êm đó, Cốc Chẩn bị Cốc Bình Nhi điểm huyệt, nhìn Thi, Cốc hai cô gái giao đấu thì cảm thấy rất buồn cười, thầm nghĩ ông trời có lẽ đã phát điên rồi nên mới đem mọi việc đảo lộn hết cả lên. Cô gái mà mình thích thì muốn bắt mình, còn cô gái đã hại mình thì lại dùng đủ cách để bảo vệ mình, đúng là điên điên đảo đảo chẳng ra kiểu cách gì nữa. Cốc Chẩn nghĩ vậy rồi liếc con mèo Ba Tư bên mình, bất giác thầm than: “Mèo ơi mèo, nếu có kiếp sau ta sẽ thỉnh cầu Diêm Vương lão nhân để được làm mèo, tránh được bao nhiêu phiền não…” Vừa nghĩ như vậy, đôi mắt xanh lét của con mèo chăm chú nhìn tới không hề chớp mắt. Cốc Chẩn từ trước tới nay chưa từng bị một con vật nào nhìn như vậy, bất giác trong lòng phát run: “Con mèo quái quỷ này nhìn ta làm gì vậy? Ta có phải chuột đâu…” Còn chưa nghĩ hết thì cong mèo bỗng tung mình nhảy lên chân hắn, ngửi ngửi ống tay áo hắn rồi sau đó đưa một chân trước ra gãi gãi vào eo lưng Cốc Chẩn. Tuy cách mấy lớp quần áo nhưng Cốc Chẩn vẫn cảm thấy chỗ vuốt mèo cào qua ngứa ngáy khó chịu, nhưng muốn cười lại không cười nổi, một luồng khí đột ngột trào lên trong lồng ngực rồi ngực nóng lên, một tiếng “ha” vuột ra khỏi miệng. Cười mới nửa tiếng, Cốc Chẩn đã lập tức nín bặt, chằm chằm nhìn con mèo cực kỳ kinh hãi. Thì ra hắn bị Cốc Bình Nhi điểm huyệt không lên tiếng được, nhưng lúc này không chỉ cười ra tiếng mà từ tay tới chân đều có thể cử động. Cốc Chẩn giỏi ứng biến, chỉ ngẩn ra một chút rồi ôm con mèo đứng dậy. Đưa mắt qua thì Thi Diệu Diệu và Cốc Bình Nhi đang đánh nhau đến chỗ quyết liệt, không để ý đến hắn. Cốc Chẩn thầm bật cười: “Ta đường đường là nam nhân, lại trở thành vật đánh cuộc của mấy bà mụ này ư? Con bà nó, cần gì ai thắng ai thua, ta cứ quất ngựa chạy trước đã.” Lòng đã quyết, Cốc Chẩn nín thở chạy hơn chục bước, nhìn con mèo trong lòng lại thầm nghĩ: “Con mèo quái quỷ này lại giải được huyệt đạo của ông đây? Tốt lắm, tốt lắm, con nha đầu Bình Nhi đó hại ta không ít, ta bắt cóc con mèo của ả, để ả lo lắng buồn rầu cũng là báo ứng thôi.” Nghĩ vậy lại càng yên tâm ôm con mèo Ba Tư rảo bước bỏ chạy. Con mèo Ba Tư đó chính là Bắc Lạp Sư Môn, ngày trước lạc mất Lục Tiệm trên biển, sau mấy lần chuyển chủ thì đến tay một thị nữ của Diệp Phạm rồi cùng cô ta đến Trung Thổ, sau đó lại bị Diệp Phạm tặng cho Cốc Bình Nhi. Bắc Lạp Sư Môn rất thông minh, một lòng tìm kiếm chủ cũ là Tiên Bích, vì vậy mới làm ngược lại thói quen mà đi cùng Lục Tiệm. Ngày về đến Trung Thổ ý muốn tìm chủ của nó lại càng mạnh mẽ, nếu có thể tìm được Tiên Bích là tốt nhất, còn nếu đã không tìm được thì lại muốn trước hết tìm Lục Tiệm rồi từ y tìm đến Tiên Bích. Cốc Chẩn đi cùng Lục Tiệm đã lâu, trong lúc không để ý trên quần áo cũng lưu lại mùi vị của Lục Tiệm. Bắc Lạp Sư Môn ngửi thấy thì giống như thấy đầu mối để tìm chủ nhân, nên lập tức thi triển năng lực kỳ dị giải khai huyệt đạo của Cốc Chẩn. Cốc Chẩn lại không biết mình đang ôm con linh thú của Tây Thành, vừa thoát nạn lớn thì mừng rỡ vô cùng, luôn mồm gọi Bắc Lạp Sư Môn là “Miêu huynh” hết sức thân thiết. Bắc Lạp Sư Môn vốn trọng nữ khinh nam, đi cùng với nam tử rất là bất đắc dĩ, nghe thiếu niên này nói bừa nói ẩu thì trong lòng rất buồn bực, liền nắm mắt giả ngủ, không thèm để ý nữa. Cốc Chẩn sợ sau lưng đuổi đến nên chạy đến mức kiệt sức thì mới ngồi phệt xuống, thầm nghĩ: “Lão tử lần này như cá về biển lớn, chim xổng lên trời, dù là Đông Đảo ngũ tôn gì gì đó đều ngửi rắm của ta.” Nghĩ vậy thì mừng rỡ vô cùng, lăn lộn mấy cái trên mặt cỏ, thấy Bắc Lạp Sư Môn bộ dạng lười biếng thì bất giác cười nói: - Mèo con đều ngủ ngày thức đêm, bây giờ nửa đêm gà gáy mày còn ngủ cái gì nữa? Còn không dậy bắt chuột sao? Nói rồi nổi lòng tinh nghịch, liền nắm lấy gáy của nó, không ngờ Bắc Lạp Sư Môn hai mắt trợn lên, vuốt chụp vù tới, lưng bàn tay Cốc Chẩn đau đớn rồi xuất hiện thêm năm vệt máu, bất giác tức giận nói: - Còn mèo quỷ quái, cào ông nội người à? Rồi múa chưởng định đập xuống thì thấy Bắc Lạp Sư Môn lạnh nhạt nhìn tới, ánh mắt rất âm trầm. Cốc Chẩn sững sờ, chốc lát liền chuyển giận thành cười, mắng: - Mèo quỷ, dám trừng mắt nhìn lão tử à? Rồi bàn tay khua khua trên đầu Bắc Lạp Sư Môn nhưng không thật sự đánh xuống. Bắc Lạp Sư Môn vốn định đợi tay hắn đánh xuống thì cào cho một phát nhớ đời, nhưng không ngờ Cốc Chẩn khôn ngoan lại không đánh thật, nó nhìn một lúc rồi cảm thấy buồn chán, liền nhắm mắt ngủ. Cốc Chẩn hưng phấn một hồi thì cảm giác mệt mỏi xông lên, liền nghĩ: “Phải kiếm một chỗ ngủ mẹ nó cái.” Liền lập tức chậm rãi tiến lên tìm nhà xin ngủ nhờ. Không ngờ vừa rồi hắn vội chạy giữ mạng nên toàn chọn chỗ hoang vu mà chạy, bất giác đã chạy vào sâu trong núi. Bóng đêm tối đen, hắn sớm đã lạc mất phương hướng, đi mấy chục dặm cũng chẳng thấy đèn lửa gì, chân tay mỏi mệt liền tìm một tảng đá lớn ngồi xuống nghỉ ngơi. Ngồi chưa ấm chỗ thì bỗng một cơn gió nổi lên, lờ mờ ẩn chứa mùi tanh hôi. Cốc Chẩn giật mình lông tóc dựng đứng, quay đầu nhìn lại thì cả kinh, chỉ thấy một con mãnh hổ trán trắng đứng sừng sững sau lưng, đôi mắt to như chuông đồng lộ vẻ hung dữ. Cốc Chẩn tuy có mưu kế thay trời đổi đất nhưng lại không có năng lực hàng long phục hổ, gặp phải kẻ độc ác toàn dựa vào mưu kế để làm trò, nhưng bây giờ gặp phải một con mãnh hổ thì thật sự chẳng có cách nào. Trong chớp mắt tuy hắn không đến nỗi nhão ra như bùn nhưng chân tay cũng cứng đơ, không nhúc nhích nổi. Tiếng hổ gầm trầm động, con hổ đó giơ chân trước định nhảy tới thì Cốc Chẩn bỗng cảm thấy trong lòng động đậy rồi Bắc Lạp Sư Môn chui ra, đôi mắt xanh lè nhìn thẳng vào mắt ác hổ. Con hổ đó vốn chăm chú nhìn Cốc Chẩn, lúc này chợt bị con mèo nhỏ thu hút thì lập tức dừng lại, đi đi lại lại, mũi khịt khịt có vẻ hơi quẫn bách. Bắc Lạp Sư Môn vẫn có vẻ nhàn hạ, đứng yên trên mặt đất liến chân gãi gáy, phút chốc chợt đứng dựng người lên, lông dài trắng như tuyết xù ra bốn phía. Con hổ bất giác kinh hãi lùi lại nửa thước trầm giọng gầm rống. Bắc Lạp Sư Môn lại kêu meo một tiếng rồi đột nhiên uyển chuyển bước đi vòng quanh con hổ đó. Dã thú con nào yếu sẽ bị con mạnh hơn ăn thịt, thường sống bên bờ vực sống chết nên trực giác nhạy bén hơn hẳn con người. Con hổ đó cảm thấy rất không ổn, bất giác mất tự chủ, theo nhịp vòng quanh của Bắc Lạp Sư Môn lại cứ đứng yên, hai mắt trước sau vẫn không rời đôi mắt của con mèo, không ngớt gầm gừ. Cốc Chẩn cứng đờ đứng một bên, vừa kinh hãi lại vừa cảm thấy thú vị. Hai con thú đó một thì to lớn hung ác, hoa văn loang lổ, một con thì nhỏ bé điềm tĩnh, trắng mượt dễ thương, một lớn một nhỏ đối diện như vậy thật là cực kỳ quái dị. “Đúng rồi.” Ý nghĩ Cốc Chẩn chuyển động như chớp: “Mèo quỷ khống chế lão hổ chính là cơ hội để ta chạy giữ mạng.” Hắn vừa định quay người thì lại thầm nghĩ: “Không được, không được, con mèo quỷ hai lần cứu ta, ta lại bỏ nó mà chạy thì chẳng phải không có nghĩa khí ư?” Nghĩ tới đó thì trong lòng bất giác buồn cười: “Lão tử chẳng lẽ điên rồi ư? Với mèo với chó mà cũng nói chuyện nghĩa khí sao?” Tuy trong lòng tự chế nhạo chính mình nhưng cũng không bỏ đi nửa bước. Chỉ thấy bước chân ngắn ngủi của Bắc Lạp Sư Môn càng lúc càng nhanh, đi đến vòng thứ ba thì một cơn gió thổi tới, cây lay lá rụng kêu lên xào xạc, rồi đột nhiên một tiếng hổ gầm rung chuyển trời đất vang lên. Trước mắt Cốc Chẩn tối sầm lại, con hổ đó đã nhảy vọt lên không, như một hòn núi bay tới che hết cả ánh trăng sao. Bóng trắng loáng lên, Bắc Lạp Sư Môn rút về bên trái rồi bỗng tung mình chuyển sang bên phải, bóng hổ dáng mèo chập vào nhau giữa không trung. - Meo! Một tiếng mèo kêu lạnh lẽo vô cùng khiến cho người ta tê buốt tim gan. - Mèo quỷ… Cốc Chẩn trong lòng chấn động buột miệng kêu lên, sau đó một tiếng hổ gầm đinh tai, cỏ hoa ngã rạp, lá cây rơi rụng, con hổ trán trắng đó bốn chân đứng trên mặt đất, như điên như cuồng lắc đầu vẫy đuôi, chồm lên nép xuống, hai hàng máu tươi từ mắt nó trào ra rơi lộp bộp xuống đất. Cốc Chẩn kinh hãi nghi hoặc không ngừng, định thần nhìn qua thì thấy Bắc Lạp Sư Môn cuộn lại như một quả cầu lông màu trắng, bốn chân như móc câu móc chặt vào đầu hổ, cho dù con hổ dữ có nhảy nhót vùng vẫy thế nào nó cũng không động đậy. Tiếng răng rắc vang lên, đầu hổ nứt ra, đỉnh đầu con hổ đó bị Bắc Lạp Sư Môn xé vỡ, lộ ra não tủy bốc hơi nghi ngút. Con hổ như sa rượu, lắc lư chạy mấy bước rồi cuối cùng ngã rầm xuống không động đậy gì nữa. Cốc Chẩn nhìn xác hổ giật mình hồi lâu, lại nhìn con mèo Ba Tư kia sớm đã đứng sang một bên, cẩn thẩn liếm láp vết máu dính trên móng vuốt, chốc lát đã liếm xong rồi quay lại. Cốc Chẩn nhìn con mèo nhỏ bé đó bỗng cảm thấy tim nhảy thon thót, vòng tay cười nói: - Miêu huynh, ơn cứu mạng xin đa tạ, đa tạ. Vừa nói vừa không tự chủ được lùi lại từng bước. Bắc Lạp Sư Môn thấy hắn co co rúm rúm thì rất buồn bực, bóng trắng loáng lên, Cốc Chẩn đã cảm thấy trên đầu vai có thêm một vật lông mềm mượt thì lập tức toát mồ hôi lạnh, chân tay cứng đờ ra. Phải một lúc, không cảm thấy con mèo đó có hành động gì khác lạ thì mới yên lòng, cười khổ nói: - Xưa có Võ Tòng, giờ có miêu huynh, Cốc mỗ kiến thức kém cỏi rồi. Ngày sau còn mong được lão gia chỉ bảo, nếu có chỗ nào đối đãi không tốt xin bỏ qua cho. Hắn không biết con mèo này nghe có hiểu hay không, tóm lại là nói càn nói bậy một hồi để cho nó vui lòng, tránh khỏi mặt “mèo” giận dữ, cào mình một cái thì thật là hỏng bét. Đã có mèo thần trên vai, Cốc Chẩn đi lại trong rừng dũng cảm hơn nhiều, sang ngang chạy dọc chẳng sợ sệt gì, không bao lâu đã tìm được một cái sơn động, trải lá khô lăn ra ngủ. Nghỉ ngơi nửa đêm, ngày hôm sau tỉnh dậy thì bỗng cảm thấy tức ngực, định thần nhìn lại thấy Bắc Lạp Sư Môn đang cuộn tròn trên ngực mình ngủ say. Cốc Chẩn thầm mắng: “Con mèo quỷ lại đòi hưởng phúc, lấy lão tử đây làm giường cơ à?” Nhưng lại không dám ngang nhiên chửi mắng, chỉ cẩn thận ôm nó lên đi ra ngoài động, bỗng thấy trước cửa động đặt hai con thỏ hoang đều bị móc mắt cắn cổ, mới nhìn đã nhận ra ngay là tác phẩm của Bắc Lạp Sư Môn. Cốc Chẩn vừa đúng lúc bụng đói ùng ục, lập tức mặt mày mừng rỡ kiếm một khối đá nhọn, tìm khe suối làm sạch mấy con thỏ hoang rồi nướng chín vàng bên bờ suối, lựa lấy một ít ngon mềm cho con mèo ăn, còn lại thì như hổ như sói chén cả vào bụng. Ai ngờ ở sâu trong núi, mùi thịt thơm tỏa ra bốn bề lại dụ đến một con sói xám. Bắc Lạp Sư Môn ăn no uống đủ, đang muốn thư giãn gân cốt liền tung mình nhảy lên cổ con sói cắn vào gáy nó kêu u u. Con sói như hóa điên, nhảy lên chồm chồm muốn hất con mèo xuống, nhưng vẫn đi vào vết xe đổ của con mãnh hổ tối qua, hao tốn khí lực mà vẫn bị kièm chế, không bao lâu thì dựng đuôi kêu lên thảm thiết xin tha mạng. Lúc này Bắc Lạp Sư Môn mới nhảy xuống. Con sói đó cũng rất xảo trá, sau gáy vừa nhẹ đi lập tức quay người bỏ chạy. Bắc Lạp Sư Môn lao vù tới trước mắt, nhảy phải vọt trái lại nhào lên cổ con sói xám. Con sói vùng vẫy một lúc lại xin tha mạng. Bắc Lạp Sư Môn lại thả nó ra, sói xám lại chạy, Bắc Lạp Sư Môn lại dùng cách cũ bắt nó lại. Cứ bắt rồi thả như vậy mấy lần chẳng có vẻ gì buồn chán. Cốc Chẩn đứng bên xem kịch, nhìn ra con Bắc Lạp Sư Môn tuy thông minh nhưng vẫn khó thoát khỏi bản tính của loài mèo. Có câu rằng: “Mèo vờn chuột, nghịch rồi mới ăn.” Nó lại biến con sói xám thành vật chơi đùa, thoải mái nghịch ngợm. Nhìn như vậy một lúc, Cốc Chẩn bỗng nhận ra, thì ra con mèo Ba Tư này đêm qua phục hổ, bây giờ bắt sói đều dùng một loại kỹ thuật. Trước hết vọt về bên trái để thu hút tâm thần đối thủ rồi sau đó lại vọt về bên phải, nhảy lên đầu cổ đối thủ, móc mắt và phá các lỗ thủng khác. Đầu não bị phá thì cho dù là đối thủ gì cũng phải thất bại. Điều đó nhìn thì đơn giản mà thực ra lần nào cũng hiệu quả. Cốc Chẩn nảy lòng hiếu kỳ, lưu ý quan sát, chỉ cảm thấy con mèo Ba Tư lúc vọt sang trái thì không nhanh lắm, nhưng lúc vọt sang phải thì chuyển sang gấp gáp, đến lúc tung mình vọt lên không thì lại biến thành chậm, nhằm đúng vị trí đối thủ rồi hạ xuống. Trái phải bay hạ, bốn loại cử động đó liền lạc như một, trong đó còn chứa nhịp điệu rất tinh vi. Cốc Chẩn nhận ra điều này thì bỗng nảy hứng chí, bắt đầu học theo Bắc Lạp Sư Môn trái phải nhảy hạ, nhưng cảm thấy thân pháp đó lại rất đơn giản, chỗ kỳ diệu đều nằm cả ở nhịp điệu. Lúc Cốc Chẩn nhảy nhót chuyển tốc độ quá gấp, bỗng không cẩn thận hai chân vướng vào nhau ngã lăn ra. May mà da mặt hắn dày, không những không xấu hổ mà lại vui vẻ, nằm trên mặt đất cười hi hi. Bắc Lạp Sư Môn bị cử động của Cốc Chẩn hấp dẫn, liền thả con sói xám ra ngưng thần chăm chú nhìn, đôi mắt xanh lè dần dần sáng lên. Cốc Chẩn bò dậy, vòng tay cười nói: - Xin miêu huynh lão gia chỉ giáo cho. Rồi lại cất bước nhảy trái vọt phải. Nhưng trước nay hắn làm việc gì cũng đều không thích tuân theo quy luật, lúc còn nhỏ đọc sách rõ ràng nhớ kỹ không sai một chữ nhưng lúc đọc lên thì lại cố ý tăng thêm câu chữ, bổ sung cách giải thích của mình, thầy dạy trên đảo đều phải đau đầu. Sau đó học võ cũng vẫn như vậy, không thích một chiêu thức nào cả, chiêu thức luyện được một nửa thì bỗng vô cớ tạo thêm động tác màu mè vào đó, đem những môn tuyệt học cực hay luyện thành tùy tiện nhố nhăng. Cốc Thần Thông hết sức tức giận, bắt hắn thay đổi, ai ngờ Cốc Chẩn không những không chịu đổi tính mà ngược lại còn ỷ vào trí thông minh, coi thường võ lực, lại ngại tập võ khổ sở nên không chịu chuyên tâm luyện võ nữa. Cho đến thời gian gần đây, do võ công thấp kém, liên tục bị thua thiệt, nhất là sau khi gặp Cốc Bình Nhi thì Cốc Chẩn mới học được từ thất bại, sinh ra lòng hướng võ. Lúc này hắn học bộ pháp của mèo, mới bắt đầu đã dần phát bệnh cũ, lại tự ý thay đổi loạn lên, sửa chữa tứ tung, thêm vào đủ loại màu mè như quay eo lắc mông, lại biến một đòn sát thủ của linh thú thành kiểu múa hát nhảy nhót, khoe khoang lả lơi. Thân pháp này của Bắc Lạp Sư Môn vốn là trong khi đánh giết cầm thú mà luyện thành, toàn lấy việc giết đối thủ làm chính yếu, hoàn toàn không có những động tác náo loạn như vậy. Cốc Chẩn quấy rối đang vui thì đầu vai bỗng trầm xuống, Bắc Lạp Sư Môn đã nhảy lên đưa móng vuốt ra cào trên mặt hắn. Cốc Chẩn đau quá vội kêu lên: - Miêu huynh, có gì cứ nói, có gì cứ nói… Bắc Lạp Sư Môn kêu khẽ một tiếng rồi nhảy xuống chạy vào rừng, không bao lâu đã bắt về một con cáo, thả rồi lại bắt, bắt rồi lại thả. Con cáo quỷ quyệt hơn xa sói xám nên không mắc bẫy dương đông kích tây, nhưng Bắc Lạp Sư Môn vẫn dùng thân pháp kỳ diệu đó, con cáo kia cho dù chạy thế nào thì vẫn luôn một chiêu là bị bắt lại. Cốc Chẩn trông thấy liền biết con mèo này biểu diễn chiêu thức trước mặt là có ý dạy cho mình, bất giác vừa kinh hãi vừa hổ thẹn, liền thu lại tính cợt nhả, ngưng thần chăm chú quan sát. Hắn nếu có lòng muốn học thì tốc độ nắm bắt hơn xa người thường. Không bao lâu đã học hết thuật di chuyển tấn công của Bắc Lạp Sư Môn, chỉ đáng tiếc là thể lực không đủ nên lúc thi triển ra chỉ được một nửa, kém nhanh nhẹn. Lại nghĩ Bắc Lạp Sư Môn lợi hại như vậy thì không phải là thần tiên trong loài mèo mà phải là vua trong loài mèo. Ngày trước Đông Đảo có võ công gọi là “Tiên Vị công” chiếm mất chữ “Tiên” rồi, bây giờ chi bằng dùng luôn chữ “Vương”, gọi là “Miêu Vương bộ” thì còn gì hay bằng. Rồi cả ngày tập luyện hơi thành thục. Sáng sớm hôm sau, Cốc Chẩn mới vừa tỉnh lại thì bỗng nghe tiếng dã thú gầm gừ, hắn ngái ngủ chưa hết, mở mắt nhìn ra thì thấy trước động có một con sói hung dữ phục sẵn, chân trước cào cào mặt đất, mắt như bó đuốc, khóe miệng dãi chảy ròng ròng. Cốc Chẩn vô cùng sợ hãi nhảy dựng lên, lúc nhìn lại thì Bắc Lạp Sư Môn cuộn thành một cục đang bám trên gáy con sói thì Cốc Chẩn mới thở phào một hơi. Không ngờ Bắc Lạp Sư Môn bỗng nhiên nhảy xuống, con sói đó phát ra tiếng gầm lớn, như một mũi tên nhảy vọt tới. Cốc Chẩn bỗng gặp đánh lén suýt nữa đã bị trúng vào người, liền vội sử dụng “Miêu Vương bộ” lẻn ra sau lưng con sói, chạy ra ngoài động rồi dùng cả tay lẫn chân leo lên một cây đại thụ. Mới leo lên một nửa thì bỗng cảm thấy lưng bàn tay đau nhói, ngước mắt nhìn lên đã thấy Bắc Lạp Sư Môn đang ở phía trên, móng vuốt cào cào, kêu lên u u. Vuốt mèo tuy nhỏ nhưng lực lại mạnh, mặt Cốc Chẩn bị trúng mấy phát thì mắt mờ cả đi, lập tức rơi từ trên cây xuống. Cốc Chẩn lúc này mới tỉnh ngộ, con sói hung dữ đó chính là Bắc Lạp Sư Môn đem tới để đối phó với mình thì lập tức vừa kinh hãi vừa tức giận, chửi “Mèo quỷ” ầm lên, nhưng chỉ hận có sói dữ tại đó nên không chửi được lâu, chỉ còn cách nghiến răng dùng “Miêu Vương bộ” để tự bảo vệ mình. Một người một sói cứ đuổi nhau vòng tròn, tranh giành sống chết, làm bụi đất bay mù mịt. Ác đấu một lúc thì Cốc Chẩn đợi có sơ hở liền lẻn ra sau lưng con sói, nhào lên như hổ rồi bẻ mạnh, rắc một tiếng đã gãy cổ con sói. Trong rừng yên tĩnh, cành lá khe khẽ rung rinh, ánh mặt trời chiếu xuống đất như rải vàng lá. Cốc Chẩn nằm trên xác con sói, mệt mỏi muốn chết, lại cảm giác từ khi sinh ra đến giờ chưa từng vất vả thế này, nhất thời chỉ cố thở phì phò. Chân tay người ngợm hắn đều bị cào, quần áo cũng rách ra từng mảnh, lộ ra đầy vết cào rách da thấu thịt máu chảy ròng ròng. Hơi thở dần ổn định, Cốc Chẩn bò dậy ngước mắt nhìn thì Bắc Lạp Sư Môn đang nằm trên cây, liếm láp tay chân lông lá đầy vẻ an nhàn. Cốc Chẩn trong lòng rất oán hận, hai tay chống eo cứ “Mèo thối, mèo quỷ” chửi ầm lên. Bắc Lạp Sư Môn cũng không thèm để ý, chỉ nhắm mắt nằm sưởi nắng. Cốc Chẩn chửi một hồi rồi cũng chẳng làm được gì, liền đem tức giận trút lên người con sói, lột da nướng thịt rồi ngoạm rào rào. Trong lòng lại tưởng tượng đó là Bắc Lạp Sư Môn, cứ chửi một tiếng “Mèo quỷ” lại cắn một miếng, cho đến khi no rồi mới hậm hực ngừng lại. Lúc đó nhìn ngó xung quanh lại không thấy Bắc Lạp Sư Môn đâu nữa. Cốc Chẩn còn chưa hết tức giận, thầm tự suy tính: “Con mèo quỷ quái đó thật đáng ghét, xưa nay chỉ có ta lập kế lừa người mà hôm nay lại bị con súc sinh đó lừa, không được, không thể để như vậy được. Nhất định phải tìm cách nào để báo thù.” Còn đang nghiến răng hung dữ thì chợt ngửi thấy một mùi hương lạ, như rượu mà không phải rượu, thấm vào tận gan ruột. Mấy hôm nay Cốc Chẩn chưa được uống rượu, tức thì nuốt nước bọt đưa mắt nhìn qua, thấy Bắc Lạp Sư Môn ngậm một cây linh chi màu tím lặng lẽ đến gần, tới bên chân Cốc Chẩn thì nằm khoanh tròn lại ngủ mất. Cốc Chẩn kinh hãi nghi hoặc, liền cầm cây linh chi màu tím đó lên ngắm nghía, thấy lá linh chi to bằng lòng bàn tay, sáng bóng trong suốt, trên thân cây như có ánh sáng màu tím lưu chuyển. Càng kỳ diệu là cây linh chi màu tím này thơm phưng phức, mùi như rượu ngon khuấy động con sâu rượu trong bụng hắn, liền lập tức cắn một miếng, thấy ngọt như đường, xốp như bơ, vào miệng liền tan ra, trôi xuống bụng hóa thành một luồng hơi ấm tụ lại mà không tan ra. Cốc Chẩn ăn mấy miếng hết sạch, cả người sảng khoái, dư vị còn chưa phai, liếc con Bắc Lạp Sư Môn thì lòng oán giận cũng tiêu tan gần hết, thầm nghĩ: “Coi như con mèo quỷ mày có lương tâm, đem cho ta món ngon, chúng ta tạm thời thanh toán xong.” Vừa nghĩ như vậy thì bỗng cảm giác buồn ngủ dâng lên, mi mắt nặng nề. Cốc Chẩn trong lòng ngạc nhiên, liên tục lắc đầu nhưng sao cũng không thể xua tan cảm giác buồn ngủ. Hắn thông minh biết bao, liền trừng mắt nhìn Bắc Lạp Sư Môn, thấy cái bóng trắng nhỏ bé đó dần dần mờ đi. Cốc Chẩn trong lòng kinh hãi giận dữ, bất giác lẩm nhẩm nói: - Mèo quỷ, mày khá lắm, khá lắm, lại bày kế lừa lão tử… Tiếng chửi còn chưa ra khỏi miệng thì mi mắt đã sụp xuống rồi không biết gì nữa. Giấc ngủ đó không lo không nghĩ, lúc tỉnh lại Cốc Chẩn cảm thấy đầu óc thoải mái, liền lập tức đứng dậy đi lại mấy bước, bỗng cảm thấy miệng vết thương đau nhói. Cúi đầu xuống nhìn thì không biết vì sao vết thương trên người đều đã khép miệng, chỉ còn lại vệt máu mờ mờ. Cốc Chẩn kinh ngạc rồi hiểu rõ đó là công hiệu của cây linh chi màu tím kia, lập tức vô cùng mừng rõ, kêu lên: - Miêu huynh, miêu huynh. Rồi chạy ra khỏi động. Bước chân còn chưa kịp dừng lại thì cây cối rung lên xào xạc rồi hai con sói lớn chui ra, nhe nanh múa vuốt nhào tới. Lòng vui sướng tràn ngập của Cốc Chẩn hóa thành một cục tức giận, không còn cách nào đành phải thi triển “Miêu Vương bộ” chống đỡ. Nhưng lần này có thêm một con sói nữa nên ứng phó nguy hiểm hơn nhiều. Khổ sở chiến đấu một hồi rồi cũng khống chế được hai con sói, ai ngờ Bắc Lạp Sư Môn không cho hắn kịp thở đã lại lần lượt đem đến ngày càng nhiều sói hoang, chó hoang, thậm chí cả báo đốm lớn để đánh với Cốc Chẩn. Cốc Chẩn nếu bị thương thì nó lại ngậm linh chi màu tím đến. Cốc Chẩn ăn xong liền ngủ lăn ra như chết, chỉ là mỗi lần tỉnh lại thì vết thương đã lặn, thể lực cũng hồi phục hơn xa trước đó. Trong rừng kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, vốn là đua tranh võ lực để giành thắng lợi. Cốc Chẩn bình thường thông minh xảo trá nhưng đối mặt với đám mãnh thú này lại chẳng dùng được chỗ nào, chỉ còn cách đem hết dũng khí, sức lực ra để mong toàn mạng. May mà tính hắn thích khiêu chiến, ưu mạo hiểm nên càng đến lúc sống chết thì lại càng kích phát được tiềm lực của bản thân, vì vậy lúc đầu thì tức giận nhưng đánh giết vài lần rồi ngược lại sinh ra vô cùng hứng thú, nhịp điệu thần kỳ trong “Miêu Vương bộ” nắm được cũng ngày càng sâu, chế phục ác thú xong vẫn còn dư sức. Đặc biệt là sau khi ăn linh chi màu tím xong thì ngày càng cảm thấy người khỏe thân nhẹ, tinh lực dâng tràn, nhảy cao hơn, chạy nhanh hơn, múa quyền vung cước đều rất mạnh mẽ. Chỉ khổ cho hổ báo lang sói trong núi này chỉ trong vài ngày ngắn ngủi bị chết không ít. Cho dù không chết thì cũng bị Cốc Chẩn đấm đá cho sưng đầu mờ mắt, cụp đuôi bỏ chạy. Một ngày kia, Cốc Chẩn ra sức hồi lâu rồi cũng đuổi được một con mãnh hổ, thân thể đã cực kỳ mệt mỏi, nhìn quanh không thấy Bắc Lạp Sư Môn đâu thì liền ngồi xuống nhắm mắt nghỉ ngơi. Ngồi được một lúc, bắt đầu buồn ngủ thì trong lòng Cốc Chẩn chợt chấn động. Mấy ngày này hắn phải đối diện tranh đấu với thú hoang nên đã dần dần sinh ra cảm giác linh hoạt khác thường với nguy cơ trong rừng, liền lập tức mở bừng mắt, lại thấy Bắc Lạp Sư Môn đứng cách hơn một trượng, miệng ngậm một cây linh chi màu tím, ánh xanh trong mắt vô cùng âm trầm. - Mèo quỷ. - Cốc Chẩn thở phào một hơi, cười nói - Lại đem tới để ăn à? Còn chưa dứt lời thì tim bỗng đập dồn dập, một cơn ớn lạnh chạy khắp toàn thân. Cốc Chẩn vội quay đầu thì liền nghe một tiếng rít dài nghe như gà con mới nở mà cũng như tiếng xé lụa. Chớp mắt từ trong đám cây cỏ cách mười trượng chui ra một cái đầu rắn to như cái đấu, phía sau là thân rắn uốn éo như nước chảy, cả người toàn vảy tím dài tới bảy trượng. Cốc Chẩn không tin thiện hạ lại có con vật ghê gớm như vậy, cho dù y có trấn tĩnh hơn người cũng không khỏi hai mắt trợn trừng nín thở, mắt thấy con rắn khổng lồ đó thở phì phì, cuộn tròn lại cao tới hai trượng, mắt rắn đỏ ngầu chằm chằm nhìn Bắc Lạp Sư Môn. Bắc Lạp Sư Môn bỗng há miệng, chân trước móc một cái, cây linh chi tím đó bay vọt ra xa. Xùy một tiếng, cái đầu rắn bỗng chớp lên đớp về phía linh chi. Bắc Lạp Sư Môn e ngại đầu rắn quá cao không dễ nhảy lên nên ném cây linh chi tím ra để dụ con rắn khổng lồ đó chúc đầu. Đầu rắn vừa cúi xuống thì nó liền dùng thân pháp kia để nhảy lên đầu rắn, vừa định chụp xuống thì cuồng phong chợt rít lên, đuôi rắn to tướng đã quét nhanh tới. Bắc Lạp Sư Môn còn chưa đứng vững, liền bị lực nặng ngàn cân hất văng ra ra. Nó vẫn rất ghê gớm, lộn người giữa không trung rồi nhẹ nhàng rơi xuống, cong mình lên như cây cung cất tiếng gào sắc nhọn, hai mắt lóe lên hung dữ. Đúng lúc này, con rắn bỗng quay đầu chằm chằm nhìn Cốc Chẩn, lưỡi rắn thò ra thụt vào thở phì phì có vẻ phẫn nộ. Cốc Chẩn tuy không biết con rắn này vì sao lại tìm đến gây sự nhưng nghĩ trong thoáng chốc đã biết là nhất định có liên quan đến Bắc Lạp Sư Môn và linh chi tím, bất giác liền trừng mắt nhìn con mèo lòng thầm chửi mắng. Thì ra linh chi tím mà Cốc Chẩn ăn vốn là một vật quý trong trời đất, đón linh khí của sông núi, tinh hoa của mặt trời mặt trăng, trải qua mấy trăm năm mới thành hình, có thể bổ khí lợi người, nâng cao sức lực, trị những bệnh không thể trị được, chữa những vết thương không thể chữa được. Cũng vì nó thần kỳ mà ngày linh chi thành hình có rất nhiều cầm thú muốn chiếm đoạt, sau một hồi tranh đấu cuối cùng bị con rắn khổng lồ này chiếm lấy. Bắc Lạp Sư Môn cũng là linh thú, vừa đến nơi này liền biết có linh chi tím ở đây, nó liền dựa vào trí khôn tiểu xảo để thừa lúc con rắn này ra ngoài tìm thức ăn để xông vào hái trộm. Con rắn lúc đầu không phát hiện ra, ai ngờ Bắc Lạp Sư Môn tham lam không chán, không chỉ tự mình ăn mà còn lấy về cho người khác. Linh chi tím vốn là vật quý, không đầy mấy ngày đã chẳng còn lại bao nhiêu. Con rắn sau khi biết được thì tức giận vô cùng, không ăn không uống cả ngày ẩn nấp ở gần hang, chờ Bắc Lạp Sư Môn lại đến thì lập tức xông ra. Con rắn sống đã ngàn năm, thông minh vô cùng. Bắc Lạp Sư Môn dùng hết đủ mọi cách vẫn không thắng được, nhưng con mèo này rất ngang ngược, không giành phần hơn thì quyết không ngừng lại, vì vậy đã không thể thắng được thì liền chui vào hang rắn trộm lấy một cây linh chi tím. Con rắn không chịu buông tha, rời khỏi hang một mạch đuổi tới. Cốc Chẩn cũng đã ăn linh chi tím nên có mùi thơm của nó, con rắn ngửi thấy thì tức giận điên cuồng, cái miệng khổng lồ ngoác to lộ ra đôi nanh nọc lớn như trường kiếm rồi bỗng lắc đầu như điện lao tới. Cốc Chẩn vội dùng “Miêu Vương bộ” tránh được một đòn, lắc người nhảy lên cổ rắn hét lớn một tiếng vung quyền định đánh xuống, không ngờ đầu rắn chợt vẫy một cái, khắp người Cốc Chẩn tê buốt, mấy trăm khớp xương như muốn rời cả ra, bay vọt lên không ngã ra mấy trượng. May mà hắn trải qua mấy ngày rèn luyện nên đã nhanh nhẹn hơn nhiều, vừa rơi xuống đất liền lăn đi, tránh khỏi đuôi rắn quét đến. Còn chưa kịp đứng dậy thì miệng rắn lại đớp tới, khí độc gió tanh khiến người ta phát nôn. Trong lúc nguy cấp, Bắc Lạp Sư Môn lắc người nhảy lên lưng rắn, cào mạnh vào người nó, nhưng vảy rắn rất chắc chắn, chỉ lưu lại năm vệt trắng mờ mờ. Có điều so với Cốc Chẩn thì con rắn này e ngại con mèo Ba Tư đó nhiều hơn, lập tức bỏ Cốc Chẩn rồi đầu đuôi cùng quét tới. Bắc Lạp Sư Môn không dám chống đỡ, đành phải nhảy tránh. Hai bên nhanh như gió giật, tranh qua đấu lại. Con rắn khổng lồ vô cùng mạnh mẽ, công thủ linh động, lấy một chọi hai mà vẫn không rơi vào thế yếu. Còn trong ba kẻ này thì Cốc Chẩn là yếu nhất, liên tiếp bị nguy hiểm, bất giác trong lòng chuyển động, thầm nghĩ: “’Binh pháp Tôn Tử’ có nói: ‘người dẫn quân đội hình phải như con rắn, đầu bị đánh thì đuôi cứu, đuôi bị đánh thì đầu cứu, còn bị đánh ở giữa thì cả đầu lẫn đuôi đều cứu.’ Con rắn này nói chung cũng theo kiểu ‘dẫn quân’ như vậy, hợp với xà trận trong binh pháp, đầu đuôi tiếp ứng lẫn nhau khó mà công phá được. Vì vậy việc trước mắt là phải phá xà trận của nó.” Vừa nghĩ như vậy, lại chợt thấy cây linh chi tím kia vẫn ở một bên, con rắn khổng lồ kia đang tập trung vào đối thủ nên không để ý đến được. Lại đảo mắt thấy đằng xa có một cây cổ thụ chọc trời to ba người ôm, cao vượt lên khỏi cánh rừng, có khí thế xuyên mây. Cốc Chẩn lập tức phát động, dùng “Miêu Vương bộ” lướt đến nhặt cây linh chi tím lên rồi chạy thẳng tới cây cổ thụ kia. Con rắn phát ra tiếng phì phì giận dữ rồi trườn nhanh như gió đuổi theo. Không ngờ Bắc Lạp Sư Môn từ bên cạnh đánh lén, con rắn khổng lồ vừa đánh vừa đuổi, đuổi đến dưới cây cổ thụ thì Cốc Chẩn sớm đã leo lên giữa cây. Con rắn cuốn vào thân cây nhanh chóng trườn lên, chớp mắt đã đến sau lưng Cốc Chẩn. Cốc Chẩn đang trèo thì tiếng rắn rít phì phì càng lúc càng gần, gất giác tay chân mềm nhũn không có sức leo trèo nữa. Lúc này bỗng nghe tiếng mèo kêu rồi Bắc Lạp Sư Môn nhảy lên đầu rắn, cào một cái mắt trái con rắn liền đổ máu. Thì ra con rắn này cuốn lấy thân cây, trên thì không tới trời, dưới thì không tới đất nên đầu đuôi không thể giúp đỡ lẫn nhau, xà trận tự nhiên bị phá. Xà trận bị phá thì đã không thể lắc đầu hất rơi đối thủ mà cũng không thể quét đuôi công địch, những chỗ yếu hại đều lộ ra dưới móng vuốt của Bắc Lạp Sư Môn. Lúc này mắt trái của nó bị đánh trúng, nhất thời đau không chịu nổi, đảo ngược thân hình định lùi lại xuống đất thì không ngờ Bắc Lạp Sư Môn bỗng hướng miệng thẳng vào vết thương trên mắt con rắn, thân thể phồng lên to gấp mấy lần, lông dựng đứng lên rồi chuyển về kích cỡ như cũ. Lúc phồng lên lúc thu lại, nó bỗng chốc đã thổi không khí vào trong vết thương của con rắn. Trong nháy mắt trên đầu rắn nổi lên một cái u lớn càng lúc càng phồng to. Con rắn khổng lồ kêu rít không ngừng, thân thể ra sức vặn vẹo có vẻ nhưng đang đau đớn ghê gớm. Cốc Chẩn trông thấy thì âm thầm khen tuyệt. Thì ra con rắn đó sống đã lâu năm, vảy giáp chắc chắn, Bắc Lạp Sư Môn dù có bản lĩnh dứt gân bẻ xương những cũng khó mà làm nó bị thương được. Lần này nó có thể chọc thủng mắt con rắn toàn là vì xà trận bị phá, trong lúc bất ngờ mà thôi. Nếu con rắn nhắm mắt xuống lại mặt đất thì chắc chắn sẽ khó làm nó bị thương tiếp. Không ngờ Bắc Lạp Sư Môn lại chợt xuất quái chiêu, thổi không khí vào miệng vết thương nhỏ bé, lại có thể khiến con rắn này trong chốc lát da thịt rách nát, bị trọng thương như vậy. Nhất thời Bắc Lạp Sư Môn như một cái ống bễ đốt lò, không đợi con rắn trườn xuống cây đã thân thể lúc phồng lúc thu, không ngừng thổi khí vào cơ thể con rắn. Mắt con rắn càng lúc càng sưng lên, nháy mắt đã buông khỏi thân cây nặng nề rơi xuống làm bụi đất tung lên mù mịt. Bắc Lạp Sư Môn được thể thì không buông tha, bất kể con rắn có lăn lộn thế nào nó trước sau vẫn bám chặt đầu rắn, ra sức thổi khí. Thân thể con rắn càng lúc càng phồng to lên, cho dù đã rơi xuống đất vẫn không thể uốn lượn trườn bò như trước nữa, trong cơ thể đau đớn không chịu nổi, hận không thể chết quách cho xong, càng nói gì đến xà trận nữa. Không bao lâu, con rắn đã phồng lên gấp đôi, bụng to như cái trống, mắt muốn lọt ra ngoài. Lúc này Bắc Lạp Sư Môn mới nhảy ra, cuộn lại một bên thở phì phò. Cốc Chẩn lại sợ con rắn trước khi chết cắn lại nên không dám xông tới, qua một giờ không thấy động đây thì mới leo xuống cây, đấm đá thân mình con rắn, nhưng nó chết đã lâu rồi. Cốc Chẩn thở phào một hơi, nhìn con rắn chết bất giác suy nghĩ: mấy ngày qua sống cùng cầm thú, lánh xa trần thế lại có cái vui của người ở ẩn. Có điều oan khuất chưa tẩy được, Lục, Diêu hai người sống chết chưa rõ, đúng là không phải lúc yên vui du ngoạn. Hiện giờ “Miêu Vương bộ” đã có chút thành tựu, lại có con mèo này hỗ trợ, ngay cả rắn độc từ thời thượng cổ mà còn có thể tiêu diệt được thì các loại cường địch có gì mà phải sợ. Nghĩ đến đó, Cốc Chẩn bỗng sinh hào khí, nghỉ ngơi chốc lát rồi đặt Bắc Lạp Sư Môn trên đầu vai rảo bước đi về phía nam. Đi được một đêm, khi bình minh gà báo sáng, Cốc Chẩn đứng trên sườn núi dõi mắt nhìn ra xa, thấy rừng núi tĩnh mịch, mây mờ đan dệt, nhà tranh khói bếp như tranh thủy mặc, trên vòm trời điểm vài ngôi sao sáng, bờ ruộng dọc ngang như bàn cờ, chia đồng bằng thành vô số khối vuông nhỏ, nhìn không thấy bờ bến. Cốc Chẩn mấy ngày rồi mới nhìn thấy cảnh tượng nơi trần tục, trong lòng bỗng sinh cảm giác bùi ngùi: “Thế giới rộng lớn này chẳng phải là một bàn cờ khổng lồ, bao nhiêu chúng sinh trong đó chẳng qua là những con cờ của tạo hóa, để mặc cho ông trời sắp đặt…” Nghĩ đến đó thì lại xoay chuyển ý tưởng: “Tạo hóa thì sao nào? Vận mệnh của Cốc Chẩn ta chỉ nằm trong tay của chính mình, cứ không cho ông trời sắp đặt đấy.” Hắn nghĩ đến đó thì buông tiếng cười dài, tiếng cười đi xa vang vọng trong dãy núi sau lưng. Sau khi xuống núi, Cốc Chẩn sờ mó quanh người chẳng có lấy một xu, thì ra sau khi bị bắt thì những vật bên người đều bị Bạch Tương Dao lấy mất. May mà hắn sớm có phòng bị, đem ngọc tỷ truyền quốc và chiếc nhẫn Tài thần giấu ở chỗ khác nên mới thoát được. Liền hỏi đường, được biết Đồng Thành ở không xa, bất giác thầm nghi: “Mấy năm nay Triệu Thủ Chân, Giang Thuyền Chi, Diêu Trung Hành ở Đồng Thành kẻ nào cũng rất giàu có, lão từ nếu không làm tiền bọn chúng thì còn gì là nghĩa khí nữa.” Nghĩ vậy thì ha ha cười lớn rồi cất bước, không bao lâu đã vào Đồng Thành, hỏi rõ đường rồi đến cửa hàng lụa “Chân Tự” ở phía đông thành. Cửa hàng này là do nhà giàu nhất ở Đồng Thành là Triệu Thủ Chân mở ra, từ tơ sống đến hàng thêu cái gì cũng có mua đi bán lại, các hộ nuôi tằm dệt lụa quanh phạm vi mấy trăm dặm đều biết đến danh tiếng của Triệu đại quan nhân. Lúc này trước cửa đông như chợ, người buôn bán ra vào tấp nập, rơi vào mắt Cốc Chẩn thì đám người buôn bán đó rõ ràng không phải là người mà là từng cục vàng lớn lăn lộc cộc vào trong cửa hàng. Cốc Chẩn đứng một bên nhìn, trong lòng vô cùng mãn nguyện. Đúng một lúc rồi Cốc Chẩn tiến vào, trước cửa sớm đã có người làm thuê trông thấy. Chúng thấy hắn quần áo rách nát thì lập tức cản lại, nói: - Đồ ăn mày, làm gì vậy? - Còn làm gì nữa? - Cốc Chẩn cười nói - Tất nhiên là mua gấm mua lụa rồi. Tên người làm đó nghi ngờ, nhìn Cốc Chẩn rồi nói: - Cửa hàng này chỉ mua bán lớn, các món hàng dưới một trăm cân tơ sống hay năm mươi súc lụa thì không làm. Nếu muốn mua vải lụa làm quần áo mũ giày thì khuyên ngươi đi thẳng theo phố này rồi chuyển qua góc phố, nhà thứ ba bên trái chính là một cửa hàng quần áo đấy. Cốc Chẩn thấy tên người làm đó có vẻ bợ đỡ thì cười cười, nói: - Mắt chó nhìn người, ngươi làm sao biết được ông nội đây không mua bán lớn? Chỉ sợ là ta mua được mà ngươi không bán được thôi. Tên người làm đó hừ mũi một tiếng, bộ dạng lười biếng không thèm để ý nữa. Cốc Chẩn nhìn hắn rồi đi thẳng vào. Tên người làm đưa tay ra cản lại, Cốc Chẩn lắc người một cái thì tên người làm chặn vào không khí. Cốc Chẩn đã đến sau lưng hắn, rảo bước xuyên qua đám người rồi tới ngồi lên quầy hàng, gọi: - Chưởng quỷ, chưởng quỹ. Cả phòng đều kinh hãi, một đám chưởng quỹ, người làm chửi mắng ầm ĩ rồi đồng loạt xông lên. Cốc Chẩn gác một chân đầy bùn đất lên mặt quầy, cao giọng gọi: - Sao nào, chỗ này là cửa hàng bán gấm vóc hay là võ quán để đánh người? Mọi người đều ngẩn ra, chưởng quỹ thì rẽ đám người tiến đến nói: - Các hạ muốn mua gấm vóc ư? Cốc Chẩn cười nói: - Không sai, trước hết mua năm vạn súc lụa để lau chân. Chưởng quỹ đó mặt lộ sắc giận, hét lên: - Ngươi vô lễ quá vậy? Đừng nói cửa hàng này không có năm vạn súc lụa trữ sẵn mà cho dù có thì cũng là gì có chuyện bán cho ngươi lau chân. - Tóm lại là kinh doanh nhỏ xíu. - Cốc Chẩn cười nói - Cũng được, vậy không làm khó ngươi nữa. Thế này đi, ta mua một súc lụa, ngươi nhất định phải bán cho ta nhé. Chưởng quỹ đó không nhẫn nại được đành nói: - Được rồi, được rồi, người làm, cho hắn một cuộn rồi đánh đuổi hắn ra khỏi cửa. Quả thật có người làm cầm một súc lụa màu đến, Cốc Chẩn nhìn cũng không thèm nhìn, ném sang một bên, cười nói: - Đánh đuổi kẻ ăn mày ư? Lụa mà ông đây muốn mua không giống như kẻ khác đâu. Chưởng quỹ đó thấy quần áo hắn rách rưới nhưng ngôn ngữ cử chỉ lại không như loại phàm tục thì hơi cảm thấy kỳ quái, nói: - Có gì không giống? Cốc Chẩn nói: - Súc lụa mà ta cần dài năm trượng, rộng bốn thước, nặng nửa lạng, cửa hàng của ngươi có không? Chưởng quỹ hơi biến sắc mặt, ánh mắt lấp lóe một lúc rồi lắc đầu nói: - Làm gì có loại lụa dài năm trượng rộng bốn thước. Dù có thì cũng phải nặng một cân, nếu nói nặng nửa lạng thì cửa hàng này kém cỏi, không có loại bảo bối đó. Cốc Chẩn cười cười nói: - Ngươi không có nhưng Triệu Thủ Chân có đấy. Chưởng quỹ lại biến sắc mặt, ngần ngừ nói: - Xin hỏi túc hạ là… Cốc Chẩn cười nói: - Ngươi không cần biết ta là ai, chỉ cần bảo Triệu Thủ Chân là có người đòi lấy “Thiên Tôn cẩm” của hắn, nếu không đưa ra thì phải đưa hai vạn lượng bạc ra. Chưởng quỹ đó lòng phập phồng, hết sức ngờ vực. Thì ra Triệu Thủ Chân quả thật có một tấm lụa “Thiên Tôn cẩm” dài năm trượng, rộng bốn thước, chất liệu tơ đặc biệt nặng không tới nửa lượng, dệt rất tinh vi khéo léo. Triệu Thủ Chân coi như là vật báu giữ nhà, người biết đến nó rất ít, người này lại ngang nhiên đến đòi lấy thì hoặc là kẻ thù, hoặc chính là bằng hữu rất quen thuộc của Triệu Thủ Chân. Hắn lập tức không dám sơ suất, đành nói: - Túc hạ nếu không báo thân phận thì tôi làm sao báo lại với chủ nhân được? Cốc Chẩn cười nói: - Ngươi chỉ cần nói với hắn là có ông nội đến đây. Chưởng quỹ hơi giật mình, ánh mắt có vẻ giận dữ nhưng hắn từng trải đã nhiều, không biết thực lực của Cốc Chẩn thì cũng không dám làm loạn, liền tìm một tên người làm nhắn lại hai câu. Tên người làm chạy đi rồi, Cốc Chẩn vẫn gác chân trên quầy cười hi hi ha ha. Trong ngoài cửa hàng mọi người đều thấp hơn hắn một cái đầu, giống như là trên mặt quầy có thờ một pho tượng bồ tát để mọi người ngắm nhìn vậy. Cốc Chẩn quấy nhiễu một trận thì lòng nghịch ngơm cũng giảm sút, đang cảm thấy buồn chán thì bỗng thấy ngoài cửa có ba người tiến vào, già trẻ khác nhau. Ba người thấy Cốc Chẩn ngồi trên mặt quầy thì cũng kinh ngạc, hơi nhíu mày rồi người đi đầu gọi: - Chủ cửa hàng, bán cho ta sáu mươi súc lụa loại tốt. Cốc Chẩn tinh mắt, ba người vừa đến thì đã nhìn thấy trên eo lưng bọn họ đều thêu ba đường chỉ bạc, chính là hình quẻ “Kiền” trong tiên thiên bát quái. Cốc Chẩn nhận ra hình đó là tiêu chỉ của Thiên bộ trong Tây Thành, đã là đệ tử của Tây Thành thì từ người đứng đầu trở xuống chia thành vàng bạc tím xanh bốn cấp. Ba người này thêu chỉ màu bạc thì địa vị không nhỏ, xuất hiện ở đây tất là có mục đích. Trong lúc suy nghĩ thì chưởng quỹ đã mang lụa đến, ba tên đệ tử Thiên bộ kia trả tiền rồi đem lụa đặt lên xe ngựa chạy đi. Cốc Chẩn trong lòng hiếu kỳ: “Thiên bộ từ lão Trầm què trở xuống chẳng có kẻ nào tốt cả. Lén lén lút lút thế này chắc cũng chẳng có việc gì tốt đẹp.” Nghĩ rồi nhảy xuống khỏi quầy đi ra ngoài cửa, bỗng thấy một người phi ngựa như bay tới, nhìn thấy hắn liền cao giọng gọi: - Cốc gia, Cốc gia. Cốc Chẩn cười nói: - Ông mà còn kêu như thế, chỉ sợ con gái yêu không vui lắm đâu. Thì ra người kia giọng không chuẩn, chữ Cốc lại đọc không cao nên nghe ra như “Cô gia” (Con rể) vậy. Người kia dở khóc dở cười, nhảy xuống ngựa mắng: - Con người của ngươi thật đúng là kẻ cướp trời sinh ra, đã đòi vật báu, ngân lượng của ta, bây giờ lại còn có ý lấy cả con gái ta nữa. Đáng tiếc là ý định đó hỏng rồi, Triệu mỗ sinh liền ba đứa con đều là con trai. Nói rồi ha ha cười lớn. Chưởng quỹ người làm trong cửa hàng đều từ trong nhà chạy ra hành lễ với người này. Người đó chính là chủ nhân của cửa hàng vải gấm, Triệu Thủ Chân. Cốc Chẩn khẽ cười, nói: - Vật báu, ngân lượng tạm thời đừng nói vội, trước hết mượn con ngựa quý của ông dùng một lát. Nói rồi đoạt lấy dây cương, tung người nhảy lên ngựa cười nói: - Hai vạn lượng bạc tạm ghi lại đó đã, đợi ta đi đằng này một chút rồi quay lại lấy nhé. Triệu Thủ Chân trợn mắt há miệng, định lên tiếng hỏi thì Cốc Chẩn sớm đã vung roi quất ngựa, nhanh hơn tên bay, như một làn khói nhẹ vọt ra khỏi cửa, thấy đằng xa cỗ xe ngựa kia đang chạy gấp. Cốc Chẩn đi theo đằng xa, được khoảng năm chục dặm thì xe ngựa dừng lại ven đường. Hai bên đường cây tùng xanh biếc, rừng cây rậm rạp, trước rừng có khoảng hai, ba mươi đệ tử Thiên bộ tụ tập, người dẫn đầu chính là Trầm Tú. Hắn đầy vẻ trang nghiêm, mũ áo thong dong, chắc là chân bị thương chưa khỏi nên tay trái cầm gậy, tay phải phe phẩy một cái quạt lông, chỉ trỏ trái phải nói năng gì đó. Cốc Chẩn từ xa đã xuống ngựa, lẩn vào trong rừng, thấy vậy thì xì khẽ một tiếng, thầm mắng chửi: “Con rùa đen nhỏ đó toàn học ông già rùa đen của hắn, quạy lông chít khăn coi mình là Gia Cát Khổng Minh ư?” Rồi lại nghĩ: “Thằng cha này trước nay không chịu yên thân, lần này triệu tập người trong bộ không biết là có âm mưu gì.” Còn chưa nghĩ hết thì bỗng thấy một đệ tử Thiên bộ nhanh như ngựa phi chạy theo đường cái đến trước mặt Trầm Tú rồi nói mấy câu. Trầm Tú xua tay, đệ tử Thiên bộ liền tản vào rừng tùng hai bên đường. Lập tức đường lớn trống trơn chẳng còn một ai. Cốc Chẩn đang ngạc nhiên thì bỗng nghe tiếng nhạc ngựa vang lên. Hắn đưa mắt nhìn ra thì đằng xa có một đoàn người ngựa, trong đó xe ngựa phủ gấm rực rỡ, hai nam tử đánh xe đều là đệ tử Đông Đảo. Thi Diệu Diệu, Cốc Bình Nhi đều cưỡi ngựa trắng đi hai bên bảo vệ xe ngựa. Cốc Chẩn lập tức hiểu ra, Trầm Tú phục sẵn ở đây tất là nhằm vào đoàn người của Đông Đảo đó. Nhìn tình hình thì đám người Thi Diệu Diệu hoàn toàn không phát hiện ra. Vừa nghĩ như vậy, trong lòng Cốc Chẩn liền hết sức nóng nảy, thầm nghĩ nếu ra mặt cảnh báo thì chẳng khác gì tự chui vào rọ, còn nếu viết thư cảnh báo thì thời gian không cho phép. Tuy nói Thi Diệu Diệu vô tình, Cốc Bình Nhi vô nghĩa nhưng muốn hắn mở to mắt nhìn hai người rơi vào cạm bẫy của Trầm Tú thì hoàn toàn không nỡ. Mắt thấy xe ngựa đến gần, Cốc Chẩn chợt đem Bắc Lạp Sư Môn đặt sang một bên, khẽ giọng nói: - Mèo quỷ, nấp ở đây, không được chui ra nhé. Con mèo nhìn hắn rồi cuộn tròn trong đám cỏ, díp mắt ngủ luôn. Cốc Chẩn thấy nó nghe lời thì thở phào một tiếng rồi bỗng nhảy xuống ruộng nước bên cạnh, lăn một cái để cả người toàn là bùn đất, rồi lại xõa tung đầu tóc cho dính bết lên mặt, sau đó chạy tọt ra giữa đường khóc òa lên, vừa khóc vừa lăn lộn, bụi cát bám đầy càng bẩn thỉu khó nhận ra. Đám người Đông Đảo cả kinh, một đệ tử Đông Đảo quát lên: - Đồ ăn mày thối tha, ngươi điên rồi à? Cốc Chẩn đầu tóc rối bù, cả người bùn đất giống như một tên ăn mày thấp kém, nghe tiếng mắng chửi thì lại khóc lóc lăn lộn, từ phải sáng trái rồi lại từ trái sang phải, trước sau vẫn chặn đường không cho người của Đông Đảo đi qua. Tên đệ tử kia rất tức giận, nhảy xuống ngựa vung roi định quất xuống thì bỗng nghe Thi Diệu Diệu nói: - Dừng tay. Rồi cô tung người nhảy xuống ngựa, nhìn ngó Cốc Chẩn nhíu mày nói: - Ngươi khóc gì vậy? Trong giọng nói đầy vẻ thương xót. Cốc Chẩn nghe vậy thì trong lòng ấm lại, giả vẻ điên cuồng gào lên: - Ta không sống nữa, ta không sống nữa. Thi Diệu Diệu ngạc nhiên nói: - Đang yên đang lành, sao ngươi lại không muốn sống nữa? Cốc Chẩn nói: - Cha mẹ ta chết rồi, vợ và người nhà cũng bỏ đi, em gái không cho ta cơm ăn, đuổi ta đi, ta không sống nữa, không muốn sống nữa… Nói rồi lại khóc lên hu hu. Lúc đầu chỉ là làm trò nhưng ai ngờ trận khóc đó lại khơi ra tâm sự, khiến hắn nhớ lại những khổ sở đã phải trải qua trong mấy năm vừa rồi, bất giác tự thương xót chính mình nên thật sự nước mắt như suối khóc ầm lên đau buồn. Thi Diệu Diệu nghe mà xót xa, thở dài rồi lấy ra một khối bạc đưa vào tay Cốc Chẩn, dịu dàng nói: - Nam tử hán đại trượng phu sao có thể dễ dàng nói đến cái chết được. Ngoan nào, đừng khóc nữa. Cốc Chẩn tay trái cầm bạc, tay phải xì mũi, ngừng khóc nói vẻ ngây ngô: - Tỷ tỷ, cái này sáng óng ánh, nhà tôi cũng có, có thể đổi được nhiều hoa quả bánh kẹo ăn… Thi Diệu Diệu thấy hắn ngớ ngớ ngẩn ngẩn thì không khỏi bật cười. Lại nghe Cốc Bình Nhi cười nhạt nói: - Người này rõ ràng là một tên ngốc. Thảo nào mất cả vợ, còn bị em gái đuổi ra khỏi nhà. Hừ, nếu hắn mà cũng tính là nam tử hán đại trượng phu thì ta phải là Ngọc Hoàng đại đế, Như Lai Phật Tổ. Thi Diệu Diệu nghe vậy đầy lòng khó chịu, quay người lại nói: - Bình Nhi, hắn đáng thương như vậy, cô lại còn cười hắn nữa sao? Cốc Bình Nhi bĩu môi nói: - Tự hắn ngớ ngẩn, trách được ai? Chị Diệu Diệu, chị tốt bụng, chứ đổi lại là em á, trước hết tát cho hắn mấy cái để hắn tỉnh ra. Thi Diệu Diệu trong lòng hơi tức giận, cao giọng nói: - Bình Nhi, trong lòng cô tức giận thì đổ lên mình ta là được, tại sao lại trút lên đầu người lạ? Cốc Bình Nhi đang cười bỗng trầm mặt, cao giọng nói: - Đúng vậy, tôi tức giận thì sao chứ? Hừ, anh ấy, anh ấy mà có việc gì thì tôi có làm quỷ cũng không tha cho chị… Thi Diệu Diệu trừng mắt nhìn cô, mặt trắng bệch, môi run lên, hàng lông mi dài bỗng rung rung rồi ứa ra hai giọt lệ. Bỗng nghe trên xe có nữ tử dịu dàng nói: - Được rồi, được rồi, có gì mà tranh giành chứ, nhân lúc còn sớm lên đường tìm người còn hơn. Cốc Bình Nhi vẫn tức giận nói: - Đi đường nào bây giờ? Tìm mất ba bốn ngày mà ngay cả bóng người cũng chẳng thấy… Nói đến đó thì cổ họng nghẹn lại, cũng rơi nước mắt. Bạch Tương Dao vén rèm xe, đỡ Cốc Bình Nhi xuống ngựa ôm vào lòng rồi khẽ thở dài nói: - Có lẽ hắn chạy vào sâu trong núi, sợ có người đuổi theo nên không dám đi ra… Cốc Bình Nhi được bà ta dỗ dành thì lại càng khóc to hơn, phục trên vai Bạch Tương Dao người run lên, nghẹn ngào nói: - Trong núi, trong núi bao nhiêu thú hoang như thế, anh ấy không có bản lĩnh… Thi Diệu Diệu nghe vậy trong lòng chua xót, bỗng tức giận nói: - Loại người đó à, bị thú hoang ăn thịt cũng đáng đời… Cốc Bình Nhi quay đầu lại hung dữ trừng mắt nhìn cô. Thi Diệu Diệu cũng không chịu lùi bước, bốn mắt nhìn nhau như có lửa tóe ra. Bạch Tương Dao hơi lộ nụ cười nhạt, thở dài nói: - Bình Nhi, đừng tức giận nữa, chúng ta lại tìm thêm một ngày, nếu vẫn không tìm ra thì cũng là ý trời thôi, con cũng đừng trách ai nữa. Thi Diệu Diệu nghe vậy thì buồn rầu cúi đầu xuống. Cốc Bình Nhi lại trợn mắt nhìn mẹ, mày liễu nhướng lên, môi nhỏ bĩu ra vẻ mặt rất bướng bỉnh. Bỗng nghe một tên đệ tử Đông Đảo tức giận nói: - Đồ ăn mày thối tha, cầm bạc rồi còn không mau lăn đi. Cốc Chẩn nói: - Được. Rồi lại lăn qua lăn lại, vẫn chặn đường đi. Tên đệ tử kia giận dữ nói: - Bảo ngươi lăn đi cơ mà. Cốc Chẩn nói: - Đó chẳng phải là lăn ư? Tên đệ tử Đông Đảo đó tức giận đến mặt trắng bệch, quát lên: - Ai bảo ngươi lăn như thế? Bảo ngươi lăn sang một bên, nhường đường cho ông đây. Cốc Chẩn dừng lại, cười hi hi nói: - Ngươi muốn đến rừng cây đằng kia phải không? Ngươi cũng đến đó chơi giấu trốn tìm với mèo à? Tên đệ tử đó lại càng tức giận, chửi: - Trốn tìm cái ông nội ngươi… Cốc Chẩn cười nói: - Ông nội ta trốn bên dưới một đống đất tròn tròn, ngươi mà cũng trốn ở đó thì chẳng ai tìm ra đâu. Tên đệ tử Đông Đảo nhíu mày nói: - Đống đất tròn tròn cái gì? Một tên đệ tử khác cười nói: - Dương Thanh, đó là tên ngốc này rủa ngươi chết đấy, đống đất tròn tròn chính là nấm mộ, ông nội hắn chết rồi mà. Ngươi trốn phía dưới đống đất tròn tròn, ha ha, hay thật, hay thật… Dương Thanh thẹn quá hóa giận, giơ chân định đá thì Thi Diệu Diệu bỗng đưa tay ra kéo vai hắn lại. Dương Thanh cả người cứng đờ, chân ở trên không nhưng không đá ra nổi. Thi Diệu Diệu nói với Cốc Chẩn: - Vị đại ca này, ngươi tránh đường đi, bọn ta phải đi qua. Cốc Chẩn nói: - Cô cũng chơi trốn tìm với mèo ư? Thi Diệu Diệu thấy hắn quấy rầy không buông thì có hơi khó chịu, nhíu mày nói: - Chúng ta không trốn mèo, người đừng có nhảm nhí. Cốc Chẩn ối chà một tiếng, nói: - Các ngươi không chơi thì qua đó làm gì? Nhưng người đằng đó đang trốn hay lắm, các ngươi mà tới đó thì họ không trốn được nữa rồi. Đám đệ tử chẳng hiểu gì cả, nhưng mẹ con Bạch Tương Dao thì lại đầy cơ mưu, nghe vậy thì đều run lên. Cốc Bình Nhi lau nước mắt, mỉm cười nói: - Vị ngốc… ừm, đại ca này, ngươi nói phía trước có người chơi trốn tìm, trông bộ dạng thế nào… Còn chưa dứt lời thì Cốc Chẩn lại sợ cô ta đến gần sẽ nhìn ra sơ hở nên cố ý giả điên, lại lăn lăn lộn lộn khóc khóc kêu kêu. Cốc Bình Nhi hỏi liền mấy câu cũng chẳng biết thêm được gì, trong lòng hơi tức giận liền quay đầu lại trao đổi ánh mắt với Bạch Tương Dao rồi chợt cao giọng nói: - Phía trước là các vị đồng đạo phương nào, cớ gì phải giấu đầu lộ đuôi. Nếu có gan dạ thì sao không ra đây gặp mặt. Người của Thiên bộ nhẫn nại không ra, phía trước vẫn một dải im lặng. Cốc Bình Nhi khẽ cười nhạt, lại lớn tiếng nói: - Mẹ, có câu rằng: “gặp rừng chớ đi vào”, phía trước có cánh rừng to như vậy thật là khiếp quá, chi bằng chúng ta đi vòng qua… Còn chưa dứt lời, bỗng nghe Trầm Tú ha ha cười rồi người của Thiên bộ từ trong rừng chạy tới, vải lụa cũng thi nhau được trải ra đủ loại màu sắc, rực rỡ chói mắt trong ánh mặt trời. Người của Đông Đảo đồng thời biến sắc, Cốc Bình Nhi trông thấy Trầm Tú thì liền nhớ đến “Ngũ Cốc Thông Minh tán”, lập tức nhếch mép cười: - Ối, lại là ngươi à? Trầm Tú thấy cô ta da dẻ trắng như tuyết, dáng vẻ quyến rũ thì trong lòng ngứa ngáy: “Ta gặp vô số nữ tử nhưng cô gái lẳng lơ thế này thì thật ít thấy. Diêu sư muội cũng tính là một người đẹp, nhưng nói đến chữ “quyến rũ” thì con bé này còn hơn một bậc.” Hắn lập tức phe phẩy quạt, cười nói: - Tiểu tử Trầm Tú, hổ thẹn là thiếu chủ của Thiên bộ. Cốc phu nhân và tiểu thư quốc sắc thiên hương, tiểu tử rất ngưỡng mộ, chỉ hận phúc duyên kém cỏi, chẳng thể thân cận. Hiện giờ theo lệnh của cha đến gặp hai vị, may mà trời cao có lòng, không để lỡ mất cơ hội. Mong Cốc phu nhân và tiểu thư chịu nán lại vài ngày để tiểu tử thỏa lòng khao khát. Giọng điệu hắn lẳng lơ, trong ngôn từ ẩn chứa sự tục tĩu, Cốc Bình Nhi đang cười chợt ngừng lại, ánh mắt thấu ra vẻ lạnh lẽo. Bạch Tương Dao thì lại cười cười, mặt mày tươi tỉnh, liếc mắt đưa tình khiến cho Trầm Tú thần hồn bay bổng. Bỗng nghe bà ta cười nói: - Trầm Chu Hư là cha ngươi ư? Trầm Tú vội cười nói: - Chính là gia phụ. Bạch Tương Dao gật đầu nói: - Từ lâu đã nghe lão Trầm què làm việc gì cũng bất chấp thủ đoạn, lão không làm khó được Thần Thông liền bảo ngươi tới gây khó dễ cho đám phụ nữ bọn ta để làm loạn tinh thần của ông ấy phải không? Trầm Tú cười hi hi, không thừa nhận cũng chẳng phản đối, rồi đưa mắt sang, bỗng thấy Thi Diệu Diệu ánh mắt lạnh nhạt, tay mân mê hai con cá chép bạc thì liền cười nói: - “Thiên Lân” của Thi cô nương cho dù lợi hai nhưng ít khó chống lại được nhiều, tốt nhất là không nên làm bừa. Thi Diệu Diệu hừ một tiếng, bỗng giơ tay lên, đầy trời mưa bạc bắn về phía Trầm Tú. Trầm Tú cười cười phe phẩy quạt lông, bên cạnh liền bước ra hai tên đệ tử Thiên bộ giơ vải lụa lên, kết thành một cái màn lớn trên không trung. Vảy bạc bắn lên màn liền lách cách rụng xuống. Trầm Tú vẫy quạt cười nói: - Mềm có thể khắc chế được cứng, Thi cô nương không biết điều đó ư? Thi Diệu Diệu mặt hoa hơi biến sắc, giơ tay lên thì bốn con cá chẹp bạc biến thành mưa bắn ra. Trong nháy mắt bốn tên đệ tử Thiên bộ xông lên, vải lụa trong tay bay ra phấp phới, ai ngờ còn chưa đứng vững thì ánh bạc đã biến mất, hai tên đệ tử thất thanh kêu thảm, vứt tấm vải ngã lăn ra đất. Thì ra vảy lên đến không trung thì Thi Diệu Diệu liền vận kình lực từ trường, vô số vảy bạc liền biến đổi, vòng qua vài lụa. Những tên đệ tử Thiên bộ giăng vải không kịp phòng bị nên thua thiệt lớn. Trầm Tú chợt trầm mặt, cao giọng nói: - Bố trí tốt trận thế, không được khinh địch. Người của Thiên bộ đồng thanh vâng dạ rồi tản ra. Thi Diệu Diệu thấy người người đan xen vào nhau, ngầm theo nguyên lý của tiên thiên bát quái, rõ ràng là một loại trận pháp kỳ môn thì lập tức trong lòng ớn lạnh, cầm chặt sáu con cá chép bạc rồi giơ tay lên, vảy bạc liền phủ khắp trời. Người của Thiên bộ theo tiếng quát tháo của Trầm Tú, lúc tiến lúc lùi, lúc nhảy lên cao lúc lăn tới trước, thi nhau dùng vải lụa để chống đỡ cho đồng bọn. Thuật “Thiên Lân” cho dù biến ảo quỷ dị nhưng đối phương che đỡ kín mít, vảy bạc cho dù có vượt qua được một lần vải thì những lần vải phía trong vẫn kịp bổ sung. Lực đạo của “Thiên Lân” tuy mạnh nhưng cũng không thể xuyên qua hết được. Thi Diệu Diệu mấy lần ra tay vô ích thì nắm chặt cá chẹp bạc bất giác trán toát mồ hôi, mắt nhìn vải gấm bay lượn từ từ ép đến. - Thi cô nương cớ gì phải gắng sức quá? - Trầm Tú cười nói - Trận “Thiên Cơ Vân Cẩm” này là cha tôi đặc biệt sáng tạo ra để đối phó với “Thiên Lân” đó. Chỉ đáng tiếc là trận pháp tuy xong nhưng thuật “Thiên Lân” không có người có tài nối dõi. Nhớ năm xưa hai họ Thi, Vương lớp lớp xuất hiện nhân tài, trong một đời cũng có không dưới mười cao thủ phát được “mười cá chép”, lúc đó vạn vảy bạc cùng bắn ra hùng tráng biết bao. Đáng tiếc là Vạn thành chủ hai lần tấn công, cao thủ Thiên Lân đã chết gần hết. Thi Hạo Nhiên vừa chết thì chỉ còn lại một cô gái nhỏ phát được “sáu cá chép” này mà thôi. Hắn cố ý lên tiếng để làm loạn tâm thần Thi Diệu Diệu. Thi Diệu Diệu thì lại nhếch mép im lặng, lắng nghe được chỗ Trầm Tú lên tiếng liền đột ngột phi thân nhảy lên, vung tay phát ra “sáu cá chép”. Vải lụa thi nhau phất tới, nhưng lần này Thi Diệu Diệu đã dồn sức để phát ra nên sức mạnh kinh người, tiếng loạt soạt vang lên đã xuyên thủng hai lần vải rồi mới chậm lại, đinh đinh rơi xuống trước mặt Trầm Tú. Trầm Tú toát mồ hôi lạnh khắp người, bèn lùi lại mấy bước rồi cười nhạt nói: - Thi cô nương thật có bản lĩnh, đáng tiếc là “Cung cứng hết đà không thể xuyên nổi lụa mỏng”, hơn nữa cô nương bắn liên tục như vậy chỉ sợ cá chép bạc trong giỏ cũng chẳng còn nhiều. Thi Diệu Diệu phất tay áo hạ xuống đất, mặt lạnh như băng khẽ vuốt tóc mây rồi lạnh nhạt nói: - Dương Thanh, Trịnh Tự Nhiên. Hai đệ tử Đông Đảo đồng thanh vâng dạ. Thi Diệu Diệu nói: - Hai người các ngươi hộ tống phu nhân và tiểu thư đi trước đi. Hai người đều kinh hãi, cùng nói: - Thi tôn chủ. Thi Diệu Diệu nói: - Việc này liên quan đến thinh suy của đảo chúng ta, không được chống lệnh. Giọng điệu cô tuy ôn hòa bình tĩnh nhưng tự có một vẻ uy nghiêm khiến người ta không thể chống cự được. Dương, Trịnh hai người nghiến chặt răng lộ vẻ đau bồn phẫn nộ. Cốc Bình Nhi bỗng cười nhạt, nói: - Chị Diệu Diệu, chị đứng có coi thường người khác. Rồi đột ngột lao tới, ném ra hai cây “Vô Tướng trùy”, lại thừa lúc đệ tử Thiên bộ di chuyển trận để chặn ám khí thì lao đến gần lụa gấm, tay trái có ánh sáng trắng chớp lên, xoạt một tiếng đã có một tấm lụa đứt thành hai đoạn. Trầm Tú cả kinh, định thần nhìn qua thì chỉ thấy trong tay Cốc Bình Nhi có một thanh đoản kiếm khí lạnh ùn ùn, nặng nề như nước, chính là một thanh bảo kiếm thì biết rằng nếu để cô cứ làm như vậy tất sẽ cắt cho trận “Thiên Cẩm” này rách nát tả tơi chẳng còn bộ dạng gì. Hắn liền lập tức tung mình lên, ẩn sau một tấm lụa vung tay bắn ra một đám tơ bạc. Cốc Bình Nhi tuy gan dạ có thừa nhưng kinh nghiệm trên giang hồ lại ít ỏi, gặp phải nguy hiểm thì không đủ khả năng ứng biến. Tuy cô tức giận xông vào trận “Thiên Cơ Vân Cẩm” nhưng nhìn lụa bay bốn phía màu sắc rối tinh thì bất giác không dám nhìn nữa, tâm thần cũng vì vậy mà hơi rối loạn. Đám tơ bạc đó lại không tiếng động bắn tới, Cốc Bình Nhi không cẩn thận nên lập tức bị giữ lại, tâm thần càng hoảng loạn liền vung kiếm múa lên. Thanh đoản kiếm trong tay cô tên là “Phân Triều” có thể cắt sóng chặt gió, sắc bén vô cùng, chỉ múa một cái đã chặt đứt mấy chục sợi tơ tằm. Trầm Tú không để cô tiếp tục vung kiếm, lại bắn “Thiên La” ra giữ chặt tay cô, kéo một cái làm đoản kiếm của Cốc Bình Nhi rơi mất. Trước mắt tơ bạc di động, đạo “Thiên La” thứ ba như gió chụp tới cuốn lấy cô tầng tầng lớp lớp. Cốc Bình Nhi vừa kinh hãi vừa tức giận, ra sức giãy giụa nhưng không ngờ cái lưới đó càng giãy càng chặt. Trầm Tú ha ha cười lớn, vừa định tiến lên bắt sống thì trước mắt ánh bạc loáng lên. Trầm Tú cả kinh thả Thiên La ra rồi vội lùi lại, đệ tử bên cạnh phản ứng rất nhanh, vải lụa quét tới, soạt soạt mấy tiếng đã chặn được mấy trăm cái vảy bạc. Thi Diệu Diệu đẩy lùi Trầm Tú rồi cúi người xuống đỡ Cốc Bình Nhi lên. Cốc Bình Nhi chết đuối vớ được cọc thì mừng rỡ vô cùng, kêu lên “Chị Diệu Diệu” rồi khóc ầm lên. Thi Diệu Diệu thấy mặt cô đầy nước mắt thì vừa giận vừa thương, nhìn ra thì thấy vải gấm rợp trời, bóng dáng nhấp nhô như mặt nước dập dềnh, biển khơi cuộn sóng thì biết rõ nếu mình ở ngoài trận, dựa vào “Thiên Lân” để tấn công từ xa chưa chắc đã thất bại, nhưng lúc này đã ở trong trận thì chẳng khác gì tự đưa đầu vào rọ, uy lực của “Thiên Lân” càng khó phát huy. Trầm Tú cũng biết điều đó nên hi hi cười nói: - Thi cô nương, bây giờ cô đã kẹt sâu trong trận, cánh gãy khó bay, nếu không đầu hàng thì còn đợi đến lúc nào nữa. Thi Diệu Diệu không nói nửa lời, ngưng thần tìm chỗ hắn ẩn nấp, nhưng Trầm Tú rất tinh quái, dùng thuật “Lưu Âm” để âm thanh lúc trái lúc phải khó mà tìm được. Đúng lúc cô đang nóng ruột thì gió mạnh nổi lên, vải lụa hai bên như hai bức tường mềm cuồn cuộn ép tới. Thi Diệu Diệu nhẹ nhàng quát lên một tiếng rồi ném ra sáu con cá chép bạc, sau màn vải phía bên trái vang tiếng kêu rồi có người bị thương, tốc độ liền chậm lại, nhưng màn vải bên phải vẫn như mây đổ trời sập nặng nề ép tới. Thi Diệu Diệu biết nếu bị chụp lấy thì mọi việc coi như xong, liền kéo Cốc Bình Nhi phi thân lùi lại, không ngờ lại có hai bức màn lụa từ sau lưng chặn lại. Thi Diệu Diệu quát khẽ một tiếng, vung chưởng đánh trúng tấm lụa, nhưng lại cảm thấy vô cùng mềm mại như có một luồng kình lực đẩy chưởng kình của cô ra. Thi Diệu Diệu cả kinh, thầm kêu lên: “Chu Lưu Thiên kình?” Chu Lưu Thiên kình là gốc rễ thần thông của Thiên bộ, không phải lông tóc của chim, tơ tằm hay tơ nhện thì không thể truyền tải được. Số vải lụa này vốn đều dùng tơ tằm để dệt thành, người sử dụng lại là đệ tử Thiên bộ. “Chu Lưu Thiên kình” tu luyện đến chỗ tinh thâm có thể dồn vào vải lụa, liền biến mấy chục tấm vải đó hóa thành những tấm “Thiên La” mềm mại vô cùng, thảo nào với sự sắc nhọn của “Thiên Lân” mà cũng khó phá được. Thi Diệu Diệu biết điều này thì lòng hơi rối loạn, thầm nghĩ Cốc Bình Nhi nếu có kiếm “Phân Triều” trong tay thì còn có thể đánh một trận, nhưng bây giờ lại bị Trầm Tú đoạt lấy rồi, đúng là đã có tuyết lại còn sương. Hai cô gái xông trái xuyên phải đều bị lụa gấm đẩy lùi, không bao lâu thì đã toát đầy mồ hôi, hơi thở phì phò, màu sắc chuyển động xung quanh lại càng bay lượn biến đổi nhiều hơn. Trong lúc càng ngày càng ép tới thì lại nghe Trầm Tú cười nói: - Hai vị cô nương đẹp như tiên nữ, ta vừa thấy đã đem lòng thương tiếc, cớ gì phải hồ đồ không chịu cảm hóa. Nếu có gì nguy hiểm, làm bị thương đến thân thể ngà ngọc của hai vị thì Trầm mỗ chẳng phải sẽ đau lòng ư… Hắn trong lòng đắc ý, một mặt chỉ huy bao vây, một mặt buông lời phóng túng để làm loạn tâm thần hai người. Thi Diệu Diệu quả nhiên trúng kế, càng nghe càng tức giận, đột ngột nhảy lên nhắm phía có tiếng nói xông đến. Hơi không lưu tâm một chút, Trầm Tú nhằm đúng chỗ sơ hở phát ra “Thiên La”, Thi Diệu Diệu tránh né không được, cổ chân liền bị cuốn lấy. Còn chưa kịp vùng ra thì trước mắt bỗng tối sầm, vải lụa chụp xuống cuốn chặt lấy cô. Nhất thời vải lụa tách ra, chỉ thấy Trầm Tú chằm vhằm nhìn mình, hi hi cười nói: - Thi cô nương, may mà được gặp, may mà được gặp. Nói rồi đưa tay ra vuốt má cô. Thi Diệu Diệu hết sức tức giận, nhổ một bãi nước bọt thẳng vào mặt hắn. Trầm Tú tránh qua rồi cười nói: - Cô nương không cho ta vuốt thì ta lại cứ muốn vuốt đấy. Nói rồi cố ý chầm chậm đưa tay qua, hai mắt không chớp, chằm chằm nhìn Thi Diệu Diệu. Thi Diệu Diệu nhìn bàn tay thối tha đó thì cực kỳ hổ thẹn giận dữ, mắt tối sầm lại. Trầm Tú thấy vẻ mặt cô thì lại càng đắc ý, đang định ra tay dâm ô thì một lão già áo thêu chỉ vàng đứng bên cạnh bỗng nói: - Tú thiếu chủ, bộ chủ lệnh cho chúng ta bắt lấy vợ con Cốc Thần Thông chứ không bảo làm gì khác. Trầm Tú cau mày lại, ánh mắt có vẻ tức giận, liếc lão già đó rồi lại nhìn các đệ tử còn lại, thấy đa số có vẻ không bằng lòng thì lập tức đảo mắt, cười cười đứng dậy nói: - Ngô trưởng lão, ta đùa Thi cô nương thôi mà. Nói rồi quay người lại cười hi hi nói: - Cốc phu nhân, chỉ còn bà thôi đấy. Thi Diệu Diệu nghe vậy thì kinh hãi, đưa mắt nhìn qua đã thấy Cốc Bình Nhi cũng bị mấy tấm lụa cuốn lại như cái bánh chưng, thấy cô nhìn sang thì rơi lệ nói: - Chị Diệu Diệu, đều là tại em hại chị rồi. Thi Diệu Diệu thấy cô tự trách thì bất giác cười khổ, thầm nghĩ: “Lúc này nói những lời đó có tác dụng gì chứ, chỉ sợ là rơi vào tay đám người độc ác này thì muốn chết cũng khó giữ được trong sạch…” Trong đầu chợt lướt qua khuôn mặt của Cốc Chẩn, ngực liền nhói đau, hai hàng nước mắt lăn xuống má. Hai đệ tử Đông Đảo võ công tuy cao nhưng so với Thi Diệu Diệu vẫn kém hơn không chỉ một bậc, lúc này bất giác đưa mắt nhìn nhau, đều có lòng liều chết. Bọn chúng liền rút đao kiếm ra bảo vệ hai bên Bạch Tương Dao. Bạch Tương Dao lắc lắc đầu, nói: - Dương Thanh, Trịnh Tự Nhiên, bỏ vũ khí xuống đi. Hai người ngẩn ra, hết sức khó hiểu nhưng cũng không dám chống lệnh, choang choang hai tiếng đều ném đao kiếm xuống đất. Trầm Tú cũng rất ngạc nhiên, cười nói: - Cốc phu nhân muốn tự ra tay ư? Hay lắm, hay lắm, Trầm mỗ đang muốn lĩnh giáo đây. Bạch Tương Dao khẽ cười, lắc đầu nói: - Nói gì vậy, Trầm công tử ít tuổi đẹp trai, nô gia là một nữ tử yếu đuối, sao dám lấy trứng chọi đá, mạo phạm oai hùm. Mọi người lại càng ngơ ngác, Trầm Tú cười nói: - Tiểu tử ngu ngốc, xin phu nhân nói rõ ra đi. Bạch Tương Dao nói: - Còn cần nói nữa ư? Việc đã đến bước này thì nô gia cũng chỉ có cách để tùy Trầm công tử xử lý thôi. Trong lúc nói ánh mắt lưu chuyển như sóng nước dạt dào. Trầm Tú trông thấy vậy trong lòng ngứa ngáy, nghe câu “tùy Trầm công tử xử lý” thì thân thể lại như nhẹ thêm mấy cân, liền ha ha cười nói: - Phu nhân quả thật là lớn hơn mấy tuổi hiểu biết thời thế cũng tốt hơn. Bạch Tương Dao khẽ cười, nói: - Nô gia tuy là tùy ngài xử lý nhưng có một lời cần nói, Trầm công tử có muốn nghe không? Trầm Tú cười nói: - Xin mời, xin mời. Bạch Tương Dao thu lại nét cười, từ từ nói: - Chồng ta tính tình rất không tốt, nếu đám đàn bà con gái chúng ta phải chịu uất ức thì chỉ sợ Thiên bộ bị tiêu diệt, Tây Thành xóa sổ mà Trầm công tử muốn chết được toàn thây e rằng cũng không dễ dàng đâu. Vẻ mặt bà ta dịu dàng, giọng nói ôn hòa nhưng không biết vì sao mà ý tứ trong lời nói lại khiến tim Trầm Tú nhảy dựng lên, liền gượng cười nói: - Phu nhân quá lời rồi, Cốc đảo vương oai chấn thiên hạ, tiểu tử xưa nay vẫn kinh trọng, chỉ mong phu nhân và tiểu thư không làm khó tiểu tử chứ tiểu tử đâu dám khiến các vị chịu nửa điểm uất ức. Bạch Tương Dao gật gật đầu, nói: - Đã như vậy thì ta cùng công tử đến gặp Trầm Chu Hư là được. Dương Thanh, Trịnh Tự Nhiên nghe vậy đều kinh hãi, thất thanh kêu lên: - Phu nhân. Bạch Tương Dao lắc đầu nói: - Tình thế trước mắt chúng ta yếu hơn, nếu tranh đấu thì chỉ có chết oan. Hai người các ngươi mau mau rời khỏi đây, báo cho đảo vương biết. Thần Thông sẽ tự có quyết định. Dương, Trịnh hai người đều lộ vẻ đau buồn tức giận, đứng yên không động đậy. Mắt Bạch Tương Dao bỗng lóe lên lạnh lẽo, quát: - Còn không chạy mau đi? Hai người nước mắt như mưa, song song vái chào rồi quay người bỏ chạy. Trầm Tú có ý truyền tin ra ngoài để làm Đông Đảo khiếp sợ nên chỉ mỉm cười để chúng bỏ đi không hề cản trở.