ố Không ơi, cậu biết đấy, mình sinh sự với ông cụ trưởng phòng cân đo là vô lí. Của đáng tội, ông cụ cũng còn lòe bịp hơn một nhà ảo thuật. Mà các nhà ảo thuật thì ở nước mình nhan nhản. Nhưng thầy phù thủy chính cống thì bói cũng chẳng ra. Trong lúc nghỉ giải lao, mình rủ bọn nó đi tắm. Cậu thử nghĩ xem có thể ngồi tẩn mẩn lâu được bao nhiêu với các bất đẳng thức với lại đẳng thức và số Pi? Vì cần lập phương trình cho nên bọn mình mới đành phải đến đây chứ!... Nhưng Ô-lếch bảo trước hết tìm hiểu xem phương trình là gì cũng không phải là vô bổ. Ừ nhỉ! Mình quên khuấy đi mất. Một lát lại nghe thấy tiếng cồng. Chị chữ F lại đến. Và bọn mình lại ngồi xuống thảm. Mình đang định hỏi xem ông cụ trưởng phòng cân đo đâu thì đã thấy ông già ngồi đàng hoàng bên cạnh cái cân, y như là từ lúc nãy đến giờ ông cụ không hề đi đâu ấy. Ông già vung cây đũa. Trên mỗi đĩa cân xuất hiện một số 14. Trong mắt thần lấp lánh một dấu đẳng thức. Mình nghĩ thầm: - Xin đủ thôi! Lại vẫn trò cũ chứ gì! Nhưng mình đã lầm. Ngoài số 14 ra, trên mỗi đĩa cân còn thấy thêm một Số Năm nữa: 14 + 5 = 14 + 5 Các đĩa cân không động đậy, mắt thần vẫn chỉ dấu đẳng thức. Sau đó các số trên đĩa cân biến đi, nhường chỗ cho hai tổng: a + b = c + d Rồi bên cạnh mỗi tổng lại hiện lên một số như nhau là Số Ba: a + b + 3 = c + d + 3 Các đĩa cân vẫn không nhúc nhích. Ông cụ nói: - Các cháu thấy đấy, nếu thêm vào mỗi vế một số như nhau thì đẳng thức không bị phá vỡ. Trừ một số như nhau cũng thế. Có thể nhân hay chia cả hai vế cho một số như nhau, đẳng thức vẫn đúng. Mình bèn hỏi: - Thưa cụ, nếu không cộng thêm số mà cộng thêm những chữ như nhau thì thế nào ạ? - Vẫn thế! Vì chữ cũng là số mà. Cháu xem đây. Bây giờ lại có thêm chữ n nào mỗi tổng trên hai đĩa cân. Đẳng thức vẫn không bị phá. a + b + 3 + n = c + d + 3 + n Hừ! Mấy cái đẳng thức chán phè này làm mình đâm buồn ngủ! Những rồi lại xảy ra một chuyện khiến cho cơn buồn ngủ của mình vụt tan biến mất. Trên đĩa cân bên trái lấp lánh một chữ mà từ trước đến giờ mình chẳng hề để ý tới. Đấy là một chữ La-tinh x, một chữ mà giá có đặt lẫn lộn đầu xuống dưới đất hẳn trông vẫn thế thôi. Bên cạnh chữ x xuất hiện một Số Ba, xen giữa chúng là một dấu trừ. Còn trên đĩa cân bên phải là một anh chàng cùng tên với cậu, Số Không ạ: x - 3 = 0 Trong mắt thần lấp lánh một dấu đẳng thức. Bỗng nhiên... Cậu đừng hoảng nhé! Chữ x quay ngoắt lại (chẳng là lúc đầu hắn ta đứng quay lưng về phía bọn mình mà lị). Thế là bọn mình trông thấy hắn mang một chiếc Mặt Nạ Đen. Khiếp chưa! Chữ x nấp đằng sau Mặt Nạ Đen! Bọn mình cùng đứng phắt dậy, xông đến tóm lấy tay hắn ta kéo như hắn ta đột nhiên định bỏ chạy thì sao? Nhưng hắn ta không thèm nghĩ đến chuyện chạy trốn nữa cơ. Hắn cứ đứng nguyên, ngơ ngác. - Có chuyện gì thế? - Hắn hỏi. - Hình như chúng ta chưa quen biết nhau thì phải. - Sao? Chẳng lẽ anh không phải là Người Mặt Nạ Đen đã từng trao cho cậu Số Không cái vỏ đậu ư? Chẳng lẽ anh không phải là người mà chúng tôi đang tìm cách giải bùa cho ư? - Không, tôi không phải là người mà các bạn đang tìm đâu. Ở An-giép chúng tôi, các chữ x nhiều như những giọt nước trong đại dương. Chúng tôi được dùng để kí hiệu ẩn số. Bọn mình đành phải xin lỗi và quay về ngồi xuống thảm. Dù sao thì bọn mình cũng biết được một điều: Người Mặt Nạ Đen là ẩn số. Còn ông cụ trưởng phòng cân đo thì vẫn tiếp tục công việc y như không có chuyện gì xảy ra cả: - Trước mắt các cháu là đẳng thức x - 3 = 0. Nhưng đẳng thức này hơi khác những đẳng thức mà ta giới thiệu với các cháu từ trước đến giờ. Đây không phải là một đồng nhất thức, cũng không phải giản đơn là một đẳng thức, mà là một phương trình bậc nhất. - “A! Được đấy!” - mình nghĩ thầm. Ông già nói tiếp: - Nó có đặc điểm gì? Nếu trong đồng nhất thức có thể thay tất cả các chữ bằng bất kì số nào cũng được và trong đẳng thức thường chỉ thay được một vài chữ bằng những số bất kì, thì trong phương trình bậc nhất chỉ có thể thay chữ x bằng một số duy nhất. Nếu không, đẳng thức sẽ bị phá vỡ. Tìm ra ẩn số duy nhất đó cũng tức là giải phương trình. Chưa giải được phương trình thì chẳng biết x bằng bao nhiêu cả. Vì thế nó phải đeo Mặt Nạ Đen. Chỉ cần giải được phương trình là Mặt Nạ Đen tự nhiên rơi ngay. Từ phút ấy, nỗi phiền muộn của mình vụt tan biến. Mình chợt hiểu rằng, tất cả những điều bọn mình học hỏi ở nước An-giép từ hôm nọ đến nay đều là cần thiết để giải phương trình và giải bùa cho Người Mặt Nạ Đen. Thế là những giờ phút bọn mình hoảng sợ trong đường hầm tối mịt không đến nỗi phí hoài, những lúc bọn mình chôn chân bên con đường một ray lơ lửng giữa không trung và những lúc bọn mình miệt mài dịch mật mã ở quán “Úm ba la” không đến nỗi uổng công. Và giờ đây bọn mình giỏng tai nghe ông cụ pháp sư đội cái mũ trắng cao lênh khênh cũng không phải là vô ích. Về câu chuyện ông già là một pháp sư thì có lẽ chẳng phải nghi ngờ nữa. Bởi vì mọi người bình thường làm sao có thể bắt ép mình say mê mọi cái mà mình không thể chịu đựng nổi cơ chứ? Giờ đây, nghe ông cụ nói mà mình cứ chăm chăm nhìn vào miệng ông, chỉ sợ nghe sót một lời nào thì phí của: - Vậy, làm thế nào giải được phương trình x - 3 = 0? Đây là một phương trình rất đơn giản. Muốn giải phương trình này có lẽ chỉ cần đọc một câu thần chú là xong. Ông già dang rộng cánh tay trong ống tay áo rộng thùng thình và hô to: - An-giép! - An-giép, An-giép! - đâu đó từ trên cao có tiếng vọng trở lại. Và lập tức trên các đĩa cân xuất hiện đẳng thức. x - 3 + 3 = 0 + 3 Ông cụ giải thích: - Các cháu đã biết, nếu thêm cùng một số vào hai vế của đẳng thức thì không có gì thay đổi. Vừa rồi là ta đặt thêm vào mỗi đĩa cân một Số Ba. Nhưng ngay lúc đó, hai số ba ở bên trái của đẳng thức biến mất. Mình sửng sốt, hỏi: - Hai Số Ba đâu rồi nhỉ? - Thế cháu quên mất qui tắc vận hành trên đường một ray rồi ư? Âm ba và dương ba là hai số ngược dấu nhau cho nên chúng phải tiêu diệt nhau. Thành ra x bằng Ba. x - 3 + 3 = 3 Trên các đĩa cân xuất hiện một đẳng thức mới. x = 3 Chiếc Mặt Nạ Đen che mặt chữ x rơi xuống. Chữ x nghiêng mình thật thấp chào mọi người rồi chạy biến. - Lí thú thật! - Ô-lếch đăm chiêu liếc nhìn đĩa cân và nhận xét. - Trong phương trình x - 3 = 0 thì Số Ba ở đĩa cân bên trái. Thế mà bây giờ nó lại sang đĩa cân bên phải. - Đúng thế, - ông già xác nhận. - Nhưng lúc ở bên trái nó có dấu âm, còn sang bên phải nó lại có dấu dương. Tuy không viết dấu nhưng ta phải hiểu ngầm là có dấu dương. - Như thế hà tất phải cộng thêm vào mỗi vế phương trình một số Ba? - Ô-lếch nói. - Cứ việc chuyển số Ba từ đĩa cân bên trái sang đĩa cân bên phải và đổi dấu đi là xong. - Cháu nói rất hợp ý ta! - Ông cụ nghiêng mình tán thưởng. - Đúng là người ta giải phương trình như thế đấy. Ta thêm các số ba vào hai bên chỉ cốt để các cháu hiểu tại sao có thể chuyển một số từ bên này sang bên kia. Ta cũng báo để các cháu biết, việc chuyển một số âm từ vế này của đẳng thức sang vế kia gọi là sự khôi phục. Cái tên này có từ khi các số âm còn bị coi là vô nghĩa. Chuyển một số âm sang vế khác của đẳng thức với dấu ngược lại cũng tựa hồ như là khôi phục quyền của nó, biến nó thành một số dương. Khôi phục, tiếng A-rập là “an-giép”. Cái từ thần diệu ấy do nhà bác học vĩ đại Mô-ha-mét Íp-nơ Mu-xa An Khơ-va-rê-dơ-mi truyền lại cho chúng ta. Từ này được ghi ở đầu đề một tác phẩm làm nền tảng của quốc gia chúng tôi, gọi là “Cuốn sách bàn về sự khôi phục và sự đối lập”. Ông cụ giơ tay chỉ những chữ A-rập đang lấp lánh trong bóng tối nhá nhem và đọc to lên: “Ki-táp an-giép van-mu-ca-ba-la”. - Chúng cháu rất cảm ơn cụ, - Ô-lếch nói. - Khôi phục là gì, có lẽ chúng cháu đã rõ. Nhưng còn đối lập là thế nào ạ? Đúng lúc đó lại có một tiếng cồng. Ông già mỉm cười một cách khó hiểu và tan biến vào trong bóng tối. Tiếng bà mẹ Số Hai văng vẳng bên tai mình “Rau quả có vụ chứ!”. Từ ngày bọn mình đến đây, câu châm ngôn ấy lúc nào mình cũng nghe thấy. Thậm chí mình khó mà tin được rằng sẽ có lúc bọn mình ngồi bên nhau, giở bài toán của vỏ quả đậu ra rồi tự tay giải lấy mà không cần ai dẫn đường chỉ lối cả. Xê-va