Trời lại mưa, cơn mưa thẹn thùng của mùa xuân. Những làn mưa thưa hạt, rắc lổ đổ xuống mặt đất một cách e dè rồi sau đó tắt ngấm. Gió từ phía biển Đông cuốn lên đuổi những làn mây lang thang qua khung trời hoang vắng. Mây tím màu hoa cà khiến ông nhớ tới vườn cà quê hương, một quê hương quá đỗi mờ nhạt xa xôi chỉ còn lại vài hoài niệm mún manh và huyền hoặc. Rồi màu mây tím ấy lại gợi cho ông những cánh đồng miền Provence, nơi người ta trồng cỏ thơm lavande để làm nước hoa và xà-phòng. Lần đầu tiên đứng trước cánh đồng mênh mông màu lơ tím, tâm hồn ông tê dại đi vì vẻ đẹp của xứ người. Và ông thầm khóc trong tim: ― Ôi, bao giờ những cánh đồng xứ sở, những miệt đồi mênh mông nắng cháy miền Trung có thể khoác được tấm áo choàng mỹ miều kia? Ôi, bao giờ những người dân cày quê ta có được vẻ mặt thanh thản như những người nông dân xứ này khi bước trên đất đai của họ? Ôi, bao giờ những đứa bé chăn bò quê ta có thể ăn mặc chĩnh chện như đứa bé chăn bò đang rong ruổi dưới bóng những hàng bạch dương kia? Bao giờ và bao giờ? Bao nhiêu tháng năm, tim óc ông sôi sục vì câu hỏi ấy. Bao nhiêu tháng năm, ông bị ám ảnh bởi một biểu tượng song trùng, một sự so sánh đau đớn bất khả nguôi dịu, bất khả quên lãng: những đôi chân mang giầy da tất ấm của những người nông dân Pháp đặt bên cạnh những đôi chân nứt nẻ, móng đen xì bùn phèn, với những ngón chân choẽ toác ra vì ngàn năm phải bấm xuống ruộng bùn của dân cày Việt nam. Cặp hình ảnh này theo đuổi ông như hình với bóng, trong những cơn mơ chính ngọ, trong những cơn thổn thức nửa đêm, khi ông ngồi trong nhà tù cũng như khi ông ngồi trên khán đài danh dự. Dân tộc đau khổ của ông. Số phận cay nghiệt mà tạo hoá đã dành cho họ. Bao nhiêu giọt nước mắt ông đã nhỏ vì cái số phận cay nghiệt ấy. Tất cả những gì ông đã cố sức làm, trong hy vọng can trường là cải tạo nó. ― Ta yêu dân tộc của ta như vậy, tại sao họ chẳng yêu ta? Tại sao họ không thể thí cho ta chút hạnh phúc cỏn con, tầm thường như mọi kiếp nhân sinh khác? ― Ồ, dân tộc, đó là một khái niệm trừu tượng, một đám đông vô nhân dạng, tiếng ồn ào của một biển hơi thở, sự va đập trong phút chốc của con sóng thời gian. Kẻ ngăn cấm ngươi sống cuộc sống đích thực của con người chính là các đồng chí thân thiết của ngươi, và trước hết là chính ngươi, bởi ngươi đã trót đóng vai ông thánh. ― Nhưng dân tộc của tôi nhỏ yếu, để khích lệ niềm tin và sự can đảm nơi họ, liệu tôi có thể làm gì khác? ― Ngươi đã chọn lối đi dễ nhất, tương hợp nhất với tầm vóc trí tuệ dân tộc của ngươi, và vì thế ngươi phải trả giá. Trò chơi làm thánh không mới lạ gì trong lịch sử con người. Bệ thờ nào chẳng trang trí bằng những đoá hoa giả, dù bằng bạc, bằng đồng trong thời quá vãng hay bằng các loại nhựa dẻo và kim cương nhân tạo ngày nay. Nhưng mọi trò chơi đều phải trả giá. Trên cõi đời, chẳng thứ gì được cho không. Người đối thoại với ông hạ lời cuối, với nụ cười riễu cợt trên môi. Đoạn ông ta biến đi theo làn gió. Một cơn gió xuân ẩm ướt mang theo hơi lạnh khiến ông rùng mình. Ông đưa mắt nhìn theo kẻ khinh bạc kia, dường như ông ta đến từ lối rẽ bên trái ngôi chùa, bước qua mảnh sân với vườn mai. Rồi ông ta biến đi cũng theo ngả ấy. Cái gã đàn ông giống ông như tạc, nhưng với làn da xanh màu lá chuối non và cái nhìn đầy vẻ khinh khi. - Thưa chủ tịch, mời người vào nhà kẻo lạnh. Cậu lính to béo đã tiến sát lưng ông, cất tiếng đột ngột khiến ông giật nẩy mình. - Được, tôi vào đây. Ông đáp, có chút tức giận mà không dám bộc lộ. Dù muốn hay không, ông cũng bị kiểm soát từ mọi phía. Không một phút được tự do. Cuộc đời ông là của dân tộc. Sức khoẻ của ông là của dân tộc. Thời gian của ông cũng là của dân tộc. Không còn gì riêng cho ông nữa sao? Cuộc chơi này thật cay nghiệt! - Boong...boong boong... - Boong...boong...boong...boong...boong... Chuông chùa bỗng đổ hồi dồn dập, ròn rã. - Boong...boong...boong... Ông quay lại hỏi cậu cần vụ: - Sao hôm nay nhà chùa gióng chuông nhiều như vậy?... - Con quên không thưa với người rằng hôm nay đích thân sư cụ chủ trì lễ giải oan, tẩy trần cho ông Quảng. Nhà chùa sẽ kéo chuông và tụng kinh nhiều hơn thường lệ. Xin chủ tịch thông cảm. - Chúng ta trú ngụ ở đây là đất nhà chùa. Họ có quyền làm những gì họ muốn. - Dạ...Nhưng dẫu sao... - Hôm nay làm lễ gì, tôi chưa nghe rõ? - Dạ, lễ rửa oan, tẩy trần cho người đã khuất....Ông tiều phu dưới xóm đã chết được bốn mươi chín ngày rồi ạ. - Đã bốn mươi chín ngày rồi? Nhanh đến thế? - Dạ. Hôm qua chủ tịch xã lên tận văn phòng đề nghị anh Lễ cho phép gia đình ông Quảng được lên đây cúng. Khi nào họ lên, đại đội sẽ tăng cường bảo vệ. - Ra thế... Ông buông một tiếng hững hờ: ― Đấy chính là việc của họ. Tăng cường bảo vệ để làm gì? Chắc hẳn để ta khỏi ngã trước nàng vợ goá của ông tiều phu. Còn những người dân quê kia liệu có nhu cầu gì để ám hại một ông chủ tịch? Ý nghĩ thầm kín ấy chạy qua óc não ông, vừa như sự riễu cợt lại vừa như lục vấn. - Mời người dùng trà cho nóng. - Cảm ơn. - Chú kê cái ghế xích-đu ra gần cửa cho tôi...Ở đó, tôi có thể đọc báo bằng ánh sáng tự nhiên. - Dạ, đúng vậy. Hôm nay không có mặt trời. Cậu lính thật thà đáp rồi loay hoay mang chiếc xích-đu ra kê sát cửa. Ông vừa uống trà vừa nghĩ rằng lát nữa, ông có thể nhìn rõ bầu đoàn thê tử của người tiều phu, trước hết là đứa con trưởng. Câu chuyện này đã trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên kể từ khi ông biết. Nỗi tò mò khôn cưỡng khiến ông nảy ra nhu cầu ngắm những nhân vật đích thực xoay quanh tình sử của cặp vợ chồng chênh lệch, trớ trêu này. Một nụ cười riễu cợt khác lại nảy sinh: ― A, ngươi thèm khát được thấy mặt đám người này vì họ là tấm gương phản chiếu lại cuộc đời của chính ngươi. Một sự phản chiếu gần như tuyệt đối nhưng theo chiều ngược lại. Bởi gã tiều phu chẳng đóng vai ông thánh, gã sống đúng thân phận con người. Gã là kẻ chiến thắng trên mọi nỗi bất hạnh đã trải nếm, còn ngươi, ngươi là kẻ chiến bại dưới bóng quyền lực và vinh quang. Một kẻ chiến bại câm lặng và thảm hại. - Thưa chủ tịch, như thế này đã được chưa ạ?... - Lui về phía sau một chút nữa là được. Không nên để họ thấy mặt tôi, như vậy phiền cho cả đôi bên. - Dạ. - Hình như có tiếng cậu Lễ? - Thưa chủ tịch, chính xác như vậy. Anh Lễ đưa quân lên tăng cường đấy ạ. Sau đội tăng cường mới đến gia đình người tiều phu. - Bảo cậu Lễ là tôi đang đọc tài liệu, cứ việc bố trí người bên ngoài, không cần vào đây bẩm báo với tôi. - Dạ. Chàng lính béo liếc lần cuối xem chiếc ghế kê đã thuận hay chưa rồi đi ra đón đội tăng cường. Ông cầm tập tài liệu ra xích-đu ngồi, trong tư thế tiện lợi nhất để có thể quan sát đám người sẽ đi qua mặt ông trước khi vào chùa chính. Không gian ngào ngạt mùi nhang. Tiếng gõ mõ vang rền khi hồi chuông ngưng lắng. Ông nghe tiếng bước chân đám lính, rồi họ xuất hiện ngay trước hành lang xếp thành một hàng rào. Tất cả nghiêm trang như những pho tượng gỗ, mặt hướng ra ngoài, lưng quay lại phía căn phòng của ông, nơi cánh cửa nửa khép nửa mở để che khuất người ngồi trong. Chừng như Lễ biết ý ông nên đã đứng ở một góc khuất nào đó. Sự vắng mặt anh ta khiến ông dễ chịu hơn. - Boong...boong...boong.... - Boong...boong...boong...boong...boong... Tiếng chuông lại gióng lên để làm hiệu cho đoàn người bước tiến vào chùa. Sư nữ bước ra sân, hai tay chắp hình búp sen đón khách. Người đầu tiên ông nhìn thấy chẳng phải là một thành viên trong gia đình kẻ tiều phu xấu số mà là một sư bác, chắc chắn ngoại ngũ tuần. Theo sau ông ta còn hai sư nữa rồi mới tới người con trai trưởng của ông Quảng. Chủ tịch nhận ra anh ta tức khắc ngay từ cái nhìn đầu tiên và có đôi phần thất vọng. Trên phương diện hình thức, anh ta chẳng gây được chút ấn tượng nào. Một gã đàn ông nhỏ thó, vai lệch, gương mặt nhọn hoắt, không gợi lại chút xíu hình ảnh người cha cũng chẳng có một hạt cỏn con sự quyến rũ nam tính. Anh ta bận quân phục thu-đông cũ, thứ y phục thông dụng của đám cán bộ xã. Anh ta chẳng có râu hùm, cũng không có hàm én, nhưng ngay cả dáng đi cũng lạ kì, dáng đi của anh ta giống hệt dáng đi của những người đàn bà mà đa phần trong số họ phải chấp nhận kiếp cô đầu hay kĩ nữ. Vừa vặn vẹo như rắn trườn vừa nhón gót như loài chim sẻ. Tuy nhiên, với bộ dạng sầu khổ và èo ọt, con người anh ta vẫn toát ra một sức mạnh âm hiểm rất khó miêu tả hay cắt nghĩa. Chủ tịch bất giác buông ra một tiếng: A!... ― Đây chính là con người kiểu mẫu của thứ xảo võ, lối đánh trông tưởng chừng như múa lượn nhưng toàn nhằm vào hiểm huyệt của đối phương. Khi xuống đòn, họ có thể kết thúc đối phương một cách bất ngờ. Nói cách khác, đây là thứ đô vật không bao giờ bước lên võ đài, là kiếm sĩ không xuất hiện lúc thanh thiên bạch nhật mà chỉ quật đổ đối phương bằng cách đứng rình trong bóng tối để đâm họ từ phía sau lưng. Kiểu người này chẳng bao giờ lùi bước trước bất cứ trở ngại nào để đạt được tham vọng của mình, bất chấp lương tri cũng như bất chấp sự khinh bỉ của tha nhân. Nhưng thần hộ mệnh của Quý không đủ quyền năng để giúp anh ta thành công, nên cuộc chiến đấu của kẻ thất phu chỉ tạo ra một đàn những đứa trẻ thiếu dinh dưỡng lẫn sự chăm sóc. Ông thầm nghĩ vì đã thấy đội quân ấy đi sau vị gia trưởng, tất cả đều chít khăn tang trắng thay cho khăn sô, sắp hàng theo thứ bậc. Tiếp theo gia đình này là một đám ông bà già; chắc họ là bà con gần gụi của kẻ đã khuất. Cuối cùng là mẹ con cô vợ trẻ với một thanh niên bảnh bao mà ông đoan chắc là chàng sinh viên tên Quỳnh. Đám người không gây ấn tượng nào đặc biệt. Chủ tịch bất giác nhắm mắt. Nỗi ám ảnh khiến ông quay lại với hình ảnh người con trưởng, lúc này đã vào hẳn trong chùa: ― Một đứa con èo ọt thảm thương như thế mà quyết liệt chống lại cha, hòng dùng vị thế của mình bắt ông ta làm nô lệ? Phi lý thay cõi đời. Một kẻ sống trong vòng bảo hộ của bậc gia trưởng nhưng lại muốn thực thi quyền năng của y trên chính ông ta, phải chăng đó là sự điên rồ có tính cá biệt hay là nguyên lý chung của muôn loài, tất cả những đứa con cần phải giết cha và những con thú lớn khôn cần phải cắn chết đám thú già để tìm thực phẩm? Nếu vậy thì khoảng cách giữa con người với muông thú đâu có xa? Ngoài sân, chuông gióng giả vang lên, hồi nọ ngưng lắng hồi kia lại tiếp diễn khiến những vọng âm reo như sóng trên khắp các giải núi và không gian chùa Lan Vu ngập tràn một sắc thái thần diệu. Sân chùa vắng tanh vì đoàn người đã vào hết bên trong, chỉ còn lại mớ lá vàng rải rác. Chủ tịch nhìn lên khoảng trời lơ vừa ló rạng sau cơn mưa xuân, tìm lời giải đáp. Nhưng lời giải không tới. Bởi ông không có kinh nghiệm trực tiếp. Bởi ông yêu cha ông, và ông không có nhu cầu cạnh tranh quyền lực hay tiêu diệt kẻ đã sinh thành mình. Ông cũng không tin nhu cầu ấy là phổ biến cho toàn nhân loại: ― Phải chăng vì ta đã giã từ gia đình quá sớm, và ta luôn thiếu vắng người cha, nên trong tim ta ông chỉ là mong mỏi và buồn nhớ? Nhưng còn hàng triệu người khác vẫn sống với cha mẹ họ một cách an lành? Bi kịch kiểu gia đình kẻ tiều phu kia lần đầu ta mới nghe và mới thấy. Có những đứa con hiếu đễ và những đứa con ngỗ ngược, vô ơn. Nhưng vì dục vọng mà biến thành kẻ cừu thù huyết chiến với bậc sinh thành hẳn chỉ là những cá nhân đặc biệt. Nếu phụ tử tình thâm mà còn những kẻ như vậy thì kể làm chi lũ khác máu tanh lòng? Sau cùng, ông nhận thấy ông đã quay lại với cái ngục luyện tội quen thuộc, cái pháp đình mà nơi ấy, ông vừa là quan toà vừa là người biện hộ. Bên kia chùa, tiếng đọc kinh tập thể đã vang lên. Hôm nay, ba vị sư dưới núi được phép lên đây để hỗ trợ sư cụ và sư nữ. Tiếng mõ vọng nhịp nhàng điểm xuyết tiếng ngân nga vang rền của chuông bát, hoà lẫn tiếng đọc kinh. Đám người bên kia chùa đang sống cuộc sống của họ, niềm tin của họ. Họ tin chắc rằng trời phật, các đáng thần linh tối cao hiểu được những ước nguyện chân thành ấy, rằng những gì họ đang làm giờ đây là để giải đi những oan khuất cho người đã chết, để xoá đi những lỗi lầm của ông ta, để hoàn lại danh dự bị vấy bùn và những thua thiệt phải cam chịu trong câm nín. Và sau rốt, để con đường dẫn tới cõi cực lạc đón nhận kẻ đã từ bỏ cõi trần. Còn ông, ông sống với niềm tin nào bây giờ? Một cơn đau chạy dọc sống lưng, khiến hai đùi ông tê lạnh. Chủ tịch khép chặt cánh cửa, quay vào buồng trong. Ông đi nằm. Chưa bao giờ ông đi nằm vào giờ này trừ những trận ốm. Hôm nay, ông không ốm nhưng ông muốn đi nằm. Ông thấy bại hoại. Một sự bại hoại cả phần xác lẫn phần hồn. Ông không thể và cũng không còn muốn giữ đúng những chuẩn mực sinh hoạt của một bậc quân vương. Ông chẳng còn muốn đóng vai một người lãnh đạo có sức khoẻ vô biên, làm việc như cỗ máy không han rỉ ― Suốt đời ta đã phải chèo chống, phải cố gắng hành xử cho thật giống máy inoc. Nhưng con người không thể là cỗ máy. Con người phải han rỉ với tháng năm. Ông thầm nghĩ, nhưng trước khi nằm xuống vẫn liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường và trải qua một thoáng chùng chình vì đồng hồ mới chỉ chín giờ rưỡi sáng: ― Có ích gì vào lúc này, tinh thần gương mẫu của ông vua già bị giam hãm? Thôi, hãy chấp nhận thực tế là cõi người hữu hạn và sức người chẳng phải là dòng sông không cạn kiệt với thời gian. Ta đã ngoại thất tuần, ở tuổi này chớ nên bám vào ảo vọng. Suốt đời ta đã hy sinh vì những giấc mơ lớn, những giấc mơ người ta thường gọi là lý tưởng, là mục đích cao thượng. Suốt đời ta quay mặt về phía thánh đường nơi con người dâng hiến tuổi trẻ cũng như sinh mệnh một cách vô tư. Nhưng sau rốt, ta mới nhận ra rằng lý tưởng ấy cũng chỉ là ảo vọng. Nó giống như lâu đài huyền bí đứng trong sương mù bên kia bờ sông quyến rũ những kẻ đứng bên này. Người ta xuống thuyền để bơi sang. Nhưng khi cập bến, thuyền nát ván rơi mà chẳng thấy lâu đài cũng không gặp châu báu. Chỉ đơn thuần là một bãi đất hoang trên đó, ngoài những đống đổ nát là trăm nghìn mảnh thuỷ tinh vỡ phản chiếu ánh cầu vồng. Ý nghĩ ấy khiến tay chân ông bủn rủn còn tâm hồn ông vật vờ như đám xác phù du bập bềnh sóng đánh. Ngay tức khắc, một cơn giận bùng lên, ông lại cao giọng tự xỉ vả mình: ― Ồ, chớ nên bị lung lạc bởi những ý tưởng bi quan như vậy. Chớ nên dẫm lên vết chân của đám hư vô chủ nghĩa. Ngươi có muốn quay lại thứ chủ nghĩa đó hay không? Hay ngươi muốn theo dòng tu loã thể, sống cuộc sống của cỏ cây và muông thú? Với ngần ấy thời gian, cách mạng đã tiến trên một đoạn đường dài. Chấp nhận hay không chấp nhận, sự thật cũng bày tỏ trước mắt ngươi như năm ngón tay trên một bàn tay đang xoè ra trước mắt. Đích sở thị, chúng ta đã có một đất nước độc lập, chúng ta có quốc kì, có chính phủ, có quân đội, hiện thực của những giấc mơ dài dặc được nuôi dưỡng trên chiến khu. Gã đàn ông có nước da nhợt nhạt màu xanh nõn chuối chợt quay lại, đứng tựa lưng vào tường và nhếch mép mỉm cười: ― Nhưng chính phủ để làm gì, quốc kì để làm gì khi những người dân còn sống lầm than hơn thuở trước? Guồng máy quyền lực này có ích gì nếu nó chỉ dùng để bảo đảm lợi ích cho một số ít ỏi trong khi nó đè nén toàn thể dân chúng và đẩy họ vào những cuộc tàn sát tập thể mà cuộc tàn sát tự nguyện lớn nhất chính là cuộc chiến tranh này? Những đồng chí của ngươi mơ ước một khải hoàn môn lớn hơn nữa để làm vinh danh chúng. Chúng mơ ước một cuộc chiến tranh vĩ đại hơn. Danh từ vĩ đại là con điếm vĩnh hằng tồn tại, vĩnh hằng lừa mị chúng sinh. Cả ngươi nữa, ngươi cũng đã từng bị nó huyễn hoặc. Vì muốn là bó đuốc dẫn đường cho dân chúng, vì muốn là con người vĩ đại, bậc quốc trưởng vĩ đại, ngươi đã tự nguyện đóng vai ông thánh. Và ngươi đã hại nàng, một người đàn bà ngây thơ, hoàn toàn tin cậy nơi ngươi, điều này ta nói đúng hay sai? Ông không dám trả lời. Ông không đủ can đảm để trả lời. Kẻ khiêu khích chẳng còn cười mỉm mà nhún vai một cách khinh bỉ. Sau khi ném cho ông cái nhìn hạ cố gã bước qua đầu ông đi ra ngoài qua lối cửa sổ. Chủ tịch chợt thấy sống mũi cay xè: ― Trời đất ơi, cớ sao ta dễ chảy nước mắt thế này? Bệnh già chăng, hay vì cơn cớ nào khác nữa? Một người đàn ông không nên khóc dễ dàng như vậy. Ta đã đổi thay, ta đã đổ đốn ra tự lúc nào? Ông tự rủa xả một cách dữ dội, nhưng nước mắt cứ chảy, từ từ lăn xuống hai thái dương rồi chui vào đám tóc. Và bên tai ông, câu hát quen thuộc của chàng bác sĩ vang lên: ― Người yêu dấu ơi... - A ha ha ha... - A ha...ha...ha...ha...ha...ha...ha... Những tràng cười khành khạch cất lên một cách hỗn xược và ngay tức khắc ông nhìn thấy gương mặt to tròn, má xệ, cằm xệ của chủ tịch Mãn. Ông ta hiện lên trong quầng sáng màu tro tím, nước da xanh vằn vện như da tắc kè. Vởi vẻ vui thú đặc biệt, ông ta ngắm nhìn ông như tuồng đứa bé quan sát con dế mèn. Chủ tịch nổi giận lên tiếng: - Tại sao ông đến đây, thưa chủ tịch? - Ý ngươi nói ta là vị khách không mời mà đến, đúng hay chăng? Ông ta vặn lại. Chủ tịch lặng im. Chủ tịch Mãn tủm tỉm cười: - Sao không trả lời thẳng thắn? Đây đâu còn là cuộc cờ thế sự, là võ đài ngoại giao mà phải diễn trò? Ta với ngươi âm dương cách biệt, dù muốn hay không cũng chẳng có ảnh hưởng đến nền chính trị của hai lân bang. Vả chăng, ngươi giờ đây khác nào Na-pô-lê-ông trên đảo, còn lý do chi để giữ gìn? - Tôi không quen, thưa chủ tịch. - Ồ, ngươi lịch sự lắm, thứ lịch sự của bọn da trắng. Nhưng ta và ngươi vốn xuất thân là kẻ quê mùa, ta ở Hồ nam và ngươi ở Nghệ An, cái tỉnh nghèo mạt rệp, nơi dân cày nhai khoai khô trừ cơm, còn khốn khổ hơn cả đám dân Hơ-mông làm bánh ngô hay nấu cháo ngô. Đã là dân quê thì cứ ứng xử theo gốc rễ của mình, phô trương làm chi thứ lịch sự học mót ở xứ người? - Xin ngài chuyển đề tài cho, thưa chủ tịch. - Ta không chuyển đề tài thì ngươi làm gì được ta? - Thưa ngài, chớ quên rằng ngài là khách. - Ô, ta đã quên từ lâu sự phân ngôi chủ khách, dù ta vẫn diễn trò ngoại giao. Đối với ta, tất thảy ngoại nhân hiện diện trước mặt ta đều là những con mồi trong cuộc đối đầu với chúa sơn lâm. - Tôi biết ngài vẫn tự coi mình là chúa sơn lâm thực sự còn Mỹ cũng như các nước phương Tây chỉ là đám hổ giấy. Vậy nếu tin ở sức mạnh của bản thân, tại sao ngài không trực tiếp đảm nhiệm cuộc chiến tranh này? - Ngươi nhầm, nếu quả thực Mỹ và bọn quỷ da trắng phương Tây đều là hổ giấy thì can cớ chi ta lại để cho lũ chư hầu phương Nam khởi sự cuộc chơi? Ta chưa nuốt được bọn da trắng vì trong thâm tâm, ta hiểu chúng chính là những con mồi quá to đối với họng của ta. Ngươi đã đọc chuyện Trăn nuốt gỗ chưa? - Nước tôi nhỏ, dân tôi nghèo, tôi chưa hề có ý định trở thành trăn nên tôi không quan tâm đến chuyện nuốt kẻ khác. - Đó chính là điều ngu xuẩn thứ nhất của ngươi. Đã làm vương mà chỉ bó gọn ý tưởng trong một giấc mơ thì không xứng đáng đặt đít ngồi lên ngai báu. Giấc mộng vương giả phải khác giấc mộng lương dân. Không có con đường trung dung giữa kẻ cầm quyền với đám người bị trị. Vì cốt cách như vậy nên ngươi bại trận. Cũng vì cốt cách như vậy nên ngươi bị điều khiển bởi đám lâu la của mình. Cổ nhân nói ― Quần hồ đánh bại mãnh hổ là như thế. - Đám quần hồ đó hành động dưới sự chỉ dẫn của ông. Vì lòng khát khao vinh quang làm mờ lương tri và chọc mù mắt họ. Vì u mê tăm tối họ đã bị phỉnh nịnh bởi mớ danh từ hào nhoáng của các bậc đàn anh nên nhất quyết lao vào cuộc chiến tranh này bằng mọi giá. Họ tin vào lời khích lệ của ông ― Đánh Mỹ đi, đó chỉ là một con hổ giấy.... - A...ha...ha...ha...Ngươi khá lắm! Xưa nay ta vẫn cho ngươi là tên tiểu tốt đáng gờm nhất ở phương nam. Ức đoán của ta không lầm. Linh cảm chưa bao giờ lừa bịp mà trái lại, luôn luôn là kẻ tôi đòi cần mẫn. Ngươi khá lắm! Ta xác nhận rằng ngươi đáng mặt quân tử. Chỉ tiếc thay, ngươi thiếu chữ thời. Xưa nay, đàm luận về các bậc anh hùng thế nhân thường thiên về chiến tích. Ta thực tế hơn, ta tin ở mệnh trời. Trời không phù trợ ngươi. Hoặc nói cho đúng hơn, mệnh ngươi yếu hơn mệnh của ta nên ngươi không thắng nổi ván bài này. Đấy là thứ xưa nay cổ nhân vẫn quy cho định mệnh. Mệnh trời xui khiến nên ngươi có mắt như mù, trông gà hoá cuốc, ngươi giao quyền bính vào tay những kẻ phản trắc. Vì mệnh trời xui khiến nên lũ lâu la của ngươi tin vào những lời ta nói như tin vào bậc thánh nhân. Nhưng đá tảng dẫu có sơn trắng cũng không biến thành bông, hộp các-tông dù có hình vuông cũng không biến thành gạch. Ta, muôn đời chỉ là vua bắc triều, và bờ cõi của ngươi muôn đời chỉ là cửa thềm để dân con những tỉnh phía nam Trung hoa mượn tạm tiêu dùng những khi cần thiết. Giải đất cỏn con mà các ngươi gọi là giang sơn gấm vóc chỉ là một quận huyện lơ láo, mà chúng ta sớm hay muộn cũng phải thâu về. Bây giờ, ngươi đã hiểu rằng cuộc chiến tranh này là một trong những cuộc chơi hay nhất đời ta, một cuộc chơi nhẹ nhàng, không tốn kém. Trong cuộc chơi đó, thậm chí ta cũng chẳng cần đào mưu tính kế mà chỉ lặp lại một trong ba mươi sáu phương sách cổ xưa: - Vâng, điều ấy tôi biết từ khởi thuỷ. ― Toạ sơn quan hổ đấu chẳng phải là phát minh của chính ông nhưng ông mượn của cổ nhân cũng đã nhiều lần. Thời chiến tranh Nhật - Trung, các ông gõ mõ khua chiêng mồm kêu― Kháng Nhật, cứu nước nhưng quân đội của ông nép ở đường biên để bảo toàn lực lượng, bỏ mặc cho quân Quốc dân đảng đối đầu với phát xít. Thực chất, ông mượn tay Nhật để tiêu diệt địch thủ chính trị của mình. Chờ khi đại chiến kết thúc, quân đội được bảo toàn của ông dồn sức tiêu diệt quốc dân đảng. Giờ đây, không những dân tộc Trung hoa mà hơn một nửa thế giới tưởng rằng công diệt phát xít là của các ông. Nhưng lịch sử không viết một lần như những dòng chữ khắc trên bia mộ. Mọi trò lừa đảo sớm hay muộn rồi cũng bị phơi bầy. Hậu thế có quyền viết lại lịch sử, và quyền lực này nằm ngoài tầm tay với của ông. - Hậu thế? Ta chưa nhìn ra gương mặt hậu thế. Ít nhất là vào lúc này. Cái bóng của ta sẽ trùm lên đất nước Trung hoa một cách lâu dài. - Ông cần thiết vinh quang như một kẻ đốt đền? Ông tạo dựng vinh quang bằng mọi phương thức giả mạo? - Chỉ có những kẻ ngu mới chơi một cách thật thà trong canh bạc chính trị. Tại sao ngươi tỏ tường mọi sự mà ngươi không bắt chước nổi ta? - Bởi vì tôi là tôi và ông là ông, thưa chủ tịch, không ai đổi được chỗ cho ai, cũng không ai dạy khôn được cho ai vì thế nhân là khác biệt. Tuy nhiên, tôi biết rằng cuộc chiến tranh này là trò chơi độc ác nhất của số phận, và nếu nó là hình phạt phân thây thì trong bốn cỗ xe ngựa, cỗ xe hung hăng nhất đã được điều khiển bằng bàn tay của chính ông. - Ngươi biết. Ta xác nhận điều ấy. Nhưng ngươi chỉ biết khi đã bị trói chặt chân tay. Ngươi biết khi ngươi chỉ là thây ma sống, kẻ làm vua mà không còn quân tướng là hình nộm được trang điểm mà thôi. - Cuộc đời tranh đấu của tôi chưa dạy tôi đủ kinh nghiệm để phán đoán và xử trí mọi tình thế. - Ta cho rằng ngươi cũng khá đủ kinh nghiệm, nhưng điều yếu kém nhất của ngươi chính là vị thế dùng dằng giữa phương đông với phương tây. Cái thế lưỡng phân này đã gieo trong ngươi thứ mầm của sự tự huỷ diệt. Trước hết là ảo thức về dân chủ, thứ bánh mì của bọn quỷ trắng. Nguyên nhân cội rễ sự thất bại của ngươi chính là ở đó. Ngươi là gã học trò ngoan của phương tây trong khi lũ bộ hạ tay chân ngươi lại là dân bản xứ. Vì thế cùng một lần chúng ngờ vực ngươi thân Pháp và lợi dụng nguyên lý biểu quyết đa số của phương tây để cột trói ngươi như lái lợn trói con lợn trước khi chọc tiết. Dòng máu phương đông chảy trong huyết mạch lại kêu gọi ngươi quay về ngôi miếu cũ, trong đó mấy ngàn năm các nho sinh hương khói xì xụp trước môn bài Đức trị. Ngươi quên rằng chưa ai từng thấy mặt Nghiêu Thuấn trên cõi đời này. Hai hình nộm đó chính do người cầm quyền tạo ra để răn dạy lũ sai nha và thuần hoá chúng sinh. Ngươi áp dụng tinh thần xả thân vì nghĩa, hy sinh vì ích lợi tập thể nên ngươi phải tuân phục lũ đàn em như một thằng ngốc. Ngươi quên rằng người phương đông ăn cơm bằng đũa và phân ngôi vua tôi một cách rạch ròi. Giữa vua tôi không thể có bình đẳng cũng không có tin cậy. Chỉ có sử dụng và không sử dụng mà thôi. Danh từ ―đồng chí ta mượn ở phương tây để điều khiển lũ quần thần và dân đen theo đúng cách bọn phù thuỷ điều khiển âm binh bằng phép thuật. Nó là vỏ trái cây, là bóng ma nhưng ngươi tin nó là ruột quả, là người thật. Cái chết đến với ngươi chính do sự nhầm lẫn này. Ô...đồng chí! Danh từ mỹ miều của mấy thằng rậm râu bày đặt. Ngươi đã thấy ta hành xử ra sao với cái lũ ta gọi là đồng chí hay chưa? Ta rút máu trong huyết mạch chúng ra như nông phu tháo nước ruộng. Ta lấy máu chúng để rửa những bậc thềm dẫn lên ngôi báu bởi màu đỏ là màu của quyền lực và vinh quang. Không có gì tượng trưng cho màu đỏ đẹp hơn là máu người. Những kẻ đứng bên tả hay bên hữu một vị vua luôn luôn là đao phủ dự phòng của chính ông ta. Phải biết cách giết chúng trước khi chúng kịp rút dao khỏi ống tay áo. Nói cho chính xác hơn, phải biết giết chúng ngay khi chúng chưa kịp nghĩ tới việc giấu dao vào trong tay áo. Đó là nghệ thuật cai trị đã được chứng nghiệm mấy ngàn năm. Là một vị vua phương đông mà ngươi không hiểu điều luật ấy. Ngươi muốn xây dựng đất nước theo hình mẫu phương tây, nên giao việc cắt đặt nhân sự vào tay kẻ khác. Ấy là tự giao gươm cho lũ cừu thù. Trong cuộc chơi quyền lực tình máu mủ còn chẳng thể tin cậy, huống chi người dưng? - Về điều này có thể là ông đúng... - Không phải có thể mà là đúng. Đúng, với nghĩa khẳng định. Ngươi chớ dùng dằng trong cõi đỏng đảnh của ngôn từ. Thế nhân thường phải trả giá rất đắt cho sự hiểu lầm chữ nghĩa. Còn ta, ta sẽ phải hiểu ra sao sự nhầm tưởng của ngươi? - Hoặc tôi thiếu kinh nghiệm hoặc tôi thiếu thông minh. Hoặc trong tình thế riêng biệt của đất nước tôi, khó tìm được giải pháp khác. - Ngươi khá thông minh nếu nhìn một cách đại thể. Nhưng ngươi ngu đần khi lẫn lộn giữa thật và giả, giữa sự đóng trò và sự nhập vai. Làm vua chính là cuộc sắm vai lớn nhất giữa sân khấu cuộc đời. Nhưng phải có ý thức là mình đang diễn. Và cái ý thức đó phải được duy trì, bảo dưỡng thường xuyên như con người phải thường xuyên chăm sóc bản thân phần hồn cũng như phần xác. Cái khốn nạn của ngươi chính ở chỗ ngươi có máu kép hát, đôi khi ngươi khóc ngươi cười thật sự, có nghĩa là ngươi nhập thân thật sự vào nhân vật. Bởi thế, ngươi chẳng thể chơi đến cùng vai diễn của đấng quân vương. Bây giờ, ta sẽ giải thích cho ngươi nghe sự khác biệt giữa một ông vua với một thằng kép hát. Vua diễn trò nhưng luôn luôn ý thức đó là vai diễn, bất kì lúc nào ông ta nhấc chiếc mặt nạ lên, ném nó vào tủ là ông ta có thể làm mọi điều theo ý thích, thậm chí trái ngược hoàn toàn với vai diễn, nhưng bắt quần thần và dân chúng phải coi đó là sự đương nhiên. Càn Long là ví dụ sáng tỏ nhất trên phương diện này. Ông ta cực thông minh, văn võ kiêm toàn, chữ viết đẹp như có tinh hoa tiên cốt, thơ cao sang như ngọc bích trân châu. Ông ta dạy dỗ quần thần và dân chúng đủ tứ thư ngũ kinh lẫn các cẩm nang đạo đức khác. Nhưng đó là lúc sắm vai làm vua. Trong khoảnh khắc, ông ta có thể gỡ cái mặt nạ quân vương xuống, ném vào bất cứ xó xỉnh nào, và sống đích thực con người của ông ta. Ngươi còn nhớ tích ông ta đá hoàng hậu đến xảy thai ngay trên thuyền rồng, trước mắt triều thần văn võ? - Tôi nhớ. - Ngươi còn nhớ cuộc tình của ông ta với Hoà Khôn? - Đương nhiên, tôi nhớ. - Tốt lắm, vậy ngươi có nhớ Hoà thân đã từng bày mưu sát hại thái tử Phúc Khánh mấy lần hay không? - Hai lần, nếu tôi không nhầm. - Đúng, hai lần và nếu không có sự trì độ dai dẳng của tể tướng Lưu gù thì vị đông cung thái tử này đã hoá thành cát bụi. Vậy mà Hoà Khôn vẫn được trọng dụng, tài sản riêng của ông ta lớn hơn cả kho báu quốc gia. Điều đó chứng minh rằng lòng sủng ái của Càn long với Hoà Khôn còn lớn hơn sinh mạng đông cung thái tử và lợi ích của non sông. Mà Càn Long chắc chắn chẳng phải kẻ nhu nhược hay hão huyền mơ mộng. Vậy lý do nào khiến cho ông ta hành động như vậy, nếu không vì thoả mãn lòng dục? Nếu không vì muốn ve vuốt no nê cái thân xác chứa đựng linh hồn của đấng quân vương? Là kẻ lưỡng dục, Càn Long ham mê một lần cả trai lẫn gái nhưng ta cho rằng trong thực tiễn khuynh hướng đồng tính mạnh hơn, cốt yếu hơn. Bởi thời ấy, kẻ đồng dục thường bị riễu cợt khinh bỉ nên ông ta mới dựng một loạt cung điện cho phi tần quanh khu thượng uyển để che mắt thiên hạ. Giá như triều đình hạ lệnh thả đám phi tần cung nữ này cho về quê lấy chồng ắt hẳn hai phần ba bọn họ vẫn còn trinh. Thế đấy, ngươi hãy mở to mắt mà nhìn trò chơi của bậc quân vương. Chẳng riêng Càn Long, vua chúa thời nào cũng vậy. - Tôi biết. Và ông chắc chắn là kẻ kế thừa xuất sắc truyền thống này. - Ngươi đánh giá ta quá thấp, nói cho đúng hơn ngươi nhìn ta với con mắt hỗn xược. Tính hỗn xược của bọn chư hầu Bách Việt vốn có từ xưa. Ngươi cần hiểu rằng ta không phải kẻ kế thừa mà là người sáng tạo. Ta cười khẩy trên lối xài mỹ nhân tốn kém mà ít hiệu quả của đám vua chúa xưa. Ta chẳng cần xây lầu son, gác tía. Ta không cần trình duyệt các phí tổn cho lũ yếm thắm quần hồng. Dồn tụ chúng vào một xó, lũ mèo cái sẽ cào cấu lẫn nhau và phá hoại giấc ngủ an lành của ta. Dinh thự của ta di động. Một con tầu khiêm cung trên đất liền thuận tiện ngàn lần hơn chiếc thuyền buồm xa xỉ trên mặt đại dương vì nó xuyên lục địa. Đất nước rộng dài, giang sơn mênh mông, đi đến đâu ta tuyển phi tần ở đó. Không phải thứ gái đã hai mươi như sơn nữ của ngươi mà thuần loại đào tơ từ mười hai tới mười sáu. Càng trẻ tuổi, nguyên khí càng tươi tốt. Ta lấy lại tuổi trẻ và bồi dưỡng nguyên khí của ta nhờ những đứa trẻ dạy thì này. - Vâng... Chủ tịch nhếch mép cười: - Tôi biết câu nói nổi tiếng của ông: ― Ta rửa bộ phận sinh dục của ta trong bụng họ. - Cái gì là bộ phận sinh dục? Ngươi quả là kẻ sính danh từ của bọn mũi lõ mắt xanh? Ta vốn là dân Hồ Nam, ta thích nói theo giọng của nông phu bản địa:―Ta rửa con cặc của ta trong những cái hẽm của bọn gái non cho nó được dồi dào nhuận khí.Thế đấy,ngươi đã nghe rõ chưa? Dứt lời, ông ta cất tiếng cười bỡn cợt và thách thức, đôi mắt nhỏ hấp háy bắn lên những tia lửa tinh quái. Chủ tịch nhìn rõ hai hàm răng đều tăm tắp vàng khè. Ông lặng im không đáp. Một khoảnh khắc trôi qua, chủ tịch Mãn hắng giọng nói tiếp: -Bẻ nhuỵ xong, ta trao lại các― nữ đồng chí này cho đám quan sở tại giải quyết. Họ buộc phải cho chúng tăng lương, kết nạp đoàn hay đảng, nếu chưa có việc thì thâu nhận vào công trường nhà máy, nếu muốn đi học các giảng đường sẽ mở sẵn cánh cửa đón chào. Nếu đứa nào yểu mệnh chết, đó là sự rơi rụng của một trái đào trong rừng đào Vân nam. Đứa nào may mắn hứng tình và hân hạnh mang hạt giống của ta, nó sẽ được trọng dụng và đứa trẻ sẽ được bí mật nuôi dưỡng rồi gửi vào vườn trẻ Trung Nam hải. Sao, ngươi đã thấy tư chất kẻ sáng tạo trong ta hay chưa? Ngươi đã thấy trò chơi của ta hay hơn lối chơi của Càn Long chưa? Dứt lời, ông ta lại cất tiếng cười ròn rã. Chủ tịch lặng im nhìn người đối diện. Những lăm thịt tràn đầy trên chiếc cổ áo kiểu Tôn trung Sơn của ông ta cũng vằn vện như da tắc kè khiến người ta liên tưởng tới một đống bột nhão mốc. Khuôn ngực ông ta căng đầy dưới áo. Nhưng từ phần bụng trở xuống, chỉ còn là đám sương. Hồi nhỏ, ông nghe người làng nói rằng ma không bao giờ có chân. Chúng đi lướt trên cỏ và chỉ hiện hình từ phía gối trở lên. Giờ, ông thấy điều đó là chính xác. Điều lạ lùng là trong thực tế ông vua phương bắc đang còn sống, đang điều khiển cuộc hành quyết các quần thần ; vậy mà ông ta luôn hiển hiện trước mắt ông dưới ảo dạng của hồn ma, dù trong giấc mộng canh ba hay giấc mơ chính ngọ. Tiếng cười của ông ta vang lên những âm thanh vừa chói vừa xỉn, nếu người ta thể hiện bằng màu sắc thì nó sẽ là màu sắt đen trộn rỉ đồng. Không hiểu vì đâu, tiếng cười của chủ tịch Mãn khiến ông buồn. Vẻ kiêu mạn của ông ta cũng không còn làm ông tức giận. Lần đầu, ông cảm thấy một nỗi buồn vô căn cứ, một nỗi bâng khuâng kì dị như khi đọc truyện Liễu Trai. Chủ tịch Mãn chừng như cũng ngạc nhiên khi thấy ông im lặng. Ông ta hạ giọng: - Sao? Ngươi tiếc thời đã qua hay ngươi hối tiếc những việc đáng lẽ phải làm? - Không. Mọi sự hối tiếc đều vô dụng. - Vậy ngươi nghĩ gì? - Tôi nghĩ rằng âm dương cách trở, ông đã cất công đến thăm dù là cừu thù giờ cũng thành khách quý. Nhưng mọi lời khuyên trên đời đều vô giá trị. Bởi con người khác biệt nhau. - Đúng, con cừu gặm cỏ còn chim ưng xé mồi. Nhưng đã là bậc cai trị thì dù thống lĩnh một vương quốc lớn hay coi sóc một hòn đảo nhỏ cũng đều phải quan tâm tới nghệ thuật cai trị. Ngay lũ mọi châu Phi cũng còn biết cách nắm vương quyền. Ngươi, thông minh hơn chúng ngàn lần, cớ sao để bọn lâu la dồn đến nông nỗi này, đó là điều khiến ta muốn biết? - Ông chẳng còn việc gì làm dưới U tỳ quốc hay sao? Vả chăng, thân nhân những kẻ bị ông sát hại trên đất Trung Hoa giờ này đâu đã mất hết trí khôn hoặc mắc chứng mất trí nhớ. Ông tin rằng họ sẽ mãi mãi im lặng trước mấy chục triệu thây ma oan uổng kia sao? - Tin hay không tin, điều đó có gì quan trọng? Cuộc chơi đã xong, các quân cờ đã xếp vào hòm. Giờ, ta đi tìm miền đất khác. Ngươi chính là một trong những đối tượng khiến ta thú vị. Mọi sự thú vị đều kèm theo nỗi tò mò. Vả chăng, Trung hoa và Việt nam từ ngàn xưa đã là những anh em cừu thù, ta và ngươi cũng vậy. - Tôi thấy ông cũng khá thành thật. - Âm dương đôi ngả, ván bài ngoại giao không còn hữu ích. - Nếu đã xác nhận quan hệ anh em - cừu thù, cớ sao ông còn đến đây? - Ngươi đặt một câu hỏi ngu ngốc, chính vì là anh em- cừu thù nên ta mới đến đây. - Để đặt dấu nhấn trên quyền lực của ông, để chứng minh rằng vai diễn quân vương của ông là xuất sắc, để nói rằng suốt đời ông ông đã thoả thuê no nê trên đủ mọi phương diện và thân xác ông bao giờ cũng được đặt trên bệ thờ cao hơn lợi ích của giang sơn. Và chính vì thế, ông không dừng tay trước bất cứ cuộc huỷ diệt nào. Cũng chính vì thế, ông trở thành kẻ cầm lái vĩ đại. Bởi dân tộc ông quen chiêm ngưỡng những vĩ nhân đứng trên các khải hoàn môn xây cất bằng xương người. Rằng người ta cần phải đứng trên các bệ cao, nên xương người chất càng cao càng hoàn mỹ. Và sau cùng, đó chính là cách thức tốt nhất để giáo huấn cho những kẻ muốn làm vua? - Đích thực là như vậy. Lần này, ngươi thông minh xuất sắc. Ta đến đây để khuyên giải ngươi hay làm nhục ngươi, hiểu theo cách nào cũng được! Bởi muôn đời ngôn từ vẫn chỉ là gái hồng lâu, quân tử Nam kinh hay quân tử Bắc kinh đều nhảy được vào giường. Ta đến đây để dạy ngươi rằng vai diễn quân vương khác biệt một trời một vực với sự nhập thân của thằng kép hát. Lẽ ra ngươi nên học nghề sân khấu, hoặc nên lui về cuộc sống êm ả của chúng sinh với giấc mơ « Một túp lều tranh hai trái tim vàng ». Làm vua, nghề này đòi hỏi cách xử thế khác. Hai điều cốt tuỷ mà những kẻ cầm vương trượng không bao giờ được quên. Điều thứ nhất là phải biết trút tinh dịch của mình ra một cách hoàn hảo. Ấy là phép vệ sinh thân xác không thể thiếu để giữ óc não sáng suốt, máu huyết lưu thông. Điều thứ hai là phải biết rút máu kẻ khác để tưới những bậc thềm cung điện vì máu người là thứ nước duy nhất có thể dùng tưới mảnh đất trồng loài cây đơm trái quyền lực và vinh quang. Ngươi có thấy loài cây nào không được tưới tắm mà đơm cành kết trái được không?...Hai nguyên tắc vàng để bảo dưỡng thân tâm và bảo trì ngôi báu. Hai nguyên tắc ấy vua chúa từ thượng cổ tới nay đều biết ứng dụng. Vậy mà ngươi không làm nổi. Tồi tệ hơn, ngươi làm ngược lại. Đấy là sự nhầm lẫn lớn nhất trong đời ngươi. Sự nhầm lẫn này không chỉ tiêu diệt sự nghiệp của ngươi mà còn đẩy ngươi vào cảnh tù đầy. Tù đầy trên cả hai phương diện, thân xác ngươi bí bức khí huyết ứ trệ, tinh thần ngươi u ám khắc khoải vì ở trong thế bị dùng. Bọn lâu la của ngươi đã từng mượn nhà an dưỡng Quảng Châu để trói cẳng ngươi ở đó. Nếu ta chưa nhầm, ngươi đã yên vị chừng sáu bảy tháng, đã bắt đầu quen lại thông thổ, đã bắt đầu thích món ăn sở tại, thích nhìn gái đẹp sở tại. Cớ sao chúng lại rời chuyển ngươi về đây? Ông im lặng. Một luồng khí trắng đục phả từ phía bóng ma bay về phía ông khiến mặt ông tê lạnh, nhất là hai gò má. Chủ tịch Mãn thấy ông không đáp lời thì cười và nói tiếp: - Ồ, mà ta hỏi đùa đấy thôi. Ngươi làm sao biết nổi?Tấm thân cá chậu chim lồng. Rồi lắc đầu như tỏ vẻ thương xót, ông ta giơ tay vẫy chào và biến mất.