còn yêu em nữa?
Bà lặp lại lần nữa, cao giọng hơn, với một nỗi nôn nao điên cuồng và một cơn khắc khoải bất khả che giấu.
Có vẻ như ông không nghe thấy những câu hỏi của bà...Có vẻ như ông đang sống ở một cõi nào khác. Hồi lâu, ông quay lại nhìn bà một cách mơ hồ như nhìn bức ảnh cũ hay thứ đồ vật nhỏ nhoi mốc thếch mà người ta lôi từ trong rương ra sau bao nhiêu năm quên lãng:
- Này Vân, có bao giờ em tự vấn lương tâm?
- Anh muốn nói gì?
- Anh muốn biết rằng em có tự hỏi em về những gì em đã làm là thiện hay là ác? Có bao giờ em thấy lương tâm không yên ổn? Hoặc em chẳng bao giờ có khái niệm về một thứ gọi là lương tâm?
- Em không biết. Em sống như mọi người. Những người đàn bà khác hành động ra sao em hành động như thế.
- Dối trá. Những người đàn bà khác không thể ngồi trong phòng của Sáu trò chuyện, bầy mưu tính kế hết giờ nọ qua giờ kia. Những người đàn bà khác không biết mua chuộc và điều khiển bà Hội trưởng Hội phụ nữ bằng những mánh khoé vặt. Những người đàn bà khác cũng không được ông cụ phong danh ― "Hoa khôi chiến khu" hay ― "Mỹ nữ Hà thành".
 
Em không trả lời anh nữa. Anh không có quyền chất vấn em. Đây chẳng phải nhà giam Hoả Lò.
Bà cau có, nhưng hai cánh mũi đỏ hoe và những cơn nức nở đã rình rập sẵn. Bà hiểu rằng bà thua cuộc. Người đàn ông ngồi trước mặt bà chẳng còn đứng trong vòng phấn định mệnh đã được vạch ra từ cuộc hôn nhân. Ông ấy đã bước qua vòng phấn đó. Bước qua một cách rứt khoát. Bước qua vĩnh viễn. Không mảy may nuối tiếc. Cuộc truy đuổi của bà là uổng công... Nhưng lòng ham muốn của bà vì thế lại tăng lên ngùn ngụt. Giống loài sói rượt mồi, bà không bỏ dở cuộc săn. Bà cất tiếng ho, lấy khăn tay che miệng. Bà cần phải tìm một phương cách nào đấy, hiệu quả hơn. Ngoài kia, những con thuyền vẫn lướt bình lặng trên mặt hồ. Sóng lao xao. Gió lao xao. Nơi đây, gió không thể lọt vào vì lưng tường quay ra hướng bắc. Lò than vẫn đỏ rực trước mắt họ. Nhưng bà vẫn phải cất tiếng ho. Cơn ho bà rặn ra không che được mắt ông, cũng chẳng khiến ông động tâm, ít nhất là vào lúc này.
Chẳng thèm quay lại nhìn bà, ông cất tiếng:
- Bây giờ anh mới hiểu vì sao bao nhiêu năm chúng ta lận đận trong chuyện sinh con. Người đàn bà như em không thể làm mẹ. Bởi nếu em có con gái như những người đàn bà khác, chính em sẽ ghen với con em khi nó tới xuân thì, giống như mụ hoàng hậu dì ghẻ trong chuyện cổ tích ghen tuông và truy đuổi nàng Bạch Tuyết. Mẫu người đàn bà như em đã có tự ngàn xưa.
- Anh không cần nói thêm nữa. Đủ rồi.
Bà vặc lại. Nhưng ông không ngừng lời. Bà chẳng còn quyền lực đối với ông. Ngọn bùa yêu danh tiếng của bà đã hết quyền phép. Bà hoang mang cúi nhìn những ngón tay ngà ngọc của mình đeo lủng liểng các loại nhẫn, dáng nét còn thanh tao nhưng da đã nhăn mốc từng đám và nổi đầy vết đồi mồi. Trong lúc đó, ông tiếp tục trút nốt cơn uất hận:
- Có điều, những người đàn bà như em lại thiếu óc thực tiễn. Chẳng thứ nhan sắc nào tồn tại mãi với thời gian. Cái còn lại lâu bền nhất với con người, chính là tình yêu và tinh thần đạo đức.
- Đạo đức?
Bà cất giọng cười khẩy, mặt bỗng nhiên bừng bừng như lửa:
- Người đạo đức nhất trên đời này là mẹ anh. Sao anh không ngủ với bà ấy đi?
- A...a...a...
Ông há hốc mồm, một cử chỉ vô thức. Ông không điều khiển nổi mình. Hình như ông định cất tiếng kêu. Hình như ông định nói điều gì đấy. Nhưng một ngọn triều đen thẫm, cao lừng lững như bức tường thành, đột nhiên dựng đứng trước mặt ông, giống ngọn triều biển Quảng Ninh năm xưa, đêm bão lớn. Ngọn triều hung hãn đó bổ chụp xuống đầu ông, nhấn chìm ông dưới vực đá...