KÝ ỨC (6)

Ông vùng đứng lên, đi dọc theo hành lang vì cảm thấy nếu còn ngồi lại, ông sẽ bị đè bẹp bởi sự khinh bỉ của chính mình. Vừa đi, ông vừa đưa mắt nhìn xuống sân viện. Chiếc xe chở người chết đang vượt qua sân chính để tiến về phía nhà xác, một khối bê-tông trắng cao ngất, vuông vắn như hộp đựng bích-quy nằm khuất sau khu nhà mổ. Trên những chiếc ghế đá dài xếp quanh các bồn hoa, đã lác đác có người ngồi. Hoặc là những con bệnh sắp bình phục ra ngắm cảnh để tránh không khí ngột ngạt trong các phòng điều trị. Hoặc là đám người nhà bệnh nhân ra nhấm nháp bữa ăn sáng của họ, thường là chiếc bánh mì rắc muối hoặc gói xôi. Thấm thoắt ông đã vào đây đã trọn hai tuần, bắt đầu quen với nhịp điệu cuộc sống mới, hiểu rằng khả năng thích ứng của con người lớn hơn họ vẫn tưởng. Mấy ngày đầu, sau khi được giải phóng khỏi cơn hôn mê nhân tạo, ông hồi phục rất nhanh, cũng căm ghét rất nhanh cuộc sống của con bệnh. Các loại mùi khác nhau của thuốc tiêm cũng như thuốc uống, mùi hôi hám của những cơ thể đau ốm, bạc nhược; mùi thuốc tẩy trùng trong phòng tắm và phòng vệ sinh. Gương mặt của những người bệnh, đa phần gợi đến những chiếc mặt nạ bằng sáp ong hay vải liệm hồ bột. Những ánh mắt khi lờ đờ như mất hết sinh khí, khi bày tỏ sự cầu khẩn quỵ luỵ, khi ánh lên vẻ tò mò hay nỗi tuyệt vọng, khi bộc lộ sự thèm muốn hay ganh ghen... Một thế giới tâm lý gớm nghiếc khiến ông ghê tởm. Nhưng dần dà, vì bắt buộc phải chịu đựng nó, ông tìm được những kẽ hở mà ở đó, ông có thể thở hít, có thể tự cứu vãn và gạt đi những ý nghĩ u sầu. Ông tự so sánh mình một cách hài hước với những kẻ sống dưới hầm sâu hay địa đạo, dán mũi vào lỗ thông hơi để tìm ô-xy và hương vị của bầu trời. Cái phao cứu hộ lớn nhất của ông chính là vườn cây trung tâm viện. Vũ có thói quen lượn quanh khu vườn bất kể giờ nào rảnh rỗi. Ngay cả lúc trời lất phất mưa, ông cũng lững thững đi quanh các bồn hoa, ngửa mặt nhìn vòm cây xum xuê, tìm bóng chim và nghe tiếng kêu chành choẹ của chúng. Trong túi ông lúc nào cũng dự phòng vài chiếc khăn tay vì ông là nạn nhân thường trực phải hứng chịu các bãi cứt chim. Ông hài lòng vì đã biến thành một cái đích thuận tiện để lũ chim thải bã, chẳng phải vì ông tin vào lý thuyết ― "thấy phân là có lộc" như những người dân quê, nhưng vì ông muốn gần gũi một thế giới sống động đầy cảm hứng. Thế giới ấy tồn tại ngay giữa các khu nhà ảm đạm trong đó đầy ních kẻ sống dở chết dở hoặc các thây ma. Thế giới chim chóc ấy là trạm trung chuyển giữa một bầu trời cao rộng với ông, con người đang quay cuồng trong cơn bão tâm tưởng. Tiếng hót của loài vật bé nhỏ này là tiếng nói của thiên sứ, quà tặng của vị thần bảo mệnh, chiếc bè được chúa Trời ném xuống một cách bí ẩn trong cơn hồng thuỷ vô hình này.
Những cuộc lượn chơi ấy khiến ông quen với một số bệnh nhân có tâm trạng gần như ông, họ cũng bám lấy khu vườn như bám lấy mảnh thiên đường còn rớt lại. Mọi người chạm trán nhau, cúi chào nhau một cách thân thiện và lặng lẽ, rồi đường ai người nấy đi. Khi mỏi gối chân chồn, Vũ lại tìm đến căng-tin, ngồi vào góc bàn sát cửa sổ trông ra mảnh vườn sau của bệnh viện. Ở đó, ông nhấm nháp một ấm trà với một chiếc bánh trong vài ba giờ liền, lắng nghe tiếng ong rù rì sau lưng, nghe mấy cô gái bán hàng chuyện gẫu hoặc tán tỉnh các chàng trai trong đội bảo vệ bệnh viện. Đấy là thời khắc yên tĩnh nhất cho phép ông đối thoại với chính mình.
Cuộc sống, lý tưởng, công việc, gia đình, những con đường đã đi qua, những đoạn đời đang đợi chờ phía trước.
― Phải chăng đại cuộc đã hỏng rồi?...
Câu hỏi ấy quay vòng như bánh xe luân hồi trong óc não. Câu nói nhẹ nhàng như rỡn cợt của gã đàn ông đeo đôi kính cận dày như trôn chén kia chính là bản án tử hình: Thuyền tình đã vỡ, ước mộng đã tan? Cuộc cách mạng mà cả dân tộc dấn thân sau rốt chỉ là sự khuấy đáy bùn để làm nổi lên xác thuỷ tộc lẫn rong rêu thối rữa? Làm sao có thể chấp nhận nỗi đắng cay này? Biết bao sinh linh đã nằm xuống? Biết bao đời trai bị đốn như những thân cỏ tháng giêng bị cắt ngang bởi lưỡi hái của tử thần? Biết bao và biết bao?
Nỗi ngờ vực càng ngày càng có nguy cơ trở thành lời khẳng định.
Ông tự thán âm thầm:
― Chẳng phải vì ta xiêu lòng bởi hai gã đàn ông bẻm mép mà vì sự thật đã hiển lộ từ lâu nhưng không ai đủ can đảm đương đầu. Những kẻ đứng ngoài ngoài guồng máy quyền lực chắc chắn phải có cái nhìn khách quan. Có lẽ do thân phận của họ, hoặc nói chính xác hơn do lựa chọn rong chơi mà họ nhìn thời cuộc một cách tỉnh táo. Ta không thể chối cãi rằng đa số những kẻ đứng quanh ta chính là đám cóc nhái chốn sình lầy.
Cùng với ý nghĩ cay đắng ấy, lướt qua một chuỗi dài những gương mặt của đám người chen chúc đứng cùng ông trên khán đài quyền lực. Cái guồng máy nhà nước này đầy rẫy những quân vô lại, những bọn chôm chỉa cướp giật, những con điếm hạ cấp....Tất thảy loại người được gom chung vào một danh từ: bọn vô sản lưu manh. Vì vừa vô sản vừa lưu manh nên chúng hoàn toàn bị điều khiển bởi một niềm say mê bạo liệt, niềm say mê này cho phép dung chứa tất thảy mọi hành động tàn bạo, mọi biện pháp phi nhân tính. Sức mạnh nội tại tiềm tàng trong chúng: Khát vọng quyền lực. Sự tham lam buông thả vô cùng vô tận nảy sinh trên gốc rễ đói nghèo. Nhu cầu không nguôi dịu của một cuộc trả thù vô thức do những khổ đau, thua thiệt, căm giận, thù oán tích tụ trường kì qua năm tháng.
Kỷ niệm về hội nghị 9 chưa phai. Bởi nó đánh dấu bước ngoặt định mệnh của dân tộc cũng như sự ngã ngựa của con người khoác tấm áo bào đẹp nhất.
Buổi sáng ấy oi nồng, oi nồng như bầu không khí bao trùm hội nghị. Mặc dù những chiếc quạt trần xoay tít và những cây quạt đứng xung quanh cũng không ngừng tạt gió nhưng mọi người vẫn cảm thấy ngột ngạt. Đây là phút trọng đại nhất: Người ta lấy biểu quyết cho đường lối chính trị quốc gia. Trên ba trăm năm mươi đại biểu, phe chủ chiến chiếm tuyệt đại đa số, phe chủ hoà là thiểu số bị nghiền nát: Họ đếm chưa đủ mười đầu ngón tay. Thế nhưng họ vẫn can đảm đến giây phút cuối cùng vì trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. Người đứng lên trước hết là Lê Liêm, thứ trưởng bộ văn hoá. Vì ngồi ngay hàng ghế phía sau nên ông nhìn rõ đám mồ hôi thấm trên lưng áo ông ta. Đám mồ hôi đó thoạt tiên chỉ lớn bằng hai quả quýt, chấm đúng nơi nhô lên của cặp xương bả vai. Chỉ vài phút sau, nó đã loang ra bằng hai bàn tay, rồi rất nhanh thấm ướt toàn bộ tấm lưng và dán chặt vào chiếc may-ô bên trong. Đường gờ hai bên nách may-ô nổi hằn lên rõ mồn một qua lớp vải ướt sũng khiến vị thứ trưởng có vẻ như vừa bước lên từ bể bơi Trúc bạch. Tuy nhiên, ông ta vẫn nói, không bớt một lời, không dè xẻn một ý:
- Tôi nghĩ rằng chúng ta là đại biểu của một dân tộc độc lập. Chúng ta có quyền lựa chọn cho mình một đường lối tối ưu phù hợp với lợi ích quốc gia. Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc ngày hôm qua, còn biết bao nhiêu vấn đề cần giải quyết. Mìn trên các cánh đồng Mường Cúm, Him-lam chưa đảm bảo đã gỡ hết. Lúa chưa mọc kín những chiến địa cũ. Thương phế binh trong các trại còn đang cần tiếp tục điều trị và giúp đỡ. Nhân dân đang còn thiếu những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, quần áo, thuốc men. Ấy là chưa kể đến các loại sách vở và học cụ của trẻ nhỏ. Trong hoàn cảnh như thế, chúng ta không có lý do gì để dấn thân vào cuộc chiến tranh mới chỉ nhằm chứng minh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hai phe đối nghịch vẫn có thể tồn tại song song trên cùng một hành tinh bởi hành tinh này đủ rộng để dung chứa các quốc gia khác nhau và các hệ thống chính trị khác nhau. Chúng ta có thể chiến thắng Mỹ không phải trên chiến trường mà trong cuộc cạnh tranh khoa học, chiến thuật công nghiệp và hiệu năng kinh tế.
Ông không còn nhớ chính xác những gì Lê Liêm đã nói sau đó, nhưng mắt ông dán vào tấm lưng áo ướt sũng mồ hôi khiến ngay cả những đốt xương sống của vị thứ trưởng cũng hiện lên rõ mồn một. Trong lúc ấy, một màu đỏ loang từ từ trên gương mặt ông ta, thoạt tiên từ thái dương và quầng mắt. Sau đó màu đỏ tràn qua hai gò má rồi lan qua cằm, xuống vùng cổ và gáy. Ông cũng nhớ rõ những nét rùng mình thoáng gợn qua khuôn mặt ấy và cơn tự chế khiến cặp môi của Lê Liêm gần như tái nhợt đi. Ông cũng nhớ một cách chi tiết những ánh mắt thù nghịch của đám người xung quanh chiếu vào vị thứ trưởng. Những kẻ ngồi hàng trên quay hẳn lại, nhìn chõ vào mặt người đang phát biểu bằng cái nhìn của kẻ côn đồ, hứa hẹn một cách thẳng thắn đá ném vào đầu hay dao đâm vào cổ. Những kẻ ngồi hàng ghế sau không thể bộc lộ được tinh thần phản đối bằng ánh mắt đe doạ và khinh bỉ đối với "tên xét lại" thì xì xào gây ồn ĩ...Một khoảnh khắc trôi qua, bất thần một đại biểu vọt đứng lên, tách hẳn hàng ghế bước đến trước Lê Liêm, xỉa tay vào mặt ông và hét:
- Nếu mày không câm họng lại. Nếu mày còn tiếp tục phun ra giọng điệu của bọn xét lại, tao sẽ treo cổ mày lên.
Lê Liêm ngừng lời, dường như bị một cú đòn phang vào gáy. Ông trân trân nhìn kẻ vừa sỉ nhục mình, thứ trưởng bộ nội vụ Lê chí Thân, lâu la ruột của Quốc Tuỳ. Đưa tay lên gỡ kính, thứ trưởng bộ văn hoá chớp mắt một cách bối rối. Ông không thể tìm được lời đối thoại, dầu ông là người nổi tiếng có tài ăn nói. Hội nghị cũng im lặng theo. Đây là lần đầu, họ chứng kiến cảnh tượng các đồng chí xử sự với nhau theo đúng cung cách của bọn đầu đường xó chợ. Dầu gốc tích ra sao, nhưng khi đã trở nên những kẻ mũ cao áo dài, những đại diện cho dân chúng, bọn họ đều cố gắng giữ một sự nhã nhặn tối thiểu. Đây là lần thứ nhất, sự cặn bã được tự do lên ngôi. Hơn ba trăm con người cúi mặt xuống.
Trên khán đài, Ba Danh và Sáu lặng im.
Một khoảnh khắc trôi qua, chủ tịch đứng lên, quay về phía Lê chí Thân, cất giọng thản nhiên, ôn tồn:
- Nếu chú muốn treo cổ chú Lê Liêm, hãy treo cổ tôi trước đã.
Lê chí Thân mím môi, cúi gằm mặt rồi quay về chỗ của y. Hội nghị chết lặng đi trong khoảnh khắc.
Rồi Sáu rung chuông:
- Giờ giải lao đã đến. Mời các đồng chí tạm nghỉ.
Sau hội nghị, Lê Liêm đã viết một bức thư gửi bộ chính trị, trong đó ông yêu cầu những người lãnh đạo cao nhất của đảng giải quyết vụ việc này, bởi ông không tin rằng đảng có thể dung túng cho những hành vi và ngôn từ có tính côn đồ lưu manh được phép tồn tại giữa những uỷ viên trung ương, những đại biểu của dân tộc.
Thứ trưởng bộ văn hoá quá thơ ngây. Ông là con người duy mỹ. Sự duy mỹ không tồn tại được trong xứ sở này. Bộ chính trị mà ông kì vọng sẽ làm trọng tài phân xử giữa ông với kẻ hạ nhục mình lại chính là đám người một đồng một cốt với y. Để xây dựng một khải hoàn môn hùng vĩ, đảng ắt cần đến loại người có khả năng tàn phá và huỷ diệt. Chiến tranh cần các tội phạm, những kẻ sát nhân chuyên nghiệp và nghiệp dư trong số đó đám đâm thuê chém mướn nghiễm nhiên trở thành lớp người đặc biệt có năng lực, được mau chóng nhận diện như lớp tinh hoa. Sự thật ấy đã liệt kê, sơ đồ hoá. Huống chi một số lớn kẻ cầm quyền cũng có gốc rễ là quân lừa đảo, trộm cướp, các phiên bản của tầng lớp lưu manh?...Tiếng hú của chó sói khiến mọi loài run sợ nhưng lại là tiếng gọi ấm áp thân quen đối với bầy đàn của chúng. Con người như Lê Liêm chính là kẻ lạc loài. Trong khi chờ đợi lá thư trả lời của các « đồng chí lãnh đạo », ông đã bị khai trừ khỏi đảng, thải hồi và quản thúc tại gia, tất thảy mọi hình thức kỉ luật được thi hành gần như một lúc. Vài ngày sau đó, tướng Đặng kim Giang, viện trưởng viện triết học Hoàng minh Chính, nhà văn hoá Nguyễn kiến Giang và non một trăm nhân sĩ khác, những người được định danh là bị đầu độc bởi tư tưởng của tên trùm xét lại Khơ-rút-xốp bị bắt giam. Cùng một tuần lễ, hơn hai mươi tướng lĩnh bị tống vào nhà ngục bởi họ đã từng được đào tạo lâu dài trong trường quân sự Cu-tu-dốp hoặc có quan hệ gần gũi tướng Long. Tuần sau, trên năm trăm sĩ quan quân đội từ cấp đại tá trở xuống, những người từng cộng tác hoặc được nhiệm chức trực tiếp dưới quyền của tướng Long cũng lần lượt bị bắt theo. Họ bị dẫn độ trong các đoàn xe của tổng cục 2, sau đó bị giam tại nhà tù Thanh Liệt ở ngoại ô Hà nội, và hai nhà tù trung ương khác đặt tại Hà Tĩnh và Thái nguyên.
Cuộc chiến tranh mới bắt đầu.
Hành trình của dân tộc đổi hướng.
Cùng với nó là tất thảy những bi kịch của con người thân thiết nhất với ông.

*

Bừng mắt dậy, chủ tịch thấy hoa mai nở trắng xóa khuôn cửa sổ. Phải chăng đây là đợt hoa cuối cùng của mùa xuân? Ông đứng lên, dán mắt qua tấm kính nhìn những cành mai phủ kín hoa giống hệt những chuỗi bông tuyết đọng trên cành thông mùa Noel. Những cánh hoa trắng tinh như tạc bằng sương băng và vườn mai trắng bơi giữa biển sương trắng mênh mông khiến ông hồi tưởng khung trời mùa đông Paris những ngày tuyết đổ.
Paris, chân trời xa xôi không ngừng thiếu vắng nơi ông.
Paris, thành phố của những đam mê mặn nồng và cay đắng.
Ông đã trải qua biết bao mùa đông trong thành phố ấy? Biết bao lần ông đứng nhìn tuyết rơi trên những mái nhà nhấp nhô với cảm thức phức tạp trong đó sự xa cách chen cùng gần gũi, nỗi buồn xen lẫn những ngất ngây. Bởi không có tiền, ông luôn luôn phải thuê những căn buồng áp mái, thứ quán trọ dành cho đám sinh viên nghèo, đám thợ thuyền tỉnh lẻ tới kiếm bánh mì đô thị và đám người lưu vong khốn khổ. Ở những gian phòng áp mái ấy, ông phải chịu đựng cái rét thấu xương nhưng bù lại, có cảm giác gần bầu trời hơn, có thể nhìn những bông tuyết quay cuồng múa lượn một cách ngoạn mục hơn trước khi chúng rơi xuống mặt đất. Đôi khi, vào những rạng đông, thành phố vắng người và ngổn ngang tuyết rơi trở nên hoang vắng lạ lùng, xa cách lạ lùng như chẳng còn là Paris mà chỉ là một bình nguyên tuyết phủ. Đôi khi, vào những hoàng hôn rét cóng, ông nhìn các bông tuyết bay xiên giữa không trung, làm nhập nhoà thêm ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn đường, khiến bầu trời ám mây trở nên âm u huyền bí như bức hoạ đồ được vẽ bằng bàn tay phù thuỷ. Đôi khi, vào những trưa hiu quạnh, ông bước trên hè phố đầy ngập các đống tuyết, ngơ ngẩn nhìn làn tuyết trắng in những vết giày đen bẩn của khách bộ hành. Mùa đông Paris, hơi thở ấm áp ngon lành của những lò bánh mì là thứ hương thơm nồng ấm nhất với chàng trai châu Á. Rất nhiều khi, ông bắt gặp mình đi đi lại lại hàng chục lượt trước ô cửa không cánh trổ sát hè, được chắn bởi những dóng sắt thô đen sì như cửa sổ nhà ngục. Từ những ô cửa chẳng chút gợi cảm đó, hơi nóng của các loại bánh mới ra lò bay lên không ngừng. Và không ngừng, những làn hơi ngào ngạt quyến rũ khách qua đường bởi thứ mùi thơm vô cùng trần thế.
Paris!
Sao đột nhiên nỗi nhớ hoá cồn cào?
Những cành mai trắng bồng bềnh trong sương trắng đỉnh Lan Vu bỗng gọi về đây một khung trời tràn đầy kỉ niệm. Khung trời xa xôi và gần gũi. Quãng đời tươi thắm nhất. Tuổi trẻ của ông. Đã quá lâu ông không còn thấy thành phố đó. Liệu nó đổi thay nhiều hay vẫn như xưa? Những quán rượu cũ kĩ hẳn sẽ được đổi thay bàn ghế, thay kiểu trang trí và thêm các món nhắm. Các cô hầu bàn sẽ thay trang phục. Những ngôi nhà sẽ thay chủ và thay nước sơn. Những ngọn đèn đường kiểu cổ hẳn sẽ được thay bằng các loại đèn mới. Nhưng tựu trung, nước sông Seine đâu có đổi giòng? Và những hàng cây vây quanh đảo Saint Louis vẫn trút lá ào ào khi mùa đông tới. Hẳn là thành phố ấy vẫn sống cuộc sống bình thường của nó, ở ngoài ông, không có mặt ông. Ông chỉ là khách trọ một mùa nếu Paris là quán trọ. Ông chỉ là kẻ qua sông một lần nếu nó là con thuyền vĩnh cửu qua lại giữa hai bờ quên nhớ của một dòng sông. Ông chỉ là một khách hàng nghèo khổ, trong túi không đủ tiền để mua một vật ra hồn, đi qua chợ mà đau đáu buồn tủi, nếu Paris là thứ siêu thị miên viễn của phương Tây, nơi sự choáng lộn của xa hoa làm chóng mặt những kẻ nhát gan và làm rơi lệ những kẻ có quá nhiều thèm muốn nhưng túi tiền lại rỗng.
Ồ, nhưng ông đâu có ham muốn tiền tài? Suốt đời, ông chưa bao giờ dành dụm nổi một món tiền, để tiêu cho riêng ông hoặc trợ giúp một người nào ông muốn giúp. Ngay giờ đây, làm chủ tịch nước mà tiền phúng viếng kẻ tiều phu ông cũng không biết rõ ít nhiều, và không thể tự tay định liệu. Điều đó phải chăng do số phận đặt bày? Bởi chính ông cũng dửng dưng trước một sự thật lạ lùng như vậy. Nhưng quả tình, ông chưa bao giờ thèm khát sự xa hoa của Paris. Ông nhớ về nó như nhớ một mối tình bất thành và bất khả quên lãng.
Ngoài kia, một cơn gió vừa tới, xô dạt những cành mai. Từng đám cánh hoa rơi lả tả. Chao ôi, sao mà giống những nụ tuyết ở phương trời bên kia? Lần đầu, nhìn những bông tuyết nhỏ vừa đúng bằng hạt ngô rang nở, ông thốt kêu thành tiếng: « Ồ, xinh xắn làm sao thứ nụ tuyết tí hon này! ». Nhiều năm sau, ông vẫn tự cười mình vì sự ngô nghê ấy. Với ông, kỉ niệm về tuyết đã trở thành nỗi sầu thương vĩnh cửu, điệp vào nỗi sầu thương một tuổi trẻ bị chôn vùi. Khi đã trở thành một người đàn ông từng trải, vào những ngày tuyết bay mù mịt, con tim ông vẫn thổn thức vì bài hát cũ: Tuyết rơi! Phải chăng màu trắng của tuyết bay đã làm thành một phần đời ông, một phần không thể thiếu? Phải chăng những câu ca xưa cũ, một khi đã găm chặt vào tâm khảm, trở thành thứ điệp khúc bất tử vượt qua mọi thăng trầm của số kiếp và mọi sụt lở của thời gian?
«....... Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Mon coeur s’ habille de noir.... »
Suốt đời ông, đeo đuổi nỗi nhớ tình yêu. Suốt đời ông, bài hát ấy vang lên như một điệp khúc vô chung và vô thuỷ. Khốn khổ thay cho ông, không thể lấp đầy nỗi trống vắng này. Khốn khổ thay cho kẻ nào tóc đã trắng như sương mà còn nhớ bài « Tuyết rơi » và con tim còn se sắt vì những mối tình bất cập.
- Thưa chủ tịch, xin mời người dùng cháo cho nóng.
- Ồ, nhà bếp đã mang lên?
- Vâng, bác sĩ yêu cầu người ăn thêm bữa sáng còn bữa trưa rút đi nửa xuất cũng được. Như thế có lợi cho sức khoẻ hơn.
- Tôi đã nghe chú ấy giải thích. Nhưng tôi đã quen ăn hai bữa từ khá lâu.
- Vâng....Nhưng bác sĩ...
- Thôi được, tôi ra đây.
Ông bước ra phòng ngoài. Một mùi thơm lạ lùng từ sân tràn vào khiến ông dừng lại. Ông vừa hồi tưởng mùi thơm của những lò bánh mì Paris mùa đông, phải chăng mùi hương này là mùi hương mộng ảo của ký ức?
Hồ nghi, ông giương mũi lên hít thở. Cậu lính thấy vậy nói luôn:
- Thưa chủ tịch, đó là mùi chả đậu xanh của nhà chùa. Sáng nay, sư nữ trổ tài rán chả đậu.
- À ra thế. Quả là khác.
- Thưa chủ tịch, khác cái gì ạ?
- Ồ, tôi muốn nói là mùi thơm này chẳng giống mùi thơm của các món ăn khác.
- Vâng.
Cậu lính lập tức khẳng định:
- Mùi món ăn chay phải khác mùi các món ăn trần ạ.
Ông cười:
- Đúng rồi. Nếu không ai còn dám gọi là chay?
Cậu lính nhìn ông thăm dò rồi hỏi:
- Thưa chủ tịch, người có muốn nếm thử món ăn nhà chùa không ạ?
Ông lắc đầu:
- Đừng làm phiền họ như vậy. Chúng ta ở đây đã là xâm phạm vào bờ cõi cũng như tự do của các nhà sư rồi.
- Ồ không.
Chàng trai đáp một cách hăng hái:
- Chính sư nữ đem cho con một đĩa tú hụ. Chả hãy còn nóng nguyên. Con lấy lên một chút để người nếm thử.
Ông chưa kịp trả lời cậu ta đã chạy vụt ra và mất hút trong đám mây trắng khổng lồ đang lướt qua sân. Một phút sau, anh chàng trở lại với đĩa chả đậu bọc trong tấm vải bông dày:
- Mời chủ tịch dùng cho nóng.
- Cảm ơn.
Mùi chả đậu quả là hấp dẫn. Hoặc nó ngon lành thực hoặc vì nó là món ăn lạ nên vị giác của con người bị kích thích và ở trong trạng thái chờ đón. Ông gắp miếng chả lên ăn thử trước cặp mắt hồi hộp của chàng lính trẻ.
- Ngon lắm. Lần đầu tôi mới ăn món này.
Cậu lính toét miệng cười:
- Chả đậu là một trong những món chay ngon nhất đấy ạ. Những dịp đặc biệt nhà chùa mới làm vì mất công.
- Người ta làm theo cách nào?
- Dạ, trước hết phải đồ đậu xanh lên như đồ xôi. Sau đó cho vào cối giã nhuyễn thành bột. Thứ bột này nhào với một chút bột mì hoặc bột gạo nếp cho đủ độ dính kết, rồi thêm muối và gia vị cho vừa vặn. Sau đó đem nặn thành bánh thả vào chảo dầu rán. Hôm nay, sư nữ rán bằng dầu lạc. Nhưng muốn ngon hơn, phải rán bằng dầu vừng hay dầu hướng dương.
- Giỏi lắm. Cậu có thể chuyển thành đầu bếp được rồi đấy.
- Sáng nay con ngồi phụ sư nữ giã đậu, được nghe giảng về mọi loại ăn chay.
- Đời sống của nhà chùa xem ra cũng khá phong phú, phải không?
- Dạ. Thưa chủ tịch...
Cậu ta lúng búng. Người lính trẻ không biết trả lời ra sao vì câu hỏi của ông quả là nan giải. Ông cười:
- Tôi hỏi đùa thôi. Đời sống của những người tu hành thật sự vô cùng đơn giản. Nhưng sự khó khăn chính là ở chỗ duy trì và bảo dưỡng sự đơn giản ấy.
- Thưa vâng.
Biết rằng chàng trai không thể hiểu những điều mình vừa nói, ông vỗ vai cậu ta:
- Thôi, không phải căng óc đánh vật với chữ nghĩa làm gì cho khổ. Cứ tin rằng đời sống của họ hoàn toàn khác biệt với cuộc sống của chúng ta.
- Thưa vâng.
Chàng trai nói với vẻ sung sướng như vừa trút được gánh nặng, đoạn cậu ta dọn khay đồ ăn đi với nỗi hân hoan như vị tướng trở về thành dẫn theo đoàn xe chất đầy chiến lợi phẩm. Ông đã ăn hết đĩa chả đậu mà bỏ lại bát cháo thịt của nhà bếp.
Chỉ vài tích tắc sau, tiếng cười của chàng trai vang đã lên bên kia sân chùa. Ông không nhìn thấy cậu ta vì những đám mây trắng lướt bay không ngừng, giống đàn bò của Thượng đế bị mục đồng rượt đuổi trên cánh đồng tiên giới. Những đàn bò trắng liên tục diễu hành trước mắt ông. Bỗng nhiên, nỗi cô đơn hiệp đồng với mây trắng bên ngoài làm buốt lạnh con tim. Chủ tịch sững sờ. Ông chưa bao giờ trải nghiệm một thứ cô đơn kinh hoàng như hôm nay. Cô đơn lạ lùng. Cô đơn đến đau buốt ruột gan, tê dại chân tay. Cô đơn như có một thứ lưới sắt vô hình quây chụp lấy ông, trói thít ông trong những mắt lưới tàn nhẫn. Ông hụt hơi. Ông thấy ông không đủ sức chịu đựng thêm dẫu là một khoảnh khắc nỗi cô đơn này cho dù suốt đời ông, cô đơn vẫn là kẻ đồng hành chung thuỷ. Ông bỗng thấy sợ khi phải ngồi lại đây, mình đối mặt với mình:
« Tại sao ta lại yếu đuối đến mức này? Chẳng lẽ chỉ vì tuổi già mà ta trở nên một kẻ xa lạ và thảm hại ngay với cả bản thân? »
Ông tự đe nẹt. Trong khi uống từng ngụm trà nhỏ, ông cúi nhìn vào lòng chén, cố tìm trong chất nước sóng sánh vàng kia một liên tưởng, một kỉ niệm về sông suối, một kí ức xa xôi dính líu tới những cuộc tiệc trà, làn khói mềm mại phất phơ bay trên những món ăn nóng hổi. Bất kể thứ chi có thể giúp ông quên đi nỗi cô đơn. Nhưng điều đó trở thành bất khả. Bởi nỗi cô đơn này chính là kẻ song sinh với nỗi quên lãng kia. Khi quên lãng quay đầu chạy đi, nỗi cô đơn này vòng trở lại. Hai thứ thòng lọng thít chặt cổ ông trên giá tử hình.
Chủ tịch đứng lên vì nếu còn ngồi lại ông sẽ ngạt thở. Khoác chiếc áo bông dài lên vai, ông bước ra. Vừa mở cửa, mây trắng đã phả vào mặt ông ướt lạnh. Những viên gạch dưới chân sũng nước như láng mưa. Từ bên chái nhà bên kia khu chùa, cậu lính kêu to:
- Thưa chủ tịch, xin người quay vào. Trời lạnh lắm.
Rồi cậu ta chạy bổ qua sân nhanh như chim cắt và túm lấy ngang lưng ông khi ông vừa định bước xuống tam cấp:
- Thưa chủ tịch, xin người quay vào nhà.
Ông đáp lại một cách ngang bướng:
- Ồ không. Ngồi trong nhà mãi nhức đầu. Vả chăng, tôi phải sang cảm ơn nhà chùa vì món chả đậu.
- Thưa chủ tịch, người đụng đũa đến món ăn chay tịnh của chúng tôi đã là vinh dự cho nhà chùa. Người bất tất phải sang đây.
Ông nghe sư nữ nói rất to, vọng từ bên kia đám mây. Vì đám mây quá lớn, ông sợ bị cảm lạnh nên chờ nó lướt qua sân rồi mới bước tiếp. Chỉ vài chục bước chân mà không nhìn rõ hình người. Đúng là cảnh tượng nơi tận sơn cùng cốc. Đặt chân lên bậc thềm của gian chùa ngang, ông mới nhìn thấy sư nữ đang ngồi giã trầu cho sư cụ. Ông chưa kịp nói thêm lời nào, bà cụ đã từ trong nhà bước ra:
- Xin mời chủ tịch vào nhà ngay vì trời rất lạnh. Nếu chẳng may người vàng mình sốt mẩy, nhà chùa chúng tôi không biết lấy gì để chuộc lỗi trước nhân dân.
- Bạch sư cụ, người còn nhiều tuổi hơn chúng tôi.
Ông nói vậy nhưng cũng bước vội vào nhà vì sau lưng ông, những đám mây vĩ đại khác đang lù lù tiến đến. Chúng không chỉ bay ngang sân mà sẽ tràn vào tất thảy những khuôn cửa mở khiến các gian nhà ướt lạnh. Sư nữ bỏ cối trầu bước liền theo ông rồi khép luôn cánh cửa. Tiếng cánh cửa quay cót két trên trục gỗ khiến chủ tịch giật mình. Chợt nhớ rằng tiếng cót két này vô cùng quen thuộc với ông thời niên thiếu. Những ngôi nhà gỗ cổ xưa của xứ sở đều xây dựng theo cùng một mẫu, và tiếng cánh cửa nghiến trên trục gỗ vọng lên nỗi buồn nhớ thời đã qua...
- Xin mời chủ tịch ngồi.
Sư cụ mời ông ngồi đối diện với bà, trên chiếc ghế lim cũ nhưng vững trãi mà thời gian khiến nước gỗ bóng như gương. Cậu lính ngồi phía sau lưng ông, trên chiếc ghế đẩu bằng mây đan do sư nữ đem lại. Giữa căn phòng, một lò than hoa tí tách cháy. Thi thoảng, sư nữ lại lấy que khơi cho những viên than cháy đỏ và tiếp thêm than mới. Căn phòng toát lên vẻ ấm cúng mộc mạc và cũ kĩ. Giống như mùi thơm của trầu cau, hơi ấm của cánh tay bà ngoại, nỗi phấp phỏng thần tiên của những câu chuyện cổ tích được nghe kể đêm xuân. Sư nữ rót nước vào bộ chén Bát tràng mời khách. Nhà chùa uống nụ vối hãm gừng. Thứ nước ấy cũng gọi về một mùi hương cổ xưa khiến ông lập tức nhớ đến mẹ ông:
- Bạch sư cụ, nước vối hãm gừng thơm lắm. Vậy mùa hè nhà chùa cũng dùng thứ giải khát này?
- Thưa chủ tịch, mùa hè chúng tôi uống chè tươi hay cánh cúc khô.
Nói đoạn, bà cụ quay sang bảo sư nữ:
- Con có thứ chè lam mềm để ăn sau bữa cơm. Sao không đem ra mời chủ tịch?
- Bạch thầy, con xin sám hối. Con vô tình nên quên.
Sư nữ đi sang gian bên, hẳn là nơi cất thứ chè lam đãi khách. Ông im lặng nhìn theo người đàn bà trong tấm áo nâu dài, lơ mơ nghĩ:
« Tại sao cô ta không tìm một mái ấm như nhiều người đàn bà khác? Liệu nơi này thực sự là miếu đường hay chỉ là nơi tránh nạn tạm thời hoặc là chốn ẩn náu để lãng quên một quá khứ khổ đau, chất chồng tì vết? Một thứ quy phục số phận, giống như ta vị vua già trong oubliette đỉnh Lan Vu?»
Sư nữ quay ra cung kính đặt lên bàn một đĩa chè lam trắng xoá bột nếp áo. Thứ chè lam được thái sẵn hình quân cờ, đặc biệt mềm dành cho người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ:
- Xin mời chủ tịch nếm thứ quà của các bần tăng.
- Xin cảm ơn nhà chùa. Vừa rồi tôi đã được nếm món chả đậu rất ngon. Chắc chè lam cũng sẽ ngon như vậy.
Ông đáp đoạn cầm miếng chè lam lên cắn. Sau đó ông chiêu một ngụm vối hãm gừng. Quả là ngon. Nhưng điều quan trọng hơn là cuộc đối ẩm này cứu ông khỏi những giây phút trầm cảm. Ông đưa mắt nhìn gian nhà gỗ cổ lỗ một lần nữa, tự hỏi vì sao cho đến tận buổi sáng này ông mới đặt chân vào đây, vượt qua mảnh sân gạch như vượt qua bức tường thành phân định giữa tồn sinh thế tục với cuộc sống của kẻ tu hành, như vượt qua cõi biên thuỳ giữa các vương quốc nếu không đối nghịch thì cũng bất khả tương thích. Ồ, tại sao?
Chủ tịch uống một ngụm lớn như để nuốt trôi những ý nghĩ nặng nề và ông trầm trồ:
- Chè lam ngon thật. Thứ quà này tương hợp một cách tuyệt vời với nước vối.
Đoạn ông cười và nói thêm:
- Tôi ở đây đã hơn một năm mà hôm nay mới dám đặt chân vào nhà chùa. Quả là thiệt thòi. Giá tôi mạo muội phá rối nhà chùa sớm hơn hẳn đã được nếm món chè lam này từ lâu.
- Thưa chủ tịch, nơi ăn chốn ở của bần tăng làm sao đủ thanh lịch để mời người. Vì thế chúng tôi chẳng dám mạo muội.
Sư cụ đáp rồi nở nụ cười. Hai hàm răng bà cụ còn nguyên vẹn, vững trãi và đen nhánh. Chủ tịch cũng cười:
- Chúng ta là láng giềng, lẽ ra phải thăm hỏi kết thân từ lâu mới phải. Lỗi chính là tôi bận quá.
Uống cạn chén nước, ông tiếp:
- Bạch sư cụ, hình như hôm trước nhà chùa làm lễ cầu siêu cho người dưới xóm Tiều Phu?
- Thưa vâng. Chủ tịch bận trăm công ngàn việc mà vẫn quan tâm đến số phận nhỏ mọn của lê dân, vậy là tâm người lớn lắm. Tôi nghe sư nữ kể lại việc người xuống tận dưới xóm dự lễ tang.
- Bạch sư cụ, tôi chỉ rẽ vào viếng người xấu số.
- Thưa chủ tịch, thế đã là đại hồng phúc cho gia chủ.
- Bạch sư cụ, tiện thể xin người giảng cho tôi rõ thế nào là lễ cầu siêu? Phải chăng mọi người chết đều cần đến lễ cầu siêu hay chỉ riêng những kẻ có số phận oái oăm, trắc trở?
- Thưa chủ tịch, đạo Phật không bị ràng trói bởi nghi thức. Cũng không quy định rõ người nào cần được cầu siêu và người nào không. Tất thẩy đều tuỳ thuộc sự động tâm của chúng sinh. Chỉ có động tâm chúng sinh mới khai minh, sáng trí ; khi sáng trí họ mới đủ cơ duyên để nhìn ra nghiệp quả của mình. Nhà chùa chỉ làm theo thỉnh nguyện của chúng sinh. Thế nhân thường nói: « Tâm động, quỷ thần tri ». Kẻ tu hành biết là phật tính được khơi như ngọn đèn, vừa rọi sáng cả tinh thần lẫn sinh thể chúng sinh, vừa chiếu qua bẩy vùng trời để làm nở đoá sen phước hạnh.
- Bạch sư cụ, chúng tôi là kẻ ngoại đạo, dù có cố sức cũng không thể hiểu được ngay những kinh điển trong tôn giáo của ngài, nhưng ở góc độ kẻ phàm trần, chúng tôi vô cùng quan tâm đến câu chuyện giữa cha con người tiều phu dưới xóm. Không hiểu nhà chùa cắt nghĩa việc này ra sao?
- Thưa chủ tịch, Đức Thế Tôn chỉ ra rằng trong mọi kiếp nạn của con người, chữ Tham đặt lên trước hết. Lòng dục che mờ lương tâm như đám mây đen che khuất mặt trời, mặt trăng. Tình cha con, tình thày trò, tình huynh đệ đều bị lòng dục phỉ báng và phá huỷ. Ngay Đức Thế Tôn cũng bị sát hại bởi chính người em họ thân thiết của mình, đại đức Devadatta. Lịch sử các triều đại, từ cổ chí kim, chuyện thái tử giết vua cha đâu có thiếu. Chắc chắn ngài còn đọc nhiều hơn bần tăng.
Dứt lời, sư cụ từ tốn mỉm cười. Và ông lại nhìn thấy hai hàm răng hạt na đen nhánh:
« Ồ, rõ ra đây là một bà già Việt cổ xưa, răng đen váy lĩnh. Trước đây bẩy mươi năm hẳn là một thôn nữ tươi ròn, tràn đầy sức sống. Nhưng nàng không chấp nhận cuộc sống bình thường với những thú vui bình thường nơi thôn xóm mà dùi mài đèn sách để trở thành đệ tử của Như Lai.»
Ông thầm nghĩ, không ngăn được mối thiện cảm với người đối thoại:
- Bạch sư cụ, ngài dẫn giảng thật hay. Quả là ngài đã dày công đèn sách.
- Thưa chủ tịch, bần tăng không dám nhận lời khen. Bất cứ ai ăn mày cửa Phật, đọc kĩ lời dạy của Đức Thế Tôn đều có thể dẫn giảng hay hơn bần tăng gấp bội.
Không chờ ông lên tiếng đáp, bà cụ quay về phía sau hỏi sư nữ:
- Con không thấy là đĩa chè lam sắp hết rồi sao? Nhà chùa thanh bần nhưng không bao giờ hẹp lòng đãi khách.
- Con xin sám hối. Con mải nghe chuyện của thầy.
Ông mỉm cười vì thấy sư cụ đầy mẫn tiệp ; lối lảng tránh những chủ đề không mong muốn của bà cụ chứng tỏ khả năng phản ứng của cụ nhanh không kém người đang độ thanh xuân. Ông ăn miếng chè lam cuối cùng còn lại trên đĩa, giống như một người hàng xóm quen thuộc đã nửa thế kỉ nay:
- Chè lam quả là ngon. Bạch sư cụ, xin cảm ơn ngài lẫn sư nữ vì sự đón tiếp thịnh tình này. Nếu ngài cho phép, chúng tôi sẽ còn được dịp quấy quả.
- Thưa chủ tịch, ngài đặt chân đến đây là vinh dự cho các bần tăng.
Ông đứng lên.
Và sư cụ cũng đứng lên, chắp tay hình búp sen đáp lễ.
Khi ông trở lại phòng, đồng hồ chỉ chín giờ hai mươi lăm phút. Vậy là cuộc trò chuyện với nhà chùa kéo dài một tiếng rưỡi. Một tiếng rưỡi, mùi nước vối hãm gừng lẫn nụ cười với hai hàm răng đen nhánh của nhà sư cứu ông thoát khỏi vực sâu tuyệt vọng. Bây giờ, ông còn lại với chính ông. Chủ tịch ngồi xuống ghế, bắt đầu sợ hãi khoảng thời gian phía trước. Nỗi cô đơn sẽ quay trở lại. Giá treo cổ sắp hiện hình. Ông biết trốn đi đâu?
Vào rừng chăng? Bất khả. Xuống núi chăng? Không có lý do. Vả chăng, ông không thể tự biến mình thành con bệnh tâm thần trước mắt đám người canh giữ cái nhà ngục mỹ miều này. Lòng tự tôn không cho phép ông hành động buông thả. Đưa mắt nhìn lên giá sách, ông bắt gặp vài chục cuốn đang đọc dở, găm đầy những tấm thẻ tre đánh dấu. Rút một lần ba cuốn, ông bắt đầu lật giở từng trang. Các dòng chữ lướt đi như dãy chấm đen vô hồn, không mảy may ý nghĩa. Khi thì chúng giống như những dãy hoa văn đơn điệu và thô mộc, khi thì chúng trở nên xám xịt như nắm cát và ông không thể phân biệt nổi con chữ. Chủ tịch thở dài, gấp lại cuốn sách, đặt chiếc thẻ tre vào đúng trang cũ. Trên sân chùa, những đám mây trắng khổng lồ vẫn lũ lượt lăn qua. Và những cành mai phủ đầy hoa trắng vẫn nhè nhẹ rung bên ngoài khung cửa khiến con tim ông lại cồn cào nhớ màu tuyết trắng.
« Ta không thể tiếp tục chịu đựng những dày vò khủng khiếp này. Điều đó tồi tệ hơn cả cái chết. »
Ông lại đứng dậy, cầm chiếc áo bông, định bước ra cửa. Nhưng chiếc áo ướt lạnh buộc ông hiểu rằng ông không thể đi đâu vào lúc này. Ông không có cách nào hơn là ngồi lại giữa bốn bức tường tù ngục, đối mặt với chính pháp đình của chính ông.
Mắc lại chiếc áo lên giá treo, ông buông mình xuống ghế, đưa mắt nhìn đám mây cuồn cuộn như đống bông lăn qua sân chùa và nhớ lời sư cụ:
« Đến đức Thế Tôn cũng còn bị sát hại bởi đàn em. Đã khoác áo cà-sa, đã tu luyện đến bậc đại đức mà còn bị lòng dục xui khiến thì huống chi đám người trần tục? Ta chẳng nên oán trách bọn đồng chí thù nghịch ấy. Kẻ đáng oán trách trước hết là ta. Chính bản thân ta. Hoặc yếu hèn hoặc ngu ngốc, hoặc cả hai. »
Lần này, ông không còn muốn tự bào chữa. Gã luật sư biện hộ cho ông chết rồi chăng? Ý nghĩ đó lướt qua ông một cách ơ hờ trong khi ông đăm chiêu nhìn một đám mây rách nát đang kéo lê qua sân chùa mớ áo tả tơi của nó. Đột nhiên, hình ảnh ấy xui khiến ông thương cảm chính mình:
Đường đời ngoắt ngoéo quanh co, nào ai biết được nẻo nào mà dấn bước? Ta đi tìm cho dân tộc ta một thành Paris, nhưng số phận lại dẫn ta đến Mạc-tư-khoa băng giá. Ta đi theo ngọn gió phương tây, nhưng định mệnh lại xua đuổi ta quay về bờ biển phương đông. Suốt đời ta, những ngẫu nhiên tác tạo và xô đẩy. Kiếp người phải chăng cũng chỉ là bèo dạt mây trôi?...
Một nước Pháp của Đi-đơ-rô và Voltaire mở cánh cửa gọi ta bước vào. Một nước Pháp khác của các quan chức đội mũ cao ống, mặc áo nhấn hai hàng khuy vàng đóng sập cánh cửa đó trước mũi ta như gia nhân một lâu đài đóng sập cánh cửa trước tên hành khất. Những dân tộc nhược tiểu và nô lệ bị xua đuổi khắp các nẻo đường kiếm tìm hạnh phúc, và con dốc lát đá duy nhất mời đón những bước chân của họ lại chính là con dốc dẫn thẳng xuống địa ngục. Khi ta hiểu ra điều đó thì mọi sự đã muộn mằn. 
Cái địa ngục đó giờ đây chẳng còn hồ nghi nữa. Nhưng không kẻ nào đủ lòng ăn năn và sự can đảm để mở mắt nhìn vào. Ông nhớ cảm giác choáng váng khi lần đầu thấy dân chúng xếp hàng lũ lượt như rồng rắn chờ mua thực phẩm. Xe ông gắn kính đen, không ai biết được sự hiện diện của ông. Xe lướt rất nhanh nhưng cũng đủ thời gian để ông nhìn rõ đám dân đen. Và cảnh tượng khổ não ấy đập vào cân não ông như nhát búa. Năm đó, con tim ông đang còn tưng bừng khúc hát « Tiến về thủ đô ». Hai năm chưa đủ làm phai nhạt những vàng son của vinh quang và chưa làm nguội những cơn sôi sục trong huyết mạch. Bận rộn, ông không có thời giờ vi hành. Quãng thời gian tằn tiện bòn mót được ông dành dụm cho nàng nhưng các cuộc gặp gỡ của họ bao giờ cũng vào lúc quá nửa đêm, thông thường sau mười hai rưỡi hoặc một giờ, khi xe ông lướt qua phố xá, mọi sinh hoạt của dân chúng dường như đã kết thúc. Sớm hôm đó, ông hẹn làm việc với một giáo sư lịch sử ngoại quốc. Vì đề tài liên quan đến viện bảo tàng quốc gia nên ông đề nghị điểm hẹn ở ngay nhà bảo tàng. Rồi ông yêu cầu lái xe chọn một lộ trình mới để ông có dịp nhìn phố xá. Đó chính là cơ hội đầu tiên kể từ ngày rời chiến khu về thành phố ông chứng kiến cảnh sinh hoạt của dân. Cảnh tượng không mỹ miều hay lạc quan như ông từng mường tượng. Đám đông hiện lên trước ông, bằng xương bằng thịt, chen chúc, bấn loạn, như đàn cừu trên lối dồn trở lại chuồng. Những gương mặt đập vào thị giác ông là những gương mặt võ vàng đói khát; những gương mặt lầm lụi tối tăm, những gương mặt u uất vì nhẫn nhịn, nhục nhã; những gương mặt kinh hoảng vì bị dồn ép dưới những cảm xúc của sợ hãi, chờ đợi, đau khổ, căm thù. Đấy chính là gương mặt của những kẻ đang đứng mấp mé trên ngưỡng cửa bước vào các bệnh viện thần kinh.
Cố gìm giữ cơn thảng thốt, ông lấy giọng thản nhiên hỏi lái xe:
- Gia đình chú có phải xếp hàng mua gạo như thế kia không?
Anh ta trả lời tức thì, với nỗi hân hoan không che giấu:
- Thưa chủ tịch, rất may mắn là gia đình chúng con thuộc diện ưu tiên. Nhà nước đem gạo và thực phẩm tới tận cơ quan phục vụ.
- Những ai thuộc diện được ưu đãi như vậy?
- Thưa chủ tịch, tất thảy những ai trực thuộc bộ máy văn phòng chính phủ hoặc ban quản trị trung ương đảng. Ngoài ra là các bộ phận đặc biệt thuộc các bộ đặc biệt như bộ nội vụ, bộ quốc phòng...và trước 
hết là bộ thương mại và thực phẩm vì đó chính là đất sở tại của họ. Nhân viên thuộc các bộ ấy được coi như con vua cháu chúa thời xưa.
- Thế nào là con vua cháu chúa?
- Thưa người, câu nói đó hàm ý là họ có quyền hưởng thụ ở mức cao nhất. Cùng một thứ sổ gạo nhưng họ được ăn gạo mùa mới, còn thơm phức mùi cám ; trong khi dân chúng phải ăn gạo mục vì nhà nước chỉ bán cho dân những thứ gạo đã qua năm sáu mùa lưu cữu trong kho. Cùng là thịt, nhưng những phần ngon họ lấy trước, còn thịt bụng, thịt mỡ, đầu lợn, họ đem bán cho dân. Nếu không thuộc diện ưu tiên có kiếm được miếng thịt cũng nhục nhã như tù khổ sai đi đập đá vậy. Anh cả của con làm việc trong thư viện quốc gia, cán bộ cấp lãnh đạo nên mỗi tháng được mua năm lạng thịt. Tháng một lần, vợ anh ấy phải dậy từ ba giờ sáng ra chợ Hôm xếp hàng mua. Nhưng lần nào cũng đến non trưa mới trở về nhà, mà lần nào cũng toàn xỏ lợn với thịt bụng vì đám mậu dich viên tuồn thịt bên trong quầy cho người nhà và các cơ quan có mặt hàng đổi chác, ví như các cửa hàng bán gạo, bán vải, đường sữa hoặc nhu yếu phẩm khác. Khi đã thoả mãn tất cả những cuộc trao đổi lợi quyền như vậy, họ mới nhìn ngó đến dân.
- Tại sao các cán bộ lãnh đạo nhà nước không hay biết chuyện này?
- Dạ.
Người lái xe ấp úng. Anh ta đưa mắt liếc ông rất nhanh, vừa như thăm dò vừa như ngờ vực. Và ông biết rằng ông đã buông ra một câu hỏi vô cùng xuẩn ngốc.
- Có thể là các đồng chí ấy đã biết nhưng chưa đủ thời gian báo cáo lên trên.
Ông tự trả lời. Và anh chàng lái xe vội đáp theo:
- Thưa chủ tịch, đúng là như thế.
Đêm hôm đó, ông ngồi nhìn trăng. Nỗi phân vân khiến ông không ngủ được. Trước mắt ông là vành trăng lưỡi liềm điêu bạc như lá lúa. Dường như nó không toả ra một chút ánh sáng nào. Lũ đom đóm lập loè trên bãi cỏ còn rực rỡ muôn phần hơn nó. Ông nhìn vầng trăng ấy, liên tưởng đến sự suy tàn của mọi sự vật:
« Cuộc đời vốn là cuộc vận hành bất tận, từ nương dâu biến thành bãi biển, con người từ hư vô đến rồi lại quay về với hư vô. Nhưng cớ sao ta bỗng buồn thảm nhường này? Phải chăng vành trăng chết lụi kia có liên quan ngầm ẩn nào đó với số phận của quốc gia? Và nó chính là điềm báo triệu cho một sự sụp đổ không chóng thì chày, một kết thúc buộc phải đến? »
Ý nghĩ đó như lưỡi dao bén của đao phủ gại trên cổ ông, kẻ sẽ bị hành quyết không chầy thì chóng. Ông bỗng thấy buốt lạnh sống lưng. Trước mắt ông lại hiện lên đám đông đói khát, nhục nhằn và bấn loạn chen chúc nhau trước quầy bán gạo. Ông nhìn thấy những cánh tay vươn lên, giằng giật huých đẩy nhau; những cặp mắt trợn ngược tròng, những cần cổ vươn dài về phía khuôn cửa chắn dóng sắt với tất thảy sự chú tâm điên cuồng của loài thú dữ lao về phía con mồi trong nỗi thúc bách của cơn đói. Chao ôi, đó là những đồng bào của ông, những công dân trong cái xã hội mà ông là người khai sinh, những con người mà vì họ ông đã nuôi giấc mộng giải phóng. Đó là ảo ảnh hay sự thật? Phải chăng mọi cố gắng của ông chỉ là sự lầm tưởng và cái hiện thực này chính là bóng lâu đài soi trên mặt nước dòng sông ma? Ông tự hỏi rồi không dám tự trả lời. Nỗi hãi hùng quây chụp trí não. Những gương mặt ông nhìn thấy buổi sáng chỉ còn là những tấm gương phản chiếu cuộc sống của một bầy súc vật bị ngược đãi hoặc trạng thái tinh thần của những kẻ nhiễu tâm. Nếu không là những con bệnh tâm thần ắt phải là đám cừu chen chúc bên máng cỏ. Con người bị đầy ải vì miếng ăn. Con người không còn cảm thấy nhục nhã nữa sẽ chỉ còn là con vật trong chuồng chờ đến giờ vục đầu xuống máng. Còn nếu con người biết phẫn nộ, hẳn họ sẽ nuôi lòng thù hận, chờ phút thuận tiện để cắt cổ những tên chúa ngục. Những kẻ giam cầm họ trong kiếp súc sinh.
Ôi, cái chế độ mà ông ra công gây dựng cuối cùng chỉ là một chuồng cừu vĩ đại hay sao? Hay nó chính là một trại giam khổng lồ, nơi giam hãm con người trong những nhu cầu vật chất hạ cấp nhất, nơi thực thi một cuộc hành xác tập thể, nơi ngự trị một sự tự sỉ nhục có tính triệt để và đại chúng, nơi đào luyện ra nếu không phải những con bò cúi đầu trước bó cỏ thì sẽ là những tên trộm cướp, những kẻ bị rối loạn nhân cách hoặc nhiễu tâm? Không có cách phân tích nào khác. Và nếu không có cách giải thích nào khác, cái xã hội hiện hành chính là sự thụt lùi bất khả hình dung so với cái xã hội đau khổ thời xưa.
Chao ơi, bao nhiêu con người đã hy sinh, bao nhiêu tài sản đã hao tán, thiêu huỷ, bao nhiêu nỗi gian truân dân tộc của ông đã phải trải nghiệm để sau cùng nó lãnh nhận một cuộc sống dã man như vậy hay sao? Nếu vậy thì cuộc cách mạng này là cuộc phiêu lưu rủi ro nhất trong các cuộc phiêu lưu của kiếp người. Và nếu vậy, cuộc đời ông là một sự thảm bại không gì có thể so sánh.
Da ông nổi gai ốc. Những cơn buốt lạnh chạy dọc sống lưng khiến ông không kìm được tiếng kêu. Nhưng ngay lúc đó, cần vụ lẫn bác sĩ đã chạy vào. Ông buộc phải bịa ra một cơn đau thể chất để đánh lừa họ.
Vào cuộc họp của bộ chính trị ngay sau đó, ông yêu cầu lật lại chính sách kinh tế để tìm phương sách cứu vãn tình thế. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của hai từ: Hạnh phúc. Mọi cuộc giải phóng không có ý nghĩa nếu nó không làm cho con người hạnh phúc hơn. Mọi cuộc cách mạng cũng chỉ là trò tiêu khiển rồ dại và tàn ác nếu nó không đem cho con người tự do và cuộc sống xứng đáng. Độc lập cũng thế thôi. Độc lập không có mảy may giá trị nếu những dân cư của một nước độc lập lại không thể độc lập với những nhu cầu thiết yếu nhất của sinh tồn, giống những con bò không thể độc lập với mớ cỏ.
Không ai phản đối ông.
Nhưng cũng không ai nghe ông nói cho dù họ vẫn ngồi quanh chiếc bàn đồ sộ, và với ông làm đủ con số mười ba. Ông hiểu điều đó khi nhìn những cặp mắt lơ đãng của họ, những ngón tay gẩy tàn thuốc không mệt mỏi hay xoay tròn chiếc bật lửa một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Hôm qua, họ còn là những chiến sĩ tranh đấu cho một lý tưởng. Giờ đây, họ đang ngồi tính những con tính khác. Cuộc chiến tranh hôm qua đã kết thúc. Hôm nay là lúc các tướng lãnh chia phần xôi thịt trong dinh. Hôm qua ở trên rừng tất cả đều nhận một xuất cơm và một góc suối, không có gì để so đo, chẳng có chi để tính toán. Hôm nay, sự vật xoay vần bởi nếu biệt thự của anh lớn hơn biệt thự của tôi cả ích lợi vật chất lẫn danh tiếng của tôi trước mắt tha nhân sẽ bị thuyên giảm. Ngôi thứ của mỗi kẻ ngồi đây sẽ kèm theo muôn vạn quyền lợi đo đếm được và không đo đếm được ảnh hưởng đến cả một tập đoàn những kẻ dưới trướng trong phủ và những người cùng huyết tộc. Họ không còn quan tâm đến những điều ông quan tâm vì lợi ích của cá nhân bao giờ cũng là thứ gần gũi nhất và là cám dỗ lớn nhất với con người. Những dằn vặt của ông giờ đây, với họ trở nên nhạt nhẽo hoặc bất khả tri. Cả một bộ máy phục vụ bản thân họ cũng như gia đình họ bất kể thời gian và vô giới hạn. Họ sống hoàn toàn theo nguyên tắc vàng của chủ nghĩa cộng sản. Nguyên tắc đó chỉ dành riêng cho một nhóm người và loại trừ cả một dân tộc, một dân tộc cừu bò đang chen chúc nhau chờ những bó cỏ ngoài kia.
Ông nhắc lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Không ai phản đối. Không ai đáp lời. Không ai có nhu cầu tranh luận. Rồi sau đó là giờ giải lao. Sau đó một vấn đề khác được đề cập tới, thiết thực hơn, cụ thể hơn nỗi nhục nhằn đau khổ của nhân dân. Nỗi đau khổ của kẻ khác bao giờ cũng mơ hồ và khó cảm nhận. Nỗi đau khổ của nhân dân lại càng mơ hồ và khó cảm nhận hơn. Bởi nhân dân là thứ vô hình vô dạng, không có chân để chạy, không có cánh để bay, không có mỏ để hót. Độc lập không còn là một khát vọng lớn lao của một dân tộc nô lệ và đau khổ mà chỉ còn là một chiến lợi phẩm cụ thể, giống như một con lợn rừng bị hạ dưới ngọn lao của thợ săn. Chừng ấy thịt da chỉ đủ chia cho những kẻ biết cầm lao, cầm mác còn đám đông đứng ngoài hội phường săn là đám chúng sinh ăn chực chầu rìa. Ông hiểu rằng khi cần thiết, con người trở nên câm và điếc một cách dễ dàng. Cũng dễ dàng trở nên tàn nhẫn. Họ, những kẻ quây quần quanh ông, chia chác phần thịt của con lợn rừng vừa bị hạ...Họ trở thành xa lạ với ông. Ông trở thành khó hiểu với họ. Lục địa đã nứt đôi, họ đứng một bờ còn ông bờ khác. Đó là lần đầu tiên ông hiểu sự rạn vỡ của những mối quan hệ thường gọi là đồng chí hay huynh đệ. Những sợi dây gắn bó có thể dệt hàng chục năm hay lâu hơn nữa. Sự phân ly xảy ra chỉ trong khoảnh khắc, khi nhát kiếm hạ xuống. Nhát kiếm của quyền lực. Trước nó, mọi sợi dây tương thân tương ái chỉ là mớ tơ nhện mong manh.
― Lẽ ra, ta phải hiểu sự tình từ ngày ấy. Phải xoay nước cờ từ ngày ấy. Nhưng ta là kẻ chậm chân nên bị dòng lũ cuốn đi. 
― Ồ, nhưng bọn họ quá đông còn ta đơn chiếc. Và thảm hại thay ta phải thuận tình theo họ bởi tin rằng sự thoả hiệp đó cứu vãn được đại sự. Rằng nếu ta vì họ mà hy sinh thì chắc chắn họ phải vì đại nghĩa mà quên đi những tham vọng riêng tư. Sự ngu xuẩn là ở đó. Nước cờ vào thế bí. Họ lợi dụng sự thoả hiệp này để nhấn ta vào hậu cung.
« Nhưng gốc rễ sự thất bại này nằm ở nơi đâu? Sự ngu xuẩn của chính ta hay con đường ngoắt ngoéo của định mệnh? Ta đi cùng họ trên một con tàu để rồi khi đến bờ bên kia đại dương thì một mình ta ở lại trên cô đảo? Hoặc bản chất ta là con sói lẻ bầy nên bất cứ cuộc tụ hợp nào cũng chẳng bền lâu?»
Phải chăng và phải chăng....
Những câu hỏi không ngừng quần đảo ông.
Con tim già mệt mỏi của ông thổn thức.
Mây trắng vẫn trôi không ngừng trên đỉnh Lan Vu. Trôi không ngừng mùa tuyết Paris và những hồi quang của một tuổi xuân xa ngái. Óc não ông khoan xoáy bởi những nghi vấn. Rồi lát sau, con tim buồn nhớ của ông chợt quay về thành phố phương tây, nơi vĩnh định một liên kết thầm kín, nơi ghi khắc mãi mãi những khát vọng yêu đương và những cuộc tình chết yểu. Nơi tâm hồn ông ở lại như ngôi nhà côi cút trên bãi biển hoang sau những ngày hè náo nhiệt khách vãng lai. Paris! thật lạ lùng là khi rời xa nó, ông đã ngoái nhìn lại như nhìn một quán trọ ; vậy mà giờ đây thành phố ấy hiển hiện lên trong trái tim ông như hải cảng cuối cùng mời mọc kẻ lữ hành. Ông nhớ những giảng đường, nơi ông thường đi qua với một nỗi ước ao tuyệt vọng. Ông nhớ những con chim câu dạo quanh căn gác xép nơi ông trú ngụ và tiếng gù của chúng vào lúc xuân sang. Ông nhớ một đứa con thiếu vắng bởi sau khi ông rời xa căn ngõ hẻm sát phố Saint John sáu tháng, một đứa bé đã ra đời. Một đứa con gái, được đặt một cái tên vô cùng thông dụng trên đất Pháp, Louise. Ông không ngờ rằng những đêm chăn gối với cô thợ mũ đã để lại trái cấm. Một sự sao nhãng ngu xuẩn. Phải chờ bẩy năm sau, nhờ một cuộc gặp ngẫu nhiên trên đường ông mới biết được sự thật. Ông hiểu rằng đó chỉ là trái cây không chờ đợi của những cơn điên cuồng thân xác. Nhưng dẫu sao, đứa bé ấy vẫn mang dòng máu của ông, của chính ông. Ông dùng dắng nhiều lần, định quay lại nơi ngõ cũ, tìm gặp cô thợ mũ và Louise. Nhưng trong túi ông không đủ tiền để mua cho con gái một món quà xứng đáng. Và rồi, cơn lốc phiêu dạt của cách mạng cuốn ông đi. Sau rốt, ông chưa từng mua cho con ông một chiếc váy, một đôi giầy. Ông chưa từng bồng con bé lên tay và nhìn vào đôi mắt nó.
« Giờ này nó đã trở thành một người đàn bà, chắc chắn. Hẳn nó đã có chồng con. Có bao giờ nó lục tìm hình ảnh một người cha vắng bóng? Có bao giờ nó nuôi ý định tìm về Việt nam, miền nhiệt đới xa xôi, để nhìn ngó một thứ người xa lạ nhưng ràng buộc với nó bởi sợi dây huyết mạch? Hoặc nó đã quên ta hoàn toàn trước khi biết ta, một sự quên lãng cố tình? 
Ý nghĩ đó khiến ông tê tái. Ông rờ ấm trà, muốn uống một ngụm nhưng nước đã nguội. Gương mặt ông hiện lên trên mặt bàn gỗ bóng láng như gương. Ông cúi nhìn cái bóng của mình. Nhìn lặng lẽ. Một tiếng nói thầm thì cất lên trong tâm tư:
"Gã đàn ông này là kẻ làm cha tồi bại nhất trên trái đất. Rồi mai đây, ngươi sẽ phải đối mặt với những người ruột thịt trước pháp đình tối cao của con tim. Cuộc cách mạng mùa thu rồi sẽ chìm mất tăm trong dòng chảy triền miên của lịch sử như tất thảy những cuộc cách mạng khác. Giống như những trận động đất, những cơn sóng thần và những trận lôi đình khạc lửa của các hoả diệm sơn. Thời gian sẽ xoá đi mọi dấu vết. Mọi vương miện đều sẽ rách nát cùng với tháng năm. Mọi ảo tưởng về vinh quang rồi sẽ tan vỡ như vầng trăng trên dòng sông u tịch của các nhà thơ thời trung cổ. Nhưng pháp đình của con tim sẽ mãi mãi dựng lên trên cõi đất của cuộc đời thế tục và pháp đình ấy cũng sẽ mãi mãi dựng lên bên kia bờ con sông Mê, nơi linh hồn những kẻ ra đi chen chúc trên những con thuyền kết bằng tro bụi, với cặp mắt rỗng và ba đồng xu đặt trên chiếc lưỡi lặng câm."
Một tấm lưới vô hình thít chặt lấy chủ tịch khiến ông như ngạt thở.
Đầu ông buốt lạnh trong khi gan ruột bỏng rát như bị lửa rang. Ông nghĩ rằng đây là cơn đau đớn của riêng ông, một mình ông. Bởi là người duy vật, ông không tin vào chuyện thần giao cách cảm. Từ trước tới nay, ông chỉ biết một thế giới hữu hình, chỉ coi là sự thực những gì tác động vào các giác quan, cũng như số đông người.
Tuy nhiên, cơn đau đớn của chủ tịch lại chính là kết quả của sự cộng hưởng với một nỗi đau đớn khác. Bởi trên mảnh đất này còn có một kiếp đoạ đầy khác. Một kẻ vô danh. Một người mà ông không còn nhớ tên và cũng chưa bao giờ biết mặt. Một cái bóng của hư vô. Nhưng cái bóng đó vẫn luôn luôn là một sinh thể bằng xương bằng thịt. Sinh thể ấy không ngừng nghĩ về ông. Kẻ bất hạnh ấy liên kết với ông bởi một số phận oái oăm, một nỗi đau khổ trường kỳ và một cuộc săn đuổi tàn khốc. Nhưng sự đỏng đảnh của số phận lại muốn rằng tất thảy những gì xảy ra với anh ta phải nằm trong bóng tối, bên ngoài vùng hiểu biết cũng như trí tưởng tượng của ông.