SONG TẤU (7)

Hai người im lặng. Vũ nhìn ông với cái nhìn khắc khoải:
« Anh đã quá già và quá nhiều đau khổ để còn nghĩ tới những vấn đề như thế. Đời người hữu hạn mà, hãy để cho dòng nước chảy xuôi. »
Còn ông, ông trầm ngâm nhớ tới một ngày xuân trên chiến khu Việt bắc. Lần ấy, đúng dịp Tết Nguyên Đán, cả cơ quan hè nhau làm những món ăn cổ truyền. Trong các món cổ truyền, đứng đầu bảng là tiết canh, lòng lợn. Không những chỉ riêng nhà bếp mà dường như toàn thể nhân viên cơ quan tham gia vào chuẩn bị cuộc ẩm thực quan trọng này. Buổi trưa, văn phòng mang lên cho ông một khay tiết canh lòng lợn. Thời chiến tranh, một miếng thịt cũng đã coi như bữa tiệc, bởi có những thời gian dài, cả cơ quan ăn sắn trừ cơm. Năm trước đó, bên đại đội báo vụ có một chiến sĩ phát điên vì phải ăn sắn liên tục sáu tháng. Cậu ta vốn con nhà khá giả chưa từng chịu đựng sự thiếu thốn. Sáu tháng trời không có một hạt cơm, một miếng thịt hay cá vào bụng, ngày nào cũng sắn, hết luộc lại nướng, hết nướng lại nấu canh xuông với muối và rau rừng, người trai đô thị này đâm ốm, da xanh bủng, bụng trướng như đàn bà có thai. Một sáng, khi nhìn thấy anh nuôi bưng lên mấy rổ lặc lè sắn luộc, chàng trai bỗng nhảy dựng như choi choi giữa sân, la thét inh ỏi tựa hồ bị quỷ ám rồi sau đó anh ta cởi bỏ hết áo quần, ôm đầu chạy tuốt vào rừng...Sự việc ấy ám ảnh ông. Bởi vậy, ông ý thức được những nhu cầu của sự sống. Tuy thế, ông không thể nào ăn được cái món ăn bổ dưỡng cổ truyền kia. Ông nhìn bát tiết đặt trên khay một cách chỉn chu. Một bát chiết yêu đầy tràn tiết đỏ, đông cứng như thạch, bề mặt rải đều lạc rang lẫn rau thơm thái vụn. Thêm vào đó là chiếc chén nhỏ xíu đựng ớt tươi. Cần vụ bưng khay thức ăn cung kính đặt trước mặt ông rồi chần chừ đứng lại dường như muốn xem ông ăn có ngon lành hay không, bởi vì đối với tất thảy mọi người đây hiển nhiên là bữa tiệc long trọng nhất trong năm.
- Để đấy cho tôi. Chú xuống nhà ăn trước với anh em...
Ông đáp vồn vã để cho anh lính yên tâm đi ra. Còn lại ông với bát tiết canh, ông nghĩ kế thủ tiêu nó một cách kín đáo. Ông vốn sợ mùi máu từ nhỏ, cho dù nó được nguỵ trang bởi các loại mùi thơm khác nhau của gia vị, nào húng chó húng thơm rau răm rau mùi, nào hành hoa hành củ, nào lạc rang, ớt tươi giã nhỏ. Mỗi lần gia đình chọc tiết lợn, ông lỉnh ngay ra ngoài đồng. Không ai ép được ông ăn cái món ăn khủng khiếp ấy, cái món ăn mà người ta cho rằng đáng được ao ước nhất khi ngả thịt một con lợn, cái món mà các lão ông, lão bà đánh giá là « bổ cả âm lẫn dương ». Người ta riễu ông:
« Thằng này học khôn nhưng ăn thì ngu hạng nhất ».
Ông cũng không rõ vì cớ gì ông dị ứng với cái món ăn cổ truyền này đến thế. Rồi lúc thành niên, sống ở Paris, lần nào đó ông xem một cuốn phim phong tục châu Phi, nhìn thấy dân bản xứ chọc tiết bò rồi vục đầu xuống chậu, uống máu tươi còn nóng hổi, da ông bỗng sởn gai ốc, mồ hôi vã ướt sống lưng. Mặt ông hết nóng bừng rồi lạnh ngắt. Ông tưởng chừng những người xung quanh đang nhìn ông, phát hiện ra trạng thái tinh thần kì dị của ông, đoán được những ý tưởng thầm kín trong óc não ông... Ông ngồi chết cứng trong rạp, cho đến khi buổi chiếu kết thúc, chờ những người khác đi vãn mới đứng lên. Bên ngoài, trời rét cóng. Mồ hôi trong lưng áo ông ướt lạnh khiến toàn thân run cầm cập. Ông phải quay vào phòng vệ sinh, lấy nhật báo lót cả trước ngực lẫn sau lưng rồi mới về nhà. Ban đêm, giấc mơ của ông đỏ nhoè máu. Những con vật bị chọc tiết, máu toé thành vòi, kêu thét, co giật, rãy giụa một cách điên cuồng và tuyệt vọng. Những cái miệng nhoe nhoét máu tươi. Những nụ cười cũng nhoe nhoét máu tươi...Tất cả cùng đồng hiện, chồng chéo, quay đảo, khoan xoáy tâm trí ông. Lần đầu tiên ông hiểu nguyên do nỗi sợ hãi của mình từ thời thơ ấu. Giống như lần đầu tiên ông cầm đèn rọi sáng một căn hầm mà bóng tối kinh niên hù doạ con người. Nhờ cuốn phim phong tục châu Phi kia, ông tìm được một so sánh, một phóng chiếu. Ông biết rằng sự cảm nhận những khuyết tật của giống nòi cũng tựa hồ như cơn sốt. Phải chịu đựng nó trước khi có thể chữa khỏi.
Đêm ấy, không thể nhắm mắt ông đành ngồi dậy đọc sách cho tới sáng, khi những ngọn đèn đường trở nên trắng nhợt trong ánh dương.
Rồi bão tố cách mạng cuốn ông vào vòng xoáy. Nhiều năm, ông tưởng chừng không còn băn khoăn về những thứ mà ông coi là « khuyết tật của dân tộc ». Ông có quá nhiều việc phải toan tính. Cuộc đấu tranh giữa dân tộc của ông với những kẻ ngoại xâm luôn luôn là cuộc đấu không cân sức, mà cán cân bao giờ cũng ngả về phía ngoại bang. Trong tình thế ấy, ông không thể để tâm tới những tiểu tiết. Ông phải tập hợp dân chúng, bởi đoàn kết là sức mạnh duy nhất, nguồn năng lực duy nhất đem lại khả năng chiến thắng trong cuộc đọ sức chênh lệch này...Vì đoàn kết, ông phải chiều theo cả những thứ trong thâm tâm, ông coi là « khuyết tật »... Vì đoàn kết, ông phải giả mù nhiều phen trước những hành vi lỗ mãng những cách ứng xử hèn mọn mà ông biết chắc chắn đó là thói quen của sự phản văn minh.Vì đoàn kết, ông phải thoả hiệp với những kẻ mỉa mai sau lưng ông là « người trong máu có rượu Booc-đô... »
Vào ngày tết trên chiến khu năm ấy, ông đã trút bát tiết canh vào chiếc ống tre vẫn dùng đựng nước, chờ đến chiều tà khi mọi người ra sân chơi bóng chuyền, mới đem ra nhà vệ sinh...
- Anh làm sao vậy?
Vũ cất tiếng hỏi đột ngột. Ông hiểu rằng ông vừa đưa tay lên ngực để chặn một cơn nhói trong tim:
- Thi thoảng, những cơn co thắt lại xuất hiện.
Ông đáp, và mỉm cười:
- Với tuổi già, mọi thứ đều khả thể, ngay cả cái chết. Cho nên, khôn ngoan hơn cả là phải biết chung sống với bệnh tật. Và những thất vọng...
- Trước hết là những thất vọng.
Họ im lặng. Một khoảnh khắc chông chênh lướt qua không gian mùa xuân, thời khắc mà hơi ẩm đan xen ánh nắng tạo thành lớp bọt biển trong suốt. Họ cùng nghe tiếng véo von của một cặp sơn ca đâu đó vẳng lại. Rồi anh chàng cận vệ béo xuất hiện trước trước cửa chùa:
- Thưa chủ tịch, văn phòng vừa điện lên mời thủ trưởng Vũ xuống sân bay.
- Mấy giờ máy bay phải cất cánh?
Vũ hỏi.
- Dạ, văn phòng không nói rõ.
- Chú quay lại gọi điện hỏi chính xác giờ bay.
Chú lính quay đi tức khắc.
Ngoài sân, nắng trải vàng như mật ong, màu vàng vắng lặng và ngưng đọng của đỉnh non. Cùng với màu vàng ấy, chẳng phải thứ không gian oi ả thường gặp nơi đồng bằng miền Bắc nhưng là làn hơi mát thanh cao êm ả, thứ khí hậu của mùa thu châu Âu. Ông bất giác nhắm mắt lại vì tưởng như đang còn lang thang dọc sông Seine vào mùa lá thay màu, những rặng cây hai bờ điệp vàng hay đỏ thắm, hắt lên khung trời ngọn lửa rực rỡ và mong manh. Những cây cầu trắng hiện lên trong sương mù dường như không thực bởi chúng chẳng dành cho những kẻ bộ hành mà chỉ được dựng nên cho các hoạ sĩ và thi sĩ. Ông thấy lại những sườn dốc xanh rờn vùng đồi Monmartre. Những ngọn đèn dọc phố và những mũi tên chỉ quán rượu bên đường. Châu Âu, một phần đời ông đã trải qua nơi ấy. Ông nhận biết nó bằng những cảm xúc đã ghi khắc đã vĩnh định trong da thịt, bằng vị rượu chát rẻ tiền trên lưỡi và tiếng ồn ã phố phường trong tai, bằng nỗi nhớ nhung màu nắng, màu trời. Những kỉ niệm tươi thắm của tuổi xuân kèm theo nỗi buồn xa xứ. Khi sống ở phương trời ấy, ông đã nhớ quê hương, ông đã thiếu vắng tổ quốc như si dại như điên rồ. Còn bây giờ, không biết vì đâu ông lại nhớ phương trời xa xôi đó? Điều khó hiểu là lúc này nó lại trở nên một vùng thiếu vắng trong ông...Nỗi nhớ ấy càng ngày càng da diết, càng ngày càng khiến tim ông thổn thức. Buồn ơi, se sắt là buồn!...Nhớ ơi, cồn cào đau đớn nhớ! Châu Âu! Châu Âu! Phải chăng đối với ông, châu Âu chỉ là cái cớ, bởi nó gợi cho ông tuổi trẻ đã qua. Phải chăng ông nhớ châu Âu vì ông nhớ những giấc mơ chưa thành, những con đường dang dở. Phải chăng châu Âu là vùng trời vừa thù nghịch vừa thân thiết và vì thế, nó sẽ là kẻ đồng hành thầm kín và dai dẳng cho đến phút xuống mồ? Ông đã gắn bó với một miền đất vừa xiết bao gần gũi vừa vĩnh viễn không thuộc về ông? Đây là bi kịch của riêng ông hay là nỗi khổ đau truyền kiếp của con người?
- Thưa thủ trưởng, văn phòng nói máy bay cất cánh lúc bốn giờ đúng.
Chú lính đã quay lại báo cáo.
Vũ đáp một cách cộc lốc:
- Bảo văn phòng rằng bốn giờ tôi quay xuống, năm giờ bay cũng chưa muộn.
- Dạ.
Ông chờ cho cậu lính quay đi, bảo Vũ:
- Chú căng với họ làm gì? Thời nào mà chẳng có nha lại?
- Đôi khi cũng phải vả vào mặt họ một cái, để họ nhớ rằng chúng ta
là chúng ta. Không phải ai cũng biến thành đầy tớ của chúng nó.
- Lỗi không phải ở những con người nhỏ bé như vậy.
- Anh quên rằng mọi ngai vàng đều bị các đội cấm quân lật nhào, và những kẻ nhỏ bé không có nghĩa là chúng không nuôi những giấc mơ to lớn. Anh đã quên Quốc Tuỳ là ai? Xuất sứ y chính là gã móc túi nhà nghề chợ Sắt. Bị đòn thập tử nhất sinh vì không chịu nộp tô cho trưởng băng một đêm y đã lén đâm chết đại ca khi gã này đang nằm trong giường nhà thổ. Rồi y trốn khỏi thành phố quê hương lang bạt vào Nam kì làm phu đồn điền. Ở đấy, y được giác ngộ đi theo cách mạng và trở thành thủ hạ của Sáu từ khi hai người cùng ở một xà-lim nhà tù Sơn la.
- Tôi tưởng y nhỏ tuổi hơn Sáu nhiều?
- Chính xác như vậy. Chúng nó hơn nhau cả một giáp. Thế nên trong nhà tù, Sáu biến thành đại ca ruột của Quốc Tuỳ. Chúng cũng hành xử với nhau theo kiểu như vậy. Quốc Tuỳ thường đổ bô, giặt quần áo, và cả gãi lưng cho Sáu. Thế nên sau này Sáu mới bổ nhiệm y làm bộ trưởng bộ nội vụ. Đó là bộ quan trọng nhất, nhiều quyền lực nhất, ai cũng biết. Lúc đó, nhiều đồng chí thấy được nguy cơ đã phản ứng, nhưng Sáu thẳng tay đàn áp. Sức mạnh của y chính là ở chỗ y biết sử dụng những kẻ mà anh gọi là nhỏ bé. Rồi đến lượt những kẻ nhỏ bé này lại sử dụng những kẻ nhỏ bé hơn. Lý lịch tối ưu là phải thất học và đã từng là tội phạm. Sau thứ tối ưu này là phải thật sự nghèo khổ và ngu dốt, chồng con mẹ Tư hàng cá là ví dụ điển hình. Hai loại người này đều trở thành rường cột của Sáu. Chúng có thể làm bất cứ điều gì mà y muốn. Anh đã quên bản tổng kết của anh Lê Liêm?
- Mọi sự đều quá muộn.
- Vâng! Quá muộn!...
Ông nghe tiếng người đàn em nuốt nước bọt, dường như đang nuốt cục hận trong họng. Ông muốn nói điều gì đó để an ủi Vũ nhưng không tìm ra lời. Ông có thể làm gì cho Vũ và Vũ có thể làm gì được cho ông trong tình cảnh này? Mọi bài toán đều bất khả. Nhưng ít nhất khi ngồi bên nhau họ cũng có được niềm an ủi thầm kín làm nguôi dịu nỗi đau. Ngoài sân, một cơn gió đi qua khiến cây vườn xao xác. Tiếng chim rừng hót dội từ bên kia vực hoà với tiếng lảnh lót của hoạ mi trong vườn chùa làm thành dàn giao hưởng êm đềm và hoang dã của núi non. Cớ chi non nước tươi đẹp như vầy mà lòng người đớn đau đến thế? Từ khoảnh khắc nào ông biến thành kẻ phạm tội với chính ông, và những người ràng buộc với ông? Ồ, câu hỏi này chưa ngừng hành hạ con tim già nua của ông, và có lẽ nó sẽ còn hành hạ ông tới lúc chết.
Một cơn gió nữa đi ngang bầu trời. Đám lá vàng bị gió cuốn bay lào xào qua sân. Dường như trời có vẻ lạnh hơn hay hơi nước từ các đám mây bao quanh chùa khiến ông rùng mình. Nắng trên sân đã ngả sang màu vàng nhạt. Rất có thể một cơn mưa xuân sẽ ào tới trong vài phút nữa:
- Có lẽ chú phải xuống núi ; tôi e trời mưa.
- Vâng, em cũng phải về vì còn nhiều việc chờ đợi. Vả lại, máy bay chỉ đăng kí nội trong ngày.
Nói đoạn Vũ nhìn vào mắt ông:
- Anh Cả yên tâm tĩnh dưỡng. Mọi sự vẫn như thường. Dù thường xuyên sống ở nơi sơ tán, thằng bé vẫn học rất giỏi. Nó vừa giật giải toán Marie Quyri trong kì thi khối trường trung học toàn thành phố.
- Cảm ơn chú.
- Có điều này nữa, em cũng phải nói thật với anh.
- Tôi nghe.
- Trung đã đến tuổi biết suy nghĩ, động tâm về mọi chuyện. Để tránh cho cháu những đau buồn, em phải nói với nó rằng nó chính là con của em, con ngoại hôn.
- Chú làm như vậy là rất đúng. Con ngoại hôn còn sung sướng ngàn lần hơn đứa trẻ không mẹ cũng không cha.
Họ cùng đứng dậy, một người cúi đầu nhìn xuống những viên gạch cũ kĩ lát nền chùa, một người nhìn ra ngoài trời, nơi những vẩn mây tê tê đang tụ lại thành bức tường mây trắng.

*

Đêm hôm ấy, ông đi ngủ rất sớm.
Khi bác sĩ tới thăm mạch cho ông đã thấy cửa đóng, đèn tắt. Hai người lính gác ca đêm đứng trước hiên. Những ngọn điện đầu hồi rọi sáng một nửa mảnh sân chùa và các lùm cây ở rìa khu vườn. Bác sĩ không dám hát vì sợ kinh động giấc ngủ của ông nên quay về phòng lấy cỗ bài Tu-lơ-khơ, rủ hai chàng lính chơi.
- Nhớ là không được cười to cũng không được la hét. Nếu sướng quá thì phải bụm môi, che miệng rồi mới được cười. Ai thua sẽ bị vẽ râu nhọ nồi lên mặt nhưng tuyệt đối phải im lặng, nhớ chưa?
- Tuyệt đối tuân lệnh bác sĩ.
Trong phòng, ông nghe tiếng họ thì thầm, tiếng lục cục kê bàn ghế và tiếng chân bác sĩ đi qua mảnh sân xuống khu vực bếp nhà chùa. Chắc hẳn cậu ta đi lấy nồi để vẽ râu người thua. Rồi khi mọi sự chuẩn bị đã xong, đám người ngồi vào chia bài, sung sướng sống với cuộc đỏ đen vô hại của họ. Từ lúc ấy, ông không còn nghe thấy một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng thét của chính tâm hồn mình:
« Con ơi, con của ta ơi! Con trai của ta ơi! »
Nước mắt hai bên thái dương ướt lạnh. Ông lấy chiếc gối đè lên mặt để những cơn nức nở khỏi bật lên:
« Tại sao ta lại khóc như một người đàn bà tầm thường trong những gia đình tầm thường nhất? Từ bao giờ xảy ra cái sự kì cục này? Chẳng lẽ tuổi già làm cho con người đổi thay đến vậy? »
Ông tự sỉ mắng mình nhưng chỉ vài giây sau, con tim ông lại thét lên:
« Con ơi, con trai của ta ơi! ».
Và cùng lúc, nỗi thiết tha cháy bỏng được nhìn thấy mặt thằng bé khiến ruột ông quặn lên từng hồi:
« Nó có cao hơn đứa con người tiều phu hay cũng vậy? Và gương mặt nó giờ đây ra sao? Ta chỉ còn lưu giữ hỉnh ảnh nó khi tròn ba tháng. Chẳng ai ngờ đó là lần gặp cuối cùng. »
Ông hình dung lại gian nhà gác nơi phố cổ, lối vào phải qua một hành lang dài lúc nào cũng có ba người túc trực trong quần áo dân thường. Hành lang ấy hẹp và rất tối, kéo dọc theo một bức tường dầy, làm ranh giới ngăn cách với một ngôi nhà khác, thuộc một thương gia. Người thương gia này mở cửa hàng buôn bán ở tầng dưới, nàng ở tầng trên cùng với người chị gái. Một cây cầu thang đồ sộ chạy hình xoắn ốc với hàng lan can gỗ dẫn từ hành lang âm u đó lên tầng trên, nơi những căn phòng cao ráo tường quét vôi xanh nhạt. Căn phòng ấy một thời ngắn ngủi là tổ ấm của ông. Tổ ấm, chưa kịp ấm đã tan tác theo gió cuốn... Giống như sao chổi, hạnh phúc lướt qua đời ông. Ông chưa kịp nhìn rõ, nó đã biến mất. Hạnh phúc, cũng như cát trong lòng bàn tay ông. Chưa kịp nắm tay, cát đã trôi tuột qua các kẽ ngón...
...Nhưng dẫu sao, nó vẫn là hạnh phúc....
Ông tưởng đã quên, nhưng nó quay về. Ánh hồi quang của một ngày xuân cũ. Tia chớp rọi chiếu trong khoảnh khắc hình ảnh thiên đường đã qua....Gian phòng xưa. Chiếc giường xưa. Thằng bé đạp lung tung trong đống tã trắng. Nó mỉm cười với ông. Cặp môi đỏ cong lên hóng chuyện. Và nàng!...Nàng ngồi phía cuối giường. Ngón tay nàng cuốn sợi len đỏ. Những búp len nhỏ nhiều màu sắc bừa bộn xung quanh. Nàng làm gì với những múi len ấy nhỉ?
Giờ thì ông nhớ ra rồi, nàng cuốn len làm con búp-bê mới để treo lên quang nôi cho thằng bé chơi. Con búp-bê cũ đã bị chị nó làm hỏng từ vài tuần trước. Nàng kể lại như vậy, vì hai ba tuần ông mới tới thăm mẹ con nàng một lần.
Khi nghe nàng kể chuyện, ông hỏi con gái của ông đâu. Nàng nói rằng nó đã đi ngủ với dì Đông. Ông không hỏi gì thêm nữa và nàng phụng phịu nói rằng ông thương thằng Trung hơn con Nghĩa, rằng như thế là ông còn trọng nam khinh nữ, ông vẫn sống theo kiểu người phong kiến. Ông mỉm cười vì nàng nhắc lại cho ông nghe đúng những bài tuyên truyền mà đám cán bộ tuyên huấn dạy nàng. Và chính ông đã dạy họ.:
« Cách mạng sẽ dựng nên một xã hội mới, trong đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không phân biệt sắc tộc, tôn giáo và giới tính. ».
Ông không biết nàng nói gì, bởi ông chỉ chăm chú nhìn làn môi thơ trẻ của nàng phụng phịu, ông nhớ lại cặp mắt bồ câu đăm đăm nhìn ông qua ánh lửa đêm rừng. Ông mỉm cười nghe bài diễn thuyết của nàng trong khi thằng bé đang đạp nhoáy nhoáy giữa đống tã trắng. Ông mải mốt nhìn nó, thấy là nó đã thừa hưởng những nét trội nhất của nàng lẫn của ông:
« Nó sẽ vô cùng khôi ngô. Nó sẽ trở thành một chàng trai bảnh bao lịch duyệt. ».
Chắc chắn là nàng đã nhận ra vẻ thiên vị ấy nên một lần nữa nàng nhắc lại:
- Chủ tịch phải yêu cả hai đứa một cách công bằng chứ?
- Ồ...đương nhiên. Con nào cũng là con...
Ông đáp cho nàng vui lòng. Thực ra ông cũng rất yêu Nghĩa, con bé giống hệt người chị mà ông yêu quý nhất trong gia tộc, mà người chị ấy lại giống ông như hai lưỡi cày đúc cùng một khuôn. Bởi vì nó là hình ảnh của chính ông nên phải chịu thiệt thòi. Trong đứa con trai, ông tìm thấy hình ảnh nàng, người yêu dấu.
Bây giờ, nàng không còn nữa. Không còn ai phụng phịu hờn dỗi vì sự thiên vị của ông, nhưng chính ông nhận ra điều đó:
« Ta có hai đứa con, một gái một trai, đứa nọ hơn đứa kia có một tuổi. Vì cớ gì ta chỉ nhớ đến đứa con trai? Ta, kẻ vẫn dạy mọi người về sự bình đẳng giữa nam và nữ? »
« Nhưng sự nguy hiểm dành cho con trai ta nhiều hơn là con gái. Do đó tội trạng của ta đối với nó chắc chắn cũng nhiều hơn. Vì lý do ấy, nỗi ám ảnh thường trực là nỗi ám ảnh về đứa nhỏ. »
Ông tự bào chữa.
Cho dù lời bào chữa ấy vô cùng yếu ớt, ông cũng không quay trở lại lục vấn trái tim mình. Vô ích. Bởi tất thảy những ngả đường suy tư đều dẫn ông quay về chốn cũ. Ông nhớ con trai điên cuồng. Sau mười năm tưởng đã có thể quên, nó bỗng quay lại, trở thành nỗi đau thường trực, trở thành vết rách há miệng trong con tim ông. Giấc mơ quên lãng đã tan như đám mây trước mặt trời và lúc này, một khát khao thiêu đốt:
« Giờ đây nó ra sao, con trai của ta? Nó có bao giờ tự băn khoăn về lịch sử bản thân hay sống dưới vòng tay bảo trợ của chú Vũ, nó tin đinh ninh rằng nó là con trai của một liệt sĩ mai danh ẩn tích, và bây giờ là đứa con ngoại hôn của chính người cha nuôi? Nó sẽ tin như vậy. Tin như vậy, ít nhất nó cũng tìm được một nơi bấu víu. Con ngoại hôn? Có lẽ số kiếp đã tiên liệu vì cuộc tình giữa nàng với ta là cuộc tình ngoài lề luật. Những cuộc tình ngoài lề luật ắt phải cho ra đời những đứa trẻ ngoại hôn. Tội nghiệp thay cho tất cả chúng ta, những kẻ lâm nạn trong trò chơi oan nghiệt này. Giờ đây đứa con ngoại hôn của ta ra sao? Nó giống nàng hay giống ta, hoặc còn giữ nguyên vẹn những nét lai thuở ba tháng tuổi?...Da nó có được trắng như mẹ nó hay không? Sau lưng nó liệu có cái bớt chàm như cái bớt trên lưng ta, vì chị Thanh nói rằng chỉ khi ta hơn mười tuổi, cái bớt ấy mới xuất hiện. ».
Những nghi vấn đắm đuối ấy ông không thể nói với ai, ngoại trừ nàng. Ông biết người ta theo rõi từng lời ông phát ra khỏi miệng. Ngay một khi ông liều lĩnh nói với Vũ, Vũ cũng không thể đem ảnh Trung lên, bởi Vũ cũng bị theo rõi ráo riết như ông. Nếu để lọt ra một dấu hiệu chứng tỏ lòng ông còn tha thiết, thằng bé sẽ còn bị sử dụng như một thứ vũ khí đắc lực hơn nữa trong tay kẻ thù.
Biết rõ như vậy, mà ông vẫn không thể dẹp đi cơn khắc khoải:
« Cha già con cọc là thế này đây. Kẻ tiều phu xấu số kia có bị dày vò như ta vào lúc này? Không! Không!...bởi ông ta đã chết ngay trong võng, trên đường trở về nhà. Như vậy, nếu có lo âu, đau khổ, ông ta cũng chỉ nếm trải cảm giác ấy trong vòng một vài giờ, chưa kể là ngay trong thời gian ngắn ngủi đó, cơn đau sẽ làm não ông ta tê liệt. »
Phụ tử tình thâm, lần đầu tiên ông thấu hiểu ý nghĩa câu nói ấy.
Thời thơ dại, ở tuổi làm con, tâm hồn ông còn chưa hướng tới một chân trời xa xôi, tai ông chỉ nghe tiếng gió thổi trên giải đất quê hương, mắt ông chỉ đăm đăm nhìn về mái tranh tổ phụ. Công cha, nghĩa mẹ, ông chỉ biết tới những thứ tình cảm ấy như mọi con người bình thường khác. Nhưng rồi những thứ tình cảm cốt tuỷ ấy trở nên mờ nhạt hơn, sao nhãng hơn khi con tim ông quay về một mối tình rộng lớn và trừu tượng:
Đất nước. Dân tộc. Xứ sở...
Những danh từ ấy gợi nên sự vĩ đại, sự siêu tuyệt...Mọi thứ siêu tuyệt đều trừu tượng. Cách mạng là một thứ gì đó còn vĩ đại hơn, siêu tuyệt hơn. Và vô hình hơn..... Và vô nhân tính hơn... Ông nhớ rằng năm cách mạng thành công, người chị ông từ xứ Nghệ ra thăm, ông đã không dành được một buổi để hàn huyên với người đàn bà mà ông vốn coi như người mẹ thứ hai thời ông còn thơ dại. Người đàn bà ấy suốt đời là gái trinh. Gái trinh cho tới lúc chui vào cỗ quan tài. Cuộc đời bà là sự hy sinh trọn gói cho những người thân thuộc...Không được đứa em tiếp đón, chẳng nửa lời than thở, chị ông lẳng lặng khăn gói ra về...Ngày ấy, con tim ông đã một lần bị cứa rách...Nhưng rồi ông buộc phải quên...Và ông đã quên... Suốt cuộc đời ông, ông đã quen chấp nhận và thi hành sự quên lãng. Sự quên lãng được chỉ định. Sự quên lãng được tiêu chuẩn hoá. Sự quên lãng được kế hoạch hoá...
Nhưng lần này, ông không thành công. Những con tầu bị đánh chìm bỗng trồi lên mặt biển, hú còi. Những thây ma dưới đáy bùn đại dương không thể thối rữa đã trồi lên mặt nước, dập dềnh, quăng quật trên đỉnh sóng. Tất thảy địa ngục của ông là ở đây:
Bỗng dưng ông muốn làm cha!...Bỗng dưng ông không thể chấp nhận quên lãng. Bỗng dưng ông nhớ đứa con trai và hình dung ra dáng vẻ của nó từng giờ. Bỗng dưng ông thèm muốn được nhìn thấy nó, dù phải đứng từ xa, dù phải ẩn núp sau một bụi cây hay bức tường nào đấy ; vô danh vô diện và tủi hổ như một gã đàn ông giăng gió đẻ vãi đẻ rơi đến lúc về già ăn năn sám hối tìm cách nhìn trộm giọt máu lạc loài của chính mình....