Chương 29

    
ảo là một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai. Anh giải thích:
-Lâu nay tôi vẫn giao du với nhóm sinh viên của chính quyền, cũng nhờ cái “mác” trường Tây.
-Như vậy theo các anh thì tình hình bầu cử năm nay thế nào?
-Vẫn chưa khá, Khâm nói, chúng tôi vẫn lập chưa xong cái liên danh. Mới được năm người trong đó đã có hết hai đoàn viên của ta. Chẳng lẽ ghế chủ tịch mình lại nhảy vô nữa thì còn gì là “quan điểm quần chúng”.
Lại nói:
-Tôi có mời hai người rồi nhưng họ đều từ chối. Hai người đó là quần chúng tất cả. Nhưng họ sợ bị bắt. Tụi công an thường cứ nhằm vô ghế chủ tịch.
Hữu quay sang Bảo và Lượng:
-Các anh có mời ai không?
Lượng đáp:
-Tôi có mời một anh học Toán 3 nhưng anh ấy cũng sợ. Kiểu này chắc anh Khâm phải ra quá.
Khâm:
-Tôi còn một thằng bạn, học năm thứ 3 Việt Hán. Nó tốt lắm, gia đình cũng tốt nhưng không biết nó có chịu không. Năm nay nó ra trường.
-Anh ta tên gì? Hữu hỏi.
-Trần Hồng Sơn.
°
Sơn lắc đầu lia lịa:
-Không được. Tao hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo. Trời ơi! Tại sao mày lại nghĩ là tao có khả năng làm chủ tịch sinh viên! Rồi làm sao tao ứng phó nổi với tình hình?
Khâm ngồi hơi chồm tới phía bạn, anh nói:
-Khi anh em mời mày, anh em cũng có bàn bạc kỹ. Tại sao không mời người khác, Thắng chẳng hạn, anh ta đứng đắn, học giỏi được sinh viên biết tiếng, nhưng anh em không mời bởi lẽ dễ hiểu là Thắng xa cách chúng ta, không biết chúng ta là ai, còn mày, mày từng chia sẻ với anh em trong những lần xuống đường bãi khóa, mày gần gũi với cách mạng. Tao mời mày chính là vì thế, còn chuyện ứng phó với tình hình thì lo gì, chúng ta sẽ góp ý bàn bạc, chúng ta có tổ chức lãnh đạo.
Sơn nhìn ra khung cửa sổ. Gió mang lại mùi tanh tanh của bùn non từ con kinh nước đen chảy qua cầu Trương Minh Giảng.
Tuy Sơn và Khâm thân nhau từ hồi còn nhỏ nhưng đôi ba lần Khâm mời Sơn vô tổ chức anh đều từ chối. Cần việc gì – Sơn nói – tao sẵn sàng làm nhưng cho tao miễn vô tổ chức.
Khâm hỏi bạn:
-Còn bây giờ thì sao?
-Không được. Tao biết sức tao mà. Vả lại tao rất kém về khoa nói trước công chúng, làm thế nào tranh cử nổi.
Khâm ngồi làm thinh. Rất lâu. Sơn cũng thấy không khí căng thẳng quá, anh đứng lên đi đi lại lại trong phòng.
Khâm nói:
-Sơn à, giữa lòng yêu cách mạng và hành động cách mạng có một khoảng cách. Khoảng cách ấy nhỏ đến nỗi chỉ cần một tờ truyền đơn rải xuống sân trường, một câu khẩu hiệu chống Mỹ viết vội vàng trên vách lớp cũng đủ san bằng. Nhưng vấn đề lại ở chỗ đó: Anh có dám rải một tờ truyền đơn, viết một câu khẩu hiệu giản đơn như thế hay không? Đó là những công tác đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, nó là “bước ngoặt lịch sử” mà nếu ai dám bước qua đó, sẽ thấy mình lớn lên một cách cụ thể chớ không phải như hình ảnh đẹp mà ta vẫn có về mình.
Sơn vẫn ngồi im. Khâm lại nói:
-Tao mệt và căng thẳng quá. Đến chiều mai là hết hạn nộp đơn ứng cử rồi.
Khâm dựa lưng vào vách, chân vẫn mang nguyên đôi giày da không có tất chìa ra ngoài thành giường. Anh nghe trong người nhơm nhớp mồ hôi và cảm giác đói dâng lên khó chịu. Suốt mấy hôm nay anh nhịn đói như thế là thường. Thực ra công việc không làm anh mê mải đến độ quên ăn nhưng vì có quá nhiều việc phải làm: gặp gỡ bàn bạc với các người trong liên danh, sang hình, thảo diễn văn, vạch chương trình hành động… anh không có thì giờ về nhà ăn cơm nên thường giải quyết cơn đói bằng một khúc bánh mì dọc đường hay có khi chỉ vài quả khế chua trong sân nhà của một người bạn nào đó. Sự thiếu ngủ và cơn đói làm cho các bắp thịt mỏi rời và hai mí mắt cứ muốn sụp xuống. Khâm cầm tách cà phê uống thêm một ngụm lớn. Sơn lại bàn viết mở máy cát-xét. Khúc nhạc làm Khâm thấy mình xa lạ và thừa thãi trong căn phòng này. Trời ơi! Đây là việc chung, nào phải việc của riêng tôi, tại sao anh không thấy điều đó, hay anh thấy mà anh cố tình quay đi? Tôi đâu có cần nghe khúc nhạc ấy. Tôi cần một người bạn, một người chịu ra tranh cử. Nếu chúng ta cùng suy nghĩ như nhau, cùng biết đâu là điều trái, đâu là lẽ phải thì tại sao chúng ta không cùng chung lo, tại sao anh không cùng tôi chia sẻ trách nhiệm này…?
Nước mắt Khâm trào ra. Ngăn không kịp. Anh khóc như đứa trẻ thơ. Anh đói lả. Nếu không có khúc nhạc ấy có lẽ mình đã không khóc. Nhưng anh vẫn khóc, nấc lên mà lòng thấy hả, thấy rõ tiếng khóc của mình như lời nguyền rủa thằng bạn hèn nhát… mày vẫn tự hào mày là kẻ trí thức sao mày không làm theo điều mày nghĩ…
Khâm bỏ đi thẳng xuống thang lầu. Tiếng nhạc đuổi theo anh, bay bổng, mơn trớn. Anh bước nhanh ra đường.
Mới hơn chín giờ đêm nhưng phố đã vắng lắm. Vài chiếc xe gắn máy chạy vụt qua. Những người lao động đi làm về muộn đạp xe cút kít, uể oải. Gió mát làm Khâm thấy dễ chịu hơn lúc nãy đôi chút. Giờ này xe buýt đã hết chạy, anh đi dưới lòng đường một mình. Vậy là ta phải ra tranh ghế chủ tịch. Cần ngủ một giấc dài lấy sức ngày mai cắt tóc, ủi quần áo tắm rửa…
Khâm đi được một lúc thì có chiếc xe Honda rà lại sau lưng. Giọng nói quen thuộc vang lên:
-Khâm! Ngồi lên tao chở về.
Té ra Sơn. Mặt mày buồn thiu. Khâm ngồi phía sau xe, không biết nói câu gì với bạn. Hai người đi được một lúc, Sơn đột ngột nói:
-Thôi tao nhận. Mai mày cứ nộp đơn. Bây giờ ghé ăn tô phở. Tao biết mày đói.