Dịch giả: Phan Tất Đắc
Vòng Danh Dự
(Ta-nhi-a gửi Số Không)

    
ố Không thân mến!
Ngày hội rất tuyệt!
Bọn mình đến vừa đúng lúc. Sân vận động chật ních người ồn ào như ong vỡ tổ. Kìa, một chữ A trang trọng đã xuất hiện trên khán đài chính, ở một lô dành riêng có cắm hoa lộng lẫy. Ông ta đi đến gần mi-crô, giơ tay ra hiệu, thế là cả sân vận động im phăng phắc.

Chữ A lên tiếng:
- Đồng bào thân mến! Các bạn thân mến! Xin chào mừng các bạn nhân ngày hội hàng năm của nước An-giép chúng ta. Trong ngày lễ này, chúng ta biểu dương tất cả những ai ở nhiều nước khác nhau đã từng lao động quên mình qua bao thế kỉ để đem lại vinh quang cho đất nước vĩ đại của chúng ta.
Toàn thể các bạn đều biết quốc gia chúng ta là một quốc gia rất cổ. Nhưng nhiều nhà bác học khai sáng nên đất nước này đã ra đời từ lâu trước khi có quốc gia này. Họ đã làm việc trong điều kiện khác hẳn chúng ta ngày nay. Họ không chung sức với nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau để làm việc như chúng ta bây giờ, mà họ làm việc đơn độc, xa cách nhau về thời gian và không gian. Họ là những người khởi công xây dựng nên môn khoa học này. Thế mà phàm cái gì khởi đầu cũng đều khó cả. Cho nên công lao của họ đối với loài người, cũng tức là công lao đối với quốc gia chúng ta, càng to lớn.
Đất nước chúng ta xưa kia không phải như bây giờ. Hơn nữa cũng không phải ngay một lúc nó đã trở thành một quốc gia đâu. Nhưng từ ngày xửa ngày xưa, từ thời các dân tộc cổ đại như người Ba-bi-lon, người Ấn Độ và sau đó là người Hi Lạp đã bắt đầu nảy ra nhu cầu phải có quốc gia này.
Họ là những dân tộc đã đạt tới trình độ văn minh khá cao. Nghề trồng trọt, nghề buôn bán, nghề hàng hải phát triển đã đòi hỏi phải giải những bài toán số học hóc búa. Nhưng khốn thay, cách lập luận của các nhà toán học cổ đại quá dài dòng và rắc rối, thành ra những người bình thường không sao hiểu nổi.
Các nhà bác học bèn nghĩ ra cách làm sao giải các bài toán được đơn giản. Vả chẳng những là đơn giản mà lại còn khái quát, tức là làm sao tìm được lời giải tổng quát cho nhiều bài toán cùng loại. Chỉ cần thay vào đó những con số cần thiết là có ngay đáp số.
Các nhà bác học đã lao tâm khổ tứ không uổng công: họ tìm được cách giải ngày càng đơn giản hơn. Thế nhưng nội dung các bài toán cũng mỗi ngày mỗi khó hơn, bởi vì cuộc sống cứ tiến lên. Thậm chí có một số bài toán làm cho các nhà bác học cũng đâm bí: họ không tài nào giải nổi bằng những phương pháp quen thuộc. Và thế là người ta đã nghĩ ra những số mà xưa nay chưa ai biết là các số âm, số vô tỉ, số ảo…
Những số ấy phải vất vả trong một thời gian dài mới được thông dụng. Lúc đầu nhiều nhà toán học không chịu công nhận chúng. Họ bảo số âm là những số không cần thiết, còn số ảo là số giả tạo. Nhưng dần dà các số ấy đã trở thành hiển nhiên đối với mọi người. Ngày nay cậu học sinh nào đã từng đến thăm con đường một ray cũng đều biết rõ các số ấy cả. Cậu ta cứ thử lấy một số nhỏ trừ đi một số lớn hơn mà không dùng các số âm đi xem nào!
Nhưng các chữ mới là người giữ vai trò đặc biệt tạo nên cảnh phồn vinh của đất nước An-giép. Chúng đã đem lại trật tự ngay lập tức cho cái đám lộn xộn đủ kiểu bài toán.
Cách kí hiệu bằng chữ đã có từ rất lâu. Nhà tư tưởng vĩ đại thời cổ là A-ri-xtôt đã áp dụng cách kí hiệu bằng chữ vào số học từ 24 thế kỉ trước đây. Song không phải các chữ đã được dùng rộng rãi ngay đâu.
Ngày nay các phát minh mới trong khoa học được phổ biến đi rất nhanh. Chứ sao nữa! Bởi vì chúng ta có sách báo, có vô tuyến truyền thanh và vô tuyến truyền hình. Nhưng ngày xưa làm gì có những thứ đó. Thế là phát minh của A-ri-xtôt phải chờ đến hai mươi thế kỉ sau mới được đánh giá một cách xứng đáng.
Đó là lúc mở đầu một thời đại mới trong hình học, vật lý học, thiên văn học, hóa học và các khoa học khác. Mà hồi đó làm gì đã có toán học cơ chứ. Ngay chính Mô-ha-mét Ip-nơ Mu-xa An Khơ-va-rê-đơ-mi cũng khó lòng có thể mơ ước rằng đứa con đẻ của mình sẽ có lúc phồn vinh như thế.
Nói như vậy không phải tôi muốn khẳng định rằng ngày nay các nhà bác học không còn việc gì để làm nữa đâu! Khoa học không hề có giới hạn. Sự phát triển của khoa học là vô tận. Thế mà vô tận là gì thì các bạn đã rõ, thiết tưởng không cần phải giải thích nữa. Cho nên hôm nay tôi đặc biệt hài lòng hoan nghênh tất cả những ai nghiên cứu lịch sử và luật pháp của quốc gia chúng tôi. Chúng ta đặt niềm hi vọng to lớn ở họ, bởi vì họ đang cố gắng giải những bài toán xưa nay chưa ai giải được.
Đột nhiên diễn giả quay về phía bọn mình và nghiêng mình thật thấp chào bọn mình. Thế là tất cả mọi người trên khán đài nhất tề đứng lên hoan hô vang dậy.
Bọn mình thật không biết trốn đi đâu được nữa. May quá, sau đó các khán giả ngồi xuống ngay.
Nhưng chữ A đã ra lệnh: “Kéo cờ!” và mọi người lại đứng dậy. Âm nhạc nổi lên. Hàng chục dải lụa đủ màu phần phật bay trước lễ đài. Có cờ của nhiều nước. Một số cờ, bọn mình thấy lần đầu. Nhưng có một lá cờ bọn mình nhận ra ngay: đó là lá cờ Liên Xô đỏ thắm.
Sau đó, cuộc diễu hành bắt đầu. Trên sân cỏ xanh rờn, xuất hiện một cái bục di động. Trên bục lố nhố rất đông những chữ và những số trong các bộ quần áo giả trang.
Thôi thì đủ hạng người! Đây là những nhà hiền triết phương Đông nghiêm nghị với bộ râu dài, kia là những người Hi Lạp cổ đại khác với bộ áo quần trắng toát. Lại có những người Ấn Độ trong bộ áo choàng sặc sỡ, đầu quấn vành khăn xếp trắng đang ngồi xếp bằng tròn. Chà! Cứ như cả một hàng bán quần áo ấy, Số Không ạ! Mình cứ hoa cả mắt lên vì những chiếc mũ phe-xcơ, những cái mũ tuy-bơ-têch phương Đông, những chiếc quần rộng thùng thình như chiếc váy, những bộ tóc giả rắc phấn, những chiếc áo đại lễ cam-dôn, phơ-rắc, xuyêc-tuc ngắn dài đủ kiểu.
Bọn mình hỏi anh chữ D rằng môn khiêu vũ giả trang ấy ý nghĩa như thế nào. Chữ D nói:
- Sao? Các bạn không hiểu ư? Trước mắt các bạn là những nhà bác học mà ngày hội hôm nay được tổ chức cốt để kỉ niệm các vị ấy. Các vị ấy đứng xếp thành một vòng danh dự. Người đứng đầu khoác áo choàng trắng chính là Mô-ha-mét An Khơ-va-rê-dơ-mi đấy. Bên cạnh ông là A-ri-xtôt.
- Thế còn kia là ai? - Xê-va vừa hỏi vừa chỉ vào một cái mặt nạ có mớ tóc dài quăn, khoác áo choàng và đội mũ rộng vành có đính lông chim.
- Đấy là nhà toán học trứ danh Vi-et, người Pháp. Chính nhờ ông mà rốt cuộc đến thế kỷ thứ 16 các chữ đã được công nhận. Đứng bên phải ông là một người Pháp vĩ đại khác, nhà toán học kiêm triết học Rơ-nê Đề-các. Ông sinh sau Vi-et ít lâu, vào thế kỉ thứ 17 và cũng có nhiều đóng góp quý báu cho nước An-giép chúng tôi.
Mình reo lên:
- Kìa, còn một vị người Cổ Hi Lạp nữa!
Chữ D đoán ngay được ý mình:
- Chắc các bạn muốn nói đến Đi-ô-phăng phải không? Ồ, đó là một con người tuyệt diệu! Ngay từ thế kỉ thứ 3 ông đã giải được những bài toán rất phức tạp. Đi-ô-phăng đã trình bày các bài toán đó trong một cuốn sách trứ danh của ông, nhan đề “Số học”. Kể ra đặt tên cho cuốn sách đó là “Đại số học” thì đúng hơn, nhưng thời ấy chưa ai biết đến danh từ này.
Ô-lếch bèn nói:
- À, trên lề cuốn “Số học” ấy, Phec-ma đã ghi lại một định lý của ông…
Chữ D nhìn Ô-lếch ra vẻ nghi ngờ:
- Các bạn mà cũng biết nhà toán học vĩ đại Phec-ma đó?
- Chúng tôi đã gặp ông trên Con đường Lí trí sáng suốt hồi chúng tôi từ nước Tí Hon trở về. Đấy, ông ta đứng kia, ngay cạnh Đi-ô-phăng ấy!
- Các cậu, các cậu! Lô-ba-sep-xki kìa! - Xê-va giật giọng gọi bọn mình.
- Sao, các bạn cũng quen biết cả Ni-cô-lai I-va-nô-vich nữa ư? - chữ D càng ngạc nhiên hơn.
- Dĩ nhiên! - Xê-va vênh vang trở lại - Ông còn biên thư cho bọn tôi nữa cơ: “Tất thảy mọi thứ trên đời đều có thể biểu diễn bằng con số. Chân lý ấy có lẽ không có ai còn hoài nghi được nữa”.
- Và biểu diễn cả bằng chữ nữa. - Anh chữ D bổ sung. - Tôi tin rằng Lô-ba-sep-xki sở dĩ không nói thêm như thế vì cái đó là lẽ tất nhiên rồi.
Người ta mang bục rước các nhà bác học ba vòng quanh sân rồi rút lui trong tiếng hoan hô như sấm dậy.
Và bây giờ chuyển sang tiết mục lí thú nhất. Nhưng thôi, chuyện này để Xê-va kể cho cậu nghe. Chịu khó chờ nhé.

Ta-nhi-a
Cậu đừng tưởng mình tài giỏi đến mức chỉ nghe qua một lần đã nhớ hết mọi điều ông chữ A phát biểu đâu.
Bài nói chuyện của ông ta được ghi lại và sao thành nhiều bản. Mình chỉ việc chép lại thôi. Nhưng bây giờ mình cũng đã học thuộc cả bài nói chuyện ấy rồi.