Ông bộ trưởng đứng lặng, đôi mắt đỏ hoe dưới cặp kính lão gọng vàng nhìn người học trò của mình thiêm thiếp bất động trong một bọc vải bọc trắng toát. Sau lưng ông là Tổng giám đốc Trần Khanh, cao lớn lênh khênh trong tấm áo choàng trắng mà bệnh viện bắt buộc phải mang khi tiếp xúc với giường bệnh, trông ông như một vị bác sĩ thực thụ với khuôn mặt lạnh băng và hàm râu mới cạo nhẵn, phớt xanh. Tiếng o o từ một chiếc máy điện nào đó phát ra nghe não nề. Thời gian như căng ra, chực đứt. Bất chợt bộ trưởng rùng mình, ông nghĩ đến tấm vải liệm. Chỉ khác ở đây nó màu trắng tinh khiết, vô cùng tuyệt đối chứ không phải là màu cỏ úa, có khi còn đẫm máu khô. Khoảng cách thời gian hơn một phần tư thế kỷ qua đi không làm vơi những hình ảnh đau thương chết chóc. Hai cuộc kháng chiến thần thánh đã đè lên vai ông. Cái còn lại là những tấm huân chương mà thỉnh thoảng vào những ngày lễ tết, gặp gỡ bạn bè, ông vẫn đem ra gắn lên ngực. Ông chỉ đeo phần cuống. Những miếng cuống huân chương là những ký hiệu. Được cái nó không kêu xủng xoảng, tiếng kim khí va vào nhau, mà nó lặng lẽ, âm thầm, nhẹ như bấc. Vinh quang là thế! Bên trên khuôn mặt tái nhợt chụp mặt nạ thở ôxy của Trịnh Quang Tụ là vầng trán cũng xanh nhợt, nhưng ông vẫn nhận ra vẻ thông minh, tháo vát của một cậu bé liên lạc ngày nào và cũng như những năm sau này, Trịnh Quang Tụ trở thành một chàng kỹ sư bằng đỏ. Ông không nghi ngờ cái vầng trán ấy đã trải qua hơn ba mươi năm, nó có những nếp nhăn toan tính, âu lo, mà nó vẫn gần gũi bên ông từ những tháng ngày máu lửa. Cái ngày xưa trong trẻo ấy, có những đêm ông đã từng đắp cho Trịnh quang Tụ tấm chăn đơn giữa rừng khuya giá lạnh. Trong ánh sáng mờ ảo của đêm rừng, ông đã dừng cái nhìn âu yếm của mình trên vầng trán ấy, thiêm thiếp trong giấc ngủ binh nhì, vô tư và khờ dại. Bây giờ thì Tụ đã đủ khôn ngoan. Một thằng bé bặt thiệp, linh hoạt và có đạo đức. Ông bao giờ cũng tin như thế. Ông tin vào con người. Nắm bàn tay nhỏ và mềm của Bích trong tay mình, ông bộ trưởng nói những câu ngắn gọn, đầy ý nghĩa. Bích khẽ gật đầu và khóc. Tiếng khóc nén chặt cho số phận. -Chiều nay cô có về nhà không? Bộ trưởng hỏi nhỏ. -Dạ, có thể em sẽ tạt qua nhà. Đã hai ngày nay, em ở trong này rồi. -Ừ, cố gắng đừng để xáo trộn quá mức. Bốn giờ chiều nay, tôi sẽ đến thăm cô. Nhân tiện muốn hỏi một vài điều… Bích ngần ngại: -Vâng! Nhưng em… -Cô đừng ngại. Tôi đến thăm cô thôi! Ông bộ trưởng lặng lẽ trở ra, đến hành lang bệnh viện, ông quay lại nói nhỏ với Trần Khanh, nhưng hình như là ông nói với chính mình, mà cũng có thể là ông nói với đám đông: -Có thể nào tin được là bây giờ chúng lại bắn vào nhau? Những chàng trai, những ngài cán bộ, những trí thức, tinh hoa của một dân tộc? Danh lợi, mưu toan, được mất đã thành những nẻo đường ma quỷ ám mất rôi! Trần Khanh lặng lẽ đi bên Bộ trưởng, lặng lẽ lắng nghe, không biết nên nói thế nào. Bộ trưởng tiếp, lần này nói với Tổng giám đốc: -Ông Khanh này! Ông có khi nào nghĩ rằng trong bụng những thằng như thằng Tụ, thằng Tài… lúc nào cũng có sẵn một khẩu súng? Thậm chí là một quả bộc phá? Trần Khanh không qua chiến tranh. Đúng hơn là ông không tham gia vào quân đội, không được cầm súng và không biết bắn súng. Ông không biết sử dụng chúng, lại càng không biết thế nào là bộc phá. Chiến tranh đối với ông là một chuỗi ngày gian nan, cực khổ, đầy ải và đáng oán. Nó là một cuộc trường kỳ chạy trốn, là ẩn nấp, là sơ tán, là hoảng hốt, là băng bó và chết chóc. Ông căm ghét chiến tranh. Ông có lý do để căm ghét chiến tranh. Ông cũng biết rằng ông căm ghét nó vì ông không có nó. Đôi khi ông cũng tự ngượng với mình, như một đứa trẻ. Không có được món đồ chơi thì đâm ra thù ghét kẻ có đồ chơi và cả cái món đồ chơi ấy! Ngày ấy, bây giờ và mãi mãi ông ngưỡng mộ và kính phục những anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì nước. Ông coi họ là mình đồng da sắt, là hiện thân của lòng can đảm và ý chí tiến công. Từ sau ngày hoà bình lập lại, mỗi lần giao tiếp với những người anh hùng ấy, ông vẫn thường có ý nghĩ mặc cảm. Khi ông được học hành tử tế thì họ bắn nhau và chôn cất nhau. Khi bộ máy mới của một bộ, một công ty cần ông, ông khiêm tốn, nhã nhặn nhận lãnh trách nhiệm và chức vụ, ông vẫn một lòng ưu ái và thân thiện với họ. Họ anh hùng, họ dũng cảm nhưng họ không biết cách làm việc, không biết cách điều hành một guồng máy hòa bình. Thậm chí họ cũng không cả biết cách nhún nhường, "tế nhị"! Giao việc cho họ thì được đấy, nhưng rất dễ hỏng, và đã hỏng rồi! Trần Khanh vạn bất đắc dĩ phải "qua mặt" họ. Nhưng đến một lúc nào đó, việc ông ngồi vào vị trí lãnh đạo, điều hành lại là tất yếu. -Có lẽ ta cần phải xem lại công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, anh ạ! Nghe Trần Khanh nói thế, bộ trưởng nổi nóng. Suýt nữa thì ông nổi nóng, nhưng đã kịp trấn tĩnh. Điều này làm nên sự kỳ diệu của ông. Nhưng không nổi nóng không có nghĩa là không bày tỏ thái độ: -Giáo dục cái gì, và giáo dục thế nào? Giết người là bản năng, anh Khanh ạ! Giữa chiến thắng và giết người có họ hàng thân thích với nhau. Khao khát chiến thắng và nung nấu hận thù cũng là bản năng. Anh và tôi, chúng ta đã giáo dục cho cán bộ những gì nào? Đạo đức? Nhân bản? Tình thương hay tôn giáo? Chúng ta luôn luôn thúc giục họ phải là một cán bộ giỏi làm ăn, có lời có lãi, có phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Để có được miếng ăn, mỗi cá nhân đã phải thể hiện mình như thế nào? Trung thực, chân thực, thật thà đều có cùng nguồn cội, đều làm nên nhlồng ngực. Nếu chỉ uống một ly này thì thích, nhưng khi đã uống đến ba, bốn ly, cho đến ngất ngư, mọi loại rượu rồi cũng như nhau, Kha thầm nghĩ. -Ngày xưa cũng có kẻ tự sướng à? -Thời nào chả có. Cái bọn đàn ông bất trị và bất lực thì thời nào chả có. Nhưng cậu biết không Kha? -Biết cái gì? -Cái tay thủ đâm làng Ngang ấy! Hắn chết phải giờ thiêng, đúng hơn là "được" giờ chết. Thế mới quái chiêu chứ! Ở đời, khối kẻ sống chả ra chó gì, ấy thế mà lúc chết lại hoá ra anh hùng! Thành hoàng làng Ngang, dù là được phong làm Thành hoàng rồi, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Nghĩa là vẫn thích… dòm cái số ta của chị em. Bởi thế cho nên mới có tên là miếu ông Thần Dòm! Miếu ông Thần Dòm cạnh đường chính vào làng, có một vũng lội. Hễ san bằng cái vũng đó thì con trẻ trong làng lăn ra ốm. Hoá ra, vũng lội ấy có "tác dụng" là để chị em đi qua phải… vén váy lên. Thế là ông Thành Hoàng được đã mắt… Han cười khơ khớ, Kha cũng cười theo, nhưng sao anh có cảm giác phạm thượng. Ừ thì dù xấu, dù tốt, đã là bực thần thánh như ông Thành Hoàng rồi mà vẫn báng bổ, nghe ra không thuận lý. Nhưng Han thì không, vẫn cái giọng khùng khục: -Khi phát hiện ra Thành Hoàng làng Ngang có một cái lý lịch đen xì và sở thích quái gở đó, cụ Nguyễn Khuyến mới "khai bút" vào sáng mùng Ba tết. Bài khai bút như sau: Đầu làng Ngang có một vũng lội Cạnh miếu Thành hoàng thờ ông Cuội Đàn bà đi qua vén váy lên Có chỗ tới háng, chỗ đến gối Ông Cuội ngồi trên tủm tỉm cười -Cái gì trăng trắng như con cúi? Đàn bà khép nép đứng liền thưa: -Con trót hớ hênh, ông xá tội! -Không! Không! Con có tội chi đâu Lại đây ông cho giống thằng Cuội. Từ đó làng Ngang đẻ thằng nào Toàn là con cháu của nhà Cuội!Han tợp một hớp rượu, khà một miếng thịt chó, nháy mắt cho Kha: -Đấy! Rượu Ngang là như thế đấy. Nhưng mà rượu Ngang ngon thật. Cái thằng Sản mặt rỗ này thế mà biết kinh doanh. Nếu được bỏ phiếu để chọn ra "nhà kinh doanh trẻ năng động", tớ sẽ bỏ cho nó. Nghe chuyện tớ kể, thế mà nó bằng mọi cách, liên hệ móc nối thế nào đó, lùng bằng được nguồn cung cấp rượu Ngang chính cống. Có người bảo rượu Ngang bây giờ pha tạp rồi. Cũng phải thôi, cái gì mà chả bị pha trộn, đảo lộn huống chi là rượu. Rượu Ngang có thể không còn ngon vì chẳng còn ai biết uống, thế thôi. Nhưng cậu có biết sau cái bài ấy, tình hình làng Ngang thế nào không? Kha lắc đầu, vẻ như không muốn nghe nữa, nhưng Han vẫn đang hăng: -Bài thơ của cụ Tam Nguyên làng An Đổ ấy được dán trước cửa miếu Thần Dòm, làm rung động cả làng Nga My. Quan chức chính quyền cho truy lùng tác giả, bắt cho được đem về hặc tội. Biết là của Nguyến Khuyến, họ định bắt, nhưng sợ động đến Cụ Lớn Hoàng Cao Khải, nên họ chỉ điều tra, hỏi dò, tìm ra bọn gian thương đã lừa rượu cụ gia sư, nên họ bắt bọn chúng phải xin lỗi và trả rượu cho Nguyến Khuyến. Một điều quan trọng nữa là Thần Dòm sau khi đọc bài thơ ấy cũng biết xấu hổ, không dám hạch sách đám đàn bà, con gái trong làng như trước. Cái vũng lầy được san phẳng, chị em đàng hoàng đi qua mà không phải "đóng thuế háng" nữa. -Bịa! Kha phản đối. -Tất nhiên là không chắc chắn, giai thoại mà! Tiến sĩ Han chân thành. Nhưng dù sao cũng mua vui cho người đời, nhất là cánh uống rượu… Hai người uống đến "xị" thứ hai thì từ ngoài đầu ngõ có tiếng xôn xao. Sự xôn xao to dần, Kha hỏi Han: -Có chuyện gì thế? Han không nhìn lên: -Ở cái xóm Mả Cùi này thì chuyện gì chả có. Như cơm bữa ấy mà… Nhưng sự việc không như Han nghĩ. Thằng Bèo Chột từ đâu hớt hải chạy về, trông thấy Han và Kha đang ngồi, nó nói một câu gì đó, giống như chào, rồi chạy vào trong, hét to: -Anh Hai! Anh Sản ơi!… Sản Huê đi ra, trên tay vẫn cầm con dao bầu, chắc hắn đang dở thái thịt; -Cái gì mà mày làm như cháy chợ vậy Bèo? -Thằng Tư Khỉ… -Nó làm sao? Bèo Chột hướng con mắt sáng rực của nó ra phía sân. Sản Huê chạy ra, thấy một chiếc xích lô đang đẩy vào, trên đó là xác thằng Tư Khỉ. Một nửa khuôn mặt khỉ của nó nhuốm máu tươi, chảy tràn xuống cổ áo. Han đứng dạy, bước tới gạt Sản Huê ra, hỏi to: -Làm sao? Thằng Bèo lí nhí: -Nó đánh nhau với tụi Hầm cá dồ! Lúc con tới thì thằng Tư đã lụi một nhát vào bụng thằng Bé Lãi. Nhưng thằng Tư cũng bị một nhát mã tấu… Han bế thằng Tư vào cái ghế cạnh đó, nhìn Sản Huê hét to: -Lấy cho tao cái khăn sạch dấp nước nóng ra đây! Vết chém bằng mã tấu xẻ nửa khuôn mặt của thằng Tư Khỉ, lật hẳn một mảng thịt để lộ một phần cánh mũi toàn sụn đang sủi bong bóng sau mỗi nhịp thở của nó. Thằng bé chưa chết, Kha nghĩ. Hai Hành vợ Sản Huê bưng thau nước nóng ra vắt khăn đưa cho Han: -Anh Tiến sĩ ơi, cứu nó với. Giọng chị run rẩy. Tội nghiệp thằng nhỏ. Ai kêu đi gây sự với tụi Hầm Cá dồ làm chi không biết… Han nhúng lại chiếc khăn vào thau nước rồi vắt, nước chảy ra dưới tay Han đỏ ngầu máu thằng Tư Khỉ. Tiến sĩ làm một cách thành thục, nhẹ nhàng. Kha kinh ngạc khi thấy thằng Tư tuy bị thương nặng như thế nhưng nó không hề kêu rên. Lại một lần nữa, Kha tin rằng những đứa trẻ côi cút, sống không có cha mẹ bên cạnh có một bản lĩnh ghê gớm. Bản lĩnh đó thể hiện ra ở sự phải tìm cách để tự bảo vệ lấy mình. Những đứa trẻ bình thường, sống bên cha mẹ luôn nhận được sự dạy bảo, truyền dạy kinh nghiệm tồn tại, và nhận được sự che chở. Như những con gà con, hễ có dấu hiệu hiểm nguy, nó liền rúc vào đôi cánh của gà mẹ. Nhưng những đứa trẻ côi cút, hoặc vì một lý do gì đó bị tách khỏi mẹ, thì khác. Nó sớm biết phải tự vệ. Mà bằng cách nào? Trước hết nó co lại, cố giấu mình, nguỵ trang để không bị tấn công, làm hại. Sau nữa, chúng luôn có cách tấn công kẻ khác để "tự vệ từ xa", nếu cảm thấy có mối nguy hiểm. Đột nhiên Kha nghĩ đến Tài. Một đứa trẻ bị vất ra lề đường, rìa chợ từ bé như Tài, làm cho y học được những bài học tồn tại đầy tính bản năng. Nhưng rồi y cũng biết cách thu mình lại, giấu kín hoặc nguỵ trang bằng những hành vi tốt đẹp nhất. Nhưng không như những người bình thường, khi nào y cũng thấy một mối hiểm nguy đang rình rập tấn công. Những Huân chương, Bằng khen, và những lời khen tặng không làm cho y yên tâm… Buồn thế đấy! Ngô Kha quay lại chỗ của mình, nhưng không cảm thấy say, tuy anh và Lê Quốc Hán đã uống khá nhiều. Kha rót một ly đầy, uống cạn, lại một ly nữa. Rượu làng Ngang bây giờ không còn xót như cồn sát trùng nữa, mà cũng chẳng êm ái gì, nó chạy tuột vào sâu trong lục phủ ngũ tạng, trơn tuột như một thứ nước vô vị. Thế rồi ý nghĩ cứ kéo đẩy Kha đến những vùng cảm xúc khác, không kìm lại được. Chiến tranh không chỉ giết người cầm súng, mà nó còn giằng ra khỏi tay những bà mẹ đứa con của họ. Trường học sơ tán, cha mẹ một nơi, con cái một nẻo. Ở đấy chúng đánh nhau bằng gậy tre và xích xe đạp. Lớn hơn tí nữa, trường thiếu sinh quân chẳng hạn, tuy có kỷ luật thép, nhưng chúng vẫn kéo nhau đi đánh lộn bằng dao găm, xanh-tuya-rông! Trường học sinh miền Nam, những đứa trẻ xa quê hương ngàn dặm đường trường, cha mẹ chúng là những liệt sĩ, là những dũng sĩ, những anh hùng, hay những cán bộ cao cấp đang ở chiến trường. Chúng được ưu tiên, chúng được dạy bảo ân cần, nhưng chúng vẫn xông vào nhau mà cấu xé. Chán chê, chúng tìm kẻ khác, bất kỳ kẻ khác là ai, hễ chúng thấy không vừa mắt, hoặc chúng nghi có dấu hiệu tấn công chúng, là chúng đánh ngay. Đánh nhau để thử thách, để thể hiện bản lĩnh, để an toàn. Rồi đây, những đứa trẻ như thằng Tư Khỉ, thằng Bèo Chột, những thằng bé như Bé Lãi ở Hầm Cá dồ chúng là gì, thành cái gì thì chả cần tinh ý lắm cũng thấy rõ. Ma cô, đâm thuê chém mướn, tù tội… đó là con đường khó tránh khỏi. Thế nhưng giả dụ, có một phép màu nào đó, chúng lại trở thành những ông quan, những nhà lãnh đạo? Lúc đó thì cái gì sẽ xảy ra? Chịu! Con người hơn con thú ở ngôn ngữ. Nhờ cái sản phẩm, cái công cụ quý báu đó để con người thành con người. Khi có ngôn ngữ, con người ta có thể nghe được những lời sâu thẳm của lương tri. Nhưng biết đâu lương tri cũng có hai mặt của nó. Với một kẻ trong tay có khẩu sung như Tài chẳng hạn, lúc đó tiếng nói lương tri sẽ thì thầm: -Không được bắn! Năm Tụ là anh của mày, là thầy của mày, là sếp của mày! -Bắn đi! Bắn đi! Năm Tụ là tên độc ác, nó sử dụng mày như một con chó săn, một thằng hầu của nó. Nó đang cướp tương lai của mày đấy! "Đoàng!" Một phát súng. Phát nữa, và phát nữa…