Với nạn nhân, tức Năm Tụ, hậu quả của viên đạn bắn ra không đến nỗi ồn ào như đối với tất cả những người khác khi mà họ đứng ngoài không bị trúng đạn. Tương đối yên tĩnh và thản nhiên. Nếu tổn thương lớn nhất đối với con người về tinh thần là nỗi nhục nhã, thì về mặt thể chất là sự đau. Đau không phải là bệnh, mà là một sự kêu cứu, sự báo hiệu một nguy cơ nào đó. Sau khi trúng đạn, Năm Tụ bị choáng ngất. Không đau, không còn cảm giác tồn tại suốt nhiều ngày đêm. Khi lơ mơ nhận ra mình bị đau ở một nơi nào đó trên cơ thể. Khi còn đau tức là chưa chết. Còn đau, nghĩa là còn tồn tại, hình như Tụ đã nghĩ thế. Nhưng trong mịt mù lúc đậm đặc, khi tan loãng bằng những sắc màu khác nhau, khi thì vàng đục, lúc lại trắng sữa, và rồi, tối thẫm, đen ngòm... bao trùm lên sự sống, Năm Tụ lại trôi vào dòng sông sâu, chảy xiết định mệnh. Cái mà Tụ nhận thức được khá mạch lạc, rõ ràng là cái chết! Quái lạ nhỉ, sao mãi đến bây giờ Tụ mới nghĩ đến cái chết, rộng hơn là anh nghĩ đến sự chết. Cứ mỗi lần tỉnh lại, thoát ra khỏi đám sương mù ẩm ướt và dính như keo đặc, Tụ lại nghĩ về sự sống. Sự sống được cấu tạo bởi vật chất, bằng những phân tử hữu cơ, bằng các-bon, hyđrô và một ít linh tinh khác, can-xi, sắt thép chẳng hạn. Nhưng cuộc sống thì lại được làm nên bằng ma quỷ và thần thánh. Đúng, chỉ có ma quỷ với thần thánh mới làm nên cuộc sống, làm nên kiếp con người. Ma quỷ và thần thánh vốn chung một loài, chỉ khác nhau về đẳng cấp mà thôi. Thần thánh, tuy cùng loài với ma quỷ nhưng thần thánh thuộc đẳng cấp cao hơn (hay tưởng tượng là cao hơn). Nếu thần thánh là bộ trưởng, giám đốc, trưởng ban, chủ tịch… thì ma quỷ là thần dân, là phó thường dân, là những tên ăn cắp vặt, ma cô, dắt mối. Thế giới thần linh cũng phân biệt đối xử, cũng chia năm xẻ bảy, kéo bè, kéo cánh. Ma quỷ hay thánh thần thì cũng là loài ăn hương, ăn khói, ăn những lời cầu xin, hứa hẹn. Ồ lạ nhỉ, chỉ bằng hương khói mà loài ma quỷ, thần thánh cũng cứ tồn tại. Sự tồn tại của loài này phụ thuộc vào con người, đúng hơn là vào cuộc sống con người. Hoá ra thần thánh cũng sống bám, tồn tại như một loài tầm gửi, ma quỷ cũng là phận ăn theo. Thương thay, cũng là phận ăn nhờ, hưởng đậu mà cũng phân biệt cấp cao, cấp thấp. Nhưng liệu con người có thành ma quỷ hay thánh thần được không nhỉ? Năm Tụ cứ dằn vặt mãi bởi phát hiện muộn màng của mình. Không cần khó nhọc lắm, anh cũng nhìn thấy viên đạn bay ra từ đầu nòng khẩu carbine, khẩu súng mà ông yêu quý, cưng chiều. Cái thằng bắn anh, cái thằng đứng ở phía báng súng, bóp cò, anh cũng cưng chiều. Viên đạn anh cũng nâng niu, vì súng thì còn, mà đạn thì hết, không ai sản xuất nữa. Bây giờ người ta không bắn nhau nữa, không bắn vào nhau nữa. Nhưng viên đạn màu đồng vàng choé mà anh cưng chiều, gìn giữ ấy lại bay về phía anh, chậm chạp, lừ đừ, đắn đo. Anh đã không kịp cầm lấy nó, ngăn nó lại, vì anh không phải là thần thánh, cũng không phải ma quỷ. Viên đạn xoáy vào ngực Năm Tụ, khiến anh thấy nhồn nhột, rồi ngứa. Ngứa quá, ngứa như ong đốt, kiến đốt. Anh quằn quại, muốn gãi mà không gãi được. Thế rồi anh vật vã trong một khoảng rất ngắn, rồi lịm đi. Anh chìm vào màu trắng như sữa. Sữa ở đâu thế nhỉ? Của Nhung ư? Đúng rồi, nhưng khoan, hãy ngừng lại kẻo ố bẩn mất cái áo sơ mi trắng của tôi. "Ngừng lại!". Bác sĩ nói nhỏ với Bích: -Mạch yếu lắm. Phải canh chừng. Đấy, tim lại ngưng đập rồi! Một mũi thuốc tiêm vào mạch máu cho người bị thương. Màu trắng sữa tan dần, cái chất dính như keo đặc bọc lấy toàn thân Năm Tụ cũng nới dần ra. Anh thoải mái đôi chút. Anh nghiêng đầu, nhìn sang bên cạnh. Cái gì thế nhỉ? Cái gì mà cuộn tròn trong một cái bọc bằng vải màu cỏ úa thế kia? Sao lại màu cỏ úa? Cái màu bình dị, sáng trong, nhưng khi nó được phát cho mỗi người mang vào chiến trường thì nó trở thành đồ quỷ ám. Nó rộng bằng tấm chăn đơn, nó đúng là tấm chăn đơn, nhưng người ta lại may cho nó mười sợi dây chia đều cho hai bên, thành ra năm cặp. Người y sĩ tiểu đoàn vừa sắp cái chăn đơn ấy vừa nói: "Đầu chỗ này, sợi dây này buộc vào cổ. Các đồng chí nhìn tôi đây! Thế! Hai tay để xuôi xuống, ép sát vào thân, hai sợi này buôc chặt. Mẹ kiếp, ông y sĩ chửi tục, bọn quân nhu đéo biết gì cả, hai sợi này phải dài hơn, chắc hơn vì nó buộc vào vai. Còn bao nhiêu cuộn xuống chân. Cuối cùng… À phải rồi, tấm liệm! Tấm bọc xác chết. Cuộc chiến vĩ đại và trường kỳ của dân tộc, khiến người ta nghĩ đến cả những tình huống xấu nhất. Mỗi tiểu đội mười một người, đi B phải mang theo hai tấm bọc xác. Vậy là ít nhất có hai người chết. Nhưng sao không phải là ba? Là bốn hay là một? Không biết, nhưng không ai chịu để nó vào ba lô của mình. Hai cái thôi, tiểu đội trưởng một và tiểu đội phó một. Hơn nữa thì không biết chia cho ai. Thôi mà, đừng chia cái chết cho nhau. "Thế nhỡ lúc ấy?". Không có "lúc ấy" gì hết. Lúc ấy… lúc ấy… cứ vùi xuống đất là xong… Nói dễ nghe quá! Vùi xuống đất, nhưng sao lại để nó ở đây, ngay cạnh chỗ tôi đang nằm thế này? Đừng! Đừng để bên cạnh tôi! Khi vào chiến trường tôi mới là binh nhì, không phải tiểu đội phó, hay tiểu đội trưởng. Tôi làm liên lạc, làm công vụ cho chính uỷ Đức Hoàn. Suốt cả cuộc chiến tranh tôi chỉ có mỗi việc ấy! Bây giờ thì cái bọc vải màu cỏ khô ấy nhúc nhích. Hình như nó cũng ngứa ngáy, khó chịu. Rồi bất thần, ở phía đầu tấm liệm tròn tròn, trông gọn mắt ấy từ từ rạn ra một vết nứt. Vết nứt toạc dần, toác dần thành nhãng vết nứt như người ta dùng cái muỗng con con đập vào đầu quả trứng vịt lộn. Y như quả trứng vịt lộn thứ thiệt, theo những vết nứt ấy, một dòng nước đen đen, nâu nâu, nhừa nhựa, nhầy nhẫy, tanh tanh trào ra. Tiếp theo là lông, lông ơi là lông. Không! Tôi bị thương, tôi bị bắn vào tim, tôi phải kiêng, tôi không được ăn trứng vịt lộn! "Ai cho anh ăn?" "Không cho tôi thì đem đi chỗ khác. Tôi kinh lắm. Tôi ăn nhiều lắm rồi. Ăn nhiều đến nỗi tôi phải thủ… Không nói nữa". Cái tùm lông nhô lên rồi hiện nguyên hình thành một cái đầu người. "Sao lúc nào cậu cũng nghĩ đến ăn hả?". "Ai? Ai trông quen quen thế nhỉ?". "Tao đây! Thằng lái xe Hon đa cho chính uỷ đây!". "Anh Bảo! Trời ơi, anh chết rồi mà? Sao người ta chưa chôn anh, còn để đây?". "Người ta quên. Cả cậu, cậu em rể quý ạ. Cả cậu cũng quên". Cái vỏ trứng cứ toác dần, toác dần, khiến cái đầu người mà Năm Tụ thấy rất giống Bảo, nhô lên thoát khỏi cái nút dây. Hai vai, rồi cả hai tay, thò ra loằng ngoằng. "Anh chết đi thành thần thánh hay ma quỷ?". "Tiểu đội bậc trưởng thì thành thần thánh thế nào được! Đồ ngu". "Ha ha… thế thì phó tổng sẽ thành thần. Thần phó tổng! Được quá đi chứ hả?". "Cậu chết lâu rồi kia mà! Chết từ hồi binh nhất". "Ai? Anh chứ không phải tôi. Anh mới là người chết từ hồi mới đeo quân hàm binh nhất! Tôi chưa chết! Tôi còn sống, sống để làm việc, để cống hiến. Sống để chiến đấu với những thói hư tật xấu". "Những tật xấu gì thế?" "Ồ, ông anh rể quý mến ơi, anh chết sớm quá, chết thanh thản quá, chết trong lúc còn bom đạn, trong lúc người ta còn cần đến nhau. Trước mối hiểm nguy cần phải có đông người. Trước miếng ăn ngon càng ít người càng tốt. Bây giờ khác rồi. Anh chưa kịp biết đến lòng tham, thói ích kỷ, bệnh bè phái, tính đố kỵ…". "Ừ, những cái đó có vẻ mới đấy. Thế cậu đã chiến đấu và chiến thắng chứ?". "Chiến thắng hả? Cái đó còn phải xem lại. Cần phải có thời gian. Thời gian sẽ ủng hộ chúng ta". "Thời gian? Các cậu chỉ được cái lẻo mép. Lúc nào cũng đổ cho thời gian. Không kịp đâu! Không kịp!" "Thì con cháu chúng ta sẽ làm. Cách mạng là liên tục. Nhưng mà này, anh chết rồi mà sao lắm chuyện thế? Người chết thì nằm im một chỗ cho thiên hạ nhờ". "Láo! Chúng mày sống trên hàng núi xác chết mà vô ơn quá thể! Tao sẽ cho mày biết tay". Cánh tay của cái thây bọc trong tấm vải liệm vươn dài ra, từng đốt xoắn xuýt lại như một sơi dây thừng thắt nút thòng lọng, bò tới nắm lấy cổ họng Năm Tụ. Anh ta kêu lên: "Ngừng lại! Ngừng lại ngay! Đồ ám sát!" Người y tá trực nhìn lên màn hình máy tính, những làn sòng nhấp nhô hình sin yếu ớt, rồi đột nhiên tăng tốc. Nhưng chỉ một lát sau, nó chậm dần, chậm dần rồi duỗi thẳng… -Tim lại ngưng rồi! Bích nhào tới, vồ lấy cái xi-lanh. Lại một mũi vào tĩnh mạch. Bây giờ Năm Tụ có hai cuộc sống. Một cuộc sống hôn mê và một cuộc sống chiêm bao. Hôn mê thì cũng là chiêm bao thôi, nhưng hôn mê còn chứa đựng đôi chút hiện thực. Còn chiêm bao, hay mê ngủ lại hoàn toàn tách biệt, nhiều khi chả có gì liên quan đến hiện thực đời sống của con người. Năm Tụ rất muốn quay trở lại đời sống hiện thực, rất muốn nắm những bàn tay quen thuộc, nói những lời cửa miệng, ăn uống những thứ sở thích. Nhưng hễ cứ mon men đến gần cõi sống thì một cơn hôn mê lại ập đến, như cơn cuồng lũ kéo anh vào thế giới trắng đục đầy chất nhờn nhẫy, thứ dung môi, dính như keo dán. Đôi lúc anh nghe được tiếng nói của vợ, thậm chí còn cảm nhận được cả tiếng thở dài buồn bã của chị. Nhưng dù có cố sức mấy anh cũng không sao nhìn được vào khuôn mặt trái xoan dịu dàng phúc hậu của Bích. Cuồng lũ, đại thuỷ triều lại cuốn anh đi. Trôi dạt bất định là điều chẳng thú vị chút nào. Cùng trôi với Năm Tụ là những gốc cây cổ thụ bị nước lũ đánh bật gốc, trôi lập lờ, xoè cái tàn rập rạp thỉnh thoảng lại quệt vào mặt anh, vô cùng ngứa ngáy, khó chịu. Những cây khô trôi nhanh hơn, phăng phăng, nhưng chúng lại bị những đụn rác khổng lồ níu kéo, lúc trồi lên, lúc trụt xuống. Thỉnh thoảng một đám rác màu xám xịt bứt ra khỏi đồng loại thì lập tức bị hút vào những cái xoáy nước sâu hoắm, mất tăm. Và rắn rết từ đâu trong những cái đụn rác vĩ đại ấy lúc nhúc xông ra. Những cái đầu rắn thở phì phì, phóng những cái lưỡi dài ngoẵng, đen nhánh về phía trước. Có một cái lưỡi đã phóng vào trán Tụ, anh hốt hoảng nhưng rất may, không đau, và không nguy hiểm. Năm Tụ cố thu mình cho nhỏ lại và cố không cưỡng lại dòng chảy. Lúc này anh như một miếng bọt nhỏ nhoi, anh mặc kệ, muốn ra sao thì ra. Anh chìm dần, chìm dần… Nhưng bỗng có một bàn tay nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng âu yếm nhưng quả quyết lôi anh lên khỏi mặt nước màu xám đặc quánh phù sa. "Để tôi yên! Để tôi yên mà…" Nhưng anh chỉ nói thế thôi mà không cưỡng lại. Bàn tay thô bạo kéo anh ra khỏi dòng chảy, để rồi đặt anh lên giữa một cánh đồng vắng lặng. Đây là cánh đồng lúa "năm tấn", Năm Tụ đã nhận ra cái mùi hăng hăng của mùa lúa chín. Nhưng sao khô xác và héo úa thế này? Ngày còn nhỏ, cậu bé Tụ đã chạy nhảy trên cánh đồng vàng hạnh phúc để bắt những con muỗm màu nâu óng ả và béo mũm mĩm. Những cái lá lúa thô ráp nhưng mềm mại cọ vào đôi má trẻ thơ của Tụ. Cậu bé đã tưởng như suốt đời không bao giờ quên được. Bây giờ anh đứng giữa cánh đồng tan hoang, nước mắt ứa ra… "Tụ ơi, vì sao con khóc?". "Ông Bụt ơi, con buồn quá!". Tụ ngoảnh lại, và anh nức nở: "Cha ơi, cha!". Ông Bụt chính là cha của Năm Tụ. Một ông lão hiền lành, bộ râu trắng như cước, đang cười với cái miệng móm mém. "Ta đem con về đây nhé! Ừ, thôi về đi con! Công danh như thế đủ rồi". Ông vẫn quắc thước và kiên định như thuở nào. Một ông quan toà hiền lành, nhu nhược. Nhu nhược và kiên định. Hai phẩm chất ấy trưởng như trái ngược nhau nhưng cùng tồn tại bên nhau, bền vững và được việc. Những lời phán quyết của vị quan Toà thời ấy không bao giờ trái, nhưng cũng chẳng mấy khi phải. Tội nhân của ông không chống đối, nhưng cũng chưa bao giờ tuân phục. "Công danh là gì hở cha?". "Là bọt bèo! Là rác rưởi nổi trôi…". "Có phải cha vừa vớt con lên từ đó không?". "Không! Tự con thoát ra đấy chứ. Ta vô vị lắm… " Đột nhiên Tụ nhớ đến một cái giường. Cái giường bằng gỗ tạp mà cha anh được phân phối. Cái giường được tháo ra và nhờ ba cái xe đạp chở về đến nhà. Cha đi rồi, một mình Tụ lăn lộn trên cái giường gỗ phân phối. Thiên đàng của tuổi thơ Tụ. Mẹ Tụ bảo: "Cả đời ông ấy chỉ phấn đấu để được phân phối. Lên lương là lên địa vị để được phân phối nhiều hơn, tốt hơn. Tiêu pha: phân phối cửa hàng cung cấp bìa D. Ốm đau: phân phối bệnh viện trung cao! Chết: phân phối nghĩa trang thành phố. Chả làm được gì cho ai, ngay cả vợ con…". "Cha ơi, cha chết lâu rồi kia mà! Cha chết khi con đang ở Liên Xô…" "Ừ, cha chết rồi. Người chết mới đủ quyền hạn để khuyên răn người sống!". Tụ bần thần nhìn bóng cha đổ dài trên cánh đồng đã từng hàng vạn lần in bóng mẹ anh hết dài lại ngắn, hết ngắn lại dài. Bây giờ cha anh về đây để khuyên ta ư? "Không! Con chưa thể chết được. Một viên đạn chứ hàng trăm viên đạn như của thằng đệ tử ngu dốt cũng không giết được con". Tụ vẫn khăng khăng. "Công việc của công ty…". Ông lão râu bạc bỗng đập một cái gì giống như miếng gỗ vuông vuông xuống đất. Một tiếng "cạch" khô khốc đầy uy vũ vang lên. Khuôn mặt hồng hào của ông bỗng chuyển dần sang màu xám, rồi trở thành đen bóng, ánh lên nước dầu luyn: "Nghe đây, tên gian tặc kia! Nhà ngươi không biết mình mắc tội gì à?" Tụ biết, mình không có tội. Có tội thì không làm lãnh đạo được. Đó là lô-gíc thời đại. Làm lãnh đạo thì không có tội. "Tôi không có quan hệ gì với ông đâu nhé! Đây là cánh đồng của mẹ tôi chứ không phải công đường của ông". "Người đâu!". Ông lão mặt sắt hét lên. "Cẩu đầu trảm!" Tức thì hàng chục, hàng trăm con muỗm đầu nhọn, nhe hai cái răng nửa đen, nửa đỏ rắn chắc và bén ngọt xông vào Năm Tụ. Anh hốt hoảng kêu lên: "Ngừng lại! Thôi, ngừng lại!" Người y tá trực đang lơ mơ nghĩ ngợi về một chuyện gì đó liên quan đến đứa con chuẩn bị xin vào học lớp Một của mình, bỗng giật mình nhìn vào màn hình máy tính. Những ngọn sóng màu xanh đang nhấp nhô bỗng duỗi dài ra, lịm dần. Chị choàng dậy kêu to: -Bác sĩ! Thưa bác sĩ… Tim ngừng đập! Bích vừa ra ngoài hàng lang, đứng lẳng lặng nhìn những vệt đèn xe màu đỏ như một trời sao sa nối đuôi nhau lên cầu. Ở đây có gió, dù là gió bụi. Nghe tiếng người y tá thất thanh, chị chạy vội vào, và đã thành một phản xạ quen thuộc, vớ lấy cái bơm tiêm. Lại một liều thuốc hồi sinh tiêm vào cơ thể bất động của Năm Tụ. Phần 26 Trong những khuôn mặt lần lượt trôi qua trong cơn hôn mê của Tụ, tất cả đều là những số phận đã được định đoạt. Họ đã từ giã cõi đời. Cuộc gặp gỡ chênh vênh giữa những số phận ngắn ngủi với một người mấp mé cõi âm chỉ lướt qua mà không đưa lại kết quả mong muốn. Mặc dù những cuộc "tao ngộ" như thế này thật hiếm hoi trong cõi vũ trụ vô biên. Họ không ở lại với Tụ được, họ có những nhiệm vụ và niềm kiêu hãnh của những người đã chết. Riêng Tụ cảm thấy có một chút nuối tiếc. Nuối tiếc vì đã từ lâu rồi những cuộc gặp gỡ như thế với bạn bè, người thân trong những khung cảnh trang trọng hơn, bề thế và tiện nghi hơn, cũng rộng rãi thư thả thời gian hơn thì lại… nhạt nhẽo, chán ngắt! Cuộc tao ngộ trong cơn hôn mê mang nhiều ý nghĩa gợi cảm đến sự sống, cái chết, vinh quang và hèn mọn… thì lại quá ngắn ngủi. Bóng họ lẩn vào vùng tiềm thức màu sữa đục, dính quánh lại rồi tan biến. Tụ cố hết sức để níu họ lại, bắt họ ngừng lại đều vô ích, bất lực! Nhưng lạ lùng thay, có một khuôn mặt, đúng hơn là một con người, một thân thể với đầy đủ cả hồn vía, thanh sắc, hành động của con người đó vào những lúc Tụ sắp sửa chìm hẳn vào cõi mê không đáy, lại xuất hiện. Thoạt đầu, Tụ tưởng đó là Bích, người vợ và là chỗ dựa, điểm tựa, thậm chí còn là bàn đạp để Tụ tiếp tục trên con đường thăng tiến. Nhưng không phải, không phải chỉ vào những giờ khắc hiểm nghèo, mà ngay cả những lúc hân hoan nhất, vinh danh nhất, thậm chí cả những khi lạc thú nhất, Bích vẫn cứ nhẹ nhàng tuột khỏi tầm tay anh. Đúng là rất nhẹ nhàng! Hai đứa con, một trai một gái, sản phẩm của tình yêu hôn nhân giữa Tụ và Bích "đẹp như thiên thần, thông minh như quỷ sứ" (Tụ vẫn thường nói về các con mình như thế, với một niềm kiêu hãnh thầm kín và sự bực bội ra mặt) đã gắn họ lại, như một sự phiên chế cơ hữu trên cõi đời. Đứa con gái lớn sắp sửa ra nối nghiệp mẹ làm bác sĩ. Nó đúng là một thiên thần của Tụ, tình yêu của anh. Còn đứa con trai, thằng Tiến, đang học ở Vương quốc Ănglê, thông minh và quỷ sứ, hiện thân của anh và cũng là đối trọng của anh. Mẹ của chúng có những lúc hiện ra chói chang như vầng hào quang kiêu hãnh, nhưng đồng thời, chỉ ngay sau đó chút ít lại trở về như một ngọn lửa nhỏ, một tấm ảnh ảo trong ngôi nhà đầy quyền uy sang trọng và giống như một cơ quan công quyền, có cả bạo lực trấn áp. Đó là những khẩu súng. Người đàn bà còn sống duy nhất xuất hiện trong cõi hôn mê của Tụ chính là Hảo, người kế toán trưởng đáng tin cậy và người đàn bà không ngớt nghi hoặc của Năm Tụ. Hảo lúc nào cũng toả ra một niềm đam mê tuy kín đáo nhưng lại luôn hứa hẹn một ngọn lửa bùng cháy. Hảo như đám lửa đã bị dập tắt, nhưng vẫn còn những ngọn khói xanh lơ bay mờ nhạt xung quanh nàng. Người ta thường gọi đó là "mồi lửa yếm khí". Mồi lửa ấy sẽ trở nên nguội lạnh một cách thảm hại, theo thời gian và môi trường, nhưng cũng có thể bùng cháy vào bất kỳ lúc nào, chỉ cần một cơn gió thoảng mang dưỡng khí đến. Với Tụ đó là một nguy cơ. Hảo đến và nàng mặc một bộ váy áo màu xám đậm. Ở tuổi ấy, với cương vị ấy, màu xám đậm đà vừa đủ để gói kín nỗi đam mê, và lại vừa như cố tình phô bày, có chút hớ hênh vẻ phong phú bên trong. Niềm đam mê của nàng như cái ống nghe của người bác sĩ trẻ trong hành lang bệnh viện, không muốn phô ra, nhưng vì công việc, vì thiên chức nghề nghiệp, không thể cất vào chỗ khác. Hảo bước những bước đi vừa phải, vừa thể hiện những bước chân hoạt bát của công sở, nhưng vẫn giữ những kiểu cách của sự mệt mỏi, mong chờ. "Rasvui! Chào anh!". Ôi, cái tiếng Nga xa lắc, xa lơ trong cõi nhớ của Tụ bỗng ào ạt trở về. Hảo đem nó về với Năm Tụ cùng với một triền sông phủ đầy tuyết trắng. Tiếng gió lạnh thổi vi vút trong những hốc cây và tiếng chân người lạo xạo trên tuyết đã đưa Tụ về vói tuổi hoa niên đầy niềm tụ hào. "Đa-xvi-đá-nhi-a…!". Em từ biệt anh để đi lấy chồng. Em từ biệt niềm khao khát mạo hiểm để rẽ vào một cái ngõ bề bộn công việc vặt vãnh. Và như thế, em càng đốt cháy lòng anh. Em đến với anh không phải bằng bộ váy áo màu xám thời trang mà đó chính là một sắc trời, một bầu trời màu xám uy nghi. "Sao lại bầu trời xám?". Hảo lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh Tụ. Không phải là đối diện mà là bên cạnh, nhẹ nhàng, mỏng mảnh. "Bầu trời hồng rực rỡ của kiêu hãnh, của vinh quang và trí tuệ. Bầu trời xanh mặc nhiên của ánh sáng thiên thanh của hy vọng. Bầu trời vàng của niềm đam mê, khao khát. Còn bầu trời xám là gì hả anh?". "Ừ, bầu trời xám là sắc trời chứa đựng niềm nuối tiếc của một ngày nắng đã tàn. Màu xám của trời cũng chứa đựng vô vàn những tín hiệu của giông bão. Nó là bầu trời riêng của mỗi chúng ta". "Em đã nghe và đã nghĩ về một bầu trời riêng. Bầu trời của tự do, ít nhất cũng là tự do trong ý nghĩ". "Còn nghĩ là còn tồn tại. Đê Cactơ đã phát biểu như thế. Còn nghĩ là còn tự do, còn muốn phá phách, còn muốn lật đổ". Đột nhiên Hảo cúi xuống, hai tay choàng qua cổ Tụ, ghì sát đầu anh vào mặt nàng. Trong hơi thở hối hả, có mùi thơm hơi gắt của son môi, nàng hôn tới tấp vào mặt, vào má, vào môi Tụ. "Anh yêu của em! Thần tượng của em!" Tụ ngây ngất ngả người ra phía sau vừa để không phải cưỡng lại sức nặng của Hảo, vừa kéo nàng vào lòng. Một bàn tay Tụ phải chống vào thành giường, còn bàn tay kia anh lùa vào trong lần áo Hảo. Thứ hàng màu xám đậm này may bằng vải gì thế nhỉ? Trong niềm hân hoan bất ngờ, Tụ còn nghĩ đến giá trị của váy áo, như thói quen của một con người lún sâu vào thực dụng. Nó không quá cứng, gây khó chịu cho người mặc cũng như người đụng chạm, vuốt ve, nhưng cũng không hề mềm mại, không thể để lại dấu nhăn mỗi khi bị giày vò. Nó phát ra những tiếng kêu sột soạt, như có ai đó đang kéo tấm màn gió ở cửa sổ nhìn trộm. Mồ hôi từ tấm lưng tròn lẳn của thiếu phụ rịn ra, nóng ấm và dinh dính, là lạ. "Thần tượng của em" bắt đầu khám phá ở con người nhiều tin tưởng và cũng lắm nghi ngờ này. Khi những ngón tay Tụ chạm phải sợi dây ngang của chiếc áo nịt vú, nó cứng cỏi hằn sâu vào lần da mịn phía lưng của Hảo, ngầm đoán nó màu đen, trong đầu anh bật ra câu hỏi: "Tất cả những con số thể hiện qua bản báo cáo chi tiết của em là chặt chẽ đấy chứ?". Lúc này Hảo đã lắng cơn cuồng si, hai tay nàng vẫn ôm ghì lấy đầu Tụ, nhưng đôi môi nàng đã dừng lại ở vành tai anh. Nàng thì thào, âu yếm: "Những con số nào, hả anh?". Người đàn bà thường ghét cay ghét đắng những chuyện phá ngang cuộc vui. Họ xoay xở chậm chạp theo chiều hướng câu chuyện do người khác đem lại mà không liên quan đến hiện tình. Nhưng Tụ khác, anh là người của công việc, là người lãnh đạo. Anh phải có khả năng phân thân, khả năng thích ứng với nhiều tình huống trong cùng một thời điểm. Điểm mạnh của Tụ ở đó. Người ta đánh giá cao năng lực của anh cũng ở chỗ đó. "Bản hợp đồng thực hiện dịch vụ xuất khẩu xe hơi của ta với công ty Yahachico! Một hợp đồng đưa anh và em ra đây. Em nhớ chứ?". "Chặt chẽ! Anh yêu…". Tụ từ từ gỡ tay Hảo ra. Anh nhìn kỹ hai bàn tay nàng, chúng không còn thon dài, lây tròn, đều đặn như thời con gái. Tụ vẫn nhớ, cái thờ xa xa gần gần, hư thực, như có như không. Bây giờ những ngón tay thánh thiện đã mập lên, chia ngón tay ra thành những đoạn ngắn với những ngấn mỡ và trắng nhợt nhạt như bị ngâm trong nước quá nhiều. Những ngón tay của thiếu phụ trải qua thời gian và những công việc cửa nhà, bếp nước, chồng con… Lúc này bàn tay Hảo nằm gọn trong tay Tụ, khờ dại và ngoan ngoãn, thơm lừng mùi phấn ngủ. Chợt Tụ như sực nhớ ra điều gì như một lời kêu gọi, canhe báo, thanh cao, hoành tráng, rất quyến rũ nhưng đầy mạo hiểm và đe dọa. Để Hảo ngồi lại một mình, Tụ đứng dậy đi về phía cửa sổ. Từ đây, anh phóng tầm mắt nhìn bao la ra mãi tận nơi biển tiếp giáp với trời. Những hòn đảo xanhh mờ cô độc giữa khơi xa loang loáng ánh mặt trời gợi lên niềm kiêu hãnh của những kẻ đi chinh phục. Nha Trang! Từ lâu, Tụ vẫn mong có một lần được thảnh thơi, tự do vui vầy với người kế toán trưởng mặn mà của mình. Anh đã âm thầm chuẩn bị. Gọi là âm mưu cũng được. Tình yêu nào mà chẳng cần phải dùng đến âm mưu! Không phải trở ngại ở công việc. Cũng không hẳn từ phía Hảo. Đi công tác, đi nghiên cứu thị trường, tìm đối tác… thì giám đốc và kế toán trưởng phải "hai trong một" là lẽ thường. Hơn thế nữa, nó là mốt thời đại. Nhưng cái cản trở lại ở ngay trong con người đầy mâu thuẫn này. Anh thích Hảo, nhưng lại sợ Hảo. Anh muốn phiêu lưu với khoảng trời riêng. Với cảm giác lạ nhưng lại sợ tai tiếng, "cấp trên nhìn xuống, người ta trông vào". Nó giống như cái mâu thuẫn của một con người mẫn cán, con người hy sinh vì nghĩa cả, vì lý tưởng với một con người thực dụng, tham lam. Giữa một chiến sĩ cách mạng và một nhà buôn. Nha Trang! Cuộc hành trình đi về phía thực dụng đầy lãng mạn của Tụ diễn ra vào cuối mùa thu. Ôi Nha Trang, mùa thu lại về… Câu hát hào phóng ngân nga trong đầu Tụ. "Cho em yêu tình yêu trong sáng, cho em đi trên con đường cách mạng…"! Cuộc "cách mạng" theo một lịch trình nghị sự rõ ràng, trong sáng. Thuê khách sạn, gặp gỡ, tham quan và… Tụ quay lại thì Hảo đã không còn ở đó nữa. Nàng lặng lẽ biến đi trong cơn suy diễn tràng giang của anh. "Hảo! Hảo ơi, đừng đi! Đừng bỏ anh…". Hảo không bỏ anh. Nàng đang bay lượn nhịp nhàng, uyển chuyển ở ngoài ô cửa trong bộ váy áo ngủ màu xám mỏng như cánh chuồn chuồn. Một con chuồn chuồn chuối màu xám tuổi thơ của Tụ. Anh vùng đuổi theo Hảo. Nàng vẫn nhún nhảy trên đôi gót chân màu chì theo dọc hành lang. Họ đuổi và họ chạy, họ vờn nhau và họ ở cách xa nhau. Cho đến khi đôi chân Tụ cuống quýt, anh sụp đổ và tuyệt vọng: "Hảo! Hảo ơi! Ngừng lại! Ngừng! …". Người hộ lý trực chăm chú nhìn vào màn hình máy tính. Những đường cong hình sin màu xanh lên xuống thất thường. Rồi như một cơn gió tan, yếu ớt, đường cong mong manh duỗi ra, thoai thoải… Người y tá lắc đầu. Chị không kêu lên hoảng hốt như những lần trước, mà lặng lẽ cầm cái bơm tiêm đã sẵn thuốc, vạch cánh tay trắng nhợt của Tụ. Một mũi thuốc hồi sinh nữa… Trong khi đó Hảo đang lặng lẽ trong ngôi nhà âm thầm của mình. Ngôi nhà âm thầm như chưa hề có cuộc sống sôi động đã từng đi qua. Và quả thật sự sôi động mong manh và hiếm hoi đã qua đi, qua đi một cách mệt mỏi và im lìm. Từ nhiều tháng nay, Kiệm không về nhà. Khoảng trời riêng của anh đã hình thành và cố định ở đâu đó. Hảo xót xa nghĩ đến một ngày khi con giá chị, bé Thúy đã đủ lớn. Nó cũng có khoảng trời riêng. Và khi ấy khoảng trời riêng của chị xuất hiện. Chỉ có điều, khoảng trời con gái sẽ trong sáng, tươi trẻ, lồng lộng… thì khoảng trời của chị, của người mẹ sẽ vô cùng âm u, bí mật, mưu mô. Khoảng trời riêng của chị nó hình thù ra sao, Hảo chưa nghĩ ra. Đột nhiên mất điện. Căn nhà tối sập xuống. Mèo và chó chạy dáo dác. Tiếng động từ ngoài phố cũng bất chợt trầm xuống, vắng lặng đầy cảnh giác. Hảo uể oải đứng dậy đi tìm nến. Khi đã có nến và chiếc bật lửa trong tay, Hảo bần thần nghĩ ngợi. Tại sao phải thắp đèn nhỉ? Bóng tối giúp ta nghĩ được nhiều điều. Hảo lần mò xô phải chiếc ghế nhựa, trong bóng tối nó phát ra một tiếng động mãnh liệt, khiến con mèo gần đó kêu lên, hốt hoảng. Hảo ngồi xuống. Bóng tối làm chị dễ chịu. Khoảng trời riêng màu thanh thiên thánh thiện và cũng có thể khoảng trời của chị màu xám trí tuệ và máu xám đầy thủ đoạn. Những ý nghĩ như cục sắt nung nóng, khiến Hảo rụt ngay tay lại khi chạm phải nó. Nha Trang! Mùa thu Nha Trang nóng nẩy như bọn sứa gặp mưa rào. Những con sứa ngụy trang mình trong nước biển, vật vờ trôi, vật vờ kiếm sống. Mưa rào chợt đổ xuống dưới nắng mặt trời còn gay gắt, làm đám phù du trong nước xuất hiện. Cơ man là phù du. Những con sứa nóng bỏng ở đâu nãy giờ bỗng nhiều vô vàn. Chúng không cần ngụy trang. Và nọc độc của nó cũng xuất hiện, rồi tăng lên, dữ dội và quyết liệt. Tại sao Hảo lại hay nghĩ về Nha Trang? Bóng tối, những con sứa nóng bỏng đang ngọ nguậy trong chị. Nhưng bóng tối chỉ đồng lõa với những âm mưu. Hảo bồn chồn thắp lửa. Ngọn lửa vừa bén vào tim cây nến, nó nháng lên rồi vụt tắt. Gió mạnh lùa theo cửa ngách vào bếp, thông lên nhà. Lần thứ hai cũng không thành, bóng tối lại trở về như cũ, có phần còn đậm đặc, đen quánh hơn. Hảo chuẩn bị đón nhận sự may rủi. Chị không đủ bản lĩnh để đón nhận sự rủi may thất thường, nhưng lại như một đứa trẻ. Trẻ con chỉ thích ăn vụng, vào bữa chúng ngúng nguẩy. Tiếng gõ cửa. Một lần, Hảo giật mình ngồi dậy, nhưng vẫn ôm chiếc gối trong lòng. Một phút trôi qua, lại tiếng gõ cửa. Hảo không còn giật mình, nhưng chị lúng túng chuyển sang ngồi trước bàn gương của khách sạn. Trước mặt Hảo là hộp son phấn. Chị nhìn mình trong gương và bất chợt mỉm cười nghĩ về những con sứa. Tiếng gõ cửa lần thứ ba, Hảo đứng dậy tiến về phía cửa. Được ba bước, Hảo dừng lại cúi nhìn bộ đồ ngủ màu xám, thầm nghĩ "có mỏng quá không?". Hảo rụt rè xoay nắm đấm cửa và hai má nóng ran. Tụ quăng mình lên giường, nhịp đàn hồi của tấm nệm làm người anh nảy lên thích thú. Hảo ngồi trên ghế, nhìn ông giám đốc như nhìn một đối thủ. Rồi không hiểu bằng cách nào họ quấn vào nhau. Không có tiếng nói, cũng không có tiếng động. Hoàn toàn im ắng. Chỉ có tiếng thở gấp gáp, đứt đoạn. Hảo cố tránh những cái hôn tới tấp của Tụ, và chị thành công. Dường như sự mở màn không làm Tụ thất vọng, bởi vì Hảo lúc này đã tan ra như con sứa dưới mặt trời. Hảo cũng biết mình đã thành con sứa, con sứa nhắm mắt lại để tránh tia nắng rát bỏng của mặt trời. Con sứa gồng mình để có thoát khỏi bị tan biến. Bỗng dưng, thật độc ác, hình ảnh ngôi nhà âm thầm hiện ra. Hảo thấy mình ngồi trong căn nhà của mình, có Kiệm và bé Thúy. Họ không nói với nhau câu nào. Họ cũng không nhìn nhau mà mỗi người nhìn về một hướng riêng. Con sứa trong người Hảo đã gặp những giọt nước mưa rào trên biển Nha Trang. Hảo có thoát ra khỏi đôi tay rắn chắc của Tụ: -Làm gì dữ vậy? Chắc chết người ta quá! Tụ nheo mắt như đang thưởng thức một món nhậu: -Thì làm cái… việc ấy… Hảo ngồi dậy, xốc lại mái tóc đã xổ tung. Tiện tay, kéo lại bộ váy liền áo, mỉm cười: -Ngồi yên đấy! Những câu nói trống không thường giết chết ông thủ trưởng, nếu chẳng may ông ta có quan hệ bồ bịch với một cô nhân viên nào thuộc quyền. Đó là những mệnh lệnh, những mệnh lệnh vừa dứt khoát vừa vô lý. Nhưng đây là Nha Trang, là khách sạn, là xa cơ quan, xa những con mắt quen biết… hơn bốn trăm cây số. Tụ ngồi yên nhìn theo tấm lưng dài và cặp mông tròn đang nhấp nhô dưới làn vải xám của Hảo đang đi vào nhà tắm. Tiếng nước xối làm Tụ xốn xang. Nhìn khuôn mặt bừng bừng của mình trong gương, Hảo bắt gặp cái nhìn của chính mình. Nó vừa có cái vẻ của một đứa trẻ ăn vụng, láu cá, lại vừa là cái nhìn của kẻ đi đánh ghen, bắt gặp quả tang tình địch. Hảo thấy bối rối, nhìn quanh. Hảo cũng chưa biết mình tìm gì. Đây rồi, một cái lưỡi dao cạo râu còn bọc trong giấy nến. Và đây rồi, một cái hộp giấy vỏ chai rượu. Hình như của ngoại, hình như nhãn hiệu Martell. Hảo hấp tấp và khéo léo cắt một mảnh hình tam giác. Rồi chị luồn nó vào bên trong người. Cẩn thận và chính xác. Hảo mỉm cười. Dụng cụ bảo vệ trinh tiết hình tam giác! Khoảng trời riêng hình tam giác! Bỗng chị muốn khóc, nước mắt rớm trên vành mi. Khi đã có được cảm giác kích thích đến cao đô, bàn tay say cuồng của Tụ lần xuống phía dưới. Bộ váy liền áo mỏng cánh chuồn của Hảo có gây cho anh những cản trở. Nhưng bàn tay mềm của Hảo tham gia vào ngăn chặn cùng với giọng nói khó nhọc: "Đừng, đừng!". "Sao thế? Ở đây chỉ có anh với em…" "Đã bảo không đựơc. Hôm nay… bị!". Tụ không tin. Anh cuồng bạo vật ngửa Hảo ra và… thật xúi quẩy. Bàn tay đụng phải miếng giấy carton hình tam giác. "Đấy! Không tin hả?". Là người say chiến thắng, thất bại này làm nguội lạnh ý chí của anh. Tụ lặng lẽ rời Hảo rồi lặng lẽ trở về phòng mình. Nhưng không chiến thắng không có nghĩa là thất bại. Bằng mọi cách trong công việc phải thành công, phải có thành tích, dù biết chắc rằng đó là thành tích của kẻ tự nghĩ ra để tự sướng. Tụ lao vào phòng tắm. Chiến thắng rồi cũng phải có. Đó là thành tích của một con bệnh thủ dâm. Hảo định châm nến một lần nữa, nhưng chị ngần ngại. Nghĩ lại kỷ niệm Nha Trang, mặt chị vẫn còn nóng. Chị muốn ngồi trong bóng tối lâu hơn nữa, và nếu được thì có thể mãi mãi… Bất ngờ điện có trở lại, làm Hảo chói mắt. Cái nhìn đầu tiên của Hảo là con mèo đang cậy lồng bàn. Nó định ăn vụng.