Dịch giả: Phan Tất Đắc
Tập Tầm Vông, Tay Nào Không, Tay Nào Có
(Xê-va gửi Số Không)

    
ố Không ơi, vững tinh thần nhé! Thư này chắc sẽ làm cậu ngạc nhiên và vui mừng lắm đây, bởi vì… Nhưng thôi, phải kể cho có đầu có đuôi chứ!
Bọn mình vẫn cứ luẩn quẩn mãi ở cái quán “Úm ba la” này. Khỉ thật! Khi thì không làm sao đến được, lúc lại không tài nào thoát ra khỏi quán được. Bọn mình vừa đứng dậy định ra đi thì mình sực nhớ đến cái vỏ đậu. Thò tay vào túi thì ôi thôi, vỏ dậu đã biến đâu mất.
Bọn mình tìm khắp nơi, bò ra sàn để tìm, nhưng sàn ở đây sạch như lau như li… mình bèn chạy lại cái bàn vừa ngồi khi nãy thì thấy trong đĩa có một cái bánh tam giác đặt trên một mảnh giấy lót tròn. Cái bánh ở đâu ra thế nhỉ? Lúc nãy bọn mình đã chén hết nhẵn rồi cơ mà.
Mình muốn lấy cái bánh quá. Để làm kỉ niệm thôi. Cô Nhi-na vẫn bảo làm như thế không được lịch sự. Nhưng chỉ một lần thôi chắc chẳng sao cả! vả lại cái bánh nhỏ bằng tí ấy mà. Mình nhấc cái bánh lên. Ơ kìa! Cái vỏ đậu nằm gọn lỏn ngay bên dưới. Có vấn đề đây chứ chẳng chơi!
Bọn mình ngắm nghía cái bánh. Không thấy ghi số gì hết. Nhưng lại có năm hàng chữ. Các chữ sắp xếp lộn xộn. Nhưng bọn mình biết tỏng ra rồi: sự mất trật tự đó chỉ là để đánh lừa người ta thôi. Tuy vậy bọn mình đã cố hết sức mà vẫn không tài nào tìm ra một qui luật nào. Ta-nhi-a bèn lật mặt sau cái bánh lên. Ở đây cũng thấy năm hàng chữ. Bọn mình xem kĩ và đã phải sửng sốt. Nếu cậu đọc các hàng chữ ghi trên đó thì cậu cũng sẽ ngạc nhiên như bọn mình thôi!

Một mẩu tin đầu tiên về Người Mặt Nạ Đen! Điều bí mật đây rồi, ở ngay trong tầm tay rồi! Tựa như trong trò chơi “Tập tầm vông” ấy. Suýt nữa thì mình hét lên: “Tay này! Tay này!”.
Ô-lếch nói ngay:
- Có lẽ đây là chìa khóa để dịch mật mã!
Cậu ấy thận trọng tách cái bánh thành hai lớp, bây giờ được hai cái bánh mỏng. Bọn mình đặt hai mảnh ấy cạnh nhau và đối chiếu các hàng chữ. Ô-lếch lấy giấy bút ra và ghi hai hàng chữ.
A ta lẩn trốn người
Ă uă mco uuqo olâsk
Thế là bọn mình sắp dịch được mật mã trong lá bùa rồi đây.
Nhưng Ô-lếch lại trầm ngâm:
- Hình như không phải thế! Bản viết mật mã có ba chữ u, nhưng chỉ có hai chữ đầu ứng với chữ t, còn chữ u thứ hai ở hàng thứ tư lại ứng với chữ r, như thế có nghĩa là mật mã thay đổi. Thế là thế nào nhỉ?
Chẳng còn hiểu ra sao nữa!
Bọn mình lại ỉu xìu.
Mình hằm hằm nhìn cái vỏ đậu. Nó cứ nằm ì thần xác trên mảnh giấy lót, nhưng chẳng chịu giúp bọn mình tí gì gọi là có cả.
Mãi đến lúc này mình mới chợt nhận thấy trên mảnh giấy lót có in những chữ theo thứ tự vần chữ cái, hệt như trên cái bảng tròn bày ở tủ kính quầy hàng khi nãy, các chữ được đánh số thứ tự ở dưới. Bọn mình xem thật kĩ mảnh giấy lót.
Bỗng cái vỏ đậu bắt đầu quay chầm chậm, y như chiếc kim đồng hồ vậy, đuôi vỏ đậu trỏ hết chữ này sang chữ khác.

Mình nêu nhận xét:
- Các cậu xem này! Trên mảnh giấy lót, sau chữ “a” là chữ “ă”. Mà trong mật mã thì “ă” phải hiểu là “a”, sau chữ “t” là chữ “u”, mà trong mật mã thì “u” phải hiểu là “t”. Có nghĩa là muốn dịch mật mã thì phải thay mỗi chữ bằng chữ đứng liền trước nó.
Nhưng Ta-nhi-a bác luôn:
- Không hẳn như thế! Chữ “â” trong “lẩn” lại thay bằng chữ “c” nhưng chữ “c” không đứng liền sát chữ “a” mà đứng cách nó một chữ. Còn trong từ “trốn”, chữ “r” thay bằng chữ “u” đứng cách nó hai chữ cơ.
Thật là rắc rối! Đúng là “úm ba la”!
Bọn mình hoang mang nhìn cái bánh. Nhưng lạ chưa kìa! Tin hay không thì tùy cậu: các chữ trên cái bánh biến đâu cả và thay thế vào đó là các số.
A! Tam giác Pa-xcan. Đích thị tam giác Pa-xcan rồi!

Ô-lếch chăm chú hết nhìn mảnh giấy lại nhìn tờ giấy lót rồi sang cái bánh, cậu ta cứ xem đi xem lại mãi:
- Các cậu xem, trong từ “lẩn” chữ “â” được thay bằng chữ “c”. Đó là chữ thứ hai sau chữ “â”. Bây giờ ta hãy nhìn vào tam giác Pa-xcan. Ở chỗ ấy cũng là số hai. Còn trong từ “trốn”, chữ “r” được thay bằng chữ “u” là chữ thứ ba sau nó. Và trong tam giác Pa-xcan ở ô này cũng là số ba.
Chìa khóa để mở mật mã đây rồi! Để xem nó có phù hợp với bức thư của bọn ta không nào?
Ô-lếch rút bức thư trong túi quần ra, và bọn mình bắt tay luôn vào dịch. Thật tình lúc đầu cũng bí. Vì cậu biết đấy, trong tam giác không viết sẵn các từ của bức thư. Mà muốn dịch mật mà thì phải biết các từ này ứng với dòng nào trong tam giác. Cũng may là Ô-lếch đã nhanh trí đoán ngay rằng, nếu từ gồm năm chữ thì dịch mật mã theo dòng thứ năm của tam giác, còn nếu từ gồm tám chữ thì dịch theo dòng thứ tám v.v…
Từ đầu tiên trong bức thư là “UMSCỤ”. Từ này gồm năm chữ. Bọn mình xem dòng thứ năm của tam giác Pa-xcan. Ở đây có những số 1, 4, 6, 4, 1. Bọn mình viết từ thứ nhất dưới hàng số đó:

Bây giờ phải theo vòng tròn, chuyển U đi một chữ, chuyển M đi bốn chữ, chuyển S đi sáu chữ v.v… Bọn mình bắt đầu đếm theo chiều kim đồng hồ. Nhưng khốn nỗi, chẳng hiểu sao cái vỏ đậu lại không ưng như thế. Nó cứ khăng khăng quay ngược chiều kim đồng hồ. Nhưng đây là bọn mình dịch mật mã cơ mà! Vậy thì phải đếm ngược chiều kim đồng hồ. Từ chữ “u” lùi lại một chữ sẽ được chữ “t”, từ chữ “m” lùi lại bốn chữ được “h”, từ chữ “s” lùi lại sáu chữ được “o” v.v…
Thế là từ một từ “úm ba la” vô nghĩa “umscụ” bọn mình đã dịch sang được một từ hoàn toàn có ý nghĩa: “thoạt”. Bọn mình lại dịch tiếp từ thứ hai “umio”. Từ này gồm bốn chữ cái, ở dòng thứ tư của tam giác là các số: 1, 3, 3, 1. Thì ra chẳng phải “umio” gì cả mà là “tiên”.
Cứ theo cách này, hết từ này tiếp từ khác bọn mình đã gỡ ra hết cả bức thư “úm ba la”. Nội dung bức thư đó như sau:
“Thoạt tiên Số Không ăn một phần ba số hạt của tôi, rồi nó lấy thêm hai hoặc bốn hạt nữa. Sau đó tôi bị mất một nửa số hạt còn lại, nhưng Số Không trả lại tôi một nửa số hạt nó vừa lấy. Sau đó tôi lại cho đi hai hạt, còn một hạt cuối cùng bị gió thổi bay mất. Hỏi tôi có bao nhiêu hạt? Vỏ quả đậu”.
Càng ngày càng gay hơn! Vừa giải xong một câu đố, lại nảy ra câu đố khác.
Phiền thế đấy ông bạn ạ!
Xê-va